Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 11 năm 2019 – Chuyên Vĩnh Phúc

Đề thi khối 11
SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

TRƯỜNG THPT CHUYÊN VĨNH PHÚC

ĐỀ ĐỀ XUẤT DUYÊN HẢI VÀ ĐBBB

Năm học 2018-2019

Môn: Ngữ văn – Lớp 11

(Thời gian làm bài 180’)

—————————-

Câu 1 (8 điểm):

Có một gã khổng lồ đang say ngủ trong mỗi con người. Khi gã khổng lồ đó thức giấc, những phép màu sẽ xảy ra”- Frederick Faust.

(Trích “Ba người thầy vĩ đại”, Robin Sharma, Nguyễn Xuân Hồng dịch, Nxb Lao động, 2017, tr.127)

Anh/ Chị hãy viết một bài văn nghị luận về “một gã khổng lồ” theo quan điểm của chính mình.

Câu 2 (12 điểm):

Trong tập tiểu luận, phê bình “Giăng lưới bắt chim”(NXB Trẻ, 2016, tr.17), Nguyễn Huy Thiệp cho rằng:

“Tác phẩm dù hay ho đến đâu đi chăng nữa, nhà văn cũng sẽ hiện ra trước mắt chúng ta như một người nông nổi, một người nông nổi hết sức đáng thương, một kẻ bất hạnh- nhưng tốt bụng”.

Anh/ Chị hãy bình luận ý kiến trên và làm sáng tỏ qua một số tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn lớp 11.

————– Hết —————

 

SỞ GD&ĐT VĨNH PHÚC

 TRƯỜNG THPT CHUYÊN VĨNH PHÚC

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ ĐỀ XUẤT DUYÊN HẢI VÀ ĐBBB

Năm học 2018-2019

Môn: Ngữ văn – Lớp 11

—————————-

 

  1. YÊU CẦU CHUNG

– Giám khảo cần nắm được nội dung trình bày trong bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm. Vận dụng linh hoạt hướng dẫn chấm, sử dụng nhiều mức điểm một cách hợp lí, khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo.

– Học sinh có thể làm bài theo nhiều cách nhưng nếu đáp ứng những yêu cầu cơ bản của đề, diễn đạt tốt vẫn cho điểm tối đa.

– Điểm bài thi làm tròn đến 0,25 điểm.

  1. YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1 (8,0 điểm)

  1. Về kĩ năng:

– Biết cách làm bài văn nghị luận về một vấn đề xã hội, bố cục rõ ràng, lập luận chặt chẽ, vận dụng tốt các thao tác lập luận, dẫn chứng tiêu biểu, chọn lọc.

– Bài viết trong sáng, mạch lạc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

b.Về kiến thức:

– Học sinh có thể bày tỏ những suy nghĩ  khác nhau về “một gã khổng lồ” trong mỗi con người: đó có thể là sự sáng tạo, sự dũng cảm, sự chủ động dấn thân, sự tự tin, sự quyết liệt theo đuổi mục tiêu… Khi một trong những phẩm chất này được đánh thức, con người có thể làm được nhiều điều kì diệu.

 

 

Ý Nội dung Điểm
1 Giải thích 1,0
  Một gã khổng lồ đang say ngủ: cách diễn đạt hình ảnh chỉ một trong những phẩm chất tiềm ẩn trong mỗi con người như: sự sáng tạo, sự dũng cảm, sự chủ động dấn thân, sự tự tin, sự quyết liệt theo đuổi mục tiêu, tình yêu thương…

Khi gã khổng lồ đó thức giấc, những phép màu sẽ xảy ra: khi một trong những phẩm chất tiềm ẩn trên được bộc lộ, con người có khả năng làm được nhiều điều kì diệu, phi thường, làm thay đổi chính bản thân mình và thay đổi cuộc sống xung quanh.

(Học sinh cần chọn và chốt lại về “gã khổng lồ” theo quan điểm của cá nhân, giám khảo sẽ đánh giá được học sinh đang mong muốn, khao khát có được và đánh thức được phẩm chất nào trong mình)

 
2 Bàn luậnHọc sinh cần chọn lấy một phẩm chất (một gã khổng lồ) còn tiềm ẩn trong mỗi con người để bàn luận. VD: sự dũng cảm dám chấp nhận thử thách. 5,0
  – Cuộc sống của mỗi người luôn có nhiều khó khăn, thử thách: có người sinh ra trong gia đình nghèo khó, lại có kẻ mồ côi, người thì phải đi học xa nhà, người lại hay gặp cảnh “học tài thi phận”, lận đận công danh sự nghiệp… Vô vàn khó khăn thử thách luôn đặt ra cho mỗi người trong mỗi giai đoạn cuộc đời.

– Trước mỗi khó khăn thử thách, đôi khi chúng ta hèn nhát không dám đối diện và vươn lên. Lúc đó có “một gã khổng lồ” đang say ngủ đó là sự dũng cảm dám đối diện và vượt qua khó khăn thử thách. Chúng ta phải đánh thức phẩm chất tiềm ẩn đó (chứ không để sự hèn nhát chi phối cuộc đời) bằng cách: học hỏi những người xung quanh, tìm những người cùng chí hướng để luôn được khích lệ và động viên, quyết tâm hành động…

– Khi sự dũng cảm được đánh thức, có nhiều phép màu xảy ra, con người có thể làm được nhiều điều kì diệu:

+ trở thành một con người hoàn toàn mới mẻ: từ nhút nhát rụt rè và luôn sợ hãi trở thành người dũng cảm.

+ dám đương đầu mọi khó khăn thử thách, làm nên nhiều kỳ tích trong học hành, thi cử, thậm chí trở thành những người nổi tiếng.

+ họ không chỉ giúp được chính mình mà còn giúp được nhiều người khác trở nên dũng cảm, mạnh mẽ như mình, lan tỏa lối sống tốt đẹp ra cả xã hội, sang các quốc gia khác…

(Lưu ý:

Học sinh cần kết hợp được lí lẽ với các dẫn chứng tiêu biểu để làm sáng tỏ vấn đề.

-Vì đây là dạng đề mở, nên học sinh có thể lựa chọn các phẩm chất khác. Tuy nhiên ở phần bàn luận, học sinh cần làm rõ được vấn đề trọng tâm: phẩm chất tiềm ẩn ấy khi được đánh thức, con người có thể làm được những điều kì diệu gì?)

 
3 Bài học nhận thức và hành động 2,0
  – Để hiểu được phẩm chất tiềm ẩn của mình, mỗi người cẫn nỗ lực nhìn lại chính mình, cố gắng hiểu mình, tự trả lời câu hỏi: mình là ai? mình có điểm mạnh điểm yếu gì?, mình cần làm gì để sống tốt hơn?

– Việc hiểu được những phẩm chất tiềm ẩn trong mỗi con người khiến chúng ta có cách nhìn nhận đánh giá người khác một cách toàn diện, biết trân trọng cá tính của từng người, biết khơi dậy điều tốt đẹp của những người xung quanh.

 

 

Câu 2 (12,0 điểm)

  1. Về kĩ năng:

– Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận.

– Biết cách phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận.

– Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

  1. Về kiến thức:

– Học sinh hiểu đúng nhận định, lựa chọn được những tác phẩm tiêu biểu trong chương trình Ngữ văn lớp 11 để làm rõ ý kiến của nhà văn, nhà phê bình văn học Nguyễn Huy Thiệp. Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo những ý cơ bản sau:

Ý Nội dung Điểm
1 Giải thích nhận định: 2,0
  – Nguyễn Huy Thiệp là nhà văn đương đại Việt Nam với nhiều góc nhìn mới mẻ, táo bạo trong sáng tác văn chương và trong lý luận phê bình văn học.

– Bằng những trải nghiệm sâu sắc về nghệ thuật và hiểu rõ những dấu ấn cá nhân của nhà văn trong sáng tác, ông cho rằng: “Tác phẩm dù hay ho đến đâu đi chăng nữa, nhà văn cũng sẽ hiện ra trước mắt chúng ta như một người nông nổi, một người nông nổi hết sức đáng thương, một kẻ bất hạnh- nhưng tốt bụng”.

=> Câu nói đã khái quát vấn đề về dấu ấn riêng của nhà văn, phong cách nghệ thuật độc đáo của nhà văn trong tác phẩm. Mỗi sáng tác văn học là sự ghi dấu cái tôi cá nhân của người nghệ sĩ với những rung cảm thẩm mĩ sâu sắc.

 
2. Bàn luận, chứng minh: 8,0
a, Bàn luận: 2,0
  – Tác phẩm văn học không chỉ phản ánh hiện thực đời sống, mà còn là nơi ghi lại dấu ấn, gương mặt riêng của tác giả. Bởi mỗi sáng tác đều là “con đẻ tinh thần” của người nghệ sĩ.

– Mỗi nhà văn đều có một thế giới nội tâm và tinh thần riêng. Thế giới đó rất giàu cảm xúc, nhiều góc khuất, đó là sự nông nổi, đáng thương, bất hạnh… Thế giới tinh thần đó có cơ sở từ truyền thống văn hóa của quê hương, nếp sống của gia đình và cá tính riêng của mỗi nhà văn (VD: Nguyên Hồng nhạy cảm, hay khóc; Nam Cao trăn trở suy tư; Nguyễn Tuân ngang tàng, ngông…).

– Nhưng dù có nhiều tâm sự, nhiều cá tính, họ đều là những người nghệ sĩ “tốt bụng”- có tấm lòng thiên lương, trong sáng, sáng tác văn học để giãi bày, để chia sẻ, để thể hiện quan điểm về cái đẹp, để bảo vệ lẽ phải, để cất tiếng thay cho những con người cùng đường tuyệt lộ…

→ Quan điểm của Nguyễn Huy Thiệp cho ta nhận diện được gương mặt cá nhân, dấu ấn và cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật riêng của mỗi người nghệ sĩ.

 
b, Chọn một vài tác phẩm trong chương trình Ngữ văn 11 để làm sáng tỏ (học sinh có thể lấy các dẫn chứng khác nhau nhưng phải phân tích được gương mặt cá nhân, dấu ấn và cá tính sáng tạo, phong cách nghệ thuật riêng của mỗi người nghệ sĩ. Dưới đây chỉ là một số gợi ý): 6,0
   Vội vàng- Xuân Diệu:

Xuân Diệu hiện ra trước mắt người đọc với một cái tôi nông nổi, bồng bột, nhìn đời bằng cặp mắt “xanh non biếc rờn”, đắm say vồ vập tận hưởng mọi khoảnh khắc và vẻ đẹp trần thế.

– Xuân Diệu cũng ghi lại dấu ấn cá nhân trong bài thơ với một cái tôi buồn bã, tiếc thương trước sự trôi chảy của thời gian.

– Đứng trước khoảng thời gian luôn chảy trôi và quy luật phai tàn của vạn vật, Xuân Diệu vẫn lạc quan với triết lí sống giục giã, sống vội vàng, muốn “ôm”, “riết”, “say”, “thâu”, “cắn”… mọi thanh sắc của cuộc đời

=> nhà thơ đã ghi dấu ấn cảm xúc thẩm mĩ, con người của mình trong sáng tác văn chương.

* Đây thôn Vĩ Dạ- Hàn Mặc Tử

– Sự nông nổi, đáng thương, bất hạnh của cái tôi Hàn Mặc Tử trong bài thơ là những cảm xúc chân thành, tha thiết trước cảnh khu vườn thôn Vĩ và có mặc cảm chia lìa, dự cảm về cái chết.

– Tuy nhiên hồn thơ Hàn Mặc Tử vẫn ghi dấu ấn riêng ở khát khao tình đời, tình người. Trong nỗi đau thể xác và tinh thần, nhà thơ vẫn hướng về sự sống với một tấm lòng yêu thương và tràn đầy hi vọng.

* Hai đứa trẻ- Thạch Lam

– Trên trang văn, Thạch Lam hiện lên là một người nghệ sĩ từ cuộc đời và những tâm sự “đáng thương” của mình, có những đồng cảm và suy tư sâu sắc trước cuộc sống nghèo khổ của những con người nơi phố huyện tăm tối.

– Trong tác phẩm, Thạch Lam thể hiện một cái tôi “tốt bụng”, đôn hậu và nhạy cảm, nhìn thấy được “ánh sáng” tiềm ẩn bên trong những con người nhỏ bé: lòng trắc ẩn của Liên, tâm hồn ngây thơ của An, sự ngóng đợi những đổi thay sắp tới của gia đình bác Xẩm, bác phở Siêu, mẹ con chị Tí, khát vọng hướng tới ánh sáng và tương lai (qua cảnh đợi tàu).

*Chữ người tử tù- Nguyễn Tuân

Cái tôi của Nguyễn Tuân trên trang văn đầy sự ngang tàng (thể hiện qua khí phách và bản lĩnh của Huấn Cao).

– Cái tôi của Nguyễn Tuân luôn trăn trở khao khát và hướng về cái Đẹp, cái Thiện (thể hiện qua cảnh cho chữ và cái vái lạy của quản ngục).

(Lưu ý: Trong quá trình phân tích dấu ấn cá nhân của người nghệ sĩ trong mỗi tác phẩm, học sinh phải phân tích được những phương tiện nghệ thuật để thể hiện cái tôi cá nhân, phong cách riêng của nhà văn)

 
3. Đánh giá, tổng kết: 2,0
  – Ở những tác phẩm văn học hay, có giá trị, nhà văn phải là người phơi trải và thể hiện hết con người của mình lên trang giấy (ở mọi góc độ vui buồn, mọi góc khuất của cảm xúc, suy nghĩ). Đó là quá trình người nghệ sĩ “như con tằm rút ruột nhả tơ”, giãi bày lòng mình, tái hiện mình trên trang viết.

– Những rung động thẩm mĩ là cần thiết trong sáng tạo nghệ thuật, tuy nhiên nhà văn còn phải là người có tài năng thật sự thì dấu ấn, cái tôi, gương mặt mình mới thật sự “đóng dấu triện” riêng, mới để lại “dạng vân chữ” (chữ dùng của Lê Đạt) trong sáng tác.

=>  Một tác phẩm văn học chân chính cần có dấu ấn cá nhân độc đáo.

– Tiếp nhận văn học phải là quá trình bạn đọc ghi nhớ được gương mặt riêng của mỗi nhà văn. Một nền văn học lớn là nền văn học có nhiều cá tính sáng tạo.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *