Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi môn văn lớp 11. đề 6

Đề thi khối 11

 

TRẠI HÈ HÙNG VƯƠNG LẦN THỨ XII             ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN

    TRƯỜNG THPT CHUYÊN CHU VĂN AN

               TỈNH LẠNG SƠN                                                         LỚP 11

                     ĐỀ THI ĐÈ XUẤT                               (Đề này có … trang, gồm … câu)

Câu 1 (8 điểm)

Khi các vị sư bắt đầu đặt chân tới một vùng đất mới, họ phải tự xây dựng tất cả mọi thứ. Họ mua đất, gạch, dụng cụ và bắt tay vào làm việc. Một chú tiểu được giao xây bức tường với 1000 viên gạch.

Chú tiểu rất tập trung vào công việc, luôn kiểm tra xem viên gạch đã thẳng hay chưa, hàng gạch có ngay ngắn không. Công việc tiến triển khá chậm vì chú làm rất kỹ lưỡng. Tuy nhiên, chú không lấy đó làm phiền lòng bởi vì chú biết mình sắp sửa xây một bức tường tuyệt đẹp đầu tiên trong đời. Cuối cùng, chú cũng hoàn thành công việc vào lúc hoàng hôn buông xuống.

Khi đứng lui ra xa để ngắm lại thành quả công trình lao động của mình, chú bỗng cảm thấy vô cùng thất vọng. Mặc dù chú tiểu đã rất cẩn thận khi xây bức tường, song vẫn có hai viên gạch bị đặt nghiêng. Và điều tồi tệ nhất là hai viên gạch đó nằm ngay chính giữa bức tường, chúng như đôi mắt đang trừng trừng nhìn chú.

Kể từ đó, mỗi khi du khách đến thăm ngôi đền, chú tiểu đều dẫn họ đi khắp nơi, trừ chỗ bức tường mà mình xây dựng.

Một hôm, có hai  nhà sư già đến tham quan ngôi đền. Chú tiểu đã cố đưa họ sang hướng khác nhưng hai người vẫn nằng nặc đòi đến khu vực có bức tường mà chú xây dựng.

Một trong hai vị sư khi đứng trước công trình ấy đã thốt lên: “Ôi, bức tường gạch mới đẹp làm sao!”.

Chú tiểu ngạc nhiên kêu lên: “Ngài nói thật chứ? Ngài không thấy hai viên gạch xấu xí ngay ở giữa bức tường kia ư?” 

“Có chứ, nhưng ta cũng thấy 998 viên gạch còn lại đã ghép thành một bức tường tuyệt đẹp thế nào!”, vị sư già từ tốn trả lời.”

Câu chuyện trên gợi cho anh/chị những suy nghĩ gì trong cuộc sống?

 

Câu 2 (12 điểm)

Đánh giá về bài thơ “Tràng giang” của Huy Cận có ý kiến cho rằng: “Tràng giang” đã nối tiếp mạch thi cảm truyền thống với sự cách tân đích thực.

Anh/ chị hãy làm rõ “sự cách tân đích thực” của Huy Cận trong bài thơ này…

…………………HẾT…………………

                                                                                                              Người ra đề:  Vi Thị Mai Hương

HƯỚNG DẪN CHẤM

MÔN: NGỮ VĂN  LỚP: 11

Lưu ý: Các cách giải khác hướng dẫn chấm, nếu đúng cho điểm tối đa theo thang điểm đã định.

Câu Nội dung Điểm
 

1

I. Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm một bài văn nghị luận xã hội; bố cục bài làm rõ ràng, kết cấu hợp lý. Hình thành và triển khai ý tốt; diễn đạt mạch lạc. Sử dụng thành thạo các thao tác lập luận cơ bản. Mắc ít lỗi chính tả, dùng từ và ngữ pháp.

II. Yêu cầu về nội dung: HS có thể rút ra ý nghĩa khác, đây chỉ là một gợi ý, giám khảo tùy thuộc vào cách thức lập luận của học sinh để cho điểm. Chọn và phân tích được những dẫn chứng tiêu biểu, phù hợp.

 
Nêu được vấn đề nghị luận: Trong cuộc sống, đôi khi chúng ta chỉ nhìn được những lầm lỗi dù rất nhỏ của người khác, nhưng lại không thể nào nhận ra phía mặt tốt đẹp trong họ thực sự còn nổi trội hơn rất nhiều… 1,0
Bàn luận:

Đôi khi chúng ta quá cầu toàn, quá nghiêm khắc với bản thân mình, cứ luôn nghiền ngẫm những lầm lỗi ấy và quy trách nhiệm cho mình mà quên mất phần quan trọng là những điều tốt đẹp mà chúng ta đã làm được.

Và đôi khi chúng ta lại quá nhạy cảm với lỗi lầm của người khác. Khi gặp ai mắc lỗi, ta nhớ kỹ từng chi tiết, hễ có ai nhắc đến tên người đó, ta lại liên hệ ngay đến lỗi lầm của họ mà quên đi những điều tốt đẹp họ đã làm.

Con người luôn mơ ước chinh phục được đỉnh cao hoàn mỹ. Nhưng để trở thành con người “thập toàn” mẫu mực là rất khó, không dễ tìm con người ấy giữa cuộc sống đời thường. Vậy nên chúng ta cũng cần phải bằng lòng chấp nhận sống vui với cái hiện tại mình đang có, như “hai viên gạch xấu xí” đang nằm giữa một bức tường đẹp.

Chúng ta cần phải học cách rộng lượng với người khác và cả chính mình. Một thế giới nhân ái trước hết là nơi mà ở đó, lỗi lầm được tha thứ.

Mở rộng vấn đề: phê phán những người có cái nhìn phiến diện khi đánh giá người khác

5,0

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

1,0

Bài học nhận thức và hành động 1,0
 

2

I. Yêu cầu về kĩ năng : học sinh cần có kĩ năng viết một bài văn nghị luận về một ý kiến bàn về văn học, kĩ năng viết câu, dựng đoạn, diễn đạt rõ ràng, ít mắc các lỗi dùng từ, đặt câu…

II. Yêu cầu về kiến thức : Học sinh có thể làm theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên, bài viết cần đảm bảo những ý chính sau đây :

 
Nêu được vấn đề nghị luận: bài thơ “Tràng giang” vừa tiếp nối cảm hứng sáng tác của thơ ca truyền thống, vừa thể hiện cái nhìn, cách cảm, quan niệm thẩm mĩ và cách biểu đạt rất hiện đại. 1,0
Giải thích nhận định

–  Mạch thi cảm truyền thống: cảm hứng sáng tác của văn học truyền thống thường thiên về nỗi buồn: Nỗi buồn về thế thái nhân tình; buồn về cái nhỏ bé hữu hạn của đời người trước cái vô hạn, vô biên của đất trời – “nỗi sầu vũ trụ”; buồn về quê hương đất nước, về thân phận người lữ khách xa quê, cái buồn biệt ly, xa cách…

– Sự cách tân đích thực: Đó là sự đổi mới trong thi ca hiện đại ở cách nhìn, cách cảm, quan niệm thẩm mỹ và những phương thức biểu đạt rất mới.

2,0
Phân tích bài thơ “Tràng giang” để làm nổi bật một vế của nhận định: Sự cách tân đích thực của Huy Cận trong bài thơ

– Hình ảnh thơ không hề sử dụng những ước lệ, tượng trưng truyền thống… mà rất giản dị, gần gũi với cuộc sống hàng ngày của con người Việt Nam…

– Huy Cận đến với không gian truyền thống nhưng lại mở rộng không gian ấy ra ba chiều tít tắp, vô tận đến mênh mông (dài, rộng, cao):

“Nắng xuống, trời lên, sâu chót vót

Sông dài, trời rộng, bến cô liêu”

Đó là không gian ta thường thấy trong những bức hoạ Phục hưng phương Tây hay trong những bài thơ lãng mạn Pháp.

– Nhưng câu thơ Nắng xuống trời lên sâu chót vót mới thực sự gây ấn tượng mạnh bởi lối dùng từ mới mẻ, táo bạo ( cách dùng hình dung từ sâu chót vót thay cho cách diễn đạt thông thườngcao chót vót ) vừa mở ra chiều cao mênh mang đến thăm thẳm của bầu trời vừa diễn tả nỗi cô đơn của cái tôi trữ tình, đặc biệt là cảm giác rợn ngợp của con người hữu hạn trước một vũ trụ vô biên.

– “Tràng giang” còn là sự cách tân trong cách thể hiện cảm xúc. Khi đến với nỗi cô đơn bé nhỏ của con người, Huy Cận đưa nỗi buồn từ xa về gần, là cõi con người bằng hình ảnh cụ thể, dung dị, sáng tạo: “Củi một cành khô”, “bèo dạt hàng nối hàng”, “bến cô liêu”… Đó là nỗi niềm, là tâm sự của cả một thế hệ trước thời đại.

– Sự cách tân còn thể hiện ở việc sáng tạo, đưa vào những cảm xúc mới khi muợn tứ thơ của Thôi Hiệu:  Xưa Thôi Hiệu nhìn khói sóng trên sông mà chạnh nỗi nhớ nhà; nhưng nay đến Huy Cận nỗi nhớ ấy thường trực, có sẵn trong lòng, được dâng lên cao độ hơn, cùng cách diễn đạt cũng tân kỳ, sáng tạo hơn: “Không khói hoàng hôn cũng nhớ nhà”.

– Thể thơ thất ngôn nhưng bị gò ó trong niêm luật của thơ trung đại mà với nhạc điệu phong phú, từ ngữ giản dị, hàm súc, tinh tế đã đem lại cho “Tràng giang” một sự hài hoà giữa ý và tình, giữa cổ điển và hiện đại.

8,0
  Nêu những suy nghĩ và cảm nhận của bản thân về giá trị và sự đóng  góp tích cực của Huy Cận trong phong  trào Thơ mới nói riêng và cho thơ ca Việt Nam nói chung qua bài thơ “Tràng giang” 1,0

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *