Rèn kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn-bài 10

Tài liệu Văn

 Chuyên đề tham dự Hội thảo khoa học các trường chuyên khu vực Duyên hải và đồng bằng Bắc Bộ năm 2018

RÈN KĨ NĂNG ĐỌC – HIỂU TÁC PHẨM VĂN HỌC

NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH SÁCH GIÁO KHOA CHO HỌC SINH CHUYÊN VĂN

 

MỤC LỤC

Trang
A. MỞ ĐẦU 2
1. Lí do chọn đề tài 2
2. Mục đích của đề tài 3
3. Bố cục của đề tài 4
B. NỘI DUNG 4
1. Văn bản văn học và đọc – hiểu văn bản văn học 4
2. Khai thác yếu tố ngoài văn bản phục vụ cho việc đọc hiểu văn bản văn học 6
3. Đọc hiểu văn bản văn học theo đặc trưng thể loại 8
4.  Rèn kĩ năng đọc hiểu một số văn bản văn học ngoài chương trình sách giáo khoa cho học sinh chuyên văn 13
C. KẾT LUẬN 37
TÀI LIỆU THAM KHẢO 39

 

 MỞ ĐẦU

  1. Lí do chọn đề tài

Bí quyết thành công của học sinh giỏi văn là gì? Có một công thức đơn giản mà vô cùng hiệu quả nếu được vận dụng thường xuyên và đúng cách, đó là đọc thật nhiều và luyện viết thật nhiều. Ngoài kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, học sinh chuyên văn còn cần có thêm kiến thức bổ trợ nâng cao về lí luận văn học, tri thức lịch sử, văn hóa, triết học, mĩ học,… đặc biệt là kiến thức về tác phẩm văn học. Để có cái nhìn toàn diện hơn và có thể phân tích trong sự đối sánh về một tác giả, một tác phẩm văn học, một trào lưu, khuynh hướng, trường phái, giai đoạn văn học,… học sinh cần chủ động tìm đọc các tác phẩm văn học khác ngoài chương trình sách giáo khoa. Thế nhưng thời gian giáo viên hướng dẫn HS ôn luyện trên lớp là có hạn, bởi vậy việc rèn cho học sinh kĩ năng tự đọc – hiểu, khám phá tác phẩm văn học ngoài chương trình là hết sức cần thiết.

Hơn nữa, trong xu thế hiện nay, giáo dục Việt nam đang chuyển dần từ chương trình giáo dục định hướng nội dung dạy học sang chương trình giáo dục định hướng năng lực, việc rèn kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học trở nên không chỉ cần thiết với học sinh giỏi, học sinh chuyên văn mà còn cần cho tất cả những học sinh khác. Chương trình giáo dục định hướng nội dung dạy học chú trọng truyền thụ hệ thống tri thức khoa học được quy định trong mục tiêu dạy học. Theo đó, giờ học văn trong nhà trường trước đây còn được gọi là giờ giảng văn hay phân tích tác phẩm. Giảng văn, thẩm văn, bình văn là việc của thầy. Thầy giáo làm người “thưởng thức hộ” văn chương, “cảm thụ hộ” cái đẹp rồi truyền giảng lại cho học trò nghe,  ghi chép. Theo giáo sư Trần Đinh Sử, cách dạy đó đi ngược lại bản chất của tiếp nhận văn chương, đi ngược lại nguyên tắc dạy học và cách li người đọc ra khỏi tác phẩm. Học sinh không có thói quen đọc kĩ văn bản, tự mình khám phá văn bản và cũng đồng thời tự đánh mất luôn năng lực tự học. Các chức năng giáo dục, nhận thức, thẩm mĩ,… của văn chương cũng không hoặc ít được phát huy ở người tiếp nhận bởi không dựa trên tinh thần tự giác và không theo nguyên tắc thẩm thấu. Bởi vậy, quan điểm chỉ đạo đổi mới phương pháp dạy học ngữ văn theo định hướng phát triển năng lực là chuyển từ giảng văn sang “dạy học đọc hiểu”. Cách dạy học đọc hiểu không nhằm truyền thụ một chiều tri thức cho học sinh mà hướng đến việc cung cấp cho học sinh cách đọc, cách tiếp cận, khám phá những vấn đề về nội dung và nghệ thuật của văn bản, từ đó hình thành cho học sinh năng lực tự đọc một cách tích cực, chủ động, có sắc thái cá nhân. Hình thành năng lực đọc – hiểu cũng chính là hình thành năng lực cảm thụ thẩm mĩ, khơi gợi liên tưởng, tưởng tượng và tư duy. Giáo sư Trần Đình Sử cũng đồng quan điểm khi cho rằng, bản chất của việc dạy văn trong nhà trường là phải “dạy cho học sinh năng lực đọc, kĩ năng đọc để học sinh có thể đọc – hiểu bất cứ văn bản nào cùng loại” . Từ đọc hiểu mà trực tiếp tiếp nhận các giá trị của văn học, trực tiếp trải nghiệm các trạng thái cảm xúc thẩm mĩ, những “khoảnh khắc hạnh phúc tràn ngập tâm hồn” do cái đẹp mang lại để bồi dưỡng tâm hồn, mở mang kiến thức.

Vì những lí do trên, việc thực hiện chuyên đề “Rèn kĩ năng đọc – hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình sách giáo khoa cho học sinh chuyên văn” là cần thiết và giàu ý nghĩa. Chuyên đề không chỉ áp dụng cho việc luyện thi học sinh giỏi mà còn giúp học sinh rèn luyện kĩ năng tự học.

  1. Mục đích của đề tài

Thực hiện đề tài này, chúng tôi hướng tới mục đích khái quát lí thuyết cơ bản về đọc – hiểu văn bản văn học và kĩ năng, phương pháp đọc – hiểu văn bản văn học theo loại thể, giúp học sinh nhận biết được các mức độ, yêu cầu đọc – hiểu và cách thức khai thác các yếu tố trong và ngoài văn bản để đọc – hiểu được một văn bản văn học. Dù không phải là những nhà phê bình văn học chuyên nghiệp thì các em cũng có thể tự đọc – hiểu được các văn bản văn học ngoài chương trình ở mức độ tương đối. Từ lí thuyết đã trình bày, chúng tôi vận dụng hướng dẫn học sinh đọc hiểu một số văn bản văn học ngoài chương trình sách giáo khoa với mong muốn qua đó giúp các các em học sinh có được chiếc chìa khóa để tự mình khám phá thế giới đầy bí ẩn và thú vị của văn chương.

Do thời gian có hạn, chúng tôi đi sâu vào việc rèn kĩ năng đọc hiểu hai thể tài phổ biến nhất là tác phẩm tự sự và tác phẩm trữ tình. Dịp nào đó chúng tôi sẽ tìm hiểu cách đọc hiểu thể loại kịch.

  1. Bố cục của đề tài

Ngoài phần Mở đầu và Kết luận, đề tài có những nội dung chính như sau:

  1. Văn bản văn học và đọc – hiểu văn bản văn học
  2. Khai thác yếu tố ngoài văn bản phục vụ cho việc đọc hiểu văn bản văn học
  3. Đọc hiểu văn bản văn học theo đặc trưng thể loại

– Đọc hiểu thơ trữ tình

– Đọc hiểu văn bản tự sự

  1. Rèn kĩ năng đọc hiểu một số văn bản văn học ngoài chương trình sách giáo khoa cho học sinh chuyên văn

 

  1. NỘI DUNG
  2. Văn bản văn học và đọc – hiểu văn bản văn học

1.1 Văn bản văn học

Văn bản văn học (văn bản nghệ thuật, văn bản văn chương) hiểu theo nghĩa rộng là tất cả những văn bản sử dụng ngôn từ một cách nghệ thuật. Còn hiểu theo nghĩa hẹp, văn bản văn học được nhận diện theo những tiêu chí sau:

– Văn bản văn học là những văn bản đi sâu phản ánh hiện thực khách quan và khám phá thế giới tư tưởng, tình cảm của con người, thỏa mãn nhu cầu thẩm mĩ của người đọc.

– Văn bản văn học được xây dựng bằng ngôn từ nghệ thuật, có hình tượng nghệ thuật giàu tính thẩm mĩ được khắc họa thông qua tưởng tượng và hư cấu – quá trình nhà văn nhào nặn, tổ chức các chất liệu để tạo ra một chỉnh thể mới không có trong hiện thực.

– Văn bản văn học nào cũng được xây dựng theo một phương thức riêng – tức là đều thuộc về một thể loại nhất định. Một bài thơ trữ tình, một truyện ngắn, một cuốn tiểu thuyết, một văn bản kịch, một thiên tùy bút,… là những văn bản văn học hiểu theo nghĩa hẹp.

Mỗi văn bản văn học là một sản phẩm sáng tạo tinh thần riêng biệt, độc đáo của nhà văn. Văn bản văn học được hoàn thành mới là xong một công đoạn. Chỉ đến khi được người đọc tiếp nhận thì hoạt động sáng tạo nghệ thuật mới hoàn tất. Hoạt động sản xuất tinh thần này cũng giống như hoạt động sản xuất vật chất. Một vật phẩm làm ra nhưng không được đưa vào sử dụng thì nó chẳng có ích lợi gì cho sự sống, nó chẳng có giá trị gì cả. Mọi giá trị, chức năng của văn học chỉ được phát huy trong sự giao tiếp với độc giả. Bằng vốn sống, tình cảm, năng lực liên tưởng, tưởng tượng và bằng kinh nghiệm nghệ thuật của mình, người đọc làm sống dậy thế giới hình tượng của tác phẩm, giải mã những tín hiệu nghệ thuật để khám phá những tầng nghĩa sâu xa cũng như thưởng thức vẻ đẹp thẩm mĩ của ngôn từ nghệ thuật. Chỉ khi ấy văn bản văn học mới thực sự trở thành tác phẩm văn học.

1.2 Đọc – hiểu văn bản văn học

Khái niệm đọc – hiểu văn bản văn học mới được đề cập đến trong đổi mới phương pháp dạy học vài năm gần đây. Trong các giáo trình lí luận văn học trước đây chỉ đề cập nhiều đến vấn đề tiếp nhận văn học, các mức độ tiếp nhận văn học và vai trò của người đọc mà chưa đi sâu vào lí thuyết đọc hiểu văn bản. Trong vài bài báo chuyên đề và bài học trong sách giáo khoa Ngữ văn 10 nâng cao có trình bày sơ lược lí thuyết đọc hiểu văn bản như sau:

a/ Sách giáo khoa và Sách giáo viên Ngữ văn 10 nâng cao (NXB Giáo dục)

Trước đây, người ta cho rằng chỉ cần biết đọc chữ là có thể đọc và hiểu được văn bản. Thực ra vấn đề không đơn giản như vậy. Khái niệm đọc được hiểu là hoạt động nắm bắt ý nghĩa trong các kí hiệu của văn bản. Việc đọc đòi hỏi vận dụng một năng lực tổng hợp: dùng mắt để xem, dùng tai để nghe, dùng trí óc để phán đoán, tưởng tượng, dùng miệng để ngâm nga,…  Khái niệm hiểu không chỉ là nhận ra kí hiệu và ý nghĩa của kí hiệu mà còn phán đoán ra ý muốn biểu đạt. Hiểu còn bao hàm nội dung sâu rộng hơn như hiểu biết, đồng cảm. Hiểu văn nghĩa là hiểu đời, hiểu người.

Theo quan điểm của ngôn ngữ học thì hiểu ở đây bao gồm: hiểu thông tin sự việc, hiểu thông tin hàm ẩn và hiểu thông tin quan niệm. Các nhà lí luận văn học cho rằng hiểu bao gồm: hiểu trên dòng chữ (hiểu ngôn từ), hiểu giữa dòng chữ (hiểu hình tượng) và hiểu ngoài dòng chữ (hiểu tư tưởng, quan niệm)

b/ Giáo sư Trần Đình Sử trong bài viết “Đọc – hiểu văn bản – một khâu đột phá trong nội dung và phương pháp dạy văn hiện nay” cho rằng từ biết đọc chữ đến đọc hiểu được các văn bản là một chặng đường rất dài. Việc đọc – hiểu có các mức độ:

– Mức 1: Đọc thông, đọc thuộc, không vấp váp về ngữ âm, nghĩa từ, biết ngừng giọng đúng chỗ.

– Mức 2: Đọc kĩ, đọc sâu để biết được cách hành văn, sắp xếp ý, dụng ý trong cách dùng từ, đặt câu, chơi chữ.

– Mức 3 (mức độ cao): Đọc hiểu thông điệp mà văn bản gửi đến cho người đọc.

– Mức 4 (mức cao nhất): Đọc sáng tạo và đọc sử dụng. Đọc sáng tạo là người đọc phải tìm ra được cái nghĩa mà người đọc trước chưa thấy, thậm chí có những phát hiện ngoài tầm kiểm soát của tác giả. Đọc văn là để cảm, để biết sống, để thưởng thức, để vận dụng và tự phát triển, tự hoàn thiện bản thân, đó chính là đọc sử dụng – mục đích thiết thực của việc đọc – hiểu văn chương.

*

Từ những ý kiến trên, chúng ta hiểu, đọc – hiểu là hoạt động đọc và giải mã các tầng ý nghĩa của văn bản văn học, từ đó mà thưởng thức vẻ đẹp của văn chương, mở mang hiểu biết, bồi đắp tâm hồn và phát triển, hoàn thiện bản thân. Đọc – hiểu cũng có nhiều mức độ, đơn giản nhất là đọc – hiểu ngôn từ, đến đọc – hiểu hình tượng nghệ thuật, đọc – hiểu thông điệp tác giả gửi gắm và cao nhất là đọc sáng tạo, thưởng thức và sử dụng. Không phải cứ biết chữ là có thể đọc – hiểu được văn bản văn học. Để việc đọc – hiểu văn bản có hiệu quả thì người đọc phải rèn kĩ năng và phương pháp, phải có vốn sống và những kinh nghiệm nghệ thuật nhất định.

  1. Khai thác yếu tố ngoài văn bản phục vụ cho việc đọc hiểu văn bản văn học

Trong đọc – hiểu văn bản văn học, nhất là văn bản ngoài chương trình nhà trường, nếu chỉ quan tâm đến văn bản mà không quan tâm đến yếu tố ngoài văn bản sẽ không thể hiểu và giải mã được hết giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm. Thuộc về yếu tố ngoài văn bản có thể là những tri thức văn học sử về tác giả, thời đại, tri thức lí luận về thể loại văn học, trào lưu, khuynh hướng sáng tác,…

– Trước hết, học sinh phải tìm hiểu thông tin cơ bản về tác giả như cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, phong cách nhà văn, vị trí và những đóng góp của nhà văn trong nền văn học,… Đặt tác phẩm vào một chặng đường sáng tác, một cảnh ngộ cụ thể trong cuộc đời tác giả và trong sự liên hệ, so sánh với các tác phẩm khác ta có thể giải mã được những yếu tố trong văn bản như một chi tiết nghệ thuật, một từ ngữ, một tư tưởng, một nét tâm trạng,…

– Thông tin ngoài văn bản nữa cần thiết cho việc đọc – hiểu đó là hoàn cảnh ra đời của tác phẩm. Trong đó, hoàn cảnh lớn là hoàn cảnh lịch sử – văn hóa –  xã hội, bầu không khí chung của thời đại. Hoàn cảnh lớn thường tác động đến tư tưởng, tình cảm của nhiều nhà văn, nhiều thế hệ cầm bút. Bởi xét đến cùng, văn học là con đẻ của thời đại, nó mang dấu ấn của thời đại sinh ra nó. thời đại tạo ra nhà văn và thông qua nhà văn, sáng tạo ra tác phẩm văn học. Còn hoàn cảnh nhỏ là hoàn cảnh riêng gắn với cuộc đời riêng của nhà văn. GS nguyễn Đăng Mạnh cho rằng hoàn cảnh nhỏ tạo nên thứ “lăng kính riêng” khiến ánh sáng của tác động đến mỗi nhà văn lại chịu một độ chiết quang khúc xạ riêng. Điều này giải thích vì sao các nhà văn sống cùng thời đại, cùng hít thở chung bầu không khí văn hóa, tư tưởng lại có khuynh hướng sáng tác và quan niệm thẩm mĩ khác biệt. Hoàn cảnh nhỏ là môi trường riêng, tạo điều kiện cho nhà văn tiếp xúc, nắm bắt, khám phá và phát hiện những vấn đề của thời đại, của con người và cuộc sống. Nó tạo nên góc nhìn riêng cho mỗi nhà văn.

Ngoài ra, nói đến hoàn cảnh sáng tác còn phải kể đến một loại hoàn cảnh nữa, nó tác động trực tiếp tới sự ra đời của tác phẩm, gắn liền với không gian, thời gian cụ thể và tâm trạng của người cầm bút, đó chính là hoàn cảnh cảm hứng. Hoàn cảnh cảm hứng là hoàn cảnh gặp gỡ giữa chủ thể và khách thể, có sự cộng hưởng của nỗi niềm chất chứa bên trong nhà thơ, nhà văn với một nguyên cớ nào đó của hiện thực làm thổi bùng lên cảm hứng sáng tạo, thôi thúc người nghệ sĩ cầm bút. Có thể xác định hoàn cảnh cảm hứng dựa vào tài liệu, hồi ức, tâm sự của chính tác giả hoặc căn cứ vào chính văn bản tác phẩm mà suy đoán. Tuy nhiên, do thời gian hoặc bởi nhiều nguyên nhân khác mà có rất nhiều tác phẩm ta không biết cụ thể hoàn cảnh cảm hứng khi nhà văn sáng tác là gì. Điều này cũng gây những trở ngại nhất định cho việc giải mã những vấn đề trong tác phẩm.

Với những tác giả, tác phẩm quen thuộc trong nhà trường, các thông tin về cuộc đời, sự nghiệp sáng tác, phong cách nhà văn, thông tin về hoàn cảnh ra đời tác phẩm,.. khá đầy đủ. Ngoài tài liệu là sách giáo khoa, học sinh có thể tìm kiếm những thông tin ngoài văn bản qua các kênh thông tin khác như báo chí, mạng xã hội, các tài liệu tham khảo,… Tuy nhiên, với những tác giả, tác phẩm không được học trong nhà trường thì việc tìm kiếm thông tin về tác giả, tác phẩm lại rất khó khăn. Nhất là thông tin về hoàn cảnh ra đời tác phẩm. Điều này cũng gây một bất lợi không nhỏ cho quá trình đọc – hiểu các tầng ý nghĩa và giải mã những tín hiệu nghệ thuật trong tác phẩm.

  1. Đọc hiểu văn bản văn học theo đặc trưng thể loại

Tìm hiểu yếu tố ngoài văn bản là điều kiện cần thiết để đọc – hiểu văn bản văn học. Tuy nhiên, mọi sự giải mã ý nghĩa và thông điệp của tác phẩm đều phải dựa chủ yếu vào chính văn bản tác phẩm. Đọc hiểu tác phẩm thuộc các loại thể khác nhau cần khai thác những yếu tố nghệ thuật khác nhau. Sau đây là phương pháp đọc – hiểu một số loại thể văn bản văn học.

3.1 Đọc hiểu thơ trữ tình

Đặc trưng của thơ trữ tình là sự bộc lộ trực tiếp ý nghĩ và cảm xúc của nhân vật trữ tình. Nếu như tác phẩm tự sự phản ánh cuộc sống qua việc xây dựng bức tranh về đời sống, trong đó trung tâm là nhân vật; tác phẩm kịch phản ánh qua việc phát hiện và miêu tả những mâu thuẫn xung đột thì tác phẩm trữ tình lại đi sâu và bức tranh tâm trạng của con người. Biểu hiện trực tiếp tâm trạng, cảm xúc, tâm tư, suy nghĩ của con người là cách phản ánh cuộc sống đặc trưng của thơ trữ tình và cũng là nội dung chủ yếu của tác phẩm trữ tình. Những yếu tố cần khai thác khi đọc – hiểu thơ trữ tình:

Nhân vật trữ tình: Đó là nhân vật bộc lộ trực tiếp suy nghĩ, tâm trạng, cảm xúc trong tác phẩm. Nhân vật trữ tình thường không hiện lên với diện mạo, tính cách, lời nói, hành động cụ thể như nhân vật tự sự mà bộc lộ mình qua giọng điệu, cảm xúc, trong cách cảm, cách nghĩ. Khi đọc hiểu tác phẩm trữ tình trước hết cần xác định xem nhân vật trữ tình trong thơ là ai. Thông thường, nhân vật trữ tình có sự thống nhất và có mối liên hệ mật thiết với chính tác giả. Tuy nhiên, theo quy luật chung của sáng tạo văn học, nhân vật trữ tình cũng như một cái “tôi”, một nhân vật được nhà thơ sáng tạo ra. Do vậy, không được đồng nhất giản đơn, máy móc nhân vật trữ tình với con người ngoài đời của tác giả.

Nhân vật trữ tình trong thơ cũng có thể là loại nhân vật trữ tình nhập vai. Đó là khi nhà thơ nhập vào vai một ai đó để nói hộ tâm tư, tình cảm, nỗi lòng của nhân vật. Người chinh phụ trong Chinh phụ ngâm của Đặng Trần Côn, con hổ trong Nhớ rừng của Thế Lữ, cái bánh trôi trong Bánh trôi nước của Hồ Xuân Hương, hình tượng sóng trong bài thơ Sóng của Xuân Quỳnh,… là kiểu nhân vật trữ tình nhập vai. Khi đọc hiểu văn bản thơ trữ tình cần phân biệt được hai loại nhân vật trữ tình ấy để tránh những suy diễn đáng tiếc. Lưu ý dù là ở nhân vật trữ tình nhập vai thì bóng dáng cái tôi trữ tình của tác giả vẫn thoáng hiện. yếu tố nhập vai và yếu tố tự thuật tâm trạng luôn có mối liên hệ mật thiết.

Thể thơ: Cần xác định được thể thơ nắm bắt được đặc điểm cơ bản của thể thơ của văn bản. Bởi mỗi thể thơ có ưu thế, đặc điểm riêng, phù hợp với việc diễn tả sắc thái tâm trạng khác nhau.

Tứ thơ – ý lớn bao trùm toàn bài, làm điểm tựa cho sự vận động của cả bài thơ được diễn tả bằng hình tượng độc đáo, mới lạ, gợi cho người đọc nhiều liên tưởng thú vị, rộng rãi.

Nhạc tính trong thơ được tạo bởi âm hưởng gắn liền với hình ảnh, phối hợp âm thanh, nhịp điệu, giọng điệu, ngôn ngữ,… phù hợp với nội dung tư tưởng, tình cảm được biểu đạt. Nhạc điệu chuyên chở cảm xúc , bởi vậy đọc hiểu văn bản trữ tình rất cần chú ý đến yếu tố này.

Ngôn ngữ: thơ ca nói riêng và văn học nói chung là nghệ thuật ngôn từ. Ngôn ngữ thơ ca mang đặc trưng tính hàm súc, tinh luyện, giàu hình tượng và giàu tính biểu cảm. Đọc – hiểu một bài thơ phải phát hiện được và khai thác sâu vào những từ ngữ là nhãn tự của bài thơ, những chữ độc đáo, những câu thơ hay để phân tích thấy được cái đẹp của thơ và thông điệp tác giả gửi gắm.

3.2. Đọc hiểu văn bản tự sự

Nếu thơ trữ tình tái hiện cuộc sống trong cảm nhận chủ quan của nhân vật trữ tình thì tác phẩm tự sự lại phản ánh đời sống trong toàn bộ tính khách quan của nó thông qua việc dựng lên một bức tranh chân thực của đời sống, trong không gian và thời gian cụ thể, với những sự kiện và biến cố. Trung tâm của những sự kiện, biến cố đó là con người với những số phận cụ thể. Tất nhiên, hiện thực trong văn chương luôn là “hình ảnh chủ quan của thế giới khách quan”, cho nên dù lấy tính khách quan làm nguyên tắc tái hiện đời sống thì trong tác phẩm tự sự, nhà văn vẫn thể hiện tư tưởng và tình cảm của mình. Nhưng đó là yếu tố chủ quan đã thâm nhập sâu sắc vào bức tranh đời sống khách quan đến mức không có sự tách biệt.

Đọc – hiểu tác phẩm tự sự thông thường cần chú ý đến các yếu tố sau:

Cốt truyện và hệ thống các sự kiện, chi tiết, tình tiết: Tác phẩm tự sự nào cũng có cốt truyện cùng hệ thống nhân vật được khắc họa bằng loạt tình tiết, chi tiết đa dạng, phong phú. Phân tích nhân vật cần chú ý khai thác hệ thống chi tiết: chi tiết sự kiện, lời nói, hành động, chi tiết ngoại hình, nội tâm nhân vật, chi tiết tính cách, môi trường và hoàn cảnh sống, mối quan hệ giữa các nhân vật,…

Nhân vật: Nhân vật là trung tâm điểm của tác phẩm, nơi thể hiện tập trung tư tưởng và tình cảm của tác giả. Nhân vật là hình tượng những con người đang sống và hành động, bộc lộ suy nghĩ và cảm xúc trong một môi trường, hoàn cảnh, tình huống cụ thể. Nhân vật hiện diện qua hệ thống tình tiết, chi tiết, do đó phải khai thác, phát hiện và phân tích chi tiết nghệ thuật để hiểu về nhân vật và thông điệp nhà văn gửi gắm qua nhân vật.

Ngôn ngữ người kể chuyện: Trong tác phẩm tự sự, ngôn ngữ người trần thuật có ý nghĩa to lớn, quyết định phương thức tự sự, thể hiện cái nhìn, giọng điệu và phong cách của tác giả. Để câu chuyện hiện ra chân thực và sinh động, lời kể trong tác phẩm tự sự thường đan xen với lời tả – tả cảnh, tả người, tả việc. Ngôn ngữ trần thuật không chỉ miêu tả thế giới bên ngoài mà còn phải thể thiện được thế giới bên trong phong phú và tinh tế, sự vận động biện chứng của tâm hồn  nhân vật. Phân tích ngôn ngữ người trần thuật cần chỉ ra được sức mạnh gợi tả ấy của ngôn ngữ, chỉ ra được cái hay cái đẹp trong ngôn từ nghệ thuật của tác phẩm. Ngôn từ nghệ thuật chỉ thực sự hay khi nó thể hiện sâu sắc cuộc sống và con người, có sự hòa hợp và thể hiện tốt nhất nội dung tư tưởng, tình cảm, thái độ của tác giả.

Tình huống truyện:

Riêng đối với thể loại truyên ngắn, khi đọc – hiểu cần phải tập trung phân tích tình huống truyện. Bởi do đặc trưng thể loại, truyện nagứn thường được triển khai xoay quanh một tình huống nào đó, và qua tình huống ấy, làm nổi bật một vấn đề, một tính cách hay tâm trạng. Tình huống truyện chính là một sự kiện đặc biệt của đời sống được xây dựng theo lối lạ hóa, là cái tình thế xảy ra chuyện, là một khoảnh khắc thời gian mà ở đó cuộc sống hiện ra đậm đặc nhất, là cái tình thế mà khi bị đặt vào đó, con người phải bộc lộ ra những phần tâm can sâu kín nhất mà anh ta đôi khi cũng không tự biết (Nguyễn Minh Châu). Tình huống góp phần diễn tả tính cách nhân vật và làm nổi bật chủ đề tác phẩm. GS NGuyễn Đăng Mạnh cho rằng: “Tình huống truyện giống như một thứ nước rửa ảnh để làm nổi hình, nổi sắc nhân vật, nổi bật vấn đề tư tưởng của tác phẩm, sáng tạo tình huống trở thành nơi thử thách tài nghệ của nhà văn”.

Nghệ thuật trần thuật: Nghệ thuật trần thuật của tác phẩm tự sự thể hiện ở cả ba phương diện: Điểm nhìn trần thuật, giọng điệu trần thuật và nhịp điệu trần thuật.

+ Điểm nhìn trần thuật là vị trí người trần thuật đứng để quan sát và kể chuyện. Nhà văn giả định câu chuyện do ai biết, nhìn thấy và kể lại; nhìn từ góc độ nào (xa hay gần, cao hay thấp, bên trong hay bên ngoài). Khi phân tích tác phẩm tự sự, người đọc cần theo dõi, phân tích điểm nhìn trần thuật của nhà văn để nắm bắt ý nghĩa của tác phẩm. Điểm nhìn trần thuật không hoàn toàn đồng nhất với ngôi kể. Các nhà văn hiện đại thường chọn cách trần thuật theo ngôi thứ ba người kể chuyện giấu mình nhưng điểm nhìn và ngôn ngữ lại theo một nhân vật nào đó trong tác phẩm. Nhiều nhà văn còn chuyển dịch nhiều điểm nhìn trần thuật khác nhau trong toàn tác phẩm. Đặc điểm nghệ thuật này có thể thấy rõ nhất trong các sáng tác của Nam Cao.

+ Giọng điệu trần thuật: trong tác phẩm văn học, giọng điệu là thái độ, tình cảm của nhà văn đối với hiện tượng được miêu tả, thể hiện qua lời văn. Giọng điệu tạo nên bởi các phương tiện ngôn ngữ nghệ thuật như cách xưng hô, dùng từ, gọi tên, các biện pháp tu từ, các yêu tố ngữ âm, từ vựng, cú pháp, tiết tấu,… Giọng điệu là hiện tượng độc đáo mang tính tổng hợp, có giá trị thẩm mĩ cao nên trở thành một phương diện quan trọng của phong cách nghệ thuật nhà văn.

Giọng điệu bị chi phối bởi cảm hứng chủ đạo, nguyên tắc thể loại, chịu áp lực của truyền thống và hiện đại và phụ thuộc vào những đặc điểm đời sống được miêu tả cũng như cách nhà văn cảm nhận về chúng.

+ Nhịp điệu trần thuật: Nhịp điệu trần thuật trong tác phẩm tự sự là yếu tố tạo ra cảm giác về sự vận động của đời sống được miêu tả trong tác phẩm. Nhịp trần thuật bao gồm nhịp của các sự kiện và nhịp điệu hành động của nhân vật. Nhịp điệu trần thuật nhanh hay chậm, căng hay chùng phụ thuộc vào thời gian diễn ra sự kiện, số lượng những biến cố được miêu tả trong tác phẩm. Những tác phẩm có cốt truyện dựa trên hành động bên trong (diễn biến nội tâm) của nhân vật thường có nhịp điệu chậm rãi và ngược lại, cốt truyện chủ yếu dựa trên sự kiện,biến cố bên ngoài thường có nhịp điệu nhanh, gấp gáp. Nhịp điệu góp phần tạo nên giá trị nghệ thuật cho tác phẩm.

Kết cấu: Kết cấu là sự tổ chức, sắp xếp các yếu tố, các bộ phận của một tác phẩm như cốt truyện, nhân vật, sự kiện, chi tiết, hình ảnh, cảm xúc,… làm cho chúng liên kết chặt chẽ từ bên trong, hướng tới thể hiện tập trung tư tưởng, chủ đề của tác phẩm và làm cho tác phẩm trở thành một chỉnh thể nghệ thuật trọn vẹn không thể chia cắt được. Tìm hiểu kết cấu cũng giúp người đọc giải mã tư tưởng và chủ đề của tác phẩm.

Trên đây là những yếu tố cần khai thác khi đọc – hiểu một tác phẩm tự sự. Học sinh cần căn cứ vào từng tác phẩm cụ thể , xem xét đặc điểm nào nổi trội trở thành đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm ấy thì tập trung phân tích sâu hơn.

  1. Rèn kĩ năng đọc hiểu một số văn bản văn học ngoài chương trình sách giáo khoa cho học sinh chuyên văn

4.1 Đọc – hiểu văn bản thơ trữ tình

Đọc – hiểu văn bản bài thơ

TA VỀ VỚI MẸ TA THÔI

     – Nguyễn Sĩ Đại –

Ta về với mẹ ta thôi

Năm nay mẹ đã chín mươi mỏi mòn

Cha thì đã khuất núi non

Con dăm bảy đứa chỉ còn vài ba

 

Ta lo xây cửa xây nhà

Mẹ ra Hà Nội như là Ô-sin…

Làm người có một trái tim

Mà sao mình để mẹ mình mồ côi?

 

Ta về với mẹ ta thôi

Làm con của mẹ như hồi còn thơ

Sang giàu phú quý ngu ngơ

Mẹ con con mẹ

sớm trưa ruộng đồng…

 

Nhà nông thì cứ nhà nông

Ham chi đổi phận

qua sông lụy người…

 

Ta về với mẹ ta thôi

Chín phương đã nếm

đủ mùi trầm luân

Cái xa thì đã đến gần

Người gần chừng cũng

dần dần xa xôi

 

Ta về với mẹ ta thôi

Phù hoa xin gửi cho người phù hoa

Ta về bên mẹ của ta

Không làm chi nữa,

cũng là làm con

 

Còn trời còn nước còn non

Ngày mai rồi sẽ chẳng còn mẹ ta!

I/ Hệ thống câu hỏi gợi dẫn và yêu cầu soạn bài dựa theo lí thuyết đọc – hiểu văn bản thơ trữ tình

1/ Tìm hiểu một số thông tin về tác giả Nguyễn Sĩ Đại

2/ Hoàn cảnh sáng tác bài thơ?

3/ Thể thơ? Tứ thơ? Nhân vật trữ tình? Giọng điệu? Nhịp điệu thơ?

4/ Những đặc sắc và độc đáo trong nghệ thuật ngôn từ của bài thơ? Ý nghĩa?

5/ Thông điệp từ tác phẩm? Nhận thức và chiêm nghiệm sâu sắc của em từ bài thơ này?

II/ Định hướng tiếp nhận văn bản

1/ Tác giả nguyễn Sĩ Đại sinh năm 1956 tại quê hương Hà Tĩnh, từng tham gia quân đội trong chiến tranh chống Mỹ. Ông tốt nghiệp khoa Văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, là tiến sĩ văn học, Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam. Ông có thơ đăng báo từ năm 1975. Ngoài làm thơ ông còn viết phê bình và nghiên cứu văn học.

2/ Hoàn cảnh sáng tác: Không có thông tin cụ thể về hoàn cảnh sáng tác bài thơ. Căn cứ vào nội dung trữ tình, có thể phỏng đoán bài thơ được viết khi tác giả đã có tuổi, đã nếm trải đủ dư vị đắng cay của cuộc đời. Đi gần hết cuộc đời, con người ta mới chợt thức nhận rằng hóa ra chân lí vĩnh cửu trong cõi sống này lại chính là những điều giản dị đến không ngờ.

3/ Một số đặc điểm nghệ thuật:

– Thể thơ lục bát.

– Giọng điệu thơ thủ thỉ tâm tình như lời tự sự, như khúc tự tình, lại giống như lời nhắn nhủ tâm huyết với ai đó về những điều gan ruột và thấm thía mà cả cuộc đời mình đúc kết và chiêm nghiệm, mong người hãy cố mà hiểu ra trước khi quá muộn. Bên cạnh giọng tâm tình, triết luận còn có giọng tự vấn rất thành thật hàm chứa nỗi xót xa pha lẫn ân hận: “Làm người có một trái tim/ Mà sao mình để mẹ mình mồ côi?”

– Nhạc điệu thơ là nhạc điệu êm đềm xuôi chảy của thể thơ lục bát nhưng hình thức câu bát lại cách điệu: ở những khổ thơ sau, câu thơ tám chữ được ngắt xuống dòng thành mấy nhịp. Hình thức này làm chậm lại nhịp thơ, diễn tả sự lắng lại của cảm xúc đan xen với những hồi tưởng, suy tư chiêm nghiệm.

– Nhân vật trữ tình trong bài thơ là hóa thân của tác giả – đứa con hơn nửa đời bôn ba nay trở về bên mẹ.

– Tứ thơ: Bài thơ mở ra từ một điểm xuất phát đó là mong muốn cháy bỏng, cũng là dự định thiết tha của đứa con muốn được trở về bên mẹ: “Trở về với mẹ ta thôi”. Từ điểm xuất phát ấy, ý thơ mở ra với những dòng tự sự về hiện tại, đẩy ra xa hơn với những hồi tưởng về quá khứ và lắng lại với những day dứt, trăn trở, những suy tư, chiêm nghiệm, cuối cùng là sự thức nhận một chân lí giản dị trong cuộc đời.

4/ Một số đặc sắc và độc đáo trong nghệ thuật ngôn từ:

– Điệp khúc “Trở về với mẹ ta thôi” vừa là lời tự nhủ, vừa là lời nhà thơ giục giã chính bản thân mình, cũng là giục giã những “ai kia” còn tất tả trên đường đời hãy mau ghé lại thăm và trở về với với bến bờ bình yên nhất – đó là vòng tay của mẹ.

– Ngôn từ đậm sắc thái khẩu ngữ và đậm chất văn xuôi, biểu hiện ở những cấu trức câu như “Năm nay mẹ đã… cha thì đã… “, “Nhà nông thì cứ nhà nông, ham chi…”, ở cách nói biến âm “con dăm bảy đứa”, “ham chi”, “làm chi”,…  Bài thơ như sự bật tuôn tự nhiên của dòng cảm xúc, như lời tự sự tâm tình đời thường mà không có sự dụng công nhiều về nghệ thuật.

Cách dùng từ giàu sức gợi: “Năm nay mẹ đã chín mươi mỏi mòn”. Trạng từ “mỏi mòn” vừa cho ta cảm nhận cuộc đời dằng dặc, hun hút thẳm sâu nỗi buồn và nặng trĩu lo toan của mẹ, vừa diễn tả cảnh ngộ cô đơn và đôi mắt mờ đục ngóng trông cháu con của người mẹ nay đã hơn nhiều cái tuổi “xưa nay hiếm’. Bởi “cha thì đã khuất”, “con dăm bảy đứa chỉ còn vài ba”, và vài ba đứa con còn lại ấy cũng đang mải mê tất tả bươn chải trên đường đời đâu có mấy khi ghé về thăm mẹ.

5/ Nội dung trữ tình và thông điệp gửi đến từ tác phẩm

Đọc bài thơ, ta hình dung hình ảnh một người con, mái đầu đã nhuốm bạc, trên gương mặt còn hằn in đầy dấu vết của những lo âu, toan tính đời thường, đôi mắt thẳm sâu những nỗi ưu tư,… trong trang phục giản dị, vai khoác chiếc ba lô đựng vài thứ vật dụng sinh hoạt, bỏ lại sau lưng ồn ào phố thị để rảo bước trên con đường làng quen thuộc ngày nào, lòng thanh thản với niềm vui bình dị là trở về thăm mẹ. Lần trở về này có lẽ là lâu dài, không phải chỉ là ghé thăm. Điệp khúc “Ta về với mẹ ta thôi” vang lên như lời thầm nhắc, như lời nhắn nhủ, giục giã. Về với mẹ – về với bến bờ bình yên nhất trong cuộc đời mỗi con người. Về với mẹ – về với ngọn nguồn trong trẻo, mát lành để di dưỡng tâm hồn và xoa dịu những vết thương lòng mà cuộc đời mang lại.

Đặc sắc của bài thơ này có lẽ không phải ở câu chữ mà là ở tấm lòng người viết. Cả bài thơ là tâm sự của người con về những suy tư chiêm nghiệm trong cuộc đời và tình cảm dành cho mẹ. Hơn nửa cuộc đời theo đuổi mộng “phù hoa”, mải mê với những ‘sang giàu phú quý”, lo “xây cửa xây nhà”; hơn nửa đời người “chín phương đã nếm đủ mùi trần luân”, giờ đây người con mới chợt nhận ra rằng: Mọi vinh hoa phú quý, mọi giàu sang danh lợi, người ta ra sức giành giật rồi cũng nhận ra tất cả chỉ là vô nghĩa. Điều quý giá nhất trong cuộc đời mà mỗi người phải trân trọng chính là hạnh phúc khi được còn có mẹ. Hãy yêu thương trân trọng mẹ, trân trọng quãng đời được làm con, đừng để khi mất đi mới giật mình hối tiếc.

Ta về bên mẹ của ta

Không làm chi nữa

Cũng là làm con

Bởi người ta chỉ được “làm con” khi còn có mẹ. Có mẹ là hạnh phúc lớn nhất trong cuộc đời.

    Còn trời còn nước còn non

Ngày mai rồi sẽ chẳng còn mẹ ta!

Bài thơ khép lại bằng sự thức nhận một quy luật hiển nhiên tưởng như chẳng có gì đáng nói. Cũng bởi quá hiển nhiên nên người ta mới thường quên lãng để rồi phải trả giá bằng những day dứt ân hận. Cái kết bất ngờ của bài thơ mang đến cho người đọc phút giật mình. Ta cứ mải mê trên đường đời thiên lí mà hay đâu bóng mẹ già thầm lặng đang cứ ngày một xa xôi. Dẫu biết rằng hành trình mưu sinh muôn nẻo gian khó, nhưng mỗi chúng ta đừng quá đắm đuối cho những tham vọng mà bỏ rơi người mẹ của mình.

 

Hướng dẫn đọc – hiểu văn bản thơ

BÓNG CHIỀU

– Thảo Vi –

                      “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc” (Ca dao)

     Ai vừa trao nụ tầm xuân

Cho lòng ai lại âm thầm xót xa

       Nỗi niềm trong một cánh hoa

Chiều nghiêng – nghiêng cả cánh cò chân mây

       Lời yêu thương để gió bay

Hẹn thề xưa để tháng ngày phong rêu

       Quả cau xanh – chút vôi điều

Trầu cay một lá, người yêu một thời

       Duyên mình không thắm thì thôi

Xin ai đừng xuống dạo chơi vườn cà

       Đừng lên cây bưởi hái hoa

Đừng đi qua ngõ… người ta đặt điều

       Đừng làm gợn sóng ao bèo

Và đừng xô ngã bóng chiều vào em.

I/ Gợi dẫn

1/ Tìm hiểu thông tin về tác giả và tác phẩm.

2/ Nhân vật trữ tình? Thể thơ? Tứ thơ? Âm hưởng? Đặc điểm nổi bật về ngôn từ nghệ thuật?

3/ Nội dung trữ tình và thông điệp từ bài thơ?

II/ Định hướng đọc – hiểu

1/ Tác giả, tác phẩm

– Thảo Vi tên thật là Hồ Thị Huỳnh Đào, sinh năm 1958, quê ở Quảng Ngãi, hiện công tác ở huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Thơ chị nhẹ nhàng, dung dị mà sâu lắng, đầy cảm xúc.

Tác phẩm đã xuất bản: Nỗi nhớ mênh mông (thơ, Văn nghệ Châu Đốc 1988), Nửa đời mất mẹ (tùy bút, Văn nghệ An Giang 1999), Tiếng chim ngoài vườn sau (thơ, Văn nghệ An Giang 2007), Hương hoa xoài (thơ, Văn nghệ An Giang 2008).

– Hoàn cảnh sáng tác bài thơ: Chưa rõ thông tin

2/ Tìm hiểu chung về tác phẩm

– Thể thơ lục bát, đậm đặc chất liệu ca dao.

– Nhân vật trữ tình: “em” – người con gái.

– Tứ thơ: Tình yêu dang dở, duyên phận lỗi nhịp của lứa đôi được diễn tả qua hệ thống hình ảnh và  ý tứ trong ca dao. Những hình ảnh của bài ca dao “Trèo lên cây bưởi hái hoa”  trở đi trở lại tạo nên một sự cộng hưởng về ý nghĩa để diễn đạt ý thơ.

– Âm hưởng thơ: Nhạc điệu êm đềm, sâu lắng, ngọt ngào của thể lục bát khiến bài thơ tuy viết về nỗi đau tình yêu dang dở nhưng vẫn gieo vào lòng người đọc những xúc cảm ngọt ngào, trong sáng.

– Ngôn từ: ngôn ngữ dân gian thuần Việt, đậm hơi thở ca dao.

 3/ Nội dung và thông điệp của tác phẩm

– Nỗi xót xa, tiếc nuối một tình yêu không thành: Lời đề từ “Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc” gợi một biến cố bất thường và bất ngờ xảy đến trong tình yêu. Hệ thống hình ảnh và từ ngữ thơ Ai vừa trao nụ tầm xuân/ Cho lòng ai lại âm thầm xót xa, chiều nghiêng – nghiêng cả cánh cò, lời yêu thương để gió bay, hẹn thề xưa để tháng ngày phong rêu, trầu – cau những số từ một – một,… cho thấy tâm trạng hụt hẫng, nuối tiếc, xót xa và một cảm giác mất mát lớn lao vừa xảy đến trong tâm hồn người con gái.

– Lời trách giận của cô gái nhẹ nhàng mà thấm thía: Lời yêu thương để gió bay/ Hẹn thề xưa để tháng ngày phong rêu, Sâu làm chi bấy giếng thời/ Để trầu cau héo trong cơi nhà người,… Sự giao thoa, cộng hưởng với ý thơ dân gian tạo những liên tưởng rộng dài mà ý nhị. Tình yêu dang dở, có lẽ bởi “người yêu một thời” – chàng trai – đã quên lời hẹn ước. Cô gái có trách móc thấm thía nhưng vẫn bao dung mà không oán thù. Nỗi buồn trong bài thơ giống nỗi buồn trong ca dao, thấm thía mà trong sáng.

– Lời giã biệt dứt khoát một tình yêu không thành cùng lời đề nghị một thái độ ứng xử văn hóa trong tình yêu: Duyên mình không thắm thì thôi/ Xin ai đừng xuống dạo chơi vườn cà/ Đừng lên cây bưởi hái hoa/ Đừng đi qua ngõ…/ Đừng làm gợn sóng../ và đừng xô ngã bóng chiều vào em. Người ta có thể không cần lí do để yêu nhau nhưng lại có vô vàn lí do để nói lời chia tay một cuộc tình. Có thể tại anh, tại em, hay tại cuộc sống vô thường và số phận trắc trở. Bởi vậy đã có duyên gặp gỡ, đi chung một quãng đường thì khi chia tay cũng đừng làm cho nhau bị tổn thương. Cũng đừng níu kéo và đừng nuối tiếc quá khứ để làm đau cho hiện tại, bởi dù sao, hiện tại cũng là do bản thân mình lựa chọn.

=> Bài thơ là tâm sự và nỗi niềm của người con gái về nỗi đau mất mát trong tình yêu lứa đôi. Qua đó, người đọc nhận thấy cần phải có thái độ và cách ứng xử nhân văn trong tình yêu khi tình yêu tan vỡ trước những biến động của cuộc sống.

4.2. Đọc – hiểu văn bản tự sự

Đọc hiểu truyện ngắn

MUỐI CỦA RỪNG

– Nguyễn Huy Thiệp-

I/ Hệ thống câu hỏi gợi dẫn và yêu cầu soạn bài dựa theo lí thuyết đọc – hiểu văn bản tự sự

1/  Tìm hiểu một số thông tin về nhà văn Nguyễn Huy Thiệp phục vụ cho việc đọc – hiểu văn bản tác phẩm

2/ Tóm tắt cốt truyện và xác định tình huống truyện

3/ Kết cấu truyện?

4/ Nhận xét nghệ thuật trần thuật?

5/ Phân tích hình tượng nhân vật ông Diểu: khai thác các chi tiết ngoại hình, hành động, trang phục, suy nghĩ, tâm trạng,… Không gian và thời gian cuộc đi săn của ông Diểu gợi cho em suy nghĩ gì?

6/ Thông điệp của tác phẩm? Sự trưởng thành trong nhận thức và tình cảm của bản thân em sau khi đọc câu chuyện?

II/ Định hướng tiếp nhận văn bản

1/ Tác giả Nguyễn Huy Thiệp

* Cuộc đời

– Ông được nhận xét là một bông hoa nở muộn trên văn đàn văn học Việt Nam. Những truyện ngắn đầu tiên của ông xuất hiện trên báo Văn nghệ của Hội nhà văn Việt Nam năm 1986. Không lâu sau đó các tác phẩm của ông được bàn luận sôi nổi trong làng văn cả trong lẫn ngoài nước.

* Phong cách nghệ thuật truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp có một số điểm nổi bật:

–  Giọng văn lạnh lùng, không sắc thái biểu cảm. Qua giọng văn ấy, thế giới nhân vật, bức tranh cuộc sống luôn hiện ra một cách trung thực, khách quan trước mắt người đọc. Độc giả được tự do phán xét nhân vật theo chủ kiến của mình.

– Đưa thơ vào văn xuôi làm tăng hiệu ứng thẩm mỹ: Các tác giả trước đây chủ yếu lấy thơ làm đề từ cho văn xuôi, Nguyễn Huy Thiệp sử dụng thơ trong tác phẩm tự sự như một phương tiện nghệ thuật độc đáo và tạo được hiệu ứng thẩm mỹ rõ nét và làm nên nét đặc trưng cho phong cách tác giả.

– Kết cấu truyện : Truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thường triển khai kết cấu theo dòng thời gian tuyến tính. Nhà văn thường dùng cách mở đầu mỗi truyện theo lối truyền thống – thường giới thiệu thông tin ngắn gọn, khái quát về nhân vật ở ngay mở đầu tác phẩm.  Trái với cách mở đầu mang tính truyền thống, kết thúc của truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp thường kết thúc mở. Để tạo ra kết thúc mở, nhà văn thường dùng những yếu tố mang tính hư cấu, những chi tiết mang đậm chất huyền thoại hoặc những lời đồn đại trong dân gian tùy người đọc phán xét, suy ngẫm. Cách kết thúc này nhiều khi cũng tạo nên chất thơ cho tác phẩm.

2/ Tác phẩm

– Hoàn cảnh sáng tác: Thời kì đổi mới đất nước. Bước vào thời kì hòa bình, xây dựng đất nước, bên cạnh những thành tựu thì đời sống xã hội và nhân tâm vỡ ra nhiều bất ổn. Mối quan hệ giữa con người với thiên nhiên, cách ứng xử của con người với thế giới tự nhiên cũng đòi hỏi phải được nhìn nhận lại.

– Thể loại: truyện ngắn.

– Tóm tắt cốt truyện và nhận xét kết cấu truyện

+ Tóm tắt: Mùa xuân, sau tết nguyên đán một tháng là thời gian thích nhất ở rừng. Mưa xuân ấm áp, rừng ẩm ướt, cây cối đâm chồi nảy lộc,… Đúng lúc ấy, ông Diểu đi săn. Ông đội mũ, đi giầy, nai nịt quần áo gọn gàng, và mang theo khẩu súng hai nòng tuyệt vời mà thằng con ông từ nước ngoài gửi về cho. Ông Diểu đi sâu vào rừng, men theo chân núi đá vôi đến cánh rừng dâu da săn khỉ. Ông nhìn thấy gia đình nhà khỉ có khỉ đực, khỉ cái và khỉ con đang chăm sóc nhau. Cho rằng hành động chọn quả ngon chén trước rồi mới ném cho “vợ”, con của khỉ bố thật là đê tiện, ông Diểu nhắm bắn vào khỉ bố. Ngay sau đó, một cảm giác sợ hãi và có chút hối hận xuất hiện trong ông. Khỉ mẹ và khỉ con hoảng sợ chạy theo đàn nhưng được một đoạn thì khỉ mẹ quay lại. Ông cho đó là hành động đạo đức giả nên giương súng toan bắn khỉ cái. Khỉ cái sợ hãi  bỏ chạy nhưng rồi ngay sau đó nó lại tiếp tục quay trở lại, ôm khỉ đực vào lòng và bỏ chạy. Ông ném khẩu súng đuổi theo thì khỉ con từ đâu xông ra vồ lấy. Để cứu khỉ bố và khỉ mẹ, khỉ con ôm theo cây súng lao mình xuống vực. Hành trình đuổi theo con mồi, bắt được con mồi rồi băng bó cho nó, chứng kiến tình nghĩa thủy chung của loài vật đã khiến ông Diểu thay đổi suy nghĩ và nhận thức về tự nhiên. Cuối cùng, ông quyết định buông bỏ con mồi. Ông ra về trần truồng trong mưa xuân. Trên đường đi, ông Diểu may mắn gặp được loài hoa tử huyền ba mươi năm mới nở một lần. Khi hoa tử huyền nở là rừng kết muối, điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc…

+ Kết cấu: Truyện được kết cấu theo trình tự thời gian cuộc đi săn của ông Diểu từ lúc bắt đầu đến khi ông trở về. Truyện kết thúc theo lối mở với chi tiết đậm màu sắc huyền thoại đó là sự xuất hiện của loài hoa tử huyền. Cái kết này mang lại chất thơ cho tác phẩm và cũng góp phần khắc sâu chủ đề của tác phẩm.

– Tình huống truyện: Sự kiện ông Diểu đi săn và bắn được khỉ bố trong gia đình nhà khỉ. Hành trình đuổi theo để bắt lại con mồi cho ông chứng kiến tình nghĩa của thế giới loài vật. Chính điều đó đã làm ông thay đổi.

– Nhận xét nghệ thuật trần thuật:

+ Ngôi kể: Ngôi thứ ba – người kể chuyện đứng ngoài cuộc.

+ Điểm nhìn trần thuật đặt vào chính nhân vật ông Diểu

+ Giọng điệu trần thuật: khách quan, trung tính.

3/ Phân tích nhân vật ông Diểu trong cuộc đi săn

a/ Không gian, thời gian cuộc đi săn

– Thời gian: sau Tết Nguyên đán một tháng – thời gian thích nhất/đẹp nhất ở rừng.

– Không gian:

Khu rừng mùa xuân thật đẹp đẽ và thơ mộng. “Cây cối đều nhú lộc non. Rừng xanh ngắt và ẩm ướt. Thiên nhiên vừa trang trọng vừa tình cảm.” “Khoảng thời gian này đi trong rừng, chân giẫm lên lớp lá ải mục, hít thở không khí trong lọc, thỉnh thoảng lại được thót mình bởi một giọt nước trên cây rỏ xuống vai trần thì thật là tuyệt thú. Tất cả những nhố nhăng đê tiện vấp phải hàng ngày hoàn toàn có thể rũ sạch bởi một cú nhảy của con sóc trên cành dâu da.”

Thiên nhiên thơ mộng đôi lúc còn trở lại trong hành trình săn bắn của ông Diểu: loài cây lá bạc phếch như lá nhót, có những bông hoa vàng như hoa tai rủ xuống tận đất. Thời tiết ấm hơn lên, không gian huyền ảo thêm lên bởi những làn mưa xuân mỏng và mịn dịu dàng buông xuống.

Thế nhưng tất cả vẻ đẹp thơ mộng, sự tĩnh lặng bình thản cao cả của rừng hoàn toàn không có ý nghĩa gì, không gây một nỗi xúc động gì với ông Diểu khi ông bước vào khu rừng mùa xuân không phải với tâm thế của kẻ thưởng ngoạn tự nhiên mà chỉ bằng tâm thế của kẻ đi săn, của kẻ đi chinh phục, khai thác tự nhiên. Mưa xuân vẫn lặng lẽ buông, những bông hoa vàng vẫn dịu dàng rủ xuống từng chùm,… Thiên nhiên vẫn bình thản và nhẫn nại dâng hiến cái đẹp cho con người. Mặc, tâm trí ông Diểu vẫn còn đang bận rộn với những toan tính: Bắn chim xanh? Hay bắn đàn gà rừng sặc sỡ? Bắn sơn dương ư? Thật đã đời, nhưng hơi khó! Ông quyết định sẽ săn một chú khỉ.

b/ Hành trang của ông Diểu

– Vũ khí, trang phục:

Ông Diểu bước vào cuộc đi săn với tâm trạng đầy hứng khởi và tâm thế rất tự tin, có phần kiêu ngạo của kẻ đi chinh phục đã được trang bị đầy đủ. Vũ khí của ông là cây súng – khẩu súng hai nòng, “nhẹ bỗng, hệt như một thứ đồ chơi”, thằng con ông Diểu gửi từ nước ngoài về. Ông rất tự tin với thứ vũ khí ấy. Cây súng là biểu tượng cho sức mạnh của con người ở thời đại văn minh kĩ trị trong cuộc chiến với thiên nhiên. Với cây súng trong tay, con người xuất hiện ở tư cách là “kẻ tội đồ”, kẻ hủy diệt tự nhiên, kẻ thù đáng sợ nhất của giới tự nhiên.

Ngoài ra, ông còn nai nịt, mặc quần áo ấm, đội mũ lông và dận đôi giày cao cổ để chống lại cái rét và bảo vệ mình khỏi những mối nguy hiểm khác từ rừng. Cẩn thận hơn, ông mang theo cả nắm xôi nếp dự phòng cho cuộc đi săn kéo dài. 

– Tri thức của ông Diểu về khu rừng: Ông Diểu có vốn hiểu biết khá dày dặn về khu rừng và đặc tính của các loài vật. Ông men theo suối cạn ngược lên mó nước đầu nguồn, đi chừng một dặm nữa để đến hang động đá vôi. Nơi đây có nhiều sơn dương. Săn được một chú sơn dương thì “thật đã đời”. Nhưng ông cũng biết bắn được giống này hơi khó. Cuối cùng, ông quyết định men theo chân núi đá vôi sang rừng dâu da săn khỉ.

Ông cũng có kinh nghiệm nhất định trong nghề đi săn. Nhìn thấy đàn gà rừng sặc sỡ, ông định bắn, nhưng rồi sợ động rừng thì cuộc đi săn sáng nay của ông sẽ chẳng có kết quả gì. Bởi vậy, ông “ngồi bất động trong tư thế như vậy rất lâu”. Đến rừng dâu da, ông ngồi lặng lẽ quan sát. Ông hiểu tập tính của loài khỉ, chúng “khôn tựa như người, khi kiếm ăn bao giờ cũng có canh gác, con gác rất thính”, phải thấy nó thì cuộc săn mới thắng lợi. Ông ngồi im nửa giờ quan sát cho đến khi con khỉ đầu đàn xuất hiện.

c/ Diễn biến tâm trạng ông Diểu trong cuộc đi săn

– Ông bắt đầu cuộc săn với tâm trạng vui vẻ, hào hứng và tâm thế rất tự tin, kiêu ngạo bởi những thứ trang bị mà mình có. Bước vào khu rừng, trong lúc ngồi yên đợi con khỉ đầu đàn, ông “không nghĩ gì, không buồn không vui, không lo lắng, cũng không tính toán”. Trong lòng ông nhuốm cái tĩnh lặng bình thản của khu rừng.

– Con khỉ đầu đàn xuất hiện với nghi lễ vương chủ, đường hoàng và dũng mãnh “văng mình rất nhanh” qua ông. Ông cũng phải thầm thán phục sự nhanh nhẹn dẻo dai của nó. Nhưng rồi, con khỉ đế vương ấy biến mất, trong ông nhói lên một nỗi xót xa: “Số phận của bậc đế vương không trùng với số phận ông”- kiểu độc thoại theo nguyên lí tảng băng trôi. “Nhà văn – kẻ đi săn, ông Diểu (Diểu – vị chúa Trời nhỏ) biết mình không có “chân mệnh đế vương” nên hắn yên tâm với thân phận dân đen của hắn, hắn không đi tranh hùng, không đi gây loạn và hoắng huýt, […]. Hắn chịu đựng, nhẫn nhục và chấp nhận chung sống với bọn khỉ cái, khỉ con, với các đồng loại khỉ độc và khỉ gió.” (GS Đỗ Đức Hiểu). Ý nghĩ ấy khiến “niềm vui nhen lên từ khi ở nhà ra đi trong ông vơi đi một nửa”.

– Cách ông Diểu nhìn nhận về gia đình nhà khỉ: Nhìn gia đình nhà khỉ 3 “người” cứ quấn lấy nhau, ngay lập tức ông quyết định sẽ chọn khỉ bố làm con mồi, bởi ông căm ghét cái giống đực ấy: “Cái thằng bố ô trọc ấy! Đồ phong tình phóng đãng! Vị gia trưởng cộc cằn! Nhà lập pháp bẩn thỉu! Tên bạo chúa khốn nạn!” Ông nhìn thiên nhiên như cách ông đánh giá về con người trong xã hội mà ông đang sống, một cái nhìn đầy định kiến, một cách tiếp cận con người và cuộc sống từ phía tiêu cực chứ không phải từ phía cái đẹp. Bởi vậy ông đã gắn những suy nghĩ đầy cay đắng cho loài vật. Với giống cái, cái nhìn của ông cũng chẳng thiện cảm hơn. Nhận ra khỉ mẹ làm nhiệm vụ canh gác, ông yên tâm, “Bởi giống cái bao giờ cũng dễ phân tâm. Đấy, thấy chưa? Đang canh gác mà lại đi bắt rận ở người thì còn gì nữa?Với giống cái thì thân thể mình là quan trọng nhất.” Cho nên ông tin là dù mình có đi mạnh chân một chút, “gây nên một sự bất cẩn nhố nhăng nào đó cũng chẳng hề gì”.

Cái nhìn đầy định kiến, hay cũng là kiểu tư tưởng biện minh cho hành động tội ác của con người, còn tiếp tục khi ông Diểu đánh giá hành động của khỉ bố bứt quả trên cây ném xuống cho hai mẹ con “trước khi ném, bao giờ nó cũng chọn quả ngon chén trước. Hành động ấy thật là đê tiện.” Ngay lập tức, ông hạ gục con mồi bằng một tiếng nổ dữ dội.

– Tâm trạng của ông Diểu – kẻ đi săn khi hạ gục con mồi: Là người đi săn, là kẻ đi chinh phục nhưng ông Diểu không có cảm giác hả hê, thỏa mãn hay kiêu hãnh, tự hào ở giây phút hạ gục được con mồi. Trong kẻ đi săn (có lẽ là không chuyên nghiệp) ấy vẫn còn lương tri và nhân tính cho nên khác với tâm thế của ông lúc ban đầu, ngay sau tiếng súng dữ dội hạ gục khỉ bố, “ông Diểu sợ hãi run lên. Ông vừa làm điều ác. Chân tay ông rủn ra”. Lúc khỉ cái tiến lại gần khỉ đực, thay cho nỗi vui mừng vì có cơ hội “lập cú đúp” hại gục hai con mồi, ông Diểu thầm rên lên đầy thảng thốt “Chạy đi!”. Dường như đó là sự lên tiếng của con người thứ hai trong ông Diểu – con người nhân văn, nhân đạo bên cạnh con người – kẻ tội đồ, kẻ thù của tự nhiên. Hai con người ấy đồng hiện, xâm lấn lẫn nhau trong ông Diểu, cho nên đồng thời với sự thảng thốt, lo lắng cho số phận khỉ cái, ông vẫn giương cây súng hướng về phía nó.

– Cách hành xử của loài vật đã buộc ông Diểu phải thay đổi cách nhìn nhận về chúng.

Thoạt tiên, ông Diểu căm ghét và tức giận khi thấy cách hành xử của các thành viên trong gia đình nhà khỉ trong “cơn gia biến”, nó như một sự đối chọi gay gắt với những suy nghĩ áp đặt và sai lạc của ông về chúng, đồng thời như một sự mỉa mai đối với đạo đức con người. Từ lâu, sống trong xã hội đầy giả dối, xảo trá, lọc lừa, ông Diểu đang bị mất niềm tin vào các giá trị, và dần trở nên vô cảm. Bất cứ một hành vi nào khoác áo đạo đức cũng khiến ông hoài nghi. Bởi thế, ông chỉ thấy hành động “liều thí mạng” của khỉ cái khi bất chấp nguy hiểm để tiến lại gần cứu khỉ bố là hành động đạo đức giả, điều ấy khiến ông căm ghét và nguyền rủa.

Nhìn thấy nòng súng đang chĩa về phía mình, khỉ cái sợ hãi kinh hoàng, vứt phịch khỉ đực xuống đất rồi bỏ chạy. Phản ứng của khỉ cái khiến ông Diểu hả hê bật cười bởi nó củng cố trong ông niềm tin rằng đạo đức không có thật trên đời. Ông tự tin nhô người ra khỏi chỗ nấp, tiến về thu lượm “chiến lợi phẩm” nhưng cũng ngay sau đó ông phải hối hận bởi hành động chủ quan vội vàng ấy khi thấy khỉ cái, sau phút hoảng sợ, đã liều mạng quay trở lại. Nó kịp định thần và nhận ra kẻ thù nguy hiểm trước mắt chính là con người. Trong mắt tự nhiên, con người đã lộ mặt là “tên ám sát”, là kẻ thù số một! Khỉ cái ghì khỉ đực vào lòng lăn tròn trên đất, rất nhanh.

“Ông đã lộ mặt là tên ám sát! Bất luận thế nào ông cũng đau đớn, sẽ thao thức, thậm chí ông sẽ chết sớm hai năm. Như vậy là, có một thứ quy luật ngoài quy luật. Sát hại con khỉ, ông Diểu bị điểm âm.

Khai thác chi tiết tiêu biểu khỉ nhỏ đoạt súng: Thiên nhiên đã tính sổ một cách sòng phẳng khi con người tôn thờ bạo lực, bất chấp nguyên tắc ứng xử hòa bình, bình đẳng và thân thiện với muôn loài. Hành động đoạt súng không chỉ là hành động của một con khỉ nữa mà là lời lên án của thiên nhiên dành cho con người, là sự phản đối của thiên nhiên trước hành động của con người. Sự hi sinh “không chút chần chừ” cùng với “tiếng rú thê thảm của con khỉ nhỏ” là lời cảnh báo, là phản ứng của thiên nhiên không chỉ với ông Diểu mà còn cho cả loài người.

Mất đi khẩu súng – điểm tựa sức mạnh của con người văn minh – có nghĩa là cơ hội sử dụng bạo lực đã bị triệt tiêu. Trơ trọi một mình đối mặt với tự nhiên, ông Diểu thấy mình thật lố bịch và thảm hại! Mất điểm tựa sức mạnh, trong ông chỉ còn cảm giác hoang mang, sợ hãi.

– Ông Diểu vẫn kiên trì mục tiêu chiếm đoạt con mồi khi phát hiện khỉ đực đang ở một mình. Ôm con khỉ, ông giật mình rút phắt tay lại khi chạm vào vết thương trên cơ thể nó, do ông gây ra. Con khỉ “đưa đôi mắt đờ dại nhìn ông cầu khẩn”. Ông bỗng thấy thương hại, lấy nắm cỏ dịt vào vết thương để cầm máu cho nó. Nhưng cách hành xử của loài vật, hết lần này đến lần khác khiến ông bất ngờ. Mọi ý nghĩ, quan niệm về thế giới loài vật trong ông dần bị đảo lộn. Trước hành động (ngỡ là nhân đạo) của ông, khỉ đực “co rúm người lại và nghiêng đôi mắt ươn ướt nhìn ông”, rồi một lát, nó rúc hẳn vào hai lòng tay ông, miệng lắp bắp như tiếng trẻ con. Lần đầu tiên, ông hiểu nó đang van xin ở ông một sự giúp rập. Ông Diểu tránh nhìn vào đôi mắt nó, “Ông rất khó chịu”! Bởi sự bao dung của khỉ, niềm tin cậy của loài vật vào con người đã ép ông vào thế phải làm người tốt, phải đóng vai thiện trong khi ông đã là kẻ ác và vẫn không hề có ý định từ bỏ mục tiêu tóm lấy con mồi. Hành động tránh nhìn vào đôi mắt van lơn tội nghiệp của khỉ báo hiệu sự chuyển biến nội tâm trong nhân vật ông Diểu. Ông sợ sẽ mủi lòng, và như vậy mục đích của chuyến đi săn có thể sẽ thất bại. Cuộc đấu tranh và xung đột thiện – ác, giữa tình thương và tham vọng, giữa bản năng sinh vật thấp hèn và phẩm chất người cao quý trong ông bắt đầu nảy sinh.

– Sự thay đổi của ông Diểu trong sự nhìn nhận, đánh giá về khỉ đực, khỉ cái ở cuối tác phẩm: Lòng bao dung của khỉ đực, lòng tận tụy, thủy chung và tình yêu của khỉ cái đã khiến ông Diểu nhận ra rằng thế giới loài vật cũng có sinh mệnh thật sự với số phận, tính cách, tâm hồn và đời sống tình cảm như con người. Hơn thế nữa, bản tính tự nhiên của loài vật là bản tính thiện, vô tư, hồn nhiên, trong sáng. Thế giới tình cảm của giới tự nhiên là một đối trọng, một sự phản biện lại thế giới con người vốn đầy xảo trá, lọc lừa. Đối sánh với tự nhiên, con người thấy mình thật xấu xa, hèn hạ và tồi tệ, đầy những khiếm khuyết. Tự nhiên cho con người thức nhận giá trị của tình yêu thương. Sự xuất hiện của cái đẹp, cái thiện đã cứu rỗi và nâng đỡ tâm hồn con người trong thế giới mà cái ác đang bủa vây.

d/ Hình ảnh ông Diểu trần truồng đi về trong mưa xuân

Con người với đầy đủ vũ khí, trang bị ra đi với ý định hủy diệt thiên nhiên cuối cùng lại trần truồng, độc trọi trở về. Ông trở về với hai bàn tay trắng, trong hình hài nguyên thủy của con người như tự nhiên sinh ra, cũng là trở về với bản tính thiện của muôn loài. Hành trình đi săn của ông Diểu chính là hành trình của con người từ thế giới văn minh vốn đầy bất ổn, từ “thế giới người” đầy xảo trá, lọc lừa về với tự nhiên, về với nguồn cội, về với cái thuần khiết, cái thiện.

Hành động tha bổng con khỉ như một sự chuộc lỗi với tự nhiên. Trong cuộc đấu tranh âm thầm diễn ra trong ông, cuối cùng phần người, cái thiện và tình thương đã thắng thế. Thiên nhiên vẫn luôn mở lòng bao dung và hành xử cao thượng với con người. Những hạt mưa xuân dịu dàng thanh khiết bao bọc và che chở thân thể ông.  Thế giới tự nhiên tuy bí hiểm khôn lường nhưng có một thuộc tính đáng quý là rất công bằng nếu con người ứng xử với nó trên tinh thần bè bạn.

Trên đường về, ông Diểu chọn đi con đường vắng người, ông sững sờ gặp hoa tử huyền nhiều không kể xiết. Loài hoa ba chục năm mới nở một lần, màu trắng, vị mặn, bé bằng đầu tăm, người ta gọi nó là muối của rừng. “Khi rừng kết muối, đấy là điềm báo đất nước thanh bình, mùa màng phong túc.” Đó như một sự ân thưởng của thiên nhiên khi con người biết phục thiện và nhận thức ra bài học đúng đắn về cách hành xử với thiên nhiên. Từ nhiều thế kỷ qua, con người luôn ảo tưởng vào trí tuệ và sức mạnh của văn minh công nghiệp, đem luật chơi của kẻ mạnh áp đặt vào đời sống cộng sinh, tàn sát thiên nhiên làm thiên nhiên nổi giận. Con người cần hiểu rằng: Đối xử với thiên nhiên bằng bạo lực chính là hành động tự sát!

4/ Thông điệp từ tác phẩm

Viết về cái xấu xa, cái tiêu cực nhưng tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp vẫn luôn lấp lánh chất nhân văn bởi niềm tin vào khát khao hướng thiện, niềm tin vào nhân tính con người trong xã hội đầy khủng hoảng sau chiến tranh và những năm đầu đổi mới. Đó là sức hút của văn NHT, như Nguyễn Khải từng phát biểu: “Văn chương có quyền, nhưng không chỉ miêu tả cái xấu xa, cái ghê tởm, cái hèn nhát. Thanh nam châm thu hút mọi thế hệ vẫn là cái cao thượng, cái tốt đẹp, cái thủy chung”.

Nguyễn Huy Thiệp: “Muối của rừng là cuộc đi săn tìm lẽ sống, lẽ đời. Nó là cuộc đi săn tìm danh vọng và lợi lộc. Tất cả đều trò khỉ. Cuộc sống là những trò khỉ. Cuối cùng mình trần thân trụi cả, tất cả đều về với cát bụi. Cuộc sống là cuộc đi săn tìm thói xấu trong bản thân ta để tự mình trục độc, tự mình thoát thân từ khỉ thành người.”

Cùng với sự phát triển của nền văn minh, nhân loại ngày càng phải đối mặt với những hiểm họa to lớn từ môi trường sinh thái. Nó đe dọa sự sống của con người và tất cả các sinh vật tồn tại trên trái đất này. Đứng trước những hiểm họa ấy, văn chương cũng phải có trách nhiệm lên tiếng. Tác phẩm văn học chủ đề sinh thái cảnh báo hiểm họa môi trường, hướng tới tương lai phát triển bền vững của nhân loại.

Tác phẩm hình thành trong con người nhân sinh quan tiến bộ của chủ nghĩa nhân văn sinh thái: Tư tưởng coi trọng tự nhiên, đối xử bình đẳng với tự nhiên trên tinh thần bè bạn, lối sống hòa hợp với thiên nhiên thay cho chinh phục và chiếm đoạt thiên nhiên; con người phải biết đồng cảm với tự nhiên bị chà đạp, bị thương tổn. Quay về với thiên nhiên, con người sẽ trở về bản tính thiện vốn có.

Phản ánh cuộc đấu tranh của con người bên trong con người để vươn tới cái cao cả, cái tốt đẹp, tác phẩm thể hiện niềm tin vào tương lai tốt đẹp hơn khi con người ý thức được quyền sống của tự nhiên, quyền sống của muôn loài. Hành trình từ chỗ nhận thức về quyền sống của con người đến quyền sống của thiên nhiên là bước tiến dài trong lịch sử phát triển văn hóa nhân loại.

 

 Hướng dẫn đọc –  hiểu truyện ngắn

SỐNG MÃI VỚI CÂY XANH

– Nguyễn Minh Châu –

I/ Hệ thống câu hỏi gợi dẫn và yêu cầu soạn bài dựa theo lí thuyết đọc – hiểu văn bản tự sự

1/ Vài nét về Nguyễn Minh Châu và sáng tác của nhà văn trong giai đoạn văn học đổi mới.

2/ Hoàn cảnh sáng tác tác phẩm? Hoàn cảnh sáng tác (hoàn thành tháng 12/1983) gợi cho anh/chị suy nghĩ gì về thông điệp tác giả gửi gắm trong tác phẩm?

3/ Điểm nhìn trần thuật và ngôi kể của tác phẩm? Nhận xét đặc điểm nghệ thuật ấy?

4/ Phân tích hình tượng nhân vật bác Thông? Thông điệp nhà văn gửi đến qua nhân vật này? Chú ý khai thác các chi tiết, sự việc tiêu biểu: cách bác Thông chăm chút, lo lắng cho các loài cây, tâm trạng của bác Thông khi được chuyển sang đội khai thác, bác Thông chứng kiến cảnh cây sấu già bị “hành quyết”,…

II/ Định hướng tiếp nhận văn bản

1/ Tác giả Nguyễn Minh Châu

– Trong kháng chiến chống Mĩ: Ý thức trách nhiệm của người cầm bút trước lịch sử, Nguyễn Minh Châu sáng tác nhiều về đề tài chiến tranh hướng tới phục vụ cách mạng, cổ vũ kháng chiến. Các tác phẩm của ông mang đậm khuynh hướng sử thi và cảm hứng lãng mạn.

– Giai đoạn sáng tác sau 1980: Nguyễn Minh Châu  được coi là người mở đường cho công cuộc đổi mới văn học Việt Nam. Sáng tác của nhà văn đi sâu vào đề tài đời tư thế sự với cái nhìn khám phá phát hiện, chiến đấu cho quyền sống cá nhân của con người. Nhà văn tiếp cận con người trên nhiều bình diện và nhiều tầng bậc: con người thế sự, đời tư tồn tại cùng con người xã hội – lịch sử, con người trong tính cá thể riêng biệt và tính nhân loại phổ quát. Nhà văn say mê khám phá cái thế giới bên trong đầy bí ẩn của con người, lật xới cả vào tầng đáy sâu của tâm lí, tư tưởng và cả tiềm thức, tâm linh của con người. Con người trong sáng tác Nguyễn Minh Châu hiện ra không còn thuần nhất mà trong tính lưỡng diện, đa diện và luôn biến động không ngừng. Dù vậy, nhà văn vẫn tin ở con người trong cuộc đấu tranh giữa cái thiện và cái ác, thức tỉnh ở con người ý thức tự vấn để hướng tới hoàn thiện nhân cách.

Nhà văn cũng có nhiều tìm tòi đổi mới trong nghệ thuật tự sự, và thành công hơn cả ở nghệ thuật diễn tả chiều sâu tâm lí nhân vật. Đáng chú ý nữa là sự nới lỏng cốt truyện, nghệ thuật tạo tình huống, thay đổi linh hoạt điểm nhìn trần thuật, sử dụng thường xuyên các biểu tượng nghệ thuật và đổi mới giọng điệu trần thuật.

2/ Hoàn cảnh sáng tác: Tác phẩm hoàn thành tháng 12 năm 1983 –  thời kì hậu chiến và trước đổi mới

3/ Ngôi kể và điểm nhìn trần thuật

– Ngôi kể: Người kể chuyện xưng “tôi”  là một hàng xóm của bác Thông ở Ngõ 27. Tôi là người “đôi khi có viết lách” nên được bác Thông “dịch” cho nghe “thiên hồi kí của cây sấu và cây cột điện” và nhờ ghi lại.

– Điểm nhìn trần thuật thay đổi linh hoạt, lúc thì là điểm nhìn của người kể chuyện, lúc là điểm nhìn của cây sấu và cây cột điện, lúc là điểm nhìn của nhân vật bác Thông,…

 4/ Phân tích hình tượng nhân vật bác Thông

– Đó là con người yêu thiên nhiên, luôn biết lắng nghe tiếng nói từ tự nhiên và có khả năng hòa điệu, giao cảm với thiên nhiên.

+ Con người vẫn thường tự hào mình là loài có ngôn ngữ, do đó, có khả năng tư duy. Và vì quan điểm coi tự nhiên là câm lặng, chúng ta đã phủ nhận tiếng nói của muôn loài. Kì thực, động vật, cỏ cây đều có tiếng nói riêng của nó, có đời sống, có tâm hồn, tình cảm và tính cách riêng giống như con người. Coi thiên nhiên là vô tri và là đối tượng để con người khai thác phục vụ cho sự ích kỉ, những toan tính thực dụng, con người sẽ không có cơ hội giao tiếp với giới tự nhiên, tâm hồn sẽ trở nên què quặt và cảm thấy cô đơn. Sinh ra trong gia đình ba đời làm nghề trồng cây và chăm sóc cây cối trong thành phố này, Bác Thông “thạo thứ ngoại ngữ có thể trò chuyện với loài vật và cây cối.” “Vào những ngày nổi gió to, bác hay đi lang thang trong công viên Bách thảo để trò chuyện với cây cối.” Không chỉ thế, bác còn có thể trò chuyện với cả đất nữa. Bác bảo: “Đất cát cũng có tiếng nói của nó nhưng tính nết của đất vốn lầm lì, ít lời. hàng trăm năm mới mở miệng thốt lên một tiếng và con người ta thường dựa vào đó, suy ngẫm ra để mà sống.” Chính nhờ khả năng giao tiếp đặc biệt ấy mà bác đã được đất giúp đỡ, chỉ đích xác nơi chôn cất hài cốt người con trai trong chuyến đi tìm mộ con giữa rừng Trường Sơn.

Cũng bởi nghe hiểu thành thạo thứ “ngoại ngữ” của đất đai, cây cối và đối xử với chúng trên tinh thần bè bạn, hơn nữa còn chăm sóc, bảo vệ, che chở chúng bằng  tình cảm ruột thịt mà bác Thông đã được nhận lại bao nhiêu tình yêu và niềm ngưỡng mộ của muôn loài. Tại đại hội cây Hà Nội diễn ra ở hội trường ngoài trời là vườn Bách thảo, bác Thông vinh dự là đại diện duy nhất của thế giới loài người được các loài cây mời tham dự.

Cây sấu già nói: “Hãy mong sao nhiều người được trở thành như bác.” Bà mẹ Đất thì có lầ cầm tay bác nhắn nhủ: “Đời còn vui được, người ta còn thương yêu nhau được là nhờ ba cái anh lẩn thẩn biết nói chuyện với muôn loài này.”

+ Là công nhân làm nhiệm vụ ươm trồng cây, bác Thông gắn kết với đất đai, muông thú, cỏ cây bằng một tình yêu sâu nặng. Những cây non hàng ngày bác phải chăm sóc, chúng vô tri, không có tiếng nói, không biết tố cáo, nhưng bác đối xử với chúng như con người, hơn nữa, như những sinh linh bé bỏng tội nghiệp chưa có khả năng tự bảo vệ, cần được che chở. Câu chuyện bác tận tình chăm sóc những cây thông non đã được ghi lại trong thiên nhật kí của cây sấu và cây cột điện: “Bác Thông nhà ta, tính nết bao giờ cũng khác với nhiều cán bộ và nhân viên trong công ty trồng cây, buổi chiều tan tầm ra về bác thường áy náy về thời tiết, không hiểu suốt đêm những cây non trong vườn ươm có yên ổn mà hút sương để lớn lên không? Hay là súc vật tuông rào vào giẫm nát mất? Hay là gió máy nửa đêm bất thình lình nổi lên?” Một buổi chiều đông gió bấc, trước khi ra về, bác còn ghé thăm những cây thông non, cắt mấy cành lá chuối che cho chúng khỏi bị gió bấc làm đỏ ngọn. Vừa làm, bác vừa cất giọng dậm dọa đùa bỡn đầy trìu mến. Nghe giọng nói quen thuộc ấy, “hàng mấy trăm cây thông non đều thốt lên đồng thanh những tiếng rì rào đầy nũng nịu”. Xong xuôi, bác định ra về thì “chợt nghe trong hoàng hôn có tiếng giọt nước rơi lộp độp”, bác cảnh giác nghe ngóng thêm và hoảng hốt nhận ra đêm nay có sương muối, bụng dạ bác “đầy ắp những lo là lo cho ba cái thằng thông con”. Trong khi người đồng nghiệp tên Thung thờ ơ “Kệ nó!” thì bác Thông vẫn nhất định trèo vào gian nhà kho lấy những tấm cót ép để che sương cho chúng.

Bác Thông có hai vật quý là chiếc áo ba-đờ-xuy (do bà hàng xóm tốt bụng mua hộ) và chiếc xe bò (vật gia truyền từ ba đời của gia đình bác gắn với đời cây của thủ đô HN). Chiếc xe bánh gỗ thô sơ ấy, bác quý nó lắm. Xã hội hiện đại, công ty bác cho chở cây non bằng ô tô tới nơi trồng, nhưng “cánh thanh niên ở công ty” không biết làm ăn thế nào mà mười cây chở đến thì bốn, năm cây dập gãy. “Bác Thông xót ruột không chịu được!” Chăm sóc cây non trong bầu năm sáu tháng cây mới lên được một thước, vậy mà “chỉ một đoạn đường chở đi trồng đã đem nó đến chỗ chết?” Thế là bác vẫn trung thành với chiếc xe bò dùng nó để chở cây non.

– Con người biết đồng cảm với thế giới tự nhiên bị thương tổn.

Trong bản thiết kế quy hoạch xây dựng thủ đô mới do Huân soạn thảo và đã được phê duyệt, khu phố chợ nhếch nhác nơi bác Thông ở sẽ được san bằng để “xây dựng thí điểm khu dân cư điển hình đẹp đẽ nhất Hà Nội”. Một công cuộc phá dỡ bắt đầu. Bác Thông được cấp trên “ưu ái” cho chuyển sang một vi trí khác mà theo số đông là “hay” hơn nhiều, “béo bở” hơn nhiều, bao người nhà cửa trở nên khang trang cũng nhờ được làm “chân” ấy: tổ trưởng tổ khai thác! “Hai tiếng khai thác lọt vào lỗ tai bác Thông thoắt biến thành một lưỡi cưa với một chiếc rìu cứ nhè quả tim già nua mà xẻ, bổ”, mặt bác hơi tái đi. Từ một người chăm bẵm cây, chi chút sự sống cho cây, giờ đây bác phải làm công việc mà đối với mỗi sinh mệnh cây chẳng khác nào một tên đao phủ! Người giám đốc trẻ mới đầy sáng suốt kia đâu có biết rằng “nếu có gắn huân chương cũng không làm khuây khỏa nỗi buồn không để đâu cho hết của cái ông lão lẩm cẩm hàng chục năm nay vẫn lấy việc trò chuyện với cây cối làm niềm vui duy nhất, làm nguồn sống duy nhất.”

Đặt điểm nhìn trần thuật vào nhân vật bác Thông, nhà văn đã miêu tả cuộc đốn hạ cây sấu cổ thụ nơi ngã tư phố chợ chẳng khác nào một cuộc hành quyết đau đớn người thân yêu của chính nhân vật.

Buổi sáng ấy, bác Thông kéo chiếc xe bò đi làm thì bà Ngan gọi giật lại, đưa ánh mắt đầy thương hại báo cho ông biết tin rằng hôm nay người ta bắt đầu đẵn cây sấu. Vị chứng nhân trăm tuổi của văn hóa Hà Nội, “con người” đã cùng Hà Nội trải qua bao thăng trầm của lịch sử oanh liệt suốt cả một thế kỉ, cái “con người” đã kiên cường anh dũng cùng Hà Nội đi qua hai cuộc chiến tranh ấy hôm nay bị người ta dòng hai sải dây chão bằng bắp đùi vào thân và những dây cáp sắt tua tủa trên những cành lớn. Đứng dưới gốc cây, nhìn “cây sấu vẫn bình thản mà ông lão thấy đau, y như sắp phải đứng để người ta cưa tay cưa chân mình”. Rồi tiếng cưa máy xoèn xoẹt cứa vào da thịt ông lão. Đám người của phố chợ lăm lăm cầm cưa, rìu, chực xúm vào “làm thịt” cây sấu. Trưa trên đường về, ông lão thấy nhà nào nhà nấy chất lù lù một đống cành củi sấu, “Thật là một cuộc yến tiệc cho cả thiên hạ.”

Cái cây sấu bây giờ trông thật thương tâm: Nó chỉ còn một cái thân cây gỗ tươi trụi thui lủi. Những kẻ được hưởng bóng mát nhiều nhất từ cây sấu là lũ trẻ nơi phố chợ và mấy gia đình hàng phở quanh ngã tư giờ đây hiện rõ bộ mặt những “kẻ vô ơn”, tàn bạo và man rợ. Họ “xông vào lột da nó, như lột da một con bò ở lò sát sinh!” “Cây sấu vẫn đứng thẳng với một cái thân cây đã bị lột vỏ ứa nhựa, ở những khoảng vỏ mới bị lột nom đỏ hỏn như da đứa trẻ sơ sinh.”

Sự kiện ấy đã gây một chấn động mạnh trong tâm hồn ông lão. Một cú sốc đau đớn mà cái cơ thể và tâm hồn ông lão đã không còn đủ sức chịu đựng. Ông lão đi tìm cây sấu giờ đây “như một cái thi thể bị hành quyết ngã xuống nằm vắt ngang con đường rải đá của phố chợ, để lại trên cái chỗ đứng cũ của nó, trong tròn một thế kỉ một khoảng trống. Đối với ông lão, dù có xây cả một dãy phố hàng chục tầng cũng không lấp nổi cái khoảng trống ấy. Bởi bấy lâu, mọi kỉ niệm mang niềm kiêu hãnh cũng như mọi niềm vui buồn tủn mủn đến mức vô nghĩa của cả đời ông lão đều giấu sau vòm xanh của cái cây, bây giờ phút chốc chỉ còn một khoảng trống.” Ông lão “không còn đủ can đảm nhìn cái phần xương thịt đẽo ra từ cơ thể sống của một người thân yêu.”

Chợt thấy đau đớn như chính mình bị hành quyết; chợt thấy cô đơn trống trải, thấy trong mình mất mát một cái gì lớn lắm, không gì khỏa lấp được, ông lão uất ức tìm đến cái chết.

Thiên nhiên là nơi phản chiếu tâm hồn, nhân cách con người. Kẻ biết yêu cỏ cây muông thú, biết che chở cho những sinh linh nhỏ bé ấy không bao giờ là người độc ác hay tàn nhẫn. Những người gần gũi với loài vật đều là những người hiền lành và tràn đầy yêu thương. Học cách yêu quý, làm bạn với tự nhiên, tôn trọng quyền sống của muôn loài là cách con người nuôi dưỡng nhân tính.

  1. Thông điệp của tác phẩm

Trong tác phẩm, ngay từ đầu những năm 1980, Nguyễn Minh Châu đã đặt ra vấn đề “nóng” của xã hội hiện đại, đó là vấn đề mối quan hệ giữa đô thị hiện đại, quan hệ giữa con người thời đại văn minh với thiên nhiên.  Sự xuất hiện của không gian đô thị, không gì khác, là hệ quả lâu dài của một quá trình chinh phục tự nhiên. Sự mở rộng quy hoạch đô thị, sự phát triển ngày càng hiện đại của nền văn minh đang nuốt dần không gian sinh thái. Con người ngày càng trở thành thù địch với tự nhiên.  Càng đắm mình trong thế giới tiện nghi vật chất sang trọng, tâm hồn con người càng trở nên nghèo nàn. Con người càng xa rời bản tính thiện vốn có.

Nhà văn đề xuất với con người hiện đại lối sống tôn trọng tự nhiên, hòa hợp và đối xử công bằng với tự nhiên để nuôi dưỡng nhân tính và làm giàu có thêm cho tâm hồn. Con người cần thay đổi tư duy rằng con người là kẻ chinh phục tự nhiên, vị chúa tể muôn loài, rằng tất cả được tạo ra cho con người, vì con người dẫn đến hành động tàn sát, triệt phá, bức tử môi trường sống. Đối xử bạo lực với tự nhiên, con người sẽ phải trả giá bằng chính sự tồn tại của mình!

Chúng ta không thể đem thiên nhiên ra để trả giá cho bất cứ lợi ích nào của con người. Bởi khi tự nhiên nổi giận, nhân loại sẽ phải trả giá bằng chính sự diệt vong của mình.

Các nhà văn đã thể hiện những suy tư có tầm về mối quan hệ giữa nghệ thuật với thời đại, và môi trường sinh thái. Văn học nói riêng hay nghệ thuật nói chung, phải thực hiện nhiệm vụ mới là cảnh tỉnh, nhắc nhở con người về những hiểm họa sinh thái có thể xảy đến, đe dọa sự tồn vong của thế giới người nếu chúng ta, vì những toan tính, thực dụng ích kỉ của mình mà đối xử thô bạo với tự nhiên, chà đạp lên quyền sống của muôn loài.

  1. SMVCX được hoàn thành vào tháng 12 – 1983. Thông tin này gợi cho em suy nghĩ gì?

Đô thị hóa là một quá trình không cưỡng lại được của xã hội hiện đại. NMC cũng không đơn thuần phủ định và chối bỏ khát vọng chính đáng của lớp người trưởng thành trong thời hậu chiến là xây dựng đất nước ngày một phát triển theo con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Thế nhưng, nhà văn, với khả năng tiên cảm đặc biệt, đã đề cập từ rất sớm niềm tin pha lẫn âu lo về tương lai đô thị hóa. Bởi cùng với nó sẽ là việc không gian sống – những khoảng xanh sinh thái bị thu hẹp lại, môi trường sống đô thị bị ô nhiễm. Thay cho những khu rừng tự nhiên xanh mát, con người phải sống trong “rừng đô thị” với những tòa nhà hình hộp bê tông cao chọc trời, những ống khói nhà máy thở ra những luồng hơi đen sì, những thảm đường nhựa, những khoảng sân bê tông sẽ thay cho những thảm có tự nhiên mềm mượt,… Xa rời thiên nhiên, tâm hồn con người trở nên nghèo nàn và nhân tính cũng ngày càng hao hụt. “Một thảm họa của tâm hồn con người, – cây si nói, – các cặp trai gái ngày nay vừa cưới xong đã thấy chán nhau.”

Thiên nhiên còn ẩn tàng trong nó dấu tích lịch sử hàng nghìn năm của con người mà quá trình đô thị hóa góp phần chôn lấp nó ngày một dày hơn, sâu hơn. Phản bội thiên nhiên, con người lãng quên đi những giá trị tinh thần cao quý, lãng quên lịch sử. Nhà văn, trong tác phẩm cũng cảnh báo điều này: “Hỡi các em bé giàu tưởng tượng, hãy áp tai vào tầng nhựa đường sẽ được nghe tiếng vỗ rào rạt của sóng nước của một dòng sông đã chết, giấu trong lòng những cán giáo gãy, những mũi tên đồng, những cối chày bằng đá, những hoa văn trên men, những giọt mồ hôi trên áo vải và giọt máu trên chiến bào; và bên dưới cùng của tất cả là hàng vạn cánh rừng lim, sến, táu và tre vầu đã chết để nhường mặt đất cho con người ở”

Và nhà văn đề xuất một lối sống nhân văn của con người hiện đại, như một sự dung hòa giữa nền văn minh công nghiệp và môi trường sinh thái: “các thanh niên ngày nay hãy có đầu óc tưởng tượng phong phú hơn nữa”; “Từ giữa phố phường chật hẹp đông đúc có bao giờ các bạn đi ra sông Hồng nghe tiếng hát của phù sa và bờ bãi? Đã bao giờ các bạn dừng bước trên hè phố nâng một cành cây bị gẫy? Có phải tình yêu của các bạn được e ấp nói lên trong màu xanh của hàng cây? Và nhất là tuổi thơ, hãy trả lại cho tuổi thơ những nội cỏ và bóng râm mát của cổ thụ, quả sấu dầm và cảm giác đi trong rừng”, “Đúng, đời sống loài người là một chuỗi dài quá trình chinh phục thiên nhiên. Thế nhưng, thật là thiếu thỏa đáng, và thậm chí nguy hiểm nếu không nghĩ đến công việc hòa hợp với thiên nhiên”

=> NMC xứng đáng là nhà tài năng, có khả năng tiên cảm và trí tuệ sắc sảo để có thể dự báo được những vấn đề lớn của đất nước, của con người, thậm chí của toàn nhân loại ngay khi nó mới manh nha.

 

KẾT LUẬN

  1. Những vấn đề quan trọng của đề tài

Như đã nói ở trên, “Rèn luyện kĩ năng đọc – hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình sách giáo khoa cho học sinh chuyên văn” là đề tài có ý nghĩa thiết thực, hướng tới mục tiêu đổi mới giáo dục, phát huy tinh thần tự học và sáng tạo, khơi dậy tình yêu văn chương ở các em học sinh. Trong chuyên đề này, chúng tôi đã khái quát được một số vấn đề lí thuyết cơ bản của việc đọc – hiểu văn bản văn học và phương pháp đọc hiểu văn bản thơ trữ tình, văn bản tự sự. Chúng tôi cũng nỗ lực thử nghiệm vận dụng lí thuyết để hướng dẫn học sinh đọc hiểu một số văn bản ngoài chương trình. Những tác phẩm được chọn lần này là những bài thơ hay, phù hợp và tương đối dễ tiếp nhận với các em học sinh cùng hai tác phẩm tự sự trong văn học đổi mới của những tác giả quen thuộc với học sinh chuyên văn. Kết quả của những giờ hướng dẫn đọc – hiểu thử nghiệm đó là học sinh biết cách khai thác văn bản theo thể loại và hiểu được nội dung cũng như đánh giá được những giá trị cơ bản của tác phẩm trên phương diện nội dung và nghệ thuật. Dù đã rất nỗ lực nhưng do hạn chế nhiều mặt nên chuyên đề không tránh khỏi thiếu sót và có những điều chưa được như mong đợi, rất mong được học hỏi và nhận được sự góp ý từ các bạn đồng nghiệp.

  1. Một số đề xuất, kiến nghị

2.1 Kho tàng văn học nhân loại vô cùng phong phú và đa dạng. Việc đọc và nghiên cứu tất cả các tác giả và tác phẩm văn học Việt Nam và thế giới là điều không thể với bất cứ một nhà nghiên cứu nào. Với giáo viên và học sinh, cơ hội tiếp xúc và đọc – hiểu tác phẩm lại càng hạn chế bởi điều kiện thời gian, tài liệu và cả năng lực, trình độ nữa. Bởi vậy, chúng tôi rất mong trong tiến trình đổi mới dạy học văn theo định hướng năng lực sẽ được các chuyên gia, các nhà nghiên cứu gợi ý một danh mục cụ thể các tác phẩm được đánh giá là hay ngoài chương trình, nhất là tác phẩm của các tác giả đương đại, để thầy trò chúng tôi đỡ vất vả hơn trong công cuộc “đãi cát tìm vàng”. Chúng tôi cũng mong được các chuyên gia, các nhà nghiên cứu, phê bình văn học đồng hành trong hành trình tìm kiếm vẻ đẹp văn chương ở những tác phẩm hay và khó ngoài chương trình

2.2. Rất mong Hội thảo khoa học các trường Chuyên khu vực Duyên hải và Đồng bằng Bắc Bộ các năm tới, khi đã có chương trình giáo dục phổ thông mới, có thể tiếp tục trở lại đề tài này nhưng đi vào đọc hiểu những tác giả, tác phẩm cụ thể chưa từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình để mỗi giáo viên có thể học hỏi lẫn nhau, tận dụng trí tuệ tập thể từ đó mà tự bồi dưỡng, nâng cao trình độ.

Chúng tôi xin chân thành cảm ơn!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1/ Trần Đình Sử chủ biên (2014), Lí luận văn học,  NXB ĐH Sư phạm. Sách giáo khoa Ngữ văn 10 nâng cao tập 1, NXB Giáo dục, 2006.

2/ Trần Đình Sử (Tổng chủ biên – 2006), Sách giáo khoa Ngữ văn 10 nâng cao tập 1, NXB Giáo dục.

3/ Trần Đình Sử (Tổng chủ biên – 2006), Sách giáo viên Ngữ văn 10 nâng cao tập 1, NXB Giáo dục.

4/ Trần Đình Sử (2013), Đọc – hiểu văn bản – một khâu đột phá trong nội dung và phương pháp dạy văn hiện nay,

http://nguvan.hnue.edu.vn/Nghiencuu/Phuongphap/tabid/106/newstab/190/Default.aspx

5/ Trần Đăng Suyền (2012),Phương pháp nghiên cứu và phân tích tác phẩm văn học, NXB Giáo dục Việt Nam

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *