Đọc hiểu tôi là người duy nhất trở về gặp mẹ, NLXH về nghịch cảnh trong cuộc sống hằng ngày

Đề thi khối 11

ĐỀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ GIỮA KÌ II

MÔN NGỮ VĂN 11. NĂM HỌC 2023-2024

ĐỀ BÀI

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)
Đọc văn bản sau:

“TÔI LÀ NGƯỜI DUY NHẤT ĐƯỢC TRỞ VỀ GẶP MẸ”[1]

            Nina Yakovlevna Vichnevskaia, thượng sĩ nhất, cáng thương ở một tiểu đoàn xe tăng:

“… Ở mặt trận, chúng tôi có năm đứa: Liouba Yassinskaia, Choura Kisseleva, Tonia Bobkova, Zina Latych và tôi. Các cô gái Konakovo – lính xe tăng gọi chúng tôi như vậy. Tất cả các cô đều đã chết…

Hôm trước ngày Liouba Yassinskaia chết, chúng tôi có một lúc ngồi cùng nhau, cả hai ôm lấy nhau. Đêm đã xuống, chúng tôi trò chuyện. Ấy là vào năm 1943. Sư đoàn chúng tôi dừng lại trên bờ sông Dniepr. Đột nhiên cô ấy nói: “Cậu biết không, trận này mình sẽ chết.  Mình có một linh cảm. Mình đã đi gặp thượng sĩ, mình đề nghị ông cho mình lĩnh quần áo mới[2], nhưng ông ấy không cho: “Cô mới lĩnh chưa lâu mà”. “Sáng mai, hai đứa mình cùng trở lại xin ông ấy đi.” Tôi cố trấn an cô: “Cậu với tớ ra trận đã hai năm. Bây giờ đạn sợ chúng mình rồi.” Nhưng hôm sau cô đã thuyết phục được tôi trở lại chỗ ông thượng nghị sĩ cùng cô, và chúng tôi đã ép ông phát đầy đủ quần áo lót. Thế là cô ấy mặc sơ mi mới tinh. Trắng như tuyết, với những dây nhỏ chỗ này chỗ kia… Chiếc áo ấy ngập máu… Cuộc hôn phối giữa màu trắng và màu đỏ ấy, với máu đỏ rực, còn khắc sâu mãi trong ký ức tôi. Cô ấy đã tự hình dung mình như thế…

Chúng tôi bốn người đã mang cô trên một tấm bạt, vì cô bỗng thật nặng. Trong trận đánh này, chúng tôi mất nhiều người. Chúng tôi đào một hố chôn chung. Chúng tôi đặt tất cả những người chết của chúng tôi xuống đấy và đặt Liouba lên trên. Tôi không sao tin được là cô không còn nữa, rằng tôi sẽ không bao giờ gặp lại cô. […] Trong gia đình cô, người bố đã qua suốt cuộc chiến tranh và còn sống trở về. Anh trai cô cũng trở về. Những người đàn ông trở về… Và Liouba chết…

Choura Kisselva… Cô gái đẹp nhất trong số chúng tôi. Thật sự là một diễn viên điện ảnh. Cô bị thiêu sống. Cô giấu thương binh nặng giữa những bó rơm; khi súng máy bắt đầu nổ, rơm bốc cháy. Choura có thể chạy thoát, nhưng như vậy cô phải bỏ thương binh: không một người nào trong số họ có thể cử động… Thương binh bị thiêu cháy… Và Choura ở cùng với họ…

Mãi rất gần đây tôi mới biết Tonia Bobkova chết như thế nào. Cô ấy đã lấy thân mình che cho người yêu cô, khi một quả mìn nổ. Mảnh mìn bay, là chuyện một phần giây… Làm sao cô có đủ thời gian? Cô đã cứu trung uý Petia Boitchevski, người mà cô yêu. Và ông ấy còn sống…

Ba mươi năm sau, Petia Boitchevski đã đến Krasnodar và đã gặp tôi trong một cuộc họp cựu chiến binh. Ông đã kể lại cho tôi tất cả chuyện ấy. Chúng tôi cùng đi đến Borissov và tìm lại được khu rừng thưa nơi Tonia đã ngã xuống. Ông đã cầm lên một nắm đất trên mộ Tonia và hôn…

Chúng tôi gồm năm người, những cô gái Konakovo. Nhưng tôi là người duy nhất trở về bên mẹ…”

Thực hiện yêu cầu từ câu 1 đến câu 4 (trình bày ngắn gọn):

Câu 1. Văn bản là lời kể của ai? Được kể theo ngôi kể nào?

Câu 2. Trong văn bản, người kể đã kể lại cái chết của những ai?

Câu 3. Nêu tác dụng của việc sử dụng dấu chấm lửng (dấu ba chấm “…”) nhiều lần trong văn bản trên.

Câu 4. Câu nói: Chúng tôi gồm năm người, những cô gái Konakovo. Nhưng tôi là người duy nhất trở về bên mẹ… thể hiện nỗi niềm, tâm trạng gì của người kể chuyện? Điều đó gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì?

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm)

            Qua văn bản phần Đọc hiểu, anh/ chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 150 chữ) làm rõ những đặc trưng của thể loại truyện ký.

Câu 2. (4,0 điểm)

Viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về nghịch cảnh trong cuộc sống hằng ngày.

 HƯỚNG DẪN CHẤM

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
   

1

– Đoạn trích là lời kể của Nina Yakovlevna Vichnevskaia, thượng sĩ nhất, cáng thương ở một tiểu đoàn xe tăng, một nhân chứng của cuộc chiến.

– Ngôi kể: Người kể chuyện ngôi thứ nhất.

1,0

 

 

 

2

– Những cái chết được kể lại là của: Liouba Yassinskaia, Choura Kisseleva, Tonia Bobkova, những đồng đội của người kể chuyện. 1,0
 

3

Tác dụng của việc sử dụng nhiều lần sử dụng dấu chấm lửng (ba chấm) trong văn bản:

– Dấu chấm lửng (ba chấm) trong lời của người kể chuyện, là một nhân chứng chiến tranh, thể hiện những khoảng ngừng, khoảng ngắt, khoảng lặng giữa lời nói.

– Thể hiện rõ thái độ, tâm trạng của người kể xúc động, nghẹn ngào, đau buồn, thương cảm, xót xa.

– Tạo nhịp văn đứt đoạn, thể hiện chân thật lời kể và tâm trạng; giọng văn bi ai, thống thiết, trầm lắng; tạo khoảng trống khơi gợi cảm xúc, suy tư, sự đồng cảm cùa người đọc với người kể và câu chuyện kể.

 

1,0

 

 

4

Tâm trạng, nỗi niềm của người kể chuyện thể hiện qua câu nói: Chúng tôi gồm năm người, những cô gái Konakovo. Nhưng tôi là người duy nhất trở về bên mẹ… Nêu suy nghĩ của bản thân.

– Nêu một số tâm trạng, nỗi niềm của người kể chuyện thể hiện trong câu nói: Đau buồn, xót thương, tưởng nhớ đồng đội đã hy sinh; ám ảnh, day dứt về những mất mát, sự huỷ diệt của cuộc chiến; khao khát cuộc sống bình yên, đoàn tụ, hạnh phúc gia đình.

– Đưa ra suy nghĩ, nhận xét, quan điểm của bản thân về những nỗi niềm, tâm trạng của người kể chuyện một cách cụ thể, rõ ràng.

 

1,0

 

 

 

II    VIẾT 6,0
  1 Viết một đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ những đặc trưng của thể loại truyện ký. 2,0
  a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Thí sinh viết một đoạn văn với dung lượng khoảng 200 chữ, có thể trình bày theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hay song hành.

 

0,25

b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận

Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: đặc trưng của thể loại truyện ký qua văn bản ở phần Đọc hiểu.

 

0,25

c. Đề xuất hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận, dưới đây là một số gợi ý:

+ Người thật, việc thật được kể lại trong văn bản: người kể là một nhân chứng, các nhân vật, sự kiện gắn với thời gian, địa điểm, biến cố cụ thể.

+ Những sự sáng tạo, hư cấu của tác giả trong việc chọn điểm nhìn trần thuật, người kể ngôi thứ nhất, sắp xếp các sự việc, tổ chức lời văn nghệ thuật…

 

 

 

0,5

d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: Đặc trưng thể loại truyện ký qua đoạn văn bản Tôi là người duy nhất trở về gặp mẹ.

– Trình bày quan điểm và hệ thống các ý rõ ràng.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lý lẽ xác đáng; bằng chứng tiêu biểu, phù hợp; kết hợp nhuần nhuyễn giữa lý lẽ và bằng chứng.

 

 

0,5

đ. Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn.

 

0,25

e. Sáng tạo

Thí sinh có cách sáng tạo trên các phương diện hình thức, dùng từ, diễn đạt, những suy nghĩ, kiến giải sâu sắc,mới mẻ, độc đáo.

 

0,25

2 Viết bài văn nghị luận bày tỏ suy nghĩ của anh/chịvề nghịch cảnh trong cuộc sống hằng ngày. 4,0
  a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài

Xác định đúng yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội.

 

0,25

b. Xác định đúng vấn đề nghị luận

Con người không thể thay đổi những gì đã xảy ra, những sự thực khách quan mà chỉ có thể thay đổi cách nhìn, cách ứng xử với những điều đó, tức là phải thích ứng với hoàn cảnh sống, hiện thực khách quan.

 

0,5

c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

– Xác định được các ý chính của bải viết

– Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và suy nghĩ về nghịch cảnh trong cuộc sống hằng ngày

* Triển khai vấn đề nghị luận:

+ Giải thích khái niệm: Nghịch cảnh là hoàn cảnh không thuận lợi, không bình thường mà chứa đựng những éo le, ngang trái, khó khăn trong một lĩnh vực nào đó của cuộc sống con người.

+Thể hiện quan điểm của người viết có thể triển khai ý theo gợi ý sau: cuộc sống đói nghèo, thiên tai, chiến tranh, những tai họa bất ngờ…

– Sự chi phối của nghịch cảnh tới cuộc sống mỗi người: nghịch cảnh là điều hầu như không tránh khỏi trong cuộc sống, tùy theo thái độ của mỗi người mà nghịch cảnh có tác động tích cực  hoặc tiêu cực tới cuộc sống của họ.

++Nghịch cảnh có thể trở thành áp lực và dộng lực tôi luyện ý chí kiên cường của con người, giúp họ có sức mạnh, quyết tâm để có thể chiến thắng, đứng vững và phát triển cao hơn – và mỗi lần chiến thắng con người có thêm sức mạnh, trải nghiệm, có được sự tin tưởng và coi trọng từ những người xung quanh…

++ Với những người ngại gian khổ, ý chí bạc nhược, yếu đuối, thiếu tự tin và tự trọng thì nghịch cảnh  sẽ là bức tường ngăn họ với tới chiến thắng, họ sẽ chấp nhận thất bại và đầu hàng số phận, đổ lỗi cho hoàn cảnh thay vì đương đầu để vượt qua và chiến thắng nó.

– Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện vấn đề làm thế nào để chiến thắng nghịch cảnh:

++ Chấp nhận đương đầu và vượt qua nó.

++ Phát huy cao nhất sức mạnh nội lực của chính bản thân mình, không thụ động, ỷ lại hay cầu cứu sự giúp đỡ từ bên ngoài, sáng suốt bản lĩnh để  chấp nhận đương đầu với khó khăn.

++Phát huy cao nhất sức mạnh nội lực của chính bản thân mình, không thụ động ý lại hay cầu cứu sự giúp đỡ từ bên ngoài, sáng suốt, bản lĩnh để chấp nhận đương đầu với khó khăn.

++ Không nên cao ngạo khước từ sự giúp đỡ chân thành của người thân và bạn bè trên con đường vượt qua khó khăn của nghịch cảnh.

++Không mãn nguyện dừng lại sau mỗi lần chiến thắng, luôn nhớ: khó khăn, nghịch cảnh vẫn thường đồng hành với cuộc sống con người.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được đầy đủ các luận điểm để làm rõ quan điểm cá nhân của mình.

– Lựa chọn các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận theo một mạch thống nhất.

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lý lẽ xác đáng, bằng chứng cụ thể, tiêu biểu, phù hợp; kết hợp hài hoà, chặt chẽ giữa lý lẽ và bằng chứng.

Lưu ý:Học sinh có thể trình bày quan điểm riêng, suy nghĩ của cá nhân, nêu lên những phản đề nhưng cần phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

 

 

1,5

đ. Diễn đạt

Đảm bảo viết đúng chính tả, dùng từ ngữ pháp, các câu tiếng Việt và liên kết chặt chẽ.

 

0,25

e. Sáng tạo

– Thể hiện suy nghĩa riêng, sâu sắc về vấn đề nghị luận; hình thức bài viết độc đáo, có cách diễn đạt mới mẻ, sinh động, hấp dẫn.

 

0,5

TỔNG ĐIỂM: 10,0 ĐIỂM

[1] Svetlana Alexievich, Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ, Nguyên Ngọc dịch, NXB Hà Nội, 2016, tr.138-140.

[2] Theo truyền thống Nga, người sắp chết phải được mặc quần áo mới, ít nhất, cũng là áo quần sạch sẽ. (NDF). Chú thích trong sách đã dẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *