Đề đọc hiểu Hãy làm ngay, NLXH nắm bắt cơ hội

Đề thi khối 11
 

 

ĐỀ THI KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG

NĂM HỌC 2023 – 2024

MÔN : NGỮ VĂN, LỚP 11

Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

               (Đề thi có 02 phần, gồm 02 trang)

 

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

 Sáng nay tôi thức dậy với những lời trong một bài hát của ca sĩ Mick Jagger: “Ủy mị chẳng ích gì, chuyện trôi qua nhanh lắm”. Đúng như thế. Cuộc đời trôi qua nhanh lắm. Sao lại trì hoãn những việc có thể làm hôm nay cho những lúc rảnh rỗi trong tương lai xa xôi nào đó? Sao không đóng vai một con người vượt trội bây giờ mà lại dành điều đó vào một thời điểm khác mai sau? Sao lại chần chừ thụ hưởng những giây phút tuyệt vời và chờ đến khi về già? Một ngày nọ tôi đọc cuốn sách về một phụ nữ trẻ suy tư về kế hoạch để dành tiền hưu. Cô nói: “Tôi muốn bảo đảm sẽ để dành thật nhiều tiền – như vậy tôi mới có thể vui sống vào cuối đời”. Tôi không nghĩ vậy. Tại sao phải chờ đến già mới hưởng thụ cuộc sống? Tôi không có ý nói rằng bạn nên bỏ qua tầm quan trọng của việc lên kế hoạch cho tương lai. Hãy biết nhìn xa và chuẩn bị cho suốt cuộc đời. Đó là sự quân bình. Hãy lên kế hoạch. Để dành tiền cho tuổi hưu. Hãy dự trù. Nhưng đồng thời cũng cần biết sống cho giây phút này. Sống thật đầy đủ. Chấp nhận rủi ro hàng ngày. Và khôn ngoan. Hãng hàng không Emirates có câu quảng cáo như sau: “Lần cuối cùng bạn thực hiện một điều gì lần đầu tiên là khi nào?”. Một câu hỏi khôn ngoan. Vậy hãy đong đầy ngày tháng với nhiều hoạt động. Săn tìm những gì tốt nhất cho hôm nay. Cười nhiều lên. Yêu nhiều lên. Ước mơ thêm. Nếu cơ hội xảy đến trong những giờ tới – bạn và tôi đều biết sẽ như thế – Hãy chộp lấy. Bởi vì tháng ngày đang đi qua. Rất nhanh.

(Hãy làm ngay, trích Đời ngắn, đừng ngủ dài, Robin Sharma, Phạm Tuấn Anh (dịch), NXB Trẻ, Hà Nội, 2021, Tr25,26)

Câu 1. Xác định phương thức biểu đạt chính của văn bản.

Câu 2. Nội dung chính của văn bản trên là gì?

Câu 3. Anh/ chị hiểu như thế nào về câu hát của ca sĩ Mick Jagger: “Ủy mị chẳng ích gì, chuyện trôi qua nhanh lắm”?

Câu 4. Chỉ ra và phân tích tác dụng của 01 biện pháp tu từ trong những câu sau: Sao lại trì hoãn những việc có thể làm hôm nay cho những lúc rảnh rỗi trong tương lai xa xôi nào đó? Sao không đóng vai một con người vượt trội bây giờ mà lại dành điều đó vào một thời điểm khác mai sau? Sao lại chần chừ thụ hưởng những giây phút tuyệt vời và chờ đến khi về già?

Câu 5. Từ nội dung văn bản đọc hiểu, anh/chị hãy rút ra bài học có ý nghĩa sâu sắc nhất cho bản thân?

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

Từ nội dung văn bản ở phần Đọc hiểu, hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/chị về những điều cần làm để có thể sẵn sàng nắm bắt được cơ hội.

Câu 2. (4,0 điểm)

 

Người lên ngựa kẻ chia bào(1)

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san(2).

Dặm hồng bụi cuốn chinh an(3)

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc(4), nửa soi dặm trường(5).

                    (Thúc Sinh từ biệt Thúy Kiều, Trích Truyện Kiều, Nguyễn Du, NXB Văn hóa thông tin, 2002, tr. 142-143)

* Chú thích:

(1) chia bào: Rời vạt áo.

(2) màu quan san: Màu đỏ, ngụ ý chỉ sự xa xôi cách trở.

(3) chinh an: Việc đi đường xa.

(4) gối chiếc: Gối đơn – ngụ ý chỉ sự cô đơn.

(5) dặm trường: Đường xa.

Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích, đánh giá những đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích trên.

 HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu Nội dung Điểm
  1 Phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong văn bản: Nghị luận. 0.5
  2 Nội dung chính: Những suy nghĩ, băn khoăn, chiêm nghiệm của tác giả về cuộc đời và những cách ứng xử tích cực, không nên trì hoãn để mỗi giây phút ta sống trên đời đều có ý nghĩa. 0.5
  3 Câu hát: “Ủy mị chẳng ích gì, chuyện trôi qua nhanh lắm” có thể hiểu là:

– Ủy mị là tâm lý buồn bã, yếu đuối trước những chuyện xảy ra không như ý. Ủy mị sẽ chẳng có ích, chẳng có lợi, chẳng mang lại hiệu quả gì cho con người. Bởi lẽ chuyện trôi qua nhanh lắm – thời gian luôn chảy trôi khiến mọi vấn đề xảy ra trong cuộc đời của con người – dù là chuyện vui hay chuyện buồn đều sẽ trôi qua rất nhanh theo.

-> Câu hát chỉ ra một quy luật khách quan của tự nhiên: thời gian luôn vận động. Đó cũng là lời động viên, khuyên nhủ con người: thay vì đau buồn, ủy mị hãy làm những điều có ý nghĩa và tận hưởng cuộc sống; đừng để thời gian trôi qua vô ích.

1.0
    Tác dụng của các câu hỏi tu từ: “Sao lại trì hoãn những việc có thể làm hôm nay cho những lúc rảnh rỗi trong tương lai xa xôi nào đó? Sao không đóng vai một con người vượt trội bây giờ mà lại dành điều đó vào một thời điểm khác mai sau? Sao lại chần chừ thụ hưởng những giây phút tuyệt vời và chờ đến khi về già”?

– Tự chất vấn để bộc lộ những day dứt trăn trở của chính mình về sự trì hoãn những việc, những điều đáng ra có thể làm ngày bây giờ chứ không cần phải chờ đến một thời điểm rất lâu sau đó. – Hướng tới thức tỉnh chính mình và mọi người, nhất là các bạn trẻ cần sống chủ động, tích cực đừng để thời gian trôi qua một cách phí hoài vì những sự trì hoãn, lười biếng. Hãy làm những việc mình muốn, hãy trở thành người vượt trội, hãy tận hưởng những giây phút tuyệt vời ngay bây giờ chứ không cần phải chờ đến thì tương lai.

– Các câu hỏi tu từ góp phần tạo âm hưởng nhịp điệu, tạo ra giọng triết lí cho lời văn và làm tăng tính thuyết phục cho lập luận.

GV linh hoạt cho điểm nếu HS chọn phân tích phép điệp

1.0
  5 – Thí sinh rút ra cho mình một thông điệp sâu sắc nhất.

– Lí giải thuyết phục, phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật. Có thể hướng tới các thông điệp sau:

+ Vì cuộc đời trôi qua rất nhanh nên không được trì hoãn bất cứ điều gì.

+ Con người cần phải lập kế hoạch cho tương lai.

+ Biết tận hưởng cuộc sống.

+ Nắm bắt cơ hội. …

1.0
    PHẦN VIẾT  
II 1 Viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của anh/ chị về những điều cần làm để có thể nắm bắt được cơ hội khi nó xảy đến. 2.0
  a. Đảm bảo cấu trúc đoạn văn: Có đủ mở đoạn, thân đoạn, kết đoạn 0.25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: những điều cần làm để có thể nắm bắt được cơ hội khi nó xảy đến. 0.25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành một đoạn văn theo những cách khác nhau, nhưng cần tập trung làm rõ vấn đề: những điều cần làm để có thể nắm bắt được cơ hội khi nó xảy đến. Có thể triển khai theo hướng sau:

– Cơ hội là thời điểm hội tụ các điều kiện khách quan và chủ quan thuận lợi để đạt được mục tiêu hoặc làm thay đổi cuộc sống theo chiều hướng tích cực. Cơ hội chỉ xuất hiện trong khoảng thời gian ngắn và không dễ dàng lặp lại nên con người cần phải nắm bắt cơ hội khi nó xảy đến.

– Những điều cần làm để có thể nắm bắt cơ hội khi nó xảy đến: + Cơ hội có thể đến bất cứ lúc nào nên cần sẵn sàng tâm thế, chủ động chuẩn bị những điều kiện cần thiết để đón đầu và chớp lấy cơ hội kịp thời.

+ Cơ hội không dễ nắm bắt và có khi trong lúc ta vất vả tìm kiếm nó lại đang ở ngay bên cạnh. Vì vậy đòi hỏi chúng ta cần có sự nhạy bén, có năng lực phán đoán để phát hiện và nắm bắt cơ hội. + Con người cần phải chịu khó học tập, có sự cầu tiến, mạnh mẽ dũng cảm đối mặt với khó khăn, thử thách, sống nhân ái, tích cực thì sớm hay muộn những cơ hội thuận lợi sẽ đến.

– Tuy nhiên, nắm bắt được cơ hội không đồng nghĩa với bạn sẽ thành công. Vậy nên khi nắm được cơ hội ta phải hành động, khắc phục hạn chế, phát huy sức mạnh để đạt thành quả lớn nhất. Con người không chỉ chờ cơ hội xảy đến mà còn phải chủ động tự tạo ra cơ hội cho mình và trao cơ hội cho người khác.

(Thí sinh lấy dẫn chứng tiêu biểu, thuyết phục

1.0
  d. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câ 0.25
e. Sáng tạo Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận 0.25
2 Anh/chị hãy viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) phân tích, đánh giá nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều.  
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận 0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: nét đặc sắc về nội dung và nghệ thuật của đoạn trích Thúc Sinh từ biệt Thuý Kiều. 0.25
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác lập luận, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng; đảm bảo các yêu cầu sau:

 
    * Mở bài:

Giới thiệu khái quát về tác giả, tác phẩm , vấn đề nghị luận

 
    1. Phân tích, đánh giá những đặc sắc, độc đáo về nội dung

– Cuộc chia tay được diễn tả trong 8 câu thơ, được chia thành 2 phần. Bốn câu đầu phác họa nên bức tranh thiên nhiên lúc chia tay, bốn câu sau là tâm sự của mỗi người khi tiễn biệt.

a. Cảnh biệt li
– Câu mở đầu sử dụng cặp đại từ nhân xưng:  người- kẻ
Cách ngắt nhịp 3/3 diễn tả sự chia lìa, mỗi người một ngã
→Câu thơ diễn tả sự quyến luyến của Kiều với Thúc Sinh.
– Khung cảnh biệt ly, thấm đẫm nỗi buồn da diết có sức khái quát cao: “Rừng phong, thu đã nhuốm màu quan san. Dặm hồng bụi cuốn chinh an, trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh…”. Không gian dường như thay đổi liên tục, từ cánh rừng phong đỏ thẫm, sang con đường thiên lý mà Thúc Sinh đang ruổi ngựa nơi cuối trời. Cả một màu quan tái đã hiện dần lên trong đôi mắt nàng Kiều, những cụm từ quan san, dặm hồng, rừng phong đã tạo nên ấn tượng chia ly, buồn nhưng vẫn mang sắc thái trang trọng. Đặc biệt trong 4 câu thơ này, sự xuất hiện của các từ ngữ Hán Việt đã mang lại sắc thái tu từ cho một cảnh chia ly trang trọng đầy nhung nhớ.

b. Tình li biệt:

– Nghệ thuật đối:

+ Hai hình ảnh: người về – kẻ đi

+ Hai tình huống:

* Chiếc bóng năm canh (thời gian)

* Muôn dặm một mình (không gian)

→ Cảm nhận của Kiều về cảnh ngộ và số phận hai người. Cả hai đều cô đơn và nhỏ bé như nhau, thấm thía một cảm giác lẻ loi, bất lực: người về thì “chiếc bóng”, kẻ đi xa thì “một mình”, người thì “năm canh” vò võ thao thức, kẻ thì “muôn dặm… xa xôi”. Lứa đôi ở hai phía chân trời cách trở. Kiều vừa thương mình, vừa thương kẻ đi xa, buồn tủi cho thân phận. – Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc, nửa soi dặm trường

Nghệ thuật:

+ Câu hỏi tu từ: …ai xẻ …

+ Đối: Nửa in – nửa soi, gối chiếc- dặm trường

→ Kiều như dự cảm một cuộc chia tay vĩnh biệt đã bắt đầu. Không phải là từ biệt mà là sự chấm dứt của tình duyên. Có thể họ còn gặp nhau nhưng chẳng bao giờ tái hợp nữa. Tràn ngập cả không gian và thời gian là nỗi buồn nhớ xa xôi đến muôn dặm.

→ Hai câu thơ cuối đoạn đã thể hiện sâu sắc lòng thương cảm xót xa của thi hào Nguyễn Du đỗi với số phận và hạnh phúc của nàng Kiều và cho thấy ngòi bút tài hoa của ông.

2,0
    * Phân tích, đánh giá những đặc sắc, độc đáo của những phương tiện ngôn từ (hình ảnh, từ ngữ, vần nhịp, các biện pháp tu từ…)

– Từ ngữ, hình ảnh mang tính ước lệ, tượng trưng (“rừng phong”, “ngàn dâu xanh”, “màu quan san”…).

– Nghệ thuật đối (Người về >< Kẻ đi, chiếc bóng >< một mình, năm canh >< muôn dặm…).

– Từ Hán Việt (“quan san”, “bào”, “chinh an”…).

– Giọng thơ da diết, đầy cảm xúc.

– Đặc biệt là cấu trúc đoạn thơ theo mối quan hệ giữa Sự và Tình, Cảnh và Tình khá thành công. Cho nên, có thể nói không chỉ mỗi khổ thơ lục bát có hình ảnh vầng trăng xẻ nửa, mà là loàn bộ cả 8 câu thơ lục bát đều rất xứng đáng với lời “mặc bình” (lời phê bằng mực đen) khá chính xác của Vũ Trinh: “Khả để nhất thiên biệt phú” (Ngang giá với một thiên phú biệt ly) và luôn luôn sống mãi trong tâm hồn bạn đọc.

1.0
    d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0.25
    e. Sáng tạo: vận dụng lí lẽ, lập luận trong quá trình viết bài; biết liên hệ vấn đề nghị luận với thực tiễn đời sống; văn viết giàu sức thuyết phục, có cảm xúc. 0.25

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *