Đề thi tuyển sinh vào 10 môn Văn Phú Yên 2017

Đề thi văn 9

 


SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 

ĐỀ CHÍNH THỨC

TỈNH PHÚ YÊN

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT

 NĂM HỌC 2016-2017

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề

Đề thi có 02 trang

   

Câu 1. (3,0 điểm)

          Đọc đoạn trích sau và trả lời các câu hỏi bên dưới:

“…Anh bước vội vàng với những bước dài, rồi dừng lại kêu to:

          – Thu! Con.

          Vừa lúc ấy, tôi đã đến gần anh. Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh. Anh vừa bước, vừa khom người đưa tay đón chờ con. Nghe gọi, con bé giật mình, tròn mắt nhìn. Nó ngơ ngác, lạ lùng. Còn anh, anh không ghìm nổi xúc động. Mỗi lần bị xúc động, vết thẹo dài bên má phải lại đỏ ửng lên, giần giật, trông rất dễ sợ. Với vẻ mặt xúc động ấy và hai tay vẫn đưa về phía trước, anh chầm chậm bước tới, giọng lặp bặp run run:

          – Ba đây con!

          – Ba đây con!

          Con bé thấy lạ quá, nó chớp mắt nhìn tôi như muốn hỏi đó là ai, mặt nó bỗng tái đi, rồi vụt chạy và kêu thét lên: “Má! Má!”. Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy…

                                      (Trích Chiếc lược ngà – Nguyễn Quang Sáng,

                             Ngữ văn 9, Tập một, NXB Giáo dục, 2005, tr. 195-196)

 

a) (0,5 điểm) Xác định hai phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.

b) (0,5 điểm) Tìm và gọi tên thành phần biệt lập trong câu văn “Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh “.

c) (1,0 điểm) Chỉ ra những từ ngữ thể hiện thái độ, hành động của bé Thu khi người đàn ông xưng “ba” gọi và bước lại gần. Lí giải vì sao bé Thu lại có thái độ, hành động như thế?

d) (1,0 điểm) Phát hiện và phân tích hiệu quả nghệ thuật của biện pháp tu từ trong câu văn “Còn anh, anh đứng sững lại đó, nhìn theo con, nỗi đau đớn khiến mặt anh sầm lại trông thật đáng thương và hai tay buông xuống như bị gãy”.

                                                              

Câu 2. (3,0 điểm)                                      

          Điều kì diệu của trái tim.

Câu 3. (4,0 điểm)

Cảm nhận của em về đoạn thơ sau:

“…Ta làm con chim hót

                             Ta làm một cành hoa

                             Ta nhập vào hoà ca

                             Một nốt trầm xao xuyến.

 

Một mùa xuân nho nhỏ

Lặng lẽ dâng cho đời

Dù là tuổi hai mươi

Dù là khi tóc bạc… 

(Trích Mùa xuân nho nhỏ – Thanh Hải,

Ngữ văn 9, Tập hai, NXB Giáo dục, 2005,  tr.56)

 

—– Hết —–

 

    Thí sinh không sử dụng tài liệu. Giám thị không giải thích gì thêm.

 

 

Họ và tên thí sinh:……………………………….……….Số báo danh:………….…………………………….

Chữ kí của giám thị 1: …………………………….…Chữ kí của giám thị 2: ……………………………


   SỞ GIÁO DỤC VÀ ĐÀO TẠO 

ĐỀ CHÍNH THỨC

TỈNH PHÚ YÊN

KỲ THI TUYỂN SINH LỚP 10 THPT

 NĂM HỌC 2016 – 2017

Môn: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian giao đề

   KỲ THI TUYỂN SINH THPT, NĂM HỌC 2015-2016

Môn thi: NGỮ VĂN (chung)

Thừi

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

(Bản Hướng dẫn chấm gồm có 03 trang)

Hướng dẫn chung

– Giám khảo cần nắm vững yêu cầu của Hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh cách chấm đếm ý cho điểm.

– Do đặc trưng của bộ môn Ngữ văn nên giám khảo cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng Hướng dẫn chấm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc và sáng tạo.

– Việc chi tiết hoá điểm số của các ý (nếu có) phải đảm bảo không sai lệch với tổng điểm của mỗi ý và được thống nhất trong Hội đồng chấm.

– Điểm của toàn bài thi vẫn được giữ nguyên, không làm tròn số.

Hướng dẫn chấm cụ thể

Câu 1. (3,0 điểm)

            * Yêu cầu về kĩ năng

– Thí sinh có kĩ năng đọc hiểu văn bản.

– Diễn đạt rõ ràng, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

* Yêu cầu về kiến thức

a) (0,5 điểm)

Hai phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: tự sự và miêu tả (trả lời đúng mỗi phương thức biểu đạt được 0,25 điểm).

b) (0,5 điểm )

Từ chắc trong câu “Với lòng mong nhớ của anh, chắc anh nghĩ rằng, con anh sẽ chạy xô vào lòng anh, sẽ ôm chặt lấy cổ anh ” là thành phần biệt lập (chỉ thái độ tin cậy cao). Đây là thành phần tình thái.

c) (1,0 điểm)

– Từ ngữ chỉ thái độ, hành động của bé Thu: giật mình, tròn mắt nhìn, ngơ ngác, lạ lùng, lạ, chớp mắt nhìn, muốn hỏi, mặt nó tái đi, vụt chạy, kêu thét…(0,5 điểm)

            – Lí giải: bé Thu có thái độ, hành động như vậy (ngờ vực, sợ hãi, lảng tránh) là vì bé Thu không nhận ra người đàn ông đang đứng trước mặt là ba của mình (khuôn mặt người đàn ông đang đứng trước mặt bé Thu có “vết thẹo dài”, “đỏ ửng”, “trông rất dễ sợ”, không giống trong hình ba chụp với má ngày trước). (0,5 điểm)

         d) (1,0 điểm)

– Biện pháp tu từ so sánh: hai tay buông xuống như bị gãy. (0,5 điểm)

– Tác dụng: cực tả nỗi đau đớn tột cùng của người cha khi đứa con gái thương yêu lâu ngày không gặp gỡ lại ngờ vực, sợ hãi, lảng tránh không chịu nhận ba của mình. (0,5 điểm)

 

Câu 2. (3,0 điểm)

a) Yêu cầu về kĩ năng

– Xây dựng một bài văn nghị luận xã hội về một tư tưởng, đạo lí.

– Bố cục bài viết rõ ràng, lập luận chặt chẽ, mạch lạc, dẫn chứng phong phú, tiêu biểu, hành văn trong sáng, có cảm xúc, thuyết phục, có nét riêng. Không mắc lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu.

b) Yêu cầu về kiến thức  

Học sinh được tự do trình bày những suy tư của riêng mình và có thể kết cấu bài làm theo nhiều cách khác nhau miễn là các ý đưa ra lập luận chặt chẽ, có cơ sở và có sức thuyết phục người đọc. Dưới đây là một số gợi ý, không áp đặt đối với những bài làm có cách hiểu khác nhưng hợp lí và thuyết phục.

   – Giải thích:

+ Trái tim, xét về mặt sinh học, là một bộ phận trung tâm của hệ tuần hoàn, có chức năng vận chuyển máu trong cơ thể để duy trì sự sống cho con người; xét về mặt tình cảm, là biểu tượng của tình yêu, cũng là nơi chất chứa bao xúc cảm yêu thương, giận hờn, rung động, vui buồn, lòng nhân ái, sự sẻ chia đồng cảm… giữa con người với con người trong cuộc sống.

+ Điều kì diệu của trái tim là có thể làm nên những điều tuyệt vời, vừa lạ lùng không cắt nghĩa nổi, vừa làm cho người ta phải ngưỡng mộ, ngợi ca.

– Bàn luận:

+ Trái tim – duy chỉ có một  hình hài nhưng đã làm nên biết bao điều kì diệu: đem đến cho con người tình yêu thương, trân trọng, cảm thông, sẻ chia, trách nhiệm…; xoa dịu nỗi đau, hận thù để gieo mầm hạnh phúc; thắp lên những khát khao, đam mê, nhiệt huyết, tiếp thêm cho con người sức mạnh để đối đầu với những bão giông của cuộc đời…(dẫn chứng).

+ Phê phán những người có trái tim vô cảm, ích kỉ, lạnh lùng…(dẫn chứng).

   – Bài học nhận thức và hành động:

+ Con người luôn phấn đấu hoàn thiện vẻ đẹp của trái tim. Biết tạo ra những điều kì diệu từ trái tim.

+ Hòa nhịp đập trái tim của mình vào bản hòa ca của cuộc sống để mang đến tình yêu, hạnh phúc cho mọi người.

c) Cách cho điểm

   – Điểm 3: làm sáng tỏ luận đề và các luận điểm bằng những dẫn chứng chính xác, phù hợp; thể hiện được quan điểm, chính kiến đúng đắn của người viết. Bố cục rõ ràng, mạch lạc; hành văn trong sáng, có cảm xúc; lập  luận tương đối chặt chẽ. Có thể còn vài sai sót nhỏ về chính tả, dùng từ.

   – Điểm 2: cơ bản làm sáng tỏ luận đề và các luận điểm bằng những dẫn chứng cụ thể. Thể hiện được quan điểm, chính kiến đúng đắn của người viết. Bố cục hợp lí, diễn đạt tương đối mạch lạc. Còn mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

   – Điểm 1: nêu lên được một số ý chính có liên quan đến vấn đề mà đề bài yêu cầu. Trình bày chưa có trọng tâm; bố cục bài viết chưa hợp lí. Diễn đạt còn lủng củng; mắc nhiều lỗi dùng từ, ngữ pháp.

   – Điểm 0: không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề; hoặc thể hiện quan điểm, chính kiến không đúng đắn của người viết.

Câu 3. (4,0 điểm)

a) Yêu cầu về kĩ năng

– Học sinh nắm vững kĩ năng làm bài nghị luận về một đoạn thơ.

– Bố cục hợp lí, lập luận chặt chẽ, chữ viết rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, đặt câu.

b) Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày bài làm theo nhiều cách khác nhau miễn là làm sáng tỏ vấn đề, thuyết phục người đọc. Sau đây là một số nội dung chính cần đạt được:

Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm, đoạn trích.

Suy cảm về những nguyện ước cao đẹp của Thanh  Hải:

+ Từ cảm xúc về mùa xuân thiên nhiên, mùa xuân đất nước trong hiện tại, nhà thơ đã bày tỏ ước nguyện chân thành, giản dị, khiêm nhường là được sống đẹp, có ích cho đời (muốn được làm một tiếng chim hót, một cành hoa tỏa hương sắc, một nốt trầm xao xuyến để dâng hiến cho cuộc đời, tô điểm cho mùa xuân tươi đẹp, hoà chung vào bản hợp tấu mùa xuân của dân tộc).

+ Ước nguyện đó được đẩy lên cao thành một lẽ sống cao đẹp không chỉ riêng tác giả mà còn chung cho tất cả mọi người, mọi thời đại: biết sống cống hiến cho đời lặng lẽ, khiêm tốn, bền bỉ, không kể gì tuổi tác nhưng vẫn giữ được nét riêng của mình. Lẽ sống đó đã thể hiện ý thức sâu sắc của tác giả về sự đóng góp của mình, về ý nghĩa của đời sống cá nhân trong mối quan hệ với cộng đồng.

+ Nghệ thuật: hình ảnh thơ giản dị (con chim, cành hoa, nốt trầm), sáng tạo (mùa xuân nho nhỏ); điệp ngữ (ta làm, một,  dù là); giọng thơ sôi nổi, tha thiết…góp phần thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, khát vọng sống cao đẹp rất đáng trân trọng của nhà thơ.

Đánh giá chung về nội dung và nghệ thuật của đoạn thơ.

c) Cách cho điểm

   – Điểm 4: đáp ứng đầy đủ các yêu cầu nêu trên; bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, văn viết có cảm xúc; có thể còn một số sai sót về chính tả, dùng từ.

– Điểm 3: cơ bản đáp ứng được các yêu cầu nêu trên; bố cục rõ ràng, diễn đạt trôi chảy, đôi đoạn có cảm xúc; mắc ít lỗi diễn đạt về chính tả, dùng từ, đặt câu.

Điểm 2: đáp ứng một nửa yêu cầu nêu trên; bố cục đầy đủ, hành văn trôi chảy, rõ ràng; mắc một số lỗi về chính tả, dùng từ, đặt câu.

Điểm 1: bài làm chung chung, diễn đạt lan man, không rõ ý, không nắm được yêu cầu của đề, mắc nhiều lỗi diễn đạt.

Điểm 0: không làm bài hoặc hoàn toàn lạc đề

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *