Đọc hiểu tản văn Ngôi nhà bỏ ngỏ

Đề thi khối 10
Đọc hiểu tản văn Ngôi nhà bỏ ngỏ

NGÔI NHÀ BỎ NGỎ

                                     Phan Cẩm Thượng

Chúng ta hãy tưởng tượng khung cảnh Việt Nam trước khi có những thành thị hiện đại và những nhà ngói san sát ở nông thôn, thuở xa xưa, đất nước chìm ngập trong không khí u huyền với những mái nhà gianh thấp thoáng trong luỹ tre xanh, những đỉnh núi đột ngột hiện ra trong mây, mặt hồ lóng lánh trong sương khói. Nhà thơ Thiền Trần Thái Tông viết: “Thôn hậu thôn tiên đạm tự yên, bán vô bán hữu tịch dương niên”. Nghĩa là “Thôn trước thôn sau mờ sương khói. Như có như không dưới bóng tà”. Đó chính là hình ảnh khái quát và trữ tình nhất về cảnh vật Việt Nam. Kiến trúc cổ Việt Nam không bỏ qua yếu tố ấy. Nó thể hiện rất rõ trong các tổng thể đình, đền, chùa trong sự hòa nhập với tự nhiên. Bên cạnh đó nó còn có những loại kiến trúc khác như: trạm đình, viên đình, giang đình, đình kiều, quá, xá, miếu, am, cổng làng … là những ngôi nhà bỏ ngỏ để trống ven đường cái, bên đầu làng, trên sườn non lạnh lẽo um tùm cây cỏ. Đôi khi chúng ta phải giật mình trước óc lãng mạn và huyền hoặc của những nhà kiến trúc xưa. Buổi sáng, nhìn ra đồng vắng mênh mông, giữa một gò đất không cao lắm, ngôi quán im lìm dưới cây đa xòe tán rộng. Một ngôi nhà hai gian, không cửa, rất sạch sẽ, khách qua đường có thể nghỉ chân, nhưng chắc chắn không ở lại lâu. Lúc trời tối, ếch nhái kêu vang, dế gáy ri ri, đom đóm lập lòe, ta thấy ớn lạnh khi đến ngôi miếu đầu làng. Trong đó ngọn đèn tù mù trên bệ sơ sài. Còn trên tường thấp thoáng hình rồng vẽ nhe nanh, múa vuốt. Cây đa, cây đề ngoài miếu có lẽ đã sống hàng trăm năm, rễ và cành che lấp um tùm, khoảng đặc, khoảng hở tạo ra một cảm giác không hư mà cũng không thực. Ngay cả những bình vôi trắng toát cũng có vẻ như sự hiện hình của một bóng ma. Người xưa nói: “ma cây gạo, cú cáo cây đề” là vậy. Không một ai trong xóm làng dám động đến những ngôi miếu ấy, hoặc dám chặt một cành đào. Vì động đến đó là động đến một niềm thiêng liêng hàng ngàn đời bên cạnh ta, mà ta chưa bao giờ hiểu hết. Ở những vùng núi phía Bắc xa xôi, đi thuyền năm, bảy cây số, theo dòng suối nhỏ trong thung lũng đẹp, hai bên núi non cao ngất, bỗng đột ngột hiện ra ngôi đền nhô mái cong cheo leo sườn núi. Cảm giác hoang sơ không mất đi, và xúc động huyền hoặc ập đến. Cứ như vậy những ngôi nhà bỏ ngỏ đã tồn tại hàng trăm năm tạo thành một tín ngưỡng bền vững trong nhân dân. Không có một đại diện truyền đạo nào, nhưng nó duy trì tinh thần xã hội thăng bằng giữa hư vô và thực tại, giữa cái chết và sự sống.

Bên cạnh những ngôi nhà thiêng liêng kia, còn có những kiến trúc để vui chơi, giải trí hoặc chẳng nhằm mục đích rõ rệt. Cổng làng hai tầng với vòm cong bán cầu, rêu phong phủ kín cổ lỗ đứng ở đầu làng. Đôi câu đối trên gờ tường giới thiệu thuần phong mĩ tục. Tính chất ngăn cách hoàn toàn tương đối. Không tường ngăn nối liền cổng, cũng không có cửa. Đó là dấu hiệu của một “bầu trời nhỏ” rất đỗi tự hào về văn minh ao tù nước đọng của mình. Tấm bia đá xanh với hai chữ “hạ mã” (xuống ngựa) yêu cầu mọi người tôn trọng những tập tục cần thiết. Toà thuỷ đình) thơ mộng đón gió bốn phương trên mặt nước, lúc hội hè sẽ là nơi diễn múa rối nước. Chiếc cầu cong có mái gọi là “đình kiều”, dẫn khách lên núi hái cỏ tiên, hoặc ra đảo nhỏ ngắm hoa. Chắc chắn, ai cũng muốn đứng lại tựa hàng cột trong cầu, hoặc ngồi xuống hàng ghế dài bên lan can cầu, ngắm mình trong bóng nước. Viên đình là toà nhà nhỏ, cố cục vuông hoặc tròn trong vườn hoa. Ta sẽ đứng đó khi trời mưa hiu hắt, hay khi nắng chói chang. Giang đình ven sông, từ xa báo hiệu đây là bến đò, dành cho khách qua sông trú nghỉ. Những am nhỏ thanh vắng trên sườn non, trông ra bờ vực sâu thẳm, nơi các đạo sĩ ngồi uống rượu, ngâm thơ, quên lãng sự đời. Không hẳn là công trình nghệ thuật đồ sộ, những ngôi nhà bỏ ngỏ cổ xưa là một bài thơ lãng mạn. Một bài thơ mà khi hoàn thành lập tức nó tràn vào tâm hồn người, xoa dịu nỗi đau, lắng đọng sự buồn, để lại những ấn tượng rất trôi nổi, nhưng cũng rất cụ thể về đất nước, và sự hoà nhập giữa cái tôi nhỏ bé trong thiên nhiên cao cả.

(Theo Lê Trà My tuyển chọn, Tản văn hiện đại Việt Nam,

NXB Hải Phòng, 2011, tr.357 – 358)

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Nhận xét về ngôn ngữ và giọng điệu nghệ thuật trong đoạn văn: “Toà thuỷ đình thơ mộng đón gió bốn phương trên mặt nước, lúc hội hè sẽ là nơi diễn múa tối nước. Chiếc cẩu cong có mái gọi là “đình kiều”, dẫn khách lên núihái cỏ tiên, hoặc ra đảo nhỏ ngắm hoa. Chắc chắn, ai cũng muốn đứng lại tựa hàng cột trong cầu, hoặc ngồi xuống hàng ghế dài bên lan can cẩu, ngắm mình trong bóng nước. Viên đình là toà nhà nhỏ, cố cục vuông hoặc tròn trong vườn hoa. Ta sẽ đứng đó khi trời mưa hiu hắt, hay khi nắng chói chang…”

Câu 2. Hãy liệt kê ít nhất ba chi tiết cho thấy: “óc lãng mạn và huyền hoặc của những nhà kiến trúc xưa” từ đó nhận xét nghệ thuật miêu tả của tác giả.

Câu 3. Xác định chủ đề của tản văn trên. Nhan đề “ngôi nhà bỏ ngở” có ý nghĩa như thế nào trong việc bộc lộ chủ đề?

Câu 4. Anh/Chị suy nghĩ về ý kiến “những ngôi nhà bỏ ngỏ cổ xưa là một bài thơ lãng mạn?”

GỢI Ý

Câu 1. Nhận xét về ngôn ngữ và giọng điệu nghệ thuật

– Về ngôn ngữ: đoạn văn sử dụng kiểu cấu trúc định nghĩa, tạo nên nhịp điệu riêng với lối kể chuyện chậm rãi, vừa giàu tính tự sự vừa đậm chất trữ tình.

– Về giọng điệu: giọng tự sự, giọng kể, khoan thai

Câu 2. Học sinh có thể liệt kê các chi tiết sau:

(1) “Buổi sáng, nhìn ra đồng vắng mênh mông, giữa một gò đất không cao lắm, ngôi quán im lìm dưới cây đa xòe tán rộng.”

(2) “Lúc trời tối, ếch nhái kêu vang, dế gáy ri ri, đom đóm lập lòe, ta thấy ớn lạnh khi đến ngôi miếu đầu làng. Trong đó ngọn đèn tù mù trên bệ sơ sài. Còn trên tường thấp thoáng hình rồng vẽ nhe nanh, múa vuốt.”

(3) “Ở những vùng núi phía Bắc xa xôi, đi thuyền năm, bảy cây số, theo dòng suối nhỏ trong thung lũng đẹp, hai bên núi non cao ngất, bỗng đột ngột hiện ra ngôi đền nhô mái cong cheo leo sườn núi.”

Các chi tiết trên gợi lại trong kí ức của nhiều người những trải nghiệm rất thật. Những chi tiết ấy được đặt trong bối cảnh cụ thể, ở những không gian, thời gian đặc trưng, được bao phủ một mà sương khói hư ảo huyền hoặc. Qua lối miêu tả của tác giả, tính chất huyền ảo gia tăng.

Câu 3. Chủ đề của tản văn: Vẻ đẹp của những kiến trúc cổ Việt Nam. Nhan đề “ngôi nhà bỏ ngỏ” là một địa danh chung cho những kiến trúc nhỏ như: trạm đình, viên đình, giang đình, đình kiều, quá, xá, miếu, am, cổng làng … “Ngôi nhà bỏ ngỏ” không chỉ là nơi dừng nghỉ, đó còn là dấu tích văn hóa, văn minh của một dân tộc giàu tính huyền hoặc, hiếu khách, luôn mở rộng cửa đón khách.

Câu 4. Nhưng ngôi nhà bỏ ngỏ – những kiến trúc cổ có một vẻ đẹp riêng. Mỗi kiến trúc là một bài thơ đẹp thấm đượm tình cảm và có vị trí cụ thể trong tâm thức của nhiều thế hệ.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *