Phân tích 4 khổ đầu bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh

Văn mẫu lớp 12

Đề bài : Cảm nhận về đoạn thơ sau trong bài Sóng của Xuân Quỳnh

Dữ dội và dịu êm

Ồn ào và lặng lẽ…

Khi nào ta yêu nhau

Bài văn mẫu

Tình yêu là một đề tài quen thuộc trong thơ ca. Nhưng không phải vì thế mà nó trở thành đơn điệu, nhàm chán. Mỗi bài thơ, mỗi nhà thơ là một thế giới riêng, một nhu cầu, một khao khát riêng không ai giống ai. Chẳng thế mà ta gặp Xuân Diệu trong thi đàn văn học Việt Nam với chất men say tình yêu nồng nàn, mãnh liệt, người tự cho mình là “kẻ uống tình yêu dập nát cả môi”, ta gặp Nguyễn Bính “người nhà quê” chân thật,da diết…và thật bất ngờ khi gặp nữ sĩ với tâm hồn dạt dào và say đắm trong tình yêu-Xuân Quỳnh. Thơ tình của Xuân Quỳnh chân thành nhưng không kém phần cháy bỏng, nồng say. Điều đó thể hiện rõ nét qua bài thơ “Sóng”. Bao trùm và xuyên suốt bài thơ là hình ảnh sóng, nhân vật trữ tình soi vào sóng để tự nhận thức được những đặc tính, những phẩm chất, những trạng thái tâm lí bí ẩn, riêng tư đầy nữ tính của một trái tim phụ nữ đang say đắm trong tình yêu. Điều đó được thể hiện rõ trong đoạn thơ sau:

“Dữ dội và dịu êm…

Khi nào ta yêu nhau”

Bài thơ ra đời năm 1967, vào thời kì này phần lớn các nhà thơ đều gắn bó với nhiệm vụ cách mạng, với sứ mệnh thiêng liêng, cao cả của dân tộc. Rất ít các nhà thơ tự bứt mình ra khỏi không khí chung để tìm cái gọi là riêng tư, sâu kín trong trái tim mình. Nhưng Xuân Quỳnh thì không, thơ Xuân Quỳnh là tiếng lòng, là lời bộc bạch chân thành nhất. Nói như vậy để thấy rằng “Sóng” của Xuân Quỳnh là một bài thơ có nhiều điều đáng chú ý.

Bao trùm, xuyên suốt bài thơ là hình tượng “sóng” và “em”. “Sóng” và “em” là hai hình tượng trữ tình , cặp đôi song hành tạo nên vẻ đẹp cho bài thơ. Sóng được hiểu là sóng nước, nhưng trong thơ Xuân Quỳnh còn là sóng lòng. Cả hai đều có đặc điểm là không bao giờ tĩnh lặng, bao giờ cũng chuyển động và đặc biệt là “sóng lòng” luôn chuyển động theo quy luật của tình yêu. Ở đây ta có thể hiểu “sóng lòng” là hình ảnh ẩn dụ hóa thân của nhân vật trữ tình “em”. Hai hình tượng “sóng” và “em” tôn tạo cho nhau và bổ sung cho nhau. Sóng giúp sóng lòng vượt ra ngoài khuôn khổ của cái tôi bình thường, cái tôi mà ai cũng có thể nhận biết bằng vẻ bên ngoài để bước vào một thế giới mới lạ, bí ẩn và thiêng liêng của tình yêu, cũng như người con gái đang bước vào thế giới tình yêu bao giờ cũng thấy xốn xang, xôn xao ở trong lòng, tựa hồ như sóng biển triền miên vô nhịp trên biển rộng vô bờ. Sự đồng cảm của người con gái đang yêu và những con sóng triền miên đang vỗ vào bờ ấy là điều dễ nhận thấy và đều có giá trị biểu cảm như nhau. Hai hình tượng “sóng” và “em” luôn song hành, khi tách rời, khi hòa nhập tạo nên nét độc đáo trong cấu trúc hình tượng, diễn tả sâu sắc, sinh động khát vọng của Xuân Quỳnh . Chính vì vậy những cung bậc phong phú, trạng thái đối cực phức tạp, đầy bí ẩn và nghịch lí:

“Dữ dội và dịu êm

ồn ào và lặng lẽ”

Đúng như vậy, những khi bão tố, biển động thì sóng trào lên một cách giận dữ ồn ào như muốn nghiền nát cả bờ. Nhưng những lúc trời yên biển lặng thì sóng rì rào, êm dịu, lặng lẽ. Hai tính chất này của sóng cũng chính là hai tính chất đối lập trong tình yêu. Tình yêu cũng như sóng có lúc cháy bỏng, mãnh liệt, ồn ào nhưng cũng có lúc dịu êm , lặng lẽ, mơ màng đi vào chiều sâu của nỗi nhớ, sự chờ đợi.

“Sông không hiểu nổi mình

Sóng tìm ra tận bể”

Những con sóng tự nhận thức những biến động khác thường của lòng mình. Ở phạm vi chật hẹp sông không hiểu mình vì thế con sóng đi tìm cho mình những phạm vi lớn hơn, khao khát vươn ra những giới hạn chật chội, tìm đến những điều lớn lao, bao dung, khoáng đạt.  Những con sóng thật mạnh mẽ và bản lĩnh. Tác giả mượn nét tính cách của sóng để nói lên những cung bậc, trạng thái và khát khao của người con gái khi yêu. Khi yêu người con gái cũng như sóng luôn muốn tìm đến một tình yêu đích thực. Đó cũng chính là bản lĩnh mạnh mẽ, sự táo bạo của người phụ nữ trong tình yêu.

Con sóng mãi muôn đời như thế, con sóng của ngày xưa, con sóng của ngày nay vẫn “Dữ dội và dịu êm-ồn ào và lặng lẽ” và mãi mãi sóng vẫn vỗ vào bờ và muôn đời tình yêu vẫn là tình cảm mà con người khát khao nhất

“Ôi con sóng ngày xưa

Và ngày sau vẫn thế

Nỗi khát vọng tình yêu

Bồi hồi trong ngực trẻ.”

Xuân Quỳnh- với những trải nghiệm của cuộc đời, nhà thơ đã yêu, đang yêu và chiêm nghiệm về tình yêu để khẳng định tình yêu là khát vọng muôn đời nhất là tuổi trẻ. Có lẽ chính vì thế mà con người chúng ta thường quan niệm. Cuộc đời đẹp nhất là tuổi trẻ-tuổi trẻ đẹp nhất là tình yêu- niềm khát khao hạnh phúc vì vậy Xuân Quỳnh từng thốt lên rằng

“Có những khi vô cớ

Sóng ào ạt xô bờ

Bởi tình yêu muôn thuở

Có bao giờ đứng yên”

Hai khổ thơ tác giả đã thể hiện nghệ thuật với hình ảnh ẩn dụ sóng-người con gái khi yêu, sự nhân hóa, đối lập, liên tưởng “con sóng ngày xưa-sóng ngày nay” để tâm hồn người phụ nữ khi yêu hiện lên thật đẹp, không chấp nhận sự tầm thường, nhỏ hẹp cam chịu mà hướng tới những điều lớn lao , cao cả của một tâm hồn đồng điệu. Một khát khao bất diệt, vĩnh hằng của tình yêu và một quan niệm mới mẻ về tình yêu của người phụ nữ trong thời đại mới : tự tin , tự chủ, mãnh liệt

Sau nỗi khát vọng của tình yêu là cuộc hành trình đi tìm nguồn gốc của sóng hay cũng chính là hành trình tìm kiếm nơi mà tình yêu bắt đầu của nhà thơ:

Trước muôn trùng sóng bể

Khi nào ta yêu nhau

Nhà thơ đã yêu, đang yêu và muốn đi tim căn nguyên của tình yêu ấy, đi tìm điểm khởi nguồn của những con sóng. Khởi nguồn của sóng hay khởi nguồn của thiên nhiên thì con người có thể tìm hiểu được nhưng khởi nguồn của tình yêu thì “em cũng không biết nữa- Khi nào ta yêu nhau”. Thật khó để lí giải ta yêu nhau khi nào? Vì sao ta lại yêu nhau?  Bởi tình yêu là một phạm trù tình cảm được cất lên từ những rung động của trái tim, từ chiều sâu của lòng người, có lẽ vì vậy tình yêu mãi mãi là một ẩn số , một câu hỏi không có lời giải cho mỗi người đang yêu. Xuân Quỳnh đã và đang yêu một tình yêu mãnh liệt và da diết nhưng cũng chỉ biết lắc đầu rất phụ nữ “ em cũng không biết nữa” đọc câu thơ chứa đựng trong đó sự ngây thơ , bối rối và cả sự bất lực của em trước câu hỏi “Khi nào ta yêu nhau”. Câu hỏi muôn đời của các thi nhân , ngay cả ông hoàng thơ tình như  Xuân Diệu cũng phải thốt lên “Làm sao cắt nghĩa được tình yêu”. Không thể cắt nghĩa và lí giải ngọn nguồn của tình yêu nhưng tình yêu của nhà thơ vẫn tràn đầy nỗi nhớ nhung da diết mãnh liệt nên tiếng thơ với khát vọng hạnh phúc đời thường có khi chị viết

“ Chỉ riêng điều được sống cùng nhau

Niềm vui sướng với em là lớn nhất

Trái tim nhỏ nằm trong lồng ngực

Giây phút nào tim chẳng đập vì anh”

Phải chăng tình yêu là thế, bí ẩn nồng nàn, mãnh liệt đắm say nhưng cũng không kém phần lắng sâu trong cảm xúc chân thành trong lòng nữ sĩ

Đoạn thơ trên trong bài thơ “Sóng” của Xuân Quỳnh, tác giả không chỉ thành công ở nội dung mà còn thành công ở mặt nghệ thuật trong việc sử dụng thể thơ năm chữ truyền thống, cách ngắt nhịp gieo vần độc đáo, giàu sức liên tưởng, xây dựng hình tượng ẩn dụ, giọng thơ tha thiết

“Sóng” ra đời cách đây gần 40 năm nhưng độ nồng nàn, say đắm của nó vẫn không hề phai giảm trong lòng người đọc. Đó còn là tâm hồn của người phụ nữ trong tình yêu  được hiện lên qua hình tượng sóng. Tình yêu tha thiết nồng nàn, đầy khát vọng và sắt son chung thủy vượt lên giới hạn của đời người. Đoạn thơ đưa người đọc đến với cảm xúc chân thực của người con gái khi yêu. Chính vì lẽ đó bài thơ đã trường tồn cùng với thời gian và đọng lại trong lòng đọc giả đến ngày hôm nay và mai sau.

Xem thêm : Sóng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *