Đề thi học sinh giỏi : Đôi mắt mới của nhà văn qua bài Tự tình và Chí Phèo

Văn mẫu lớp 11

Đề bài

Raxum Gamzatop quan niệm :

“Đừng nói trao cho tôi đề tài

Hay nói trao cho tôi đôi mắt”.

Phân tích hai tác phẩm “Tự Tình” II của Hồ Xuân Hương và “Chí Phèo” của Nam Cao để  làm sáng tỏ ý kiến trên

Bài làm

Đã từng có ý kiến cho rằng “một cuộc thám hiểm thực sự không cần vùng đất mới, mà cần một đôi mắt mới”. Thật vậy! nghệ thuật trong đó có văn chương từ xưa đến nay luôn luôn là một thám hiểm để khám phá cuộc sống thực tại và nội tâm con người, mỗi người nghệ sĩ có trách nhiệm phải luôn trau dồi con mắt để sáng tạo ra những cái chưa từng có, không có được điều đó họ phải chịu quy luật khắt khe của văn chương, quy luật đào thải. Bàn về vấn đề này Raxum Gamzatop quan niệm :

“Đừng nói trao cho tôi đề tài

Hay nói trao cho tôi đôi mắt”.

Minh chứng rõ nhất cho ý kiến trên chính là hai tác phẩm “Tự Tình” II của Hồ Xuân Hương và “Chí Phèo” của Nam Cao.

 

Liên Nhục, nhà phê bình văn học nổi tiếng của Trung Quốc từng khẳng định, lịch sử văn học chỉ trân trọng những người có sáng tạo độc đáo, với sự sáng tạo đó được bắt nguồn từ đâu? có lẽ quan niệm của Gamratốp đã nói lên điều đó. Ông cho rằng “đừng nói trao cho tôi đề tài” tức ông không đề cao vai trò của đề tài mới được viết ra trong sáng tác văn học, mà điều ông để cao chính là đôi mắt. Đôi mắt chính là cách nhìn, cách khám phá riêng của mỗi tác phẩm trong quá trình sáng tác văn học đó là điều cần thiết đối với phẩm chất của một nhà văn. Như vậy qua ý kiến trên ta thấy rõ quan điểm, lập trường của gamzatốp ông đề cao cách nhìn, cách khám phá riêng của mỗi tác giả, cách nhìn đó có thể diễn ra ở đề tài mới, thậm chí cũng có thể diễn ra ở đề tài phụ, nhưng nó là yếu tố then chốt quyết định giá trị của tác phẩm và chỗ đứng của nhà văn.

Quan niệm về văn chương của gamzatốp hoàn toàn đúng đắn. Vì nó đã dựa trên những đặc trưng cơ bản của văn chương và phẩm chất của một nhà văn chân chính, bản chất của văn chương là sáng tạo. vì vậy nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải có một cách nhìn riêng, cách khám phá riêng biệt trong từng tác phẩm của họ. Nếu tác giả chỉ loay hoay đi tìm đề tài mới mà không có cách nhìn sáng tạo, thì điều đó cũng trở nên vô nghĩa. Hơn nữa sáng tác văn chương luôn đòi hỏi người nghệ sĩ có những phẩm chất đặc biệt, một trong số đó chính là sự tìm tòi, khám phá những điều mới mẻ. Họ có thể khai thác những vấn đề đã cũ nhưng bằng cách nhìn mới họ có thể đem đến cho người đọc những bất ngờ thú vị, có một đôi mắt người nghệ sĩ ngôn từ sẽ tạo cho mình một phong cách nghệ thuật riêng không trộn lẫn, từ đó cũng có được vị trí, chỗ đứng của mình. Ý kiến của Gamratốp đúng còn xuất phát từ quy luật tiếp nhận văn chương. Độc giả đến với văn chương ngoài để thanh lọc tâm hồn còn là để tìm những cái mới mẻ, sáng tạo, thú vị. để đáp ứng được điều đó đòi hỏi nhà văn phải có đôi mắt để khám phá cuộc sống, tô điểm cho vườn hoa văn chương thêm độc đáo, mới mẻ và minh chứng rõ nhất cho điều đó chính là hai tác phẩm “Tự Tình” 2 của Hồ Xuân Hương và “Chí Phèo” của Nam Cao. Bằng một cách nhìn độc đáo hai tác giả đã đưa đến cho người đọc những điều mới mẻ từ những đề tài đã quen thuộc.

Đừng nói trao cho tôi đề tài! thật vậy đề tài đóng một vai trò quan trọng trong sáng tác của các nhà văn, nhà thơ lớn. không có đề tài thì không có văn chương, nhưng không phải để quyết định vị trí của nhà văn, mà nhà văn quyết định đề tài mình chọn. Họ có thể bắt rễ từ mảnh đất cũ nhưng vươn đến một thế giới khác đó là điều đáng quý, đáng trân trọng. Bài thơ “Tự Tình” 2 của Hồ Xuân Hương là một tác phẩm như vậy, cũng là người phụ nữ trong xã hội xưa và thấu hiểu nỗi đau của mình lên thơ và cũng mang một đề tài khá quen thuộc đó là thân phận người phụ nữ trong xã hội cũ. Trước bà cũng đã có nhiều nhà thơ đã viết về đề tài này, gần nhất chính là Nguyễn Du ông từng viết.

“Đau đớn thay thân phận đàn bà

Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”.

Bài thơ “Tự Tình” 2 không nằm ngoài điều đó, bà cô đơn trước cảnh trời đất vào khuya mà vẫn lẻ loi một mình.

“Đêm khuya vắng vắng trống canh dồn

Trơ cái hồng nhan với nước non”.

Đêm khuya cũng chính là lúc gia đình quây quần, vợ chồng hạnh phúc thế mà giờ đây người phụ nữ kia đang ngồi chơi với cảnh. Mọi vật dường như im lặng đến rợn người, không người trò chuyện bà lại tìm đến rượu, đến trăng.

Chén rượu hương xưa say lại tỉnh

Vầng Trăng bóng xế khuyết chưa tròn.

Uống rượu cho quên đi nỗi buồn nhưng rồi lại tỉnh, tìm trăng bầu bạn nhưng dường như trăng lại khuyết càng làm cho mình trở nên đáng thương hơn. Chỉ bằng vài câu ấy thôi nhưng nữ thi sĩ họ Hồ đã đem đến cho người đọc thân phận cay đắng, tủi cực xót ca của người phụ nữ xưa. Đó không chính là mảnh đất cũ mà nhà thơ đã khai thác.

Hay đến với truyện ngắn “Chí Phèo” của Nam Cao, Ông cũng không thể chọn đề tài mới .Ông viết về người nông dân đề tài đã quá quen thuộc trong văn xuôi Việt Nam. Trước ông các nhà văn như Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, Nguyên Hồng cũng đã khai thác thành công về đề tài này. Truyện ngắn “Chí Phèo” kể về cuộc đời của Chí Phèo một người nông dân, cùng với đó tác giả tập trung khắc họa lại hình ảnh làng Vũ Đại, bức tranh thu nhỏ của xã hội nông thôn Việt Nam trước Cách mạng với các mối quan hệ phức tạp. Đó là điều đã rất cũ trong văn chương.

Như vậy cả Hồ Xuân Hương và Nam Cao qua hai tác phẩm “Tự Tình” 2 và “Chí Phèo” đã cho người đọc thấy rằng tác phẩm của họ đều phân tích và tìm tòi những đề tài đã khá quen thuộc trong văn chương. Đối với Hồ Xuân Hương đó là đề tài người phụ nữ còn đối với Nam Cao là người nông dân, vậy cái gì đã tạo nên sức sống cho các tác phẩm của họ.

Quan điểm Ra xun Gamzatop đã khẳng định “hãy nói Trao cho tôi đôi mắt”. ông đề cao vai trò của cái nhìn của nhà văn trước cuộc sống cũng chính vì vậy mà “tự tình” của Hồ Xuân Hương tuy khai thác đề tài đã cũ nhưng vẫn có giá trị bằng cá tính và tài năng. Bà đã dám chiến đấu bảo vệ chính mình, đó là điều rất mới trong thi ca xưa đặc biệt là đối với người phụ nữ.

“Xiên ngang mặt đất rêu từng đám

Đâm toạc chân mây đã mấy hòn”.

Cá tính mạnh mẽ đã đem đến cho thơ bà đại mới, không cam chịu số phận của bản thân bà đã dám đứng dậy chống lại lễ giáo phong kiến hà khắc, với những nghi lễ rườm rà, phức tạp và không yêu đuối đứng trước số phận bất hạnh và vẫn đứng lên chống lại, đứng lên mạnh mẽ không để khó mặc bản thân. Đây là điều không dễ thấy ở xã hội xưa và đặc biệt ở trong thơ. Đó cũng chính là sự sức sống trong Thơ bà, đồng thời cũng là đôi mắt riêng của Hồ Xuân Hương và giá trị của nó sẽ còn mãi mãi.

Còn đến với “Chí Phèo” của Nam Cao đề tài người nông dân tuy đã quá quen thuộc nhưng ta vẫn thấy cái mới trong sáng tác của ông. Nam Cao đã không đi theo lối mòn cũ là khai thác nỗi khổ sưu cao thuế nặng của người nông dân, ông đã để ý người nông dân bằng một đôi mắt riêng đó chính là quá trình tha hóa, bị hủy diệt cả nhân hình và nhân tính. Chí Phèo là minh chứng điển hình sinh ra vốn là một đứa trẻ bị bỏ rơi bên chiếc lò gạch cũ được dân làng nhặt về truyền tai nhau nuôi nấng, lớn lên Chí Phèo rất lương thiện, cần cù, chăm chỉ Chí làm thuê cho nhà Bá Kiến vào năm 20 tuổi và cũng chính nơi đây cuộc đời Chí Phèo đã chuyển sang một giai đoạn khác vì một cơn ghen vô cớ Bá Kiến đã đẩy Chí Phèo vào tù, với sự nhào nặn của nhà tù thực dân, Chí Phèo đã thay đổi hoàn toàn khác.

Khi ra tù đi biền biệt 6, 7năm Chí Phèo về không ai còn nhận ra hắn nữa, nhân hình đã hoàn toàn khác “cái đầu thì trọc lóc, cái răng cao trắng hơn, cái mặt đen mà rất cơn cơn, hai mắt gườm gườm trông gớm chết”. Chí Phèo về nhìn đặc như một thằng săng đá, không những nhà tù thực dân cào xé nhân hình của Chí Phèo, mà còn nhuộm đen nhân phẩm của chí. Hắn về chỉ có một việc rạch mặt ăn vạ, rồi làm tay sai cho bá kiến, hắn đi ăn hiếp dân lành những người đã nuôi dưỡng, chăm lo cho hắn. Hắn sống bằng máu và nước mắt của biết bao người vô tội. Không những vậy giờ đây hắn còn rất hung cùn và hống hách, đối với người dân làng Vũ Đại hắn thực sự đã trở thành một con quỷ dữ, hắn đã bị loại bỏ khỏi vòng tròn lương thiện.

Đôi mắt riêng của Nam cao còn được bộc lộ qua việc đã đưa đến cho người đọc một bi kịch đau đớn của con người, bi kịch bị cự tuyệt quyền làm người gặp Thị Nở và khát khao Hoàn Lương. Chí Phèo muốn trở về ngày xưa để sống những ngày lương thiện và thực hiện ước mơ của mình, Chí Phèo ao ước được sống với Thị Nở nhưng định kiến xã hội đã không cho Chí Phèo làm điều đó. Bà cô Thị Nở đã ngăn cấm cuộc tình này “lấy ai không lấy, lại đi lấy cái thằng không cha, chỉ có mỗi một nghề rạch mặt ăn vạ như cái thằng Chí Phèo”. Câu nói đó đã đóng sầm cánh cửa về lại với cuộc đời lương thiện của Chí Phèo. vốn dĩ là một người hâm, Thị Nở đã dội hết lời của bà cô vào mặt Chí Phèo để trút giận, ban đầu chí phèo không hiểu. Nhưng sau nhận ra bi kịch của cuộc đời mình, Chí Phèo đau đớn tuyệt vọng tìm đến rượu, nhưng càng uống lại càng tỉnh. Càng tỉnh càng đau đớn, Chí Phèo cứ nghĩ đến tình yêu thương và sự chăm sóc mà Thị Nở dành cho mình. Chí Phèo căm phẫn định xách dao đến giết chết “con đĩ nở và con khọm già nhà nó”. Nhưng rồi lý trí sai bảo bước chân của Chí Phèo đã đưa chí đến nhà Bá Kiến giết chết ông ta và tự kết liễu cuộc đời mình. Chí vùng vẫy rồi chết trên chính hướng cửa về với lương thiện.

Cái mới trong Chí Phèo chính là nhờ đôi mắt tài tình của nhà văn Nam Cao. Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh từng nhận xét đại ý rằng, khi chị Dậu anh pho bước ra từ trang giấy ta mới thấy cuộc sống của người nông dân lúc đó mới khốn khổ làm sao, nhưng khi Chí Phèo của Nam Cao ngất ngưởng bước ra từ trang sách mới là hiện diện đầy đủ nhất, nỗi khổ của người nông dân sinh ra làm người nhưng không được làm người mà phải làm tiếp thú vật, chỉ bị đè nén đến mức không còn gì để mất, linh hồn chí phèo đã bị tước đoạt bị nào sé. Tuy có lúc đã hoàn lương nhưng điều đó chỉ là tạm thời, xã hội muốn tước đoạt nó đến cùng và đã đặt ra một một quy luật hết sức khắt khe. Muốn sống thì phải lưu manh, muốn lương thiện thì bắt buộc phải chết.

Qua hai tác phẩm “Tự Tình” II của Hồ Xuân Hương và “Chí Phèo” của Nam Cao ta đã thấy rõ đôi mắt riêng tức cách nhìn của hai nhà văn, nhà thơ trước cuộc sống và văn chương, họ không đi theo lối mòn cũ, tuy khai thác đề tài không mới nhưng cách nhìn, cách cảm của họ hoàn toàn mới, đó là điều đáng quý trong sáng tác văn chương. Cái mới của họ đã đem đến những luồng gió mới cho người đọc, người đọc đến với họ không những được hưởng thụ những chức năng, giá trị cao quý của văn chương, mà còn được tắm mình trong những cách nhìn, cách cảm mới mẻ, đặc sắc.

Hơn nữa hai tác phẩm còn là minh chứng tiêu biểu để khẳng định sự đúng đắn, ý kiến của gamzatốp đến với văn chương là đến với cách nhìn, cách cảm độc đáo và đặc biệt ý kiến của Gamzatốp cũng chính là thước đo để đánh giá một tác phẩm văn chương có giá trị, đồng thời là tiêu chuẩn để đánh giá vị trí của mỗi tác giả. Cần thấy rằng gamzatốp chỉ đề cao vai trò của đôi mắt chứ không thể hạ thấp vai trò của đề tài, có đề tài mới hẳn các nhà văn sẽ có thêm phương diện mới để khai thác, làm phong phú cho nền văn học. ý kiến của gamzatop còn đặt ra yêu cầu sáng tác đối với người nghệ sĩ và tiếp nhận đối với người đọc, đối với tác giả khi sáng tác phải có một đôi mắt riêng không lặp lại người khác, đồng thời biết khám phá sáng tạo. Đối với độc giả khi tiếp nhận cần tìm ra những cái mới, cái đặc sắc của tác phẩm đó, trân trọng tác phẩm cũng như tài năng của nhà văn đồng thời cùng sáng tạo với chính họ trên phương diện tư tưởng.

Sinh thời nhà văn Nam Cao từng quan niệm “văn chương không cần đến những người thợ khéo tay làm theo một vài kiểu mẫu đưa cho. Văn chương chỉ dung nạp những người biết đào sâu, biết tìm tòi khơi những nguồn chưa ai khơi và sáng tạo những gì chưa có”. Và để làm được điều đó đòi hỏi tác giả phải có một đôi mắt riêng, tức một cách nhìn, cách khám phá riêng của mình. Buy phông cũng đã từng khẳng định “tầm quan trọng của nó đối với văn chương. Vấn đề không phải ở kỹ thuật, mà là ở cách nhìn. Phải chăng đáp ứng được những điều đó mà vị trí của hai nhà văn cũng như giá trị của hai tác phẩm “Tự tình” và “Chí Phèo” sẽ giữ nguyên trọn vẹn đến với bạn đọc cả hôm nay và mai sau./.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *