Đọc hiểu, Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá nhân vật Tâm trong đoạn trích Trở về Thạch Lam

Đề thi khối 11
ĐỀ KIỂM TRA ĐÁNH GIÁ GIỮA KỲ II

Năm học 2023 – 2024

Môn: Ngữ văn – Lớp 11

Thời gian làm bài: 90 phút, không tính thời gian phát đề

……

ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

     Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

(Lược phần đầu: Tâm là người sinh ra ở thôn quê, được mẹ nuôi ăn học trên tỉnh, làm việc trên tỉnh, lấy vợ con nhà giàu trên tỉnh không cho mẹ biết. Mùa hè năm nay, Tâm và vợ chàng về nghỉ mát tại nhà một người bạn vùng thôn quê. Chàng có dịp về thăm nhà cũng ở gần đó. Tâm không đem theo vợ về mà để vợ ở trong phòng mát mẻ của hàng cơm. Tâm về một mình độ một giờ. Khi gặp lại bà mẹ và cô bạn gái thuở nhỏ Tâm đã tỏ ra khó chịu và những kỷ niệm cũ đối với Tâm bây giờ thành ra trẻ con và vô vị. Tâm không thấy có sự tha thiết giữa chàng và cảnh cũ nữa)

Tâm lơ đãng nghe lời mẹ kể những công việc và cách làm ăn ngày một khó khăn ở làng. Chàng dửng dưng không để ý đến. Con bác Cả Sinh lấy vợ, hay chú bác ta chết thì có can hệ gì đến chàng? Cái đời ở thôn quê với đời của chàng, chắc chắn, giàu sang, không có liên lạc gì với nhau cả.

Câu chuyện nhạt dần. Những câu hỏi và sự săn sóc của bà cụ về công việc của chàng chỉ làm cho Tâm khó chịu. Chàng trả lời qua loa lấy lệ.

Nghĩ đến vợ đợi, Tâm vội vàng đứng dậy. Bà cụ nhìn theo khẩn khoản:

– Cậu hãy ở đây ăn cơm đã. Đến chiều hãy ra.

– Thôi, bà để tôi về. Độ này bận công việc lắm.

Tâm lại an ủi:

– Nhưng thế nào có dịp tôi cũng về.

Rồi Tâm mở ví lấy ra bốn tấm giấy bạc 5 đồng đưa cho mẹ. Tâm hơi kiêu ngạo, trước mặt cô Trinh, chàng nói:

– Đúng hai chục, bà cầm lấy mà tiêu, có thiếu tôi lại gửi về cho.

Bà cụ run run đỡ lấy gói bạc, rơm rớm nước mắt.

Tâm làm như không thấy gì, vội vàng bước ra:

– Thôi, bà ở lại. Chào cô Trinh nhé. Bảo tôi có nhời hỏi thăm tất cả họ hàng.

Ra đến ngoài Tâm nhẹ hẳn mình. Chàng tự cho đã làm xong bổn phận.

Khi Tâm bước vào hàng cơm, vợ chàng vui mừng lộ ra nét mặt, vì không ngờ chàng chóng thế. Trời hãy còn sớm. Hai vợ chồng rủ nhau đi ngắm cảnh, đợi đến chiều mát sẽ đi ô-tô về hứng gió.

Hai người đi quanh quẩn trong phố, nhìn những cửa hàng nước tiều tụy của ta và những hiệu lớn của người Khách. Mặt trời xế ngang chiếu ánh nắng lóe vào mắt, và giải vàng lên trên những mái nhà tranh. Chợ đã vãn: những người đàn bà gồng gánh sắp ra về, trên mặt đất đầy những rác bẩn, những vỏ dưa, những lá gói: một cái mùi âm ấm bốc lên, cái mùi đặc biệt, hình như lẫn mùi đất, mùi ẩm, và mùi rác đốt. Tâm nhớ lại rõ rệt những ngày trẻ.

Bỗng nhiên, Tâm giật lùi lại: Một bà cụ già khom lưng dựa bên một cô con gái, đi ra phía ga. Tâm nhận ra bà mẹ. Có lẽ bà cụ muốn được trông thấy con một lần nữa. Chắc bà tưởng Tâm đi xe hỏa. Chàng lộ vẻ khó chịu. Bà cụ còn ra đây làm gì? Tâm sợ lúc bà cụ lại khóc lóc, để cố giữ chàng lại. Hay nắm lấy áo chàng mà kể lể giữa chốn đông người. Chàng tưởng nghe thấy những câu bình phẩm to nhỏ, và trông thấy những cái mỉm cười chế riễu của mọi người. Vợ chàng sẽ nói thế nào?

– Thôi, chúng ta về ngay đi.

Tâm nói như người sốt ruột, giật cánh tay vợ rảo bước mau.

Đợi bà cụ đi khuất đầu phố, Tâm và vợ trở lại nhà hàng trả tiền, rồi đánh xe ra ngoài. Máy chạy đều, cái xe êm ru bắt đầu lướt trên đất.

Khi đến chỗ quặt quá ga, bỗng nhiên Tâm thoáng thấy đứng bên cạnh đường, một bà cụ già khom lưng dựa vào một cô con gái. Chiếc xe chạy bắn vọt bùn lên quần áo hai người. Trong một giây, Tâm thấy cặp mắt đen láy của cô gái quê mở to ngạc nhiên nhìn mình.

Tâm không ngoảnh lại, chàng nghĩ đến bà mẹ, đến cô Trinh vẫn chơi đùa với chàng thuở nhỏ. Song những hình ảnh ấy như xa xăm lắm, và Tâm vẫn thấy dửng dưng không bận tâm trí. Giữa những kỷ niệm ấy với Tâm, như có một cái bờ ngăn cản: xe ô tô, vợ chàng, cái đời sang trọng, sung sướng của chàng hiện giờ.

Phong cảnh đồng ruộng hai bên đường vùn vụt trốn lại sau như càng làm xa cách chàng với cảnh thôn quê cũ

(Trích Trở về, Thạch Lam – Những tác phẩm tiêu biểu, Nhà xuất bản Giáo dục tr.54-57)

Câu 1. (0,5 điểm): Tìm chi tiết cho thấy Tâm lộ vẻ khó chịu khi nhìn thấy bà mẹ đi ra phía ga ?

Câu 2. (0,5 điểm): Xác định ngôi kể trong đoạn trích trên ?

Câu 3. (0,5 điểm): Xác định điểm nhìn trong đoạn văn sau ?

Tâm lại an ủi:

– Nhưng thế nào có dịp tôi cũng về.

Rồi Tâm mở ví lấy ra bốn tấm giấy bạc 5 đồng đưa cho mẹ. Tâm hơi kiêu ngạo, trước mặt cô Trinh, chàng nói:

– Đúng hai chục, bà cầm lấy mà tiêu, có thiếu tôi lại gửi về cho.

Câu 4. (0,75 điểm): Anh/Chị hiểu như thế nào về chi tiết: Ra đến ngoài Tâm nhẹ hẳn mình. Chàng tự cho đã làm xong bổn phận ?

Câu 5. (0,75 điểm): Anh/chị hãy nhận xét về thái độ của Tâm khi gặp lại mẹ ?

Câu 6. (1,0 điểm): Chi tiết Tâm không ngoảnh lại, chàng nghĩ đến bà mẹ, đến cô Trinh vẫn chơi đùa với chàng thuở nhỏ. Song những hình ảnh ấy như xa xăm lắm, và Tâm vẫn thấy dửng dưng không bận tâm trí. Giữa những kỷ niệm ấy với Tâm, như có một cái bờ ngăn cản: xe ô tô, vợ chàng, cái đời sang trọng, sung sướng của chàng hiện giờ…giúp anh/chị hiểu gì về nhân vật Tâm?

Câu 7. (1,0 điểm): Anh/chị có đồng tình với quan điểm: gia đình có vai trò rất quan trọng trong bước đường trưởng thành của mỗi con người không ? Vì sao ?

Câu 8. (1,0 điểm): Thông điệp nào có ý nghĩa sâu sắc nhất với anh/chị ? Vì sao ?

VIẾT (4.0 điểm)

Viết bài văn nghị luận phân tích, đánh giá nhân vật Tâm trong đoạn trích Trở về (được dẫn ở phần Đọc hiểu) của nhà văn Thạch Lam.

        ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM ĐỀ 1

Môn: Ngữ văn lớp 11

 

ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Câu Nội dung Điểm
1 Tâm lộ vẻ khó chịu khi gặp lại bà mẹ:

– Tâm sợ lúc bà cụ lại khóc lóc, để cố giữ chàng lại.

– Nắm lấy áo chàng mà kể lể giữa chốn đông người.

– Tưởng nghe thấy những câu bình phẩm to nhỏ, và trông thấy những cái mỉm cười chế riễu của mọi người.

Vợ chàng sẽ nói thế nào?

*Hướng dẫn chấm:

– HS tìm đủ 04 chi tiết: 0,5 điểm

– HS tìm đủ 02 chi tiết: 0,25 điểm

0,5
2 Ngôi kể thứ ba

*Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời đúng như đáp án: 0,5 điểm

0,5
3 Điểm nhìn: nhân vật Tâm

*Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời đúng như đáp án: 0,5 điểm

0,5
4 – Tâm cảm thấy mình như được giải thoát khỏi ngôi nhà, thoát khỏi người mẹ già nua, thoát khỏi cảnh xưa cũ mà anh ta không muốn nhớ lại, gặp lại.

– Đặc biệt Tâm thấy mình làm xong bổn phẩn khi đưa cho bà mẹ ít tiền rồi ra đi.

– Cho thấy Tâm là kẻ bạc tình bạc nghĩa, coi trọng giàu sang vật chất mà quên đi bổn phận làm con phải châm sóc phụng dưỡng cha mẹ…

*Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời đúng như đáp án: 0,75 điểm

– HS trả lời được 02 chi tiết: 0,5 điểm

– HS tìm được 01 chi tiết: 0,25 điểm

 (HS có thể diễn đạt theo cách khác nhưng đảm bảo chỉ ra được ra ý nghĩa của chi tiết)

0,75
5 Thái độ của Tâm khi gặp lại mẹ: thờ ơ, dửng dưng, khó chịu.

*Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời đúng như đáp án: 0,75 điểm

– HS trả lời được 02 chi tiết: 0,5 điểm

– HS tìm được 01 chi tiết: 0,25 điểm

 (HS có thể diễn đạt theo cách khác nhưng đảm bảo chỉ được ra thái độ của Tâm đúng theo câu hỏi)

0,75
6 – Là một đứa con bạc bẽo, bất hiếu với chính mẹ ruột của mình.

– Là người vô tình vô nghĩa, sẵn sàng quay lưng lại với chính những người đã từng gắn bó với mình.

– Là kẻ ích kỉ chỉ nghĩ đến bản thân, coi trọng vật chất.

*Hướng dẫn chấm:

– HS trả lời đúng như đáp án: 1.0 điểm

– HS trả lời được 02 chi tiết: 0,75 điểm

– HS tìm được 01 chi tiết: 0,5 điểm

 (HS có thể diễn đạt theo cách khác nhưng đảm bảo chỉ ra được cách hiểu về nhân vật Tâm)

1,0
7 – HS chọn phương án đồng tình và nêu rõ vai trò của gia đình: Là nơi ta được sinh ra, nuôi dưỡng ta khôn lớn, dạy ta cách yêu thương, san sẻ và giúp đỡ mọi người, là nơi ta được động viên, khích lệ…

*Hướng dẫn chấm:

GV chấm theo hướng mở theo bài làm của HS miễn là bài làm nêu được vai trò cần thiết của gia đình

1,0
8 Hs chọn 01 thông điệp sâu sắc nhất và lí giải vì sao

*Hướng dẫn chấm:

– HS chỉ ra được thông điệp: 0,5 điểm

– Lí giải: 0,5 điểm

+ Lí giải sâu sắc: 0,5 điểm

+ Lí giải chưa sâu sắc: 0,25 điểm

1,0

 

VIẾT (4.0 điểm)

  VIẾT 4.0
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề, Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khái quát được vấn đề

0.25
b. Xác định đúng yêu cầu của đề.

Nêu vấn đề nghị luận: hình tượng nhân vật Tâm qua đoạn trích.

0.25
– Tóm tắt đoạn trích, giải thích nhan đề, khái quát hình tượng nhân vật Tâm.

– Phân tích, đánh giá nhân vật Tâm qua chuyến về quê thăm mẹ:

+ Thời gian: 5-6 năm nay mới về quê thăm mẹ; về nhanh, đi nhanh.

+ Tâm thế: miễn cưỡng, làm cho xong trách nhiệm; không thiết tha với quê hương, với việc về thăm nhà, thăm mẹ

+ Sống vô trách nhiệm với người đẻ ra mình: cho rằng mỗi tháng gửi về cho mẹ một số tiền là xong trách nhiệm.

+ Lời nói với mẹ khi gặp mẹ: khách sáo, khoảng cách, qua loa, như một vị khách đến chơi nhà… trái hẳn với người mẹ vô cùng xúc động khi được gặp lại đứa con của mình,….

+ Kiêu căng, tự phụ trước Trinh cô bạn gái thuở nhỏ.

=> Tâm là người đã bị cuộc sống giàu sang nơi phố thị cuốn hút và thay đổi: chối bỏ nguồn cội, tình nghĩa với mẹ cứ mờ nhạt dần.

– Nghệ thuật xây dựng hình tượng nhân vật Tâm:

+ Cốt truyện nhẹ nhàng nhưng thấm thía. Lối kể chuyện lôi cuốn, hấp dẫn. Ngôn ngữ: giản dị, mang giá trị biểu cảm

+ Chọn điểm nhìn từ nhân vật Tâm -> đi sâu vào nội tâm nhân vật -> con người nhân vật.

+ Giọng trần thuật của tác giả hòa cùng dòng độc thoại nội tâm nhân vật tạo nên thứ ngôn ngữ nửa trực tiếp rất hấp dẫn.

– Đánh giá chung:

+ Khái quát nội dung: Qua sự trở về của Tâm, nhà văn như nhắc nhở, cảnh tỉnh mọi người về sự cám dỗ của cuộc sống, về việc con người ta có thể đánh mất đi chính bản thân mình, đánh mất đi những giá trị thiêng liêng: quê hương, gia đình,…

+ Khái quát nghệ thuật đặc sắc của đoạn trích và khẳng định tài năng viết truyện của Thạch Lam.

0,25

1,75

 

 

 

 

 

 

 

 

 

0,5

 

 

 

 

 

 

0,5

d. Chính tả, từ ngữ, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt.

0.25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.25

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *