Đề thi về Vợ chồng A Phủ : Phân tích nhân vật Mỵ trong hai đoạn văn

Đề thi khối 12

SỞ GD & ĐT HÀ NÔI          ĐỀ THI THỬ MÔN VĂN THPT QUỐC GIA- LẦN 1

Trường THPT Chúc Động    Thời gian: 120 phút (Không kể thời gian giao đề)

(Đề thi gồm có 2 trang)

 

I, PHẦN ĐỌC HIỂU: Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu bên dưới:

(1)…Có nhiều người tôi gặp đã từng day dứt bởi những điều giống nhau: Có phải chính mình đã chọn nghề này ko? Có phải chính mình đã chọn cách sống này? Sao nó khác với những ước mơ thời hoa niên của mình đến vậy ?

(2)….Năm tháng qua đi, bạn sẽ nhận ra rằng ước mơ không bao giờ biến mất. Kể cả những ước mơ rồ dại nhất trong lứa tuổi học trò –  lứa tuổi bất ổn định nhất. Nếu bạn không theo đuổi nó, chắc chắn nó sẽ trở lại một lúc nào đó, day dứt trong bạn, thậm chí dằn vặt bạn mỗi ngày. Lúc ấy có thể bạn sẽ phải ngậm ngùi mà thốt lên: “Chao ôi, ta đã làm chi đời ta vậy?”

(3)….Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh vậy. Nếu bạn nghĩ thật lâu về điều mình muốn vẽ, nếu bạn dự tính được càng nhiều màu sắc mà bạn muốn thể hiện, nếu bạn càng chắc chắn về vật liệu mà bạn muốn sử dụng, thì bức tranh trong thực tế càng giống với hình dung của bạn. Bằng không, có thể nó sẽ là những màu mà người khác thích, là bức tranh mà người khác ưng ý, chứ không phải bạn.

(4) Dan Zadra viết rằng: “Đừng để ai đánh cắp giấc mơ của bạn”. Vậy thì hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim ta đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức…

(Nếu biết trăm năm là hữu hạn- Phạm Lữ Ân)

  1. Xác định nội dung và đặt nhan đề cho văn bản?
  2. Theo anh/ chị, vì sao tác giả lại cho rằng “Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh?
  3. Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn 4 của văn bản trên.
  4. Theo anh/ chị, phải làm gì để không bị đánh cắp ước mơ?

II, PHẦN LÀM VĂN:

  1. Viết 1 đoạn văn khoảng 200 chữ nêu quan điểm của anh/ chị về câu nói: “Người nghèo nhất không phải là người không có một xu dính túi, mà là người không có lấy một ước mơ”.
  2. Cho hai đoạn văn bản sau:

(1)…..Ngày tết, Mỵ cũng uống rượu. Mỵ lén lấy hũ rượu, uống ực từng bát. Rồi say, Mỵ lịm mặt đấy nhìn người nhảy đồng, người hát, nhưng lòng Mỵ đang sống về ngày trước, tai văng vẳng tiếng sáo gọi bạn đầu làng. Ngày trước Mỵ thổi sáo giỏi. Mùa xuân này, Mỵ uống rượu bên bếp và thổi sáo. Mỵ uốn chiếc lá trên môi, thổi lá cũng hay như thổi sáo. Có biết bao nhiêu người mê, ngày đêm đã thổi sáo đi theo Mỵ ….

……..Bấy giờ Mỵ ngồi xuống giường, trông ra cửa sổ lỗ vuông mờ mờ trăng trắng. Đã từ nãy Mỵ thấy phơi phới trở lại, trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm Tết ngày trước. Mỵ trẻ lắm. Mỵ vẫn còn trẻ. Mỵ muốn đi chơi. Bao nhiêu người có chồng cũng đi chơi  ngày Tết. Huống chi A Sử với Mỵ không có lòng với nhau mà vẫn phải ở với nhau! Nếu có nắm lá ngón trong tay lúc này, Mỵ sẽ ăn cho chết ngay, chứ không buồn nhớ lại nữa. Nhớ lại, chỉ thấy nước mắt ứa ra. Mà tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lửng lơ bay ngoài đường….

(2)Lúc ấy đã khuya. Trong nhà ngủ yên, thìMỵ trở dậy thổi lửa. Ngọn lửa bập bùng sáng lên. Mỵ lé mắt trông sang thấy hai mắt A Phủ cũng vừa mở, một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại. Thấy tình cảnh như thế, Mỵ chợt nhớ lại đêm năm trước, A Sử trói Mỵ, Mỵ cũng phải trói đứng thế kia. Nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không biết lau đi được. Trời ơi nó bắt trói đứng người ta đến chết, nó bắt mình chết cũng thôi, nó đã bắt trói đến chết người đàn bà ngày trước cũng ở cái nhà này. Chúng nó thật độc ác. Cơ chừng này chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì chỉ còn biết đợi ngày rũ xương ở đây thôi… Người kia việc gì mà phải chết thế. A Phủ … Mỵ phảng phất nghĩ như vậy.

….Trong nhà tối bưng, Mỵ rón rén bước lại, A Phủ vẫn nhắm mắt. Nhưng Mỵ tưởng như A Phủ đương biết có người bước lại… Mỵ rút con dao nhỏ cắt lúa, cắt nút dây mây. A Phủ thở phè từng hơi, không biết mê hay tỉnh. Lần lần, đến lúc gỡ được hết dây trói ở người A Phủ thì Mỵ cũng hốthoảng. Mỵ chỉ thì thào được một tiếng “Ði ngay…” rồi Mỵ nghẹn lại. A Phủ khuỵu xuống, không bước nổi.Nhưng trước cái chết có thể đến nơi ngay, A Phủ lại quật sức vùng lên, chạy.

Mỵ đứng lặng trong bóng tối.

Rồi Mỵ cũng vụt chạy ra. Trời tối lắm. Nhưng Mỵ vẫn băng đi. Mỵ đuổi kịp A Phủ, đã lăn, chạy, chạy xuống tới lưng dốc…..

(Trích Vợ chồng A Phủ– Tô Hoài, Ngữ văn 12, NXBGD Việt Nam, 2010)

Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng nhân vật Mỵ trong 2 đoạn trích trên để thấy sự biến đổi tâm trạng của nhân vật. Từ đó, hãy chỉ ra giá trị nhân đạo của tác phẩm.

***************** Hết ***************

ĐÁP ÁN

I, Phần đọc hiểu:

1, Xác định nội dung và đặt nhan đề cho văn bản?

  • Nội dung của văn bản: Con người sống phải có ước mơ và nỗ lực thực hiện ước mơ.
  • Học sinh đặt nhan đề ngắn gọn, sát với nội dung văn bản.

2, Theo anh/ chị, vì sao tác giả lại cho rằng “Sống một cuộc đời cũng giống như vẽ một bức tranh?

Bức tranh sẽ có nhiều mảng màu sáng tối đan xen, nó giống, như những cung bậc cảm xúc của cuộc sống có buồn có vui, có thăng trầm vấp ngã nhưng cũng có rất nhiều niềm vui. Việc quyết định bức tranh cuộc sống đó là những gam màu tươi sáng hay u tối là do quyết định của mỗi người, do thái độ của mỗi người.

3, Chỉ ra và nêu tác dụng của biện pháp tu từ được sử dụng trong đoạn 4 của văn bản trên?

Dan Zadra viết rằng: “Đừng để ai đánh cắp giấc mơ của bạn”. Vậy thì hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim ta đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức…

Biện pháp tu từ:

  • Ẩn dụ: đánh cắp ước mơ.
  • So sánh: Vậy thì hãy tìm ra ước mơ cháy bỏng nhất của mình, nó đang nằm ở nơi sâu thẳm trong tim ta đó, như một ngọn núi lửa đợi chờ được đánh thức…

Tác dụng: Khẳng định: Ai cũng có ước mơ và mong muốn thực hiện ước mơ. Hãy đánh thức ước mơ, nỗ lực cố gắng thực hiện ước mơ bởi “nếu bạn không tự xây ước mơ cho mình, người khác sẽ thuê bạn xây ước mơ của họ”

4, Theo anh/ chị, phải làm gì để không bị đánh cắp ước mơ?

  • Nỗ lực cố gắng rèn luyện, thực hiện ước mơ bằng chính khả năng của mình.
  • Ước mơ phải phù hợp với điều kiện và hoàn cảnh.
  • Có thất bại cũng đừng nản lòng. Bởi, từ ước mơ đến thành công là một khoảng cách rất xa. Khi người ta cố gắng hết mình, dù không đạt được kết quả như mong muốn, đó đã là một điều rất đáng trân trọng rồi.

Phần làm văn:

Câu 1:

  1. Phương pháp: Sử dụng các thao tác lập luận để tạo lập một đoạn văn nghị luận (bàn luận, so sánh, tổng hợp,…)
  2. Cách giải:

a.Đảm bảo yêu cầu hình thức đoạn văn: Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo nhiều cách khác nhau.

  1. Xác định vấn đề nghị luận: “Người nghèo nhất không phải là người không có một xu dính túi, mà là người không có lấy một ước mơ”.
  2. Triển khai vấn đề cần nghị luận: vận dụng kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng, rút ra bài học nhận thức và hành động.

-Mở đoạn: giới thiệu vấn đề cần nghị luận:Con người phải có ước mơ.

-Thân đoạn: có thể triển khai một số nội dung như:

+ Giải thích: Ước mơ là gì? Là khát vọng, là những điều tốt đẹp mà mỗi chúng ta đều luôn hướng tới.

+ Và tại sao con người sống lại phải có ước mơ?

# Con người sẽ trưởng thành hơn qua những ước mơ! Có ước mơ, con người ta mới có động lực để phấn đấu, mới có một cái gì đó tốt đẹp để hướng tới.

#  Khi bạn biết ước mơ, biết tìm cách để ước mơ thành hiện thực thì lúc đó bạn đã xác định đúng mục tiêu và con đường đến với thành công. Tất cả đều nằm trong tay bạn chỉ cần bạn biết cố gắng, biết tin tưởng và nỗ lực không ngừng thì giấc mơ đó không ở đâu xa mà đang ở gần, rất gần với các bạn đó.

# Ước mơ là một cái gì thật đẹp, thật hoàn hảo, là khát vọng là đích đến tương lai để ta phần đấu àước mơ đã trở thành động lực tinh thần, là sức mạnh niềm tin để cho con người phấn đấu, từ đó vươn lên hoàn thiện mình, làm cho cuộc sống của bản thân tốt đẹp hơn.

  • Tuy nhiên:

#  Sống là có ước mơ nhưng mơ ước tuyệt nhiên không quá xa vời với thực tế.

#  Bên cạnh những con người thầm lặng phấn đấu hết mình cho những giấc mơ, thì đâu đó có không ít người lại chỉ biết ước mơ hết điều này, điều nọ đến điều kia mà quên đi rằng giá trị đích thực của ước mơ là sự nỗ lực không ngừng để thay đổi cuộc sống

  1. Sáng tạo: Có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề nghị luận.
  2. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo đúng quy tắc.

Câu 2:

*Phương pháp:

– Phân tích (Phân tích đề để xác định thể loại, yêu cầu, phạm vi dẫn chứng).

– Sử dụng các thao tác lập luận (phân tích, tổng hợp, bàn luận,…) để tạo lập một văn bản nghị luận văn học.

*Cách giải:

a.Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học: có đủ các phẩn, trong đó phẩn Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề.

  1. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Cảm nhận về sự chuyển biến tâm trạng của nhân nhật Mỵ trong 2 hoàn cảnh thời gian khác nhau. Từ đó bình luận về giá trị nhân đạo của tác phẩm.
  2. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm: vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng. Trên cơ sở những hiểu biết về tác giả, tác phẩm cũng như tâm trạng nhân vật, học sinh có thể triển khai theo nhiều cách nhưng phải bám sát vấn đề nghị luận và cần làm rõ một số ý cơ bản sau.

Mở bài:

– Giới thiệu về Tô Hoài và truyện ngắn “Vợ chồng A Phủ”.

– Giới thiệu được vấn đề sẽ nghị luận: sự chuyển biến tâm trạng của nhân vật Mỵ qua 2 cảnh ngộ. Từ đó chỉ ra giá trị nhân đạo của tác phẩm.

Thân bài:

  1. Giới thiệu về nhân vật Mỵ:

– Ngoại hình, số phận, lai lịch.

– Cuộc đời của Mỵ trong nhà Pá Tra.

  1. Tâm trạng của Mỵ trong đêm tình mùa xuân:

+ Sự trơ trọi của Mị trong nhà Pá Tra khiến cô nhận ra sự cô đơn và đáng thương của mình. Lần đầu tiên sau bao nhiêu tháng ngày chìm trong vô thức Mị mới ý thức được điều ấy.

+ Mị bước vào căn buồng quen thuộc để đối mặt với thực tại và cay đắng nhận thấy cuộc sống vô nghĩa của mình.

+ Mị nhận thức rõ ràng về cuộc hôn nhân bế tắc và sự tàn ác của cha con nhà thống lí Pá Tra và sự bất công vô nhân đạo của xã hội.

+ Mị ý thức về tuổi thanh xuân của mình và khao khát được đi chơi, Mị muốn được sống với tuổi trẻ và khát vọng được hạnh phúc như bao người.

+ Ý định ăn lá ngón trở lại, Mị muốn chấm dứt cuộc sống vô nghĩa tù đầy này.

+ Tiếng sáo của tình yêu tuổi trẻ lại thôi thúc Mị, dìu hồn Mị theo những đám chơi. Khát vọng sống mãnh liệt được đẩy lên đén cao độ bởi sự trỗi dậy của sức sống tiềm tàng.

Sức sống tiềm tàng trong Mị chưa bao giờ tắt hẳn nó như đám than vạc lửa vùi sâu trong lớp tro tàn chỉ cần một ngọn gió thổi tới cũng bùng lên thành lửa cháy. Đó cũng là sức mạnh cách mạng tiềm ẩn để sau này Mị cùng với A Phủ được A Châu giác ngộ đã trở thành du kích quay lại giải phóng buôn làng.

3, Tâm trạng của Mỵ trong đêm mùa đông cứu A Phủ:

+ A Phủ- một chàng trai khỏe mạnh, gan góc, vì đánh A Sử bị bắt làm kẻ ở trừ nợ cho nhà Pá Tra. Trong một lần để bò bị hổ bắt, A Phủ bị trói đứng vào cột.

+ Lúc  đầu khi trông thấy A Phủ bị trói: Mị thản nhiên, lạnh lùng hơ tay sưởi ấm, vô cảm trước A Phủ.

+ Khi  trông sang thấy một dòng nước mắt của A Phủ lấp lánh bò xuống hai hõm má đã xám đen lại:   Mị  chợt bừng tỉnh “trông người lại nghĩ đến ta”.

+ Từ thương người đến thương thân dẫn Mị đến với ý thức ngày càng rõ rệt hơn về một sự thật thật tàn bạo và vô lí, bất công .Ý thức đó đã thôi thúc Mị đứng dậy cắt dây trói cho A Phủ và bất giác chạy theo anh, cùng trốn khỏi Hồng NgàiHành động tự phát do sự thúc bách của tình thế nhưng là tất yếu của một quá trình dồn nén, áp bức cả về thể chất lẫn tinh thần của nhân vật Mị. Hành động đã khẳng định sức sống tiềm tàng của nhân vật Mị khi phải sống trong cảnh nô lệ lầm than.

4, Nét nghệ thuật đáng chú ý:

– Tô Hoài đã rất thành công trong việc miêu tả diễn biến tâm lí nhân vật. Vợ chồng A Phủ thu hút người đọc bằng chính sức sống tiềm tàng trong một tính cách không đơn giản ở nhân vật Mị.

– Cách kể chuyện: Hấp dẫn lôi cuốn nhờ cách sắp xếp tình tiết, xây dựng cốt truyện tự nhiên, hợplí.

– Ngôn ngữ sinh động, chọn lọc và sáng tạo, câu văn giàu chất tạo hình và thấm đẫm chất thơ

Giá trị nhân đạo của tác phẩm:

Biểu hiện tấm lòng nhân hậu đầy cảm thông của nhà văn Tô Hoài với nhân vật: Ngợi ca sức sống tiềm tàng, khát vọng hạnh phúc của  Mị. Khát vọng, sức sống có thể bị vùi lấp nhưng không thể bị tiêu diệt chỉ cần có cơ hội lại trỗi dậy mạnh mẽ. Đồng thời qua hành động này, nhà văn Tô Hoài đã chỉ ra được con đường sáng cho nhân vật của mình đi, kết thúc quãng đời đày ải, tối tăm để bắt đầu một cuộc đời mới.

Kết bài:Tóm lại,  qua truyện ngắn Vợ chống A Phủ , tác giả đã thể hiện thành công cuộc sống nô lệ lay lắt đói khổ, nhục nhã của Mị nói riêng và đồng bào Tây Bắc nói chung dưới thời phong kiến thực dân ở miền núi, đồng thời khẳng định, ngợi ca sức sống tiềm tàng mãnh liệt của người dân miền núi từ trong hoàn cảnh tăm tối, hướng tới ánh sáng tự do.

* Sáng tạo: có cách diễn đạt sáng tạo, thể hiện suy nghĩ sâu sắc, mới mẻ về vấn đề cần nghị luận.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *