Vẻ đẹp con người nhà quê trong thơ Nguyễn Bính

Tài liệu Văn

Tên người viết: Trần Mai Hương – Lớp 11 văn 2

Giáo viên hướng dẫn: Cao Thị Huệ

CHUYÊN ĐỀ:

Vẻ đẹp con người nhà quê trong thơ Nguyễn Bính

  • Cấu trúc
  1. Lí do chọn đề tài
  2. Phong trào thơ Mới và sự bừng nở của cái tôi cảm xúc.
  3. Nguyễn Bính-chủ soái dòng thơ chân quê trong phong trào thơ Mới.

III. Khám phá vẻ đẹp con người nhà quê trong thơ Nguyễn Bính cũng chính là hành trình đi tìm bản sắc văn hóa dân tộc trong nền văn học dân tộc.

  1. Lịch sử vấn đề
  2. Phương pháp nghiên cứu
  3. Phần nội dung
  4. Cơ sở lí luận
  5. Phân tích, chứng minh
  6. Đó là những con người nặng sâu tình cảm gia đình
  7. Đó là những chàng trai cô gái mặn nồng mà ý nhịtrong tình yêu đôi lứa.
  8. Đó cũng là những con người nặng lòng với quê hương, xứ sở.
  9. Đó cũng là những con người luôn mang trong lòng nỗi bất an trước sự mai một của văn hóa làng quê, văn hóa dân tộc trước sự xâm nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây.
  • Tổng kết
  1. Tài liệu tham khảo

 

___________________________________

 

  1. Lí do chọn đề tài
  2. Phong trào thơ Mới và sự bừng nở của cái tôi cảm xúc.

Hoài Thanh đã từng gọi sự gặp gỡ phương Tây những năm đầu thế kỉ XX là “cuộc biến thiên lớn nhất trong lịch sử Việt Nam từ mấy mươi thế kỉ”. Có thể nói, cái ngày người lái buôn phương Tây thứ nhất đặt chân lên xứ ta, người ấy đã đem theo cùng với hàng hóa phương Tây là một nền văn minh hoàn toàn mới mẻ, là một thứ ngôn ngữ hoàn toàn lạ lẫm, để rồi hứa hẹn cái mầm ấy sau này sẽ nảy sinh thành thơ mới. Thơ mới xuất hiện trên thi đàn Việt Nam những năm 1932 – 1945.Thơ mới sinh ra từ cách nhìn, cách cảm và cách biển đạt mới của những nhà thơ không ưa “lối mòn” trong cảm nhận về thế giới. Nếu một chữ “ta” có thể khái quát tất cả tinh thần đại thể của thơ cũ thì tinh thần đại thể của thơ mới lại nằm trong một chữ “tôi”. Nhà phê bình văn học Đỗ Lai Thúy đã nhận xét: “Thơ Mới là sự bừng tỉnh của ý thức cá nhân và cái tôi cá nhân”. Quả thực vậy, “chưa bao giờ người ta thấy xuất hiện cùng lúc một hồn thơ rộng mở như Thế Lữ, mơ màng như Lưu Trọng Lư, hùng tráng như Huy Thông, trong sáng như Nguyễn Nhược Pháp, ảo não như Huy Cận, kì dị như Chế Lan Viên, quê mùa như Nguyễn Bính… và thiết tha, rạo rực, băn khoăn như Xuân Diệu”. Mỗi nhà thơ là một loài hoa riêng chỉ mang màu sắc và tỏa hương của chính mình nhưng họ đều có điểm chung – đều mang “cái tôi trữ tình” với khát khao mãnh liệt được giải phóng, vượt lên trên những giới hạn, ràng buộc của thời trước khắt khe, để mở rộng lòng mình đón lấy cái mới – ảnh hưởng phương Tây, hay đúng hơn, ảnh hưởng Pháp.

  1. Nguyễn Bính-chủ soái dòng thơ “chân quê” trong phong trào thơ Mới.

Trong khi hầu hết các nhà thơ Mới – theo nhận xét của Hoài Thanh – “đều đội lên đầu dăm bảy nhà thơ Pháp” thì Nguyễn Bính đã tìm đến một lối đi riêng, trở về với văn hóa dân gian, những câu hát cửa đình, rặng mồng tơi, bến đò, cây đa, bến nước,… Như một bông hoa trọn đời chỉ tỏa ra không gian một mùi hương độc nhất là tất cả tinh hoa của nó, Nguyễn Bính chỉ làm thơ “chân quê”, không hề pha trộn với thơ cung đình, thơ Tàu hay thơ Tây. Có thể nói Nguyễn Bính không nhường ai trong việc đặc tả cái bản sắc riêng của quê hương đồng đất cũng như con người Việt Nam, cả về lí trí lẫn tình cảm, cả tính cách nết na lẫn lời ăn tiếng nói, cả cách sống, lẫn cách “yêu”… Ông đã trở thành “chủ soái” của trường phái “thơ mới dân gian” góp vào “cánh đồng hoa” thơ Mới một thứ hương sắc riêng không nồng mà thanh, không đậm mà cứ khiến người ta lưu luyến mãi, một hương sắc chỉ có thể mang tên Nguyễn Bính.

  • Khám phá vẻ đẹp con người nhà quê trong thơ Nguyễn Bính cũng chính là hành trình đi tìm bản sắc văn hóa dân tộc trong nền văn học dân tộc.

Hoài Thanh từng nói “Ở chúng ta đều có một người nhà quê”. Tìm hiểu về “con người ẩn náu” trong thơ Nguyễn Bính, chính là ta đang đi sâu khám phá cách nhìn và cách phản ánh của nhà thơ về con người “muôn hình vạn trạng” của đời sống và đồng thời là cách ta đến gần hơn với Nguyễn Bính, gần hơn một tâm hồn hòa quyện giữa huyết mạch “chân quê” với hơi thở hiện đại. Cùng Nguyễn Bính trở về với văn hóa dân tộc cổ truyền, về với hồn xưa đất nước, để đi tìm lại cái tôi nguyên bản với những tình cảm chân thật nhất mà ta lỡ đánh mất trong thế giới hiện đại này. Vì sao Nguyễn Bính – một thi sĩ chân quê lại là một trong “ba đỉnh ca thơ Mới”? Điều gì đã làm nên một Nguyễn Bính “quê mùa” sống mãi trong tâm trí không chỉ của người dân quê mà cả của hầu hết chàng trai, cô gái thành thị? Bạn biết Nguyễn Bính chân quê nhưng liệu có biết trong Nguyễn Bính nét chân quê ấy được bộc lộ thế nào? Hãy thức tỉnh “con người chân quê” trong chính bạn rồi bạn sẽ thấy, đâu đó có một con người mang tên “Nguyễn Bính”, cũng đang nằm trong trái tim mình, dù ít dù nhiều…

 

  1. Lịch sử vấn đề

Giáo sư Chu Văn Sơn đã xếp Nguyễn Bính vào bộ “ba đỉnh cao thơ Mới” – một Xuân Diệu mới nhất, một Hàn Mặc Tử lạ nhất và một Nguyễn Bính quê nhất. Là người Việt có lẽ ai cũng thuộc lòng những câu thơ tương tư đậm chất Nguyễn Bính, là một người yêu thơ có lẽ ai cũng cần hơn một lần cảm thơ Nguyễn Bính và viết về thơ Nguyễn Bính…

Nhà phê bình Hà Minh Đức cũng đã từng viết về Nguyễn Bính, gọi Nguyễn Bính là “thi sĩ của đồng quê”, đi sâu khám phá thơ Nguyễn Bính ở các phương diện: quê hương, con người, thế giới nghệ thuật trong thơ và nghệ thuật sáng tạo củaNguyễn Bính, để rồi khái quát: “như một dòng chảy trong vắt của đồng quê, nguồn thơ sẽ đi xa và đến được nhiều miền đất lạ trong tương lai.” Còn nhà thơ Vũ Bằng lại ấn tượng về “căn bệnh tương tư” trong thơ Nguyễn Bính, ông giải thích tại sao người ta hay chê thơ mà vẫn thuộc thơ Nguyễn Bính: “thứ nhất, Nguyễn Bính đã nói lên tiếng nói chân thật của lòng với lời lẽ bình thường của dân gian, không cầu kì, không kênh kiệu và thứ hai là Nguyễn Bính đã nhắm đúng vào một căn bệnh chung của loài người là cái bệnh tương tư”. Còn Nguyễn Quốc Túy lại ấn tượng ở Nguyễn Bính “hồn dân tộc, chất ca dao, dân ca, chất thơ dân gian” nên có hẳn một bài phân tích về “thi pháp dân gian trong Thơ mới Nguyễn Bính”. Có biết bao nhiêu người viết về Nguyễn Bính thì bấy nhiêu người viết về Nguyễn Bính như một “thi sĩ của yêu thương”… Trở về với Nguyễn Bính ấy là khi ta được quay về với những gì chân thật nhất, hồn nhiên nhất trong tâm hồn.

Còn có rất nhiều các công trình nghiên cứu, các chuyên đề, tiểu luận khác mong muốn được khám phá Nguyễn Bính. Bài nghiên cứu này của chúng tôi chủ yếu muốn nói về con người trong thơ Nguyễn Bính, một khía cạnh nhỏ trong nội dung phản ánh của trang thơ thi sĩ này. Nhưng con người lại là cái đích cuối cùng ẩn tàng sau mọi tầng bậc lớp nghĩa của nghệ thuật. Bởi vậy khi nói về con người nhà quê trong thơ Nguyễn Bính cũng là khi ta trở về với không gian quê hương làng cảnh bình dị, là đi sâu đến tận cùng đời sống tinh thần của lòng người muôn thuở, ta thấy Nguyễn Bính lại càng gần gũi thêm.

 

  1. Phương pháp nghiên cứu
  • Thống kê và phân loại những bài thơ của Nguyễn Bính.
  • Phân tích: lựa chọn dẫn chứng và phân tích
  • So sánh: so sánh thơ Nguyễn Bính với Xuân Diệu hay Huy Cận, Hàn Mặc Tử và so sánh với thơ của một số tác giả cùng viết về đề tài “chân quê” (Anh Thơ, Đoàn Văn Cừ, Bàng Bá Lân)
  1. Phần nội dung
  2. Cơ sở lí luận:

Nhà văn Nguyễn Minh Châu quan niệm: “Cuộc sống và văn học là hai vòng tròn đồng tâm, mà tâm điểm là con người”. Quả đúng như thế, nếu con người chính là trung tâm của đời sống, của vũ trụ thì linh hồn của một tác phẩm nghệ thuật cũng chính nằm  ở con người mà nó phản ánh. Nhà văn Pháp Victor Hugo từng so sánh: “Có một cảnh tượng rộng lớn hơn biển cả, đó là bầu trời. Có một cảnh tượng rộng lớn hơn bầu trời, đó tâm hồn con người”. Biển ca tuy rộng lớn nhưng biển nào cũng có bờ, bầu trời tuy mênh mông nhưng vẫn có những đường chân trời giới hạn tầm mắt. Nhưng con người lại là một thế giới không có địa hạt và đường biên, vì vậy thế giới ấy mãi là đối tượng phản ánh của văn học. Mặt khác, con người trong văn chương nghệ thuật không chỉ là khách thể xa lạ của đời sống ngoài kia, nó được đặt dưới sự quan sát tinh tế của lăng kính người nghệ sĩ, phần nào trong “con người” ấy thấp thoáng dáng hình nhà thơ. Bởi vậy ta tìm hiểu con người trong thơ ca Nguyễn Bính là thấy được “con người” của đời sống dưới mắt nhìn “chân quê” của người nghệ sĩ và cũng phần nào thấu hiểu được “con người” trong Nguyễn Bính. Mặt khác, khi hé mở cánh cửa văn học, gặp gỡ nhà thơ, cùng trò chuyện, cùng sẻ chia, ấy cũng là khi ta ngược trở về, tìm kiếm và tự cảm nhận được con người bên trong chính mình. Con người nhà quê đang “ẩn náu” ở đâu đó trong con người bạn?

 

  1. Vẻ đẹp của con người nhà quê trong thơ Nguyễn Bính:
  2. Đó là những con người nặng sâu tình cảm gia đình:

Bước vào trang thơ của Nguyễn Bính mới thấy Nguyễn Bính chỉ ưu viết về những người “quanh mình”. “Người nhà quê” trong thơ Nguyễn Bính không ai khác chính là những con người chất phác, mộc mạc, chịu thương chịu khó, cả một đời gắn bó với mảnh đất “chôn rau cắt rốn” – hay chính những người dân quê đồng hương với ông. Nhưng ở dưới cái nhìn trân trọng tự hào đầy trìu mến của nhà thơ gốc thành Nam thì “người nhà quê” ấy không chỉ là những con người sớm sớm chiều chiều việc đồng áng lam lũ vất vả cực khổ với cái đói nghèo quanh năm, mà họ được nâng lên, trở thành hiện thân của những nét đẹp truyền thống của dân tộc, là chứng nhân lịch sử lưu giữ nét đẹp văn hóa phong tục cổ truyền.

Hình ảnh “người chị” trong bài thơ “Lỡ bước sang ngang” đã gây cho người đọc những ấn tượng khó phai. Đó là hiện thân chung cho thân phận người con gái đau khổ vì phải đi lấy chồng sớm, chưa kịp đáp đền ơn nghĩa sinh thành, nhưng ẩn sau những lời nhắn gửi chua xót ngậm ngùi của cô gái quê vẫn là một chữ “hiếu” vẹn nguyên:

“ Em ơi em ở lại nhà

Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương

Mẹ già một nắng hai sương

Chị đi một bước trăm đường ót xa

Cậy em, em ở lại nhà

Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương.”

Ít nhiều Nguyễn Bính đã gợi lại không khí cậy nhờ của buổi trao duyên giữa Thúy Kiều và Thúy Vân. Người con gái phải về nhà chồng trong tâm trạng ai oán xót xa là hình ảnh đã gây nên xúc động cho nhiều hồn thơ, đặc biệt trong một xã hội lạc hậu như thế.

Câu thơ “Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương” được điệp lại hai lần thấm đẫm những giọt nước mắt của cô gái khóc thương cho thân phận mình, cũng là khóc thương cảnh mẹ già không có ai có thể trông cậy. Dù ở bất cứ hoàn cảnh nào, “người nhà quê” của Nguyễn Bính vẫn vẹn nguyên nét đẹp ngàn đời.

Ở bài thơ “Tết của mẹ tôi” ngòi bút tác giả lại hướng đến hình tượng người mẹ mang nét đẹp truyền thống thân thuộc:

 

“ Mẹ tôi gọi các em tôi

Đến bên mà dặn “Sáng ngày mai

Các con phải dậy sao cho sớm

Đầu năm năm mới phải lanh trai

Mặc quần mặc áo lên trên nhà

Thắp hương, thắp nến lễ ông bà

Chớ có cãi nhau, chớ có quấy

Đánh đổ đánh vỡ như người ta”

Hình ảnh người mẹ chẳng còn là một đề tài xa lạ gì trong thơ ca. Thơ mới không cần đợi có Nguyễn Bính, Lưu Trọng Lư cũng đã viết về mẹ qua dòng hồi ức của mình:

Tôi nhớ Me tôi thuở thiếu thời,

Lúc Người còn sống, tôi lên mười;

Mỗi lần nắng mới reo ngoài nội,

Áo đỏ Người đưa trước giậu phơi.

( Nắng mới – Lưu Trọng Lư)

Sau đó còn có một nhà thơ Mới khác cũng viết về mẹ, nhà thơ ấy gần gũi với Nguyễn Bính hơn, cùng thời với Nguyễn Bính điểm tô những sắc màu dân gian truyền thống cho thơ mới hiện đại bấy giờ. Đó là Đoàn Văn Cừ cùng bài thơ “ Đường về quê mẹ”:

U tôi ngày ấy mỗi mùa xuân,

Dặm liễu mây bay sắc trắng ngần,

Lại dẫn chúng tôi về nhận họ

Bên miền quê ngoại của hai thân.

Nhưng nếu Lưu Trọng Lư chỉ cảm nhận “mẹ” theo dòng kí ức, trở về những ngày có “nắng mới” để nhớ về “me” trong cái nếp sinh hoạt đời thường giản dị, hồn nhiên, người mẹ ấy lại giống bao người phụ nữ bình thường khác gắn bó với thôn dã; thì Đoàn Văn Cừ lạm dùng cảm quan của mình mà cách điệu nét đẹp của mẹ ở phần hình thức, khiến ta có cảm tưởng người mẹ trong thơ chỉ là người mẹ của riêng Đoàn Văn Cừ, đẹp thì quả đẹp nhưng người ta thấy “lạ”.

Còn trong “ Tết của mẹ tôi”, Nguyễn Bính hầu như không tả cảnh tết mà thông qua lời nhắc nhở nhẹ nhàng đã kể lại sự cẩn trọng, thành kính trong công việc chuẩn bị đón tết và tấm lòng nhân hậu của người mẹ với con cái. Hình ảnh người mẹ được nâng lên trở thành biểu tượng cho chân dung người phụ nữ Việt Nam với nét đẹp dịu dàng, đảm đang, giàu đức hi sinh mà chịu thương chịu khó: “Tết đến mẹ tôi vất vả nhiều…”

Nguyễn Bính còn hướng ngòi bút tới người con gái bên khung cửi với tấm lòng trong sáng, tròn một chữ hiếu với mẹ già, người con gái ấy được giữ trong khuôn khổ, nền nếp của gia đình và như còn xa lạ với cuộc đời bên ngoài.

Em là con gái trong khung cửi

Dệt lụa quanh năm với mẹ già

Lòng trẻ còn như cây lụa trắng

Mẹ già chưa bán chợ làng xa.

( Mưa xuân)

  1. Đó là những chàng trai cô gái quê mặn nồng mà ý nhị  trong tình yêu đôi lứa

“Thế giới không có người biết yêu thì mặt trời sẽ tắt’’

(Vich-to Huy-gô).

Và cũng như các nhà thơ Mới khác, thơ Nguyễn Bính cũng có tiếng hát tình yêu, song không mãnh liệt, dữ dội như tình yêu trong thơ Xuân Diệu, không tang thương như thơ tình Hàn Mặc Tử, tình yêu trong thơ ông chân thật và mộc mạc như tình yêu của người bình dân trong ca dao. Những chàng trai, cô gái sinh ra và lớn lên trên mảnh đất quê hương, tâm hồn trong sáng tựa chốn thôn dã bình dị ấp ủ những mối tình bẽn lẽn, e ấp.

Trong bài “Người hàng xóm” tác giả đã viết về cái tình yêu e ấp. rụt rè của chàng trai quê, cái tình dễ thương đến lạ:

“Nhà nàng ở cạnh nhà tôi,

Cách nhau cái giậu mồng tơi xanh rờn.

Hai người sống giữa cô đơn,

Nàng như cũng có nỗi buồn giống tôi.

Giá đừng có giậu mùng tơi,

Thế nào tôi cũng sang chơi thăm nàng”

Còn trong “Hoa và rượu”, mối tình trong thơ của Nguyễn Bính lại nảy nở từ hai người bạn là “thanh mai trúc mã” của nhau, mối tình tưởng chừng ngây ngô của thời thơ ấu vụng dại lại trở thành kí ức mong manh cứ đau đáu mãi trong tâm trí nhân vật trữ tình:

“Thuở ấy làm sao thật thái bình

Trai hiền bạn với gái đồng trinh

Đời say men rượu thơm hoa rụng

Tràn những ngây thơ ngập cảm tình”

Phải chăng chính đồng đất quê hương này đã mai mối nên duyên,  thành những câu chuyện tình của biết bao đôi lứa?

Tình yêu đôi lứa trong trang thơ Nguyễn Bính nảy nở một cách tự nhiên, chân thành mà giản dị, mang đủ đầy những cung bậc cảm xúc của lòng trai gái.

Mấy ai thương nhau mà chẳng đôi lần tương tư, tương tư mà chẳng đêm ngày mong nhớ. Cũng bắt đầu từ những nốt nhạc nhung nhớ, cái nhớ trong thơ của “người nhà quê” không quá mãnh liệt những lại tha thiết lạ! Ca dao xưa đã vẽ hình nỗi nhớ thế này :

‘‘Nhớ ai con mắt lim dim

Chân đi thất thểu như chim tha mồi.

Nhớ ai hết đứng lại ngồi

Ngày đêm tơ tưởng một người tình nhân’’.

Cùng thể hiện nỗi nhớ da diết trong tình yêu, còn ‘‘nhà thơ mới nhất trong các nhà thơ Mới’’ – Xuân Diệu sôi nổi mãnh liệt trong nỗi nhớ cháy bỏng da diết của những con người chốn thành thị sống “vội vàng”:

“Anh nhớ tiếng. Anh nhớ hình. Anh nhớ ảnh

Anh nhớ em, anh nhớ lắm! Em ơi!”

(Tương tư chiều – Xuân Diệu)

Trong khi đó, Nguyễn Bính lại mang nặng nỗi niềm trăn trở băn khoăn được thể hiện một cách tế nhị kín đáo của những con người “chân quê”. Đó là nét văn hoá phương Đông không lẫn vào đâu được: không vồ vập, suồng sã mà đắm say, da diết vô cùng.

“Thôn Đoài ngồi nhớ thôn Đông

Một người chín nhớ mười mong một người”

(Tương tư)

Nhà thơ đã đặt hai địa danh cụ thể ‘‘thôn Đoài-thôn Đông” ở hai đầu câu thơ để nỗi nhớ bắc cầu cho không gian cảm xúc. Tình cảm được bộc lộ trực tiếp, chân thành những lại không suồng sã mà có phần ý nhị.

Hết nhớ nhung vì cách trở thì người ta lại sinh giận hờn vu vơ vì không thể gặp nhau. Nhưng dẫu thế nào, lời hờn trách được thốt lên từ một trái tim yêu, xét đến cùng vẫn là lời tự giãi bày chân thành nhất:

“Tương tư thức mấy đêm rồi

Biết cho ai biết ai người biết cho.”

(Tương tư)

Để rồi từ đó con tim sẽ tự cất lên khát khao được gặp gỡ, ước vọng được gần gũi, được có hạnh phúc bên nhau trọn đời:

“Nhà em có một giàn trầu

Nhà anh có một giàn cau liên phòng

Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông

Cau thôn Đoài nhớ giầu không thôn nào?”

(Tương tư)

Am hiểu tâm lý người nhà quê, Nguyễn Bính biết rằng cái đích toàn vẹn nhất trong tình yêu là hôn nhân. Hôn nhân là biểu tượng của hạnh phúc lâu bền, là ước mơ của biết bao đôi lứa yêu nhau. Nhà thơ đã khiến “tương tư” mang tình cảm truyền thống dân tộc không chỉ trong cách thức bày tỏ mà còn trong cội nguồn cảm xúc.

Nhưng cũng vì sống làm người nhà quê, quá dỗi thân quen với chuyện làng, việc làng, Nguyễn Bính cũng hiểu rằng vì những phong tục cổ hủ, những quan niệm lỗi thời của thế hệ trước mà mấy ai đến được với nhau, mấy chuyện tình có kết thúc có hậu! Bởi vậy trong thơ, ông hầu như viết về những mối tình còn dang dở, những giọt nước mắt, những niềm đau của đôi lứa khi không thể cùng nhau đến bền bờ của hạnh phúc. Như trong “Xa cách” tác giả có viết:

“Nhà em cách bốn quả đồi

Cách ba ngọn suối, cách đôi cách rừng

Nhà em xa cách quá chừng

Em van anh đấy, anh đừng yêu em.”

Hiện lên trên những vần thơ Nguyễn Bính, đó là tâm tình của một quê hương, một dân tộc thuần phác, mộc mạc với yêu thương và cả đau thương.

Thơ Nguyễn Bính đã nói hộ nỗi lòng của biết bao đôi lứa yêu nhau, hay phải chăng đó cũng chính là tiếng lòng cất lên từ sâu thẳm bên trong người nghệ sĩ? Phải chăng đó chính là tiếng nói của một “cái tôi” cô đơn lạc lõng, một “cái tôi” lỡ dở mang niềm khát khao giao cảm mãnh liệt. Con người chân quê Nguyễn Bính cũng đang mượn lối nói ý nhị của người nhà quê để tự phơi trải lòng mình. Đó cũng chính là nét chung giữa những “cái tôi” thơ Mới muôn hình, muôn điệu. Nếu như Xuân Diệu “trẻ tuổi, trẻ lòng” say đắm tình yêu, say đắm cảnh trời lại mang “nỗi ám ảnh thời gian”; nếu như có một Huy Cận “lượm lặt những nỗi buồn rơi rắc để kết thành những vần thơ ảo não”, tự thấy mình bé nhỏ giữa dòng chảy miên viễn; nếu có một Hàn Mặc Tử đau thương từ cõi “huỷ diệt” nhưng luôn “hướng về sự sống”, thì ở đây chúng ta có một Nguyễn Bính “lỡ làng” nhưng luôn khao khát được “trọn vẹn” – một cái tôi “lỡ bước sang ngang” nhưng không ngừng mở ước sẽ chèo lái con thuyền tình yêu đến bền bờ hạnh phúc. Đó đều là những nét tiêu biểu của “cái tôi” thơ Mới – cái tôi trữ tình lãng mạn, ý thức được giá trị bản thân và cái tôi riêng biệt cá nhân của mình.

  1. Đó cũng là những con người nặng lòng với quê hương, xứ sở

Sinh ra và lớn lên nơi thôn dã, quê hương là tất cả, mà cũng là nơi in đậm dấu vết đời mình,mỗi nhân vật trong thơ Nguyễn Bính đều ít nhiều ẩn chứa những tình cảm mến yêu gắn bó với cảnh đẹp quê hương. Tình cảm ấy có thể không sôi sục dâng trào nhưng lại thắm đượm đến da diết.

Trong bài thơ “Nhà tôi”, Nguyễn Bính đã đặt mình vào vai một chàng trai để ngắm nhìn khung cảnh vườn tược quê nhà một cách âu yếm:

“Nhà tôi có một vườn dâu,

Có giàn đỗ ván, có ao cấy cần.

Hoa đỗ ván nở mùa xuân,

Lứa dâu tháng tháng, lứa cần năm năm”

Hay như trong bài “Anh về quê cũ” người ta thấy bước ra từ những vần thơ lục bát là một làng quê được thêu dệt nên từ những mảng màu hài hòa, từ tâm tình và thi vị. Hình ảnh thôn Vân đã đi vào lòng người như thế:

“Thôn Vân có biếc có hồng,

Hồng trong nắng sớm, biếc trong vườn chiều.

Đê cao có đất thả diều,

Trời cao lắm lắm có nhiều chim bay.

Quả lành nặng trĩu từng cây,

Sen đầy ao cá, cá đầy ao sen”

“Người nhà quê” trong thơ Nguyễn Bính cũng tuân theo qui luật tình cảm của con người muôn thuở:có lẽ cứ phải chia xa một điều gì thân thuộc, người ta mới thực cảm thấy nhớ, thấy thương, thấy bồi hồi, chỉ khi ấy người ta mới thấy mảnh đất quê hương đã hóa mảnh hồn mình tự bao giờ… Nỗi nhớ quê hương không phải là một đề tài xa lạ trong ca dao dân ca xưa. Người xưa xa quê là thấy nhớ quê da diết:

Anh đi anh nhớ quê nhà,
Nhớ canh rau muống, nhớ cà dầm tương,
Nhớ ai dãi nắng dầm sương,
Nhớ ai tát nước bên đường hôm nao.

(ca dao)

Khi cuộc sống chỉ là chuỗi ngày dài lê thê, bế tắc, hiện thực không đáp ứng nổi ước mơ thì nỗi buồn chất chứa trở thành cái cớ để người ta trốn tránh cuộc đời. Tản Đà xem đời là “Giấc mộng lớn, giấc mộng con.” Chế Lan Viên ru ngủ mình trong những tháp chàm đổ nát. Xuân Diệu mải miết trên con đường tình yêu. Thế Lữ trốn lên tiên… Thú giang hồ phiêu lãng được rất nhiều nhà thơ ôm ấp. Nhưng đi đâu? Làm gì? Mấy ai trả lời được! Nguyễn Bính không phải ngoại lệ. Ông đi “dan díu với kinh thành” nhưng để rồi lại bơ vơ nhớ về cố hương đến da diết, để rồi chợt nhận ra dù đi đâu về đâu, mình một lòng vẫn hướng về quê hương.

Cùng diễn tả nỗi niềm li biệt, nếu như Thâm Tâm trong “Tống biệt hành” còn giữ được thái độ “dứt khoát” với chút ít hào khí của tráng sĩ khi xưa thì một “người nhà quê” như Nguyễn Bính sao có thể không lưu luyến trước cảnh chia xa nơi sân ga, bến đò? Trong bài thơ “Quê tôi” ông đã viết ngay trước giờ phút chia li:

“Mai ngày tôi bỏ quê tôi

Bỏ giăng bỏ giỏ, chao ôi bỏ chùa

Đem thân đi với giang hồ

Sân ga phẳng lặng, bến đò lênh đênh.”

Có lẽ với nhân vật trữ tình kia hay cũng là Nguyễn Bính đấy thôi đều coi “quê hương” như một người thân yêu, như một người tình mà bỏ lại sẽ cảm thấy như mắc nợ điều gì, luyến tiếc điều chi. Chốn đô thị phồn hoa kia có lẽ chỉ hào nhoáng vỏ bọc bên ngoài nhưng thực chất nó lại là nơi khó tìm mối đồng cảm sẻ chia. Cuộc sống ấy đã làm cho những vần thơ viết về nỗi niềm của những ngày xa quê phả ra hơi thơ chua chát xót xa:

“Bắt tôi sống giữa phồn hoa

Giữa nơi cát bụi nhưng mà, than ôi!

Ngẩn ngơ đưng giữa chợ đời

Tôi tìm đâu thấy mảnh giời thần tiên”

(Vì em)

Hay như tâm sự buồn khổ của cái tôi trữ tình trong bài “Đêm mưa đất khách”:

“Hỡi ơi trời đất vô cùng rộng

Nào đâu tìm biết một mái nhà

Có như mặt tịnh xanh mà uống

Đất khách cùng đường ta khóc ta”

Cảm giác lạc loài bơ vơ càng nồng hơn mỗi khi Tết đến. Nỗi nhớ day dứt kéo theo niềm khát khao được hồi hương mãnh liệt: Trong bài “Sao chẳng về đây” nhân vật trữ tình đã choàng tỉnh giấc mộng chốn phồn hoa để nhận ra điều gì mới là đáng trân quý nhất với mình, điều gì mình đã trót đáng quên bỏ rơi, để rồi cuối cùng là ước vọng được trở về:

“Chẳng đợi mà xuân vẫn cứ sang

Phồn hoa thôi hết mộng huy hoàng

Sớm nay sực tỉnh sầu đô thị

Tôi đã về đây rất vội vàng.”

Có lẽ với Nguyễn Bính, hơi thở của cuộc sống ở nông thôn trong từng cảnh vật làng quê từ bến nước, giàn giầu, hàng cau, giậu mùng tơi, khung cửi,… đã khắc sâu vào máu thịt của ông. Nhà văn Tô Hoài đã khẳng định về thơ NguyễnBính:’Khi nào anh cũng là người của cái xứ đồng, của cái diều bay, của dây hoa lý, của mưa thưa mưa bụi, giữa công ăn việc làm vất vả sương nắng. Bởi đấy là cốt lõi cuộc đời và tâm hồn thơ Nguyễn Bính. Quê hương là tất cả và cũng là nơi in đậm dấu vết đời mình.”. Quê hương trong thơ Nguyễn Bính là một quê hương bình dị mà gắn bó thân thương. Tình yêu quê hương ấy gắn chặt với tình yêu con người. Cái tình của người nhà quê cứ thắm đượm như thế.

4.Đó cũng là những con người luôn mang trong lòng nỗi bất an trước sự mai một của văn hóa làng quê, văn hóa dân tộc trước sự xâm nhập mạnh mẽ của văn hóa phương Tây.

Sự xâm lấn của cuộc sống đô thị vào nông thôn đã tác động đến nhiều phương diện cuộc sống của con người Việt Nam quanh năm sống sau luỹ trẻ xanh. Đỗ Lai Thuý có nhận xét rõ về con người hoài niệm trong thơ Nguyễn Bính : « Trong số các nhà thơ cùng thời viết về nông thôn… có lẽ chỉ có Nguyễn Bính là nhận thức sâu sắc được sự thay đổi của thôn quê trước công cuộc xâm lăng của đô thị. Nếu như thơ của các thi sĩ khác chỉ là những “bức tranh quê”, những bài “thôn ca”, những hoạ phẩm phong tục và lịch sử quý giá, thì thơ Nguyễn Bính là nhớ thương, lo âu và khắc khoải về sự phôi pha của quê hương.”

Trong khi Xuân Diệu đã khoác lên mình bộ trang phục “tân kì” bậc nhất để tham gia “bàn tiệc” thơ Mới thì người nhà quê Nguyễn Bính một lòng thủy chung với “yếm lụa sồi, quần nái đen,khăn mỏ quạ…”. Nhà thơ hụt hẫng kiếm tìm:

“Nào đâu cái yếm lụa sồi?

Cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân

Nào đâu cái áo tứ thân?

Cái khăn mỏ quạ,cái quần nái đen?”

(Chân quê)

Nếu có một cái nhìn bao quát rộng mở hơn nữa, ta có thể dễ dàng thấy được rằng “tính dân tộc” trong văn chương nghệ thuật còn được nâng lên và trở thành một vấn đề của toàn nhân loại. Mỗi con người đều thuộc về một đất nước, mỗi tâm hồn đều phải tìm cho mình một mảnh đất để trú ngụ và nơi ấy mang tên quê hương. Quê hương tuy lớn lao mà tình yêu quê hương lại chỉ bắt nguồn từ những điều thật bình dị…

Trong tác phẩm “Lòng yêu nước”, nhà văn Nga I-li-a Ê-ren-bua có viết: “Lòng yêu nước ban đầu là lòng yêu những vật tầm thường nhất: yêu cái cây trồng ở trước nhà, yêu cái phố nhỏ đổ ra bờ sông, yêu vị thơm chua chát của trái lê mùa thu hay mùa cỏ thảo nguyên có hơi rượu mạnh (…)Lòng yêu nhà, yêu làng xóm, yêu miền quê trởnên lòng yêu Tổ quốc.”

Hay như nhà thơ Nga Ê-xê-nhin đã từng nồng nhiệt bày tỏ cảm xúc của mình với đất nước:

“Ôi nếu như thiên thần lên tiếng gọi

Bỏ nước Nga lên sống ở thiên đường

Tôi sẽ đáp: thiên đường xin để đấy

Cho tôi xin ở cùng tổ quốc yêu thương”.

Lời thơ vút lên từ sâu thẳm con tim, từ tình yêu quê hương, yêu tổ quốc đã thấm nhuần trong dòng máu nóng, để rồi cháy lên thành khao khát muốn được sống gắn bó và cống hiến cho quê hương, cho dân tộc mình.

Còn Nguyễn Huy Thiệp với truyện ngắn “Thương nhớ đồng quê” đã gửi trọn tình yêu quê hương qua những cánh đồng thân thuộc: cánh đồng màu, cánh đồng lòng, cánh đồng người, cánh đồng hoang. Cánh đồng trở thành ám gợi cho quê hương, là nơi chốn nương náu và có khả năng ôm ấp, lưu giữ những hoài niệm bất tận, những cái đã mất của con người…

Trở về với Nguyễn Bính, cũng nảy nở từ những điều thật giản dị ấy thôi, thi sĩ chân quê đã chinh phục lòng người bằng nhạc điệu của trái tim, bằng tiếng nói của nỗi niềm, tâm tư của một “thi sĩ yêu thương” lúc nào cũng đau đáu nỗi lòng về với bờ tre, ruộng lúa, mảnh vườn và những người thân được mã hóa bằng các phương tiện trữ tình. Có lẽ bởi thế mà thơ Nguyễn Bính chân thành, mộc mạc thế thôi nhưng vẫn đủ sức mang tính thời đại, phản ánh những vấn đề của nhân loại.

Rồi từ ấy, người ta biết thêm được một phương diện trong tình yêu quê hương, chính là khao khát muốn níu giữ những nét đẹp chân quê đang đứng trên bờ vực bị tha hóa. Nguyễn Bính đặc biệt phê phán thói học đòi cách tân của những cô gái quê mong muốn trở thành những cô “tân thời”:

“Nói ra sợ mất lòng em

Van em em hãy giữ nguyên quê mùa

Như hôm nay em đi lễ chùa

Cứ ăn mặc thế cho vừa lòng anh!”

(Chân quê)

Như vậy trong cuộc hành trình trở về, cái tôi trữ tình hoài niệm đã thực sự trải lòng mình ra với quê hương và nâng niu tất cả những gì thuộc về giá trị văn hóa truyền thống. Chính nhờ nỗi lòng thiết tha ấy mà những sự vật thường thấy hằng ngày trước mắt ta, và khi vào thơ Nguyễn Bính bỗng trở thành lung linh hương sắc. Trong phong trào thơ Mới không phải là không có những bài thơ viết về quê hương, về những con người nhà quê mộc mạc nhưng kết hợp bức chân dung ấy với “hồn xưa đất nước”, gửi gắm tất cả ước mơ và khát vọng cùng với những âu lo và khắc khoải của mình vào đó để độc giả nhận biết về giá trị của “hồn dân tộc” thì chỉ có Nguyễn Bính làm được. Nguyễn Bính đã dùng con mắt của “người nhà quê” để quan sát mà khắc họa được chân thực và sinh động bức chân dung con người nhà quê chan chứa tình quê mênh mang.

Đặc biệt trong nhịp sống hiện đại hôm nay, khi mà cụm từ “toàn cầu hóa” cứ xuất hiện ngày một nhiều trong cuộc sống, thì nỗi lo âu của Nguyễn Bính càng hiện hữu. Đó là nỗi bất an của thi nhân trước thực tế đương thời hay còn là dự cảm của người nghệ sĩ cho cả hôm nay? Yêu thơ Nguyễn Bính, thấu hiểu những gì thi sĩ đã viết và gửi gắm trong đó, mỗi chúng ta hãy làm một điều gì đó để góp phần chung tay giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc. Thiết nghĩ đó cũng là việc tử tế để làm người tử tế hôm nay.

  • Nghệ thuật thể hiện vẻ đẹp con người nhà quê trong thơ Nguyễn Bính

Người Trung Quốc xưa nhận xét: “Thơ hay như người con gái đẹp, cái để làm quen là nhan sắc, cái để sống với nhau lâu dài là đức hạnh; chữ nghĩa là nhan sắc của thơ, tấm lòng mới là đức hạnh của thơ”. Bên cạnh ý tình đậm sâu, con người nhà quê trong thơ Nguyễn Bính còn được người đọc phát hiện qua một số phương thức nghệ thuật mang đâm dấu ấn của ca dao, dân ca truyền thống.

  1. Thể loại:

          Nguyễn Bính là người của cảnh quê, hồn quê nên việc thi nhân sử dụng rất nhuần nhuyễn, điêu luyện thể thơ lục bát thuần Việt là điều tất yếu. Nếu lục bát ca dao mang vẻ tươi thắm của chất trữ tình đồng quê, nếu lục bát Truyện Kiều rất mềm mại, uyển chuyển thì những bài thơ lục bát của Nguyễn Bính như “Lỡ bước sang ngang”, “Chân quê”, “Người hàng xóm”, “Tương tư”, “Đêm cuối cùng”, “Chờ nhau”, “Giấc mơ anh lái đò”, v.v… vừa thanh thoát, gợi cảm, vừa trau chuốt, điêu luyện.Nguyễn Bính chọn thể lục bát cho hầu hết các sáng tác của mình, những bài thơ hay, nhũng bài thơ ám ảnh nhất đều được nhà thơ viết nên từ những vần điệu lục bát mềm mại da diết của quê hương. Một lần nữa, người ta thấy trong những câu lục bát có nào những chàng, những nàng, những cô con gái, những người dân quê,… có cả chính ta nữa. Nguyễn Bính sử dụng thể thơ dân tộc nhuần nhị đến độ, người ta đọc thơ ông rồi chẳng biết đó là ca dao truyền thống hay là những vần thơ của Bính. Nhưng Nguyễn Bính không sáng tác theo kiểu mô phỏng ca dao, ông luôn có những cách tân sáng tạo.Tác giả Đoàn Hương đóng góp ý kiến“Những bài lục bát của ông luôn luôn đổi mới, muôn màu muôn vẻ, tránh được cảm giác làm dáng của một nhịp thơ, một hòa âm cố định mà thể thơ lục bát thường hay dẫn đến”.

 

  1. Đặc điểm hình tượng nhân vật trữ tình:

 

Nhân vật trữ tình của Thơ mới dân gian Nguyễn Bính là nhân vật của ca dao, dân ca cổ truyền. Đó là những cô gái nông thôn làm nghề canh cửi, trồng dâu, nuôi tằm, dệt lụa ; là những anh trai làng nói lời độc thoại về mối tình đơn phương của mình thật tha thiết ; và không thể  không đề cập đến một nhân vật trữ tình đặc biệt, đó chính là cái tôi trữ tính Nguyễn Bính. Cũng như trong thơ Mới, Xuân Diệu có một cái tôi trữ tình Xuân Diệu, trong thơ mới dân gian, có một nhà thơ dân gian, một người nghệ sĩ dân gian, tự nhận mình : “ Tôi là thi sĩ của thương yêu”. Đúng vậy, cái tôi trữ tình Nguyễn Bính là một tâm hồn thơ dân gian. Cuộc đời thi sĩ, nghệ sĩ, yêu tha thiết quê hương, gắn bó với non nước này.

  1. Ngôn ngữ, thi liệu và giọng điệu :

a, Ngôn ngữ :

Trước hết đó là ngôn ngữ của ca dao, dân ca, của thơ ca dân gian nói chung. Và rộng hơn nữa là ngôn ngữ trong đời sống hằng ngày của quảng đại quần chúng nhân dân được người nghệ sĩ dân giam Nguyễn Bính chọn lọc, mài giũa và tinh luyện.

Thành ngữ dân gian được sử dụng nhiều trong thơ Nguyễn Bính : dầu hao bấc gầy, chín nhớ mười mong, cách trở đò giang…Tuy nhiên, ở đây, nhà thơ không đưa vào thơ thành ngữ với nguyên dạng của nó mà thường sử dụng lối đan chữ để làm tăng hiệu quả biểu đạt của ngôn ngữ. “Lỡ bước sang ngang” là một ví dụ tiêu biểu:

“Một đi bảy nổi ba chìm

Trăm cay ngàn đắng con tim héo dần

Một lầm hai lỡ keo sơn

Mong gì gắn lại phím đàn ngang cung

Tuổi son nhạt thắm phai đào

Đầy thuyền hận có biết bao nhiêu người.”

Thành ngữ được đan lồng càng làm nhấn mạnh tình cảm,cảm xúc của nhân vật trữ tình trong bài thơ. Sự kết hợp cổ kim, giữa truyền thống và hiện đại đến là khéo của Nguyễn Bính.

Nhân vật trữ tình trong thơ ông được “chỉ mặt gọi tên” bằng những đại từ nhân xưng quen thuộc “tôi-nàng”, “anh-em”, “chàng-nàng”, đặc biệt được kết hợp cùng đại từ phiếm chỉ “ai-người” rất tế nhị, khó xác định chính xác đối tượng nhưng cũng rất dễ vận vào bất cứ người nào, đồng thời làm tăng khả năng khái quát tâm trạng điển hình của nhiều người, tăng khả năng đồng cảm giữa những con người khác nhau. Đây đều là những tín hiệu quen thuộc đã xuất hiện nhiều trong ca dao truyền miệng xưa.

Nếu ca dao khi xưa có những câu:

Ai làm lỡ chuyến đò ngang

Cho sông cạn nước đôi đàng biệt li.

(Ca dao)

Thì thơ Nguyễn Bính lại viết:

“Xa xôi ai nhớ mà thương nhớ

Mà nhớ, mà thương đến thế này.

(Giờ mưa ở Huế)

“Tương tư thức mấy đêm rồi

Biết cho ai hỏi ai người biết cho”

(Tương tư)

Nhưng nếu ca dao dân ca nói về tình yêu đôi lứa hầu như không bao giờ dùng từ “tôi”, nó cá thể quá. Nhưng ở Thơ mới dân gian Nguyễn Bính thì lại là thời củacái tôi cá thể trỗi dậy. Từ “tôi” được sử dụng nhiều hơn cả:

Cô nhân tình bé nhỏ của tôi ơi

Tôi muốn môi cô chỉ mỉm cười.

b, Thi liệu:

“Con người” trong trang thơ Nguyễn Bính còn được đặt trong một không gian được tái hiện bằng hệ thống những thi liệu quen thuộc, những hình ảnh gắn bó với làng quê đã trở đi trở lại trong ca dao. Đó là thế giới của “giàn giầu”, “hàng cau”, “mái đình”… của làng quê Việt Nam than quen gần gũi. Hệ thống hình ảnh ấy làm cho ta chợt thấy bồi hồi xao xuyến như lại được trở về sống giữa một làng quê Việt Nam, một dân tộc Việt Nam gần gũi và thiêng liêng. Không gian nghệ thuật của Thơ mới dân gian Nguyễn Bính là một thứ không gian của cổ tích, của huyền thoại. Thời gian nghệ thuật là một thứ trộn lẫn giữa xưa và nay. Tất cả đã đưa cho Thơ Nguyễn Bính một vẻ đẹp vừa tươi duyên, óng ả lại vừa mượt mà mộng mơ.

Sớm Đào, trưa Lý, đêm Hồng Phấn

Tuyết Hạnh, sương Quỳnh, máu Đỗ Quyên

Cung tần mỹ nữ ngời son phấn

Theo gót nhà vua nở gót sen

( Xóm Ngự Viên)

c, Biện pháp tu từ:

Các biện pháp tu từ được kết hợp sử dụng một cách tinh tế và khéo léo đã góp phần thể hiện sâu sắc hơn, sống động hơn thế giới nỗi niềm của con người dân quê. Trong đó phải kể đến so sánh kép như trong bài:

“Hồn tôi giếng ngọt trong veo

Trăng thu trong vắt biển chiều trong xanh

Hồn cô cát bụi kinh thành

Đa đoan vó ngựa chung tình bánh xe.” (Tình đời)

Nói: “Nguyễn Bính là đứa con được sinh ra khi ca dao dân ca ngầm giao duyên cùng thơ Mới” quả không sai! Nhờ có những nét nghệ thuật gắn liền với vẻ đẹp truyền thống của ca dao, con người hiện lên qua từng câu chữ đã quê rồi lại càng mặn mà tình quê hơn!

d, Giọng điệu:

Nguyễn Bính đã thực sự tái hiện được lời ăn tiếng nói của những “con người nhà quê”.

Giọng điệu chính trong thơ Nguyễn Bính không dừng lại ở điệu than chịu ảnh hưởng từ làn điệu dân ca nói riêng và âm hưởng dân gian nói chung, bên cạnh  đó ta còn bắt gặp một giọng điệu thứ hai giọng nhà quê, giọng  điệu  này  được  thể  hiện rỏ nhất mỗi khi ngòi bút tác giả viết về quê hương, về cuộc sống, sinh hoạt  của người dân quê.

Bên  cạnh những con người sống  nội  tâm thầm lặng thì cũng có những con người luôn mạnh dạn bày tỏ lòng mình, phơi bày một tình cảm một cách trực tiếp công khai, nhờ vậy tạo được cảm giác gần gũi, thân thiện và dễ cảm thông tin tưởng lẫn nhau. Tiếp nhận đặc điểm trong tâm lý của người Việt Nam, vì vậy ta còn bắt gặp giọng điệu khác trong thơ thi sĩ, đó là giọng kể lể, tâm sự của thơ dân gian. Nhiều bài thơ của ông  như một câu chuyện nhỏ, những kỉ niệm thú vị và hấp dẫn, những nỗi buồn thương day dứt, trong đó giọng kể chuyện thể hiện rõ nhất ở các bài thơ có dung lượng dài của  tác giả  và  “Lỡ bước sang ngang” là bài thơ tiêu biểu cho chất giọng này.

III, KẾT LUẬN

Tóm lại, Nguyễn Bính là nhà thơ của tình quê, hồn quê và cũng là nhà thơ của chân quê. Nếu đặt nhà thơ Nguyễn Bính giữa dòng “thơ quê” – thơ viết dưới ánh sáng của đề tài thôn dã, cánh hoa thơ ông vẫn tự tin với sắc màu của riêng mình. Bởi trong những áng hoa thơ đó, nếu Anh Thơ xúc cảm dịu dàng trước cảnh quê, Đoàn Văn Cừ tái hiện sinh động nếp quê, Bàng Bá Lân rung động về đời quê; thì Nguyễn Bính dù viết về cảnh sắc hương thôn hay những mảnh đời lỡ dở, về những mối duyên quê hay những tấm tình quê, về cố nhân hay những mảnh đời lỡ dở, về quê mình hay quê người,… Ở đâu ông cũng làm dậy lên được cái hồn quê cả về nội dung và hình thức.

Trong hệ thống tác phẩm nghệ thuật của Nguyễn Bính, con người hiện lên như là một đối tượng để nghệ thuật chiếm lĩnh và lý giải. Hầu hết con người nghệ thuật ấy là con người tâm trạng, con người nỗi lòng. Đó là những con người chân quê, mộc mạc, chân chất lúc nào cũng sẵn sang trải lòng mình ra mà gắn bó với quê hương, đồng ruộng. Trong tâm tư hoài niệm của thi nhân, con người hiện ra với vẻ đẹp hài hòa với thiên nhiên, đất trời, cây cỏ và trong những mối quan hệ yêu thương gắn bó với cộng đồng. Họ trở thành hiện thân cho những giá trị văn hóa truyền thống ngàn đời.

Thơ Nguyễn Bính với một cái tôi trữ tình trĩu nặng tâm tư trước cuộc đời dâu bể đã giúp ta hiểu được them phần nào giá trị và nhân cách con người ông cũng như giá trị và vị trí của thơ ông. Cuộc sống còn có nhiều đổi thay nhưng cái tôi ấy trong thơ ông vẫn một long sắt son, thủy chung với những gì thân thuộc nhất của thôn dã bình dị, những vần thơ ấy còn đem lại cho chúng ta hương vị ngọt dịu của tình đời và tình người. Để rồi những hương vị thân quen ấy “đánh thức con người nhà quê ẩn náu trong ta. Ta bỗng thấy hình ảnh vườn rau, bụi chuối là hoàn cảnh tự nhiên của ta và tính tình đơn giản của dân quê là tính tình căn bản của ta.”

 

E/Tài liệu tham khảo

  1. Cái Tôi trữ tình trong thơ Nguyễn Bính – luận án Thạc sỹ Khoa học Ngữ văn của Phạm Thị Thanh Phượng.
  2. Thi nhân Việt Nam – Hoài Thanh, Hoài Chân.
  3. Chất dân gian được thể hiện trong bài “Tương tư” – Nguyễn Bính
  4. Hồn quê Việt Nam trong thơ Nguyễn Bính – luận án Thạc sỹ Khoa học Ngữ văn của Đặng Trọng Hộ.
  5. Nguyễn Bính – thi sĩ của đồng quê –  Hà Minh Đức
  6. Nguyễn Bính, một thi sĩ suốt đời mắc bệnh tương tư – Vũ Bằng.
  7. Thi pháp dân gian trong Thơ mới Nguyễn Bính – Nguyễn Quốc Túy.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *