Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm “Be búp, be búp – Tiếng còi bán kem

Đề thi khối 11

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II

 Năm học: 2023 – 2024

 Môn: Ngữ văn lớp 11

 Thời gian: 90 phút

PHẦN ĐỌC HIỂU (5,0 điểm)

Đọc văn bản sau trả lời câu hỏi bên dưới:

Bán kem không có tiếng rao, bán kem chỉ có tiếng còi “be búp, be búp” được lấy hơi từ hộp đầu gội đầu đã hết, bằng nhựa. Ngón tay cái và ngón trỏ bóp vào chiếc hộp, những ngón tay còn lại vẫn đặt ở ghi đông xe đạp và bắt lái.

Nó cùng mấy đứa bạn chia nhau mỗi đứa một ngả, đi dọc những con đường làng đầy nắng mùa hè. Nó đi bán kem.

Nhà chúng nó nghèo lắm, nhà mấy đứa trong xóm cùng tuổi nó cũng nghèo. Mấy đứa đang học lớp chín chuẩn bị thi lên cấp ba trường huyện. Muốn đi học ôn thi phải có tiền để đóng, mấy đứa rủ nhau mua thùng gỗ lót xốp về đi bán kem, nghĩ là làm luôn, tranh thủ ba tháng nghỉ hè ít ỏi, vừa học vừa kiểm tiền nên chúng nó hào hứng và quyết tâm đỡ đần bố mẹ được phần nào.

Tình ơi! Dậy đi lấy kem.

Tiếng nó gọi cái Tình ở ngay đầu xóm.

Ngày nào cũng thế, cứ tầm hơn ba giờ sáng, mấy đứa rủ nhau sang làng bên cạnh. Ở đó có nhà làm kem. Vì đông người cũng đi lấy kem để bán nên nhà chủ làm ra mẻ kem nào sẽ hết ngay mẻ đó, bọn nó phải đi thật sớm để còn kịp đi thật xa sang các làng khác bán kem.

(…)

Ngày tết Đoan Ngọ 5/5 âm lịch, nó đi qua rất nhiều ngôi nhà, nhà nào cũng quây quần bên nhau làm cơm mừng Tết giết sâu bọ theo phong tục truyền thống của người Việt Nam. Nó thầm chạnh lòng bên thùng kem cứ kêu lọc cọc. Nhưng hôm ấy nó cũng đổi được khá nhiều lông ngan, lông vịt, dép nhựa hỏng. Vào ngõ nào cũng xôn xao tiếng gọi “kem ơi!”, lòng nó phấp phới niềm vui quên đi mất nỗi tủi thân thoáng qua ban đầu.

(…)

Trời đã về trưa, nó nhìn thấy một đám mây đen kịt phía đằng Đông. Hôm nay nó bán ế, chẳng có ai gọi nó mua kem hay đổi kem. Nó thèm tiếng gọi “kem ơi!” vang lên đâu đó trong ngõ vắng này. Đáp lại chỉ là khoảng không im lìm hoặc tiếng chó sủa đằng xa. Tiếng “be búp, be búp” cũng yếu dần bởi hai ngón tay nó mỏi nhừ. Bỗng từ cửa sổ ngôi nhà cạnh đường có người đàn ông thò mặt ra, gọi giật giọng:

– Ê kem! Mày không để cho ai ngủ trưa nữa à? Bóp còi kêu điếc hết cả tai. Im đi cho tao nhờ.

Lúc đầu nó tưởng có người mua kem, nó mừng quá! Thì ra người ta mắng nó, bởi tiếng “be búp” phá tan giấc ngủ  trưa của ông ấy. Nó bỗng thấy tủi thân vô cùng, nó thương phận người mưu sinh. Những tiếng rao chẳng tội tình gì, nhưng có mấy ai hiểu điều đó? Nó quay xe, đạp đi thật xa, nó không giám bóp còi, sợ lại bị ai đó thò mặt ra mắng. Nhưng thùng kem vẫn còn nguyên, nó mới cho hai em bé hồi sáng một que để đổi lấy một cốc nước mát. Không có tiếng còi kem, ai biết nó bán mà mua, mà đổi?

Cơn mưa vần vũ trên bầu trời kéo đến, nó không còn cách nào khác đành phải dắt xe trú tạm vào mái hiên ven đường. Mưa mùa hè xối xả những giọt rơi, sấm sét hình cành cây xé toạc bầu trời. Có vài người bán rong cũng ghé tạm vào mái hiên tránh mưa cùng với nó. Cô hàng muối vẫn còn một bao muối đầy chưa bán hết. Cô hàng dép vẫn treo lủng lẳng những đôi dép nhựa trên xe. Nó đưa hai bàn tay nhỏ hứng những hạt mưa từ mái hiên rơi xuống, táp vào mặt. Nó đang khóc đấy, nó tủi và buồn nên táp thật nhiều nước vờ như rửa mặt để hai cô hàng muối và hàng dép không biết nó khóc. Nó thương những phận người bán rong nơi làng quê nghèo, tiếng rao rồi sẽ đi về đâu trong cuộc đời này? Nó hứa với lòng mình, sau này nó lớn lên, dù có vinh hoa hay khổ đau, không bao giờ nó được quên tiếng rao.

(Trích “Be búp, be búp – Tiếng còi bán kem” – Thanh Nga – Văn học trẻ)

 Câu 1: Xác định điểm nhìn trong văn bản.

Câu 2: Tìm những từ ngữ thể hiện tâm trạng nhân vật “nó” trong văn bản.

Câu 3: Nêu nội dung chính của văn bản.

    Câu 4: Anh/chị có nhận xét gì về nhân vật “nó” (cô bé bán kem) qua đoạn văn: Nó thương những phận người bán rong nơi làng quê nghèo, tiếng rao rồi sẽ đi về đâu trong cuộc đời này? Nó hứa với lòng mình, sau này nó lớn lên, dù có vinh hoa hay khổ đau, không bao giờ nó được quên tiếng rao.

Câu 5: Bài học ý nghĩa nhất anh/chị rút ra từ văn bản?

 PHẦN VIẾT (5,0 điểm)

Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm “Be búp, be búp – Tiếng còi bán kem” – Thanh Nga.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu Nội dung Điểm
I

ĐỌC HIỂU

Đọc hiểu 5.0
1 Điểm nhìn trong văn bản: Ngôi thứ ba toàn tri

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như Đáp án: 0,5 điểm.

+ Câu trả lời khác: không cho điểm.

1.0
2 Liệt kê những từ ngữ thể hiện tâm trạng nhân vật “nó”:

Chạnh lòng, phơi phới niềm vui, nỗi tủi thân, nó mừng, buồn, thương

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm.

+ HS trả lời khác: không cho điểm.

1.0
3 Nội dung chính của văn bản:

– Tiếng còi của cô bé bán kem và cuộc sống mưu sinh vất vả, khổ cực của những đứa trẻ ở làng quê nghèo.

– Tấm lòng vị tha, bao dung, thấu cảm của cô bé bán kem trước những mảnh đời bán rong nghèo khổ, bất hạnh.

– Sự đồng cảm, xót thương, trân trọng của tác giả dành cho nhân vật.

– Kêu gọi hãy cho những đứa trẻ môi trường sống tốt đẹp nhất để chúng phát triển toàn diện về thể xác, nhân cách và tâm hồn.

+ Học sinh trả lời như Đáp án: 1,0 điểm

+ Trả lời  đúng 2 ý : 0,5 điểm

+ Trả lời  đúng 3 ý : 0,75 điểm

* Lưu ý: chấp nhận cách diễn đạt tương đồng.

1.0
4 Nhận xét về nhân vật “nó” qua đoạn văn:

– Đồng cảm, xót thương cho những phận người bán rong nơi làng quê nghèo.

– Lo lắng, băn khoăn, trăn trở cho tương lai những người bán rong, không biết cuộc sống mưu sinh sẽ đẩy đưa họ đi đâu, về đâu.

– Khẳng định lời hứa sẽ không bao giờ quên tiếng rao. Vì đó là kí ức tuổi thơ gắn liền với chặng đường trưởng thành.

+ Học sinh trả lời như Đáp án: 1,0 điểm

+ Trả lời  đúng 1 ý : 0,5 điểm

+ Trả lời  đúng 2 ý : 0,75 điểm

* Lưu ý: chấp nhận cách diễn đạt tương đồng.

1.0
5 Bài học ý nghĩa nhất rút ra từ văn bản:

Bài học nhận thức:

– Đồng cảm, xót thương cho những kiếp người nghèo khổ.

– Hãy xây dựng một môi trường sống tốt đẹp nhất cho sự phát triển toàn diện của trẻ em

….

Lí giải:

– Cuộc sống cần biết cho và nhận đúng cách

– Trui rèn cho con người những phẩm chất, giá trị tốt đẹp

– Là yếu tố quan trọng để chạm tới thành công

….

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trình bày được như đáp án 1,0 điểm.

+ Học sinh trình bày được đúng 1 ý : 0,5 điểm

* Lưu ý: chấp nhận cách diễn đạt tương đồng.

1.0
II

PHẦN VIẾT

Viết văn bản nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm Be búp, be búp – Tiếng còi bán kem” – Thanh Nga 5.0
a Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận về vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học 0,5
  Xác định vấn đề xã hội cần nghị luận: Lối sống đồng cảm, yêu thương, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh 0,5
  Đề xuất hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cần nghị luận

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận.

* Giới thiệu

+ Tác phẩm văn học “Be búp, be búp – Tiếng còi bán kem” – Thanh Nga

+ Vấn đề xã hội trong tác phẩm: Lối sống đồng cảm, yêu thương, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh

* Triển khai vấn đề nghị luận

Giải thích vấn đề xã hội đặt ra trong tác phẩm văn học. Đồng cảm, yêu thương, sẻ chia là biết rung cảm trước những vui buồn của người khác; biết đặt mình vào hoàn cảnh của người khác để hiểu và cảm thông với họ; san sẻ vui buồn, khó khăn, giúp nhau trong hoạn nạn…

Triển khai hệ thống luận điểm -> Có thể theo một số gợi ý sau:

+ Cuộc sống luôn tiềm ẩn những khó khăn, trắc trở. Sống đồng cảm, yêu thương, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh là lối sống đẹp, đáng ngợi ca, lan tỏa trong cộng đồng.

+ Sống đồng cảm, yêu thương, sẻ chia với những mảnh đời bất hạnh góp phần hoàn thiện và phát triển nhân cách con người.

+  Sống đồng cảm, yêu thương, sẻ chia mang lại những giá trị vững bền, là thước đo cho sự thành công.

-> Khi ta học được cách đồng cảm và chia sẻ tức biết sống vì người khác cũng là lúc mình nhận được niềm vui; ta cảm thấy cuộc đời này thật tuyệt vời và có ý nghĩa.

– Đưa dẫn chứng phù hợp để thuyết phục người đọc

….

Bình luận, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện

+ Cốt truyện đơn giản, cách xây dựng nhân vật mộc mạc, ngôn ngữ giản dị, miêu tả thế giới nội tâm, suy nghĩ của nhân vật phong phú và sâu sắc -> câu chuyện mang giá trị nhân văn sâu sắc.

+ Phê phán những kẻ sống ích kỉ, hẹp hòi, sống thiếu trách nhiệm với đồng loại, thiếu quan tâm đến những người xung quanh đặc biệt là những người nghèo khổ, bất hạnh.

+ Sự đồng cảm, yêu thương, sẻ chia là cần thiết nhưng cần đặt cần đúng lúc, đúng nơi, đúng người để tránh bị kẻ xấu lợi dụng.

+ Trong cuộc sống, đôi khi tình yêu thương chân thật sẽ giúp cảm hóa con người.

– Khẳng định lại vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học với quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân; thông điệp ý nghĩa nhất

 

1,5
  Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai ít nhất 2 luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân

– Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn để triển khai vấn đề nghị luận

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: HS có thể trình bày suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

 

1,0
    Diễn đạt

– Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

 

0,5
     Sáng tạo

– Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận

– Có cách diễn đạt mới mẻ, giàu sức thuyết phục.

 

0,5
TỔNG CỘNG:                                                                                      10,0 điểm

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *