Đề văn lớp 11: thuyết minh về lễ hội quê hương

Đề thi khối 11

VIẾT VĂN BẢN THUYẾT MINH

 Đề bài

ĐỌC – HIỂU (6,0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện yêu cầu:

 ĐẶC SẮC LỄ HỘI THỔI TAI CỦA ĐỒNG BÀO BA NA

Nghi lễ vòng đời đầu tiên…

Đối với đồng bào Ba Na, lễ thổi tai là nghi lễ rất quan trọng cho một người mới sinh trong gia đình, vừa là niềm vui, vừa là trách nhiệm, gửi gắm mong muốn các thần linh tiếp tục bảo vệ và dạy bảo con trẻ lớn lên.

Người Ba Na quan niệm rằng trong những giai đoạn nhất định của đời người hay vòng cây cối, cá nhân, cộng đồng, vật nuôi sẽ chịu tác động của những vị thần linh khác nhau. Từ khi sinh ra đến lúc về thế giới ông bà, người Ba Na phải trải qua ít nhất hai, ba lễ cúng sức khoẻ. Lễ thổi tai được thực hiện đầu tiên trong các nghi lễ vòng đời của người Ba Na. Tổ chức lễ thổi tai để chúc phước, đặt tên cho em bé mới sinh và tạ ơn các thần linh, cầu cho đứa trẻ khoẻ mạnh, khôn ngoan, trở thành con người tốt của gia đình và cộng đồng.

Tùy theo điều kiện kinh tế mà gia đình chọn thời điểm tổ chức lễ thổi tai cho em bé và quy mô lớn hay nhỏ. Có nơi thì tổ chức lễ khi em bé sinh được một tuần, hoặc khi em bé đã rụng rốn, và đặt tên cho bé. Nếu điều kiện khó khăn, đến khi em bé biết bò, thậm chí biết đi, gia đình mới làm lễ thổi tai, đặt tên.

Để tiến hành nghi lễ cúng thổi tai cho em bé, gia đình chuẩn bị một con gà, ghè rượu cần; con trai thì gà trống, con gái thì gà mái. Cây nêu, mẹt, bầu đựng nước, dao, ống nứa thổi tai, bông vải, bát đồng, cuộn chỉ ô… Con gà sau khi mổ thịt, chọn ra một vài miếng gan, thịt, lòng, tiết… bỏ vào cái rổ nhỏ, lót lá cây sạch, rượu thì rót vào bát đồng để tiến hành lễ thổi tai. Bà đỡ, thầy cúng đến chúc phước, cầu mong sự may mắn; cúng thần hộ mệnh bảo vệ trẻ sơ sinh. Người ta không quên gọi các yang tổ tiên, ông bà; yang Đông yang Tây, yang rừng rú, suối sông; yang sinh đẻ, bảo vệ loài người… Khi cúng, người ta mang em bé sơ sinh ra bồng bế, vỗ nhẹ vào ngực, vào lưng em và thổi tượng trưng vào tai.

… Nét đẹp văn hóa của đồng bào Ba Na

Thầy cúng Đinh Girang (làng Leng, xã Tơ Tung, huyện K’bang, Gia Lai) đọc bài khấn: “Hỡi các yang (thần linh), này đây chúng ta dâng các thần bằng rượu ngọt, rượu chua, thịt heo gà, muốn tiến hành thổi tai cho nó, mong rằng các yang che chở, bao bọc, nuôi nấng, dìu dắt nó. Chúng ta cột ghè rượu ba, rượu năm để dâng cho thần đỡ đẻ, thần trông nom trẻ, mong sau này cả nhà đi rẫy lên nương, mẹ nó chẻ củi, lấy nước không có gì vướng mắc trắc trở; cầu cho em bé sống khoẻ mạnh đến thọ. Nó lớn lên được cha nhờ gánh nước, mẹ nhờ nương rẫy; người nó được khoẻ mạnh, uống rượu, vui chơi với mọi người không bị rượu đè, ma xui làm việc xấu. Nó sống khỏe mạnh cứng cáp, con gái lớn vùn vụt như măng lên, con trai khỏe như cọp không tóp không khô lại. Này đây, các loại rượu ngon, thịt thơm dâng cho các yang để sau này, ra sông, xuống suối, vào rừng lên núi; dù trời lạnh hay nóng, mưa hay nắng luôn luôn được các yang che chở cho nó suốt cuộc đời…”.

Khấn xong, thầy cúng Đinh Girang xoa nhẹ vào đầu, vào ngực, vào lưng, tay chân em bé, và thổi tượng trưng vào tai bé. Thực hiện xong nghi lễ, thầy cúng mời bà đỡ uống trước, sau đến cha mẹ em bé, rồi đến bà con họ hàng, thôn, làng cùng uống vui với gia đình ca hát.

Sau phần nghi thức tại không gian nhà sàn truyền thống là phần hội với sự giao lưu của đồng bào dân tộc Ba Na cùng đồng bào các dân tộc và du khách cùng uống rượu chung vui, ca hát, hòa tấu nhạc cụ dân tộc và cầu chúc em bé sẽ luôn khỏe mạnh, khôn ngoan, lanh lợi, trở thành người có ích cho xã hội.

(Theo Danvan.vn)

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1: Xác định đề tài của văn bản?

Câu 2: Văn bản trên được tác giả chia làm mấy phần? Đó là những phần nào?

Câu 3: Nhận xét về cách đặt nhan đề của tác giả?

Câu 4: Theo anh/ chị, văn bản trên được viết ra nhằm mục đích gì? Mục đích ấy đã được làm sáng tỏ như thế nào? Tác giả thể hiện thái độ gì đối với vấn đề được nói tới trong văn bản?

Câu 5: Theo anh/ chị, trong thời đại ngày nay, chúng ta có nên duy trì những tập tục xưa cũ không? Vì sao? (Viết khoảng 5 – 7 dòng).

LÀM VĂN (4,0 điểm) Chọn 1 trong 2 dạng thuyết minh

Anh/chị hãy viết bài văn (khoảng 600 chữ) thuyết minh về một lễ hội hoặc một phong tục đặc sắc mà anh/ chị đã trải nghiệm hoặc tìm hiểu qua sách báo.

Hướng dẫn đáp án chi tiết  

ĐỌC – HIỂU

Câu 1 (0,5 điểm): Đề tài: Lễ hội thổi tai của đồng bào Ba Na.

Câu 2 (0,5 điểm): Văn bản trên được tác giả chia làm 2 phần:

– Phần 1: Nghi lễ vòng đời đầu tiên

– Phần 2: Nét đẹp văn hóa của đồng bào Ba Na

Câu 3 (1,0 điểm): Nhận xét về cách đặt nhan đề của tác giả: Nhan đề đã thể hiện được thông tin chính của văn bản.

Câu 4 (1,0 điểm):

– Văn bản trên được viết ra nhằm mục đích giới thiệu đến bạn đọc nghi lễ thổi tai của đồng bào Ba Na.

– Mục đích đó được thể hiện rõ nét trong văn bản: các phần trong văn bản đều đưa ra các thông tin nhằm làm rõ cho thông tin chính của văn bản.

– Tác giả thể hiện thái độ trân trọng đối với nghi lễ thổi tai, khẳng định nó là một nét đẹp văn hóa của đồng bào Ba Na.

Câu 5 (1,0 điểm): Học sinh được tự do bày tỏ quan điểm, miễn là có lí giải thuyết phục. Tham khảo:

– Nên duy trì, nếu đó là những tập tục đẹp, giàu tính nhân văn.

– Không nên duy trì, nếu đó là những tập tục lạc hậu, phản nhân văn.

LÀM VĂN

* Mở bài: Giới thiệu sự vật, hiện tượng cần thuyết minh, nêu rõ sự tồn tại của sự vật, hiện tượng trong đời sống xã hội.

– Tây Nguyên- một vùng đất hùng vĩ với những cao nguyên đất đỏ xếp tầng, với những cánh rừng xanh thẳm bạt ngàn, những mảnh đất bazan màu mỡ, khí hậu ôn hoà. Có thể nói, Tây Nguyên là vùng đất giàu có với những truyền thống văn hoá độc đáo, đậm chất núi rừng linh thiêng. Đua voi là một trong những lễ hội độc đáo đó.

* Thân bài:

– Lễ hội được tổ chức vào tháng ba âm lịch, hai năm tổ chức một lần.

– Voi là con vật biểu tượng cho núi rừng Tây Nguyên, từ lâu đã được thuần hoá là vật nuôi rất có ích và chung sống thân thiện với con người. Voi là loài động vật to lớn nhưng hiền lành, thông minh và có khả năng ghi nhớ nhanh, vì thế chúng từ lâu đã trở thành người bạn thân tình, gắn bó với người dân Tây Nguyên. Đây được coi là loài động vật linh thiêng, được nhân dân yêu quý, tôn kính như biểu tượng mạnh mẽ của mảnh đất cao nguyên bạt ngàn nắng gió.

– Lễ hội đua voi được tổ chức tại Đăk-lăk nhằm tôn vinh truyền thống văn hoá, tinh thần thượng võ và tài nghệ cưỡi voi của đồng bào Tây Nguyên.

– Hội đua voi được tổ chức hoành tráng nhưng chỉ kéo dài trong một ngày. Công việc chuẩn bị diễn ra trước đó vài tháng, những con voi dự thi sẽ được chủ đưa tới những bãi cỏ xanh ngát, được ăn uống no nê. Tới ngày hội, đàn voi nô nức tập trung về một bãi đất trống rộng để thi tài. Các chú voi phải trải qua ba phần thi gay cấn: Voi chạy tôc độ; Voi bơi vượt sông Sê-rê-pôk; Voi đá bóng. Người dân khắp các tỉnh Tây Nguyên kéo đến để thưởng thức lễ hội.

– Đến ngày thi đấu, những chú voi sẽ được già làng thực hiện lễ cúng sức khoẻ với lễ vật bao gồm: ba chén rượu cần, một con heo và một bầu nước. Sau nghi lễ mọi người cùng nhau ca hát, nhảy múa trong những nhịp cồng chiêng rộn ràng báo hiệu hội đua voi chính thức bắt đầu.

– Địa điểm được chọn làm nơi tổ chức lễ hội đua voi phải là một bãi đất trống có chiều dài từ 400m-500m, chiều rộng phải để cho ít nhất 5-10 con voi có thể xếp hàng.

– Trên lưng mỗi chú voi sẽ có 2 người quản tượng, mặc đồ truyền thống của dân tộc làm nhiệm vụ điều khiển voi tham gia các hoạt động của lễ hội. Quản tượng điều khiển các chú voi theo lệnh để chúng xếp nối nhau thành hàng và quỳ phục trước vạch xuất phát như là một động tác cúi chào ban giám khảo và khán giả trước khi bắt đầu thi đấu.

– Sau khi hiệu lệnh ngân lên, người điều khiến phải thúc voi tiến lên phía trước đồng thời tăng tốc thật nhanh để về đích sớm.

– Chú voi khoẻ mạnh nhất dành được chức vô địch sẽ được trao vòng nguyệt quế cùng người quản tượng và được thưởng thêm rất nhiều món ăn ngon khác dành riêng cho voi.

– Hội đua voi kết thúc buôn làng quay quần bên nhau cùng ăn uống, vui chơi.. Tiếng cồng chiêng vang lên nồng cháy, những chàng trai cô gái nắm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa sáng rực. Lễ hội dường như gắn kết con người lại với nhau khiến họ trở nên gần gũi, thân tình, mang một màu sắc tươi mới phủ lên vùng đất cao nguyên hung vĩ.

* Kết bài: Nêu ý nghĩa của việc nhận thức đúng về sự vật, hiện tượng được thuyết minh.

– Lễ hội đua voi trở thành bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc an hem trên vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Đến với Bản Đôn du khách sẽ được thoả sức thả hồn vào thiên nhiên núi rừng thơ mộng, được khám phá những nét văn hoá đặc sắc, độc đáo, được thưởng thức ẩm thực phong phú, đa dạng. Ngày nay lễ hội đua voi không chỉ gói gọn trong văn hoá buôn làng Bản Đôn mà đã được phát triển thành một lễ hội du lịch thú vị, hấp dẫn du khách gần xa.

 Bài viết tham khảo:

Tây Nguyên- một vùng đất hùng vĩ với những cao nguyên đất đỏ xếp tầng, với những cánh rừng xanh thẳm bạt ngàn, những mảnh đất bazan màu mỡ, khí hậu ôn hoà. Nơi đây quy tụ nhiều dân tộc an hem cùng nhau sinh sống, những con người thật thà, chất phác mang đậm bản sắc của núi rừng cao nguyên. Có thể nói, Tây Nguyên là vùng đất giàu có với những truyền thống văn hoá độc đáo, đậm chất núi rừng linh thiêng. Đua voi là một trong những lễ hội độc đáo đó.

* Thân bài:

Lễ hội được tổ chức vào tháng ba âm lịch, hai năm tổ chức một lần. Người ta chọn mùa xuân là mùa tổ chức lễ hội đua voi nhằm thể hiện mong muốn một khởi đầu năm mới tốt đẹp, ấm no hạnh phúc cho người dân khắp các thôn bản, tạo nên một không khí tưng bừng, nhộn nhịp, làm say đắm bất kì những ai đặt chân đến nơi này. Voi là con vật biểu tượng cho núi rừng Tây Nguyên, từ lâu đã được thuần hoá là vật nuôi rất có ích và chung sống thân thiện với con người. Chúng giúp người dân kéo gỗ, chở đồ, vận chuyển hang hoá, và đặc biệt chúng còn được huấn luyện để biểu diễn trong các lễ hội, trong các sở thú. Voi là loài động vật to lớn nhưng hiền lành, thông minh và có khả năng ghi nhớ nhanh, vì thế chúng từ lâu đã trở thành người bạn thân tình, gắn bó với người dân Tây Nguyên. Đây được coi là loài động vật linh thiêng, được nhân dân yêu quý, tôn kính như biểu tượng mạnh mẽ của mảnh đất cao nguyên bạt ngàn nắng gió.

Lễ hội đua voi được tổ chức tại Đăk-lăk nhằm tôn vinh truyền thống văn hoá, tinh thần thượng võ và tài nghệ cưỡi voi của đồng bào Tây Nguyên. Hội đua voi được tổ chức cùng với các lễ hội khác như: Lễ hội Cồng Chiêng, Lễ hội cúng lúa mới, Lễ hội cúng bến nước, Lễ cúng sức khoẻ cho voi, Lễ ăn trâu mừng mùa,… Đồng bào tin rằng: vào một năm mới tràn đầy niềm vui, mùa màng bội thu, nhà nhà được ấm no hạnh phúc.

Hội đua voi được tổ chức hoành tráng nhưng chỉ kéo dài trong một ngày. Công việc chuẩn bị diễn ra trước đó vài tháng, những con voi dự thi sẽ được chủ đưa tới những bãi cỏ xanh ngát, được ăn uống no nê đủ các loại trái ây, rau cỏ như: đu đủ, mía,… Chúng không phải làm việc mà nghỉ ngơi để dưỡng sức thi đấu nên chú voi nào cũng béo tốt, tràn đầy năng lượng. Tới ngày hội, đàn voi nô nức tập trung về một bãi đất trống rộng để thi tài. Các chú voi phải trải qua ba phần thi gay cấn: Voi chạy tôc độ; Voi bơi vượt sông Sê-rê-pôk; Voi đá bóng. Người dân khắp các tỉnh Tây Nguyên kéo đến để thưởng thức lễ hội, các bộ y phục sặc sỡ sắc màu, tiếng vỗ tay cổ vũ náo nhiệt, rộn rã. Du khách đến thăm quan ngoài được hoà vào không khí lễ hội cong được thưởng thức những món ăn đặc sản đậm đà hương vị núi rừng Tây Nguyên.

Đến ngày thi đấu, những chú voi sẽ được già làng thực hiện lễ cúng sức khoẻ với lễ vật bao gồm: ba chén rượu cần, một con heo và một bầu nước. Sau nghi lễ mọi người cùng nhau ca hát, nhảy múa trong những nhịp cồng chiêng rộn ràng báo hiệu hội đua voi chính thức bắt đầu. Địa điểm được chọn làm nơi tổ chức lễ hội đua voi phải là một bãi đất trống có chiều dài từ 400m-500m, chiều rộng phải để cho ít nhất 5-10 con voi có thể xếp hàng. Trên lưng mỗi chú voi sẽ có 2 người quản tượng, mặc đồ truyền thống của dân tộc làm nhiệm vụ điều khiển voi tham gia các hoạt động của lễ hội. Quản tượng điều khiển các chú voi theo lệnh để chúng xếp nối nhau thành hàng và quỳ phục trước vạch xuất phát như là một động tác cúi chào ban giám khảo và khán giả trước khi bắt đầu thi đấu.

Sau khi hiệu lệnh ngân lên, người điều khiến phải thúc voi tiến lên phía trước đồng thời tăng tốc thật nhanh để về đích sớm. Những chú voi tiến về phía trước trong sự cổ vũ cuồng nhiệt của khan giả, tiếng gõ chiêng, tiếng reo hò vang dội như tăng thêm nhuệ khí cho từng vận động viên. Đàn voi cứ thế lao đi, chàng trai ngồi đầu dẫn voi luôn cúi rạp mình áp sát vào lưng voi để ổn định cơ thể, tránh sức cản của không khí góp phần khiến voi chạy nhanh hơn. Đôi mắt lúc nào cũng thận trọng quan sát tứ phía và điều khiển chú voi bằng một thanh sắt nhọn dài khoảng 1 mét, mỗi khi voi chạy chậm lại họ sẽ dung cây sắt đâm vào mông khiến voi đau, nó liền lồng lên chạy nhanh hơn nữa. Không chỉ chạy nhanh là được, voi còn phải chạy đúng đường của mình, đây là nhiệm vụ của người ngồi phía sau, họ sẽ dung một cái búa gọi là búa Kốc nện vào mông voi để voi chạy thẳng hướng, tránh lấn sang làn của đội khác. Càng về đích, tiếng reo hò cổ vũ cùng tiếng chiêng, trống hoà nhịp gõ vang, rộn ràng náo nhiệt cả một vùng, voi thấy thế lại càng hăng, cố sức phóng về đích. Chú voi khoẻ mạnh nhất dành được chức vô địch sẽ được trao vòng nguyệt quế cùng người quản tượng và được thưởng thêm rất nhiều món ăn ngon khác dành riêng cho voi. Hội đua kết thúc, các chú voi trở về buôn làng trong sự tự hào, kính trọng khôn xiết của người dân nơi đây.

Sau khi kết thúc hội đua voi, buôn làng quây quần bên nhau cùng ăn uống, vui chơi. Tiếng cồng chiêng vang lên nồng cháy, những chàng trai cô gái nắm tay nhau nhảy múa quanh đống lửa sáng rực. Lễ hội dường như gắn kết con người lại với nhau khiến họ trở nên gần gũi, thân tình, mang một màu sắc tươi mới phủ lên vùng đất cao nguyên hung vĩ.

Lễ hội đua voi trở thành bản sắc văn hoá độc đáo của các dân tộc an hem trên vùng đất Tây Nguyên đầy nắng và gió. Đến với Bản Đôn du khách sẽ được thoả sức thả hồn vào thiên nhiên núi rừng thơ mộng, được khám phá những nét văn hoá đặc sắc, độc đáo, được thưởng thức ẩm thực phong phú, đa dạng. Ngày nay lễ hội đua voi không chỉ gói gọn trong văn hoá buôn làng Bản Đôn mà đã được phát triển thành một lễ hội du lịch thú vị, hấp dẫn du khách gần xa.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *