Đề thi vào lớp 10 chuyên văn tỉnh Nam Định

Đề thi văn 9
SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

ĐỀ CHÍNH THỨC

 

NAM ĐỊNH

ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN

Năm học 2016 – 2017

Môn: NGỮ VĂN (chuyên)

 

Thời gian làm bài:150 phút.

(Đề thi gồm: 02 trang)

 

Phần I: Đọc – hiểu (4.0 điểm)

 Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

NGƯỜI ĂN XIN

            Một người ăn xin đã già. Đôi mắt ông đỏ hoe, nước mắt ông giàn giụa, đôi môi tái nhợt, quần áo tả tơi. Ông chìa tay xin tôi.

            Tôi lục hết túi nọ đến túi kia, không có lấy một đồng xu, không có cả khăn tay, chẳng có gì hết. Ông vẫn đợi tôi. Tôi chẳng biết làm thế nào. Bàn tay tôi run run nắm chặt lấy bàn tay run rẩy của ông:

            – Xin ông đừng giận cháu! Cháu không có gì cho ông cả.

            Ông nhìn tôi chăm chăm, đôi môi nở nụ cười:

            – Cháu ơi, cảm ơn cháu! Như vậy là cháu đã cho lão rồi.

            – Khi ấy tôi chợt hiểu ra: cả tôi nữa, tôi cũng vừa nhận được một cái gì đó của ông.

( Theo Tuốc-ghê-nhép. SGK Ngữ Văn 9; tập I)

Câu 1 (0.5 điểm). Truyện kể bằng ngôi thứ mấy? Ý nghĩa của ngôi kể đó với việc thể hiện nội dung?

Câu 2 (0.5 điểm). Sự xuất hiện liên tiếp các từ ngữ được gạch chân trong truyện trên có ý nghĩa gì?

Câu 3 (0.5 điểm). Vì sao ông lão ăn xin ở câu chuyện trên vẫn nở một nụ cười ngay cả khi nhân vật tôi “không có gì cho ông cả”?

Câu 4 (0.5 điểm). Truyện ngắn đặc sắc ở sự hàm súc, chỉ ra sự hàm súc của truyện trên.

Câu 5 (2.0 điểm). Từ câu chuyện trên, em hãy viết một đoạn văn  nghị luận với chủ đề “Hạnh phúc không chỉ là tiền bạc” (khoảng một trang giấy thi).

Phần II: Làm văn (6.0 điểm)

            Văn chương từ xưa tới nay luôn khao khát khám phá, thể hiện chân thực, sâu sắc thế giới nội tâm phong phú của con người với những cách nói đặc sắc.

Cảm nhận hai đoạn trích sau để làm sáng tỏ vấn đề trên trên. Từ đó, có thể rút ra bài học gì cho việc sáng tạo văn học?

Đoạn trích 1.

 “Buồn trông cửa bể chiều hôm,

                                                                                                Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa?

                                                                                                            Buồn trông ngọn nước mới sa,

                                                                                                Hoa trôi man mác biết là về đâu?

                                                                                                            Buồn trông nội cỏ rầu rầu,

                                                                                                Chân mây mặt đất một màu xanh xanh.

                                                                                                            Buồn trông gió cuốn mặt duềnh,

                                                                                                Ầm ầm tiếng sóng kêu quanh ghế ngồi”.

(Trích: Kiều ở lầu Ngưng Bích. SGK Ngữ Văn 9; tập I)

Đoạn trích 2.

            Sáng hôm sau, bà con bên nội, bên ngoại đến rất đông. Cả con bé cũng theo ngoại nó về. Anh Sáu phải lo tiếp khách, anh như không chú ý đến con nữa. Còn chị Sáu thì lo chuẩn bị đồ đạc cho chồng, chị lo xếp từng chiếc áo, gói ghém đồ đạc vụn vặt vào cái túi nhỏ, chị cứ lúi húi bên chiếc ba lô. Con bé như bị bỏ rơi, lúc đứng vào góc nhà, lúc đứng tựa cửa và cứ nhìn mọi người đang vây quanh ba nó. Vẻ mặt của nó có cái gì hơi khác, nó không bướng bỉnh hay nhăn mày cau có nữa, vẻ mặt nó sầm lại buồn rầu, cái vẻ buồn trên gương mặt ngây thơ của con bé trông rất dễ thương. Với đôi mi dài uốn cong, và như không bao giờ chớp, đôi mắt nó như to hơn, cái nhìn của nó không ngơ ngác, không lạ lùng, nó nhìn với vẻ nghĩ ngợi sâu xa.

            Đến lúc chia tay, mang ba lô lên vai, sau khi bắt tay hết mọi người, anh Sáu mới đưa mắt nhìn con, thấy nó đứng trong góc nhà.

            Chắc anh cũng muốn ôm con, hôn con, nhưng hình như cũng lại sợ nó giẫy lên lại bỏ chạy, nên anh chỉ đứng nhìn nó. Anh nhìn với đôi mắt trìu mến lẫn buồn rầu. Tôi thấy đôi mắt mênh mông của con bé bỗng xôn xao.

            – Thôi! Ba đi nghe con! – Anh Sáu khe khẽ nói.

            Chúng tôi, mọi người – kể cả anh, đều tưởng con bé sẽ đứng yên đó thôi. Nhưng thật lạ lùng, đến lúc ấy, tình cha con như bỗng nổi dậy trong người nó, trong lúc không ai ngờ đến thì nó bỗng kêu thét lên:

            – Ba…a…a…ba!

             Tiếng kêu của nó như tiếng xé, xé sự im lặng và xé cả ruột gan mọi người, nghe thật xót xa. Đó là tiếng “ba” mà nó cố đè nén trong bao nhiêu năm nay, tiếng “ba” như vỡ tung ra từ đáy lòng nó, nó vừa kêu vừa chạy xô tới, nhanh như một con sóc, nó chạy thót lên và dang hai tay ôm chặt lấy cổ ba nó. Tôi thấy làn tóc tơ sau ót nó như dựng đứng lên.

            Nó vừa ôm chặt lấy cổ ba nó vừa nói trong tiếng khóc:

            – Ba! Không cho ba đi nữa! Ba ở nhà với con!

            Ba nó bế nó lên. Nó hôn ba nó cùng khắp. Nó hôn tóc, hôn cổ, hôn vai và hôn cả vết thẹo dài bên má của ba nó nữa.”.

(Trích: Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng. SGK Ngữ Văn 9; tập I)

 

——–HẾT———

Họ và tên thí sinh:……………………………..

Số báo danh:…………………………………..

Họ tên, chữ ký GT 1:……………………………

Họ tên, chữ ký GT 2:…………………………….

 

SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO

NAM ĐỊNH

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI TUYỂN SINH LỚP 10 TRƯỜNG THPT CHUYÊN

Năm học: 2016 – 2017

Môn: NGỮ VĂN (chuyên)

 

(Hướng dẫn chấm gồm: 03 trang)

 

 

Phần I. Đọc – hiểu (4.0 điểm)

Câu 1. Trả lời:

–  Truyện kể ở ngôi thứ nhất/Thứ nhất (0.25 điểm)

–  Ý nghĩa với việc diễn tả nội dung: làm cho nội dung được kể một cách chân thực… (0.25 điểm)

Câu 2.  Ý nghĩa:

–  Nói được hoàn cảnh thiếu thốn của  nhân vật “tôi”

– Thể hiện tâm trạng băn khoăn, bối rối pha lẫn ân hận của nhân vật “tôi”

– Tạo nhịp điệu, giọng kể dồn dập, cảm xúc

Chú ý: Học sinh trả lời được 1 trong 3 ý trên cho 0,25 điểm; trả lời được 2 hoặc 3 ý trên đều cho 0,5 điểm

Câu 3. Ông lão vẫn nở nụ cười vì:

– Ông đã nhận được niềm đồng cảm, sẻ chia chân tình từ nhân vật “tôi”. (0.25 điểm)

– Nụ cười còn thể hiện niềm cảm thông của chính người ăn xin với nhân vật “tôi”… (0.25 điểm)

Câu 4. Chỉ ra sự hàm súc của truyện:

– Hình thức của truyện rất ngắn gọn:  Dung lượng câu chữ, nhân vật ít; cốt truyện giản đơn – ít sự kiện, diễn tiến nhanh gọn… (0.25 điểm)

– Nội dung tư tưởng sâu sắc: Nói được sâu sắc về lòng nhân ái, cách ứng xử đầy chất nhân văn của con người… (0.25 điểm)

Chú ý:

– Mức đầy đủ (0.5 điểm):  Học sinh trả lời đúng hai ý trên 

– Mức không đầy đủ (0.25 điểm): Nêu được 2 ý nhưng dừng ở mức khái quát về cả 2 mặt (nội dung sâu sắc; hình thức ngắn gọn) mà không có biểu hiện cụ thể  hoặc nêu những biểu hiện cụ thể ở cả hai mặt nhưng không biết khái quát thành hai mặt (nội dung sâu sắc, hình thức ngắn gọn)… 

– Mức không đạt (0.0 điểm):  Chỉ nêu đúng 1 trong 2 ý trên thì không cho điểm (vì sự hàm súc của truyện phải căn cứ vào tương quan giữa nội dung và hình thức nghệ thuật ). Nêu không đúng…

Câu 6.

 Chú ý:

 Học sinh cần biết bám sát nội dung văn bản truyện để xác định đúng vấn đề nghị luận;lập ý, lí giải đúng hướng (tránh bàn chung chung); có dẫn chứng hợp lí; diễn đạt rõ ràng, có cảm xúc mới cho điểm tối đa. Không trình bày thành đoạn văn trừ 0,25 điểm.

Sau đây là định hướng về kết cấu, thao tác và nội dung kiến thức cần lập luận:

– Xác định vấn đề nghị luận (0.5 điểm): Hạnh phúc là cảm xúc sung sướng, hân hoan khi được thoả mãn những nhu cầu vật chất, tinh thần… “Tiền bạc” được hiểu là giá trị của cải, vật chất. Câu chuyện trên cho thấy: ngay cả khi người ta không có gì để cho nhau ngoài tình thương yêu thì họ vẫn có cảm giác sung sướng, tin vui như nhận được một cái gì đó -> Như vậy, hạnh phúc không chỉ là tiền bạc; không chỉ có tiền bạc mới làm nên hạnh phúc như mọi người hay nghĩ. Hạnh phúc còn là những những thứ khác, đặc biệt là lòng nhân ái, sự quan tâm đồng cảm, giúp đỡ, cách ứng xử tử tế giữa con người với con người.

– Lí giải cụ thể (1.0 điểm): Lòng nhân ái, sự đồng cảm, cách đối xử tử tế, trân trọng sẽ đem đến hạnh phúc cho con người vì :

+  Giúp gắn kết con người, con người thân thiện, gần gũi chân tình với nhau hơn (xa thành gần, lạ thành quen…); cuộc đời vì thế mà tốt đẹp hơn…(VD) (0.5 điểm)

+ Đem đến niềm vui sống cho con người: niềm vui của người cho đi, của người nhận được, niềm vui khi chúng ta được quan tâm giúp đỡ, được trân trọng và niềm vui khi được sống một cuộc cuộc sống có ý nghĩa… (VD) (0.5 điểm)

– Rút ra nhận thức, hành động cho bản thân (0.5 điểm):

+ Không chỉ có tiền của mới hạnh phúc, ngược lại chúng ta có thể tạo lập hạnh phúc từ chính lòng nhân ái và sự tử tế của bản thân.

+ Không phủ nhận tiền bạc góp phần làm nên hạnh phúc, nhưng cần phê phán lối sống quá đề cao tiền bạc mà đánh mất lòng nhân ái, quên đi những giá trị tinh thần cao đẹp …

Phần II. Làm văn (6.0 điểm)

* Yêu cầu: Học sinh biết làm bài nghị luận văn học cảm nhận văn bản để làm sáng tỏ một vấn đề văn học: Kết cấu hợp lí, ý sáng, diễn đạt có chất văn…      

                        Định hướng kiến thức và kết cấu bài làm:

  1. Giới thiệu được vấn đề (0.5 điểm)
  2. Giải thích (0.5 điểm)

– “Thế giới nội tâm” là thế giới tinh thần bên trong tâm hồn của con người. Một thế giới phong phú của tình cảm, cảm xúc, tâm trạng…Cách nói đặc sắc” là cách thể hiện sáng tạo, độc đáo, hấp dẫn giúp nhà văn khám phá và thể hiện chân thực sâu sắc nhất thế giới tâm hồn ấy…

– Vấn đề đặt ra từ nhận định: Văn chương muôn thuở luôn rất quan tâm tới việc khám phá, thể hiện chân thực, sâu sắc đời sống nội tâm phong phú của con người, và luôn cố gắng thể hiện đời sống nội tâm ấy bằng những hình thức độc đáo, những cách nói đặc sắc.

  1. Cảm nhận hai đoạn trích để làm sáng tỏ vấn đề (4.5 điểm)

3.1. Cảm nhận đoạn trích trong Truyện Kiều ( 2.0 điểm)

3.1.1. Nội tâm Thuý Kiều được gợi tả chân thực, sâu sắc, cảm động (1.25 điểm)

–  Hoàn cảnh éo le nảy sinh tâm trạng: Bị giam lỏng ở  lầu Ngưng Bích, bơ vơ nơi đất khách quê người; cô đơn tủi sầu, nhớ thương da diết người yêu và cha mẹ mà không thể trở về được nên Thuý Kiều chỉ biết chìm trong tâm trạng sầu khổ…(0.25 điểm)

–  Tâm hồn Thuý Kiều là cả một thế giới với bao nhiêu cảm xúc, nỗi niềm: Nỗi sầu buồn cô đơn trông ngóng vô vọng; nỗi xót xa, ngậm ngùi cho số phận mỏng manh, lênh đênh vô định; cảm giác rợn ngợp trống vắng; tâm trạng hoang mang, lo lắng …Tất cả đều được miêu tả chân thực, sống động, cảm động. (1.0 điểm)

3.1.2 Nguyễn Du gợi tả chân thực, sâu sắc nội tâm nàng Kiều bằng cách nói đặc sắc (0.75 điểm)

+ Sử dụng nghệ thuật tả cảnh ngụ tình đạt tới mức điêu luyện mẫu mực, hiếm có (ngoại cảnh là tâm cảnh: thời gian, không gian, thiên nhiên tạo vật, hình ảnh âm thanh đều thấm đẫm hồn người – tình trong cảnh ấy, cảnh trong tình này)

+ Ngôn từ tinh tế gợi cảm: Hệ thống từ láy tượng hình, tượng thanh phong phú; biện pháp điệp, dùng câu hỏi tu từ…

+ Thể thơ lục bát của dân tộc uyển chuyển, tinh tế hơn qua ngòi bút Nguyễn Du; giọng cảm thương ngậm ngùi…

3.2. Cảm nhận đoạn trích  trong Chiếc lược ngà (2.0 điểm)

3.2.1. Nguyễn Quang Sáng đã tập trung miêu tả chân thực, xúc động nội tâm cha con ông Sáu ( 1.5 điểm)

– Hoàn cảnh éo le nảy sinh tâm trạng: Khi ông Sáu về phép, bé Thu không nhận ra cha nên kiên quyết chối từ. Lúc cha con nhận ra nhau thì chính là lúc chia li…(0.25 điểm)

– Tâm trạng và tình cảm sâu nặng của bé Thu được miêu tả sâu sắc: Dằn vặt, tủi thân, đau khổ khi đứng riêng ra một góc nhìn cha chia tay mọi người. Bùng nổ mãnh liệt khi cất tiếng gọi “ba”. Khát khao níu giữ cha: quặp chặt lấy ba, hôn cùng khắp gương mặt, hôn vết thẹo trong tình yêu thương kính trọng và nỗi ân hận. ( 1.0 điểm)

– Tâm trạng và tình cảm của người cha: Phải dồn nén tình cảm, trìu mến xen lẫn buồn rầu…(0.25 điểm)

3.2.2  Những thế giới nội tâm ấy được thể hiện qua nghệ thuật kể chuyện đặc sắc (0.5 điểm)

+ Xây dựng tình huống xúc động, bất ngờ

+ Miêu tả ngoại hình để gợi tả nội tâm

+ Sáng tạo những chi tiết đắt, giàu sức gợi

+ Kết hợp giữa kể và bình khắc sâu…

3.3. Khái quát (0, 5 điểm)

– Từ Nguyễn Du đến Nguyễn Quang Sáng – từ Truyện Kiều đến Chiếc lược ngà, từ trung đại đến hiện đại …văn học vẫn không nguôi khát khao khám phá sâu hơn thế giới nội tâm con người -> Cho ta hiểu ngày một sâu hơn tâm hồn con người

– Nguyễn Du, Nguyễn Quang Sáng cũng như rất nhiều các nhà văn khác đã thực sự tài năng khi khám phá được sâu sắc nội tâm nhân vật bằng những cách nói riêng, đặc sắc. Sự khác nhau trong cách thể hiện của hai tác giả này cũng là một minh chứng sinh động những sáng tạo riêng của người nghệ sĩ trên con đường khám phá nội tâm con người.

(Khuyến khích những học sinh biết so sánh, liên hệ mở rộng)

Chú ý:

+ Ở phần cảm nhận làm sáng tỏ trên đây có điểm cụ thể để giáo viên ước lượng .Trên thực tế học sinh có thể làm lồng giữa các phần với nhau. Người chấm định lượng và cho điểm.

+ Học sinh cần phải cảm nhận cụ thể vào văn bản. Tất cả các trường hợp cảm nhận sơ sài, chỉ ghi ý, ý không rõ đều không cho điểm tối đa ở mỗi phần.

  1. Những bài học với việc sáng tạo văn học (0.5 điểm)

– Sáng tạo văn học phải luôn quan tâm phản ánh sâu sắc nội tâm con người: nội tâm con người luôn có sức hấp dẫn đặc biệt với người cầm bút. Việc thể hiện sâu sắc nội tâm con người là thước đo, tài năng và thành công của nhà văn, phẩm chất và giá trị của tác phẩm.

– Cần phải không ngừng sáng tạo những cách nói đặc sắc, mới mẻ để có thể đi sâu khám phá và thể hiện nội tâm con người một cách hấp dẫn.

– Muốn nói được một cách sâu sắc nội tâm con người thì tình cảm và tài năng sáng tạo của người nghệ sĩ vẫn là điểm mấu chốt…

Chú ý: Học sinh nói được sát hợp các ý trên cho (0.5 điểm). Học sinh nói được 1 ý cho (0,25 điểm).  Học sinh nêu chung chung cho (0.25 điểm).

 

Lưu ý chung: Giáo viên căn cứ toàn bài làm văn  để cho điểm, tránh đếm ý cho điểm; cho điểm bài làm văn lẻ đến 0,25.

……………………………………….HẾT………………………………………………..

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *