Đọc hiểu Mùi của kí ức,NLXH suy nghĩ về giá trị thực và giá trị ảo đối với tuổi trẻ hôm nay

Đề thi khối 11

KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ GIỮA HỌC KÌ II, LỚP 11

I – MỤC TIÊU

– Đánh giá chất lượng học tập và năng lực làm bài của HS qua kĩ năng đọc hiểu và làm văn

II – MA TRẬN

TT Kĩ năng Nội dung/

đơn vị kiến thức

 
Nhận biết Thông hiểu Vận dụng Tổng
TNKQ TL TNKQ TL TNKQ TL
1

 

Đọc hiểu

(05 câu)

 

Truyện thơ Nôm, thơ Đường Luật/ Tùy bút, truyện kí, tản văn 0 02 câu

10%

0 02 câu

20%

0 01 câu

10%

40%
2 Viết

(2 câu)

 

Nghị luận văn học

(viết đoạn văn)

0 5% 0 5% 0 10% 20%
Nghị luận xã hội

(Viết bài văn)

0 7,5% 0 10% 0 22,5% 40%
Tỉ lệ % 22,5% 35% 42,5% 100%

III – ĐỀ THI

ĐỀ KIỂM TRA, ĐÁNH GIÁ GIỮA HỌC KÌ II LỚP 11

NĂM HỌC 2023-2024

Môn thi: NGỮ VĂN

Thời gian làm bài: 120 phút

ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản dưới đây và thực hiện các yêu cầu ở dưới:

Mỗi lần nghe tiếng rao “Ai khúc đây” trong đêm thị xã Hà Đông vào những đêm mùa đông, tôi lại nhớ về cánh đồng rau khúc xưa của làng tôi. Nhà tôi ở trong một ngõ sâu của thị xã nên tĩnh lặng và vì thế tiếng rao trong đêm thường vọng lại rất rõ những cũng lại rất xa xôi như ở đường chân trời. Và cái xa xôi ấy luôn mang tôi, một người đàn ông đã luống tuổi, trở về cánh đồng làng mờ sương phủ đầy rau khúc.

             Thường thì vào cuối tháng Mười Một âm lịch, rau khúc đã bắt đầu nở lác đác trên cánh đồng. Nhưng phải sang tháng Giêng, tháng Hai rau khúc mới nở rộ. Đó là khoảng thời gian những làn mưa xuân ấm áp thường trở về cánh đồng lúc gần sáng. Hồi còn nhỏ, trong những đêm gần sáng như thế, không hiểu lí do gì mà tôi thường thức giấc. Bà nội kéo chiếc chăn chiên nhiều lỗ thủng ủ kín tôi và nói “Mưa ấm thế này, khúc lại nở trắng đồng”. Những lúc như thế, tôi nín thở dỏng tai nghe mưa nhưng chỉ thấy tiếng côn trùng rỉ rả. Và tôi lại nói với bà “cháu chẳng nghe thấy mưa gì cả”. Bà tôi khẽ khàng “Đang mưa đầy trời đấy”.

            Sau này lớn lên, tôi hiểu bà tôi nghe thấy tiếng mưa bởi một mối giao cảm đặc biệt của bà tôi với thiên nhiên trời đất. […]

            Cả cuộc đời bà tôi gắn liền với làng và cánh đồng cùng với cây cỏ, côn trùng với đói no, ấm lạnh, với khổ đau, hạnh phúc. Thế giới của bà tôi là ngôi nhà, cánh đồng và dòng sông chảy qua làng. Vì lẽ đó mà bà tôi có thể nghe được tiếng mưa xuân mỏng như hơi thở lúc gần sáng, nghe thấy tiếng cá quẫy vật đẻ tận đầm nước cuối làng trong những cơn mưa đầu tiên của mùa hạ, nghe được những hạt mầm tách vỏ trong lòng đất… Chỉ khi lớn lên ở tuổi mà tôi bắt đầu biết suy nghĩ về kiếp người thì tôi mới cảm nhận được tiếng của những cơn mưa bụi đầu tiên của mùa xuân. Nó đúng là hơi thở của trời đất. Mơ hồ, đằm sâu và nồng ấm… […].

            Mỗi mùa rau khúc, bà tôi chỉ đi hái rau khúc đôi ba lần để làm bánh. Nhiều lúc thèm bánh khúc, tôi lại hỏi bà sao không làm bánh khúc. Bà bảo: “Nhà mình chỉ còn mươi cân thóc nếp để dành đồ xôi, cúng giỗ. Làm hết bánh khúc lấy đâu gạo mà đồ xôi”.

            Những năm tháng đó, mỗi gia đình chỉ trồng một ít lúa nếp trên mảnh ruộng phần trăm của gia đình để dành cho công việc của gia đình trong năm và để tết nấu bánh chưng. Chính vì thế mà hồi đó đi thăm nhau, người ta thường gói vào khăn vuông cân gạo nếp. Đó thực sự là món quà quý giá. Và đó là lí do và tôi chỉ làm đôi ba lần bánh khúc mỗi mùa rau khúc nở.

            Bà tôi không bao giờ hái rau khúc vào buổi chiều. Rau khúc vào buổi sáng sớm khi sương vẫn còn đọng trên mặt ruộng là lúc rau khúc ủ nhiều hương nhất mà ngon nhất. Có lẽ vì vậy mà mỗi khi ngắt một ngọn rau khúc nhỏ lên, lấy hai ngón tay vò nhẹ thì mùi thơm ngậy của rau khúc dâng lên như mùi thơm của chõ khúc vừa đồ chín trong bếp. Mỗi khi dỡ những chiếc bánh khúc trong chõ ra, bà tôi lại xếp dăm cái ra đĩa lên để thắp hương trên ban thờ. Rồi bà tôi dỡ dăm cái bánh khúc nóng hổi cho vào một chiếc đĩa để chị tôi mang vào cuối làng biếu bà ngoại tôi. Chỉ sau khi làm xong hai việc đó, bà mới cho chúng tôi ăn bánh khúc. Tôi nâng chiếc bánh khúc lên như nâng một báu vật. Mùi thơm ngậy của rau khúc đồ chín, mùi của gạo nếp, mùi của nhân đậu xanh quyện với mùi hành mỡ tỏa ra và làm nên một thứ ẩm thực chứa hạnh phúc lạ lùng trong tâm khảm tôi. Không phải hạnh phúc của một kẻ đói khát được ăn. Một thứ hạnh phúc của ẩm thực nhưng thiêng liêng và da diết mơ hồ. […]

            Sau khi bà nội mất, mỗi lần bước vào căn bếp ủ đầy tro ấm, tôi thấy cái chõ bà tôi đồ bánh khúc mỗi năm vẫn đang nghi ngút tỏa hơi. Và hàng năm mỗi khi cơn mưa bụi đầu tiên của mùa xuân lộng lẫy bay về, tôi lại nghe tiếng rau khúc nở tươi tốt và trong đêm cho dù ở bất cứ nơi nào trên thế gian này. Và tôi vẫn nhận ra hương khúc nếp ngào ngạt của cả cánh đồng. Bà tôi mất đã gần nửa thế kỉ nhưng năm nào tôi cũng về quê vào mùa rau khúc nở. Vợ chồng tôi đi ra cánh đồng như thuở xưa hái những ngọn rau khúc. Buổi chiều trở lại thành phố, vợ tôi lại làm một chõ bánh khúc để mời bạn bè đến thưởng thức.

            Bây giờ, đêm đêm, người ta vẫn thi thoảng nghe tiếng rao “Ai khúc đây”. Nhiều người vẫn ăn bánh khúc. Nhưng không mấy người cầm chiếc bánh bọc một lớp vỏ xôi bên ngoài như cầm một báu vật trời đất ban cho. Với tôi, món quà chân quê ấy chứa đựng bao kí ức xa xôi và thổn thức. Bởi trong đó có cuộc đời của bà nội tôi, người bằng tình yêu thương vồ bờ bến với đứa cháu mình đã động đến trời đất để trời đất cho tôi ở lại đến bây giờ. Bởi trong món bánh ấy có những cơn mưa bụi đầu tiên của mùa xuân và có tiếng rau khúc nở trên cánh đồng những đêm gần sáng của Giêng Hai vang lên như một bản Thánh ca về đời sống giản dị, thiêng liêng và bất diệt này. Mỗi lần vợ tôi làm bánh khúc, tôi lại nói với các con tôi về làng tôi, về cánh đồng rộng lớn mờ sương buổi sáng Giêng Hai nở trắng rau khúc và về bà nội. Có thể cả phần đời còn lại của tôi kể từ khi bà nội tôi ra đi, tôi không thể chết nếu không còn ăn món bánh khúc nữa. Nhưng tôi không thể sống thiếu những nghi lễ giản dị nhưng thiêng liêng trong đời sống này […].

(Nguyễn Quang Thiều, trích “Mùi của kí ức”, NXB Trẻ, 2017, tr.11-20)

Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện.

Câu 2. Hình ảnh người bà trong văn bản gắn với kí ức nào của “Tôi”?

Câu 3. Phân tích hiệu quả nghệ thuật của phép tu từ liệt kê trong những câu văn “Cả cuộc đời bà tôi gắn liền với làng và cánh đồng cùng với cây cỏ, côn trùng với đói no, ấm lạnh, với khổ đau, hạnh phúc. Thế giới của bà tôi là ngôi nhà, cánh đồng và dòng sông chảy qua làng.”.

Câu 4. Nêu nội dung và điểm nhấn quan trọng trong câu chuyện được kể.

Câu 5. Anh/chị có đồng tình với ý kiến “không thể sống thiếu những nghi lễ giản dị nhưng thiêng liêng trong đời sống này” không? Vì sao?

  1. VIẾT (6.0 điểm)

Câu 1. Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ tâm trạng cảm xúc của cái tôi tác giả trong văn bản ở phần đọc hiểu.

Câu 2. Sự phát triển của Internet và các nền tảng mạng xã hội đã khiến không ít người băn khoăn giữa giá trị thực và giá trị ảo trong lối sống. Anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) trình bày suy nghĩ về giá trị thực và giá trị ảo đối với tuổi trẻ hôm nay.

ĐÁP ÁN

Câu hỏi Nội dung Điểm
  I. Đọc hiểu 4.0
Câu 1 Ngôi kể thức nhất, người kể chuyện xưng “tôi” 0.5
Câu 2 Hình ảnh người bà gắn với kí ức của “tôi” về cánh đồng rau khúc, món bánh khúc 0.5
Câu 3 – Hiệu quả nghệ thuật của phép tu từ liệt kê trong 2 câu văn cho thấy hình ảnh của người bà gắn liền với âm thanh, cảnh vật thân thuộc của không gian làng quê, với những buồn vui của cuộc đời con người. Bà và quê hương là điều quý giá trong kí ức của cháu.

– Tạo giọng điều bồi hồi xúc động của “tôi” khi nhớ về bà.

1.0
Câu 4 – Tóm lược câu chuyện được kể lại: Từ âm thanh của rao đêm “Ai khúc đây”, người cháu nhớ về kí ức tuổi thơ có bà với cánh đồng rau khúc với cơn mưa bụi mùa xuân, món bánh khúc bà làm. Người bà đã mất nhưng người cháu vẫn cùng vợ trở về với cánh đồng rau khúc, làm món bánh khúc và nhớ về bà cùng những kí ức xúc động

– Điểm nhấn quan trọng trong câu chuyện này là hình ảnh người bà. Hình ảnh của bà gắn liền với cánh đồng rau khúc, với cơn mưa mùa xuân, với món bánh khúc và nghi lễ bình dị mà thiêng liêng.

1.0
Câu 5 – HS có thể đồng tình hay không đồng tình với ý kiến và cần có lí giải hợp lí

– Tham khảo:

+ Đồng tình với ý kiến

+ Vì những nghi lễ là những hành động có tính chất trang trọng, thiêng liêng. Trong đời sống có những nghi lễ giản dị nhưng lại có vị trí trang trọng thể hiện nét đẹp trong lối sống, tình cảm và cách ứng xử của con người cần được coi trọng, gìn giữ và lan tỏa như biết ơn, thờ cúng tổ tiên; biết tri ân, chia sẻ….

1.0
  II. Viết  
Câu 1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) 2.0
  a. Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng của đoạn văn làm rõ tâm trạng cảm xúc của cái Tôi tác giả trong văn bản ở phần Đọc hiểu 0.25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: tâm trạng, cảm xúc của nhân vật tôi 0.25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận:

– Tâm trạng của tác giả: hồi tưởng về tuổi thơ, trong kí ức ấy có hình ảnh của bà nội, của cánh đồng rau khúc trong những cơn mưa xuân, có món bánh khúc dân dã và những nghi lễ giản dị mà thiêng liêng.

– Tình cảm của tác giả: Bồi hồi xúc động khi nhớ về bà, về làng quê, về những kỉ niệm với cánh đồng rau khúc, món bánh khúc.  Những kỉ niệm ấy giúp tác giả trân trọng nâng niu những giá trị tinh thần của gia đình và quê hương, những lễ nghi giản dị mà thiêng liêng sâu sắc

0.5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu:

– Lựa chọn các thao tác lập luận, các phương thức biểu đạt làm rõ vấn đề nghị luận

– Hệ thống luận điểm phù hợp

– Lập luận chặt chẽ, lí lẽ xác đáng thuyết phục, bằng chứng phù hợp

0.5
e. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả ngữ pháp Tiếng Việt 0.25
g. Sáng tạo: có những suy nghĩ sâu sắc hoặc kiến giải mới mẻ về vấn đề nghị luận 0.25
Câu 2 Viết bài văn nghị luận (600 chữ) 4.0
  a. Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội 0.25
  b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: giá trị thực và giá trị ảo đối với tuổi trẻ 0.5
  c. Đề xuất hệ thống ý phù hợp để làm sáng rõ những vấn đề của bài viết:

* Xác định các ý chính của bài viết

* Sắp xếp các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận

– Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm cá nhân về vấn đề

– Triển khai vấn đề nghị luận:

+ Thí sinh hiểu đúng về giá trị thực và giá trị ảo

Tham khảo: Giá trị ảo: là những giá trị không có thật, không bền vững, thường chỉ tồn tại tạm thời, phút chốc, thiên về biểu hiện bề ngoài, hình thức, không phản ánh đúng bản chất đối tượng; Giá trị thực: là những giá trị có thật trong cuộc sống, là những giá trị bền vững, tồn tại lâu bền, về những biểu hiện tinh thần, thể hiện bản chất, nội dung của đối tượng.

+ Thể hiện quan điểm của người viết: Nêu ra những ảnh hưởng tiêu cực, những hậu quả của lối sống chạy theo giá trị ảo (sùng bái vật chất, khao khát được nổi tiếng mà bất chấp thủ đoạn hay những hành động khiếm nhã….); Chỉ ra được những lợi ích của thái độ sống tôn trọng những giá trị bền vững, những giá trị thuộc vể phẩm chất, nhân cách, nét đẹp văn hóa, lan tỏa những giá trị tích cực

+ Mở rộng quan điểm, có sự đối thoại, phản biện với ý kiến trái chiều để có cái nhìn toàn diện

* Khẳng định quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

 

1.0
  d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu:

– Triển khai ít nhất 2 luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân

– Lựa chọn được thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để làm rõ quan điểm cá nhân về vấn đề nghị luận

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục; lí lẽ xác đáng, bằng chứng phù hợp; có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng

Lưu ý: Thí sinh có thể trình bày theo quan điểm riêng nhưng đảm bảo phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật

1.5
  e. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả ngữ pháp Tiếng Việt 0.25
  g. Sáng tạo: Thể hiện những suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt sáng tạo 0.5

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *