Đề thi chọn đội tuyển học sinh giỏi văn lớp 11 bài Hai đứa trẻ

Đề thi khối 11
SỞ GD&ĐT THANH HÓÁ

TRƯỜNG THPT LANG CHÁNH

ĐỀ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH

NĂM HỌC :2017 – 2018

Môn : Ngữ văn – Khối 11

( Thời gian làm bài 180 phút)

 

 

Câu 1 (8.0 điểm)

 

Xung quanh vấn đề tự do, Ông Giản Tư Trung – Viện trưởng Viện nghiên cứu và phát triển giáo dục IRED đã từng khẳng định:

“Tự do không có văn hoá là thứ tự do hoang dã”.

                                                          (Báo Lao Động, Thứ 5 ngày 17/07/2013)

Là một người trẻ tuổi, anh (chị) có suy nghĩ gì về câu nói trên?

Câu 2 (12.0 điểm)

 

Nói về Thạch Lam, SGK Ngữ văn 11,tập 1 có nhận định :

Mỗi truyện ngắn của Thạch Lam như một bài thơ trữ tình, giọng điệu điềm đạm nhưng chứa đựng biết bao tình cảm mến yêu chân thành và sự nhạy cảm của tác giả trước những biến thái của cảnh vật và lòng người. Văn Thạch Lam trong sáng, giản dị mà sâu sắc”.

Anh / chị hãy làm rõ nhận định trên qua truyện ngắn “Hai đứa trẻ” của nhà văn Thạch Lam.

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu 1 (8.0)Xác định yêu cầu của đề

–         Nội dung: Bàn về tự do với những biểu hiện trái chiều của nó.

–         Thao tác lập luận: giải thích, phân tích, bình luận, bác bỏ.

  1. Gợi ý dàn bài

2.1. Mở bài

– Dẫn dắt vấn đề

– Giới thiệu vấn đề cần nghị luận

2.2. Thân bài

2.2.1. Giải thích

-“Tự do”: Thoát khỏi/không bị ràng buộc, giải phóng cá nhân và xã hội ra khỏi những khuôn khổ nhất định. Tiến trình phát triển của loài người là đi từ tự do hoang dã tới tự do trong một xã hội văn minh.

-“Văn hoá”:

+ nghĩa hẹp: bản sắc,phong tục tập quán của một vùng, miền.

+ nghĩa rộng: hiểu biết về trật tự xã hội, ứng xử văn minh, làm cho trí tuệ, tâm hồn con người trở nên đẹp hơn, xa rời cái tự nhiên hỗn mang.

Câu nói trên dùng khái niệm theo nghĩa này, nhưng ở thể phủ định, để nói đến vấn đề tự do nhưng không hiểu biết, không văn minh, không làm cho mỗi cá nhân và xã hội trở nên tốt đẹp hơn.

– “Tự do hoang dã”: tự do thời nguyên thuỷ, hay là sự tự do của cái hỗn mang trong nhận thức và tri thức.

→ Tóm lại, câu nói của ông Giản Tư Trung nhấn mạnh cách hiểu lệch lạc về tự do khi tách nó xa khỏi những trật tự và ý thức văn hoá.

2.2.2 Bình luận

– Nhận định trên là đúng, bởi tự do cần hiểu và phân biệt theo hai khía cạnh: Tự do có văn hoá và tự do không có văn hoá (hoang dã), trong đó:

+ Tự do có văn hoá: Niềm mơ ước, đích phấn đấu của loài người, là tiêu chuẩn đề đánh giá sự tiến bộ của xã hội (loài người tạo ra máy móc để giải phóng sức lao động, loài người đấu tranh dành tự do cho dân tộc, cho mỗi cá nhân). Như thế, tự do có văn hoá là một giá trị lớn.

+ Tự do hoang dã: rũ bỏ mọi ràng buộc và giới hạn, trật tự. Nếu không có bản lĩnh đúng đắn, tự do hoang dã sẽ kéo con người đi ngược/ đi lùi lại với văn minh  nhân loại.

– Trong xã hội, có một bộ phận thiếu bản lĩnh và tri thức, đã theo đuổi tự do cá nhân tuyệt đối, tự do hoang dã của bản năng, không tôn trọng mọi người xung quanh, đi ngược lại đạo đức và thẩm mĩ xã hội. (Ví dụ:trong văn hoá: cách ăn mặc phản cảm, phát ngôn thiếu suy nghĩ; trong pháp luật: những vụ giết người, cướp của, tham nhũng… đều xuất phát từ sự tự do thiếu kiểm soát của lí trí này).

– Tự do hoang dã không chỉ gây phản cảm mà còn ảnh hưởng đến quyền tự do, quyền sống của những người xung quanh.

2.2.3 Bàn luận mở rộng

Suy nghĩ về lối sống tự do hoang dã của một bộ phận giới trẻ hiện nay:

– Nguyên nhân của lối tư duy “tự do hoang dã”:

+ Sự ích kỉ cá nhân.

+ Phong trào hô hào tự do cá nhân, “sống thật” của một bộ phận giới trẻ khi chưa đủ bản lĩnh và tri thức, chưa có căn cốt đạo đức để nhận diện trách nhiệm của cá nhân trong xã hội.

+ Giáo dục thiếu căn bản, chưa đi vào chiều sâu, chưa quan tâm đến ý thức, thái độ, kĩ năng sống cho học sinh.

+ Xã hội sống chưa thật lành mạnh để định hướng ý thức cho mỗi cá nhân.

– Phương hướng khắc phục

+ Giáo dục: chú trọng giáo dục nhân cách, tạo nền tảng văn hoá xã hội lành mạnh cho thế hệ trẻ.

+ Mỗi cá nhân vẫn phát huy bản sắc cá nhân, song sống sâu sắc, suy nghĩ có trách nhiệm: trách nhiệm cá nhân trong xã hội: sống lương thiện, làm đúng và làm tốt vị trí của mình.

     2.3. Kết luận  Rút ra bài học, liên hệ bản thân.

Câu 2(12.0)

  1. Yêu cầu về kĩ năng: học sinh cần có kĩ năng viết một bài văn nghị luận về một ý kiến bàn về văn học, kĩ năng viết câu, dựng đoạn, diễn đạt rõ ràng, ít mắc các lỗi dùng từ, đặt câu…
  2. Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể làm theo nhiều cách khác nhau, tuy nhiên, bài viết cần đảm bảo những ý chính sau đây :
  3. Về tác giả, Thạch Lam là cây bút truyện ngắn xuất sắc của Tự lực văn đoàn ở giai đoạn 1930 – 1945. Truyện ngắn Thạch Lam có phong cách đặc sắc (như nhận định nêu ở đề bài).
  4. Hai đứa trẻ” (in trong tập “Nắng trong vườn”) là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Thạch Lam.
  5. Hai đứa trẻ” giống như “một bài thơ trữ tình” :

– Truyện không có cốt truyện, mà kết cấu theo dòng tâm trạng của nhân vật Liên, tạo nên chất thơ trữ tình.

– Tình quê sâu lắng : những rung cảm êm ái về một chiều êm ả như ru, những rung cảm trước cảnh đêm yên tĩnh của miền quê Việt Nam…

– Những cảm xúc tinh tế của một tâm hồn dễ rung động. Đó là tâm hồn của một cô gái mới lớn : nhạy cảm mà sâu lắng. Tâm hồn Liên là tâm hồn biết yêu thương và biết ước mơ. Tâm hồn nhạy cảm của Liên cũng chính là tâm hồn nhạy cảm của Thạch Lam.

– Giọng văn Thạch Lam điềm đạm, nhỏ nhẹ. Nhịp điệu kể chuyện chậm rãi. Từ ngữ nhẹ nhàng mà đầy sức gợi.

– Chất thi vị của truyện còn toát lên từ niềm khao khát đợi tàu của Liên và An, của những người dân nơi phố huyện. Đoàn tàu như mang đến một thế giới giàu sang, nhộn nhịp và đầy ánh sáng, khác hẳn với cái vầng sáng tù mù của mấy ngọn đèn leo lét nơi phố huyện nghèo.

  1. Hai đứa trẻ” “chứa đựng biết bao nhiêu tình cảm mến yêu chân thành của tác giả”.

Đó là niềm xót thương những mảnh đời mòn mỏi nơi phố huyện nghèo.

– Qua cái nhìn và xúc cảm của nhân vật Liên, nhà văn khiến người đọc cảm động về những kiếp người như mấy đứa ttẻ con nhà nghèo, mẹ con chị Tí, bà cụ Thi điên, gia đình bác Xẩm, bác phở Siêu.

– Nhưng tình cảm mến thương của tác giả vẫn dành nhiều nhất cho hai đứa trẻ – chị em Liên, bỏ Hà Nội về sống đời mòn mỏi, tối tăm nơi phố huyện.

Bức tranh đời sống ấy vừa làm nên chất hiện thực, vừa chứa đựng tấm lòng nhân ái của nhà văn.

  1. Văn Thạch Lam trong sáng, giản dị mà sâu sắc” :

– Ngòi bút tự sự kết hợp chặt chẽ với miêu tả và trữ tình, khắc họa bức tranh đời sống thật cảm động và cũng vẽ nên bức tranh quê hương đầy thương mến.

– Từ ngữ giản dị, không đao to búa lớn, thích hợp với việc diễn tả những rung động mơ hồ, tinh tế của lòng người và gợi nỗi buồn thương.

III. Tiêu chuẩn cho điểm :

Điểm 18 – 20 : nội dung phong phú, có cảm xúc và sáng tạo, diễn đạt lưu loát, có hình ảnh.

Điểm 14 – 16 : nội dung phong phú, diễn đạt rõ ràng, có sáng tạo.

Điểm 10 – 12 : nội dung đầy đủ, thể hiện việc nắm bắt vấn đề, có tư duy tổng hợp và khái quát, diễn đạt được.

Điểm 6 – 8 : nội dung sơ sài, diễn đạt chưa rõ ý.

Điểm 2 – 4 : không hiểu đề.

 

Điểm 0 : bỏ giấy trắng, hoặc chỉ viết được một đoạn mà không rõ ý gì.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *