Đề đọc hiểu Dư vị mùa hè Lữ Thị Mai

Đề thi khối 11
   KIỂM TRA TẬP TRUNG GIỮA KÌ II, NĂM HỌC 2023- 2024

MÔN: NGỮ VĂN, KHỐI 11

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

(Đề thi gồm có 02 trang)

I.ĐỌC HIỂU (5 điểm) Đọc văn bản:

DƯ VỊ MÙA HÈ

-Lữ Thị Mai-

      (1) Thoáng chốc, phố phường đã lại đón thêm một mùa hoa sấu li ti lấm tấm xôn xao rắc kín vỉa hè. Kể cũng lạ, loài cây ấy lúc xanh thì xanh đến tận cùng, khi trút lá vàng thì ráo riết như chẳng có gì phải tiếc thương, ấy vậy mà mỗi mùa hoa lại đến thật dịu dàng, lặng lẽ.

       […….]

       (2)Có lẽ, Hà Nội là chốn đô thành hội tụ được nhiều sắc hoa từ mọi miền Tổ quốc, mỗi sắc hoa đặc trưng cho một vùng miền: Phượng đỏ chói chang từ thành phố cảng Hải Phòng, hoa ban Tây Bắc điệu đà xuống phố, phong lan rừng hoang hoải kiêu sa… nhưng sự hiện diện của những con đường dọc hai bên trồng sấu bao năm qua đã níu giữ được nhiều nhớ nhung mỗi khi ai đó rời xa Hà Nội.

       (3)Mùa này, trong giây phút yên ắng hiếm hoi của phố phường lúc đêm về, cạnh con đường mướt mát sấu xanh, chỉ cần đưa tay đẩy nhẹ cánh cửa sổ, ta sẽ được chứng kiến một cảnh tượng rất đỗi thanh tao của Hà thành trầm lắng: hoa sấu rụng rơi như mưa, từng đợt vô ưu trải đầy mặt đất. Có lẽ, vì mùa sấu đến và đi thầm lặng nên phút thăng hoa cho vẻ đẹp ấy cũng kín kẽ đến nao lòng.

       (4)Ai biết được, vòm xanh rười rượi kia đã chở che cho bao thế hệ người Hà Nội. Nơi những đứa trẻ ngày xưa lớn khôn, khoác lên vai kỉ niệm mang màu lá xanh lá úa, ngập ngừng trao cho nhau chùm hoa bé dại xâu vòng rồi đến khi cùng rủ nhau trốn cha mẹ leo trèo hái những quả sấu lớn dần theo năm tháng… Đã có bao người ở lại? Có bao người ra đi? Có bao nhiêu mùa sấu đã vĩnh viễn nằm trọn trong ngăn hoài niệm cũ càng. Chỉ biết, sau những mùa đơm hoa kết trái ấy, kí ức Hà Nội đã kịp hằn lên những thân phận người, chạm trổ vào thân cây thêm nhiều vết xù xì tuổi tác.

       (5)Dưới trưa hè nhấp nhoáng, chói chang, từng chùm sấu sai trĩu quả lấp ló như món quà giản dị dành tặng cho phố phường bằng những ngụm nước sấu ngâm để lại dư vị chua chua, dịu mát nơi đầu lưỡi xua tan đi sự mệt mỏi, căng thẳng của bao người. Người ta gọi đó chính là hương vị của mùa hè, vừa có chút gì xốn xang gay gắt, vừa lắng đọng trong thẳm sâu sự thoáng đãng, mát lành.

(Trích Hà Nội không vội được đâu, trang 59, NXB Văn học)

Thực hiện các yêu cầu:

  1. Chỉ ra các từ láy có trong đoạn (1).
  2. Trong đoạn (5), món quà mà cây sấu dành tặng cho phố phường Hà Nội là gì?
  3. Theo văn bản, Hà Nội hội tụ được nhiều sắc hoa trên cả nước, đó là những loại hoa nào?
  4. Chỉ ra và nêu hiệu quả của biện pháp tu từ có trong câu văn: Ai biết được, vòm xanh rười rượi kia đã chở che cho bao thế hệ người Hà Nội.
  5. Suy nghĩ của anh/ chị về hình ảnh cây sấu qua câu: Kể cũng lạ, loài cây ấy lúc xanh thì xanh đến tận cùng, khi trút lá vàng thì ráo riết như chẳng có gì phải tiếc thương, ấy vậy mà mỗi mùa hoa lại đến thật dịu dàng, lặng lẽ.
  6. Anh/ chị hãy nêu chủ đề của văn bản.
  7. Nhận xét hình ảnh cây sấu và tình cảm của tác giả trong văn bản trên.
  8. Từ văn bản trên, anh/ chị có suy nghĩ gì về ý nghĩa của cây xanh trong đời sống chúng ta. (viết từ 3 đến 5 dòng)
  9. PHẦN VIẾT (5 điểm)

Anh/chị hãy viết bài văn thuyết minh về hiện tượng vi phạm an toàn giao thông ở lứa tuổi học đường hiện nay.

—Hết–

 KIỂM TRA TẬP TRUNG GIỮA KÌ II, NĂM HỌC 2023- 2024

MÔN: NGỮ VĂN, KHỐI 11

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

    HƯỚNG DẪN CHẤM

 

Phần Câu Nội dung Điểm  
I Đọc hiểu 5.0  
1 Câu 1. Các từ láy: li ti, lấm tấm, xôn xao, ráo riết, dịu dàng, lặng lẽ.

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời đúng từ 4 đến 6 từ được: 0.5 điểm.

+ Học sinh trả lời đúng từ 1 đến 3 từ được 0,25 điểm.

+ Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm

0.5  
2 Câu 2: Món quà mà cây sấu dành tặng cho phố phường Hà Nội là: Ngụm nước sấu ngâm để lại dư vị chua chua, dịu mát.

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0.5 điểm.

+ Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm

0.5  
3 Câu 3. Hà Nội hội tụ những loại hoa: Phượng đỏ, hoa ban Tây Bắc, phong lan rừng

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0.5 điểm.

+ Học sinh trả lời đúng từ 1 đến 2 loại được 0,25 điểm.

+ Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm

0.5  
4 Câu 4:

– Biện pháp tu từ nhân hoá: chở che.

– Tác dụng:

+ Giúp cho câu văn thêm sinh động, gợi hình gợi cảm.

+ Thể hiện sự gần gũi, thân thiết, gắn bó của cây sấu với đời sống con người.

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời đúng biện pháp tu từ, chỉ ra từ: 0,5 điểm.

+ Nêu tác dụng mỗi ý được: 0.25 điểm (2 ý  được 0,5 điểm)

+ Trả lời sai hoặc không trả lời:0 điểm

( Chấp nhận diễn đạt tương đồng)

1.0  
5 Câu 5.

-Vẻ đẹp kì diệu và sự thay đổi của cây sấu qua các mùa trong năm.

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án : 05 điểm

+ Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0 điểm

( Chấp nhận diễn đạt tương đồng)

0.5  
6 Câu 6. Chủ đề văn bản: Ca ngợi vẻ đẹp và sự gắn bó của thiên nhiên với con người

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0.5 điểm.

+ Câu trả lời sai hoặc không trả lời: 0 điểm.

( Chấp nhận diễn đạt tương đồng.)

0.5  
7 Câu 7. Nhận xét:

– Hình ảnh cây sấu: đẹp, gần gũi, thân thiết, đem lại lợi ích cho con người.

– Tình cảm của tác giả: yêu mến, biết ơn, cảm xúc chân thực khi nói đến cây sấu.

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời đúng như đáp án: 1.0 điểm.

+Nêu đúng được ý về hình ảnh cây sấu: 0.5 điểm, 1 ý 0.25 điểm.

+ Nêu đúng được ý về tình cảm của tác giả: 0.5 điểm, 1 ý 0.25 điểm.

+ Trả lời sai hoặc không trả lời: 0 điểm

( Chấp nhận diễn đạt tương đồng.)

1.0  
8 Câu 8. Học sinh nêu suy nghĩ về ý nghĩa của cây xanh:

Gợi ý:

– Cây xanh có tác dụng to lớn trong đời sống: Bảo vệ môi trường, tạo bóng mát, giúp tâm hồn con người thêm tươi đẹp …

– Chúng ta phải biết giữ gìn và bảo vệ cây xanh để cùng tạo ra cảnh quan xanh- sạch- đẹp.

Hướng dẫn chấm:

+ Học sinh trả lời như đáp án: 0.5 điểm.

+ Học sinh trả lời 1 ý: 0.25 điểm.

+ Câu trả lời sai hoặc không trả lời: 0 điểm.

( Chấp nhận diễn đạt tương đồng.)

0.5  
II PHẦN VIẾT 5.0  
Anh/chị hãy viết bài văn thuyết minh về hiện tượng vi phạm an toàn giao thông ở lứa tuổi học đường hiện nay.  
a Đảm bảo cấu trúc bài văn thuyết minh

Mở bài nêu được vấn đề, thân bài triển khai được vấn đề, kết bài khái quát được vấn đề

0.5  
b Xác định đúng vấn đề cần thuyết minh: hiện tượng vi phạm an toàn giao thông của học sinh hiện nay.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần thuyết minh: 0,5 điểm.

– Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần thuyết minh: 0,0 điểm.

0.5  
c Triển khai vấn đề

Vận dụng các kĩ năng dùng từ, viết câu, các phép liên kết, các phương thức biểu đạt, các thao tác lập luận để triển khai, bàn luận vấn đề.

3.0  
* Giới thiệu hiện tượng xã hội cần thuyết minh:

Vi phạm an toàn giao thông chính là không đảm bảo cho người tham gia giao thông (như đường không, đường sắt, đường bộ, đường thủy…đặc biệt là đường bộ) về tính mạng và phương tiện của mình.

* Thực trạng cần thuyết minh:

– Vi phạm an toàn giao thông là các hành vi trái luật giao thông, làm mất trật tự an toàn giao thông và xâm hại đến các quan hệ xã hội mà pháp luật bảo vệ.

– Hằng năm, số người tham gia giao thông ngày càng nhiều và số người bị thương, bị chết do tai nạn giao thông cũng tăng cao.

* Thuyết minh về nguyên nhân:

– Ý thức tham gia giao thông của học sinh chưa cao: bất chấp các luật lệ, chưa có bằng lái xe, phóng nhanh vượt ẩu, đi dàng hàng … nên mới xảy ra những vụ tai nạn thương tâm, đáng tiếc.

– Công trình giao thông chưa an toàn, xuống cấp, chưa đồng bộ: đường nhiều ổ voi ổ gà, sửa đường, đào đường không có biển báo… đôi khi còn thiếu sự sát sao của phụ huynh, cơ quan quản lí các cấp

– Thiếu an toàn giao thông xuất phát từ sự vô trách nhiệm, vô cảm, coi thường tính mạng chính mình và người khác.

* Thuyết minh về hệ quả:

– Tai nạn giao thông cướp đi sinh mạng con người và của cải vật chất. Người thân của các nạn nhân xấu số phải chịu những tổn thương lâu dài.

– Tổn hại đến nền kinh tế, mất trật tự xã hội, lòng dân lo lắng bất an và kìm hãm sự phát triển của đất nước.

* Thuyết minh về giải pháp:

– Nâng cao ý thức khi tham gia giao thông: Nghiêm chỉnh chấp hành luật giao thông, đi đúng làn đường, tốc độ, không được uống rượu bia khi tham gia giao thông, …

– Nhà trường, đoàn thanh niên cần tổ chức các hoạt động tuyên truyền, hướng dẫn học sinh tham gia giao thông đúng luật.

– Các cấp chính quyền có liên quan, đặc biệt là các lực lượng cảnh sát giao thông phải liên tục tuần tra, kiểm soát, xử lý để răn đe.

* Rút ra ý nghĩa của việc thuyết minh:

– An toàn giao thông đem lại sự bình yên cho xã hội và hạnh phúc của mọi nhà.

– Là một học sinh, an toàn giao thông chính là cách để bạn đóng góp cho xã hội.

Hướng dẫn chấm:

– Thuyết minh đầy đủ, sâu sắc, dẫn chứng phù hợp, thuyết phục: 3.0 điểm.

– Thuyết minh chưa đầy đủ hoặc chưa sâu, thiếu dẫn chứng: 1,5 điểm – 2,5 điểm.

– Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 1,5 điểm.      

   
d Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm:

+Học sinh không mắc lỗi chính tả, ngữ pháp: 0.5

+ Học sinh mắc một vài lỗi chính tả, ngữ pháp: 0.25

+ Không cho điểm nếu bài làm mắc quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0.5  
e Sáng tạo

Bài viết có giọng điệu riêng, cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy.

Hướng dẫn chấm:

Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

– Không đáp ứng được yêu cầu: 0 điểm

0.5  
Tổng điểm 10.00  

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *