Cách viết bài văn nghị luận xã hội – bài thi học sinh giỏi Quốc gia

Nghị luận xã hội

Chuyên đề :  CÁCH VIẾT BÀI VĂN NGHỊ LUẬN XÃ HỘI  BÀI THI HỌC SINH GIỎI QUỐC GIA

Việc bồi dưỡng học sinh giỏi, ngoài cung cấp kiến thức giáo viên cần hướng dẫn học sinh giải đề và rèn luyện kĩ năng viết bài. Khi giải các dạng đề cụ thể, các em sẽ bộc lộ năng lực thể hiện kiến thức; khi rèn kĩ năng viết bài giáo viên sẽ phát hiện những ưu điểm, nhược điểm của học sinh để phát huy, uốn nắn. Đối với môn Ngữ Văn, khâu rèn luyện kĩ năng làm văn cho học sinh là khó nhất. Từ thực tế dạy bồi dưỡng đội tuyển, chúng tôi nhận thấy học sinh gặp khó khăn hơn trong việc rèn luyện kĩ năng làm văn nghị luận xã hội. Bởi vấn đề nghị luận rất rộng, dù đã nắm thật vững phương pháp, thao tác nghị luận ở các dạng (hiện tượng đời sống, tư tưởng đạo lí,.) nhưng khi gặp một đề thi cụ thể, các em còn khá lúng túng trong việc tìm ý sao cho đúng, đủ yêu cầu của đề văn; lựa chọn và đưa dẫn chứng như thế nào cho phù hợp; cách sắp xếp ý và lập luận thế nào cho thuyết phục;.

Ở phần dạy kiến thức, giáo viên cần cung cấp cho học sinh những hiểu biết cơ bản: cách để nhận diện các dạng đề, hướng dẫn các thao tác tìm ý, lập dàn ý, cách đưa dẫn chứng; chỉ ra điểm giống và khác nhau cơ bản giữa các dạng đề. Ở phần thực hành cần rèn luyện cho học sinh các loại kĩ năng sau: kĩ năng tìm hiểu đề, tìm ý, lập dàn ý; kĩ năng đưa dẫn chứng; kĩ năng lập luận, diễn đạt, viết sáng tạo; kĩ năng sưu tầm, tích lũy, khai thác và sử dụng tư liệu.

Từ những việc đã và đang làm cùng với những gì tiếp thu, học hỏi được từ đồng nghiệp đi trước, chúng tôi xin đóng góp một vài kinh nghiệm trong việc rèn luyện kĩ năng làm văn nghị luận xã hội, cụ thể là Cách viết bài văn nghị luận xã hội – bài thi học sinh giỏi Quốc gia.

Bước 1: Tìm ý, lập dàn ý

Cần cho học sinh nhận thức được việc tìm ý, lập dàn ý là rất quan trọng. Thực tế nhiều học sinh chủ quan không tìm ý, lập dàn ý. Sau khi tìm hiểu đề xong, các em bắt tay vào viết ngay. Suy nghĩ tới đâu, viết tới đó. Bước này học sinh giỏi càng không được bỏ qua.

Lập dàn ý sơ lược, phác thảo nhanh các ý chính – đề xuất được hệ thống các luận điểm lớn sẽ triển khai trong bài viết; xác định mối liên hệ giữa các luận điểm, chú ý đến các từ quan hệ, các vế trong câu nhận định; ví dụ nghị luận về ý kiến của L. Tôn-xtôi:

“Xấu hổ trước người khác là một tình cảm tốt, xấu hổ trước bản thân mình còn tốt hơn” hay suy nghĩ về nhận định: “Xuất phát điểm như thế nào không quan trọng bằng trải nghiệm trên hành trình của mỗi người. Thành công là quan trọng, nhưng quan trọng hơn hết chính là sự trưởng thành. Mà trưởng thành thì lại nằm ở hành trình chứ không nằm ở đích đến” (“Trưởng thành nằm ở đâu?” – Tuệ Nghi) chúng ta cần chú ý đến

những từ ngữ “còn tốt hơn”, “không quan trọng bằng”, “nhưng quan trọng hơn hết”, “mà … chứ không…”, để nhận định tầm quan trọng của mỗi luận điểm, ý nào chính ý nào phụ, ý nào nên triển khai nhiều, ý nào sẽ triển khai ít, cái nào nói trước, cái nào nói sau, chọn cách lập luận nào nêu bật được trọng tâm… Từ đó đưa ra cách sắp xếp luận điểm theo trình tự hợp lí, chặt chẽ, khoa học.

Với bước này học sinh cần phải tiến hành thật nhanh, dành thời gian tối đa khoảng từ 5 đến 7 phút. Khi đã triển khai được ý, định hình được những việc sẽ làm thì bắt đầu viết sẽ dễ dàng hơn và không bỏ sót ý.

 

Bước 2: Tiến hành viết

Nghị luận xã hội phải gắn liền với đời sống, có tính thời sự cao, phải vận dụng kết hợp các thao tác để thực hiện bàn luận. Muốn viết tốt bài văn nghị luận xã hội học sinh cần phải trang bị vốn sống phong phú, thu thập dẫn chứng mới mẻ, sinh động; phải có hiểu biết đúng đắn về vấn đề hay hiện tượng đem ra bàn luận; phải có quan điểm, thái độ, chính kiến rõ ràng, tán thành, phản đối ra sao; phải có lập luận sắc sảo, thuyết phục.

Khi viết bài văn nghị luận xã hội – bài thi học sinh giỏi Quốc gia, học sinh vẫn phải đảm bảo triển khai được những phần cơ bản – “phần cứng”:

Dan dắt vấn đề, nêu luận đề, đưa câu nói, nhận định.

Giải thích nghĩa đen, nghĩa bóng (từ, cụm từ, cả câu, từ đó khái quát vấn đề nghị luận); khái quát vấn đề các biểu hiện, thực trạng có liên quan, … (nếu là nghị luận về một hiện tượng đời sống); tóm lược và nêu ý nghĩa của câu chuyện (nếu là nghị luận về một vấn đề xã hội rút ra từ tác phẩm)

Bình: nêu ý kiến của bản thân về vấn đề: khẳng định / phủ định.

Luận: bàn bạc, mở rộng, đào sâu, phê phán, bác bỏ.

Liên hệ bản thân: bài học nhận thức, hành động.

Khẳng định, đánh giá lại vấn đề.

Tuy nhiên, với một bài văn của học sinh giỏi thì đòi hỏi cách viết cần có sự sáng tạo khi triển khai “phần cứng” ở trên, không nhất thiết phải theo trình tự bắt buộc, sự sáng tạo đó sẽ thể hiện ở cách sắp xếp ý / trình tự lập luận và cách sử dụng các thao tác nghị luận.

Cách viết Mở bài hay, ấn tượng

Mở bài cần giới thiệu được khái quát luận đề, nên viết ngắn gọn, súc tích tạo được ấn tượng khơi gợi được tâm thế cho người đọc. Học sinh có thể chọn những cách dẫn dắt sau:

Nên chọn cách dẫn dắt gián tiếp.

Bắt đầu bằng việc trích dẫn những câu nhận định / câu nói của những người nổi tiếng, câu thơ / văn, dẫn dắt bằng một tích truyện – gợi liên tưởng đến một nhân vật, một sự kiện nào đó của câu chuyện một cách ngắn gọn, … có liên quan đến vấn đề bàn luận.

Chọn cách lập luận phản đề hoặc so sánh để dẫn dắt vấn đề, thu hút sự chú ý.

Cách viết Thân bài

Phần này nên viết thành nhiều đoạn, mỗi đoạn sẽ triển khai một luận điểm.

về cách thức trình bày các đoạn: nên sử dụng nhiều phương thức lập luận: diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp,… Kết hợp sử dụng các phép liên kết câu, liên kết đoạn để bài văn sáng rõ, mạch lạc.

Cách lập luận: Ngoài các thao tác giải thích, chứng minh, phân tích, bình luận, trong bài học sinh giỏi nên vận dụng thường xuyên thao tác lập luận so sánh, bác bỏ. Hai thao tác này sẽ giúp cho phần lập luận sâu sắc, thuyết phục hơn.

Cách diễn đạt: nên sử dụng linh hoạt, sáng tạo, đa dạng các kiểu câu: câu hỏi tu từ, câu cảm thán, câu ngắn, dài. , giúp thay đổi giọng điệu. Nghị luận sắc bén, tác động mạnh đến lí trí nhưng cũng cần có “chất văn”, viết trau chuốt để tránh khô khan; giọng điệu chân thành sẽ tác động đến trái tim.

Cách đưa dẫn chứng: Học sinh cần phải nhận thức viết nghị luận xã hội bắt buộc phải có dẫn chứng. Bài viết sẽ không sâu, không sắc sảo, thuyết phục nếu thiếu dẫn chứng. Mượn cách nói của dân gian “nói có sách, mách có chứng”. Dan chứng cần phong phú, mới mẻ, có tính cập nhật. Muốn có được dẫn chứng như thế học sinh phải trang bị cho mình vốn sống, vốn hiểu biết. Đọc nhiều, quan sát nhiều, thu thập nhiều tư liệu ở mọi lĩnh vực trong cuộc sống.

Thường là đối với mỗi luận điểm, sau khi phân tích đưa lí lẽ, học sinh sẽ đưa dẫn chứng làm sáng tỏ cho lí lẽ. Cần lưu ý phải phân tích dẫn chứng chứ không phải chỉ là sự liệt kê. Cần sắp xếp cho hợp lí theo trình tự thời gian hoặc theo trình tự lô – gic. Khi đưa dẫn chứng có thể chọn hai cách: nêu dẫn chứng chung chung (trong học tập; gia đình; xã hội; mở rộng ra thế giới) và nêu dẫn chứng cụ thể, người thật việc thật (nên chọn những nhân vật nổi tiếng, nhiều người biết đến: những gương doanh nhân thành đạt, những nhân cách đạo đức vĩ đại; những người có tư tưởng tiến bộ; những người có ý chí nghị lực phi thường; những gương người tốt việc tốt,.)

Không nhất thiết phải đưa thật nhiều dẫn chứng bài văn mới đạt yêu cầu. Cùng một dẫn chứng có thể khai thác cho nhiều luận điểm khác nhau. Tức ở phần luận điểm trước ta đã nêu ra dẫn chứng đó, ở luận điểm sau có thể khai thác mặt khác của dẫn chứng. Quan trọng ở chỗ phải hiểu được mục đích đưa dẫn chứng đó để làm gì, muốn chứng minh làm sáng tỏ cho lí lẽ nào đã giảng giải ở phía trước, để phát huy tối đa hiệu quả của dẫn chứng.

Dưới đây là một đoạn văn có cách lập luận và đưa dẫn chứng thuyết phục, học sinh có thể học hỏi cách viết (một trong những kĩ năng để viết văn nhanh tiến bộ là học sinh cần đọc nhiều và học hỏi, “bắt chước” những cách viết hay, ấn tượng):

Đã bao lần bạn vấp ngã mà không hề nhớ. Lần đầu tiên chập chững bước đi, bạn đã bị ngã. Lần đầu tiên tập bơi, bạn uống nước và suýt chết đuối phải không? Lần đầu tiên chơi bóng bàn, bạn có đánh trúng banh không? Không sao đâu, vì…

Walt Disney từng bị tờ báo sa thải vì thiếu ý tưởng. Ông cũng nếm mùi phá sản nhiều lần trước khi tạo nên Disneyland.

 

Lúc còn học phổ thông, Louis Paster chỉ là một học sinh trung bình. về môn hóa, ông đứng hạng thứ 15 trong tổng số 22 học sinh của lớp.

Lev Tolstoy, tác giả của bộ tiểu thuyết nổi tiếng “Chiến tranh và hòa bình” bị đình chỉ học đại học vì “vừa không có khả năng, vừa thiếu ý chí học tập”.

Henry Ford thất bại và cháy túi tới năm lần trước khi thành công.

Ca sĩ opera nổi tiếng Enrico Caruso bị thầy giáo cho là thiếu chất giọng và không thể nào hát được.

Vậy xin bạn chớ lo sợ thất bại. Điều đáng sợ hơn là bạn đã bỏ qua nhiều cơ hội chỉ vì không cố gắng hết mình.

Đối với bài nghị luận xã hội, học sinh vẫn có thể lấy dẫn chứng trong các tác phẩm văn học. Giáo viên vẫn thường khuyên học sinh nên hạn chế, tuy nhiên nếu biết khai thác hợp lí thì vẫn đủ sức thuyết phục.

Ví dụ: Đề: Phải chăng, bạn là người đến với ta khi mọi người đã bỏ ta ra đi?

Để làm sáng tỏ cho luận điểm: Người bạn thực sự là người thẳng thắn, nghiêm khắc với những điều chưa tốt trong bản thân ta nhưng không chối bỏ, không quay lưng lại khi ta gặp khó khăn có thể đưa dẫn chứng như đoạn văn sau:

Tôi còn nhớ câu chuyện về Lưu Bình – Dương Lễ, dẫu đã xa xưa vẫn rung động tâm hồn bao thế hệ con người. Người thành đạt đã hết lòng chăm lo, khích lệ người thất bại để bạn tu chí học hành. Nếu không có tấm lòng cao cả của vợ chồng Dương Lễ, chắc chắn Lưu Bình không thể vượt qua được những khó khăn chồng chất và có thể sẽ gục ngã trước số phận…

Tôi ngưỡng mộ tình bạn củaXơ-ca-lét vàMe-nơ-li trong “Cuốn theo chiều gió”

của

Mai-cơn, dù một trong hai người không sớm nhận biết hết sự quý giá của tình cảm ấy. Vào lúc tất cả mọi người ở Atlanta đều ruồng bỏ Xơ-ca-lét vì bắt gặp cô tình tứ với chồng của Me-nơ-li thì Me-nơ-li vẫn đứng về phía bạn. Bởi Me-nơ-li tin yêu Xơ-ca-lét

người đã ở bên cô lúc sinh nở, người đã đưa cô vượt qua chặng đường dài đầy khói lửa, đã còng lưng làm lụng để cưu mang gia đình cô,. Bằng trái tim bao dung, nhân hậu, Me-nơ-li nhìn thấu bản chất tốt đẹp, tiềm ẩn trong con người Xơ-ca-lét. Người phụ nữ dịu dàng này đã dũng cảm đương đầu với dư luận, thậm chí chống lại người thân của mình để bảo vệ bạn. Khi tôi “nhìn thấy” Me-nơ-li ung dung bước qua ánh mắt dữ dằn, khinh bỉ để cầm tay Xơ-ca-lét và giữ bạn bên cạnh suốt buổi tối kinh hoàng đó, tôi hiểu thế nào là một người bạn đích thực.

Cách kết bài

Đánh giá khái quát lại vấn đề nghị luận, tránh lặp lại ý đã nêu ở phần mở bài. Cũng như phần mở bài, nên chọn một ý thơ / một câu nhận định, … để khép lại bài viết, lưu lại ấn tượng cho người đọc. Hoặc cũng có thể chọn cách kết bài theo kiểu “đầu cuối tương ứng” để khẳng định lại một lần nữa vấn đề nghị luận.

Trường THPT Chuyên Long An

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *