Viết bài văn nghị luận về nạn săn bắn thú rừng hoang dã ở Việt Nam qua truyện “Tiếng gọi ngàn”

Đề thi khối 11

KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II- NĂM HỌC 2023-2024

MÔN NGỮ VĂN. KHỐI 11

 THỜI GIAN: 90 PHÚT

PHẦN I: ĐỌC – HIỂU (6.0 ĐIỂM)

Đọc văn bản sau và trả lời câu hỏi:

Cứ vài ba tháng là bà con ấp Kèo Nèo lại rủ nhau tổ chức đi “săn hội” một lần. Bởi lâu ngày thèm thịt, ăn mãi cá tôm phát chán cũng có. Bởi thích thú chạy nhảy đuổi bắt, hò la thỏa sức cũng có. Ðối với các tay lì lợm có chút ít võ nghệ thì đó là dịp phô phang tài trí, đem gan góc ra thử thách, đối chọi với nanh vuốt của các con vật rừng hung hãn nhất.

Ðàn ông trai tráng khỏe mạnh tích cực, tất nhiên. Mà đàn bà trẻ con yếu ớt cũng hăng hái theo phụ trợ. Bởi các con thịt lớn săn được, đều có phần chia cho từng nhà, còn con nào nho nhỏ thì gia đình ai bắt được nấy ăn. Và cũng bởi trong các câu chuyện kể ở các tiệc nhậu giỗ, nhậu cưới… thì chuyến đi săn được thực khách đứng ra biểu diễn lúc chính mình đánh nhau với ác thú, bao giờ cũng là tiết mục hấp dẫn, hồi hộp, khoái trá được mọi người hoan nghênh nhất. Mà ở cái xứ rừng heo hút của đất Gò Quao – trong những năm hai mươi của thế kỷ chúng ta đang sống đây – đã gọi là tay “võ dõng” thì nào ai há chịu kém ai. Chính vì thế mà hầu như không có mấy con vật rừng sống sót, mỗi lần họ tập hợp hàng đôi ba trăm người hăm hở kéo nhau gõ thùng thiếc, khua chiêng huơ dáo mác vây kín cả một khu rừng nào đó, từ lúc mặt trời còn chưa ló dạng.

Từ hổ báo, lợn rừng, nai, hoẵng, khỉ, vượn, chim nước, kỳ đà, rắn, rùa… cho tới con nhen con sóc vừa giật mình thức dậy nhô đầu ra khỏi bộng cây, con chuột nhum ăn đêm chưa kịp về đến tổ chui trốn xuống hang cũng đều khó lòng thoát khỏi tay họ. Nói chung tất cả các loài bò, bay, lủi, chạy trong khu  rừng bị bao vây đều biến thành mồi nhậu của những bữa rượu kéo dài thâu đêm.

Vậy mà lần nọ, có một con lợn rừng con thoát chết. Lợn rừng mẹ đã chống cự quyết liệt để bảo vệ con. Bị mác thông đâm lút cán, nó không ngớt hộc lên dữ dội, còn ngoẹo cổ cắn nát chiếc mác thông và húc mấy người suýt toi mông. Hạ được mẹ rồi, họ nổi khùng giết luôn cả đàn con. Còn một con trốn chui vào hốc cây. Khi một ngọn mũi chuồi vừa chong ra, sắp sửa thọc vào hông con vật rừng bé nhỏ thì chú Tư Ðằng trưởng ấp phát hiện thấy nó có cái vá trắng giữa trán, bèn la lớn:

– Dừng tay lại! Ðừng đâm… Ðừng đâm nghe các cha nội!

– Tại sao? Người toan đâm, mắt đầy sắc khí, hầm hầm quay lại hỏi.

– Linh vật đa! Không thấy cái đốm giữa trán nó sao? Từ nhỏ tới giờ tôi mới thấy giống heo rừng có con này là một.

– Vậy mà thả nó sống để nó lớn lên thành tinh à?

– Thả đâu! Bắt về chớ! Ðể bắt nó về tặng thầy giáo Bảy!

Nhờ cái vá trắng giữa trán và lòng mến mộ thầy giáo Bảy của bà con ấp Kèo Nèo mà con lợn rừng con này thoát chết. […]

Thầy đặt tên cho con lợn rừng con sống sót ấy, tên con Vá. Đó là một con cái đã bước vào tháng tuổi thứ tư. Nếu không gặp tai họa vừa rồi thì nó vẫn còn quây quần bên mẹ cùng các anh chị nó, như một lũ trẻ cho đến hết tuổi hai năm mới lìa đàn. Dù sao trong hơn ba tháng theo mẹ lùng sục giữa rừng bụi hoang vu, nó đã có thể sống tự lập được rồi.[…]

(Lược nội dung: Con lợn rừng được thầy giáo Bảy nuôi, được chăm sóc và trở thành người bạn chí thiết của thầy. Lâu dần, con lợn rừng quen với những tập tính mới, nó không đi đâu xa. Thầy giáo Bảy cho nó đeo vòng cổ, đầu sợi dây thừng chỉ vào ban đêm mới buộc vào chân cầu thang lên xuống nhà. Có lần, Vá đuổi bắt với Mực, Vá bị chiếc ghe lật úp đè trúng giữa lưng, nó được thầy Bảy cứu. Nhiều đêm, khi nghe tiếng rừng và đồng loại, con Vá cũng theo bản năng khát vọng được trở về nhưng cuối cùng vì lòng kính trọng và biết ơn người chủ đã cứu mình, nó đã bỏ qua.

Một hôm thầy Bảy đi “ăn ong”, Vá bị hương quản bắt biếu chủ quận, chủ quận lại biếu chủ tỉnh, cuối cùng nó bị đưa vào sở thú Sài Gòn. Sau bao mong chờ, Vá cũng đã gặp được người chủ cũ là thầy giáo Bảy một lần trước khi thầy ra hải ngoại. Cuối cùng Vá chết trong sở thú vì không chống chịu nỗi cái lạnh và ẩm thấp. Trước khi chết, nó phát lên tiếng gào tuyệt vọng về với núi rừng, nó hối tiếc vì đã xem thường tình cảm giống loài và bội ước với ngàn xanh.)

(Trích “Tiếng gọi ngàn”, Tuyển tập tiếng gọi ngàn, Đoàn Giỏi, https://isach.info  )

Câu hỏi:

Câu 1. (0,5 điểm) Xác định ngôi kể trong câu chuyện?

Câu 2. (0,5 điểm) Vì sao cứ vài ba tháng thì bà con ấp Kèo Nèo lại rủ nhau đi “săn hội”?

Câu 3. (0,5 điểm) Trong câu chuyện trên, kết quả của những lần đi “săn hội” là gì?

Câu 4: (1,0 điểm) Chỉ ra những hành động của lợn rừng mẹ và nêu nhận xét của anh/ chị về những hành động đó?

Câu 5. (1,0 điểm) Theo anh/ chị , nhà văn muốn truyền tải thông điệp gì qua câu  : Nếu không gặp tai họa vừa rồi thì nó vẫn còn quây quần bên mẹ cùng các anh chị nó, như một lũ trẻ cho đến hết tuổi hai năm mới lìa đàn ?

Câu 6: (1,0 điểm) Việc Vá bị đưa vào sở thú và chết vì không chống chịu nỗi cái lạnh cùng với sự ẩm thấp gợi cho anh chị những suy nghĩ gì?

Câu 7: (1,0 điểm) Rút ra bài học có ý nghĩa từ văn bản?

Câu 8: (0,5 điểm) Chỉ ra điểm giống nhau giữa văn bản trên với văn bản “Muối của rừng” đã được học?

PHẦN II: VIẾT (4.0 ĐIỂM)

Hãy viết bài văn nghị luận về nạn săn bắn thú rừng hoang dã ở Việt Nam hiện nay qua truyện ngắn “Tiếng gọi ngàn” của nhà văn Đoàn Giỏi.

…………………..HẾT………………

Đoàn Giỏi (1925- 1989), sinh tại Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang. Tác phẩm của ông là những bức tranh sinh động về con người và thiên nhiên Nam Bộ: Đất rừng phương Nam, Cá bống mú, Đồng Tháp Mười,.. Những truyện ngắn Chuyến xe thổ mộTiếng gọi ngàn… là một trong những tác phẩm Đoàn Giỏi viết sau giải phóng. So với những ngày đầu trên trang viết của Đoàn Giỏi, những tác phẩm ra đời sau giải phóng lại có phần mạnh mẽ hơn, điêu luyện hơn, ngập tràn cảm xúc hơn. Nó luôn tạo cho người đọc một sự day dứt, suy nghĩ, chiêm nghiệm về những gì mà tác giả đã viết, đã bộc bạch qua từng câu chữ.

 

 

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ THI GIỮA HỌC KÌ II. NH: 2023- 2024

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Ngôi kể trong câu chuyện: ngôi thứ ba

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

0,5
  2 Cứ vài ba tháng thì bà con ấp Kèo Nèo lại rủ nhau đi “săn hội” vì:

–          Lâu ngày thèm thịt, ăn mãi cá tôm phát chán

–          Thích thú chạy nhảy đuổi bắt, hò la thỏa sức

–          Muốn phô phang tài trí, đem gan góc ra thử thách, đối chọi với nanh vuốt của các con vật rừng hung hãn nhất.

–          Có tiết mục hấp dẫn để biểu diễn ở các tiệc nhậu giỗ, nhậu cưới

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án/ tương đương ý đáp án: 0,5 điểm

– HS trả lời thiếu ý : 0,25 điểm

– HS không trả lời được/ trả lời không đúng như đáp án: 0 điểm

0,5
  3 Trong câu chuyện trên, kết quả của những lần đi “săn hội” là:

–          Từ hổ báo, lợn rừng, nai, hoẵng, khỉ, vượn, chim nước, kỳ đà, rắn, rùa… cho tới con nhen con sóc vừa giật mình thức dậy nhô đầu ra khỏi bộng cây, con chuột nhum ăn đêm chưa kịp về đến tổ chui trốn xuống hang cũng đều khó lòng thoát khỏi.

–          Tất cả các loài bò, bay, lủi, chạy trong khu  rừng bị bao vây đều biến thành mồi nhậu của những bữa rượu kéo dài thâu đêm.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời như đáp án hoặc trả lời 1 trong 2 ý của đáp án: 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

0,5
  4 –          Những hành động của lợn rừng mẹ: Chống cự quyết liệt để bảo vệ con, không ngớt hộc lên dữ dội,  ngoẹo cổ cắn nát chiếc mác thông và húc mấy người

–          Nhận xét: HS nêu nhận xét hợp lí với những hành động của lợn rừng mẹ.

Gợi ý: Đó là những hành động thể hiện tập tính xã hội của giống loài. Hành động cho thấy lợn rừng mẹ giận dữ, hoảng loạn, kiên quyết bảo vệ con.

Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời đúng hành động và nhận xét: 1,0 điểm

– HS trả lời đúng 1 trong 2:  0,5 điểm

– HS trả lời thiếu ý hành động hoặc chưa hoàn toàn hợp lí phần nhận xét: mỗi phần  0,25 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

1,0
  5 Thông điệp: HS nêu thông điệp phù hợp với nội dung câu văn.

Gợi ý:

Con người không nên vì nhu cầu và sở thích của mình mà gieo rắc tai vạ cho các giống loài khác.

Con vật cũng có cảm xúc, đời sống tình cảm riêng của giống loài, con người nên biết và trân trọng điều đó.

Hướng dẫn chấm:

– HS nêu được thông điệp phù hợp: 1,0 điểm

– HS nêu thông điệp nhưng chưa sát hợp với nội dung: người chấm cân nhắc mức độ đạt được để cho từ 0,25- 0,5 điểm

–  HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

1,0
  6 HS trình bày suy nghĩ của bản thân.

Hướng dẫn chấm:

– HS nêu được suy nghĩ phù hợp, có sáng tạo:0,75 – 1,0 điểm

– HS nêu suy nghĩ nhưng chung chung, đại khái hoặc chưa hoàn toàn phù hợp với chi tiết: 0,25 – 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

1,0
  7 Bài học từ văn bản: HS cần nêu bài học có ý nghĩa và phù hợp với nội dung văn bản

Hướng dẫn chấm:

– HS nêu được bài học có ý nghĩa và  phù hợp: 0,75- 1,0 điểm

– HS nêu bài học nhưng chung chung, đại khái: 0,25 – 0,5 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

1,0
  8 Điểm giống nhau giữa văn bản trên với văn bản “Muối của rừng”:

–          Kể về việc con người vào rừng săn bắn động vật hang dã vì muốn thoả mãn cảm giác của người chiến thắng.

–          Cho thấy một số loài vật cũng có khả năng suy nghĩ và thể hiện suy nghĩ theo cách riêng; có cảm xúc, có tình cảm giống loài riêng.

–          Phản ánh nạn săn bắn động vật hoang dã và có ý nghĩa thức tỉnh con người trong việc bảo vệ tự nhiên.

Hướng dẫn chấm:

– HS nêu đủ các ý trên: 0,5 điểm

– HS có thiếu ý: 0,25 điểm

– HS không trả lời được hoặc trả lời sai: 0 điểm

0,5
II   VIẾT 4,0
    a.      Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội trong tác phẩm văn học.

Hướng dẫn chấm: không cho điểm phần này nếu bài văn thiếu mở bài/thân bài/kết bài.

0,5
          b.   Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Nạn săn bắn thú rừng hoang dã ở Việt Nam hiện nay qua truyện ngắn “Tiếng gọi ngàn”

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

– Học sinh xác định chưa đầy đủ vấn đề nghị luận: 0,25 điểm.

0,5
          c.   Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

HS có thể viết bài nhiều cách trên cơ sở kết hợp được lí lẽ và dẫn chứng để tạo tính chặt chẽ, logic của mỗi luận điểm; đảm bảo các yêu cầu sau:

Mở bài:

+ Giới thiệu truyện ngắn “Tiếng gọi ngàn” của nhà văn Đoàn Giỏi

+ Nêu vấn đề xã hội được đặt ra trong truyện: nạn săn bắn thú rừng hoang dã ở Việt Nam hiện nay

Thân bài:

+ Truyện đã phản ánh thực trạng, nguyên nhân, hậu quả,.của nạn săn bắn thú rừng ở nước ta hiện nay  như thế nào? (cần có lí lẽ, dẫn chứng phù hợp)

+ Trình bày những biện pháp để giải quyết vấn đề (có liên hệ với giải pháp mà tác phẩm gợi ra, sử dụng lí lẽ và dẫn chứng phù hợp)

+ Bình luận về mối quan hệ giữa con người với tự nhiên được gợi ra từ tác phẩm.

Kết bài: Khẳng định lại vấn đề; nêu bài học/ giải pháp giải quyết vấn đề ; đánh giá về đóng góp của tác phẩm đối với vấn đề.

Hướng dẫn chấm:

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (2,0 điểm).

– Lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (1,25 điểm).

– Lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,5 điểm).

Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải thuyết phục, phù hợp với yêu cầu của đề và chuẩn mực của đạo đức, pháp luật.

2,0
          d.   Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,5
          e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *