Báo cáo KHKT hành vi, bạo lực ngôn ngữ học đường

Sáng kiến kinh nghiệm

CUỘC THI KHOA HỌC KỸ THUẬT CẤP TỈNH

DÀNH CHO HỌC SINH TRUNG HỌC

 NĂM HỌC 2022 – 2023

BÁO CÁO DỰ ÁN

          “BẠO LỰC NGÔN TỪ HỌC ĐƯỜNG – LỜI NÓI KHÔNG DAO MÀ CẮT LÒNG ĐAU NHÓI”

 

Lĩnh vực dự thi: Khoa học xã hội và hành vi

 MỤC LỤC

  1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI 5
  2. Câu hỏi nghiên cứu. 2
  3. II. Vấn đề nghiên cứu. 2
  4. 1. Mục đích nghiên cứu. 2
  5. Đối tượng nghiên cứu: Học sinh trường THPT Phan Đình Giót. 2
  6. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu. 2

III. Giả thiết khoa học. 2

  1. THIẾT KẾ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU.. 2
  2. Thiết kế. 2
  3. Phương pháp nghiên cứu. 3
  4. TIẾN HÀNH NGHIÊN CỨU.. 3

Chương I 3

TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ TÍNH MỚI, 3

SÁNG TẠO CỦA ĐỀ TÀI 3

  1. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu. 3
  2. Tính mới: 3
  3. Tính sáng tạo: 3
  4. Một số khái niệm có liên quan đến vấn đề nghiên cứu. 3

Chương II 4

THỰC TRẠNG BẠO LỰC NGÔN TỪ HỌC ĐƯỜNG.. 4

  1. Khái quát về đối tượng khảo sát 4
  2. Mục đích, nội dung, phương pháp khảo sát 4
  3. Kết quả khảo sát 4

Chương III 12

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN VÀ ỨNG PHÓ VẤN NẠN BẠO LỰC NGÔN TỪ HỌC ĐƯỜNG.. 12

  1. Nâng cao nhận thức. 12
  2. Tổ chức các hoạt động. 13
  3. Khuyến khích – nhắc nhở – xử phạt 13

Chương IV:  KẾT QUẢ………………………………………………………14

Chương V: KẾT LUẬN.. 15

 Lời cảm ơn

Chúng em xin được cảm ơn Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã tổ chức cuộc thi này để chúng em được nghiên cứu, sáng tạo, tìm hiểu, trải nghiệm để hiểu thêm về cuộc sống xung quanh cũng như bản thân mình, đồng thời có thể góp một phần công sức của mình cho nhà trường, quê hương, đất nước.

Chúng em xin cảm ơn cô giáo hướng dẫn cùng các thầy cô giáo, các bạn học sinh, các bậc phụ huynh đã quan tâm giúp đỡ chúng em trong quá trình thực  hiện dự án.

  1. LÍ DO CHỌN ĐỀ TÀI

Ngôn từ vốn thật đẹp, đó là phương tiện tư duy, công cụ giao tiếp xã hội của con người. Bằng ngôn từ ta có thể truyền tải mọi cung bậc cảm xúc, mọi thứ tình cảm yêu thương, và cũng bằng ngôn từ ta cũng có thể xé nát một mảnh tâm hồn – đó chính là sức mạnh của ngôn từ.

Trong thời gian gần đây, khi hàng loạt các vụ bạo lực học đường xảy ra ở khắp mọi nơi với tính chất phức tạp, nguy hiểm. Trong đó bạo lực học đường không chỉ là bạo lực về thân thể mà còn có cả bạo lực về mặt tinh thần gây ra hậu quả nặng nề về mặt tâm lí. Đồng thời, nguyên nhân dẫn đến những vụ bạo lực thân thể, đánh nhau, quay clip lên mạng đa phần đều xuất phát từ bạo lực ngôn từ mà ra, đó là do cách nói năng của các bạn dẫn đến những mâu thuẫn, xích mích, ức chế để rồi các bạn đã tìm đến cách giải quyết bằng tay chân. Cùng với đó hòa trong xu thế hội nhập thế giới, nước ta cùng với sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, là sự phát triển của công nghệ thông tin với các trang mạng xã hội như: Facebook, Zalo, Messenger, Intagram, Tiktok… Tuy nhiên, điều đó cũng khiến một bộ phận giới trẻ GenZ đang quá đà “tự do ngôn luận” làm mất đi sự trong sáng của tiếng Việt, cách dùng từ, những câu bình luận thiếu văn hoá xuất hiện ngày càng phổ biến.

Song bạo lực ngôn từ hiện nay vẫn chưa được nhìn nhận một cách đúng đắn. Chưa có công trình nghiên cứu nào nói về vấn đề này, chỉ mới nhìn nhận dưới góc độ bạo lực ngôn từ trong gia đình mà chưa nhìn nhận ở góc độ giữa học sinh với học sinh trong khi bạo lực ngôn từ giữa học sinh với nhau lại đang diễn ra hàng ngày và gây ra những hậu quả nặng nề. Những hiểu biết của các bạn còn hạn chế, hầu như các bạn khá xa lạ với cụm từ “bạo lực ngôn từ”, các bạn vẫn đang nhầm lẫn cho rằng đó chỉ là những câu nói đùa mang tính trêu vui mà không lường hết được những tổn thương về mặt tâm lí mà mình đã gây ra cho bạn.

Từng là nạn nhân của bạo lực ngôn từ học đường, từng gánh chịu những hậu quả nặng nề về mặt tinh thần mà bạo lực ngôn từ gây ra với những tự ti, mặc cảm, đau khổ, uất hận, thậm chí có lúc muốn nghỉ học, muốn từ bỏ ước mơ của mình, chúng em đã nhận thức được những tác hại khôn lường mà bạo lực ngôn từ có thể gây ra đối với sự phát triển tính cách, đạo đức, lối sống của các bạn cũng như những ảnh hưởng về mặt tinh thần đối với những bạn là nạn nhân.

Với mong muốn tìm ra những giải pháp từ việc tìm hiểu thực trạng, hậu quả và nguyên nhân để nâng cao nhận thức cho các bạn học sinh cũng như nhằm góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực bằng ngôn từ, chúng em đã chọn đề tài “Bạo lực ngôn từ học đường- Lời nói không dao mà cắt lòng đau nhói”. Chúng em mong muốn rằng dự án sẽ có những đóng góp thiết thực trong việc xây dựng môi trường học đường an toàn, lành mạnh giúp các bạn học sinh yên tâm đến trường, theo đúng tinh  thần mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề ra “Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”, góp phần xây dựng “Trường học hạnh phúc”.

  1. CÂU HỎI NGHIÊN CỨU, VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU, GIẢ THUYẾT KHOA HỌC

          I. Câu hỏi nghiên cứu

(1) Bạo lực ngôn từ học đường là gì? Các bạn học sinh nhận thức như thế nào về vấn đề này?

(2) Thực trạng của vấn đề bạo lực ngôn từ học đường trong các nhà trường là gì?

(3) Những hình thức, chủ đề, đối tượng mà bạo lực ngôn từ hướng tới là gì?

(4) Nguyên nhân nào làm cho vấn đề bạo lực ngôn từ học đường ngày càng phức tạp và phổ biến?

(5) Cần phải làm gì để ngăn chặn được thực trạng bạo lực ngôn từ học đường ở các nhà trường?

(6) Cần phải làm gì để giúp các bạn là nạn nhân của bạo lực ngôn từ biết cách đối phó với vấn đề khi bị các bạn bạo lực ngôn từ với mình?

(7) Làm thế nào để các bạn học sinh hiểu, tránh xa vấn đề này?

(8) Các bạn học sinh mong muốn gì khi đến trường?

II. Vấn đề nghiên cứu

1. Mục đích nghiên cứu

Nghiên cứu thực trạng bạo lực ngôn từ học đường của học sinh trường THPT Phan Đình Giót nói riêng, các trường THCS, THPT nói chung; tìm hiểu các hình thức, chủ đề, đối tượng mà các bạn học sinh hay hướng tới.

Nghiên cứu, tìm hiểu rõ những hậu quả mà ngôn từ bạo lực học đường gây ra với cả hai đối tượng (chủ thể và nạn nhân của ngôn từ bạo lực học đường).

Nghiên cứu tìm hiểu rõ những nguyên nhân để từ đó có thể đề xuất một số giải pháp thiết thực, hiệu quả để ngăn chặn, hạn chế vấn nạn này và giúp những bạn là nạn nhân của bạo lực ngôn từ học đường trở lại với cuộc sống học tập bình thường.

2. Đối tượng nghiên cứu: Học sinh trường THPT Phan Đình Giót.

3. Giới hạn và phạm vi nghiên cứu

Nghiên cứu bạo lực ngôn từ trong môi trường học đường chỉ tập trung giữa học sinh với học sinh.

III. Giả thiết khoa học

Nếu đề tài áp dụng thành công thì sẽ góp phần ngăn chặn, đẩy lùi được tình trạng bạo lực ngôn từ học đường, giúp các bạn có cách cư xử có văn hóa, biết lắng nghe, thấu hiểu và giúp đỡ nhau trong cuộc sống, hoàn thiện nhân cách, đạo đức, lối sống cho mình. Từ đó sẽ góp phần nâng cao chất lượng giáo dục mọi mặt cho nhà trường.

C. THIẾT KẾ VÀ PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

1. Thiết kế

Để thực hiện được dự án “Bạo lực ngôn từ học đường- Lời nói không dao mà cắt lòng đau nhói” nhóm thực hiện dự án đã tiến hành nghiên cứu tổng quan tìm hiểu thực trạng của vấn đề bạo lực ngôn từ học đường (giữa các bạn học sinh với nhau) ở trường THPT Phan Đình Giót. Tìm hiểu nguyên nhân, đánh giá những hậu quả mà bạo lực ngôn từ gây ra cả đối với chủ thể và nạn nhân, những ảnh hưởng tới nhà trường, gia đình, xã hội. Từ đó đề ra một số biện pháp để ngăn chặn.

2. Phương pháp nghiên cứu

2.1. Nghiên cứu tài liệu

2.2. Thu thập dữ liệu trên thực địa

2.3. Phương pháp thực nghiệm

D. TIẾN HÀNH NGHIÊN CỨU

 

Chương I

TỔNG QUAN VỀ VẤN ĐỀ NGHIÊN CỨU VÀ TÍNH MỚI,

SÁNG TẠO CỦA ĐỀ TÀI

 

1. Tổng quan về vấn đề nghiên cứu

Tìm hiểu rõ thực trạng của vấn đề bạo lực ngôn từ học đường (giữa các bạn học sinh với nhau) về đối tượng, chủ đề, thái độ hành vi của các bạn học sinh.

Khảo sát, đánh giá những hậu quả mà bạo lực ngôn từ gây ra cả đối với chủ thể và nạn nhân của bạo lực ngôn từ học đường, những ảnh hưởng của bạo lực ngôn từ tới nhà trường, gia đình, xã hội. Từ đó đề ra một số biện pháp tích cực ngăn chặn thực trạng. Qua đó, giúp các bạn học sinh có suy nghĩ, thái độ và hành động đúng đắn đối với hành vi ứng xử, giao tiếp đẹp có văn hóa với bạn bè.

2. Tính mới:

Nghiên cứu bạo lực ngôn từ trên đối tượng là học sinh; các giải pháp đa dạng, linh hoạt, phù hợp với lứa tuổi.

3. Tính sáng tạo:

Đề xuất một số các giải pháp để ngăn chặn tình trạng bạo lực bằng ngôn từ phù hợp với lứa tuổi, điều kiện thực hiện với các nhà trường. Các giải pháp cụ thể với từng đối tượng chứ không chung chung. Đây cũng là tài liệu giúp thầy cô giáo hiểu rõ tâm sinh lý học sinh lớp mình giảng dạy, lớp chủ nhiệm và học sinh trong toàn trường.

4. Một số khái niệm có liên quan đến vấn đề nghiên cứu

          4.1. Khái niệm học sinh THPT

Lứa tuổi THPT bao gồm từ 15 đến 18 tuổi, gọi là lứa tuổi thanh thiếu niên và có một vị trí đặc biệt trong quá trình phát triển của học sinh.

Trong thời kỳ này, nếu sự phát triển được định hướng đúng thì các bạn sẽ trở thành cá nhân thành đạt, công dân tốt. Ngược lại, nếu không được định hướng đúng, bị tác động bởi các yếu tố tiêu cực thì sẽ xuất hiện hàng loạt nguy cơ dẫn các bạn đến bến bờ của sự phát triển lệch lạc về nhân cách.

          4.2. Khái niệm bạo lực ngôn từ học đường

Là những hành vi sử dụng ngôn ngữ mang tính công kích, xúc phạm, thô bạo nhằm hạ thấp giá trị của người khác, tấn công tâm lí người khác một cách vô hình nhằm gây những tổn thương về tinh thần cho người bị hại, thường diễn ra trong phạm vi trường học.

                                            Chương II

THỰC TRẠNG BẠO LỰC NGÔN TỪ HỌC ĐƯỜNG

 

1. Khái quát về đối tượng khảo sát

Nhóm thực hiện dự án đã tiến hành khảo sát thực trạng bạo lực ngôn ngữ với 940 học sinh thuộc các thành phần các dân tộc Kinh, Khơ mú, H.Mông, Thái, Tày… đến từ 25 đơn vị lớp học trong nhà trường nhằm thu thập các thông tin phục vụ quá trình nghiên cứu đề tài.

2. Mục đích, nội dung, phương pháp khảo sát

          2.1. Mục đích khảo sát

Đánh giá thực trạng nhận thức về việc sử dụng bạo lực ngôn từ, giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt của các bạn học sinh trong nhà trường để làm cơ sở đề xuất một số giải pháp góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực ngôn từ học đường.

2.2. Nội dung khảo sát

Thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu, đề tài đã tập trung vào những nội dung khảo sát như sau: Khảo sát nhận thức về thực trạng, những hệ lụy do bạo lực ngôn từ gây ra; Các hình thức hay sử dụng; Chủ đề hay sử dụng bạo lực ngôn từ học đường; Đối tượng; Thái độ của các bạn học sinh khi chứng kiến hành vi bạo lực ngôn từ học đường.

          2.3. Phương pháp khảo sát

– Phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi: Chúng em thiết kế 01 mẫu phiếu hỏi dành cho đối tượng là học sinh. Chúng em đưa ra 12 câu hỏi định hướng và câu hỏi mở nhằm đánh giá về nhận thức về tình trạng bạo lực ngôn từ học đường ở các trường THPT. Nhận thức với các mức độ về một số giải pháp góp phần ngăn chặn tình trạng bạo lực ngôn từ học đường.

– Phương pháp phỏng vấn: Học sinh trực tiếp phỏng vấn học sinh, giáo viên.

– Thu thập và xử lý số liệu.

3. Kết quả khảo sát

3.1. Thực trạng của vấn đề bạo lực ngôn từ học đường

          3.1.1. Nhận thức về việc sử dụng bạo lực ngôn từ học đường

           Hiện nay trong các trường THPT nói chung, trường THPT Phan Đình Giót nói riêng, vấn nạn bạo lực ngôn từ giữa học sinh với học sinh đang xảy ra một cách phổ biến với những hình thức đa dạng, cả việc sử dụng ngôn ngữ nói và hình thức ngôn ngữ viết thông qua các trang mạng xã hội như facebook, messenger, zalo…

Trong quá trình học tập, giao tiếp, các mối quan hệ, các bạn học sinh thường hay trêu đùa, nói xấu, chửi mắng bạn bè của mình bằng những lời lẽ thô tục hoặc những từ ngữ mang tính xúc phạm, đe dọa thông qua hình thức nói thẳng trực tiếp hay nói xấu sau lưng, nói ẩn ý… đã làm cho các bạn bị tổn thương tâm lí: chán nản, xa lánh bạn bè, tự cô lập chính mình; đồng thời còn gây ra những mâu thuẫn, dẫn tới những vụ ẩu đả, gây gổ trong và ngoài nhà trường. Một trong những nguyên nhân trực tiếp của các vụ đánh nhau, gây lộn đều xuất phát từ việc sử dụng lời nói có tính chất bạo lực của chính các bạn. Chúng em đã tiến hành khảo sát về việc sử dụng bạo lực ngôn từ học đường của học sinh và thu được kết quả như sau:

Bảng 1: Nhận thức về bạo lực ngôn từ

STT 1. Bạn hiểu thế nào là bạo lực ngôn từ học đường? Ý kiến
Số lượng Tỉ lệ %
1 Là những ngôn từ có tính châm chọc, mỉa mai, chế giễu, công kích người khác 232 24,7
2 Là những ngôn từ đe dọa, xúc phạm, làm tổn thương người khác 254 27,0
3 Là những ngôn từ thô bạo nhằm hạ thấp giá trị của người khác 300 31,9
4 Tất cả các đáp án trên 154 16,4
STT 2. Bạn đã bao giờ chê bai, dè bỉu, nói xấu, công kích người khác chưa? Ý kiến
Số lượng Tỉ lệ %
1 Chưa một lần 0 0
2 Thi thoảng 320 34
3 Thường xuyên 340 36,2
4 Không nhớ nổi 280 29,8
STT 3. Bạn đã bao giờ bị người khác trêu trọc, mỉa mai, xúc phạm, công kích chưa? Ý kiến
Số lượng Tỉ lệ %
1 Chưa một lần 0 0
2 Rất ít 133 14,1
3 Thường xuyên 426 45,3
4 Không nhớ nổi 381 40,6

Khi được hỏi về bạo lực ngôn từ học đường thì đa số các bạn đều không hiểu bạo lực ngôn từ là gì. Hầu hết, các bạn đều nhận thức việc dùng ngôn từ bạo lực là thường xuyên trong đời sống hàng ngày. Như vậy, có thể thấy việc các bạn không kiểm soát được hành vi ngôn từ của mình với bạn bè là một vấn đề đang bức thiết của hầu hết các nhà trường.

Không chỉ là chủ thể của bạo lực ngôn từ mà các bạn còn là nạn nhân của hành vi tiêu cực đó. Điều đó đã cho thấy một thực trạng đáng buồn trong văn hóa giao tiếp, văn hóa ứng xử của các bạn học sinh hiện nay.

3.1.2. Nhận thức về các hình thức mà các bạn học sinh hay sử dụng bạo lực ngôn từ học đường

Việc dùng bạo lực ngôn từ thông qua rất nhiều hình thức như nói thẳng trực diện, qua các trang mạng xã hội hay điện thoại, hay nói xấu sau lưng,… qua các trang mạng các bạn còn đưa tin để nói xấu, châm biếm, sỉ nhục bạn bè bằng những lời lẽ không tốt đẹp hoặc những từ ngữ mang tính xúc phạm, công kích thông qua facebook với các tin nhắn, các bài viết hay các bình luận ác ý…

Chúng em đã tiến hành khảo sát về các hình thức mà các bạn học sinh hay sử dụng bạo lực ngôn từ học đường và thu được kết quả như sau:

Bảng 2: Các hình thức hay sử dụng bạo lực ngôn từ học đường

STT Bạn đã sử dụng những hình thức nào để trêu đùa, nói xấu, chửi mắng, sỉ nhục, đay nghiến, chì chiết bạn bè của mình? Ý kiến
Số lượng Tỉ lệ %
1 Thông qua mạng xã hội, điện thoại 265 28,2
2 Nói thẳng trực tiếp 345 36,7
3 Nói xấu sau lưng 215 22,9
4 Nói ẩn ý 115 12,2

Có 28,2% bạo lực ngôn từ bằng hình thức sử dụng mạng xã hội, điện thoại. Ngoài ra thì việc bạo lực ngôn từ dưới hình thức nói thẳng trực tiếp, nói xấu sau lưng, nói ẩn ý cũng chiếm số lượng khá đông trên 70%. Đặc biệt, có 36,7% bạo lực ngôn từ bằng cách nói trực tiếp trước mặt bạn bè, chính điều đó đã là rào cản lớn cho những nạn nhân bị bạo hành về tinh thần lẫn khiến các bạn ngày càng nhút nhát, e dè không dám thể hiện mình trước đám đông.

3.1.3. Nhận thức về các chủ đề bạo lực ngôn từ học đường

Có thể thống kê tỉ lệ các chủ đề của bạo lực ngôn từ học đường mà các bạn hay sử dụng như sau:

Bảng 3: Các chủ đề của bạo lực ngôn từ học đường

STT Chủ đề của bạo lực ngôn từ gồm Ý kiến
Số lượng Tỉ lệ %
1 Tài năng 262 27,9
2 Hoàn cảnh gia đình 180 19,1
3 Giới tính 24 2,6
4 Tính cách 140 14,9
5 Ngoại hình 314 33,4
6 Vấn đề khác 20 2,1

Qua nghiên cứu, khảo sát, chúng em thấy các bạn học sinh trong nhà trường thường sử dụng bạo lực ngôn từ hướng tới rất nhiều chủ đề:

– Ngoại hình: có đến 33,4% khi được khảo sát đều cho rằng ngoại hình là nguyên nhân dẫn đến sự khó chịu giữa các bạn học sinh với nhau. Các bạn hay mỉa mai, châm chọc đối với những bạn có ngoại hình mập, gầy, xấu hay đẹp, làn da trắng hay đen, mái tóc…Những câu nói hay được sử dụng nhiều nhất đó là: “béo như con lợn”, hay “con đấy da đen như than”…Các bạn hay dựa vào ngoại hình của các bạn để đặt biệt danh và dùng để gọi các bạn mọi lúc mọi nơi, như “con lợn”, “con voi”, “camorun”….

–  Tính cách: Tính cách là một trong những chủ đề của bạo lực ngôn từ học đường, 14,9% bạn nhận thức được tính cách là của những bạn hay tự cho mình là “chảnh”, “kiêu”,…thường gây ra sự khó chịu với các bạn. Nhiều bạn thậm chí còn bị cô lập bởi tính a dua của các bạn khác, bị tẩy chay không cho chơi cùng, không nói chuyện cùng.

– Tài năng: Theo khảo sát có 27,9% cho rằng tài năng là một chủ đề không ngoại trừ trong bạo lực ngôn từ học đường. Có năng khiếu, năng lực cũng bị đố kỵ, biệt lập mà nhất là không có năng lực, kém cỏi cũng bị chê bai, rè bỉu.

– Giới tính: Có 2,6% nhận thức giới tính cũng là một trong những chủ đề bị bôi bác, châm chọc. Chỉ cần thấy một bạn trai nào đó có biểu hiện không bình thường như giọng nói hay chơi với các bạn nữ là các bạn đánh giá là bị gay, bị bê đê, các bạn tuyên truyền, nói những từ đó mọi lúc mọi nơi, kể cả với người quen hay người lạ, bạn bè hay thầy cô… Còn với những bạn gái mà tính cách mạnh mẽ hay chơi với các bạn trai, chơi những trò chơi như con trai thì ngay lập tức bị đánh giá là con trai, bị gọi là giới tính thứ ba hay “nam không ra nam, nữ không ra nữ”…

– Hoàn cảnh gia đình: các bạn hay nhằm vào những bạn có hoàn cảnh gia đình khó khăn hay có vấn đề để bôi bác, nói xấu, như: đồ không có cha, đồ mẹ bỏ theo trai, đồ con nhà bố nghiện ma túy, rồi chê bai hoàn cảnh gia đình. Đây là một chủ đề hay bị các bạn xoi mói, bàn tán dẫn tới những vụ cãi vã, đánh nhau trong nhà trường.

– Khiếm khuyết của bản thân: một số bạn không may có những khiếm khuyết như bị lé, bị tật không có bàn tay, nói lắp, bị sứt môi… đã bị các bạn lấy những khiếm khuyết ra để mỉa mai, thậm chí dùng những từ nặng nề để trêu trọc khiến cho các bạn rất tự ti, đau khổ ở trong lòng hay dùng để đặt tên gọi các bạn mọi lúc, mọi nơi như: Hưng chột, Vĩ sứt, Thủy cụt… mà không nghĩ đến cảm xúc của các bạn.

          3.1.4. Nhận thức về đối tượng của bạo lực ngôn từ học đường

Đối tượng của bạo lực ngôn từ học đường là hướng đến tất cả các bạn học sinh, không chừa bất kỳ ai. Có bạn vừa là nạn nhân nhưng đồng thời cũng là người sử dụng bạo lực ngôn từ để công kích, chế giễu người khác.

Thông qua phiếu khảo sát, ta có thể thấy rõ được đối tượng của bạo lực ngôn từ học đường chiếm số lượng khá lớn. Cụ thể như sau:

Bảng 4: Đối tượng của bạo lực ngôn từ học đường

STT Bạn thuộc đối tượng nào của bạo lực ngôn từ học đường? Ý kiến
Số lượng Tỉ lệ %
1 Nạn nhân 300 31,9
2 Người sử dụng 410 43,6
3 Người chứng kiến 230 24,5

Như vậy, có thể thấy ít có bạn nào tránh khỏi đối tượng của bạo lực ngôn từ, dù không sử dụng nhưng chúng ta cũng sẽ là những người chứng kiến hoặc nạn nhân của những hành vi tiêu cực này.

3.1.5. Nhận thức về thái độ của các bạn học sinh khi chứng kiến hành vi bạo lực ngôn từ học đường

Điều đặc biệt là khi thấy các bạn bị những bạn khác bạo lực ngôn từ, bị công kích, mỉa mai, bị các bạn khác làm tổn thương thì những bạn học sinh chứng kiến rất ngại tỏ thái độ bênh vực bạn, thường chỉ im lặng, thậm chí là hùa theo, ủng hộ, bắt chước để trêu, châm chọc, đả kích bạn. Có thể theo dõi bảng thống kê về thái độ của các bạn học sinh khi chứng kiến bạo lực ngôn từ học đường như sau:

Bảng 5: Thái độ khi chứng kiến bạo lực ngôn từ học đường

STT Khi chứng kiến hành vi bạo lực ngôn từ học đường bạn có thái độ như thế nào? Ý kiến
Số lượng Tỉ lệ %
1 Im lặng 525 55,9
2 Ủng hộ 290 30,9
3 Bênh vực 125 13,2

Do đâu mà các bạn có thái độ như vậy? Bởi các bạn sợ mình lại trở thành nạn nhân tiếp theo của bạo lực ngôn từ. Những bạn là nạn nhân của bạo lực ngôn từ cũng thường im lặng, không dám nói ra hoặc thổ lộ với ai vì sợ bị đánh.

3.2. Nguyên nhân của vấn đề bạo lực ngôn từ học đường trong trường     3.2.1. Nguyên nhân chủ quan

Bảng 6: Nguyên nhân của bạo lực ngôn từ học đường

STT Nguyên nhân vì đâu các bạn lại hay chê bai, dè bỉu, công kích, xúc phạm người khác? Ý kiến
Số lượng Tỉ lệ %
1 Do trêu cho vui 300 31,9
2 Do a dua, bắt chước 218 23,2
3 Do không thích người khác hơn mình 90 9,6
4 Việc trêu đùa đó đã là trào lưu của học sinh, không ảnh hưởng nghiêm trọng. 282 30,0
6 Do ức chế, không kiềm chế được tâm lí nên dễ xúc phạm người khác bằng những từ ngữ nặng nề 15 1,6
7 Do việc trêu trọc đó cũng chưa bị xử lí nghiêm 20 2,1
8 Ý kiến khác:

– Thiếu tính khoan dung, độ lượng, tình yêu thương

– Là nạn nhân của bạo lực ngôn ngữ học đường

– Chưa biết kiềm chế cảm xúc cá nhân

– Còn thiếu kỹ năng sống, cách ứng xử chưa khéo léo

15 1,6

         

Nhìn vào bảng số liệu ta thấy: Các bạn cho rằng nguyên nhân chính gây ra hành vi bạo lực ngôn từ của học sinh là do ức chế, không kiềm chế được tâm lí, nên dễ xúc phạm người khác bằng những từ ngữ nặng nề, với ý kiến này có 1,6% lựa chọn. Đây là lứa tuổi mới lớn, có nhiều sự thay đổi về tâm sinh lí, suy nghĩ của các bạn còn có phần non nớt, bồng bột, chưa nhận thức được một cách đúng đắn về việc làm, lời nói của mình; các bạn dễ bị kích động, dễ xung đột, chưa biết kiềm chế cảm xúc của bản thân.

Bên cạnh đó, có đến 31,9% cho rằng bản thân trêu đùa bạn cho vui. Chính điều đó cũng là nguyên nhân chủ yếu gây sự chú ý của người khác bằng cách châm chọc, mỉa mai, chê trách, dè bỉu các bạn.

Có 23,2% cho rằng do bản thân thích bắt chước, a dua với những chủ thể bạo lực ngôn từ nên đã không từ chối được những lời nói khó nghe của chính mình. Bên cạnh đó, nhiều bạn cho rằng việc trêu đùa đó là trào lưu của học sinh, cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng và cũng chưa bị xử lí nghiêm bao giờ đã làm cho bạo lực ngôn từ học đường trở thành một vấn nạn trong môi trường giáo dục hiện nay.

Nhiều các bạn đang còn thiếu kỹ năng sống, chưa biết cách ứng xử, giao tiếp, đối xử với bạn bè sao cho phù hợp và có kỹ năng giải quyết mâu thuẫn hay giải quyết khi trở thành nạn nhân của bạo lực ngôn từ.

          3.2.2. Nguyên nhân khách quan

          * Về phía gia đình:

          – Gia đình đang còn thiếu sự quan tâm sát sao tới con cái, đặc biệt là sự uốn nắn trong lời ăn tiếng nói, trong cách giao tiếp, cư xử, nhân cách, lối sống cuả con.

– Nhiều gia đình quá chú trọng đến kết quả, thành tích học tập của con, vô hình trung đã tạo áp lực cho con cái và tạo ra tính đố kỵ với bạn bè, không muốn người khác hơn mình và tìm cách để châm chọc, nói xấu, xúc phạm những bạn có thành tích hơn mình.

* Về phía nhà trường:

          – Do bạo lực ngôn từ gây ra thường không thể hiện hậu quả trực tiếp, khó phát hiện nên nhà trường chưa phát hiện và xử lí kịp thời.

– Chưa có nhiều hoạt động giáo dục kỹ năng sống cho học sinh.

* Do ảnh hưởng của môi trường sống:

          – Việc sử dụng ngôn từ mang tính bạo lực phần lớn bị ảnh hưởng bởi môi trường sống không lành mạnh như: gần chợ búa hay gia đình có người lớn sử dụng lời ăn tiếng nói có tính cục cằn, thô lỗ hay có tính đố kị, nói xấu nhau…

– Ngoài ra các bạn còn ảnh hưởng bởi lời ăn tiếng nói qua các trang mạng xã hội, phim ảnh, truyền hình, dùng tiếng lóng, sử dụng Teencode ….từ đó bắt chước để dùng trong giao tiếp ảnh hưởng đến vốn từ, mất dần bản sắc của tiếng Việt.

3.3. Những hậu quả của bạo lực ngôn từ học đường gây ra

          3.3.1. Đối với nạn nhân của bạo lực ngôn từ học đường

Bạo lực ngôn từ được ví như một lưỡi dao vô hình, nó không gây ra những tổn thương trực tiếp về thể chất như bạo lực thân thể, mà nó gây ra những tổn thương về mặt tinh thần, những vết thương khó chữa lành về tâm lí của những nạn nhân bạo lực ngôn từ. Những hậu quả này không chỉ ngày một, ngày hai mà có tính chất lâu dài thậm chí là kéo dài cả cuộc đời, trở thành nỗi ám ảnh tâm lí khó quên của mỗi người.

Hậu quả mà bạo lực ngôn từ gây ra có thể chia ở 4 mức độ khác nhau: mức độ nhẹ, mức độ vừa, mức độ nặng, mức độ nghiêm trọng.

Mức độ nhẹ: gây ra những xáo trộn về mặt cảm xúc, gợi những suy nghĩ, nhưng chưa đến mức độ đau khổ hay bi quan.

Mức độ vừa: gây ra những chấn thương nhẹ về mặt tâm lí, bắt đầu thấy mặc cảm, xấu hổ, có sự phân tán trong tư tưởng, ít chú trọng đến vấn đề học tập, hay nghĩ ngợi, buồn rầu. Với mức độ này, ta có thể dễ dàng nhận ra, ban đầu chỉ là lời trêu chọc hay hành vi đe dọa bằng những lời nói nặng nề, nhưng về lâu dài sẽ làm cho các nạn nhân ngày càng suy nghĩ tiêu cực. Nhất là các bạn đã thiếu tự tin sẵn thì càng ngày sẽ càng tự ti và cảm thấy chán nản, bế tắc hơn.

Mức độ nặng: đau khổ, bi quan, chán nản, tự ti, rụt rè, tự dằn vặt bản thân, trách móc những người xung quanh. Các bạn còn không dám thể hiện bản thân mình, không dám bộc lộ những suy nghĩ, tài năng, sở thích, mà sống thu mình, khép kín, buông xuôi, không có ý chí phấn đấu.

Mức độ nghiêm trọng: thay đổi về suy nghĩ, nhân cách, lối sống, cách hành xử với những người xung quanh theo hướng tiêu cực như: trầm cảm, cáu gắt, chửi bới, gây xích mích, đánh nhau…

Nhiều bạn còn lấy đây làm lí do để bao biện cho những hành vi sai trái của mình, sa vào các tệ nạn xã hội như: nghiện game, ma túy, ăn trộm ăn cắp….

Bên cạnh đó, các bạn thường hay tách mình ra, tự cô lập chính mình, không chơi với bạn bè, nhiều bạn rơi vào tình trạng trầm cảm, mất thăng bằng, bị streets nặng, các bạn luôn sống trong mặc cảm, tự ti, sẽ không dám thể hiện mình, không dám khẳng định được bản thân, đánh mất đi cơ hội của mình; đồng thời các bạn không tập trung học tập, dẫn tới kết quả học tập sa sút, có bạn bỏ học, trốn học, không dám đến trường, thường xuyên vi phạm nội quy, quy định của lớp, trường. Điều đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến chính tương lai sau này của các bạn.

Đặc biệt, nếu bạo lực ngôn từ xảy ra thường xuyên, lặp lại, xoáy sâu vào nỗi đau, sự bi quan của các bạn bị đẩy lên đỉnh điểm, có thể dẫn tới những hành động bột phát, thiếu suy nghĩ, thậm chí là tự tìm cách giải thoát cho mình theo hướng tiêu cực, phản kháng lại một cách thiếu tự chủ như tự tử, giết bạn… Như trường hợp bạn Vũ Huỳnh Ngọc Thanh đang học lớp 6 (12 tuổi), ngụ tại phường Đạo Long, Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm, Ninh Thuận đã nhảy xuống sông tự tử vào tháng 6/2018 và để lại một lá thư trong đó ghi tên 4 bạn học mà bạn “hận” vì thường xuyên trêu, châm chọc gọi bạn  là “củ hành”.

Đám tang học sinh Vũ Huỳnh Ngọc Thanh- Trường THCS Trần Thi, (Thành phố Phan Rang- Tháp Chàm) trước sự thương xót của thầy cô, bạn bè.

          3.3.2. Đối với những bạn là chủ thể của bạo lực ngôn từ học đường

Khi các bạn trêu trọc hoặc sử dụng những ngôn từ nặng nề để nói các bạn, sẽ dẫn đến những ức chế, những mâu thuẫn, xích mích, cãi nhau thậm chí còn dẫn đến đánh nhau. Nguyên nhân của những vụ gây gổ, đánh nhau trong nhà trường đều xuất phát từ những mâu thuẫn từ bạo lực ngôn từ.

 

Nữ sinh bị đánh hội đồng tại Công viên Điều hòa, thành phố Điện Biên Phủ          (Ảnh cắt từ clip)

Bên cạnh đó, các bạn sử dụng những lời ăn tiếng nói thô tục để kích bác các bạn khác sẽ hình thành thói quen giao tiếp thiếu văn hóa, ảnh hưởng nghiêm trọng tới nhân cách sau này và làm mất đi vẻ đẹp trong văn hóa ứng xử của Việt Nam.

          3.3.3. Đối với nhà trường

Làm cho môi trường trường học trở nên không lành mạnh trong sáng, ảnh hưởng đến nề nếp, chất lượng giáo dục của nhà trường khi có nhiều học sinh vi phạm. Đồng thời gây tâm lí bất an cho học sinh, phụ huynh khi cho con theo học.

          3.3.4. Đối với gia đình

Với những gia đình có con là nạn nhân của bạo lực ngôn từ thì lo lắng trước những biểu hiện tâm lí thất thường của con hoặc con cái khinh thường, hỗn láo, xúc phạm bố mẹ khi bị lấy hoàn cảnh gia đình ra để châm chọc, xúc phạm.

Với những gia đình có con là chủ thể của bạo lực ngôn từ học đường cũng thường phải lo lắng, bất an trước sự phát triển có phần lệch lạc trong tính cách của con mình, phiền lòng trước những vi phạm của con. Nhiều gia đình bố mẹ đã đỗ lỗi cho nhau, gây ra mâu thuẫn, cãi vã, làm mất hòa khí, hạnh phúc gia đình.

          3.3.5. Đối với xã hội

Bạo lực ngôn từ học đường ảnh hưởng không nhỏ tới xã hội. Tạo lối sống hẹp hòi, vô cảm, cản trở sự phát triển một cách toàn diện của con người cũng chính là cản trở sự phát triển của xã hội. Đồng thời, vấn đề bạo lực ngôn ngữ học đường còn diễn ra ngoài cánh cổng trường, với những vấn đề nhức nhối khiến mất trật tự an ninh xã hội (như những vụ mâu thuẫn từ cãi vã, xích mích, nói xấu nhau dẫn đến đánh hội đồng, xé áo nhau, quay vi deo tung lên mạng xã hội, trong đó nghiêm trọng nhất là từ bạo lực ngôn ngữ dẫn đến bạo lực thân thể, dẫn đến những vụ giết nhau cướp đoạt tính mạng của người khác…)

Qua phân tích số liệu, chúng em nhận thấy các bạn đều nhận thức được thực trạng bạo lực ngôn từ. Thế nhưng cũng có nhiều bạn cho rằng nguyên nhân dẫn tới là do sự tác động mạnh mẽ của công nghệ thông tin, của mạng xã hội hiện đại…đã có tác động không nhỏ dẫn tới hành vi bạo lực ngôn từ của các bạn học sinh hiện nay.

Chương III

ĐỀ XUẤT GIẢI PHÁP NGĂN CHẶN VÀ ỨNG PHÓ VẤN NẠN BẠO LỰC NGÔN TỪ HỌC ĐƯỜNG

 

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức về bạo lực ngôn từ học đường

  1. Cách thức tổ chức thực hiện:

Đề xuất với nhà trường tổ chức tuyên truyền, phổ biến, tích hợp giảng dạy kiến thức cho các bạn về hành vi ứng xử (môn Ngữ văn, GDCD); nâng cao vai trò của các phương tiện truyền thông, nhóm dự án tư vấn xây dựng nội dung các cuộc họp, các kế hoạch hoạt động của Đoàn; phối hợp với phụ huynh giúp các bạn nhận thức đúng vấn đề, loại bỏ tư tưởng im lặng, biết chia sẻ, bày tỏ.

Mỗi bạn cần tự giác nâng cao nhận thức, trách nhiệm sử dụng ngôn từ đối với bản thân mình, đối với những người xung quanh chúng ta. Xác định được trách nhiệm của bản thân trong việc sử dụng ngôn từ. Luôn chủ động, tích cực tìm hiểu ý nghĩa của từ ngữ mình nói ra, chủ động nhận lỗi, nhìn nhận mọi sự việc một các khách quan, vì lợi ích chung của mọi người.

  1. Kết quả:

– Nhiều bạn đã học được cách nói “không” trước những cuộc giao tiếp độc hại.

Biết đặt giới hạn cho bản thân và các mối quan hệ, có tâm lý vững vàng.

– Đã tuyên truyền, hướng dẫn qua buổi họp phụ huynh đầu năm, giữa kỳ về cách quản lý, uốn nắn con trong cách cư xử, giao tiếp (phát tờ rơi).

– Tuyên truyền với các bạn học sinh trong trường về dấu hiệu nhận biết và hậu quả của bạo lực ngôn từ (thông qua tiết chào cờ, NGLL theo chủ đề và sinh hoạt lớp).

.2 Tổ chức các hoạt động giáo dục

  1. Cách thức tổ chức thực hiện:

– Tổ chức các bạn tự xây dựng nội quy về ứng xử trong lớp; tư vấn thành lập các câu lạc bộ. Tư vấn tổ chức các buổi ngoại khóa, cuộc thi (rung chuông vàng, tiểu phẩm, viết bài, vẽ tranh, viết slogan để tuyên truyền về công tác phòng chống bạo lực ngôn từ..).

– Tham gia Tổ tư vấn tâm lý cho các bạn học sinh; tổ chức rèn luyện kỹ năng sống cho các bạn.

– Đăng tải lên Website các tấm gương về ứng xử có văn hóa, các tình huống về giao tiếp trong học đường. Sưu tầm những lời hay ý đẹp.

  1. Kết quả:

– Đã tổ chức 2 buổi tuyên truyền về bạo lực ngôn từ thông qua buổi chào cờ, ngoại khóa. Nhiều hoạt động giáo dục tập thể (trò chơi, tình nguyện, trải nghiệm) lôi cuốn được nhiều bạn tham gia.

– Tham gia tư vấn tâm lý (hỗ trợ giúp các bạn học sinh 28 lượt là nạn nhân của bạo lực ngôn từ).

– Tổ chức các hoạt động trải nghiệm thực tế: thăm gia đình các bạn học sinh khó khăn (theo đơn vị lớp), thăm làng trẻ SOS…

– Nói lời hay ý đẹp mỗi ngày bằng việc tự tích lũy cho bản thân mỗi ngày một hoặc nhiều câu nói hay, có ý nghĩa về cuộc sống (ghi vào cuốn sổ tay); hành động việc làm, cách ứng xử đẹp để bản thân mỗi bạn cảm thấy tự tin, thích thú và hạnh phúc khi tới trường.

3. Khuyến khích – nhắc nhở – xử phạt

  1. Cách thức tổ chức thực hiện:

Khuyến khích các cá nhân, tổ chức có đóng góp cho các hoạt động giảm nạn bạo lực ngôn từ học đường, khuyến khích các bạn áp dụng một số liệu pháp tinh thần; Nhắc nhở những trường hợp vi phạm; Răn đe, xử phạt nghiêm những trường hợp cố tình vi phạm; Nghiêm cấm các hành vi sử dụng ngôn từ có tính bạo lực gây tổn thương cho người khác dưới bất kỳ hình thức nào (nói, viết, nhắn tin, qua mạng xã hội…); Công bố các hình thức xử lí với những cá nhân sử dụng bạo lực ngôn từ học đường. Thông qua hòm thư góp ý, số điện thoại đường dây nóng, camera giám sát của nhà trường, các bạn có thể viết ra những tâm sự thầm kín, những suy nghĩ cũng như lên tiếng về vấn đề bạo lực ngôn từ trong nhà trường để các thầy cô biết, có cách giải quyết, xử lí kịp thời, tránh tình trạng bạo lực diễn ra và kéo dài.

  1. Kết quả:

– Các bạn đã hiểu tác hại và chủ động lên tiếng về bạo lực ngôn từ (chia sẻ, báo cáo các trường hợp vi phạm).

– Đội cờ đỏ của các lớp, đội tự quản của trường đã phát hiện được nhiều hiện tượng tiêu cực dùng ngôn từ có tính bạo lực và báo cáo nhà trường kịp thời để xử lý.

– Đã ký cam kết thực hiện và xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm và trường hợp bao che, a dua theo bạn hoặc biết mà không báo với thầy cô để gây ra những hậu quả nặng nề (12 lượt). Có sự theo dõi và giúp đỡ các bạn vi phạm sửa chữa sai lầm trở thành người biết kiềm chế cảm xúc và là công dân có ích.

– Hàng tuần đội dự án kiểm tra 2 lần (thứ 4, thứ 7) hòm thư góp ý và chuyển cho các bộ phận có liên quan giải quyết.

 

Chương IV: KẾT QUẢ

Qua đề xuất của chúng em, Ban giám hiệu nhà trường, các thầy cô rất khuyến khích và ủng hộ:

Nhà trường đã tiến hành thành lập các câu lạc bộ, tổ chức các hoạt động để tạo môi trường cho các bạn được học hỏi, giao lưu, phát triển kĩ năng ứng xử, giao tiếp có văn hóa của mình.

Các thầy cô giáo chủ nhiệm, giáo viên bộ môn đã quan tâm, theo dõi sát sao, uốn nắn kịp thời các bạn trong quá trình sử dụng ngôn từ, nghiêm cấm hành vi sử dụng ngôn từ có tính chất bạo lực.

Các bạn học sinh cũng đã ý thức được hậu quả nghiêm trọng của vấn nạn bạo lực ngôn từ học đường gây ra, không còn cho rằng đó chỉ là những trò đùa, những lời đùa vui. Các bạn đã có ý thức tôn trọng, yêu thương, biết sẻ chia, giúp đỡ, thấu hiểu và thông cảm cho các bạn trong trường. Các bạn đã yên tâm đến trường, yên tâm tham gia các hoạt động, học tập, vui chơi. Quan trọng hơn cả là các bạn có kĩ năng phòng vệ bản thân để tránh những tác hại mà bạo lực ngôn từ gây ra.

Chúng em đã tiến hành khảo sát, thống kê thực trạng của vấn đề bạo lực ngôn từ học đường trước và sau khi tiến hành dự án như sau:

BIỂU ĐỒ CƠ CẤU THỰC TRẠNG BẠO LỰC NGÔN TỪ HỌC ĐƯỜNG.

Có thể thấy, với một số giải pháp mà chúng em đưa ra các bạn học sinh trong toàn trường đã nhận thức một cách đúng đắn, đầy đủ về vấn đề bạo lực ngôn từ học đường, từ đó đã góp phần ngăn chặn thực trạng này một cách đáng kể. Bản thân các bạn đã ý thức rõ được trách nhiệm của mình trong việc đẩy lùi bạo lực ngôn từ và những ảnh hưởng xấu của chúng trong nhà trường, các bạn đều quyết tâm sẽ xây dựng một môi trường học tập thân thiện, lành mạnh để trường học luôn là mái nhà thân thương trong lòng mỗi bạn học sinh.

Chương V: KẾT LUẬN

Bạo lực học đường luôn là một vấn đề gây nhức nhối đối với dư luận và cả xã hội. Nếu bạo lực thân thể với những vết thương có thể lành theo năm tháng thì bạo lực tinh thần do ngôn từ gây ra lại mang những tổn thương tâm lí nặng nề có thể trở thành nỗi ám ảnh đáng sợ kinh hoàng theo suốt cuộc đời mỗi con người.

Chúng em với tư cách từng là nạn nhân, từng thấu hiểu những đau khổ, dằn vặt, dày vò bản thân, những mặc cảm, xấu hổ khi bị các bạn tấn công bằng ngôn từ có tính bạo lực, chúng em mong muốn sẽ tìm ra các giải pháp thiết thực, hiệu quả góp phần đẩy lùi tình trạng bạo lực ngôn từ trong các nhà trường, để những bạn cùng lứa tuổi chúng em sẽ không còn ai là nạn nhân nữa, để những bạn nào từng là chủ thể sẽ phải nhìn lại chính mình, bạn nào từng là nạn nhân sẽ có suy nghĩ tích cực, lạc quan hơn và quan trọng hơn chúng em muốn trang bị cho các bạn học sinh những kỹ năng để phòng tránh, đối phó với nạn bạo lực ngôn từ học đường.

Tuy nhiên, đây là một vấn đề tương đối phức tạp. Vì thế, để có thể ngăn chặn, khắc phục được cần sự chung tay của tất cả mọi người, từ cá nhân các bạn học sinh, gia đình, nhà trường và xã hội. Đây cũng là dự án khoa học lần đầu chúng em tham gia nghiên cứu, chắc chắn không tránh khỏi những thiếu sót, chúng em rất mong được quý thầy cô, Ban giám khảo góp ý để dự án của chúng em hoàn thiện hơn./.

  1. TÀI LIỆU THAM KHẢO
  2. Cử Mai Lan, Nguyễn hị Lan Anh, Trần Thị Huyền (2022),“Bạo lực ngôn từ trên mạng xã hội ở Việt Nam – Thực trạng và một số giải pháp hạn chế”, Giáo dục xã hội.
  3. Phạm Ngọc Linh (2019), “Thực trạng bị bạo lực lời nói của học sinh trung học phổ thông: Nghiên cứu trường hợp tại huyện Thủy Nguyên, thành phố Hải Phòng”, Tạp chí tâm lý học, số 7 (244).
  4. http://www.hoinhacsi.vn/am-nhac-tri-lieu
  5. https://www.fahasa.com/dac-nhan-tam-bi-quyet-de-thanh-cong

5.http://www.kynang.edu.vn/ky-nang-mem/ung-dung-luat-hap-dan-vao-cong-viec-va-cuoc-song.html

  1. https://text.123doc.org/document/3487715-dac-diem-tam-sinh-ly-cua-hoc-sinh-thpt.htm
  2. https://news.zing.vn/bao-dong-bao-luc-hoc-duong-kieu-moi-post844170.html

 

 

 

  1. PHỤ LỤC
  2. Bộ câu hỏi thi “ Rung chuông vàng”

BỘ CÂU HỎI VÀ ĐÁP ÁN CUỘC THI RUNG CHUÔNG VÀNG

 “TÌM HIỂU VỀ VẤN ĐỀ BẠO LỰC NGÔN TỪ HỌC ĐƯỜNG”

  1. Bộ câu hỏi chính (20 câu)

Câu 1. Thế nào là bạo lực ngôn từ học đường?

  1. Là những ngôn từ có tính châm chọc, mỉa mai, chế giễu, công kích người khác
  2. Là những ngôn từ đe dọa, xúc phạm, làm tổn thương người khác
  3. Là những ngôn từ thô bạo nhằm hạ thấp giá trị của người khác
  4. Tất cả các đáp án trên

(Đáp án: D)

Câu 2. Đối tượng của bạo lực ngôn từ học đường là:

  1. Những người kém may mắn
  2. Những người xấu xí
  3. Không trừ một ai
  4. Chỉ những người khiếm khuyết

(Đáp án C)

Câu 3. Hình thức chủ yếu của bạo lực ngôn từ học đường là:

  1. Ngôn ngữ nói
  2. Ngôn ngữ viết

(Đáp án A)

Câu 4: Trong các hình thức sau, hình thức nào là học sinh sử dụng phổ biến nhất khi bạo lực ngôn từ đối với người khác?

  1. Nói công khai trước mặt bạn bè, thầy cô
  2. Viết vào giấy
  3. Nói thẳng trước mặt
  4. Nói xấu sau lưng

(Đáp án D)

Câu 5. Thái độ của các bạn khi chứng kiến bạo lực ngôn từ học đường là:

  1. Thường báo cáo lên thầy cô
  2. Thường im lặng
  3. A dua, bắt chước

(Đáp án B)

Câu 6. Có bao nhiêu chủ đề thường được bạo lực ngôn từ học đường hướng tới:

  1. 8
  2. 9
  3. 10
  4. 11

(Đáp án B)

Câu 7: Câu nào sau đây là câu có tính chất bạo lực?

  1. Nó mà đẹp á?
  2. Đồ thích ra oai với người khác
  3. Ngu như bò mà còn thích thể hiện
  4. Tất cả các câu trên

(Đáp án D)

Câu 8: Việc đặt biệt danh các bạn theo sự khiếm khuyết của bản thân như: chột, lé, què, sứt… là:

  1. Trêu đùa
  2. Bạo lực ngôn từ

(Đáp án B)

Câu 9. Nguyên nhân chủ yếu dẫn tới bạo lực ngôn từ học đường là gì?

  1. Do chính các bạn chưa nhận thức đầy đủ, còn a dua, bắt trước, thiếu sự thông cảm
  2. Do gia đình chưa uốn nắn, giáo dục kịp thời
  3. Do nhà trường chưa xử lí nghiêm

(Đáp án A)

Câu 10. Hậu quả chủ yếu mà bạo lực ngôn từ gây ra cho các bạn học sinh là:

  1. Tổn thương về mặt tâm lí
  2. Tổn thương về thân thể

(Đáp án A)

Câu 11. Hậu quả mà bạo lực ngôn từ học đường gây ra sự tổn thương tâm lý của nạn nhân thường ở mấy mức độ.

  1. 3
  2. 4
  3. 5
  4. 6

(Đáp án B)

Câu 12. Ở mức độ hậu quả nào, nạn nhân bạo lực ngôn từ học đường có thể sẽ phản ứng tiêu cực: đau khổ, ức chế dẫn đến đánh nhau, hoặc tự giải thoát cho mình như tìm đến các chết.

  1. Mức độ nhẹ
  2. Mức độ vừa
  3. Mức độ nặng
  4. Mức độ nghiêm trọng

(Đáp án D)

Câu 13. Đối với chủ thể thực hiện bạo lực ngôn từ học đường, hậu quả gây ra là:

  1. Trở thành người ích kỷ, hẹp hòi
  2. Vi phạm nội quy của nhà trường, có thể dẫn đến cãi vã, mâu thuẫn, đánh nhau
  3. Cả 2 đáp án trên

(Đáp án C)

Câu 14. Hậu quả chủ yếu mà bạo lực ngôn từ học đường gây ra cho nhà trường là:

  1. Làm cho môi trường học tập trở nên không lành mạnh, các của các bạn học sinh không yên tâm khi đến trường
  2. Làm cho nề nếp của nhà trường đi xuống
  3. Làm cho các thầy cô lo lắng, ảnh hưởng tới công tác giảng dạy của thầy cô
  4. Làm cho nhà trường không tổ chức được các hoạt động

(Đáp án A)

Câu 15: Bạo lực ngôn từ học đường có phải là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến bạo lực thân thể không?

  1. Không

(Đáp án B)

Câu 16. Để ngăn chặn bạo lực ngôn từ học đường, cần những ai?

  1. Các bạn học sinh
  2. Nhà trường
  3. Tất cả mọi người

(Đáp án C)

Câu 17: Đối với nạn nhân của vấn đề bạo lực ngôn từ học đường cần:

  1. Im lặng
  2. Sử dụng hình thức bạo lực ngôn từ với người khác
  3. Phản ứng lại
  4. Báo với thầy cô hoặc chia sẻ với bạn bè, người thân

(Đáp án D)

Câu 18. Biện pháp chủ yếu nào giúp ngăn chặn được bạo lực ngôn từ học đường?

  1. Gia đình cần giáo dục, giải thích, uốn nắn cách cư xử của con cái
  2. Bản thân các bạn cần nâng cao nhận thức về những hậu quả nặng nề do bạo lực ngôn từ gây ra, biết chia sẻ, thông cảm và thấu hiểu
  3. Nhà trường xử lí nghiêm những trường hợp vi phạm

(Đáp án B)

Câu 19. Trong các biện pháp nhà trường tiến hành, thì biện pháp nào là cần thiết nhất để có thể ngăn chặn tình trạng bạo lực ngôn từ học đường?

  1. Tuyên truyền giúp các bạn nâng cao nhận thức
  2. Tổ chức các hoạt động
  3. Đưa ra những biện pháp xử lí

(Đáp án A)

Câu 20: Những kỹ năng sống nào sẽ giúp các bạn học sinh hạn chế được vấn đề bạo lực ngôn từ học đường?

  1. Kỹ năng tự phục vụ bản thân; Kỹ năng xác lập mục tiêu
  2. Kỹ năng quản lý thời gian hiệu quả; Kỹ năng thể hiện tự tin trước đám đông
  3. Kỹ năng điều chỉnh và quản lý cảm xúc; Kỹ năng giao tiếp và ứng xử; Kỹ năng hợp tác và chia sẻ
  4. Kỹ năng tự nhận thức và đánh giá bản thân; Kỹ năng đối diện và ứng phó khó khăn.

(Đáp án C)

  1. Câu hỏi phụ (3 câu)

Câu 1. Trong các biện pháp từ phía gia đình, theo em biện pháp nào sau đây là cần thiết nhất?

  1. Phân tích, giải thích
  2. Xử phạt con
  3. Giáo dục con lòng nhân ái, không nên ghanh ghét, đố kị với người khác
  4. Báo cáo lên nhà trường

(Đáp án A)

Câu 2. Trong các hoạt động sau, hoạt động nào sẽ giúp các bạn học sinh biết thông cảm, chia sẻ, thấu hiểu, thương yêu người khác?

  1. Hoạt động trải nghiệm
  2. Hoạt động quyên góp ủng hộ các bạn có hoàn cảnh khó khăn
  3. Các hoạt động phong trào văn nghệ, thể dục thể thao

(Đáp án B)

Câu 3. Khi ở mức độ nghiêm trọng, bạo lực ngôn từ học đường gây ra cho nạn nhân là:

  1. Tự ti, mặc cảm, xấu hổ
  2. Đau khổ, chán nản, bi quan
  3. Xáo trộn tâm lí, thấy buồn
  4. Tự kỉ, trầm cảm, đánh nhau

(Đáp án D)

III. Câu hỏi cho khán giả (5 câu)

Câu 1: Bạo lực ngôn từ học đường thường xảy ra chủ yếu ở đâu?

  1. Ở gia đình
  2. Ngoài nhà trường
  3. Trong nhà trường

(Đáp án C)

Câu 2. Chủ đề mà bạo lực ngôn từ học đường hướng tới chủ yếu là:

  1. Tình cảm
  2. Ngoại hình
  3. Tính cách
  4. Sở thích

(Đáp án B)

Câu 3. Câu “Đồ nhà nghèo chỉ có mỗi mấy bộ quần áo” có phải là bạo lực ngôn từ không?

  1. Không

(Đáp án A)

Câu 4. Chúng ta cần làm gì để ngăn chặn tình trạng bạo lực ngôn từ học đường?

  1. Học tập tốt
  2. Lao động, rèn luyện bản thân
  3. Không ganh ghét, đố kị, phải biết thông cảm với người khác
  4. Phải tham gia các hoạt động

(Đáp án C)

Câu 5. Khi chứng kiến thấy các bạn bị bạo lực ngôn từ trong nhà trường, chúng ta sẽ:

  1. Bắt chước, a dua theo
  2. Im lặng
  3. Cười thích thú
  4. Lên tiếng bảo vệ bạn hoặc báo với thầy cô giáo

(Đáp án D)

  1. Phiếu điều tra, khảo sát

Phiếu điều tra

NÓI KHÔNG VỚI BẠO LỰC NGÔN TỪ HỌC ĐƯỜNG

Lĩnh vực: Khoa học xã hội và hành vi

  1. THÔNG TIN CÁ NHÂN
  2. Họ và tên học sinh:……………………………….………………………………….

Trường…………………………………………………………………………….

  1. Giới tính: Nam   Nữ
  2. Hộ khẩu thường trú (thôn, xã, huyện, tỉnh):…………………………………………….
  3. NỘI DUNG KHẢO SÁT
  4. Bạn hiểu thế nào là bạo lực ngôn từ học đường?

Là những ngôn từ có tính châm chọc, mỉa mai, chế giễu, công kích người khác

Là những ngôn từ đe dọa, xúc phạm, làm tổn thương người khác

Là những ngôn từ thô bạo nhằm hạ thấp giá trị của người khác

Tất cả các đáp án trên

  1. Bạn đã bao giờ chê bai, dè bỉu, nói xấu, công kích người khác chưa?

Chưa một lần

Thi thoảng

Thường xuyên

Không nhớ nổi

  1. Bạn đã bao giờ bị người khác trêu trọc, mỉa mai, xúc phạm, công kích chưa?

Chưa một lần

Rất ít

Thường xuyên

Không nhớ nổi

  1. Bạn sử dụng hình thức nào để trêu đùa, nói xấu, chửi mắng, sỉ nhục, đay nghiến, chì chiết bạn bè của mình?

Thông qua mạng xã hội, điện thoại

Nói xấu sau lưng

Nói thẳng trực tiếp trước bạn bè

Nói ẩn ý

  1. Chủ đề của bạo lực ngôn từ gồm:

Tài năng

Hoàn cảnh gia đình

 Giới tính

Tính cách

Ngoại hình

Vấn đề khác

  1. Bạn thuộc đối tượng của bạo lực ngôn từ?

Nạn nhân

Người sử dụng

Người chứng kiến

  1. Khi bị rơi vào hoàn cảnh bị các bạn chế giễu, coi thường, xúc phạm bằng lời nói, hay lấy ra làm đề tài bàn tán, trêu đùa, bạn cảm thấy thế nào?

Xấu hổ, thấy tự ti với bản thân

Mặc cảm với chính mình và các bạn

Cảm thấy rất đau khổ, khóc lóc

Muốn bỏ học, trốn học

  1. Khi chứng kiến hành vi bạo lực ngôn từ học đường bạn có thái độ như thế nào?

Im lặng

Ủng hộ

Bênh vực

  1. Nguyên nhân vì đâu các bạn lại hay chê bai, dè bỉu, công kích, xúc phạm người khác?

Do trêu cho vui

Do a dua, bắt chước

Do không thích người khác hơn mình

Việc trêu đùa đó đã là trào lưu của học sinh

Việc trêu đó cũng không ảnh hưởng nghiêm trọng gì tới người khác

Do ức chế, không kiềm chế được tâm lí nên dễ xúc phạm người khác bằng những từ ngữ nặng nề

Do việc trêu trọc đó cũng chưa bị xử lí nghiêm

Ý kiến khác:……………………………………………………………………

  1. Theo bạn bạo lực ngôn từ học đường gây ra những hệ lụy nào?

Trở thành nỗi ám ảnh tâm lí khó quên của mỗi người

Đau khổ, bi quan, chán nản, tự ti, rụt rè, nhút nhát, sợ giao tiếp, luôn sống trong cảm giác mặc cảm, tự dằn vặt bản thân

Cáu gắt, tức giận, quát tháo, chửi bới, gây xích mích, bạo lực thân thể

Hành động bột phát, liều lĩnh, thiếu suy nghĩ, thậm chí là tự tử, giết bạn…

Ý kiến khác:…………………………………………………………………….

  1. Theo bạn để giảm thiểu và ngăn chặn vấn nạn bạo lực ngôn từ học đường cần áp dụng những giải pháp nào?

Thành lập các câu lạc bộ Toán học, Hóa học, Văn học, Tiếng Anh,…

Có những hoạt động ngoại khóa giáo dục kỹ năng sống cho học sinh

Tham quan trải nghiệm

Thành lập tổ tư vấn tâm lý học sinh

Xây dựng trường học hạnh phúc An toàn – Bình đẳng – Yêu thương

Các biện pháp khác (nếu có):………………………………………

  1. Em sẽ làm gì để góp phần xây dựng Trường học hạnh phúc – An toàn không có bạo lực học đường?

 

MỘT SỐ ẢNH MINH HỌA CHO CÁC GIẢI PHÁP ĐÃ THỰC HIỆN

 

Phát tờ rơi về tác hại bạo lực ngôn từ học đường Hướng dẫn phụ huynh cách quản lý, uốn nắn con em

 

Chuyên gia tâm lý hướng dẫn các bạn Tuyên truyền về bạo lực ngôn từ học đường
Hoạt động tình nguyện làm đẹp cảnh quan Trò chơi kéo co vào các giờ ra chơi
Hội thi gói bánh trưng Trải nghiệm nghề thủ công dân tộc Thái

 

Thăm gia đình có công với cách mạng Hội thi Vũ điệu xanh

 

Hội thi trình diễn thời trang (tự chế) Sinh hoạt lớp với chủ đề bạo lực ngôn từ
Hoạt động học tập theo dự án Tìm đọc lời hay ý đẹp

                                           

Hoạt động tìm đọc sách, báo tại thư viện Hoạt động thảo luận chủ đề “Nói không với bạo lực ngôn từ học đường”

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *