Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 10 năm 2019 – Chuyên Biên Hòa Hà Nam

Đề thi khối 10
HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI, ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN BIÊN HOÀ, HÀ NAM

 

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LẦN THỨ XII

MÔN THI: NGỮ VĂN– KHỐI 10

Ngày thi: 21/04/2019

Thời gian làm bài: 180 phút

(Đề này có 02 câu, gồm 01 trang)

   

 

Câu 1. (8,0 điểm)

           Cái đập cánh của con bướm có thể gây ra cơn địa chấn ở cách xa nó hàng vạn dặm.

(Cú hích – Nudge, Richard H.Thaler & Cass R.Sunstein, NXB Tổng hợp Thành phố Hồ Chí Minh, 2015, trang bìa)

Hiệu ứng cánh bướm gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về những cú hích cần có trong cuộc sống?

          Câu 2. (12,0 điểm)

Trong Lời giới thiệu cho lễ kỉ niệm 25 năm ngày xuất bản “Suối nguồn”, nữ văn sĩ Ayn Rand đã trích một câu nói của Victor Hugo để diễn tả thái độ với công việc viết lách của nhà văn và cũng là của người cầm bút nói chung: Nếu một nhà văn chỉ viết cho thời đại của mình thì tôi sẽ phải bẻ bút và vứt nó đi.

Anh/Chị hiểu như thế nào về quan điểm trên? Qua một số bài thơ trong chương trình Ngữ văn 10 hãy chứng minh rằng người cầm bút không chỉ viết cho thời đại của mình.

==== Hết ====

 

 
                               

                 HỘI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI, ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

TRƯỜNG THPT CHUYÊN BIÊN HOÀ, HÀ NAM

 

ĐỀ THI CHỌN HỌC SINH GIỎI LẦN THỨ XII

              Ngày thi: 21/04/2019

 

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM MÔN NGỮ VĂN 10

(Hướng dẫn chấm gồm 3 trang)

 

YÊU CẦU CHUNG

– Học sinh có kiến thức văn học và xã hội chính xác, sâu rộng; kĩ năng làm văn tốt: bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, diễn đạt trong sáng, giàu hình ảnh và cảm xúc.

– Hướng dẫn chấm chỉ nêu những nội dung cơ bản, có tính định hướng chứ không định lượng. Giám khảo cần hết sức linh hoạt khi vận dụng. Cần đánh giá bài làm của thí sinh trong tính chỉnh thể, không đếm ý cho điểm; trân trọng, khuyến khích những bài có cảm xúc và sáng tạo, có ý kiến và giọng điệu riêng; chấp nhận các cách kiến giải khác nhau, kể cả không có trong hướng dẫn chấm nhưng phải hợp lí và có sức thuyết phục.

 

YÊU CẦU CỤ THỂ

            Câu 1 (8,0 điểm)

            1. Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu của bài văn nghị luận xã hội; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; những dẫn chứng thực tế phù hợp; khuyến khích những bài viết sáng tạo.

            2. Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận xã hội, thí sinh có thể trình bày quan điểm cá nhân nhưng cần hợp lí, thuyết phục; dưới đây là một hướng giải quyết:

             a. Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu được vấn đề cần nghị luận                                (0,25 điểm)

             b. Thân bài                                                                                                                         

            * Giải thích                                                                                                          (1,5 điểm)

             Hiệu ứng cánh bướm:

+ Cái đập cánh của con bướm: Hình ảnh thực nói đến những tác động tưởng như không đáng kể, rất nhỏ bé, chỉ khẽ khàng, nhẹ nhàng.

+ Cơn địa chấn ở cách xa nó hàng vạn dặm: Cơn động đất làm rung chuyển một vùng lãnh thổ rộng lớn, gây nứt nẻ, trồi sụt. Đây là hình ảnh diễn tả kết quả do lực đập cánh của loài bướm mang lại dù ở khoảng cách xa: sự thay đổi, chuyển biến mạnh mẽ, lớn lao của cả thế giới xung quanh.

Cú hích cần có: Là bất cứ nhân tố nào tác động làm thay đổi một cách có ý nghĩa hành vi của con người. Có những nhân tố chỉ nhỏ, nhẹ như cái đập cánh của con bướm nhưng lại có tác động rất lớn đến người khác và cả cộng đồng, xã hội, gây ra những cơn địa chấn trong đời sống. Cú hích đôi khi chỉ là một lời nói, một sự động viên, một cử chỉ, hành động…

            * Bàn luận                                                                                                          (5,5 điểm)

            Cuộc sống luôn cần những cú hích. Dù nhỏ nhưng khi được tạo ra đúng thời điểm, phù hợp, những cú hích sẽ có sức mạnh ghê gớm tương đương với cơn địa chấn của đất trời.

Mối quan hệ giữa các nhân tố trong thế giới tự nhiên và cuộc sống con người: Thế giới tự nhiên và cuộc sống con người là một thể thống nhất, hài hòa. Ở đó, các cá thể, mọi nhân tố… đều có tác động qua lại, chịu ảnh hưởng lẫn nhau. Có những tác động bằng mắt thường không thể quan sát được.

Sức mạnh của những cú hích:

+ Tạo lực đẩy, hích, kích, thúc đẩy con người và xã hội tiến bước. Có khả năng lan tỏa những điều tốt đẹp, tạo nên hiệu ứng đám đông tích cực…

+ Những cú hích đẩy nhẹ đúng hướng còn giúp giải phóng nguồn nội lực mạnh mẽ, dẫn đến những quyết định táo bạo, những việc làm phi thường; những bước tiến nhảy vọt, nắm bắt được mọi cơ hội để thành công.

+ Là động lực tiếp thêm niềm tin, nghị lực… để ta không dừng lại, không bỏ cuộc dẫu trước mắt là chông gai, sóng gió.

+ Nếu cuộc sống thiếu những cú hích bao giá trị ta không có cơ hội được biết đến sẽ mãi mãi tồn tại ở dạng tiềm năng. Tuy nhiên, những cú hích có hiệu quả đến đâu còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố…

* Bài học nhận thức và hành động.                                                                   (0,5 điểm)

Bản thân mỗi người hãy biết tạo ra những cú hích và khi có cú hích đến với mình hãy để nó là lực đẩy. Cần trân trọng những điều nhỏ bé nhưng quý giá giúp chúng ta hoàn thiện mình.

c. Kết bài.                                                                                                          (0,25 điểm)

            Câu 2 (12,0 điểm)

            1. Kĩ năng: Đáp ứng đúng yêu cầu một bài văn nghị luận văn học bàn về một vấn đề lí luận; bố cục rõ ràng, hợp lí; lập luận chặt chẽ, giàu sức thuyết phục; dẫn chứng phù hợp làm nổi bật được vấn đề; khuyến khích những bài viết sáng tạo.

            2. Kiến thức: Trên cơ sở hiểu đúng vấn đề, biết cách làm bài nghị luận về một vấn đề lí luận văn học, học sinh có thể trình bày, diễn đạt theo nhiều cách khác nhau song về cơ bản cần có những ý sau:

            a. Mở bài: Dẫn dắt giới thiệu và trích dẫn nguyên văn ý kiến.                         (0,25 điểm)

            b. Thân bài                                                                            

            b.1. Cách hiểu về quan điểm

           * Giải thích                                                                                                           (1,5 điểm)  

            – Nhà văn và người cầm bút nói chung: Chủ thể của những sáng tạo văn chương, người dùng chất liệu ngôn từ, thông qua thế giới hình tượng nghệ thuật để phản ánh, miêu tả thế giới và bộc lộ tư tưởng, tình cảm.

Chỉ viết cho thời đại của mình: Chỉ hướng tới một thời điểm – đương thời. Nói theo ngôn ngữ của Aristotle nghĩa là chỉ biết quan tâm tới những vấn đề của thế giới như nó đang là (Things as they are)                          

Bẻ bút và vứt nó đi: Từ bỏ nghiệp viết, đoạn tuyệt với sáng tác, không xứng đáng làm người dẫn đường đến xứ sở của cái đẹp

→ Victor Hugo đã đặt ra yêu cầu đối với người nghệ sĩ và tác phẩm văn học: Phải biết hướng tới những gì lớn lao, cao cả có ý nghĩa nhiều thời, muôn đời.

            * Cơ sở lí luận                                                                                                          (3,0 điểm)

Người cầm bút trước hết phải viết cho thời đại của mình

+ Đối tượng của văn học: Đối tượng trung tâm của văn học là con người với muôn mặt đời sống.

+ Mối quan hệ giữa văn học với hiện thực, thời đại: Văn học được sinh ra, nuôi dưỡng, đơm hoa kết trái từ mảnh đất hiện thực ngay trong lòng thời đại. Cây văn học phải bám vào mảnh đất hiện thực ấy mà sống và phải vì hiện thực.

+ Người cầm bút: Nghệ sĩ không thể đứng ngoài mà phải bước vào bên trong (Vương Quốc Duy) thời đại, hướng ngòi bút vào thời đại mình. Bằng tầm nhìn, khả năng phát hiện vấn đề, tâm hồn nhạy cảm, tinh tế người cầm bút phải giải phẫu được vấn đề của thời đại đặt ra…

Người cầm bút không thể chỉ viết cho thời đại mình

+ Văn học không giải quyết những vấn đề vụn vặt hàng ngày của đời sống mà thường hướng tới những vấn đề và giá trị vĩnh hằng, cơ bản, chung nhất của đời sống con người như: quyền sống, quyền hưởng hạnh phúc, trách nhiệm của mỗi công dân đối với giang sơn, tổ quốc… Tài nghệ của người cầm bút là phải đặt ra được những vấn đề là mối quan tâm chung của mọi thời đại thậm chí của toàn nhân loại.

+ Khi người nghệ sĩ phản ánh, miêu tả chân thực bức tranh cuộc sống, con người của thời đại mình rồi cất tiếng nói vang vọng đến mai sau sẽ tạo được chỗ đứng, sức sống lâu bền cho tác phẩm, có tác động mạnh mẽ, sâu sắc tới độc giả.

+ Sáng tác là sáng tạo và định hướng. Con người luôn cần một sự định hướng về cái thế giới như nó có thể là và phải là (Things as they might be and ought to be) – Aristotle.

+ Nếu chỉ viết cho một thời điểm, người cầm bút cùng tác phẩm của anh ta sẽ biến mất trong  một tháng hay một năm, rơi vào thứ chủ nghĩa hiện thực tủn mủn, mang tính báo chí vốn đang đi vào ngõ cụt trong sự hoảng loạn không lời (Ayn Rand)…

            b.2. Làm sáng tỏ vấn đề người cầm bút không chỉ “viết cho thời đại của mình” qua một số bài thơ trong chương trình Ngữ văn 10                                                         (6,0 điểm)

           – Đúng giới hạn: Các tác phẩm thơ trong chương trình Ngữ văn 10.

– Đảm bảo số lượng tác phẩm:  chọn được một số tác phẩm hay và đặc sắc

– Đúng, trúng, làm nổi bật được vấn đề:

+ Nhà thơ viết cho thời đại của mình (Ý phụ)

+ Nhà thơ không chỉ viết cho thời đại của mình (Ý chính)

            b.3. Bàn luận mở rộng và ý nghĩa vấn đề đối với người sáng tác, người đọc (1,0 điểm)

            c. Kết bài                                                                                                                (0,25 điểm)

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *