Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 – Hải Dương

Đề thi khối 11

ĐỀ XUẤT ĐỀ THI DUYÊN HẢI

Môn: Ngữ Văn

Lớp: 11

 

ĐỀ BÀI

Câu 1. Nghị luận xã hội (8 điểm)

Phải chăng, cách để hiểu cuộc sống là “sống”?

Câu 2. Nghị luận văn học (12 điểm)

Trong sáng tạo văn học, đường biên thể loại thường có xu hướng bị phá vỡ, nhất là với những nhà văn tài năng.

Bằng trải nghiệm văn học, anh/chị trình bày suy nghĩ của mình về ý kiến trên.

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu 1. Nghị luận xã hội

  1. Cắt nghĩa:

– Sống: trải nghiệm các trạng huống của đời sống bằng toàn bộ sự sống và tâm hồn để cảm nhận mọi giá trị của cuộc sống cũng như ý nghĩa tồn tại của bản thân.

– Hiểu cuộc sống: Nhận biết cả biểu hiện và bản chất, bề rộng và chiều sâu, ý thức đầy đủ về sự vận động và những giá trị quý giá có thể có, nắm bắt được thực trạng đang tồn tại và mọi yêu cầu đặt ra để duy trì hoặc thay đổi sự tồn tại đó, nhìn thấu được sự phức tạp cũng như mọi quy luật của đời sống. Trung tâm của cuộc sống là con người với tất cả sự phức tạp của nội tâm và của các mối quan hệ nên hiểu cuộc sống cũng chính là hiểu con người trong đời sống của người, hiểu mình trong cuộc sống của chính mình.

  1. Lý giải:
  2. Vì sao phải sống mới hiểu được cuộc sống?

– Sống, ta mới chứng kiến hết mọi thăng trầm của thế sự, thấy hết mọi nông sâu rộng hẹp của đời và của lòng người, biết được sự phong phú, đa dạng của cuộc sống và con người.

– Trải nghiệm mọi trạng huống của đời sống, ta mới tận thấy mùi vị và dư âm của nó lan tỏa vào sự sống của chính ta. Khi ấy, ta mới thực sự cảm nhận về cuộc sống một cách cụ thể, chân thực nhất.

– Hòa mình vào đời sống, sống bằng toàn bộ con người (thể chất và tinh thần, hiểu biết và cảm xúc, tình cảm), ta mới thực sự giao cảm với cuộc sống, với con người. Sự giao cảm sẽ giúp con người cảm nhận cuộc sống một cách sâu sắc nhất.

  1. Vì sao phải sống mới hiểu được chính mình như một phần của đời sống?

– Khi sống, ta mới bộc lộ hết mọi khả năng, hạn chế, mọi trạng thái tính cách, tâm lý của bản thân. Sống khi ấy tựa như dựng lên một tấm gương để ta soi vào mà tự nhận diện chính mình.

– Khi sống là khi ta đặt mình trong các mối quan hệ của đời sống. Đó là lúc chúng ta sẽ phải tự điều chỉnh bản thân để hoặc thích nghi, hoặc chủ động thay đổi bên trong hoặc tác động làm thay đổi thế giới bên ngoài. Dù thế nào, đó cũng là cách để biết mình, hiểu mình và làm chủ bản thân mình.

– Khi sống, đặt mình trước những tình huống của đời sống, ta sẽ nhận biết cuộc sống và phát hiện ở mình những điều mà nếu không ở vào tình thế ấy sẽ bị còn khuất lấp, ẩn kín đi. Hiểu mình, trải nghiệm cuộc đời, ta sẽ có cơ sở để hiểu hơn về đời, về người.

  1. Phải sống như thế nào để hiểu cuộc sống trọn vẹn và đúng đắn nhất?

– Sống hết mình, trọn vẹn với chính mình, với con người và cuộc sống xung quanh – sẽ không phải nuối tiếc về bất kì điều gì trong toàn bộ quá trình sống của chính mình.

– Sống nghiêm túc, tỉnh táo, và thận trọng – sẽ không mắc sai lầm, không làm những việc vô bổ, vô ích, không bỏ lỡ những điều đáng quý, đáng trọng, không lãng quên, vô tình với mọi điều xảy ra.

– Sống có trách nhiệm – đó là cách để thực sự gắn bó với cuộc sống, với con người. Sự gắn bó là điều kiện cần thiết để giao cảm và thấu hiểu.

  1. Bàn luận, đánh giá:

– Không phải tất cả những ai đang có mặt trong cuộc đời này đều đang “sống”. Cần phân biệt “sống” và “tồn tại”. Nếu chỉ “tồn tại”, thì dù có kéo dài tới trăm năm vẫn không thể hiểu được điều gì đáng kể. Chỉ khi thực sự “sống”, thực sự trải nghiệm và đúc kết, ta mới có thể nhận thức được về cuộc sống, về con người.

– Từ việc hiểu cuộc sống, hiểu con người, mỗi người sẽ có cơ sở, có căn cứ để hiểu hơn về chính mình với tất cả ưu nhược, thành bại, khát vọng và thực tế, điều mình từng nghĩ và điều người đánh giá, về mình.

– Khi cách tốt nhất để hiểu cuộc sống và hiểu chính mình là sống, thì lựa chọn cách sống, xác định mục tiêu cuộc sống và trải nghiệm tất cả những gì đến với cuộc đời của chính mình là việc mỗi người cần làm và phải làm một cách tốt nhất có thể.

– Bình tĩnh sống, chậm rãi cảm nhận cuộc sống và lắng nghe chính mình, chúng ta sẽ hiểu và làm chủ được cuộc sống và làm chủ bản thân.

– Khi có thể hiểu cuộc sống, hiểu chính mình, ta sẽ không bị bất ngờ trước điều xảy ra, không sợ hãi khi đối mặt với những điều tồi tệ (bao gồm cả cái chết).

 

Câu 2. Nghị luận văn học

  1. Bản chất vấn đề:

– Sáng tạo văn học: quá trình nhà văn – bằng hiểu biết, trải nghiệm, cá tính và tài năng – tạo ra tác phẩm với tư cách là một sản phẩm nghệ thuật.

– Đường biên thể loại: ranh giới phân biệt thể loại này với thể loại khác, thường được nhận ra bằng những dấu hiệu đặc trưng riêng biệt.

Những nhà văn tài năng luôn có xu hướng vận dụng những phương tiện, biện pháp, chất liệu… của các thể loại khác nhau trong quá trình sáng tạo tác phẩm.

  1. Cơ sở lý luận của vấn đề.

– Thể loại văn học là những loại hình, phương thức cấu tạo nên văn học nhằm tái hiện đời sống một cách trực quan và sinh động. Từ xưa, các thể loại văn học đã được phân chia một cách đa dạng và phức tạp. Trong sự vận động và phát triển của văn học, các thể loại trong văn học dần dần được mở rộng để đáp ứng nhu cầu biểu đạt của người sáng tác.

– Mỗi thể loại trong văn học đều mang một ý nghĩa và phương thức phản ánh khác nhau. Mỗi cách phản ánh của từng thể loại thường có tính quy luật và có tính hữu hạn. Quy luật nằm ở số lượng mỗi thể văn, thể thơ thường chỉ ứng với tinh thần cảm nhận, tư duy về ngôn ngữ, yêu cầu của người sáng tác cũng như tương quan với nhịp độ sống, phong cách sống, văn hóa sống của mỗi dân tộc. Hữu hạn là vì mỗi thể loại có phương thức phản ánh riêng xét từ hình thức tới nội dung (như thơ chỉ để hướng tới khám phá, biểu hiện nội tâm, hay văn xuôi chỉ để hướng tới khám phá bức tranh đời sống rộng lớn). Vì thế, để mở rộng khả năng biểu đạt, các thể loại thường có sự giao thoa, lấy chất liệu, phương tiện, cách thức của thể loại này vận dụng vào thể loại kia như một thủ pháp nghệ thuật độc đáo. Cách vận dụng này không chỉ để thể hiện nhu cầu nội tại của người sáng tác mà còn để đáp ứng những nhu cầu thưởng thức ngày càng được mở rộng, nâng cao của độc giả.

  1. Các dạng thức tiêu biểu:

– Chất thơ trong văn xuôi (truyện ngắn, tiểu thuyết)

– Chất văn xuôi (màu sắc tự sự) trong thơ.

– Chất kịch trong truyện.

– Chất thơ trong kịch…

(Thí sinh không nhất thiết phải khảo sát tất cả các dạng thức của hiện tượng giao thoa thể loại. Điều quan trọng là phải lựa chọn chuẩn xác, phân tích sâu sắc biểu hiện và hiệu quả nghệ thuật của việc sử dụng yếu tố thuộc đặc trưng của thể loại này trong tác phẩm thuộc thể loại kia.)

  1. Ý nghĩa, giá trị.

– Mở rộng phạm vi phản ánh và khả năng chuyển tải cho tác phẩm.

– Tạo nên nét độc đáo trong phong cách tác giả.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *