Đề văn 11 Mùa hoa cải ,thuyết minh về hiện tượng sống lệch chuẩn của một bộ phận thanh niên hiện nay

Đề thi khối 11
   ĐỀ GIỮA KÌ II – NGỮ VĂN 11

NĂM HỌC 2023 – 2024

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề 

(Đề thi gồm có 02 trang)

I.ĐỌC HIỂU: (5 điểm) Đọc văn bản

MÙA HOA CẢI

                      – Lữ Thị Mai –

(1)Kí ức miền quê trong tôi còn vẹn nguyên những mùa hoa cải để rồi cứ đến độ gió đông về lại thao thiết nhớ. Buổi sớm cuối tuần, nhận được tin nhắn của bạn rủ rê ra tận Thanh Trì ngắm cánh đồng hoa cải vàng hươm. Chợt thấy lòng mình chộn rộn niềm cảm xúc khó tả.

        (2)Đi hết đoạn đường xa lắc ra được ngoại thành nơi có cánh đồng hoa thì chúng tôi mới giật nảy mình tá hỏa. Đó không còn là cánh đồng hoang vu, hiu hắt gió mùa như trong ý niệm của tôi bấy lâu nay. Mới buổi sáng sớm mà cánh đồng đã đông nghịt người. Không phải bà con nông dân ra chăm sóc hay thu hoạch gì mà là các cô, các chị đủ mọi lứa tuổi từ độ hồi xuân đến mấy em 9x diện váy áo, khăn khố rực rỡ sắc màu, mặt mũi được trang điểm, tô vẽ phấn son kĩ càng đang tạo dáng chụp ảnh. Cánh đồng bạt ngàn loài hoa đồng nội giờ đây nghiễm nhiên trở thành “của hiếm” đặt gần kề phố thị ồn ào tấp nập. Thiên nhiên đẹp thì con người có quyền ngắm nghía, tận hưởng nhưng cứ nhìn cái cách người ta đối xử với cánh đồng hoa mà thấy đau lòng.

        (3)Nhớ thủa bé thơ ở quê nhà, lũ trẻ chăn trâu chúng tôi từng bị đòn roi của cha mẹ chỉ vì hái hoa cải kết thành chùm chơi chán rồi thả trôi sông. Ngày ấy còn trẻ con vô tâm đâu biết những vạt cải trổ hoa ấy người nông dân đã chọn để giống lại đến mùa sau gieo trồng. Bây giờ, đứng trên con đường nhỏ len lỏi như một dải lụa vắt qua cánh đồng hoa, chúng tôi ái ngại nhìn hết đám người nọ tới nhóm người kia trong mọi tư thế đứng, ngồi, ưỡn ngực, khom lưng, thậm chí sẵn sàng lăn lê bò toài làm đám cải gẫy rạp như ngả rạ những mong góp thêm vào bộ sưu tập của mình khoảnh khắc ấn tượng. Nông dân trông ra ruộng nhà mình thì xót điếng lòng mà ngặt nỗi người ta đông như kiến không biết phải làm sao. Dân quân xã phường được huy động rồi cũng tỏ ra bất lực.

        (4)Trong tâm thức mê man dạt trôi từ vùng kí ức tuổi thơ về hiện thực đời thường, lần đầu tiên những đứa con ruộng đồng như chúng tôi thấy mình cô đơn trước cánh đồng hoa cải. Rưng rưng ngóng trông cái mùi hương hăng hăng, ngái nồng thoảng đưa trong gió. Mùa này, ở quê tôi dọc triền sông vẫn nở đầy hoa cải. Không phải như cánh đồng rộng lớn, bạt ngàn đang trải ra trước mắt tôi mà chỉ là những vạt hoa khiêm nhường, chảy hẹp như vạt áo tô điểm cho đôi bờ sông hiền hòa phẳng lặng. Cải bẹ hoa vàng, cải sen hoa trắng… đua nhau khoe sắc hương dụ bao cánh bướm bay lượn rập rờn. Tôi nhớ hình ảnh bà và mẹ ngày nào vun tưới, nâng niu bao ngồng hoa mùa vụ. Cảm giác sống mũi cay cay, nhớ lần đầu tiên mình từ một cô nhóc trở thành thiếu nữ, bà nấu nước hoa cải cho tôi tắm và gội đầu. Bà bảo trong cây cải chứa nhiều tinh dầu sẽ làm tinh thần nhẹ nhõm hơn… Tôi đã bước qua tuổi đôi mươi cùng những mùa hoa kỉ niệm. Mỗi lúc nhớ về quê hương lại rơm rớm một nỗi ân hận và luyến tiếc xa xôi. Nhìn cánh đồng hoa cải vàng hươm trước mắt đang bầm dập dưới bao dấu chân người, thấy hụt hẫng mà buồn thương quá đỗi.

(Theo Hà Nội không vội được đâu, trang 44, NXB Văn học)

THỰC HIỆN CÁC YÊU CẦU:

Câu 1: Văn bản được viết theo thể loại nào?

Câu 2: Trong đoạn (1), kí ức của “tôi” là gì?

Câu 3: Trong đoạn (2), nhiều người đến cánh đồng hoa để làm gì?

Câu 4: Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ được sử dụng trong câu: Nông dân trông ra ruộng nhà mình thì xót điếng lòng mà ngặt nỗi người ta đông như kiến không biết phải làm sao.

Câu 5: Nhận xét cảnh sắc thiên nhiên trong câu: Cải bẹ hoa vàng, cải sen hoa trắng… đua nhau khoe sắc hương dụ bao cánh bướm bay lượn rập rờn.

Câu 6: Trong văn bản, hoa cải có tác dụng gì trong cuộc sống của con người?

Câu 7: Nhận xét tâm trạng tác giả trong văn bản trên.

Câu 8: Qua văn bản trên, hãy nêu cảm nhận của anh/chị về kí ức tuổi thơ. (Viết 3-> 5 dòng)

II. VIẾT (5  điểm)

Viết một bài văn thuyết minh về hiện tượng sống lệch chuẩn của một bộ phận thanh niên hiện nay.

 

    HƯỚNG DẪN CHẤM

 

Phần Câu Nội dung Điểm  
I Đọc hiểu 5.0  
1 Câu 1. Tản văn

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0.5 điểm.

+ Câu trả lời khác hoặc không trả lời : 0 điểm.

0.5  
2 Câu 2. Kí ức miền quê trong tôi là mùa hoa cải

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0.5 điểm.

+ Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm

0.5  
3 Câu 3: Nhiều người đến đây để chụp ảnh.

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0.5 điểm.

+ Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm

0.5  
4 Câu 4:

Biện pháp tu từ: so sánh, từ như

– Tác dụng:

+ Giúp cho câu văn thêm sinh động, gợi hình gợi cảm.

+ Nhấn mạnh sự xót xa, tiếc nuối và bất lực của người nông dân không thể bảo vệ những luống hoa nhà mình.

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời đúng như đáp án: 1.0 điểm.

+Nêu đúng, chỉ ra biện pháp tu từ: 0.5 điểm

+Nêu được tác dụng: 0.25 điểm 1 ý.

+ Trả lời sai hoặc không trả lời:0 điểm

( Chấp nhận diễn đạt tương đồng.)

1.0  
5 Câu 5.

Cảnh sắc đẹp tươi, kì diệu và gần gũi của thiên nhiên với mỗi con người chúng ta

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án : 0.5 điểm

+ Học sinh trả lời được 1 ý: 0.25 điểm

+ Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm

0.5  
6 Câu 6.

Tác dụng của hoa cải mang lại:

– Vẻ đẹp, nguồn dinh dưỡng giúp tinh thần thoải mái, sảng khoái cho con người.

-Tác giả trân quý giá trị hoa cải mang lại cho cuộc sống

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0.5 điểm.

+ Học sinh trả lời được 1 ý: 0,25 điểm

+ Câu trả lời sai hoặc không trả lời: 0 điểm.

( Chấp nhận diễn đạt tương đồng.)

0.5  
7 Câu 7.

Tâm trạng của tác giả: nhớ, ân hận, luyến tiếc .

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời đúng như đáp án: 1.0 điểm.

+ Nêu đúng được mỗi ý: 0.25 điểm .

+ Trả lời sai hoặc không trả lời:0 điểm

( Chấp nhận diễn đạt tương đồng.)

1.0  
8 Câu 8. Học sinh có suy nghĩ riêng, không trái với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

Gợi ý:

Suy nghĩ về vẻ đẹp của tuổi thơ

-Tuổi thơ là thời gian đẹp nhất của đời người, bởi sự ngây thơ, hồn nhiên, trong sáng.

-Hãy biết gìn giữ, trân quý những kỷ niệm trong sáng để nuôi dưỡng tâm hồn ta khôn lớn và tươi đẹp hơn.

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0.5 điểm.

+ Học sinh trả lời 1 ý: 0.25 điểm.

+ Câu trả lời sai hoặc không trả lời: 0 điểm.

( Chấp nhận diễn đạt tương đồng.)

0.5  
II PHẦN VIẾT 5.0  
Viết một bài văn thuyết minh về hiện tượng sống lệch chuẩn của một bộ phận thanh niên hiện nay.  
a Đảm bảo cấu trúc bài văn thuyết minh

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề

0.5  
b Xác định đúng vấn đề thuyết minh:

Hiện tượng sống lệch chuẩn của một bộ phận thanh niên hiện nay. Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

– Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm.

0.5  
c Triển khai vấn đề

Vận dụng các kĩ năng dùng từ, viết câu, các phép liên kết, các phương thức biểu đạt, các thao tác lập luận để triển khai, giới thiệu vấn đề cần thuyết minh về một hiện tượng.

3.0  
* Nêu hiện tượng xã hội cần thuyết minh hiện tượng sống lệch chuẩn của một bộ phận thanh niên hiện nay.

* Thực chất của hiện tượng cần thuyết minh

Tình trạng giới trẻ ngày nay sống một cách buông thả, không coi trọng những giá trị về đạo đức, văn hóa đã và đang diễn ra phổ biến và ở rất nhiều nơi.VD: ăn mặc phản cảm, hành động bạo lực học đường, tụ tập đua xe trái phép…

* Thuyết minh về nguyên nhân:

– Thiếu quan tâm và giáo dục từ gia đình: thường bỏ qua sự quan sát và hiểu biết về suy nghĩ, hành động của con cái.

– Bản thân các em thiếu hiểu biết về giá trị truyền thống văn hóa dân tộc: không tự đặt ra những tiêu chuẩn và giới hạn cho bản thân, sống buông thả, đua đòi.

* Thuyết minh về hệ quả:

– Ảnh hưởng lớn đến bản thân họ khi xã hội đánh giá và chỉ trích.

– Cảm giác bị lên án có thể gây ra áp lực tinh thần, khiến họ sợ hãi đối mặt với sự phê phán từ xã hội và truyền thông.

– Gây ảnh hưởng tiêu cực lớn đến cộng đồng và phá vỡ những giá trị truyền thống tốt đẹp của xã hội.

* Thuyết minh về giải pháp:

– Thực hiện các biện pháp giáo dục nhận thức lối sống tích cực, lành mạnh, những giá trị đạo đức cho giới trẻ.

– Có sự phối hợp chặt chẽ giữa gia đình và cộng đồng.

– Đoàn thanh niên của trường, phường tổ chức thường xuyên các diễn đàn, tuyên truyền và giáo dục về lối sống đẹp.

* Rút ra ý nghĩa của việc thuyết minh:

 

-Cần thiết phải tích cực trau dồi nhân cách, bồi đắp những giá trị đạo đức và văn hóa.

– Việc kiên quyết lên án và ngăn chặn các biểu hiện của lối sống thiếu văn hóa, vô cảm,  là vô cùng quan trọng để xã hội phát triển lành mạnh và tiến bộ hơn.

* Đánh giá chung:

Khẳng định tính thẫm mỹ, tính giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa của dân tộc

Hướng dẫn chấm:

Giới thiệu đầy đủ, sâu sắc, thuyết phục, hấp dẫn: 3.0 điểm.

Giới thiệu chưa đầy đủ hoặc hấp dẫn, thiếu dẫn chứng: 1,5 điểm – 2,5 điểm.

Giới thiệu chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 1,5 điểm.      

   
d Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

+Học sinh không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp: 0.5

+ Học sinh mắc một vài lỗi chính tả, ngữ pháp: 0.25

+ Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0.5  
e Sáng tạo

Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy.

Hướng dẫn chấm:

Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

– Không đáp ứng được yêu cầu: 0 điểm

0.5  
Tổng điểm 10.00  

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *