Đề đọc hiểu , đoạn văn 200 chữ phân tích bài thơ Vườn cây của ba” của tác giả Nguyễn Duy

Đề thi khối 11

Vườn Cây Của Ba

(Tác giả: Nguyễn Duy)

Má trồng toàn những cây dễ thương
Nào là hoa, là rau, là lúa
Còn ba trồng toàn cây dễ sợ
Cây xù xì, cây lại có gai

Cái gai bưởi đụng vào thì chảy máu
Trái sầu riêng rớt xuống thì đầu u
Nhựa hột điều dính vào là rách áo
Cây dừa cao eo ơi, cao là cao

Cây ba trồng sống lâu thiệt là lâu
Mưa chẳng dập gió lay chẳng đổ
Thân xù xì cứ đứng trơ trơ
Cành gai góc đâm ngang tua tủa

Bưởi, sầu riêng, dừa, điều nhiều nhiều nữa
Cho em bốn mùa vị ngọt hương thơm
Vườn của ba cây trồng thì dễ sợ
Mà trái nào cũng thiệt dễ thương.

  1. Phần đọc hiểu:

Câu 1. Bài thơ trên viết theo thể thơ nào?

Câu 2. Bài thơ trên có sự kết hợp của những phương thức biểu đạt nào?

Câu 3. Những cây “má trồng” và những cây “ba trồng” khác nhau ra sao?

Câu 4. Nguyễn Duy là nhà thơ gốc Thanh Hóa, nhưng bài thơ “Vườn cây của ba” lại có màu sắc Nam Bộ. Em hãy chỉ ra màu sắc Nam Bộ trong bài thơ trên.

Câu 5. Chỉ ra ít nhất một biện pháp tu từ và nêu tác dụng của biện pháp tu từ đó trong đoạn thơ sau:

Cây xù xì, cây lại có gai

Cái gai bưởi đụng vào thì chảy máu
Trái sầu riêng rớt xuống thì đầu u
Nhựa hột điều dính vào là rách áo
Cây dừa cao eo ơi, cao là cao

Câu 6. Hình ảnh những cây “ba trồng” “xấu xí”, “dễ sợ” nhưng “sống lâu” và vẫn “đứng trơ trơ” giữa mưa sa, bão táp khiến cho em liên tưởng tới điều gì?

Câu 7. Em cảm nhận như thế nào về mạch vận động trong cảm xúc của tác giả trong bài thơ trên?

Câu 8. Qua bài thơ, em hãy chỉ ra một thông điệp có ý nghĩa mà tác giả muốn nhắn gửi bạn đọc và giải thích lí do lựa chọn thông điệp đó. (Trả lời bằng đoạn văn khoảng 5 – 7 dòng)

PHẦN II. VIẾT

Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày những nhận xét của em về cấu tứ của bài thơ “Vườn cây của ba” của tác giả Nguyễn Duy.

Câu 2 (4,0 điểm). Viết bài văn nghị luận xã hội bàn về bài học được rút ra từ mẩu chuyện sau:

            Một chàng trai 24 tuổi cư xử như một đứa trẻ con… và ai cũng cảm thấy khó chịu vì điều đó trừ người cha. Chàng trai 24 tuổi nhìn ra ngoài cửa sổ tàu hoả, mắt sáng rỡ, hào hứng reo lên:“Cha, nhìn những cái cây đang chạy lùi về phía sau kìa!” Người cha mỉm cười. Một cặp đôi trẻ ngồi kế bên tỏ ra khó hiểu với hành vi như một đứa trẻ của chàng trai. Chắc họ nghĩ chàng trai không được bình thường về thần kinh.“Cha, những đám mây đang chạy theo chúng ta!”, chàng trai 24 tuổi lại thốt lên, tràn đầy sự kinh ngạc. Đến lúc này, cặp đôi không thể chịu được nữa bèn quay sang hỏi người cha:“Tại sao chú không đưa con trai mình đến gặp một bác sĩ thật giỏi ngay đi nhỉ?”Người đàn ông đứng tuổi mỉm cười, chậm rãi nói:“Chú vừa mới làm thế. Và cha con chú đang trở về từ bệnh viện. Con trai chú không may bị khiếm thị từ khi mới chào đời, hôm nay là ngày đầu tiên nó có thể nhìn thấy mọi thứ.”Không ai nói gì nữa…

(Theo mục Góc trái tim, báo điện tử kênh 14.vn, ngày 07/01/2016)

ĐÁP ÁN

Câu 1: Thể thơ tự do

Câu 2: Bài thơ có sự kết hợp của phương thức biểu đạt biểu cảm và miêu tả.

Câu 3: Những cây “má trồng” thì dễ thương còn những cây “ba trồng” thì dễ sợ.

Câu 4: Màu sắc Nam bộ trong bài thơ

– Cách xưng hô đối với những người sinh thành ra mình: ba, má

– Những từ ngữ bộc lộ cảm xúc của người Nam Bộ: dễ thương, dễ sợ, eo ôi

– Cách nói quen thuộc của người Nam Bộ: trái, đầu u, thiệt là, nhiều nhiều

Câu 5:

– Biện pháp tu từ: liệt kê, điệp từ

– Tác dụng:

+ Nhấn mạnh sự đa dạng của cây trái trong vườn do ba trồng

+ Gián tiếp bộc lộ sự ngưỡng mộ của người con đối với tài năng trồng cây của ba

Câu 6: Hình ảnh những cây “ba trồng” “xấu xí”, “dễ sợ” nhưng “sống lâu” và vẫn “đứng trơ trơ” giữa mưa sa, bão táp giúp chúng ta liên tưởng tới những con người có vẻ ngoài thô kệch, bị người đời coi khinh nhưng ý chí của họ thì kiên cường, vững vàng, mạnh mẽ, sẵn sàng đương đầu và vượt qua những thử thách trông gai trong cuộc sống.

Câu 7:

– Mạch vận động trong cảm xúc của nhà thơ

+ Chán ghét những cây trái trong vườn do ba trồng vì đó toàn là những cây “xấu xí”,“dễ sợ”.

+ Ngưỡng mộ tài năng trồng cây của ba

+ Cảm nhận được và ngưỡng mộ sự phi thường của những giống cây xấu xí, dễ sợ mà ba trồng

+ Yêu mến những cây trái trong khu vườn của ba vì những cây đó “dễ sợ” nhưng lại cho những trái ngọt “dễ thương”.

– Nhận xét: Mạch vận động trong cảm xúc của tác giả rất tự nhiên, chân thực, không chỉ cho thấy cái nhìn thiên nhiên sâu sắc, mà còn thể hiện sự thấu hiểu cuộc sống, thấu hiểu con người của tác giả.

Câu 8: Học sinh rút ra một thông điệp có ý nghĩa, phù hợp với nội dung văn bản và giải thích lí do lựa chọn hợp lí.

Gợi ý: Thông điệp về cách nhìn người, nhìn đời

PHẦN II. VIẾT

Câu 1 (2,0 điểm). Viết đoạn văn khoảng 200 chữ trình bày những nhận xét của em về cấu tứ của bài thơ “Vườn cây của ba” của tác giả Nguyễn Duy.

GỢI Ý:

– Để làm nổi bật khu vườn của ba vừa dễ thương và dễ sợ, tác giả đã sử dụng thể thơ tự do, phép liệt kê; phương thức biểu đạt biểu cảm kết hợp với miêu tả; đặc biệt sử dụng hình thức so sánh đối lập giữa vườn của ba và vườn của má => thấy vườn của má dễ thương, của ba dễ sợ; cái hay để làm nên cấu tứ của bài chính là: nhìn khu vườn của ba thì dễ sợ, nhưng trước bão gió, khu vườn vẫn đứng vững, quanh năm vẫn cho ra trái cây thơm ngọt => dễ thương. Cấu tứ được xây dựng chủ yếu qua phép liệt kê, so sánh đối lập để làm nổi bật những đặc trưng của đối tượng trữ tình. Điệu hồn này được xây dựng theo cấu trúc: so sánh, đối lập => dễ sợ mà cũng dễ thương. Tuy nhiên cái vi mạch mà tác giả đã kết nối rất sâu xa, ý nghĩa là những cái xù xì, trông rất dễ sợ nhưng lại có những vẻ đẹp khuất lấp riêng mà không phải dễ dàng phát hiện được ra. Chỉ có sự gắn bó, tình yêu mới nhận ra được vẻ đẹp đó. Khu vườn ba trồng, toàn cái gai góc, xù xì nhưng đằng sau cái đó là hương thơm, là vị ngọt => cuộc đời này cũng vậy, muốn nếm được vị ngọt, ta có phải đi qua những ngày đắng cay, vất vả??? Vậy khu vườn của ba, đâu chỉ là khu vườn bình thường mà đó là khu vườn triết lí được gợi nên từ những điều kì diệu đó sao?

– Đi từ những đặc điểm dễ sợ và sau đó đến niềm vui, tự hào vì vườn cây cũng có nhiều đặc điểm dễ thương => thể hiện tình cảm yêu quý khu vườn và tự hào về ba => Cảm hứng chủ đạo: Là cảm hứng ngợi ca vẻ đẹp khuất lấp của khu vườn và thể hiện niềm tự hào trước vẻ đẹp đó.

Câu 2:

HƯỚNG DẪN LÀM BÀI:

Mở bài: Giới thiệu vấn đề nghị luận

        Cuộc sống có rất nhiều sự việc xảy ra mà chẳng thể nào chúng ta hiểu rõ được bản chất. Chính vì vậy, không thiếu những lần vì quá vội vàng mà chúng ta đã đưa ra những lời phán xét làm tổn thương người khác, khiến sự việc trở nên trầm trọng hơn và cuối cùng, đến khi nhận ra sự thật thì đã quá muộn. Câu chuyện của hai cha con chính là lời nhắc nhở dành cho mỗi người: đừng vội vàng chỉ trích hay phán xét người khác khi không hiểu gì về tình huống chân thực của họ.

Thân bài

  1. Tóm tắt:

Câu chuyện kể về chàng trai sau 24 năm bị khiếm thị lần đầu tiên trên đường trở về sau cuộc phẫu thuật, nhìn thấy mọi vật anh vui sướng nói với cha mình về những gì mình nhìn thấy. Niềm vui đó của anh khiến những người xung quanh khó chịu, trong số những người đó có người đã có ý kiến với người cha của anh và họ bỗng im lặng sau khi được nghe cha anh trả lời.

=>Ý nghĩa câu chuyện:Câu chuyện ngắn gọn nhưng ý nghĩa thật sâu sắc, mỗi người trên thế giới này đều có một câu chuyện riêng của mình, đừng vội vã phán xét khi không biết câu chuyện của người khác như thế nào. Đừng nghĩ người khác không tốt khi mới gặp họ vài lần, đừng vội phán xét khi chưa hiểu vấn đề là gì.

  1. Bàn luận:

–  Cuộc sống của người khác phát sinh việc gì, họ đang trải qua khó khăn và trắc trở gì?đứng tại lập trường của mình chúng ta cũng không thể biết được, những điều chúng ta nhìn thấy chỉ là bề ngoài mà thôi…

– Chúng ta có từng trải qua nỗi khổ đau mới hiểu được nỗi đau của người khác. Chúng ta có trải qua con đường đời gập ghềnh nhấp nhô như thế nào mới hiểu được người khác cũng trải qua như vậy…

–  Mỗi người sống dều có một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, người khác sẽ không cách nào hiểu được tường tận. vậy nên, đừng vội vàng chỉ trích hay phán xét người khác khi không hiểu gì về tình huống chân thực của họ.

  1. Mở rộng

Bàn luận ngược: Nếu chúng ta cố tình hoặc có cái nhìn phiến diện, đánh giá khi chưa hiểu rõ vấn đề, câu chuyện thì cái mà ta nhận được chỉ là sự xa lánh và bản thân trở nên ích kỉ mà thôi.

Kết bài

– Khẳng định lại vấn đề

– Rút ra bài học cho bản thân: Câu chuyện để lại cho chúng ta bài học quý giá về cách đánh giá, nhìn nhận sự việc, về cách đối nhân xử thế. Có câu: “Hạnh phúc không phải được quyết định bởi tài phú, quyền lợi và dung mạo mà là được quyết định bởi mối quan hệ giữa bạn và những người xung quanh”.Bạn muốn là một người vui vẻ hạnh phúc thì hãy lấy việc “đối xử tử tế” với người khác làm điểm xuất phát đi nhé!

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *