Phân tích hình tượng nhân vật Tràng trong truyện Vợ Nhặt của Kim Lân, bài văn mẫu 2

Văn mẫu lớp 12

Đề bài: Cảm nhận của anh/ chị về hình tượng nhân vật Tràng trong truyện ngắn Vợ Nhặt của nhà văn Kim Lân

Bài văn mẫu số 2

Trong giai đoạn văn học từ 1945-1975 người đọc không chỉ ấn tượng bởi những con người hi sinh để bảo vệ tổ quốc, mà còn là hình ảnh của những số phận, những nạn nhân của nạn đói năm Ất Dậu nhưng vẫn toát lên vẻ đẹp của một tâm hồn khát sóng, khát khao hạnh phúc. Điều đó được thể hiện qua truyện ngắn“ Vợ nhặt”, đó là truyện ngắn xuất sắc của Kim Lân viết về nạn đói khủng khiếp năm 1945. Qua tác phẩm, tác giả không chỉ thành công khi thể hiện diễn biến tâm lí nhân vật Thị mà còn thành công khi khắc họa diễn biến tâm lí nhân vật Tràng- Một người lao động nghèo khổ nhưng giàu tình yêu thương, khao khát hạnh phúc gia đình giản dị, biết hướng tới tương lai tươi đẹp.

Mở đầu truyện ngắn “Vợ nhặt” ấn tượng trong lòng người đọc chính là hình ảnh nhân vật Tràng được khắc họa nổi bật trong bối cảnh của nhưng ngày tháng của nạn đói vô cùng thê thảm ở nông thôn Việt Nam do thực dân Pháp và phát xít Nhật gây ra năm 1945. Ẩn tượng trong lòng người đọc về nhân vật Tràng là người lao động nghèo tốt bụng, cởi mở nhưng có một ngoại hình đặc biệt. Như Kim Lân đã viết đó là sự đẹo gọt sơ sài của Hóa Công với “thân hình to lớn, lưng to như lưng gấu”, cái mặt ấn tượng bởi “ hai con mắt nhỏ tý gà gà”, “Quai hàm bạnh ra”. Không chỉ vậy hắn còn ăn nói cộc cằn, thô lỗ. Khi trả lời với người đàn bà xa lạ nhưng hắn nói “làm đếch gì có vợ”. Tính cách thì có phần trẻ con lại là dân ngụ cư làm nghề đánh xe bò thuê sống cùng với mẹ già trong một căn nhà rúm ró, xiêu vẹo. Vì là người người hiền lành, vui vẻ nên trẻ con trong xóm rất mến anh.Nhưng như vậy không có nghĩa là Tràng có thể có vợ nếu không nói Tràng đang trong tình cảnh ế vợ.

Tuy vậy, ẩn đằng sau người đàn ông cộc cằn thô lỗ ấy chính là người lao động nghèo tốt bụng, cởi mở và luôn khao khát hạnh phúc và ý thức xây dựng hành phúc . Đó là cái liếc mắt, cái cười tít của thị, Tràng thích lắm bởi đây là lần đầu tiên trong đời có người con gái cười với hắn tình cảm đến như vậy, hắn có cảm giác niềm vui và hạnh phúc len lỏi torng con người mình. Với câu nói “Này nói đùa chứ có về với tớ thì ra khuân hàng lên xe rồi cùng về”, có thể đó chỉ là lời nói đùa của Tràng nhưng có lẽ ai cũng hiểu đằng sau câu nói đùa ấy là niềm khao khát tổ ấm gia đình. Khi thị cắp cái nón đi theo Tràng không phải là Tràng không hiểu hoàn cảnh của bản thân. Trong thời buổi đói kém này ngay cả Tràng còn không biết có nuôi nổi bản thân mình hay không. Nhưng chút phân vân do dự ấy không đủ lớn so với khát vọng hạnh phcu1 mà Tràng mong muốn  vì vậy  sau cái tặc lưỡi “ mặc kệ” anh vẫn quyết định đưa người đàn bà về nhà. Nói lên niềm khát khao hạnh phúc gia đình của người nông dân nghèo.

Bằng ngòi bút  tinh tế của mình, Kim Lân đã thể hiện diễn biến tâm trạng của Tràng trước tình huống  nhặt được vợ. Trên đường về nhà thái độ của Tràng có nhiều khác lạ, anh đã đưa Thị vào chợ mua cho Thị cái thùng, đãi một bữa cơm và mua hai hào dầu. Kim Lân đã miêu tả tới 20 lần Tràng cười, lại con vênh lên tự đắc, đôi mắt thì long lanh của hạnh phúc “hắn túm tìm cười một mình và hai mắt thì sáng lên lấp lánh”. Những ngày nạn đói tràn về xóm ngụ cư người ta chỉ nhìn thấy một anh cu Tràng đi về trong lầm lũi , vậy nhưng hôm nay Tràng khác quá, khác trong niềm vui hạnh phúc có vợ đến mức người dân xóm ngụ cư ai cũng đoán anh cu Tràng có vợ , còn mấy đứa trẻ thì gọi “ chông vợ hài”.  Đó là niềm vui mộc mạc của người đàn ông nghèo, lần đầu được đi bên một người phụ nữ.

Khi về đến nhà, trước một căn nhà rúm ró và xiêu vẹo Tràng mời thị vào, nhấc tấm phiên lên căn nhà đầy bề bộn . Anh cu Tràng đã không còn cộc cằn như ở chợ mà trở nên ăn  nói có văn hóa hơn “nhà cửa không có đàn bà nên nó thế đấy”, biết quan tâm đến Thị, thắc mắc khi nhìn thấy thị tay vân vê tà áo và hơi cúi xuống“ quái, sao nó lại buồn thế nhỉ”? . Rồi Tràng lại  sốt ruột “ chạy ra chạy vào”, ngóng chờ lúc mẹ về. Sự hồi hộp để mong chờ câu trả lời của mẹ chứng tỏ Tràng rất coi trong hạnh phúc mà mình đang có và khi nhận được từ cái gật đầu của bà cụ Tứ Tràng đã thở phào một cái ngực nhẹ hẳn đi.

Sau đêm tân hôn, lần đầu tiên sau khi có vợ  Tràng vẫn còn chưa tin được mình đã có vợ, cảm thấy mọi thứ thay đổi quá  giống như mình vừa bước ra từ một giấc mơ, thấy mình không còn là anh cu Tràng ngày xưa nữa, mình phải có ý thức và trách nhiệm với gia đình, không chỉ vậy Tràng thấy yêu ngôi nhà của mình đến lạ lùng. Bữa cơm đầu tiên đón nàng dâu mới chỉ có cháo loãng, rau chuối thái rối và nồi chè khoán mà khi ăn vào nghẹn đắng giữa cổ, nhưng không vì vậy niềm vui của Tràng mất đi, Tràng nghe câu chuyện về niềm tin vào tương lai của mẹ, Tràng nghe câu chuyện phá kho thóc của Nhật từ vợ, dù tất cả chưa hiện rõ nhưng trong óc Tràng  “ trong óc Tràng vẫn thấy đám người đói và lá cờ đỏ bay phấp phới” . Hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng như gieo thêm niềm tin và hi vọng cho Tràng rằng trong một tương lai không xa Tràng, thị và bà cụ Tứ cùng với người dân xóm ngụ cư sẽ cùng nhau đi trên đê Sộp phá kho thóc của Nhật. Cũng là niềm tin vào hạnh phúc của những con người khi đến với cách mạng

Qua việc thể hiện tâm lí của nhân vật Tràng trong tác phẩm “ Vợ nhặt”  Kim Lân đã thể hiện được những đặc sắc khi xây dựng được tình huống truyện độc đáo, (Tràng nghèo xấu lại là dân ngụ cư, giữa lúc đói khát nhất, khi cái chết đang cận kề lại nhặt được vợ, có vợ theo. Tình huống éo le này là đầu mối do sự phát triển của truyện, tác động đến tâm trạng hành động của nhân vật và thể hiện chủ đề truyện) Bên cạnh đó là cách kể chuyện tự nhiên, hấp dẫn, dựng cảnh sinh động có nhiều chi tiết đặc sắc, ngôn ngữ mộc mạc giản dị nhưng có sự chắt lọc kỹ lưỡng và giàu sức gợi kết hợp với nhân vật được khắc họa sinh động, đối thoại hấp dẫn, ấn tượng thể hiện tâm lí nhân vật tinh tế.

Tóm lại qua truyện ngắn “ Vợ nhặt” tác giả Kim Lân đã xây dựng thành công diễn biến tâm lí nhân vật Tràng, một người lao động khổ sở mà ấm áp tình thương, niềm hi vọng, lạc quan, khát khao hạnh phúc qua cách xây dựng tình huống truyện và dẫn truyện độc đáo, nhất là ngòi bút miêu tả tâm lí tinh tế, khiến tác phẩm mang chất thơ cảm động và hấp dẫn.

Xem thêm những bài văn mẫu phân tích Vợ nhặt : Vợ nhặt

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *