Nét tương đồng của hai hình tượng Sóng và em , bài mẫu 1

Văn mẫu lớp 12

Phân tích những nét tương đồng của  hai hình tượng sóng và em thể hiện trong đoạn thơ sau

Dữ dội và dịu êm

Cả trong mơ còn thức”

 ( “Sóng” – Xuân Quỳnh)

 Qua đó hãy nêu cảm nhận của em về vẻ đẹp của người phụ nữ trong tình yêu?

Bài 1:

Xuân Quỳnh có một cuộc đời bất hạnh, luôn khao khát tình yêu, mái ấm gia đình và tình mẫu tử. Thơ Xuân Quỳnh là tiếng nói của người phụ nữ giàu yêu thương, khát khao hạnh phúc đời thường, bịnh dị nhiều lo âu, day dứt trăn trở trong tình yêu. Trong sự nghiệp sáng tác của mình Xuân Quỳnh để lại rất nhiều tác phẩm có giá trị như  “Sóng”, “ Thuyền và biển”… tiêu biểu là bài “ Sóng”. Qua bài thơ tác giả đã khắc họa thành công hình tượng sóng và em với những nét tương đồng, không chỉ vậy  mà qua bài thơ “ Sóng” còn là lời giãi bày về vẻ đẹp của người phụ nữ trong tình yêu. Vẻ đẹp ấy được thể hiện rõ nét trong năm khổ thơ đầu:

“ Dữ dội và dịu êm

…..

Cả trong mơ còn thức”

Bài thơ “ Sóng” được sáng tác năm 1967 trong chuyến đi công tác vùng biển Diêm Điền in trong tập “ Hoa dọc chiến hào”. Bài thơ mang âm hưởng của những con sóng biển  và những con sóng lòng đang khao khát tình yêu, bài thơ có hai hình tượng song hành đó là “ sóng” và “ em”.

Ấn tượng đầu tiên trong bài thơ là tính chất của sóng cũng chính là đặc trưng của tình yêu của người con gái

Dữ dội và dịu êm
Ồn ào và lặng lẽ
Sông không hiểu nổi mình
Sóng tìm ra tận bể

Lâu nay rất nhiều người cho rằng hai dòng thơ đầu của Xuân Quỳnh muốn nói quy luật chung của tình yêu. Thực ra đây cũng là bản chất của mọi sự vật, hiện tượng  con sóng mang trong lòng nó những cung bậc phong phú, trạng thái đối cực phức tạp, đầy bí ẩn và nghịch lý.

“ Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ”

Những con sóng khi bão tố, biển động thì sóng trào lên một cách giận giữ, ồn ào Những khi bình lặng thì sóng rì rào, êm dịu, lặng lẽ. Hai tính chất này của sóng là hai tính chất đối lập trong tình yêu và đây cũng chính như cuộc tình của Xuân Quỳnh. Cô đang sống với những chấn động tinh thần của những đớn đau do cuộc tình không thỏa nguyện của mình gây ra. Từ “ dữ dội và dịu êm” người con gái ấy khát khao thế giới “ dịu êm là lặng lẽ”. Muốn vậy không thể dùng lời than thở  để có được hạnh phúc tình yêu, con sóng Xuân Quỳnh quyết liệt thông qua một quyết định chẳng dễ dàng chút nào:

“ Sông không hiểu nỗi mình

Sóng tìm ra tận biển”

Con sóng tự nhận thức những biến động  ở lòng mình, ở phạm vi chật hẹp sông không hiểu nổi mình. Vì thế mà con sóng đã quyết định chia tay với dòng sông để tìm cho mình những phạm vi lớn hơn, khát khao vươn ra những giới hạn chật chội, quyết làm một cuộc độc hành gian nan nhưng mà quyết liệt để tìm đến với biển và những điều lớn lao hơn. Những con sóng thật mạnh mẽ và bản lĩnh, tác giả đã mượn nét tính cách của sóng để nói đến cung bậc, trạng thái và khát khao của người con gái yêu. Khi yêu người con gái cũng như sóng luôn muốn tìm đến một tình yêu đích thực, đó cũng chính là bản lĩnh mạnh mẽ, sự táo bạo của người phụ nữ trong tình yêu.

Những con sống con sóng mãi muôn đời như thế, con sóng ngày xưa, con sóng của ngày nay vẫn “ dữ dội và dịu êm – ồn ào và lặng lẽ” và mãi mãi sóng vẫn vỗ vào bờ và muôn đời tình yêu vẫn là tình cảm của con người khát khao nhất:

Ôi con sóng ngày xưa
Và ngày sau vẫn thế
Nỗi khát vọng tình yêu
Bồi hồi trong ngực trẻ

Xuân Quỳnh với những trái nghiệm của cuộc đời, nhà thơ đã yêu, đang yêu và chiêm nghiệm  về tình yêu để khẳng định tình yêu là khát vọng muôn đời nhất là tuổi trẻ. Có lẽ chính vì thế mà con người chúng ta thường quan niệm cuộc đời đẹp nhất  là tuổi trẻ, tuổi trẻ đẹp nhất là tình yêu niềm khát khao hạnh phúc vì vậy mà Xuân Quỳnh đã thốt lên rằng:

“ Có những khi vô cớ

Sóng ào ạt xô bờ

Bởi tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên”

Thường khi yêu con người ta luôn đặt những câu hỏi về mối tình của mình, Xuân Quỳnh cũng vậy, cô cũng giải đáp được những điều mà bản thân mình muốn biết:

Trước muôn trùng sóng bể
Em nghĩ về anh, em
Em nghĩ về biển lớn
Từ nơi nào sóng lên?

Sóng bắt đầu từ gió
Gió bắt đầu từ đâu?
Em cũng không biết nữa
Khi nào ta yêu nhau

Nhà thơ đã yêu, đang yêu và muốn đi tìm căn nguyên của tình yêu ấy, đi tìm khởi nguồn của những con sóng. Khởi nguồn của sóng hay của thiên nhiên thì con người có thể hiêu rđược, nhưng khởi nguồn của tình yêu thì “ em cũng không biết nữa” – “ Khi nào ta yêu nhau”. Thật khó để lý giải ta yêu nhau khi nào? Vì sao ta lại yêu nhau? Bởi tình yêu là một phạm trù tình cảm được cất lên từ những rung động của trái tim, từ chiều sâu của lòng người, có lẽ vì vậy tình yêu mãi mãi là một ẩn số, một câu hỏi không có lời đáp cho người đang yêu. Xuân Quỳnh là một người đã yêu, đang yêu nhưng cũng chỉ biết lắc đầu rất phụ nữ “ em cũng không biết nữa” đọc câu thơ chứa đựng trong đó ngây thơ, bối rối và cả sự bất lực của em trước câu hỏi “ Khi nào ta yêu nhau”. Câu hỏi muôn đời của các thi nhân, ngay cả ông hoàng thơ tình như Xuân Diệu cũng phải thốt lên “ làm sao cắt nghĩa được tình yêu” không thể cắt nghĩa và lý giải ngọn nguồn của tình yêu. Nhưng tình yêu của nhà thơ  vẫn tràn đầy nỗi nhớ nhung da diết mãnh liệt nên tiếng thơ với khát vọng hạnh phúc đời thường có khi chị viết:

“ Chỉ riêng điều được sống cùng nhau

Niềm vui sướng với em là lớn nhất

Trái tim nhỏ nằm trong lòng ngực

Giây phút nào tim chẳng đập vì anh”

Trong tình yêu ta vẫn thường thấy hai mặt yêu và nhớ, yêu say đắm và nhớ tha thiết, trong “ sóng” của Xuân Quỳnh cũng không hề kém:

Con sóng dưới lòng sâu
Con sóng trên mặt nước
Ôi con sóng nhớ bờ
Ngày đêm không ngủ được
Lòng em nhớ đến anh
Cả trong mơ còn thức

Xuân Diệu đã từng viết:

“ Uống xong lại khát là tình

Gặp rồi lại nhớ là mình với ta”

Hay Nguyễn Đình Thi cũng từng viết:

“ Anh nhớ em mỗi bước đường anh bước

Mỗi tối anh nằm, mỗi miếng anh ăn”

Tình yêu cũng như những con sóng người ta chỉ thấy những con sóng ngày đêm vỗ vào bờ nhưng con sóng biển không chỉ có những con sóng hiện hữu mà chúng ta nhìn thấy mà còn có những con sóng âm ỉ dưới lòng đại dương âm thầm và mãnh liệt. Cũng như sóng tình yêu của người phụ nữ không chỉ nhìn thấy qua vẻ bề ngoài mà còn là tận đáy sâu trong hồn  người phụ nữ mà chỉ những ai tinh tế nhạy cảm, có chiều sâu tâm tưởng mới có thể nhận ra những ẩn kín ấy trong tâm hồn người phụ nữ đang yêu. Xuân Quỳnh khéo léo dùng biện pháp nhân hóa để khẳng định dù con sóng trên mặt nước hay dưới lòng sâu thì vẫn luôn nhớ bờ thao thức ngày đêm không ngủ:

“ Ôi con sóng nhớ bờ

Ngày đêm không ngủ được”

Con sóng ngày đêm không ngủ bởi nỗi nhớ bờ hay chính là nỗi nhớ rạo rực, da diết của người con gái khi yêu? Nỗi nhớ ấy chiếm lĩnh cả không gian và thời gian và cả trong giấc mơ:

“ Lòng em nhớ đến anh

Cả trong mơ còn thức”

Trong tình yêu không chỉ tìm ra ngọn nguồn của tình yêu mà khi có những phi lý của cuộc sống lại trở nên có lý trong tình yêu. Ngay cả trong mơ mà vẫn còn thức để nhớ đến anh, phải chăng tình yêu là như thế, yêu là nhớ. Nỗi nhớ tràn đầy, nồng nàn, da diết, mãnh liệt, nhớ cả trong mơ cũng như khi thức, nỗi nhớ không chỉ chiếm lĩnh ý thức mà thấm sâu vào cả tiềm thức, yêu anh là nghĩ về anh. Xuân Quỳnh đã diễn đạt nỗi nhớ thật độc đáo, nó không bao giờ lắng xuống là luôn trào dâng mãnh liệt, quay quắt không nguôi.

Qua bài thơ tác giả không chỉ thành công  về mặt nội dung  mà còn thành công về mặt nghệ thuật trong việc sử dụng thể thơ năm chữ truyền thống, cách ngắt nhịp theo vần độc đáo giàu sức liên tưởng, xây dựng hình tượng ẩn dụ giọng thơ tha thiết.

Qua hình tượng sóng, Xuân Quỳnh đã diễn tả vừa sinh động vừa cụ thể nhiều trạng thái những cung bậc tình cảm khác nhau trong trái tim người phụ nữ trong tình yêu. Người phụ nữ ấy trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ hay ở hiện tại và tương lai thì vẫn rất mạnh bạo, chủ động bày tỏ tâm trạng, khát vọng mãnh liệt về tình yêu. Người phụ nữ không cam chịu, nhẫn nhục nữa, không chấp nhận sự tầm thường nhỏ hệp mà hướng tới những điều lớn lao, cao cả của một tâm hồn đồng điệu. Một khát khao bất diệt, vĩnh hằng của tình yêu và một quan điểm mới mẻ vè tình yêu của người phụ nữ trong thời đại mới: tự tin, tự chủ, mãnh liệt. Người con gái khi yêu không chỉ táo bạo, mãnh liệt dám thổ lộ, dám bày tỏ khát khao tình yêu mãnh liệt mà còn mang trong mình vẻ đẹp truyền thống của người con gái thủy chung, nghĩa tình mang một tâm hồn thật đẹp đẽ, trong sáng.

Gấp lại trang thơ nhưng trong lòng người đọc vẫn còn nghe thấy những con sóng đại dương vỗ bờ, những con sóng  tình trong ngực trẻ của tình yêu lứa đôi dường như vẫn không bao giờ ngưng nghỉ. Nó vẫn hát tiếp bài ca muôn thuở, ngàn đời như những con sóng biển khơi luôn xô bờ. Bài thơ “ Sóng” của nữ thi sỹ Xuân Quỳnh luôn sống mãi với thời gian, với những con người luôn khao khát một tình yêu tuổi trẻ.

Xem thêm : Những bài văn mẫu phân tích bài Sóng của Xuân Quỳnh : Sóng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *