Đề đọc hiểu và phân tích nhân vật Tâm trong đoạn trích Trở về của Thạch Lam

Đề thi khối 11

 

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA KÌ II

Năm học 2023 – 2024

Môn: Ngữ văn lớp 11

Thời gian làm bài: 90 phút, không kể thời gian phát đề

 

ĐỌC HIỂU (6,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau:

 (Lược phần đầu: Mùa hè năm nay, Tâm và vợ chàng về nghỉ mát tại nhà một người bạn vùng thôn quê. Chàng có dịp về thăm nhà cũng ở gần đó. Tâm không đem theo vợ về mà để vợ ở trong phòng mát mẻ của hàng cơm. Tâm về một mình độ một giờ.)

Có đến năm, sáu năm nay, Tâm không về thăm quê nhà. Trong thời gian ấy, ở Hà Nội, Tâm gắng sức làm việc để giành một cái địa vị trong xã hội. Chàng lấy vợ, con một nhà giàu có, cũng không cho mẹ biết. Thỉnh thoảng chàng nhận ở nhà quê gửi ra một bức thư mà chữ viết non nớt nguệch ngoạc và lời lẽ quê kệch. Tâm chỉ đọc thoáng qua rồi không để ý đến. Sống trong hoàn cảnh giàu sang, chắc chắn, Tâm không bao giờ nghĩ đến quê nhà nữa. Hoặc có nghĩ đến, chỉ để lại tự chế giễu mình. Khi còn nhỏ, đã cho cái đời ở thôn quê là giản dị và sung sướng. Chàng mơ màng yêu một cô thôn nữ, và ước mong cùng nhau sống trong cảnh thanh bình dưới một túp lều tranh. Cái mộng ấy, bây giờ làm chàng khi nghĩ đến mỉm cười.

          Không còn một cái liên lạc gì ràng buộc Tâm với thôn quê nữa. Những người họ hàng ở làng chỉ làm chàng sinh ghét, vì những sự đi lại nhờ vả lôi thôi. Còn đối với mẹ chàng, Tâm tin rằng đã làm đủ bổn phận khi mỗi tháng gửi về giúp bà cụ một số tiền. Chàng lại càng tin như vậy lắm, khi nghĩ đến những cái khó khăn chàng phải vượt qua để có số tiền ấy. Bao nhiêu sự dối trá chàng phải cần đến để giấu không cho vợ biết!

          Tuy vậy, khi đến gần đầu làng, Tâm trong lòng cũng thấy cảm động. Hai bên cánh đồng lúa xanh gió đưa như nổi sóng. Trên đường rải đá, mặt đất khô rắn lại và nứt nẻ nhiều chỗ. Tâm nhớ lại cái đất ấy đã làm đau đớn bàn chân non nớt của chàng khi còn nhỏ ngày ngày cắp sách đi học.

          Một cái cảm giác mát lạnh bỗng trùm lên hai vai: Tâm ngẩng đầu lên nhìn; chàng vừa đi vào dưới vòm lá tre xanh trong ngõ. Mấy đứa trẻ nhà quê trần truồng và đen xạm đương chơi khăng ở vệ đường. Khi thấy chàng đi qua, chúng đưa những cặp mắt bẩn thỉu nhấp nháy nhìn, và chùi tay giây bùn vào bắp chân. Nghĩ đến thủa nhỏ, chàng cũng chỉ là một đứa bẩn thỉu như những đứa trẻ này, Tâm tự phụ vì mình bây giờ đã vượt hẳn được cái bậc nghèo hèn ấy.

          Khi vừa đến sân nhà, Tâm thấy bốn bề yên lặng, không có bóng người. Cái nhà cũ vẫn như trước, không thay đổi, chỉ có xụp thấp hơn một chút và mái tranh xơ xác hơn. Tâm bước qua sân rồi đẩy cái liếp bước vào. Vẫn cái gian nhà mà chàng đã sống từ thuở nhỏ. Tâm cất tiếng gọi. Chàng nghe thấy tiếng guốc đi, vẫn cái tiếng guốc ấy thong thả và chậm hơn trước, rồi mẹ Tâm bước vào. Bà cụ già đi nhiều; nhưng vẫn mặc cái bộ áo cũ kĩ như mấy năm về trước. Khi nhận ra con, bà cụ ứa nước mắt:

          – Con đã về đấy ư?

          – Vâng, chính tôi đây; bà vẫn được khoẻ mạnh đấy chứ?

          Câu nói như khó khăn mới ra khỏi miệng được.

          – Bà ở đây có một mình thôi à?

          Bà cụ cảm động đến nỗi không nói được.

          Một lát bà mới ấp úng:

          – Vẫn có con Trinh nó ở đây với tôi.

          – Cô Trinh nào? Có phải cô Trinh con bác cả không?

          Tâm nhớ mang máng cái cô con gái bé nhỏ ngày trước vẫn hay chơi với chàng….

          Tâm lơ đãng nghe lời mẹ kể về những công việc và cách làm ăn ngày một khó khăn ở làng. Chàng dửng dưng không để ý đến. Con bác cả Sinh lấy vợ, hay chú bác ta chết thì có quan hệ gì đến chàng? Cái đời ở thôn quê với cái đời chàng, chắc chắn, giàu sang, không có liên lạc gì với nhau cả.

          Câu chuyện nhạt dần. Những câu hỏi và sự săn sóc của bà cụ về công việc của chàng chỉ làm cho Tâm khó chịu. Chàng trả lời qua loa lấy lệ.

Nghĩ đến vợ đợi, Tâm vội vàng đứng dậy. bà cụ nhìn theo khẩn khoản:

          – Cậu hãy ở đây ăn cơm đã. Đến chiều hãy ra.

          – Thôi, bà để tôi về. Độ này bận công việc lắm.

          Tâm lại an ủi:

          – Nhưng thế nào có dịp tôi cũng về.

          Rồi Tâm mở ví lấy ra bốn tấm giấy bạc năm đồng đưa cho mẹ. Tâm hơi kiêu ngạo, trước mặt cô Trinh, chàng nói:

          – Đúng hai chục: bà cầm lấy mà tiêu, có thiếu, tôi lại gửi về cho.

          Bà cụ run tay đỡ gói giấy bạc, rơm rớm nước mắt.

          Tâm làm như không thấy gì, vội vàng bước ra:

          – Thôi, bà ở lại. Chào cô Trinh nhé. Bảo tôi có nhời hỏi thăm tất cả họ hàng.

          Ra đến ngoài, Tâm nhẹ hẳn mình. Chàng tự cho đã làm xong bổn phận. Khi Tâm bước vào hàng cơm, vợ chàng vui mừng lộ ra nét mặt, vì không ngờ chàng về chóng thế. Trời hãy còn sớm. Hai vợ chồng rủ nhau đi ngắm cảnh đợi đến chiều mát sẽ đi ôtô về hứng gió.

(Trích Trở về, Thạch Lam – Những tác phẩm tiêu biểu,

Nhà xuất bản Giáo dục tr.54-57)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1. Truyện ngắn Trở về sử dụng ngôi kể thứ mấy?

Câu 2. Liệt kê các chi tiết miêu tả ngôi nhà và ngoại hình mẹ Tâm khi anh về thăm.

Câu 3. Chỉ ra sự kết nối giữa lời người kể chuyện với lời nhân vật trong đoạn đối thoại giữa nhân vật Tâm và người mẹ.

Câu 4. Hãy nêu chủ đề của đoạn trích trên.

Câu 5. Thái độ của nhân vật Tâm khi gặp lại mẹ sau năm, sáu năm xa cách góp phần thể hiện tính cách gì của nhân vật?

Câu 6. Phân tích thái độ và tư tưởng của nhà văn Thạch Lam trong truyện ngắn Trở về.

Câu 7. Anh/chị có đồng tình với những người có lối sống như nhân vật Tâm không? Vì sao?

Câu 8. Từ đoạn trích trên, anh/chị hãy đánh giá về vai trò của gia đình trong bước đường trưởng thành của mỗi con người.

VIẾT (4,0 điểm)

Anh/chị hãy phân tích nhân vật Tâm trong đoạn trích Trở về (được dẫn ở phần Đọc hiểu) của nhà văn Thạch Lam.

SỞ GD&ĐT HẢI DƯƠNG

TRƯỜNG THPT CHU VĂN AN

KIỂM TRA GIỮA KÌ II NĂM HỌC 2023 – 2024

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

Môn: Ngữ văn, lớp 11

(Đáp án và Hướng dẫn chấm gồm 03 trang)

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 6,0
  1 Ngôi kể thứ ba 0.5
2 Các chi tiết miêu tả ngôi nhà và ngoại hình mẹ Tâm khi anh về thăm:

– Cái nhà cũ vẫn như trước, xụp thấp hơn một chút và mái tranh xơ xác hơn.

– Mẹ Tâm già đi nhiều; nhưng vẫn đi đôi guốc và mặc cái bộ áo cũ kĩ như mấy năm về trước.

0.5
3 –  Sự kết nối giữa lời người kể chuyện với lời nhân vật bà mẹ và nhân vật Tâm:

+ Lời người kể chuyện: Khi nhận ra con, bà cụ ứa nước mắt;           Câu nói như khó khăn mới ra khỏi miệng được; Bà cụ cảm động đến nỗi không nói được; Một lát bà mới ấp úng…

+ Lời nhân vật Tâm: Vâng, chính tôi đây; bà vẫn được khoẻ mạnh đấy chứ? Cô Trinh nào? Có phải cô Trinh con bác cả không?…

+ Lời nhân vật người mẹ: Con đã về đấy ư? Vẫn có con Trinh nó ở đây với tôi…

0.5
4 Đoạn trích phê phán sự vô ơn, bạc bẽo, bất hiếu của nhân vật Tâm và những người chỉ biết chạy theo sự cám dỗ của lối sống tôn sùng vật chất mà quên đi tình cảm gia đình và tình nghĩa với quê hương. 1.0
5 – Thái độ của nhân vật Tâm khi gặp lại mẹ sau năm, sáu năm xa cách: thờ ơ, dửng dưng, khó chịu.

– Tính cách của nhân vật Tâm:

+ Là một đứa con bạc bẽo, bất hiếu với chính mẹ ruột của mình.

+ Là người vô tình vô nghĩa, sẵn sàng quay lưng lại với chính những người đã từng gắn bó với mình.

+ Là kẻ ích kỉ chỉ nghĩ đến bản thân, quá coi trọng vật chất.

1.0
6 Thái độ và tư tưởng của nhà văn Thạch Lam trong truyện ngắn Trở về:

– Phê phán sự vô ơn, bạc bẽo, bất hiếu của nhân vật tâm

– Cảnh tỉnh mọi người về sự cám dỗ của vật chất có thể khiến con người đánh mất bản thân, đánh mất đi những giá trị thiêng liêng (quê hương, gia đình).

1.0
7 – HS bày tỏ quan điểm cá nhân: Đồng tình/ không đồng tình với những người có lối sống như nhân vật Tâm.

– Đưa ra lý giải hợp lý, không vi phạm chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

+ Nếu đồng tình với những người có lối sống như Tâm thì lí giải theo hướng: Sự phát triển của nền kinh tế thị trường, khiến nhiều người coi trọng danh lợi, tiền tài, vật chất hơn tình nghĩa. Họ đặt danh lợi trên cả tình thân; không vượt qua được sự cám dỗ của danh lợi, tiền tài; mải chạy theo danh vọng, hạnh phúc cá nhân mà quên đi cội nguồn; bị chi phối, tác động bởi mặt trái của xã hội …

+ Nếu không đồng tình với những người có lối sống như Tâm thì lí giải theo hướng: Bên cạnh một bộ phận nhỏ những con người chạy theo danh lợi, tiền tài, vật chất vẫn còn rất nhiều người coi trọng gia đình, quê hương, luôn đề cao lòng hiếu thảo, tình yêu thương. Họ không bị danh lợi, tiền tài cám dỗ mà luôn biết được đâu là giá trị sống cao đẹp của cuộc đời.

1.0
8 – Khẳng định được vai trò quan trọng của gia đình trong bước đường trưởng thành của mỗi người.

– Nêu rõ vai trò của gia đình: Là nơi ta được sinh ra, nuôi dưỡng ta khôn lớn, dạy ta cách yêu thương, san sẻ và giúp đỡ mọi người, là nơi ta được động viên, khích lệ,…

0.5
II   VIẾT 4,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài nghị luận văn học 0,25
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Phân tích nhân vật Tâm trong đoạn trích Trở về của Thạch Lam.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Thí sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần giới thiệu được vấn đề cần bàn luận, hệ thống luận điểm chặt chẽ, lập luận thuyết phục, sử dụng dẫn chứng hợp lí.

Sau đây là một số gợi ý:

1. Mở bài

– Giới thiệu nhà văn Thạch Lam và đoạn trích Trở về.

– Nêu vấn đề nghị luận: Giới thiệu hình tượng nhân vật Tâm.

2. Thân bài

– Tóm tắt đoạn trích, giải thích nhan đề, khái quát hình tượng nhân vật Tâm.

– Phân tích, đánh giá nhân vật Tâm.

+ Xuất thân: thôn quê, được mẹ nuôi ăn học, làm việc trên Hà Nội, lấy vợ con nhà giàu ở Hà Nội không cho mẹ biết.

+ Tính cách, phẩm chất, con người Tâm được bộc lộ qua chuyến về quê thăm mẹ:

++ Thời gian: 5-6 năm nay mới về quê thăm mẹ; về nhanh, đi nhanh.

++ Tâm thế: miễn cưỡng, làm cho xong trách nhiệm; không thiết tha với quê hương, thấy phiền hà trước sự nhờ vả của mọi người,…

++ Cho rằng mỗi tháng gửi về cho mẹ một số tiền là xong trách nhiệm.

++ Lời nói với mẹ khi gặp mẹ: khách sáo, khoảng cách, qua loa, như một vị khách đến chơi nhà,… trái hẳn với người mẹ vô cùng xúc động khi được gặp lại đứa con của mình,….

++ Kiêu căng, tự phụ trước mọi người – Trinh.

-> Tâm là người đã bị cuộc sống giàu sang nơi phố thị cuốn hút và thay đổi: chối bỏ nguồn cội, tình nghĩa với mẹ cứ mờ nhạt dần, đáng trách.

– Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật Tâm.

+ Cốt truyện nhẹ nhàng nhưng thấm thía.

+ Lối kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn.

+ Chọn điểm nhìn từ nhân vật Tâm -> đi sâu vào nội tâm nhân vật -> con người nhân vật.

+ Giọng trần thuật của tác giả hòa cùng dòng độc thoại nội tâm nhân vật tạo nên thứ ngôn ngữ nửa trực tiếp rất hấp dẫn.

+ Ngôn ngữ: giản dị, mang giá trị biểu cảm,….

– Đánh giá chung:

+ Khái quát nội dung: Qua sự trở về của Tâm, nhà văn như nhắc nhở, cảnh tỉnh mọi người về sự cám dỗ của cuộc sống, về việc con người ta có thể đánh mất đi chính bản thân mình, đánh mất đi những giá trị thiêng liêng: quê hương, gia đình,…

+ Khái quát nghệ thuật đặc sắc của đoạn trích và khẳng định tài năng viết truyện của Thạch Lam.

3. Kết bài. Cảm xúc, suy nghĩ của bản thân về đoạn trích Trở về.

2.5
  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

0,25
  e. Sáng tạo: Bài viết có giọng điệu riêng; cách diễn đạt sáng tạo, văn phong trôi chảy. 0,5
Tổng điểm 10.0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *