Viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về lối sống nhanh, sống chậm thời đại 4.0 của giới trẻ ngày nay

Đề thi khối 11

Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

(Dẫn văn bản thông tin, văn bản nghị luận, văn bản văn học)

TIẾNG ĐÀN BẦU
            Lữ Giang
Lắng tai nghe đàn bầu
Ngân dài trong đêm thâu
Tiếng đàn là suối ngọt
Cho thời gian lên màu.

Tiếng đàn bầu của ta
Lời đằm thắm thiết tha
Cung thanh là tiếng mẹ
Cung trầm là giọng cha.

Đàn ngày xưa mất nước
Dây đồng lẻ não nuột
Người hát xẩm mắt mù
Ôm đàn đi trong mưa

Mừng Việt Nam chiến thắng
Đàn bầu ta dạo lên
Nghe niềm vui sâu đậm
Việt Nam – Hồ Chí Minh.

1956

(Mã Giang Lân sưu tầm, tuyển chọn, Thơ Việt Nam 1954 – 1964, NXB Giáo dục, 1997, tr155)

Trả lời các câu hỏi sau (Theo ma trận của Bộ Giáo dục và Đào tạo)

Câu 1. Nhân vật trữ tình trong văn bản là ai?

Câu 2. Chỉ ra 1 biện pháp tu từ được sử dụng trong dòng thơ sau:

“Tiếng đàn bầu của ta

 Lời đằm thắm thiết tha

 Cung thanh là tiếng mẹ

 Cung trầm là giọng cha.”

Câu 3. Hình tượng tiếng đàn bầu hiện lên như thế nào trong bài thơ?

Câu 4. Nhận xét về đặc điểm và tác dụng của các hình ảnh thơ trong các dòng thơ sau:

Đàn ngày xưa mất nước
Dây đồng lẻ não nuột
Người hát xẩm mắt mù
Ôm đàn đi trong mưa.”

Câu 5. Qua những suy nghĩ của nhà thơ về tiếng đàn bầu, anh/chị nhận xét thái độ, tình cảm của tác giả?

LÀM VĂN (4,0 điểm) Chọn 1 trong 2 dạng thuyết minh

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về lối sống nhanh, sống chậm thời đại 4.0 của giới trẻ ngày nay.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1: Nhân vật trữ tình là ta

Câu 2: Biện pháp tu từ được sử dụng trong hai dòng thơ là:

+ So sánh: “Cung thanh” như là “tiếng mẹ”; “cung trầm” như là “giọng cha”

+ Lặp cấu trúc “Cung… là…”

+ Liệt kê: Cung thanh, cung trầm, tiếng mẹ, giọng cha

+ Đối: Thanh – trầm; mẹ – cha

Chú ý: hs chỉ cần chỉ ra được 1 biện pháp tu từ trong số những BPPT kể trên

Câu 3. Hình tượng tiếng đàn bầu là hình tượng nghệ thuật đặc sắc của bài thơ được hiện lên với những cung bậc âm thanh, cảm xúc phong phú:

– Tiếng đàn bầu hiện lên với những giai điệu ngân vang, ngọt ngào, trữ tình giống như dòng suối ngọt, làm cho thời gian cũng có sắc màu.

– Tiếng đàn bầu còn hiện lên với những cung bậc âm thanh đằm thắm, thiết tha; khi trầm khi bổng, khi thanh thoát như tiếng mẹ, khi trầm vang như giọng cha.

– Tiếng đàn bầu mang theo cả những giai điệu bi ai, não nuột, buồn tủi khi đất nước, nhân dân bị rơi vào cảnh lầm than nô lệ, mất độc lập tự do.

– Tiếng đàn bầu còn là những giai điệu hào hùng, réo rắt, vui tươi ẩn chứa niềm vui sâu đậm ngợi ca đất nước trong ngày chiến thắng.

Câu 4.

– Đoạn thơ đã xây dựng những hình ảnh độc đáo là: “Dây đồng lẻ”; “người hát xẩm mắt mù, ôm đàn đi trong mưa”.

+ “Dây đồng lẻ não nuột” là hình ảnh khắc họa đặc điểm độc đáo của cây đàn bầu cùng những giai điệu cô đơn, bi ai của tiếng đàn trong những năm tháng đất nước mất chủ quyền.

+ Hình ảnh người hát xẩm mù lòa, ôm đàn trong đêm mưa khắc họa rõ nét về thân phận, cảnh ngộ đau đớn của những người dân Việt Nam trong những năm tháng đất nước bị giặc xâm lăng.

– Những hình ảnh đó được xây dựng một cách chân thực, cụ thể, giàu tính tạo hình, giàu giá trị biểu cảm gây ấn tượng mạnh mẽ đến bạn đọc. Giúp người đọc cảm nhận sâu sắc về những giai điệu của tiếng đàn; về thân phận, cảnh ngộ của con người VN trong hoàn cảnh đất nước mất độc lập tự do.

Câu 5.

– Tiếng đàn bầu hiện lên trong suy nghĩ của nhà thơ là:

+ Tiếng đàn bầu có nhiều cung bậc âm thanh gợi những cung bậc cảm xúc trong tâm hồn con người: khi ngọt ngào như dòng suối; khi đằm thắm thiết tha như tiếng mẹ, giọng cha; khi não nuột buồn tủi bởi mất nước; khi vui tươi phấn khởi bởi đất nước giành chiến thắng.

+ Tiếng đàn bầu gắn liền với đời sống tâm hồn của con người VN, gắn liền với từng giai đoạn lịch sử của đất nước, dân tộc.

– Qua những suy nghĩ đó, ta nhận thấy thái độ, tình cảm của nhà thơ:

+ Đó là niềm xúc động khi nhà thơ lắng nghe từng giai điệu của tiếng đàn bầu.

+ Đó là niềm tự hào, ngợi ca về một loại hình âm nhạc độc đáo của dân tộc.

+ Đó còn là tình yêu với quê hương, đất nước; là sự quyết tâm lưu giữ, bảo tồn một loại hình âm nhạc truyền thống của dân tộc; là lòng quyết tâm bảo vệ nền độc lập, tự do của đất nước.

LÀM VĂN (Đảm bảo các luận điểm cơ bản dưới đây, yêu cầu hướng dẫn chi tiết)

Dạng 1. Thuyết minh về một sự vật, hiện tượng đời sống xã hội

* Mở bài: Giới thiệu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nêu rõ sự tồn tại của sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội.

– Lối sống nhanh, sống chậm thời đại 4.0 của giới trẻ.

* Thân bài:

– Nêu thực chất của sự vật, hiện tượng được thuyết minh

+Lối sống nhanh là lối sống khẩn trương, nhạy bén cùng với những biến chuyển, đổi thay của thời cuộc.

+ Lối sống chậm là lối sống không bị cuốn vào guồng quay công việc cùng công nghệ thông tin, là lối sống bình yên biết tận hưởng mọi niềm vui của cuộc sống từ những điều nhỏ nhất để từ đó biết cách di dưỡng tâm hồn mình.

– Cung cấp thông tin về sự vật, hiện tượng được thuyết minh theo một trong các trình tự sau:

    Nguyên nhân của lối sống nhanh, sống chậm

Nguyên nhân của lối sống nhanh:

+ Thời đại 4.0 cuộc sống biến chuyển, đổi thay từng giây, từng phút. Đó là thời đại của tốc độ, của thế giới phẳng. Để thích ứng với thời cuộc, con người cần đẩy nhanh tốc độ sống, tâm thế sống của mình.

+ Thời 4.0 là thời đại mà toàn bộ các ngành, lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 – cách mạng công nghiệp tập trung vào phát triển công nghệ kỹ thuật số với sự trợ giúp của kết nối thông qua Internet vạn vật, truy cập dữ liệu thời gian thực và giới thiệu các hệ thống vật lý không gian mạng.

Nguyên nhân của lối sống chậm: 

+ Giới trẻ nhận thức được giá trị cốt lõi của cuộc sống.

+ Hoàn cảnh khách quan của cuộc sống khiến con người không thể sống nhanh.

Các mặt tích cực, hạn chế của lối sống nhanh, lối sống chậm

– Mặt tích cực, hạn chế của lối sống nhanh:

+ “Sống nhanh cùng thời đại” là để theo kịp, lĩnh hội, tiếp thu những xu hướng, thành tựu mới nhằm hoàn thiện bản thân, tăng cường hiệu quả lao động, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội để không bị tụt hậu. Họ cần tiếp thu nhanh, phản ứng nhanh, hành động nhanh để nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội; trở thành một người sống năng động, nhạy bén, linh hoạt. Với giới trẻ của thời đại 4.0 “Sống là không chờ đợi”, là cuộc chạy đua tốc độ, không ai muốn mình trở thành người tụt hậu, kẻ đến sau. Họ cần sống nhanh để theo cùng thời đại.

+ Con người không phải là cỗ máy vô tri, cũng không chỉ sống bằng lí trí dễ rơi vào vô cảm. Sống nhanh khiến con người bỏ qua nhiều điều có ý nghĩa của cuộc sống vì nó nhỏ nhặt, khuất lấp, cần tinh tế cảm nhận.

– Mặt tích cực, hạn chế của lối sống chậm:

+ Sống chậm là sự tận hưởng cuộc sống qua các cung bậc xúc cảm của tâm hồn và trái tim, sống chậm giúp con người tự cân bằng. Sống chậm chính là để di dưỡng tâm hồn mình: để biết lắng nghe, biết cảm nhận, biết thấu hiểu, biết sẻ chia…

+ Sống chậm sẽ khiến con người đánh mất đi sự năng động, tích cực, chủ động. Cũng như, dễ dàng khiến con người bị tụt hậu, lạc hậu so với thời đại.

-Giải pháp khắc phục hạn chế và phát huy mặt tích cực của sống nhanh, sống chậm.

+ Cần nhận biết, đánh giá đúng mức về cách thức sống nhanh và sống chậm của bản thân và người khác trong đời sống xã hội. Phân biệt giữa sống nhanh và sống vội, sống gấp chỉ để hưởng thụ. Phân biệt sống chậm để di dưỡng tâm hồn với sống chậm chỉ là vỏ bọc để chây lười, thụ động, ù lì. Sống nhanh không phải chỉ là lối sống hiện đại, trẻ trung của giới trẻ; sống chậm không có nghĩa là lối sống già nua, lạc hậu của người già. Bất cứ ở lứa tuổi nào, trình độ nào giữa thời đại ngày nay con người cũng cần học sống nhanh và sống chậm.

+ Cần cảnh báo một bộ phận giới trẻ ngày nay chỉ quay cuồng sống nhanh không biết sống chậm, thiếu sự nuôi dưỡng, vun đắp cho tâm hồn nên tự đẩy bản thân đối mặt với những áp lực cuộc sống, rơi vào lối sống vô cảm, tự kỉ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho bản thân, gia đình và xã hội…

+ Biết kết hợp 2 cách thức sống: sống nhanh và sống chậm, con người mới “Sống” theo đúng nghĩa, cảm nhận trọn vẹn, đầy đủ nhất ý nghĩa và giá trị cuộc sống. Nghệ thuật sống là phải biết sống chậm giữa đời nhanh

* Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc nhận thức đúng về sự vật, hiện tượng được thuyết minh.

-Rút ra ý nghĩa của việc thuyết minh về lối sống nhanh, sống chậm.

Bài viết tham khảo:

Cuộc sống ngày càng phát triển và hiện đại, kéo theo đó là biết bao vấn đề nảy sinh trong xã hội, và chúng ta thường bị cuốn vào nhịp sống hối hả đó. Sống vội vã không chỉ đơn giản là ứng phó với sự bận rộn của công việc, mà còn là mất đi khả năng tập trung vào những điều xung quanh. Chúng ta đang chạy đua với thời gian, vội vã hoàn thành nhiệm vụ, và thậm chí quên mất bản thân cùng gia đình. Đặc biệt, đối với những người trẻ, họ đang nỗ lực không ngừng để tìm ra câu trả lời cho câu hỏi: “Chúng ta nên sống nhanh hay sống chậm trong thời đại 4.0 ?”

Lối sống nhanh là lối sống khẩn trương, nhạy bén cùng với những biến chuyển, đổi thay của thời cuộc. Lối sống chậm là lối sống không bị cuốn vào guồng quay công việc cùng công nghệ thông tin, là lối sống bình yên biết tận hưởng mọi niềm vui của cuộc sống từ những điều nhỏ nhất để từ đó biết cách di dưỡng tâm hồn mình.

Nguyên nhân của lối sống nhanh là do chúng ta đang sống ở thời đại 4.0. Thời đại 4.0 cuộc sống biến chuyển, đổi thay từng giây, từng phút. Đó là thời đại của tốc độ, của thế giới phẳng. Để thích ứng với thời cuộc, con người cần đẩy nhanh tốc độ sống, tâm thế sống của mình.Thời 4.0 là thời đại mà toàn bộ các ngành, lĩnh vực đều chịu ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 – cách mạng công nghiệp tập trung vào phát triển công nghệ kỹ thuật số với sự trợ giúp của kết nối thông qua Internet vạn vật, truy cập dữ liệu thời gian thực và giới thiệu các hệ thống vật lý không gian mạng. Còn nguyên nhân của lối sống chậm là do giới trẻ nhận thức được giá trị cốt lõi của cuộc sống, đặc biệt là do hoàn cảnh khách quan của cuộc sống khiến con người không thể sống nhanh.

“Sống nhanh cùng thời đại” là để theo kịp, lĩnh hội, tiếp thu những xu hướng, thành tựu mới nhằm hoàn thiện bản thân, tăng cường hiệu quả lao động, góp phần vào sự phát triển chung của xã hội để không bị tụt hậu. Họ cần tiếp thu nhanh, phản ứng nhanh, hành động nhanh để nắm bắt, tận dụng mọi cơ hội; trở thành một người sống năng động, nhạy bén, linh hoạt. Với giới trẻ của thời đại 4.0 “Sống là không chờ đợi”, là cuộc chạy đua tốc độ, không ai muốn mình trở thành người tụt hậu, kẻ đến sau. Họ cần sống nhanh để theo cùng thời đại. Nhưng thực ra sống nhanh ở thời đại 4.0 cũng chưa phải hoàn toàn tối vì con người không phải là cỗ máy vô tri, cũng không chỉ sống bằng lí trí dễ rơi vào vô cảm. Sống nhanh khiến con người bỏ qua nhiều điều có ý nghĩa của cuộc sống vì nó nhỏ nhặt, khuất lấp, cần tinh tế cảm nhận.

Sống chậm là sự tận hưởng cuộc sống qua các cung bậc xúc cảm của tâm hồn và trái tim, sống chậm giúp con người tự cân bằng. Sống chậm chính là để di dưỡng tâm hồn mình: để biết lắng nghe, biết cảm nhận, biết thấu hiểu, biết sẻ chia… Nhưng nếu sống chậm quá sẽ khiến con người đánh mất đi sự năng động, tích cực, chủ động. Cũng như, dễ dàng khiến con người bị tụt hậu, lạc hậu so với thời đại.

Chính vì vậy, cần nhận biết, đánh giá đúng mức về cách thức sống nhanh và sống chậm của bản thân và người khác trong đời sống xã hội. Phân biệt giữa sống nhanh và sống vội, sống gấp chỉ để hưởng thụ. Phân biệt sống chậm để di dưỡng tâm hồn với sống chậm chỉ là vỏ bọc để chây lười, thụ động, ù lì. Sống nhanh không phải chỉ là lối sống hiện đại, trẻ trung của giới trẻ; sống chậm không có nghĩa là lối sống già nua, lạc hậu của người già. Bất cứ ở lứa tuổi nào, trình độ nào giữa thời đại ngày nay con người cũng cần học sống nhanh và sống chậm. Cần cảnh báo một bộ phận giới trẻ ngày nay chỉ quay cuồng sống nhanh không biết sống chậm, thiếu sự nuôi dưỡng, vun đắp cho tâm hồn nên tự đẩy bản thân đối mặt với những áp lực cuộc sống, rơi vào lối sống vô cảm, tự kỉ dẫn đến những hậu quả đáng tiếc cho bản thân, gia đình và xã hội…

Bản thân mỗi chúng ta khi sống ở thời đại 4.0 thì phải biết kết hợp 2 cách thức sống: sống nhanh và sống chậm, con người mới “Sống” theo đúng nghĩa, cảm nhận trọn vẹn, đầy đủ nhất ý nghĩa và giá trị cuộc sống. Nghệ thuật sống là phải biết sống chậm giữa đời nhanh để mỗi ngày trôi qua chúng ta học được nhiều điều hơn.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *