Đề văn 11 Sử thi buồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, Tầm quan trọng của kĩ năng sống

Đề thi khối 11
ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II

NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN: NGỮ VĂN. LỚP 11

Thời gian làm bài: 90 phút

 

 PHẦN I. ĐỌC HIỂU( 5,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

Sương mù là một nét phong vận riêng của sông Hương, xuất hiện khoảng cuối năm đến đầu hạ, vào tinh mơ, cuối chiều và những đêm trăng lạnh; cũng nhiều khi ghé lại bất ngờ như một gã lãng du. Nhiều tháng dài thành phố xưa hư ảo trong sương, dòng sông mịt mù trôi trong cơn mê dài, chỉ còn những ánh lửa thuyền chài lay động ý thức giữa cõi thực và cõi mộng. Người ta ngồi nói chuyện với nhau trong khoang thuyền, chỉ lờ mờ nhìn thấy mặt nhau qua màn sương, trong khi bên ngoài những nét cong mềm của cầu Trường Tiền, những mái đầu đội nón của hoàng thành và những cây bàng, cây bồ đề trụi hết lá hai bên sông đều nhạt nhòa đi thành những nét xuất thần trên những bức tranh lụa cổ. Mùa này, những thiếu nữ Huế thường đi ra ngoài với áo trắng dài, nhìn cứ như những dáng người từ sương mù sinh ra. Dù đi xa hoặc phải thay đổi lối sống, họ vẫn giữ mãi màu áo ấy như kỷ niệm của tình yêu trinh bạch, và những tháng năm âm ỷ mộng đầy trời. Những tháng sương mù đã đưa Huế quay lại với linh hồn một cố đô sâu thẳm trong thời gian; và dù qua bao nhiêu thành phố trên thế giới, người ta vẫn giữ về Huế một ấn tượng riêng của tâm hồn mình, như trong một câu phương ngôn Nhật Bản: “đừng quấy động những gì đã yên tĩnh”.

Phan Bội Châu đã dành hết quãng đời “Ông già Bến Ngự” của mình để viết sách, và cả một khối lượng đồ sộ văn chương triết học của ông đã ra đời trong một lòng thuyền bềnh bồng trên sông Hương. Suốt một đời chọc trời khuấy nước, trở về làm Tô Đông Pha đánh bạn với dòng sông sương mù, Phan Bội Châu tìm thấy ở sông Hương một tâm hồn bè bạn vừa sáng suốt, vừa tinh nghịch để chia sẻ với ông những kinh nghiệm lịch sử làm cho triết nhân nheo mắt cười: “Hương ơi, e phải mày không – sông nọ hóa ra mình có”… Hơn bốn mươi năm sau ngày cụ Phan qua đời, tôi được gặp bà Trần Thị Nữ, người chèo đò cho cụ Phan suốt mười lăm năm ở Huế. Được biết trong bấy nhiêu năm, bà như đã quên hết chuỵên đời, chỉ giữ lại một tấm lòng cô trung với nhà yêu nước vĩ đại. Bà kể lại với mọi người đến thăm vô vàn những kỷ nịêm về cụ Phan, và nhiều đêm như người mộng du bà quanh quẩn giữa cây lá trong vườn, ngâm vang Hải Ngoại Huyết Thư trong tiếng đại bác dội vào thành phố. Một đêm trăng thời đệ nhị thế chiến, cụ Phan neo thuyền giữa sông Hương, chỗ gần cầu Gia Hội để hóng mát. Từ một con thuyền đâu đó chợt cất lên một câu hò lạ:“Biển Thái Bình Dương đang cơn sóng nổi – Chiếc thuyền em trôi nổi tựa cánh bèo. Sao không ra tay giúp chống đỡ chèo – Anh hùng sao lại nằm queo trong thuyền hò ơ, hò ơ…” Cụ Phan giật mình, bảo bà Nữ đi tìm người vừa hò câu mái nhì đến gặp: một cô gái mặc áo vá vai dịu dàng đứng vòng tay cúi đầu trước ông già Bến Ngự, Cụ móc hầu bao thưởng cô lái mấy giác bạc, rồi chắp tay vái tạ; suốt đêm ấy cụ Phan trằn trọc không ngủ.

(Trích Sử thi buồn, Hoàng Phủ Ngọc Tường, NXB.Văn học, 1986)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1: Sương mù xuất hiện trên Sông Hương vào thời điểm nào?

Câu 2. Nhân vật nào được nhắc đến trong đoạn văn?

Câu 3. Nêu tác dụng của biện pháp tu từ so sánh được sử dụng trong câu văn sau: “Mùa này, những thiếu nữ Huế thường đi ra ngoài với áo trắng dài, nhìn cứ như những dáng người từ sương mù sinh ra.”

Câu 4. Nhận xét về cái tôi HPNT trong đoạn văn.

Câu 5. Thông điệp có ý nghĩa nhất mà anh/chị rút ra từ đoạn trích là gì? Vì sao?

PHẦN II. VIẾT (5,0 điểm)

          Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của mình về: Tầm quan trọng của kĩ năng sống

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II

NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN: NGỮ VĂN. LỚP 11

Thời gian làm bài: 90 phút

PHẦN I.ĐỌC HIỂU( 5,0 điểm)

Câu 1: Sương mù xuất hiện trên Sông Hương vào thời điểm: Khoảng cuối năm đến đầu hạ, vào tinh mơ, cuối chiều và những đêm trăng lạnh.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời chính xác như đáp án: 0,75 điểm.

– HS trả lời thiếu : cho 0,5 điểm( linh hoạt)

– Học sinh không trả lời đúng :  không cho điểm

Câu 2: Nhân vật được nhắc đến trong đoạn văn là: Phan Bội Châu.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời chính xác như đáp án: 0,75 điểm.

– Học sinh không trả lời đúng :  không cho điểm

Câu 3:

– Đoạn văn sử dụng biện pháp tu từ so sánh: So sánh những thiếu nữ Huế thường đi ra ngoài với áo trắng dài với những dáng người từ sương mù sinh ra.

– Tác dụng:

+ Làm nổi bật vẻ đẹp duyên dáng, kín đáo của những thiếu nữ xứ Huế khi mặc áo trắng dài cũng như nét đẹp riêng của xứ Huế khi có sương mù.

+ Làm cho câu văn giàu hình ảnh, sinh động, hấp dẫn.

+ Thể hiện tình yêu, sự gắn bó của tác giả với xứ Huế.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời chính xác như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời thiếu: trừ 0,25-0,5 điểm

– Học sinh không trả lời đúng :  không cho điểm

Câu 4. Nhận xét về cái tôi HPNT trong đoạn văn:

– Cái tôi tài hoa, uyên bác: tác giả am hiểu tường tận những gì mình viết.

– Cái tôi luôn say đắm trước cảnh đẹp của quê hương, xứ sở.

– Trí tưởng tượng, liên tưởng phong phú, độc đáo; sử dụng các biện pháp nghệ thuật đặc sắc, cách sử dụng từ ngữ tinh tế, tài hoa; hình ảnh đẹp, giàu chất thơ; văn phong mượt mà, trau chuốt…

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời chính xác như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời thiếu 01 ý: trừ 0,25

– Học sinh không trả lời đúng :  không cho điểm

 

Câu 5. HS nêu thông điệp được thông điệp phù hợp, ý nghĩa và lí giải được

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh nêu được thông điệp: 0,25

– HS lí giải thuyết phục: 0,75

PHẦN II.VIẾT( 5,0 điểm)

          Anh/Chị hãy viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của mình về: Tầm quan trọng của kĩ năng sống

* Yêu cầu

  1. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: 0,25 điểm

Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội

  1. 2. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Tầm quan trọng của kĩ năng sống (0,5 điểm)
  2. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận. 2,5 điểm

– Xác định được ý chính của bài viết.

– Xác định các ý theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu được vấn đề nghị luận :

* Triển khai vấn đề cần nghị luận:

– Miêu tả khái quát hoàn cảnh đời sống làm nảy sinh vấn đề:

Cuộc sống hiện đại đòi hỏi mỗi cá nhân phải không ngừng cập nhật giá trị và hoàn thiện giá trị của mình. Để tồn tại và phát triển, với bất kì ai, không chỉ cần học tập bồi dưỡng, nâng cao kiến thức mà còn phải rèn luyện kĩ năng sống để không ngừng nâng cao chất lượng đời sống để đời sống thực sự là sống chứ không là tồn tại.

– Phân tích lần lượt từng khía cạnh vấn đề theo trình tự từ hẹp đến rộng hoặc từ rộng đến hẹp với những lí lẽ và bằng chứng phù hợp:

+ “Kĩ năng sống” chính là năng lực của mỗi người giúp giải quyết những nhu cầu và thách thức của cuộc sống có hiệu quả; đó cũng là khả năng của mỗi cá nhân để duy trì một trạng thái khỏe mạnh về mặt tinh thần, biểu hiện qua hành vi phù hợp và tích cực khi tương tác với người khác, với nền văn hóa và môi trường xung quanh.

+ Ý nghĩa của việc rèn luyện kĩ năng sống:

++ “Kĩ năng sống” là những năng lực giúp con người giải quyết những vấn đề một cách hiệu quả, phù hợp.

++ Kĩ năng sống giúp con người ứng xử linh hoạt và hiệu quả nhất trước những tình huống nảy sinh trong cuộc sống.

++ Kĩ năng sống giúp mỗi người bình tĩnh, tự tin vào bản thân, dám khẳng định năng lực, sở trường của mình.

++ Kĩ năng sống còn giúp con người gắn kết những mối quan hệ, mang đến thiện cảm trong mắt người đối diện. Mặt khác kĩ năng sống góp phần nâng cao giá trị của bản thân, hoàn thiện tính cách và năng lực của con người.

++ Những người có kĩ năng sống tốt thường dễ thành đạt hơn trong cuộc sống.

– Làm rõ sự cần thiết phải nhận thức đầy đủ về vấn đề:

+ Nhận thức: Kỹ năng sống có vai trò rất quan trọng đối với tất cả mọi người, nhất là giới trẻ.

+ Hành động: Bên cạnh tích lũy kiến thức hàn lâm từ nhà trường, sách vở,… mỗi người cần thường xuyên trau dồi, rèn luyện, bồi dưỡng kĩ năng sống – kĩ năng mềm để dễ dàng thích nghi với cuộc sống hiện đại.

– Nêu trải nghiệm của bản thân với vấn đề được bàn luận:

Nêu những dẫn chứng từ trải nghiệm đọc hoặc trải nghiệm thực tế

– Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều:

+ Nếu chỉ có tri thức mà không có kĩ năng sống, con người sẽ trở nên thụ động trong những kiến thức mình có mà không thể vận dụng vào cuộc sống.

+ Nếu không có kĩ năng sống tốt thì:

++ Con người thiếu tự tin, thiếu chủ động khi cuộc sống nảy sinh những vấn đề phức tạp.

++ Con người sẽ khó thành công hơn trong cuộc sống, không dám thể hiện, khẳng định mình trong các môi trường hoạt động.

* Khẳng định ý nghĩa của vấn đề

 

  1. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau: 1,5 điểm

– Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Diễn đạt: 0,25 điểm

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *