Đề văn 11 Gửi con, Lão Hạc, NLXH Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc là con đường

Đề thi khối 11

 

    ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KÌ II

NĂM HỌC 2023-2024

Môn: NGỮ VĂN- Lớp 11

Thời gian làm bài 90 phút, không kể thời gian phát đề

Đề kiểm tra gồm 02 trang

PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc đoạn trích sau và thực hiện các yêu cầu:

“…Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn
Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui
Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại
Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa
Chẳng sao
Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp
Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.

Con hãy nghĩ về tương lai. Nhưng đừng quên quá khứ
Hy vọng vào ngày mai. Nhưng đừng buông xuôi hôm nay
May rủi là chuyện cuộc đời. Nhưng cuộc đời nào chỉ chuyện rủi may

Hãy nói thật ít. Làm thật nhiều – những điều có nghĩa của trái tim.

Hãy hân hoan với điều nhân nghĩa
Đừng lạnh lùng trước chuyện bất nhân
Và hãy tin vào điều có thật:
Con người – sống để yêu thương”.

(“Gửi con” – Bùi Nguyễn Trường Kiên)

Câu 1. Xác định thể thơ của văn bản.

Câu 2. Chỉ ra cấu tứ của đoạn thơ.

Câu 3. Anh/chị hãy chỉ ra và nêu tác dụng của một biện pháp tu từ trong hai dòng thơ:

Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn

Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui

Câu 4. Anh/chị hiểu như thế nào về thông điệp mà tác giả gửi gắm trong câu thơ:

Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp

Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao”

Câu 5: Anh/chị có đồng tình với quan niệm của tác giả: “Con người – sống để yêu thương” không? Vì sao?

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của ngôi kể và điểm nhìn trong việc khắc họa nhân vật lão Hạc trong đoạn văn bản sau:

“…Lão Hạc thổi cái mồi rơm, châm đóm. Tôi đã thông điếu và bỏ thuốc rồi. Tôi mời lão hút trước. Nhưng lão không nghe…

– Ông giáo hút trước đi.

Lão đưa đóm cho tôi…

– Tôi xin cụ…

Và tôi cầm lấy đóm, vo viên một điếu. Tôi rít một hơi xong, thông điếu rồi mới đặt vào lòng lão. Lão bỏ thuốc, nhưng chưa hút vội. Lão cầm lấy đóm, gạt tàn, và bảo:

– Có lẽ tôi bán con chó đấy, ông giáo ạ!

Lão đặt xe điếu, hút. Tôi vừa thở khói, vừa gà gà đôi mắt của người say, nhìn lão, nhìn để làm ra vẻ chú ý đến câu nói của lão đó thôi. Thật ra thì trong lòng tôi rất dửng dưng. Tôi nghe câu ấy đã nhàm rồi. Tôi lại biết rằng: lão nói là nói để có đấy thôi; chẳng bao giờ lão bán đâu. Vả lại, có bán thật nữa thì đã sao? Làm quái gì một con chó mà lão có vẻ băn khoăn quá thế…

Lược một đoạn: Lão Hạc hồi tưởng lại cuộc đời con trai, câu chuyện tình yêu và việc phải bỏ làng ra đi. Lão cũng nghĩ đến việc phải bán con chó Vàng lão rất mực yêu quý để giữ lại mảnh vườn cho thằng con….

Hôm sau lão Hạc sang nhà tôi. Vừa thấy tôi, lão báo ngay:

– Cậu Vàng đi đời rồi, ông giáo ạ!

– Cụ bán rồi?

– Bán rồi? Họ vừa bắt xong.

Lão cố làm ra vẻ vui vẻ. Nhưng trông lão cười như mếu và đôi mắt lão ầng ậng nước, tôi muốn ôm choàng lấy lão mà òa lên khóc. Bây giờ thì tôi không xót năm quyển sách của tôi quá như trước nữa. Tôi chỉ ái ngại cho lão Hạc. Tôi hỏi cho có chuyện:

– Thế nó cho bắt à?

Mặt lão đột nhiên co dúm lại. Những vết nhăn xô lại với nhau, ép cho nước mắt chảy ra. Cái đầu lão ngoẹo về một bên và cái miệng móm mém của lão mếu như con nít. Lão hu hu khóc…

– Khốn nạn… Ông giáo ơi! Nó có biết gì đâu! Nó thấy tôi gọi về thì chạy ngay về, vẫy đuôi mừng. Tôi cho nó ăn cơm. Nó đang ăn thì thằng Mục nấp trong nhà, ngay đằng sau nó, tóm lấy hai cẳng sau nó dốc ngược nó lên. Cứ thế là thằng Mục với thằng Xiên, hai thằng chúng nó chỉ loay hoay một lúc đã trói chặt cả bốn chân nó lại. Bấy giờ cu cậu mới biết là cu cậu chết! Này! Ông giáo ạ! Cái giống nó cũng khôn! Nó cứ làm in như nó trách tôi; nó kêu ư ử, nhìn tôi như muốn bảo tôi rằng: “A! Lão già tệ lắm! Tôi ăn ở với lão như thế mà lão đối xử với tôi như thế này?”. Thì ra tôi già bằng này tuổi đầu rồi còn đánh lừa một con chó, nó không ngờ tôi nỡ tâm lừa nó!… ».

(Lão Hạc – Nam Cao)

Câu 2 (4.0 điểm)

Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc là con đường” (Hà Vĩnh Thọ). Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên.

           

    HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ KIỂM TRA CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KÌ II

NĂM HỌC 2023-2024

Môn: NGỮ VĂN- Lớp 11

 (Hướng dẫn chấm gồm 02 trang)

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Thể thơ: Tự do 0,5
2 – Tứ thơ được gợi lên từ những lời nhắn nhủ tha thiết của người cha đến con của mình về lẽ sống, cách ứng xử trong cuộc đời.

– Tình cảm cha dành cho con đi liền cùng lí trí, cùng những bài học làm người, sâu sắc và nhân văn. Cha dạy con khiêm tốn, dạy con biết yêu thương đồng cảm, biết khen, biết chê, biết khóc, biết cười, biết tiến, biết lùi, biết nghĩ về tương lai, trân trọng quá khứ.. và kết lại bằng lẽ sống biết yêu thương. Có thể thấy những lời dạy bảo của cha xuất phát từ gan ruột, từ tình yêu và hi vọng của cha vào sự trưởng thành của con…

0,5
3 – Biện pháp tu từ:

+ Điệp từ: “Đừng” Hoặc Đối: “Vui” – “Buồn”

– Tác dụng:

+ Nhằm nhấn mạnh, làm rõ hơn, cụ thể hơn những trạng thái cảm xúc khác nhau, thậm chí đối lập như vui, buồn của con người trong cuộc sống. Qua đó, nhà thơ muốn nhắn nhủ chúng ta phải biết điều chỉnh, dung hoà những trạng thái cảm xúc đó, tránh thái quá sẽ dẫn đến thiếu tỉnh táo, cực đoan.

+ Giúp cho lời thơ trở nên sinh động, hấp dẫn, giàu giá trị biểu cảm sâu sắc.

1,0
4  – Câu thơ gửi gắm một thông điệp về sự khiêm tốn, tự nhận thức về bản thân (nhìn lên cao, nhìn xuống thấp, thấy mình  còn thấp, thấy mình chưa cao)

– Con người cần biết khiêm tốn, biết mình, biết người.

+ Khiêm tốn để thấy được điểm mạnh, điểm yếu, hạn chế của bản thân

+ Khiêm tốn để không ngừng học hỏi

+ Khiêm tốn là tôn trọng mọi người và bồi đắp bản thân…

1,0
5 – HS đưa ra quan điểm

– HS lí giải thuyết phục

Gợi ý :

– Đồng tình với quan niệm của tác giả

– Vì : Yêu thương là sự quan tâm, thấu hiểu, đồng cảm, sẻ chia giữa con người với con người. Sống yêu thương cuộc sống sẽ đẹp đẽ hơn. Sống yêu thương mang lại những điều kì diệu cho cuộc đời. Người cho đi yêu thương được nhận bình yên và hạnh phúc. Người được nhận yêu thương là nhận được rất nhiều.Cuộc sống không có yêu thương sẽ vô cùng tẻ nhạt, lạnh lẽo…

1,0
II   VIẾT 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) làm rõ đặc điểm của ngôi kể và điểm nhìn trong việc khắc họa nhân vật lão Hạc trong đoạn trích truyện ngắn “Lão Hạc” – Nam Cao 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn 0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: Đặc điểm của ngôi kể và điểm nhìn trong việc khắc họa nhân vật lão Hạc trong đoạn trích truyện ngắn “Lão Hạc”. 0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận. Sau đây là một số gợi ý:

– Ngôi kể: Thứ nhất, người kể: ông giáo

-> Giúp người đọc tiếp cận được một cách chân thực cuộc đời, số phận, đặc điểm tính cách và phẩm chất của lão Hạc…

– Điểm nhìn:

+ Chủ yếu là điểm nhìn bên ngoài, từ phía ông giáo -> người đọc sẽ phải tự chiêm nghiệm, khám phá bề sâu tâm hồn đẹp đẽ bên trong con người khốn khổ ấy. Từ điểm nhìn, lúc đầu, ta thấy được số phận bất hạnh của lão Hạc (qua chi tiết bán chó), sau đấy ta cảm nhận được vẻ đẹp tâm hồn, phẩm chất của lão Hạc. Đó là sự lương thiện, tình yêu thương con vô bờ bến, lòng tự trọng….

+ Điểm nhìn thời gian: hồi cố lại quá khứ

– Sắp xếp được hệ thống ý hợp lí theo đặc điểm bố cục của kiểu đoạn văn.

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận:

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý

– Lập luận chặt, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng

0,5
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn. 0,25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0,25
2 Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc, hạnh phúc là con đường” (Hà Vĩnh Thọ). Viết bài văn nghị luận (khoảng 600 chữ) bày tỏ suy nghĩ của anh/chị về ý kiến trên. 4,0
  a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: 0.25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Hạnh phúc là cuộc sống ta đang sống. 0.5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cuả bài viết:

– Xác định được các ý chính của bài viết

– Sắp xếp được các ý hợp lý theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Bản chất của vấn đề đời sống và nêu quan điểm của người viết:

Hạnh phúc là một trạng thái cảm xúc của con người khi thỏa mãn một điều gì đó.

Con đường là hình ảnh ẩn dụ chỉ hành trình sống, đường đời của con người.

-> Nội dung câu nói: Hạnh phúc không ở đâu xa, hạnh phúc chính là cuộc sống ta đang sống.

– Xem xét vấn đề dưới nhiều góc nhìn khác nhau và bàn về những khía cạnh của vấn đề nói:

+ Không có con đường nào dẫn đến hạnh phúc: Phủ nhận quan niệm hạnh phúc ở tương lai, hạnh phúc rất xa vời:

++ Cuộc sống luôn chứa đầy chông gai, thử thách, nghịch cảnh. Ở mỗi một giai đoạn khác nhau, bạn lại phải trải qua những khó khăn khác nhau.

++ Con người luôn mưu cầu điều tốt đẹp, nhưng lại tham lam, không biết điểm dừng, không thấy thỏa mãn để tận hưởng những điều mình đang có.

Hạnh phúc là con đường: Quan niệm hạnh phúc ở hiện tại, ngay cuộc sống hàng ngày của ta :

++ Hạnh phúc là một quá trình, không phải là điểm cuối cùng cũng chẳng phải là nơi cuộc đời mình dừng lại. Hạnh phúc không ở tương lai, không là thứ gì quá mờ ảo; hạnh phúc chính là hiện tại, là con đường chúng ta đang đi.

++ Nếu cứ chờ đợi và tìm kiếm thì đến cuối cuộc đời, bạn sẽ nuối tiếc. Thời gian không chờ một ai, vì thế, trong bất kì hoàn cảnh nào, phải biết cảm nhận và tìm lấy niềm hạnh phúc cho riêng mình. Hãy trân trọng từng giây từng phút bạn đang có, trân trọng những gì bên cạnh bạn, những gì bạn thấy trên con đường đó.

– Bàn luận vấn đề từ góc nhìn trái chiều:

+ Trong cuộc sống có nhiều người suốt con đường đi chưa bao giờ thỏa mãn với hiện tại, chưa bao giờ chấp nhận dừng lại để cảm nhận được rằng mình đang hạnh phúc. Họ mệt nhoài với cuộc hành trình trên con đường tìm kiếm hạnh phúc. Đến cuối cuộc đời họ vẫn không tìm thấy cái gọi là hạnh phúc.

+ Nếu ta quá tham vọng hoặc sử dụng những thủ đoạn xấu xa, ích kỷ thì dù đạt được mục đích, con người cũng không thể hạnh phúc, không thấy vui vẻ, thoải mái trong tâm hồn. Hạnh phúc đích thực chỉ được tạo nên từ những hành trình và hành động tốt đẹp của con người.

– Phân tích tác động của việc nhận thức đúng đắn về vấn đề đối với cá nhân hoặc cộng đồng: Hạnh phúc là một con đường đi, một hành trình. Hãy trân trọng những khoảnh khắc quý giá trong chuyến hành trình ấy để cuộc sống trở nên tốt đẹp và ý nghĩa hơn.

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.

1.0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Triển khai được ít nhất ba luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận

– Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và dẫn chứng

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1.5
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản 0.25
e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0.5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *