Đề văn 11 sự cần thiết của những khoảng lặng trong cuộc sống, nghị luận Tờ Hoa Nguyễn Tuân

Đề thi khối 11
 

 

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ II

NĂM HỌC 2023-2024

Môn: Ngữ văn lớp 11

Thời gian làm bài: 90 phút

ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

          Đọc đoạn trích:

Nếu có một ngày bạn thấy mình cần tìm sự bình yên, hãy dành chút thời gian đi dạo dưới một hàng cây. Có rất nhiều âm thanh và chuyển động cần đến sự tĩnh lặng để có thể nghe thấy. Khi tất cả rơi vào trạng thái tĩnh lặng, bạn mới có thể nghe thấy tiếng còi của trái tim, tiếng nhựa chảy trong thân cây, tiếng nước reo vui trong lòng đất, tiếng tí tách của hạt mưa rơi trên mái nhà, tiếng nhảy nhót của nắng vàng trên lá biếc. Tâm của bạn rất cần sự yên tĩnh, khi bạn tĩnh lặng, bạn hiểu bản thân mình và thế giới xung quanh, bạn chẳng sợ mưa gió, bạn chẳng ngại khó khăn, bạn cũng chẳng lo lắng điều gì sẽ đến. Bên trong bạn luôn có một khu vườn bí mật, nó nằm ngoài những toan tính chấp nhặt, nó là nơi chốn bình yên bạn có thể tìm về khi cần nghỉ ngơi sau chặng đường dài. Con người rất yếu đuối, chỉ cần một lần vấp ngã, một sự việc không như mong muốn, một thử thách khó khăn đã có thể khiến cho chúng ta nản lòng và từ bỏ. Những lúc như thế, chúng ta cần đến khoảng lặng, hay nói cho đúng hơn, chúng ta cần tìm về và nằm nghỉ ngơi trong khu vườn tĩnh lặng của chính mình.

(Trích Đến cỏ dại còn đàng hoàng mà sống, Phạm Sỹ Thanh, NXB Thế giới, 2019, tr.141)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của đoạn trích.

Câu 2. Chỉ ra ý nghĩa của khoảnh khắc “khi bạn tĩnh lặng” được nêu trong đoạn trích.

Câu 3. Nêu tác dụng của 01 biện pháp tu từ trong câu: Khi tất cả rơi vào trạng thái tĩnh lặng, bạn mới có thể nghe thấy tiếng còi của trái tim, tiếng nhựa chảy trong thân cây, tiếng nước reo vui trong lòng đất, tiếng tí tách của hạt mưa rơi trên mái nhà, tiếng nhảy nhót của nắng vàng trên lá biếc”.

Câu 4. Anh/Chị có đồng tình với ý kiếnCon người rất yếu đuối, chỉ cần một lần vấp ngã, một sự việc không như mong muốn, một thử thách khó khăn đã có thể khiến cho chúng ta nản lòng và từ bỏ” không? Vì sao?

Câu 5. Từ nội dung đoạn trích, hãy chia sẻ về “khu vườn bí mật” của bản thân anh/chị.

 VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2,0 điểm)

Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của những khoảng lặng trong cuộc sống.

 

Câu 2 (4,0 điểm)

Đời sống con ong để lại cho người đọc nó là một bài học về tính kiên nhẫn, cần lao, về tích lũy, về chế tạo và sáng tạo. Người ta đã đánh dấu con ong, theo dõi nó, và thấy rằng cái giọt mật làm ra đó, là kết quả của 2.700.000 chuyến (bay) đi, đi từ tổ nó đến khắp các nơi có hoa trong vùng. Và trong nửa lít mật ong đóng chai, phân chất ra được 5 vạn thứ hoa. Tính ra thành bước chân người thì tổng cộng đường bay của con ong đó là 8.000.000 cây số.

Giữa rừng Tây Bắc đầy hoa, đầy bướm, đầy ong, cái tôi thấy say say trong chính mình là mặc dầu không được một chuyến đi bằng một đời ong, mình cũng là một con sinh vật đang nung một thứ mật gì. Sự tích luỹ ở mình cũng ngày càng có giọt ra mà phần nào đem thơm thảo vào sự sống. Đối hoa xuân, lắng ong mật mà thêm ngẫm tới đàn bướm tốt mã chấp chới bay, lộng lẫy những sắc phấn của sáo ngữ ồn ào. Bướm phù phiếm cũng bay vào hoa, nhưng cặp cánh hào nhoáng chẳng để lại gì. Từ ngày lịch sử tiến hoá loài người, chưa ai nói đến mật bướm.

Người ta hay nhắc đến mang nặng đẻ đau. Có những quá trình không phải là hoài thai, không đẻ gì (theo nghĩa hẹp và theo nghĩa đen sinh học) nhưng rất khổ đau và nặng nhọc đèo bòng. Ngọc trai nguyên chỉ là một hạt cát, một hạt bụi biển xâm lăng vào vỏ trai, lòng trai. Cái bụi bặm khách quan nơi rốn bể lẻn vào cửa trai. Trai xót lòng. Máu trai liền tiết ra một thứ nước rãi bọc lấy cái hạt buốt sắc. Có những cơ thể trai đã chết ngay vì hạt cát từ đầu bên ngoài gieo vào giữa lòng mình (và vì trai chết nên cát bụi kia vẫn chỉ là hạt cát). Nhưng có những cơ thể trai vẫn sống, sống lấy máu, lấy rãi mình ra mà bao phủ lấy cái hạt đau hạt xót. Tới một thời gian nào đó, hạt cát khối tình con, cộng với nước mắt hạch trai đã trở thành lõi sáng của của một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời.

(Trích Tờ hoa, Tuyển tập Nguyễn Tuân, Tập hai, NXB Văn học, 1998, trang 5-6)

Anh/Chị hãy viết bài văn đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích trên.

Chú thích:

Nguyễn Tuân (1910-1987) quê ở làng Nhân Mục, nay thuộc quận Thanh Xuân, thành phố Hà Nội. Ông là tác giả có đóng góp lớn cho nền văn xuôi Việt Nam hiện đại, đặc biệt trên hai thể loại chính là truyện ngắn và tùy bút.

Sáng tác của Nguyễn Tuân bộc lộ cái tôi độc đáo, tài hoa, uyên bác, tràn đầy niềm say mê cái đẹp; thể hiện tấm lòng thiết tha gắn bó với cảnh sắc quê hương xứ sở và thái độ nâng niu, trân trọng các giá trị văn hóa của dân tộc. Lối viết của Nguyễn Tuân khá cầu kì, lôi cuốn người đọc bằng ngòi bút giàu cảm hứng lãng mạn và tài nghệ sử dụng ngôn ngữ bậc thầy.

Tờ hoa là tùy bút tiêu biểu của Nguyễn Tuân được sáng tác năm 1966, đăng lần đầu trên Báo Văn Nghệ số 143 năm Bính Ngọ, sau được in trong Tuyển tập Nguyễn Tuân, Tập hai, NXB Văn học, 1998.

  HƯỚNG DẪN CHẤM

BÀI KIỂM TRA GIỮA HỌC KỲ II

NĂM HỌC 2023-2024

Môn: Ngữ văn lớp 11

(Hướng dẫn chấm gồm 04 trang)

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích: Nghị luận/Phương thức nghị luận.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời khác: 0 điểm.

0,5
2 Ý nghĩa của khoảnh khắc “khi bạn tĩnh lặng” được nêu trong đoạn trích: Bạn hiểu bản thân mình và thế giới xung quanh, bạn chẳng sợ mưa gió, bạn chẳng ngại khó khăn, bạn cũng chẳng lo lắng điều gì sẽ đến.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời như đáp án: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời thiếu ít: 0,25 điểm.

– Học sinh trả lời thiếu nhiều: 0 điểm.

0,5
3 – Biện pháp tu từ liệt kê: tiếng còi của trái tim, tiếng nhựa chảy trong thân cây, tiếng nước reo vui trong lòng đất, tiếng tí tách của hạt mưa rơi trên mái nhà, tiếng nhảy nhót của nắng vàng trên lá biếc.

– Tác dụng:

+ Làm cho câu văn sinh động, truyền cảm, giàu hình ảnh, giàu nhịp điệu, …

+ Khẳng định: Trạng thái tĩnh lặng giúp tâm hồn con người trở nên tinh tế, nhạy cảm, có thể cảm nhận được những tiếng thì thầm khe khẽ của trái tim, của vạn vật, cuộc đời.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh chỉ ra 01 biện pháp tu từ và nêu đầy đủ tác dụng của biện pháp tu từ đó: 1,0 điểm.

– Học sinh chỉ ra đúng 01 biện pháp tu từ: 0,25 điểm.

Học sinh chỉ ra và nêu được 01 tác dụng của biện pháp tu từ: 0,5-0,75 điểm.

Lưu ý: HS chỉ ra và nêu được đầy đủ tác dụng của 01 biện pháp tu từ khác (ví dụ: nhân hóa) vẫn cho điểm tối đa.

1,0
4 – Đồng tình/Không đồng tình với ý kiếnCon người rất yếu đuối, chỉ cần một lần vấp ngã, một sự việc không như mong muốn, một thử thách khó khăn đã có thể khiến cho chúng ta nản lòng và từ bỏ”.

– Lý giải hợp lý, thuyết phục.

Hướng dẫn chấm: GV căn cứ vào mức độ lí giải để cho các mức điểm khác nhau.

1,0
  5 HS chia sẻ về “khu vườn bí mật” của chính mình: Nơi chốn bình yên nhất con người tìm về sau chặng đường dài để nghỉ ngơi, thư thái, cân bằng cuộc sống. Đó có thể là không gian riêng tư, khoảnh khắc tĩnh lặng của tâm hồn để lắng nghe nhịp đập của con tim…

Hướng dẫn chấm: Tôn trọng những chia sẻ riêng tư, cá nhân của HS, miễn sao hợp lí, sâu sắc, không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn (khoảng 150 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về sự cần thiết của những khoảng lặng trong cuộc sống. 2,0
  a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn

Học sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: sự cần thiết của những khoảng lặng trong cuộc sống. 0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận

Thí sinh có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo nhiều cách nhưng phải làm rõ suy nghĩ, quan điểm của bản thân về vấn đề được nêu trong đề bài. Có thể theo hướng sau:

* Giải thích

Khoảng lặng: Là giây phút con người gác lại những xô bồ lo toan của cuộc sống, không suy nghĩ điều gì, để tâm hồn được nghỉ ngơi, thư giãn hoặc chiêm nghiệm về những điều đã qua, hình dung những gì sắp đến.

* Bình: Sự cần thiết của những khoảng lặng

– Cuộc sống bộn bề lo toan, con người thường bị cuốn vào guồng xoáy công việc, gánh nặng mưu sinh, các mối quan hệ… Xã hội càng hiện đại, phát triển, áp lực với con người càng lớn khiến họ có thể rơi vào trạng thái mất cân bằng, mất kiểm soát. Đời sống vật chất có thể nâng cao nhưng đời sống tinh thần giảm sút nghiêm trọng.

– Khoảng lặng giúp con người nghỉ ngơi thư giãn sau những giờ lao động, học tập căng thẳng mệt mỏi, tái tạo năng lượng, làm việc đạt hiệu quả cao hơn.

– Trong khoảng lặng, con người sẽ bình tâm, sống chậm lại, có thời gian để suy nghĩ về cuộc đời, về chính bản thân mình, chiêm nghiệm, rút ra những bài học quý báu.

– Khoảng lặng giúp con người biết yêu thương, trân trọng bản thân mình và những người xung quanh.

– Khoảng lặng cho con người sống thật với chính mình, cũng là thời gian để con người tự chữa lành những vết thương…

*  Luận

– Phê phán những kẻ sống gấp sống vội, bị cuốn theo guồng quay bất tận, xô bồ của cuộc sống, đánh mất chính mình.

– Sống trong khoảng lặng không đồng nghĩa với lối sống thu mình bị động, yếu đuối, né tránh hiện thực.

– Khoảng lặng không phải nơi dừng chân vĩnh viễn mà chỉ là trạm dừng nghỉ giữa đường trên hành trình đến hạnh phúc…

* Liên hệ, rút ra bài học nhận thức và hành động

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng; dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuẫn nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng (0,75 điểm).

– Học sinh lập luận chưa thật chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng nhưng không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không tiêu biểu (0,5 điểm).

– Học sinh lập luận không chặt chẽ, thiếu thuyết phục: lí lẽ không xác đáng, không liên quan mật thiết đến vấn đề nghị luận, không có dẫn chứng hoặc dẫn chứng không phù hợp (0,25 điểm).

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

0,75
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm:

– Huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân khi bàn luận; có cái nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.

– Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

– Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

0,5
2 Anh/Chị hãy viết bài văn đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích “Tờ hoa” (Nguyễn Tuân): “Đời sống con ong để lại cho người đọc…một hạt ngọc tròn trặn ánh ngời”. 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Phân tích nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích “Tờ hoa”.

0,25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp giữa lí thuyết và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

 
* Mở bài: Giới thiệu khái quát về tác giả Nguyễn Tuân, tác phẩm “Tờ hoa”, nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích.

– Trình bày được 2-3 ý: 0,5 điểm.

– Trình bày được 1 ý: 0,25 điểm.

– Không trình bày được ý nào: 0 điểm.

* Thân bài:

Đặc sắc về nội dung của đoạn văn

+ Mang đến cho người đọc những tri thức phong phú, mới lạ, hấp dẫn về thế giới tự nhiên: ong làm mật, trai tạo ngọc…

+ Tuyên ngôn nghệ thuật của người nghệ sĩ chân chính: để tạo ra những tác phẩm nghệ thuật làm đẹp cho đời, người nghệ sĩ phải lao tâm khổ tứ, công phu tâm huyết, mang nặng đẻ đau…

Đặc sắc về nghệ thuật của đoạn văn

+ Kết hợp miêu tả với tự sự, biểu cảm; yếu tố khách quan và yếu  tố trữ tình.

+ Tri thức phong phú, uyên bác.

+ Ngôn ngữ giàu có, độc đáo, tài hoa; câu văn linh hoạt, co duỗi nhịp nhàng; giọng văn trang trọng; hình ảnh ví von gợi nhiều liên tưởng…

Hướng dẫn chấm:

– Trình bày đầy đủ, sâu sắc: 2,0 điểm

– Trình bày chưa đầy đủ hoặc chưa sâu sắc: 1,25 điểm  – 1,75 điểm.

– Trình bày chung chung, chưa rõ: 0,25 điểm – 1,0 điểm.

0,5

 

2,0

* Kết bài: Đánh giá chung

Với những đặc sắc nội dung và nghệ thuật, đoạn trích thể hiện vẻ đẹp phong cách nghệ thuật của Nguyễn Tuân sau cách mạng.

Hướng dẫn chấm:

– Trình bày như đáp án: 0,25 điểm

– Trình bày khác : 0 điểm

0,25
d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: Học sinh biết vận dụng lí luận văn học trong quá trình phân tích, đánh giá; biết so sánh với các tác phẩm khác để làm nổi bật nét đặc sắc của đoạn văn; văn viết giàu hình ảnh, cảm xúc.

– Học sinh đáp ứng được 2 yêu cầu: 0,5 điểm

– Học sinh đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm

0,5
Tổng điểm 10,0

————— HẾT —————

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *