Đọc hiểu, Viết bài văn thuyết minh về truyện ngắn “Đứa con người vợ lẽ” của Kim Lân

Đề thi khối 11

ĐỌC HIỂU (5,0 điểm): Đọc văn bản sau:

ĐỨA CON NGƯỜI VỢ LẼ  (Kim Lân)

(Tóm tắt đoạn đầu: Mẹ đi vắng, đã hai hôm nay Tư chưa có một hạt cơm nào vào bụng. Tư là con vợ ba. Cha anh hơn mẹ anh đến ba mươi tuổi. Họ lấy nhau không phải vì tình yêu mà chỉ cốt để có người làm việc đồng áng cho gia đình. Vì là con người vợ lẽ nên cả Tư và mẹ đều không được gia đình coi trọng.  Cha mất, Tư phải thôi học ở nhà. Hai mẹ con Tư lâm vào cảnh thất nghiệp, cuộc sống khó khăn, khốn khổ. Bất đắc dĩ phải đóng vai kẻ ăn bám. Trong cơn đói vì hai ngày chỉ uống nước cầm hơi, Tư bứt rứt khó chịu khi ý thức mình chỉ là con vợ lẽ, một thằng thừa trong gia đình.)

[…]

Trời đã về chiều, ánh nắng nhạt dần, lùi ra gần hết mặt sân. Mặt trời chếch là là xuống sau nhà, những cây cối ngả bóng trên mái. Thỉnh thoảng những bóng cây có giọt nắng rọi qua lại rung động lên vì gió. Mặt ao trong vườn gợn sóng, nổi giạt những váng ngầu về một góc. Trên cầu tre, một cô gái đang vo gạo, làm sóng sánh những ánh vàng của mặt trời rớt trên các đầu sóng. Mấy mái nhà tranh xám nhô ra khỏi bụi chuối lá óng như lụa, đang thong thả bốc khói. Những làn khói lặng lẽ bốc lên dật dờ bay theo gió, in trên nền trời xanh ngắt một nét nhẹ nhàng, thanh thoát. Cảnh đẹp như mỉa mai Tư. Anh ngồi phệt xuống đất, lưng dựa vào bức tường vàng sạm vì khói ám. Mặt lờ đờ nhìn làn khói xám vơ vẩn bốc lên trời. Tai nghe tiếng vo gạo sàn sạt trên rá ngoài cầu ao. Tâm trí anh xáo động lên, anh nghĩ đến bữa cơm nhà hàng xóm. Anh ngao ngán nhìn cái bếp lạnh lẽo của nhà, mấy ông đầu rau đen chũi, ngồi lặng lẽ như than thầm với nhau. Nước mắt anh trào ra âm thầm lăn trên gò má.

Trên nhà, ông Cả (anh cùng cha khác mẹ của Tư) vùng thức dậy. Ông vươn vai, bẻ khục, vặn mình kêu răng rắc. Ông vừa ngáp vừa gọi:

– Tư ơi?

– Dạ.

– Thoáng cái là lỉnh. Thoáng cái là lỉnh thôi.

Tư gượng gạo đứng lên, lệt xệt bước lên trên nhà. Ông Cả vứt một hào ra bàn, dịu giọng:

– Đi mua một hào phở?

– Vâng.

– Đem bát nhà đi.

– Vâng.

Tư thất thểu lê bước. Tay bưng có bát phở mà mỏi rã rời. Khói bốc lên nghi ngút. Anh thèm quá. Trông những bánh tráng trắng phau mềm rẻo, ẩn hiện trong nước dùng váng sao, những miếng thịt bò mỏng tang xếp gọn ghẽ, những hành, mùi, hồ tiêu rắc lên trên, thơm ngào ngạt phả mãi vào mũi anh. Con tỳ con vị như thức dậy, bụng sôi sùng sục, vần lên chuyển xuống. Nước bọt cứ ứa mãi ra, anh ao ước được một bát.

Tư đặt bát phở lên bàn cho anh, rồi lặng lẽ ra ngoài thềm. Ông Cả vừa ăn vừa cắm cáu gắt:

– Gớm! Phở! Ăn rẳng như đấm vào họng!

Tư se sẽ nuốt nước bọt. Thật là mỉa mai. Ăn xong, buông đũa buông bát, ông Cả vội vã cắp cặp ra đi, ông còn cay mấy hội bạch cược hôm qua.

Ông Cả đi rồi. Tư cũng chẳng buồn ra đóng cửa. Anh định đem bát ra chậu ngâm, nhưng lại thôi, là vì anh thấy còn đến lưng bát nước dùng ăn thừa. Lúc khác ai còn giữ lại làm gì? Nhưng lúc này… Tư đưa “bát phở” lên mũi ngửi, mùi thơm ngào ngạt bốc lên. Anh nếm một ngụm chèm chẹp miệng. Trời ơi sao mà ngon thế! Anh ước ao giá mà được một bát cơm nguội trộn ăn thì phải biết? Nghĩ đến cơm nguội, anh lại nhớ đến một hôm, cũng đói như hôm nay. Thân, bạn chí thiết của anh, đến chơi nèo mãi anh về nhà. Rồi mời anh:

– Nhà đi vắng cả, chỗ anh em với nhau, tôi nói thật: anh ở đây ăn cơm nguội – cơm nguội thôi – với tôi cho vui nhé.

Cái bữa cơm nguội với cà ấy sao mà ngon thế! Tư còn nhớ mãi, có lẽ suốt đời: Tư so sánh ông Cả với Thân. Nỗi căm hờn nổi dậy trong lòng. Hai mắt anh quắc lên một cách dữ dội. Anh nghiến răng ném mạnh “bát phở” ra sân. Tiếng bát vỡ làm cho lòng anh dịu. Anh bật cười thấy mình vô lý và thấy tiêng tiếc. Tư thấy mỏi rã rời. Toàn thân run lên. Anh nằm lả xuống.

Chiều tàn đã lâu. Cảnh vật thẫm lại. Gió khua lá lao xao. Những lùm cây đen thẫm lắc lư trên nền trời sẫm đục.

[…]

(Lược đoạn cuối: Thân đến chơi. Trong căn nhà tối om, Tư đói và mệt nằm rũ trên ghế. Thân mang đến cho Tư gói hạt mít, Tư muốn dành lại cho mẹ một nửa. Trong bóng tối, Tư nhai hạt mít trong im lặng và nghĩ đến tương lai mờ mịt của đứa con người vợ lẽ.)

(Trích Đứa con người vợ lẽ, Kim Lân, Tổng tập văn học Việt Nam, Tập 33, NXB Khoa học xã hội, tr.475 – 476)

Chú thích:

Nhà văn Kim Lân (1920-2007) tên thật là Nguyễn Văn Tài, quê ở làng Phù Lưu, xã Tân Hồng, huyện Từ Sơn (sau thuộc phường Đông Ngàn, thị xã Từ Sơn), tỉnh Bắc Ninh. Kim Lân bắt đầu viết truyện ngắn từ năm 1941. Năm 1942, Kim Lân trình làng truyện Đứa con người vợ lẽ trên tuần báo Trung Bắc chủ nhật và từ đó hàng loạt tác phẩm Đứa con người cô đầu, Người kép già, Nên vợ nên chồng, … xuất hiện đều đặn trên báo Tiểu thuyết thứ Bảy Trung Bắc chủ nhật, tạo được sự chú ý của độc giả.  Đóng góp văn học nổi bật nhất của Kim Lân thể hiện ở lĩnh vực truyện ngắn. Ông viết không nhiều nhưng những tác phẩm của ông để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng người đọc đặc biệt ở mảng đề tài người nông dân và nông thôn Bắc bộ; với cách kể chuyện tự nhiên, hồn hậu, hóm hỉnh; cách tái hiện sinh động ngôn ngữ giao tiếp đời thường của người bình dân; cách gợi lên không gian văn hóa – lịch sử của những câu chuyện tưởng chừng bé nhỏ…. Các tác phẩm chính của ông: Nên vợ nên chồng (tập truyện ngắn, 1995), Con chó xấu xí (tập truyện ngắn, 1962), Tuyển tập Kim Lân (1996). Năm 2021, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật.

Trả lời câu hỏi:

Câu 1. Xác định ngôi kể trong đoạn trích?

Câu 2. Chỉ ra những chi tiết thể hiện tâm trạng đau đớn, bất lực vì đói của Tư dù cảnh chiều rất đẹp?

Câu 3: Nhận xét về điểm nhìn nghệ thuật của tác phẩm.

Câu 4. Hình ảnh bát phở được khắc họa trong đoạn trích có ý nghĩa gì?

Câu 5. Theo anh/chị, vì sao chỉ một bữa cơm nguội với cà cùng ăn với Thân mà Tư lại thấy ngon, thấy nhớ mãi?

Câu 6. Từ những hành động của nhân vật Thân  trong truyện ngắn trên, anh chị có suy nghĩ gì về ý nghĩa của sự đồng cảm, sẻ chia trong cuộc sống. (Trả lời bằng đoạn văn từ 5 đến 7 câu)

  1. LÀM VĂN (5,0 điểm)

Viết bài văn thuyết minh về truyện ngắn “Đứa con người vợ lẽ” của Kim Lân

 

 

 

ĐỀ KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II NĂM HỌC 2023-2024

ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

Môn: Ngữ văn, Lớp: 11

(Đáp án và hướng dẫn chấm gồm  03 trang)

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 5,0
  1 Ngôi kể trong đoạn trích: Ngôi kể thứ 3

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

0,5
2 Những chi tiết thể hiện tâm trạng đau đớn, bất lực vì đói của Tư, dù cảnh chiều rất đẹp:

+ Anh ngồi phệt xuống đất, lưng dựa vào bức tường vàng sạm vì khói ám.

+ Mặt lờ đờ nhìn làn khói xám vơ vẩn bốc lên trời.

+ Tai nghe tiếng vo gạo sàn sạt trên rá ngoài cầu ao.

+  Tâm trí anh xáo động lên, anh nghĩ đến bữa cơm nhà hàng xóm.

+ Anh ngao ngán nhìn cái bếp lạnh lẽo của nhà, mấy ông đầu rau đen chũi, ngồi lặng lẽ như than thầm với nhau.

+ Nước mắt anh trào ra âm thầm lăn trên gò má.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm.

– Học sinh trả lời từ 2-3 ý: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
3 – Truyện được kể từ nhiều điểm nhìn:

+ Điểm nhìn của người kể chuyện

+ Điểm nhìn của nhân vật Tư.

– Nhận xét: Tác phẩm có điểm nhìn trần thuật khá linh hoạt. Từ đó  tạo nên sự chân thật, tự nhiên cho lối kể và tạo nên tính đối thoại của tác phẩm, đặt người đọc vào vai trò chủ động trong việc diễn giải và đánh giá

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1,0 điểm

– Học sinh trả lời được 01 ý theo đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời không đúng hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
4 Hình ảnh bát phở được khắc họa trong đoạn trích có ý nghĩa:

+ Thể hiện tình cảnh khốn khổ của nhân vật Tư (bị ghẻ lạnh, bị nghèo đói đến mức bát phở là cả niềm mơ ước, bát nước dùng ăn thừa một ngụm cũng thấy ngon).

+ Là hiện thân cho lối sống lạnh lùng, vô cảm của nhân vật người anh (không quan tâm em, chỉ mua một bát, ăn mà không chia sẻ).

+ Tạo tình huống cho truyện, giúp nhân vật bộc lộ diễn biến tâm lý, lối sống, tính cách và đồng thời thúc đẩy cốt truyện phát triển.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1.0 điểm.

– Học sinh trả lời 2 ý trong đáp án : 0,75 điểm

– Học sinh trả lời được 1 ý trong đáp án: 0,5 điểm

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
5 Chỉ một bữa cơm nguội với cà mà Tư lại thấy ngon, thấy nhớ mãi vì:

+ Đó là món ăn giản dị nhưng lại vô cùng quý giá với người đang đau đớn khổ sở vì quá đói như Tư.

+ Đó là biểu tượng của tình yêu thương mà đứa con người vợ lẽ bị ghẻ lạnh luôn khát khao, mong ước.

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh trả lời tương đương như đáp án: 1.0 điểm.

– Học sinh trả lời được 01 ý so với đáp án: 0,5 điểm.

– Học sinh trả lời sai hoặc không trả lời: 0,0 điểm.

1,0
6  Học sinh có thể triển khai vấn đề theo cách khác nhau nhưng cần nêu được ý nghĩa của sự đồng cảm, sẻ chia trong cuộc sống. Sau đây là một số gợi ý:

– Đồng cảm và sẻ chia là một hành động tốt đẹp, đáng trân trọng, trong xã hội.

– Đồng cảm và sẻ chia sẽ tạo ra mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người

– Đồng cảm, sẻ chia giúp cho cả người sẻ chia và người được sẻ chia cảm thấy hạnh phúc

– Hãy đồng cảm và chia sẻ để giúp những người xung quanh có cuộc sống vui vẻ, viên mãn hơn. Đồng thời phát huy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái tốt đẹp trong truyền thống của dân tộc.

Hướng dẫn chấm:

Học sinh nêu rõ thái độ, lí giải thuyết phục, hợp lí: 0,5 điểm

Học sinh nêu rõ thái độ, không lí giải/ lí giải lan man, không mạch lạc: 0,25 điểm

Học sinh không trả lời/ trả lời sai: 0,0 điểm

0,5
II   VIẾT 5,0
  a. Đảm bảo cấu trúc bài văn thuyết minh

Mở bài giới thiệu được về đối tượng thuyết minh, thân bài triển khai được nội dung thuyết minh về tác phẩm, kết bài khẳng định được vị trí của tác phẩm

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh đảm bảo hình thức bài văn: 0,5 điểm.

– Học sinh viết đoạn văn: 0,0 điểm.

0,5
  b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận:

Thuyết minh về tác phẩm “Đứa con người vợi lẽ” của Kim Lân

Hướng dẫn chấm:

– Học sinh xác định đúng vấn đề cần nghị luận: 0,5 điểm.

– Học sinh xác định chưa đúng vấn đề cần nghị luận: 0,0 điểm.

0,5
  c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

– Học sinh có thể triển khai theo nhiều cách, nhưng cần vận dụng tốt các thao tác thuyết minh, kết hợp chặt chẽ giữa các yếu tố thuyết minh, tự sự, miêu tả..

– Dưới đây là một vài gợi ý cần hướng tới:

3.0
  * Mở bài: Giới thiệu chung về tác phẩm

* Thân bài:

Giới thiệu khái quát về tác giả: tiểu sử, sự nghiệp sáng tác…..

Nêu được hoàn cảnh sáng tác, đặc điểm thể loại, tóm tắt được nội dung tác phẩm:

+ Đứa con người vợ lẽ là truyện ngắn  của nhà văn Kim Lân, sáng tác năm 1942.

+ Thể loại truyện ngắn: Là thể loại tự sự cỡ nhỏ, thường chỉ xoay quanh một, hai tình huống diễn ra trong khoảng thời gian không gian hạn chế; đòi hỏi sự chắt lọc dồn nén của các chi tiết và việc vận dụng bút pháp chấm phá trong trần thuật.

+ Tóm tắt tác phẩm: Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính là Tư – con một người vợ lẽ luôn bị các thành viên trong gia đình ghẻ lạnh. Đã 2 ngày chưa có hạt cơm nào vào bụng. Trong khi người anh Cả thản nhiên ăn bát phở mà không chú ý gì đến người em đang đói khát. Thấy bát nước phở còn thừa mà người anh ăn còn dở lại, Tư đã đấu tranh giữa cái đói và cái tôi của mình và anh quyết định thà chết đói chứ vẫn phải giữ lại phẩm hạnh của một con người. Tới tối, anh Thân là bạn thân của Tư sang thăm bạn. Tuy chỉ là món ăn bình dị, dân giã như hạt mít nhưng cũng đủ để khiến Tư cảm thấy ngon miệng, cảm thấy được an ủi.

Nêu được thông tin cơ bản về giá trị nội dung và nghệ thuật của tác phẩm

+ Giá trị nội dung: Tác phẩm mang giá trị hiện thực và nhân đạo sâu sắc.

Ø  Tác phẩm cho thấy cuộc sống nghèo đói, bi đát của con người khi bị rơi vào cảnh là con thừa, con người vợ lẽ

Ø  Tác phẩm cũng đề cao phẩm chất của con người, tình yêu thương, sự sẻ chia giữa những người nghèo khổ

+ Giá trị nghệ thuật: Tình huống truyện đơn giản, điểm nhìn linh hoạt, miêu tả tâm lí nhân vật tài tình…..

* Kết bài

– Khẳng định vị trí, đóng góp của tác phẩm đối với đời sống văn học

Hướng dẫn chấm:

– Phân tích đầy đủ, sâu sắc: 3,0 điểm.

– Phân tích chưa đầy đủ hoặc chưa sâu: 1,5 điểm – 2,5 điểm.

– Phân tích chung chung, sơ sài: 0,25 điểm – 1,25 điểm.  

Không phân tích hoặc phân tích sai: 0,0 điểm    .

  d. Chính tả, ngữ pháp

Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp Tiếng Việt.

Hướng dẫn chấm: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,5
  e. Sáng tạo:

Học sinh có cách diễn đạt hay, độc đáo,  mới mẻ.

0,5
Tổng điểm 10

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *