Phân tích nét hào hoa- Hào hùng của đoàn quân Tây Tiến

Văn mẫu lớp 12

Đề bài:  Tây Tiến- Hào hoa- Hào hùng

Chiến tranh đã đi qua để lại trong mỗi chúng ta những hoài niệm về những năm tháng không thể nào quên, đó là hình ảnh của đất nước bị bom rơi, đạn lạc tàn phá. Đó là những con người nhận ra sứ mệnh của mình, sinh ra là để chiến đấu giành lại từng tấc đất thiêng liêng của dân tộc, họ sẵn sàng gác lại tuổi trẻ, gác lại chuyện học hành, gác lại tình cảm cá nhân để đi theo tiếng gọi của tổ quốc…

Và những con người ấy đã đi vào thơ ca, nghệ thuật như những huyền thoại mà Nhà thơ Quang Dũng đã thể hiện thật xuất sắc thông qua lăng kính lãng mạn, nhưng đậm chất hiện thực. Trong bài thơ Tây Tiến, tác phẩm đã khắc họa thành công bức tượng đài về người lính Tây Tiến, trong những năm đầu cuộc kháng chiến chống Pháp. Nhận xét về bài thơ có ý kiến cho rằng “suốt dọc bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai vế cảm xúc “hào hùng” và “Hào hoa”.

Quả không sai khi nói rằng, với người làm thơ, bài thơ là một phương tiện biểu đạt tình cảm, tư tưởng. Chỉ có cảm xúc chân thành, mãnh liệt mới là cơ sở cho sự ra đời của một tác phẩm nghệ thuật chân chính. Cảm xúc mãnh liệt, thăng hoa thì thơ càng nhiều khả năng chinh phục, ám ảnh trái tim bạn đọc. Mang trong mình sứ mệnh cao cả của một nhà thơ, cùng những quan niệm đúng đắn, Quang Dũng đã không ngừng tìm tòi, sáng tạo và ông đã tìm đến được cho mình một phong cách riêng khác với những nhà thơ cùng thời. Tiêu biểu cho thơ ca kháng chiến chống Pháp của ông, có thể kể đến bài thơ Tây Tiến.

Có người từng nói thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn, của nhịp thở con tim, thơ diễn tả rất thành công mọi cung bậc cảm xúc của con người, niềm vui, nỗi buồn, sự cô đơn tuyệt vọng…

Có những nỗi niềm của con người chỉ có thể diễn đạt bằng thơ, vì vậy thơ không chỉ nói hộ lòng mình, mà nó còn thể hiện một nỗi nhớ da diết, chân thật. Vậy khi đọc Tây Tiến của Quang Dũng, ta có thể cảm nhận được điều đó. Tác phẩm được viết năm 1948 tại Phù Lưu Chanh, một làng quê hài hòa bên dòng sông Đáy. Có lẽ, chính nỗi nhớ da diết về đơn vị cũ đã thôi thúc Quang Dũng viết nên bài thơ này. Tây Tiến vốn là tên gọi của một đơn vị quân đội thành lập năm 1941 với nhiệm vụ tiến về phía tây của tổ quốc, phối hợp với bộ đội Lào bảo vệ biên giới Việt Lào, dành tiêu hao lực lượng quân đội của Pháp ở Thượng Lào và miền Tây Bắc bộ Việt Nam. Đoàn binh Tây Tiến phần đông là thanh niên Hà Nội, trong đó có cả sinh viên, học sinh, họ hoạt động trên một địa bàn rộng lớn bao gồm các tỉnh Hòa Bình, Sơn La, Lai Châu, Miền Tây Thanh Hóa và Sầm Nưa của Lào, nhưng nơi này lúc đó còn rất hoang vu, hiểm trở… điều kiện sinh hoạt hết sức gian khổ, tử vong vì sốt rét phần nhiều hơn tử vong vì chiến trận, thế nhưng ở vẫn luôn rất lạc quan, yêu đời, biết vượt lên trên cốt cách hào hoa, thanh lịch của người Hà Nội.

Có lẽ vậy mà suốt dọc bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng có sự phối kết hợp nhuần nhuyễn giữa hai vế cảm xúc “hào hùng” và “Hào hoa”, đây chính là hai phẩm chất được Quang Dũng khắc họa khi miêu tả về người lính Tây Tiến. “Hào Hùng” đó chính là sự kiên cường, dũng cảm, dù khó khăn, khắc nghiệt vẫn vươn lên làm chủ mọi tình thế và ở sâu trong tâm hồn của những người lính Tây Tiến chính là nét hào hoa, lãng mạn của những chàng trai Hà Thành. Tất cả những điều đó được thể hiện rõ qua khổ thơ.

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùng,

Mắt trừng gửi mộng qua biên giới,

Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm,

Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,

Áo bào thay chiếu anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành.

Nếu ở khổ thơ thứ nhất và thứ hai tác giả miêu tả thiên nhiên Tây Bắc hiểm trở, cùng cảnh sông nước đầy thơ mộng, hết sức mỹ lệ. Thì ở khổ thơ thứ thứ ba người lính đã xuất hiện trong khung cảnh “Sài Khao sương lấp”, “dốc lên khúc khuỷu dốc thăm thẳm”, họ không trở nên nhỏ bé, cô độc, đáng thương mà ngượci lại họ hiện lên với khí thế hiên ngang, hào hùng.

Ở khổ thơ này, nhà thơ đã sử dụng hết bút lực để đạc tả người lính Tây Tiến, vì thế khổ thơ được coi là bức tượng đài sừng sững về người lính Tây Tiến. Ở đây nhà thơ Quang Dũng không tập trung miêu tả một gương mặt, một tên tuổi cụ thể nào, mà ông đã dồn đúc tất cả vẻ đẹp, phẩm chất của người lính tây tiến thành một gương mặt chung, gương mặt về đoàn binh Tây Tiến.

“Tây Tiến đoàn binh không mọc tóc,

Quân xanh màu lá dữ oai hùng”.

Dùng chữ của Quang Dũng ở đây thật là lạ, nếu ở đoạn đầu nhà thơ dùng chữ “đoàn quân” thì đến đây tác giả dùng chữ “đoàn binh”, cũng đoàn quân ấy thôi nhưng khi dùng chữ “đoàn binh” nó gợi lên trước mắt ta hình ảnh đoàn chiến binh có vũ khí, có khí thế xung trận, lấn át đi vẻ ốm yếu của bệnh tật. Ba chữ “không mọc tóc” là sự đảo thế bị động thành chủ động, bằng hình ảnh này ta không còn thấy một đoàn quân bị sốt rét rừng làm cho tiều tụy, da xanh bủng, trụi tóc, mà ngược lại giọng điệu câu thơ cứ y như họ cố tình không cho tóc mọc vậy. Nghe mà hoang tàn, phiêu bạt, nhưng đằng sau đó chứa đựng những sự thật nghiệt ngã, vì thiếu thốn thuốc men phải ăn đói, mặc rét, bệnh sốt rét hoành hành đã in hằn sâu vết trên thân thể họ. Đọc đến đây ta liên tưởng tới anh vệ Quốc Quân trong bài thơ “Đồng Chí” của Chính Hữu.

“Anh với tôi biết từng cơn ớn lạnh,

Rét run người vầng trán ướt mồ hôi”.

Những người lính Tây Tiến ốm mà không yếu, cái còn lại ở họ là vẻ đẹp oai hùng, họ giống như chúa sơn lâm nơi rừng thiêng Tây Bắc một thời đã làm quân thù phải khiếp sợ, và nó được thể hiện qua ánh mắt giận dữ, hào hùng “mắt trừng gửi mộng qua biên giới”. Ở câu thơ trên Quang Dũng đã dùng hết nội lực vào động từ dùng để thể hiện sự cảnh giác cao độ của người lính Tây Tiến, đồng thời thể hiện giấc mộng lập công của họ. Chính điều đó đã thôi thúc Họ luôn tiến về phía trước, không hề run sợ và né tránh cái chết.

“Rải rác biên cương mồ viễn xứ,

Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh,

Rải rác biên cương mồ viễn xứ”.

Đa phần là dùng từ Hán Việt thể hiện sự trang trọng thành kính, đồng thời thể hiện hình ảnh tuyệt đẹp về người lính sau những chặng đường hành quân, gian khổ dừng lại nghỉ ngơi nơi chân dốc, lưng đèo nào đó? Thế nhưng sau những giờ phút nghỉ ngơi ấy, có những người lính có thể bước tiếp, nhưng cũng có người vĩnh viễn nằm lại, đồng chí, đồng đội chỉ có thể chôn cất họ một cách sơ sài, bên một gốc cây hay một tảng đá nào đó. Vì vậy mộ của họ nằm rải rác khắp biên cương, nhưng dù phải đối mặt với những hi sinh, mất mát thì người lính Tây Tiến vẫn “chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh”. Sự hi sinh của những người lính Tây Tiến không phải là mù quáng, hơn ai hết họ hiểu rất rõ giá trị của cuộc sống, của tuổi trẻ, nhưng họ cũng hiểu rằng cần phải chiến đấu để bảo vệ đất mẹ, có thế cuộc sống mới có ý nghĩa. Bởi vậy họ coi cái chết nhẹ tựa lông hồng.

“Áo bào thay chiếu anh về đất,

Sông Mã gầm lên khúc độc hành”.

Trong bài thơ Quang Dũng đã nhiều lần nhắc đến cái chết, nhưng chưa một lần phải dùng đến chữ “chết” hay “hi sinh” mà ông đã dùng lối nói giảm, nói tránh, để nói về sự mất mát ấy.

“Áo bào thay chiếu anh về đất”.

Cho ta nhiều cách hiểu khác nhau, “áo bào” có thể hiểu đó là những tấm áo bào sang trọng của những vua chúa thời xưa, đó cũng có thể hiểu là mảnh chiếu bó thân dùng để chôn cất của người lính Tây Tiến. Song hiểu hay hơn và có nghệ thuật hơn cả là đến cả manh chiếu bó thân họ cũng không có, thi thể của họ được bọc trong những tấm quân phục bạc màu, rách và giờ đây trong cảm quan của Quang Dũng những bộ quân phục đơn sơ ấy đã trở thành những tấm áo bào sang trọng. Chứng kiến cái chết ấy, con sông Mã “gầm lên khúc độc hành” dữ dội để tiễn đưa những người tử sĩ về nơi an nghỉ cuối cùng. Âm thanh dữ dội ấy làm cho cái chết của người lính Tây Tiến không hề bi lụy, mà trở nên rất hào hùng, cái bi, lẫn cái hùng như tiếp thên sức mạnh để họ tiến về phía trước.

Bên cạnh vẻ đẹp hào hùng của những người lính Tây Tiến chính là nét hào hoa, lãng mạn của những chàng trai Hà Thành. Chỉ với một câu thơ Quang Dũng đã cho ta cảm nhận được điều đó.

“Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm”.

Đến đây vẻ đẹp của người lính Tây Tiến được miêu tả bằng bút pháp thanh thoát, nhẹ nhàng, êm ái, du dương, “dáng kiều thơm” là hình bóng của giai nhân, đó có thể là một tà áo dài nữ sinh mà người lính Tây Tiến đã từng đắm đuối, say mê. Giờ đây nơi sâu thẳm trái tim họ vẫn nâng niu, cất giữ. Chính vẻ đẹp ấy đã tạo nên hình ảnh của một tráng sĩ hào hoa, sang trọng, họ thật giống với những hiệp sĩ thời xa xưa, đó là những con người quyết chí ra đi nhưng trong trái tim vẫn ôm ấp vị nữ chúa của lòng mình. Cũng có một thời câu thơ của Quang Dũng đã trở thành nguyên cớ để người ta phê phán Quang Dũng và bài thơ là sầu rơi mộng ước thủy mị, tiểu tư sản. Thế nhưng trong những năm tháng chiến đấu khốc liệt, nếu người ta không biết thi vị hóa cuộc sống, không biết hướng tới một tương lai tốt đẹp với tình yêu, thì có lẽ sẽ gục ngã trước làn tên, mũi đạn của kẻ thù.

Chính sự hài hòa thống nhất giữa lý tưởng, tình cảm, giữa cảm xúc hào hùng và hào hoa đã tạo nên sức mạnh tinh thần cho những người lính Tây Tiến. Với từ ngữ phong phú, giàu hình ảnh, sử dụng các biện pháp tu từ cùng các từ Hán Việt đã khiến cho suốt dọc bài thơ Tây Tiến của Quang Dũng có sự phối kết hợp hài hòa giữa hai vế cảm xúc hào hùng và hào hoa.

Có lẽ mỗi khi gấp lại những trang thơ Tây Tiến ta sẽ không thể nào quên được hình ảnh của những người lính hành quân quên mệt mỏi, hi sinh cả máu xương, tuổi trẻ để đổi lấy độc lập dân tộc và hình ảnh của những người lính ấy sẽ luôn nhắc nhở chúng ta hãy luôn phấn đấu, học tập, để nay mai xây dựng quê hương, đất nước ngày một giàu đẹp hơn, văn minh hơn./.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *