Rèn kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn-bài 9

Tài liệu Văn

 

MỤC LỤC

 CHUYÊN ĐỀ 

Rèn kỹ năng đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh Chuyên Văn

Tháng 8/2018

PHỤ LỤC

  1. PHẦN MỞ ĐẦU.. 5
  2. Lí do chọn đề tài 5
  3. Lịch sử vấn đề. 6

III. Đối tượng nghiên cứu. 8

  1. Phạm vi nghiên cứu………………………………………………………………8
  2. Mục đích nghiên cứu, đóng góp của đề tài………………………………………8
  3. Phương pháp nghiên cứu………………………………………………………..8

VII. Cấu trúc của để tài………………………………………………………………8

  1. PHẦN NỘI DUNG.. 9

CHƯƠNG I:  CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIỄN VỀ ĐỌC HIỂU.. 9

  1. Cơ sở lý luận. 9

1.1. Khái niệm đọc hiểu văn bản và năng lực đọc hiểu. 9

1.1.1. Khái niệm đọc hiểu văn bản. 10

1.1.2. Khái niệm năng lực đọc hiểu…………………………………………………10

1.2. Mục đích, vai trò của đọc hiểu văn bản……………………………………….10

1.3. Cấu trúc năng lực đọc hiểu văn bản…………………………………………..11

1.4. Khung năng lực đọc hiểu văn bản…………………………………………….12

  1. Cơ sở thực tiễn……………………………………………………………………13

2.1. Thực trạng học những tác phẩm ngoài chương trình của học sinh chuyên văn  13

2.2. Nguyên nhân và hướng giải quyết 16

2.2.1. Nguyên nhân. 16

2.2.2. Hướng giải quyết 16

CHƯƠNG II: ĐỊNH HƯỚNG MỘT SỐ KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU TÁC PHẨM NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH CHO HỌC SINH CHUYÊN VĂN…………………18

  1. Định hướng lựa chọn những tác phẩm ngoài chương trình cho phù hợp. 18
  2. Định hướng một số kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình………….19

2.1. Kĩ năng trước khi đọc tác phẩm.. 20

2.1.1. Xác định mục tiêu đọc………………………………………………………..20

2.1.2. Huy động tích cực những tri thức, trải nghiệm đọc hiểu………………….21

2.2. Kĩ năng trong khi đọc………………………………………………………….23

2.2.1. Giải mã, nhận biết những thông tin và đặc điểm chính về văn bản……….23

2.2.2. Tập trung và tích cực tư duy khi đọc……………………………………….24

2.2.2.1. Tập trung……………………………………………………………………24

2.2.2.2. Tích cực tư duy khi đọc……………………………………………………25

2.2.3. Giám sát thúc đẩy quá trình đọc hiểu………………………………………28

2.2.4. Sử dụng các chiến thuật đọc hiểu……………………………………………29

2.3. Kĩ năng sau khi đọc. 30

2.3.1. Sử dụng hồ sơ đọc hiểu. 30

2.3.1.1. Giới thiệu về hồ sơ đọc hiểu……………………………………………….30

2.3.1.2. Các bước lập hồ sơ đọc hiểu……………………………………………….31

2.3.2. Sử dụng nhật kí đọc………………………………………………………….32

2.3.1. Khái niệm về nhật kí đọc…………………………………………………….32

2.3.2. Ý nghĩa của việc sử dụng nhật kí đọc……………………………………….37

2.3.3. Thảo luận, tương tác giữa các chủ thể đọc………………………………….37

2.3.3.1. Khái niệm về thảo luận…………………………………………………….37

2.3.3.2. Cách thức tổ chức thảo luận………………………………………………38

CHƯƠNG III:THỰC HÀNH ĐỌC HIỂU MỘT SỐ TÁC PHẨM NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH.. 40

  1. Hướng dẫn đọc hiểu “Người truyền kí ức” của Lois Lowry ………………….40

1.1. Định hướng trước khi đọc. 40

1.2. Định hướng trong khi đọc. 41

1.3. Định hướng sau khi đọc. 42

  1. Hướng dẫn đọc hiểu “Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ” của Svelana Alexievich…………………………………………….. ……………………46

2.1. Định hướng trước khi đọc. 46

2.2. Định hướng trong khi đọc. 48

2.3. Định hướng sau khi đọc. 50

  1. Hướng dẫn đọc hiểu “Tổ quốc gọi tên” của Nguyễn Phan Quế Mai………….51

3.1. Định hướng trước khi đọc. 52

3.2. Định hướng trong khi đọc. 55

3.3. Định hướng sau khi đọc. 56

  1. Hướng dẫn đọc hiểu “Vua Lia” của Sêchsxpia…………………………………60

4.1. Định hướng trước khi đọc. 60

4.2. Định hướng trong khi đọc. 62

4.3. Định hướng sau khi đọc. 63

  1. KẾT LUẬN.. 68
  2. PHẦN THƯ MỤC THAM KHẢO.. 69

 

PHẦN THỨ NHẤT

MỞ ĐẦU

  1. Lý do chọn đề tài
  2. Xã hội càng phát triển, nhu cầu mở rộng hội nhập và giao lưu thế giới ngày càng nhiều, điều đó đòi hỏi con người có những nhìn nhận, đánh giá, phân tích về các vấn đề xã hội sâu sắc, đầy đủ và toàn diện hơn. Trong bối cảnh toàn cầu bùng nổ thông tin như hiện nay, việc đọc sách và nhu cầu tiếp cận với thế giới cần phải có sự chọn lựa. Trình độ văn hóa của mỗi cá nhân, mỗi quốc gia được đánh giá bằng năng lực nắm bắt, tiếp nhận thông tin, xử lý thông tin từ các loại văn bản khác nhau. Người có kiến thức không chỉ là người được đào tạo một cách bài bản mà còn là người biết nắm bắt thông tin, biết đọc hiểu và chắt lọc, sử dụng thông tin một cách hiệu quả nhất. Ở đâu có nhiều người biết nắm bắt thông tin, biết xử lý thông tin, thì ở đó sẽ có tri thức, sẽ là một quốc gia phát triển.
  3. Trong những năm gần đây đổi mới phương pháp dạy học luôn là vấn đề được quan tâm hàng đầu của ngành giáo dục. Điểm mấu chốt của đổi mới phương pháp dạy học là việc người học – đối tượng của hoạt động dạy, chủ thể của hoạt động học – được cuốn hút vào các hoạt động học tập do giáo viên tổ chức và chỉ đạo, để khám phá những điều mình chưa rõ, chứ không phải là tiếp thu một cách thụ động những tri thức đã được giáo viên sắp đặt, từ đó nắm chắc kiến thức, kĩ năng, không rập khuôn theo những khuôn mẫu sẵn có, được bộc lộ và phát huy tiềm năng sáng tạo. Không chỉ đổi mới phương pháp dạy học mà còn đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả học tập… Điều này đã được thể hiện trong nhiều văn bản nói về những quan điểm và đường lối chỉ đạo của nhà nước về đổi mới GD. Trong báo cáo chính trị Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI nêu rõ: Đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học, phương pháp thi, kiểm tra theo hướng hiện đại..; Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 khoá XI về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo viết: tiếp tục đổi mới mạnh mẽ phương pháp dạy và học… Đổi mới căn bản hình thức và phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, đào tạo, bảo đảm trung thực, khách quan… từng bước theo các tiêu chí tiên tiến được xã hội và cộng đồng giáo dục giáo dục thế giới tin cậy và công nhận…; Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2011- 2020 ban hành kèm theo Quyết định 711/QĐ-TTg ngày 13/6/2012 của Thủ tướng chính phủ cũng chỉ rõ: Tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học và đánh giá kết quả học tập, rèn luyện theo hướng phát huy tính tích cực, tự giác, chủ động, sáng tạo và năng lực tự học của người học...
  4. 3. Ngữ văn luôn luôn đóng vai trò là một trong những bộ môn chính yếu trong trường THPT. Hơn thế nữa, với đặc thù riêng về sự chính xác tương đối, sự phụ thuộc vào cảm xúc của người dạy và người học mà vấn đề dạy và học Ngữ văn luôn được quan tâm đặc biệt. Mục tiêu chung của môn Ngữ văn ở THPT là trên cơ sở đã đạt được của chương trình Ngữ văn THCS, bồi dưỡng thêm một bước năng lực Ngữ văn cho học sinh, bao gồm năng lực đọc hiểu các văn bản thông dụng (văn, thơ, truyện), năng lực viết một số văn bản thông dụng… đồng thời cung cấp một hệ thống tri thức về văn học dân tộc và văn học thế giới (Bộ Giáo dục & Đào tạo, Ban liên lạc các trường Đại học sư phạm toàn quốc, Kỷ yếu Hội thảo khoa học đổi mới nội dung và phương pháp dạy học ở các trường Đại học sư phạm, Hà Nội 2004). Học sinh luôn tiếp xúc trước hết với văn bản và chính vì thế mà định hướng phương pháp đọc hiểu là vô cùng cần thiết.
  5. 4. Đáp ứng yêu cầu đổi mới hình thức, phương pháp thi, kiểm tra và đánh giá kết quả giáo dục, từ những năm gần đây, trong các kì thi THPT quốc gia, thi học sinh giỏi các cấp, đề thi môn Ngữ văn đã thay đổi. Đổi mới cả nội dung thi và cách thức hỏi nhằm đáp ứng mục tiêu phát triển năng lực và khả năng vận dụng văn chương vào thực tế cuộc sống…
  6. 5. Thực tế cho thấy, học sinh Chuyên Văn không chỉ lĩnh hội văn bản trong chương trình SGK hiện hành mà tự bản thân mỗi học sinh phải biết cách lĩnh hội tri thức các văn bản ngoài chương trình, có vậy mới đáp ứng được đòi hỏi của xã hội và thích ứng với các kì thi nhất là kì thi học sinh giỏi cấp quốc gia. Nhưng khả năng tự đọc hiểu văn bản của các em còn rất hạn chế, nhất là với những văn bản mới chưa được học. Vì vậy cần có sự hướng dẫn của giáo viên để học sinh có những kĩ năng cơ bản khi đọc hiểu các văn bản ngoài chương trình với từng thể loại, dạng bài cụ thể.
  7. 6. Bộ SGK lớp 10 Nâng cao có hai bài học Đọc hiểu văn bản văn họcĐọc hiểu văn bản trung đại nhưng thiết nghĩ như thế vẫn chưa đủ để có thể giúp học sinh khái quát kiến thức và áp dụng cho mọi loại văn bản.

Xuất phát từ những lý do căn bản trên đây, chúng tôi quyết định chọn vấn đề Rèn kỹ năng đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh Chuyên Văn làm đề tài nghiên cứu.

  1. Lịch sử vấn đề

Đọc hiểu là nhu cầu rất cần thiết của con người trong cuộc sống ở tất cả mọi lĩnh vực vì vậy đọc hiểu không còn là thuật ngữ mới mẻ với nhà trường phổ thông ở Việt Nam. Từ khi có sự thay đổi chương trình, sách giáo khoa mới thì vấn đề đọc hiểu trong dạy học văn cũng được quan tâm.

  1. Những công trình nghiên cứu về vấn đề đọc hiểu:

Trên thế giới, đã có nhiều công trình nghiên cứu về đọc hiểu và năng lực đọc hiểu, tiêu biểu là Phương pháp đọc sách (1976) của A.Primacốpxki, là những suy nghĩ của tác giả về hiểu vẻ đẹp và giá trị thẩm mĩ trong quá trình đọc tác phẩm văn chương. Cuốn Đọc sách như một nghệ thuật của Mortimer Adler, đóng góp quý giá nhất của cuốn sách này là hết sức chú ý trình bày các thao tác, kĩ năng và kinh nghiệm đọc hiểu nói chung.

Trong những năm gần đây đã có nhiều cuốn sách ở Việt Nam nghiên cứu về dạy đọc hiểu Ngữ văn trong đó đáng chú ý là GS Phan Trọng Luận với giáo trình Phương pháp dạy học văn, trong đó tác giả đã cho thấy tầm quan trọng của hoạt động đọc hiểu.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử trong bài viết Đọc hiểu văn bản – một khâu đột phá trong dạy học Ngữ văn hiện nay, đã chỉ ra đọc văn là để cảm, để sống, để thưởng thức, để dùng, để tự phát triển bản thân.

Tác giả Phạm Thị Thu Hương trong công trình nghiên cứu Đọc hiểu và chiến thuật đọc hiểu văn bản trong nhà trường phổ thông đã đưa ra hệ thống những chiến thuật đọc hiểu hợp lí và dễ dàng tiếp cận với văn bản.

Tác giả Nguỷễn Thanh Hùng có bài viết Năng lực đọc hiểu tác phẩm văn chương của học sinh THPT  đã lí giải: đọc văn chương là giải quyết vấn đề tương quan của các cấu trúc tồn tại trong tác phẩm.

Bên cạnh đó, sách giáo khoa lớp 10 tập I ban nâng cao cũng có bài Đọc hiểu văn bản văn học. Ngoài ra, bộ SGK ban cơ bản cũng có một số bài học: Một số thể loại văn học: thơ, truyện; Một số thể loại văn học: kịch, nghị luận. Trong đó, ngoài phần khái lược về các thể loại văn học, những bài học này cũng đã đề cập đến cách đọc thơ, truyện, kịch, nghị luận gắn với đặc trưng thể loại.

Như vậy, vị trí vai trò của đọc hiểu đã được khẳng định. Và nó càng trở nên quan trọng và được quan tâm khi trở thành một phần trong đề thi THPT quốc gia. Hơn nữa, trong câu hỏi 12 điểm của đề thi học sinh giỏi quốc gia, phần lấy dẫn chứng để làm rõ cho vấn đề lí luận thường yêu cầu dẫn chứng mở, không yêu cầu cố định một tác phẩm cụ thể nào.

  1. Những cuốn sách hướng dẫn ôn tập Ngữ văn mới xuất bản:

Đỗ Ngọc Thống trong Ôn tập Ngữ văn (2 tập), NXB GD Việt Nam tháng 2/2015 đã nêu ra những đổi mới trong việc kiểm tra đánh giá môn Ngữ văn và hướng dẫn cách thức ôn tập phần đọc hiểu.

Tác giả Nguyễn Thái Hà (chủ biên) trong cuốn Ôn luyện thi THPT quốc gia môn Ngữ văn, NXB ĐHQG Hà  Nội tháng 4/2015 có đưa ra một số bài đọc hiểu văn bản.

Song, qua khảo sát chúng tôi thấy chưa có tài liệu nào hướng dẫn một cách đầy đủ về kĩ năng đọc hiểu văn bản. Do đó, học sinh còn lúng túng và vẫn gặp nhiều khó khăn khi đọc hiểu những văn bản mới, lạ.

Đó là những gợi ý trực tiếp cho chúng tôi tìm đến với đề tài Rèn kỹ năng đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh Chuyên Văn để nghiên cứu.

III. Đối tượng nghiên cứu

Ở đề tài này, chúng tôi tập trung hình thành rõ kĩ năng đọc hiểu với những văn bản ngoài chương trình ngữ văn THPT.

  1. Phạm vi nghiên cứu

Để làm tốt đề thi môn Ngữ văn trong các kì thi, học sinh phải trang bị rất nhiều kiến thức liên quan đến phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận xã hội và nghị luận văn học. .. Ở chuyên đề này, chúng tôi chỉ tập trung trang bị cho các em những kĩ năng cần thiết khi đọc hiểu một văn bản bất kì.

  1. Mục đích nghiên cứu, đóng góp của đề tài

Xuất phát từ thực trạng đã nêu, trên cơ sở kế thừa, phát huy thành tựu nghiên cứu của những người đi trước, chọn đề tài Rèn kỹ năng đọc, hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh Chuyên Văn chúng tôi hướng tới mục đích cơ bản sau: giúp các em có kĩ năng đọc hiểu để nắm vững những kiến thức liên quan đến những văn bản mới lạ, định hướng các bước đọc hiểu văn bản và cung cấp một số văn bản ngoài chương trình để các em luyện tập. Nhờ đó, học sinh sẽ hoàn toàn tự tin, chủ động, sáng tạo trong  quá trình lĩnh hội.

Chúng tôi hi vọng đây là một tài liệu cần thiết, bổ ích dành cho giáo viên Ngữ văn và học sinh THPT, nhất là học sinh học các lớp chuyên văn nhằm nâng cao chất lượng dạy học, nâng cao hiệu quả ôn luyện thi.

  1. Phương pháp nghiên cứu

Để hoàn thành nhiệm vụ của đề tài, chúng tôi sử dụng các phương pháp nghiên cứu cơ bản sau:

– Phương pháp nghiên cứu lí thuyết

– Phương pháp khảo sát, thống kê phân loại

– Phương pháp tiếp cận hệ thống

– Phương pháp phân tích, chứng minh…

VII. Cấu trúc của đề tài

Tương ứng với những nhiệm vụ nghiên cứu đã đặt ra, ngoài phần Mở đầu, Kết luận và Tài liệu tham khảo, nội dung của đề tài được triển khai qua 3 chương:

Chương 1: Cơ sở lý luận và thực tiến về đọc hiểu

Chương 2: Định hướng một số kĩ năng đọc hiểu những tác phẩm ngoài chương trình

Chương 3: Thực hành định hướng đọc hiểu một số tác phẩm ngoài chương trình

 

PHẦN THỨ HAI

NỘI DUNG

CHƯƠNG 1: CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ THỰC TIẾN VỀ ĐỌC HIỂU

  1. Cơ sở lý luận

1.1 Khái niệm đọc hiểu văn bản và năng lực đọc hiểu

          1.1.1. Khái niệm đọc hiểu văn bản:

Đọc hiểu văn bản là tiến trình thẩm thấu cảm nhận những nét nghĩa mà văn bản gợi ra cho người đọc. Qúa trình đó yêu cầu người đọc phải phát huy tối đa trí tưởng tượng và trở thành bạn đọc sáng tạo để hiểu và tìm ra chân lí.

Đọc tác phẩm văn chương là một quá trình phát hiện và khám phá nội dung ý nghĩa xã hội, con người, thời đại trong cấu trúc hình tượng thẩm mĩ của tác phẩm đan xen giữa hoạt động nhận thức, đánh giá và thưởng thức giá trị đích thực tồn tại trong hình thức nghệ thuật độc đáo của tác phẩm.

Tác giả Nguyễn Thanh Hùng quan niệm: Đọc không phải chỉ là tái tạo âm thanh từ chữ viết mà còn là quá trình thức tỉnh cảm xúc, quá trình tri giác và nhuần thấm tín hiệu để giải mã ngôn ngữ, mã nghệ thuật, mã văn hóa đồng thời với việc huy động vốn sống, kinh nghiệm cá nhân người đọc để lựa chọn giá trị tư tưởng thẩm mĩ và ý nghĩa vốn có của tác phẩm. Đọc là chúng ta đón đầu những gì mình đang đọc qua từng từ, từng câu, từng đoạn rồi quay lại về với những gì đọc qua để kiểm chứng và đi tìm hợp sức của tác giả để tác phẩm được tái tạo trong tính cụ thể và giàu tưởng tượng. Độc giả là người đồng sáng tạo với nhà văn, có khác chăng là nhà văn đi từ tư tưởng đến ngôn ngữ, còn người đọc lại đi từ ngôn ngữ đến tư tưởng, để rồi có những sáng tạo, phát hiện và cảm nhận mà chính người viết cũng không thể ngờ tới.

Quan niệm về đọc hiểu của PISA: Đọc hiểu là sự hiểu biết, sử dụng và phản hồi lại trước một văn bản viết, nhằm đạt được mục đích, phát triển tri thức và tiềm năng cũng như việc tham gia hoạt động của một ai đó trong xã hội

Nếu như đọc là sự tiếp xúc văn bản về mặt ngôn từ, câu chữ trực tiếp thì hiểu được coi là sự tiếp xúc văn bản về mặt bên trong, tức là những nội dung tiềm ẩn. Hiểu tức là nắm vững và vận dụng được. Hiểu tức là biết kĩ và làm tốt. Hiểu một đối tượng không chỉ dừng ở quan sát, nắm bắt cái bề ngoài.

Bản chất của hoạt động đọc hiểu văn bản là quá trình lao động sáng tạo mang tính thẩm mĩ nhằm phát hiện ra những giá trị của tác phẩm trên cơ sở phân tích đặc trưng của văn bản.

Năng lực đọc hiểu, một năng lực bao gồm các năng lực cảm nhận, lí giải, thưởng thức, ghi nhớ và đọc nhanh mà năng lực lí giải là quan trọng nhất. Đọc- hiểu là hoạt động duy nhất để học sinh tiếp xúc trực tiếp với các giá trị văn học, tránh sự áp đặt từ bên ngoài kể cả từ thầy cô, ngăn chặn được sự suy giảm năng lực đọc của học sinh trong điều kiện các phương tiện nghe nhìn ngày càng phổ biến… Điều này rất phù hợp với quy luật tiếp nhận văn học và quy luật phát triển tư duy cũng như sự hình thành nhân cách.

1.1.2. Khái niệm năng lực đọc hiểu

Năng lực đọc hiểu văn bản là tổng hợp những khả năng hiểu, cảm thụ và lĩnh hội cũng như chiếm lĩnh, trở thành người viết thứ hai, bạn đọc sáng tạo, khả năng phân ích chi tiết và khái quát thành chủ đề cũng như phát triển nghĩa mới của văn bản.

Có thể quan niệm năng lực đọc hiểu văn bản là toàn bộ quá trình tiếp xúc trực tiếp với văn bản; là quá trình phản hồi, sử dụng văn bản.

Đọc hiểu không chỉ thông hiểu đúng nội dung thông tin của văn bản mà còn phải hiểu cả vai trò, tác dụng của các yếu tố hình thức của văn bản trong việc biểu đạt nội dung, nhất là với văn bản văn học.

Theo nghiên cứu của tác giả Nguyễn Thị Hồng Vân, năng lực đọc hiểu sẽ bao gồm 4 thành tố/ kĩ năng thành phần là:

– Xác định các thông tin từ văn bản về tác giả, hoàn cảnh sáng tác, cốt truyện, ý tưởng, thông điệp…

– Phân tích, kết nối các thông tin để xác định giá trị nội dung và giá trị nghệ thuật của văn bản, từ văn bản.

– Phản hồi và đánh giá văn bản: phản hồi, đánh giá thông tin thể hiện trong văn bản và qua văn bản từ kinh nghiệm cá nhân.

– Vận dụng thông tin từ văn bản vào thực tiễn; sử dụng các thông tin trong văn bản để giải quyết các vấn đề nảy sinh trong học tập và trong đời sống.

1.2. Mục đích, vai trò của đọc hiểu văn bản

Đọc hiểu văn bản là một thuật ngữ mới xuất hiện trong bối cảnh của sự gia tăng khối lượng tri thức nhân loại theo cấp số nhân. Có hàng trăm nghìn kiểu văn bản và sách cần đọc. Mỗi người cần tìm ra một phương pháp đọc riêng cho mình để hiểu sâu về vấn đề quan tâm, biết cách chọn thông tin phục vụ cho nhu cầu bản thân. Chính vì điều này mà môn Ngữ văn  trong nhà trường có một  vai trò quan trọng trong việc hình thành thói quen đọc hiểu…Với học sinh chuyên văn phải tự trang bị cho mình nhiều tác phẩm ngoài chương trình để có vốn giàu có phục vụ tốt cho quá trình lĩnh hội kiến thức và thi cử. Vì vậy cần phải có một phương pháp đọc hiểu tốt để gặp bất kì một văn bản mới nào mình cũng biết cách lĩnh hội.

Dạy học đọc hiểu, kiểm tra đọc hiểu là nhằm hình thành năng lực tự đọc hiểu của học sinh. Khi hình thành năng lực đọc hiểu của học sinh cũng chính là hình thành năng lực cảm thụ thẩm mỹ, khơi gợi liên tưởng, tưởng tượng và tư duy. Năng lực đọc – hiểu của học sinh còn được hiểu là sự tích hợp những kiến thức và kỹ năng của các phân môn cũng như toàn bộ kỹ năng và kinh nghiệm sống của học sinh. Đây là một đòi hỏi bức thiết đối với học sinh chuyên văn.

Nội dung thông tin trong các văn bản đọc hết sức phong phú, có liên quan đến nhiều lĩnh vực của cuộc sống và nhiều môn học khác, do vậy, giúp học sinh có phương pháp đọc, khả năng tự tìm kiếm thông tin đa dạng của cuộc sống để đáp ứng năng lực, sở thích của cá nhân.

1.3. Cấu trúc năng lực đọc hiểu văn bản

Đối với văn bản văn học nói chung, năng lực đọc hiểu gồm các yêu cầu, cấp độ sau:

– Nhận biết văn bản: nhận ra, nhận diện, nhớ lại những kiến thức đã biết, đã học, đã có sẵn trong văn bản. Nhĩa là nhận biết được nội dung và hình thức bề nổi của văn bản. Yêu cầu học sinh nhận biết được các chi tiết lộ rõ trên văn bản như: đề tài, chủ đề, nhan đề, bố cục, thể loại và các hình thức đặc trưng, bối cảnh ra đời, ý chính của mỗi phần, đoạn, văn bản, các chi tiết thuộc nội dung của văn bản, xoay quanh những câu hỏi như: Văn bản viết về cái gì? Chuyện gì đã xảy ra, với ai, khi nào, ở đâu?. từ đó nhận biết, giải thích, phân tích, đánh giá đề tài của văn bản…

– Thông hiểu: hiểu và lí giải được đặc điểm, bản chất, nguyên nhân của vấn đề; phải giải thích, phân tích, cắt nghĩa được vai trò, chức năng, ý nghĩa của các yếu tố, chi tiết và mối quan hệ giữa chúng trong văn bản… Nghĩa là học sinh phải hiểu được nội dung bề sâu và vai trò của các hình thức trong việc thể hiện nội dung ấy. Với văn bản văn học, nội dung và hình thức bề nổi nêu trên chỉ là phương tiện để chuyển tải thông điệp, ý tưởng bên trong, những nội dung bề sâu mà tác giả không thể hiện trực tiếp, muốn hiểu văn bản, người đọc cần biết phân tích, kết nối thông tin theo yêu cầu và nguyên tắc của việc tiếp nhận văn bản văn học. Cụ thể là từ những yếu tố hình thức nghệ thuật, phân tích, kết nối để thấy rõ nội dung được tác giả gửi gắm trong đó cũng như ý nghĩa khách quan của văn bản. Đối với văn bản văn học, các yếu tố hình thức thường được chú ý xem xét như:

+ Nghệ thuật sử dụng ngôn từ, đặc biệt là ngôn ngữ văn học: phân tích, đánh giá sự phù hợp, nét đặc sắc trong cách dùng từ ngữ, viết câu, vận dụng các biện pháp tu từ, tổ chức diễn ngôn, các yếu tố thuộc ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết, ngôn ngữ kể chuyện, ngôn ngữ đối thoại, ngôn ngữ tự nhiên và các phương tiện giao tiếp đa phương thức.

+ Đặc trưng thể loại: nhận biết, miêu tả, phân tích, so sánh, đánh giá các yếu tố văn học như bối cảnh, tứ thơ, cốt truyện, nhân vật, xung đột, màn kịch… trong các văn bản thuộc các thể loại cơ bản như: thơ, truyện, kịch, kí….Phân tích, đánh giá sự phù hợp của thể loại được lựa chọn đối với mục đíchvà đối tượng tiếp nhận của văn bản.

– Vận dụng: Vận dụng tri thức, sự hiểu biết vào giải quyết những giá trị mà bản thân văn bản đó có hoặc giải quyết những tình huống tương tự (vận dụng thấp). Từ đó, vận dụng các tri thức, kĩ năng đã có vào việc giải quyết tình huống mới, phức tạp. Đồng thời phản biện, đánh giá vấn đề theo những mục đích nhất định. Có thể bày tỏ quan điểm riêng về các bất đồng tranh luận hoặc đưa ra được các cách tiếp cận mới, ý tưởng mới, sản phẩm mới – đọc hiểu theo kiểu đồng sáng tạo hay đặt trong sự đối sánh…( vận dụng cao).

1.4. Khung năng lực đọc hiểu văn bản văn học:

Có nhiều tiêu chí để chúng ta đánh giá năng lực của học sinh, trong quá trình tổ chức các hoạt động đọc hiểu văn bản và hướng dẫn học sinh tự đọc hiểu, giáo viên có thể sử dụng khung năng lực đọc hiểu văn bản nói chung như sau:

Thành tố và mức độ Những yêu cầu cụ thể
Nhận biết – Nhận biết được bố cục của văn bản.

– Nhận biết được thể loại, thể tài của văn bản.

Nhận biết được các yếu tố ngôn ngữ của văn bản (ngữ âm, từ loại, biện pháp tu từ, kiểu câu, đoạn, các phép liên kết…)

– Nhận biết được đề tài của văn bản

– Nhận biết được thông tin phản ánh, miêu tả trong văn bản (sự vật, hiện tượng, con người, sự kiện, diễn biến các sự kiện…)

Phân tích – Xác định được cấu trúc của văn bản

– Xác định được những hình tượng nghệ thuật chính trong văn bản

– Xác định được những yếu tố nghệ thuật then chốt, quan trọng cần lý giải trong văn bản

– Xác định được phương hướng chia tách văn bản, từ đó đi sâu tìm kiếm, khám phá ý nghĩa của văn bản

Lý giải – Kết nối các thông tin trong văn bản (ngôn ngữ, hành động của nhân vật, lời bình của tác giả…) để giải thích các chi tiết nghệ thuậ trong văn bản.

– Kết nối các thông tin ngoài văn bản (bối cảnh thời đại, tác giả, hoàn cảnh sáng tác, tri thức về thể loại, kiến thức văn hóa, xã hội, kinh nghiệm cá nhân…) để cắt nghĩa các chi tiết nghệ thuật trong văn bản

Đánh giá – Nhận xét về nội dung và nghệ thuật của văn bản.

– Bình luận về thông điệp nghệ thuật của người viết.

– Phản biện những nội dung đặt ra trong văn bản.

Vận dụng – Rút ra bài học cho bản thân.

– Sử dụng các thông tin trong văn bản vào giải quyết các tình huống trong cuộc sống.

– Khái quát hóa quá trình đọc hiểu thành các qui tắc, cách thức, phương pháp đọc hiểu.

– Đọc hiểu được các văn bản tương tự.

Sáng tạo – Bổ sung những giá trị mới cho văn bản.

– Viết tiếp văn bản

– Chuyển thể loại hình văn bản (đóng vai, kịch bản, biểu diễn…)

Như vậy, dạy học theo định hướng phát triển năng lực nói chung và năng lực đọc hiểu môn Ngữ văn nói riêng cho học sinh THPT là những phương pháp và nguyên tắc dạy học tích cực nhằm phát huy tính tích cực chủ động sáng tạo, cũng như khả năng thích ứng với hoàn cảnh và giải quyết tình huống mới cho học sinh. Hướng đi này cần tiếp tục được bổ sung, hoàn thiện và triển khai sâu rộng hơn để góp phần phát triển lý luận dạy học nói chung và môn Ngữ văn nói riêng, đồng thời tạo ra tiền đề lý thuyết cho việc đề xuất các biện pháp đổi mới nâng cao chất lượng dạy học tác phẩm văn chương trong và ngoài nhà trường.

  1. Cơ sở thực tiễn

2.1. Thực trạng học những tác phẩm ngoài chương trình của học sinh chuyên văn.

Ngữ văn là môn học không thể thiếu trong trường học phổ thông, vì mục tiêu quan trọng nhất của nó: bên cạnh việc trau dồi cho các em cách cảm, cách nghĩ về cuộc sống một cách sâu sắc và nhân văn hơn, là rèn luyện cho học sinh khả năng sử dụng ngôn ngữ, một phương tiện tư duy và giao tiếp chủ yếu, phổ biến nhất trong xã hội. Trong bản chất, những mục tiêu này chỉ có thể đạt được kết quả thực sự khi con người được trải nghiệm trong các tình hưống sư phạm mang tính thực tiễn, khiến các kiến thức, kĩ năng, cảm xúc không phải được trao lại như một món quá có sẵn mà trở thành quá trình chủ động nắm bắt, thẩm thấu vào trong nhận thức của các em.

Hành trình sáng tạo của người nghệ sĩ là một hành trình khám phá thế giới và chính bản thân mình qua sự trải nghiệm cá nhân. Người đọc văn là người đi lại, đi tiếp, thậm chí đôi khi đi ngược hành trình trải nghiệm của tác giả – nhưng dù theo hướng nào, sự sâu sắc trong vốn sống cũng khiến anh ta có thể chia sẻ, khám phá sâu hơn vào thế giới nghệ thuật của nhà văn: quá trình tiếp nhận văn bản của anh ta chắc chắn sẽ không dừng lại ở câu chữ hay một vài hình ảnh, mà một vùng ký ức với những xúc cảm sâu xa, phổ vào câu chữ cái thế giới sinh động, ám ảnh, trong đó ngôn từ nhoè đi nhường chỗ cho ấn tượng và kỉ niệm. Như thế, văn của tác giả đã sống trong người đọc bằng một điệu sống khác, đọc văn không chỉ để hiểu biết mà còn để sẻ chia. Một khía cạnh ngược lại, với những người ít trải nghiệm, sự thâm nhập vào thế giới hình tượng văn học có thể là cơ hội để họ kinh qua những cảnh đời, những xúc cảm chưa một lần biết tới, cũng là cách để những trang văn lấp đầy khoảng khuyết thiếu, làm phong phú hơn kinh nghiệm của mỗi cá nhân. Suy cho cùng, sự trải nghiệm với người đọc văn mang tính chất hai chiều: sống sâu sắc để đọc được những ẩn ý của văn chương và đọc những ẩn ý của văn chương để hiểu về những lẽ sâu sắc của cuộc đời.

Người học văn là một dạng người đọc đặc biệt: người đọc được định hướng, và trong những phạm vi nhất định, còn là người đọc được lập trình theo một khung chương trình cơ bản cấp quốc gia. So với những người đọc khác, người đọc văn ở cấp độ này ít kinh nghiệm sống hơn, nhưng lại có những cảm xúc tươi mới, cái nhìn năng động, sáng tạo mà đôi khi những người đi trước không còn giữ được. Giáo viên dạy văn cần phải chú ý đặc điểm này để có thể định hướng người học ở một chừng mực vừa đủ: không cảm thụ thay các em (vì điều này sẽ khiến các em vô cảm trước tác phẩm), nhưng cũng không hoàn toàn phó mặc để cho các em đánh giá tác phẩm một cách tuỳ tiện.

Tất nhiên, đối với chúng ta, biết thế nào là “vừa đủ” thật không phải dễ. Hệ quả là, trong những năm gần đây, thực trạng dạy học văn ở nước ta đang ở mức độ báo động: nhiều học sinh quay lưng lại với môn Văn. Thiết nghĩ để học sinh yêu thích môn Văn và các tác phẩm văn học, người dạy cần trở lại với vấn đề bản chất của việc đọc văn: đọc văn là trải nghiệm – để có thể tạo một môi trường tích cực cho người học thực sự được hoà mình vào tác phẩm. Có thể có những giới hạn về không gian và thời gian giữa tác giả, tác phẩm và người đọc, song nhìn trong bản chất, những vấn đề sâu xa nhân bản vốn không có ranh giới phân chia. Cảm xúc trước hoa hồng của một nghìn năm trước và một nghìn năm sau cơ bản vẫn là sự rung cảm trước cái đẹp, quan trọng là người ta có cơ hội để gặp gỡ và ngắm thưởng hoa. Chỉ khi nào học sinh tự thấy mình yêu ghét, nói lên những cảm xúc bằng ngôn ngữ của mình chứ không phải bằng lời của người khác, khi ấy việc học Ngữ văn mới thực sự có ý nghĩa.

Chương trình giáo dục phổ thông hiện nay đã dạy học đọc hiểu và cho học sinh tiếp cận theo định hướng năng lực. Đặc biệt học sinh chuyên văn đã quen thuộc với việc dạy đọc hiểu ở các văn bản. Song thực chất mới chỉ dừng lại ở việc dạy học sinh đọc hiểu và tiếp cận văn bản một cách đơn thuần, đơn lẻ, học bài nào biết bài đó mà chưa tập trung chú ý hướng vào rèn kĩ năng đọc hiểu theo đặc trưng thể loại, theo chủ đề. Việc dạy học đọc hiểu với bộ môn Ngữ văn chưa thực sự đồng bộ. Chúng tôi chưa có điều kiện khảo sát nhận thức về đọc hiểu bằng phiếu điều tra ở các trường THPT Chuyên trong khu vực và trên cả nước. Chúng tôi chỉ mới điều tra bằng phỏng vấn học sinh trong tỉnh nhà với 03 lớp Chuyên Văn thuộc ba khối lớp 10, 11, 12 của Trường THPT Chuyên và một số học sinh trong Đội tuyển học sinh giỏi cấp tỉnh của một số trường THPT lân cận, chúng tôi thu được kết quả như sau:

  • Với câu hỏi 1: Em đã được học môn Ngữ văn theo cách đọc hiểu từ khi nào? Cảm nhận của em về cách học đó? Phần lớn các em trả lời được học từ Tiểu học, một bộ phận nhỏ trả lời được học từ THCS. Hầu hết các em đều khẳng định: học văn theo phương pháp mới này rất hay và bổ ích, giúp em tiếp thu tác phẩm dễ dàng, khắc sâu kiến thức, liên hệ được với thực tiễn cuộc sống.
  • Trong câu hỏi 2: Khi đọc hiểu một văn bản trên lớp, em thường chú ý đến những vấn đề gì xung quanh văn bản? Học sinh đều trả lời: các em thường chú ý tới tác giả, hoàn cảnh ra đời, đề tài, thể loại, giá trị nội dung, nghệ thuật, đóng góp của tác giả.
  • Ở câu hỏi 3: Từ việc đọc hiểu một văn bản trong chương trình, em có thể đọc hiểu những văn bản tương tự ngoài SGK không? Nhiều học sinh trả lời: các em khó có thể đọc hiểu được những văn bản tương tự ngoài SGK bởi các em không biết đi từ thao tác nào. Một số ít em có thể tự đọc hiểu được vì dựa vào cấu trúc, thể loại giống những văn bản đã được học để đọc hiểu vì chỉ cần nắm vững những kiến thức, kĩ năng cơ bản về thể loại đó là có thể đọc hiểu được. Điều đó cho thấy, nếu người dạy biết chú ý vào kĩ năng đọc hiểu từng thể loại và năng lực của học sinh sẽ có thể khơi dậy ở các em khả năng đọc hiểu văn bản ngoài chương trình SGK.

* Về phía học sinh:

– Học sinh tiếp thu kiến thức một cách rời rạc, hoặc chỉ có mối liên hệ tuyến tính một chiều học thụ động.

– Trình độ nhận thức sau quá trình học tập thường chỉ dừng lại ở trình độ nhận biết, hiểu và  vận dụng giải quyết các bài tập mà chưa vận dụng vào thực tiễn đời sống. Vì vậy khi gặp văn bản ngoài chương trình thì nhiều em lúng túng, khả năng vận dụng để đọc hiểu chưa có hoặc có nhưng chưa cao.

– Kết thúc một giai đoạn văn học, một khuynh hướng, thời đại…học sinh chỉ có kiến thức từng phần riêng biệt hoặc có hệ thống kiến thức liên hệ tuyến tính theo trật tự các bài học mà không có một tổng thể kiến thức mới theo chủ đề.

– Một số đơn vị kiến thức còn xa rời thực tiễn mà người học đang sống do sự chậm cập nhật của nội dung SGK. Nhiều học sinh lười đọc nên kiến thức thường hạn hẹp trong chương trình, nội dung học. Hơn nữa, nhiều học sinh chưa chủ động, tích cực trong việc gắn kiến thức bài học với thực tiễn như: giao tiếp, hợp tác…

* Về phía giáo viên:

– Chương trình Ngữ văn trong SGK chưa sắp xếp các văn bản theo chủ đề, vẫn học theo đơn vị bài học riêng lẻ. Hơn nữa nhiều văn bản chỉ là đoạn trích không phải văn bản hoàn chỉnh vì vậy giáo viên rất khó khăn trong việc hình thành kĩ năng đọc hiểu cho học sinh với từng dạng văn bản cụ thể.

– Một số giáo viên chưa dám đột phá trong việc dạy học, đã có sử dụng phương pháp hiện đại và phương tiện hỗ trợ dạy học song hiệu quả chưa cao.

– Một số giáo viên chưa chú ý đến việc phát triển năng lực đọc hiểu cho học sinh vì thế vẫn còn nặng về nội dung kiến thức .

– Do áp lực về thời gian, giới hạn chương trình nhiều giáo viên trong các giờ học thường ưu tiên tập trung khai thác chiều sâu văn bản. Theo đó, trong quá trình lên lớp vấn đề tích hợp ít được quan tâm, chưa tạo cho học sinh thói quen xâu chuỗi; liên hệ với kiến thức có liên quan nên chưa phát huy hết tính chủ động tích cực sáng tạo trong giờ dạy văn cho học sinh, chưa tổ chức được những giờ học thật sự sáng tạo, gây hứng thú đối với học sinh.

– Giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu về đổi mới phương pháp dạy học tích cực, hiện đại; có tập huấn chuyên môn nhưng không thường xuyên, đôi khi còn qua loa.

2.2. NGUYÊN NHÂN VÀ HƯỚNG GIẢI QUYẾT:

2.2.1. Nguyên nhân:

– Do nhu cầu phát triển của xã hội đòi hỏi con người phải đáp ứng, bắt kịp với xu thế phát triển song thực tế dạy học văn hiện nay nhất là với học sinh chuyên văn vẫn còn nhiều áp lực thi cử nên còn nhiều bất cập chưa theo kịp giáo dục của nhiều nước khác trên thế giới.

– Do nhận thức chưa đúng và đầy đủ của xã hội đặc biệt là của giáo viên về dạy học nhằm phát triển năng lực của học sinh, dạy học theo chủ đề…nên không dám mạnh dạn đột phá.

– Do lối mòn trong tư duy truyền thống và tâm lí ngại đổi mới nên cả người dạy và người học không muốn thay đổi phương pháp dạy học truyền thống bằng những phương pháp dạy học hiện đại.

2.2.2. Hướng giải quyết:

Có thể có nhiều cách giải quyết vấn đề, chúng tôi xin đề xuất một hướng giải quyết trong khuôn khổ đề tài này là: để rèn cho học sinh có kĩ năng đọc hiểu các văn bản ngoài chương trình chúng ta Dạy học văn bản theo chủ đề. Hướng giải quyết này vẫn dựa trên chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, song sẽ đón đầu chương trình giáo dục phổ thông mới sắp tới sẽ thực hiện và rất phù hợp với học sinh chuyên văn.

Dạy học theo chủ đề nhằm phát triển năng lực, người dạy sẽ giúp người học không chỉ có tri thức mà còn có kĩ năng vận dụng vào các văn bản cùng chủ đề, cùng thể loại. Đặc biệt khi dạy học theo chủ đề, theo nhóm bài thì người học từ chỗ nắm chắc kiến thức về thể loại về đặc điểm một văn bản sẽ vận dụng để đọc hiểu các văn bản tương tự. Như vậy, dạy học theo chủ đề sẽ giúp phát triển năng lực học sinh. Từ đó các em có thể giải quyết vấn đề với bất cứ văn bản nào không nằm trong chương trình đã học vì bản thân các em đã có kĩ năng với những văn bản tương tự như vậy.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

CHƯƠNG 2:

ĐỊNH HƯỚNG MỘT SỐ KĨ NĂNG ĐỌC HIỂU TÁC PHẨM NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH CHO HỌC SINH CHUYÊN VĂN

  1. Định hướng lựa chọn những tác phẩm ngoài chương trình phù hợp với lớp chuyên văn

          Lựa chọn văn bản là vấn đề đầu tiên và cũng là vấn đề cốt lõi để nâng cao kĩ năng đọc hiểu cho học sinh chuyên văn. Đối với các em học sinh chuyên văn các tác phẩm trong chương trình đều được giáo viên hướng dẫn khai thác sâu, kĩ nhưng các em vẫn còn  bị động và lúng túng khi đọc hiểu những tác phẩm không có trong chương trình. Nói cách khác các em có thể viết rất sâu và rất hay về những tác phẩm được học song lại hoàn toàn lúng túng trước những tác phẩm lạ. Thực tế này báo động rằng, học sinh nói chung, ngay cả học sinh chuyên văn nói riêng vẫn còn yếu về kĩ năng đọc hiểu, các em vẫn chưa thể trở thành những độc giả độc lập. Vì thế việc rèn cho học sinh kĩ năng đọc hiểu những tác phẩm mở rộng ngoài chương trình là điều cần thiết. Bước đầu tiên đó là định hướng lựa chọn văn bản để các em đọc. Vậy nên lựa chọn những văn bản như thế nào để giúp học sinh tự đọc hiểu ngoài giờ? Sau đây chúng tôi đưa ra một số cách định hướng:

1.1. Lựa chọn các văn bản ngoài chương trình có cùng đề tài với các tác phẩm trong chương trình được học.

Bước 1: Giáo viên hướng dẫn học sinh trong lớp liệt kê các tác phẩm theo đề tài có trong chương trình. Xét theo chương trình hiện hành, các tác phẩm được học chủ yếu thuộc các đề tài chính như:

– Đề tài người phụ nữ: Truyện Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung oán ngâm, Độc Tiểu Thanh kí, Thơ Hồ Xuân Hương

– Đề tài người nông dân: Chí Phèo, Vợ nhặt, Vợ chồng A Phủ

– Đề tài cách mạng: Thơ Hồ Chí Minh, Tố Hữu, Quang Dũng…

– Đề tài chiến tranh: Những đứa con trong gia đình, Rừng xà nu, Hòn đất

– Đề tài đời tư, thế sự: Chiếc thuyền ngoài xa, Hồn Trương Ba, da hàng thịt

……………………………………………………………

          Bước 2: Giáo viên giới thiệu một số tác phẩm có cùng đề tài để học sinh tìm hiểu. Như đề tài người phụ nữ giới thiệu thêm các tác phẩm khác của: Nguyễn Du, Bạch Cư Dị, của văn học đương đại; Đề tài người nông dân, giáo viên giới thiệu thêm các tác phẩm của Nguyên Hồng, Ngô Tất Tố, Nguyễn Công Hoan, tác phẩm Lỗ Tấn…; Đề tài thế sự hậu chiến giáo viên có thể giới thiệu tác phẩm Tiếng lục lạc của nhà văn Nguyễn Quang Lập…

 

1.2. Lựa chọn những tác phẩm khác của những tác giả nổi tiếng trong chương trình.

Bước 1: Giáo viên cho học sinh lập danh sách những tác giả lớn, có những tác phẩm quan trọng được học trong chương trình như: Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Nguyễn Dữ, Hồ Xuân Hương, Nguyễn Đình Chiểu, Thạch Lam, Nguyễn Tuân, Nam Cao, Vũ Trọng Phụng, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử, Huy Cận, Puskin, Sekhop, Seechxpia, V. Huy – gô…

Bước 2: Giáo viên giới thiệu các tác phẩm khác cùng thuộc các tác giả này để học sinh đọc mở rộng. Lưu ý nên để các em tự lựa chọn đọc tác giả nào mà các em thấy cần bổ sung kiến thức nhiều hơn.

1.3. Lựa chọn những tác phẩm của các nhà văn nổi tiếng trên thế giới

Bước 1: Giáo viên cho học sinh tìm hiểu và lập danh sách các nhà văn nổi tiếng trên thế giới.

Bước 2: Giáo viên giới thiệu các tác phẩm cần đọc của các tác giả nổi tiếng đó. Cũng như trên, nên để các em tự lựa chọn các tác phẩm của tác giả mà các em yêu thích, không nên áp đặt gây mất hứng thú cho quá trình đọc của học sinh.

1.4. Lựa chọn những tác phẩm đã đạt giải thưởng lớn trong nước cũng như thế giới.

Bước 1: Giáo viên cho học sinh về nhà tìm hiểu và lập danh sách các tác phẩm lớn gây được tiếng vang trong nước và thế giới.

Bước 2: Giáo viên giao nhiệm vụ cho học sinh lựa chọn các tác phẩm mình yêu thích để đọc và tìm hiểu.

Quá trình lựa chọn nguồn đọc như vậy sẽ đảm bảo được tính ứng dụng thiết thực nhất cho các em học sinh nhất là học sinh chuyên văn. Những văn bản này sẽ trở thành công cụ trợ giúp đắc lực cho các em trong quá trình học và nâng cao chất lượng bài viết cho học sinh. Thực tế kiến thức của học sinh chuyên văn lâu nay vẫn còn đơn điệu, nghèo nàn thì việc định hướng cho học sinh tìm hiểu văn bản theo những gợi ý như trên sẽ khắc phục được hạn chế đó. Ngoài ra cũng có thể khuyến khích cho học sinh đọc tự do theo ý thích nếu các em đã hoàn thành cho mình những nội dung mà giáo viên đã định hướng.

  1. Định hướng một số kĩ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn.

Muốn đọc hiểu một tác phẩm văn học nói chung đều nên thông qua một quá trình gồm ba giai đoạn: Trước khi đọc, trong khi đọc và sau khi đọc. Ở mỗi giai đoạn này cần làm sao để học sinh phát huy được tối đa năng lực của mình để hiểu và tìm ra được thông điệp của văn bản, từ đó rút ra được những tri thức mới, làm giàu thêm ý nghĩa của văn bản, trở thành bạn đọc sáng tạo. Vì thế trong chương định hướng đọc hiểu văn bản văn học ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn, chúng tôi sẽ đi hướng dẫn cụ thể các hoạt động mà người đọc cần thực hiện trong từng giai đoạn để có thể chiếm lĩnh được văn bản một cách sâu nhất.

2.1. Rèn kĩ năng trước khi đọc hiểu một tác phẩm

2.1.1. Xác định mục tiêu đọc

          Cái đích cuối cùng và cốt lõi để đọc một văn bản là hiểu nó. Kết quả của việc hiểu đến đâu lại phụ thuộc vào định hướng tiếp cận, vào mục tiêu cụ thể của học sinh khi đến với tác phẩm. Vậy trước hết, học sinh cần giải quyết được câu hỏi “Mình đọc để làm gì?” sẽ giúp học sinh căn cứ trên mục tiêu mà điều chỉnh quá trình đọc cho phù hợp.  Nói cách khác, học sinh xác định lý do, mục đích đọc là bước khởi đầu quan trọng. Tại sao phải làm như vậy? Điều này sẽ giúp các em có thể tương tác thành công với tác phẩm. Thông thường, khi các em tìm đến các tác phẩm ngoài chương trình thì có nhiều mục đích đọc khác nhau. Đọc để giải trí, đọc để tìm kiếm thông tin cho một nội dung nghiên cứu, đọc để thưởng thức, đọc để tranh luận, chia sẻ với bạn bè… Riêng đối với học sinh chuyên văn thì đọc chủ yếu để mở rộng kiến thức, để học, để nâng cao chất lượng bài viết. Vì thế  việc xác định mục tiêu đọc lại càng cần thiết. Trước hết sẽ tiết kiệm thời gian, học sinh sẽ xác định chỗ nào cần đọc kĩ, chỗ nào cần đọc lướt chứ không phải cứ đọc tuần tự theo trật tự tuyến tính. Không những vậy xác định mục đích đọc sẽ giúp cho hoạt động cắt nghĩa tác phẩm hiệu quả hơn. Ví dụ khi các em xác định mục tiêu đọc là để học, để cắt nghĩa được tác phẩm thì mục tiêu này đòi hỏi người đọc ở quá trình hai:  Đó là quá trình đọc, sẽ phải đọc sâu hơn, phải kết nối được các yếu tố, suy luận từ vấn đề này qua vấn đề khác. Từ đó quá trình đọc sẽ diễn ra chậm hơn, để học sinh cảm nhận được tiếng lòng của tác giả, lắng nghe được nhạc tính, âm điệu mà tác phẩm đem đến cho đọc giả.

Như vậy điều quan trọng trước tiên là học sinh cần xác định mục tiêu đọc để có cách đọc sao cho phù hợp nhất với mình và có được sản phẩm đọc đạt yêu cầu trong quá trình học tập. Khi học sinh ý thức được vai trò của mục tiêu và hoàn thành các mục tiêu trong bài đọc cụ thể dần dần sẽ giúp học sinh hình thành kĩ năng đọc đúng mục tiêu cho quá trình đọc sau này. Tức là bắt đầu vào trang sách là các em biết được mục tiêu mình cần cái gì, đọc để làm gì. Tất nhiên, trong thực tế đọc, mục tiêu đọc có thể thay đổi so với dự kiến khi học sinh tương tác với tác phẩm và người đọc hoàn toàn có được kết quả đọc vượt xa với mong muốn ban đầu. Điều này phụ thuộc vào tiềm năng tạo nghĩa của văn bản và độc giả.

2.1.2. Huy động tích cực những tri thức, trải nghiệm đọc hiểu

Bất cứ một độc giả nào không riêng gì các em học sinh khi muốn hiểu một tác phẩm văn học cũng rất cần biết huy động một cách tích cực các kiến thức nền, hay là các trải nghiệm đọc hiểu của mỗi cá nhân đã có từ trước đó. Tri thức nền hay những trải nghiệm đọc hiểu này tùy thuộc vào từng cá nhân, song chúng tôi có thể quy về mấy vấn đề chính như: Tìm hiểu về đặc trưng thể loại trước khi đọc, về bối cảnh xã hội, văn hóa khi sáng tác, những thông tin về tiểu sử, những câu chuyện về con người, những giai thoại văn chương của tác giả, hoặc là những đánh giá, nhận xét của những độc giả khác khi đọc tác phẩm ấy. Như vậy khi cầm một quyển sách trên tay, độc giả có kinh nghiệm sẽ không ngấu nghiến đọc ngay. Họ có thể nhìn vào tiêu đề – Ngọn đèn mờ (Nguyễn Thanh Hùng) của văn bản. Họ nhìn vào tên tác giả gắn với tác phẩm – xa lạ hay thân thuộc, đã quen chưa hay thực sự mới gặp lần đầu. Họ nhìn lướt qua xem dung lượng dài ngắn thế nào, ít hay nhiều đối thoại. Họ quan tâm xem mục lục có bao nhiêu phần. Họ lật qua một số trang, nhìn vào các đoạn nhỏ…Những yếu tố này sẽ giúp họ gợi lại những hiểu biết có liên quan, tạo tâm thế sẵn sàng cho việc đọc, làm dễ dàng hóa quá trình đọc hiểu, khiến độc giả tương tác sâu sắc với văn bản trong quá trình đọc, tạo ra những kết nối, những suy luận sâu sắc, từ đó đạt được mục đích lớn nhất đặt ra của việc đọc – đó là hiểu được văn bản. Nhưng đáng tiếc là những độc giả thiếu kinh nghiệm, thiếu kĩ năng như một số học sinh lười đọc lại thường bỏ qua khâu này.

Trên đây là những bước chung khi học sinh bắt đầu đến với một cuốn sách, một tác phẩm mới. Ngoài ra chúng tôi còn cung cấp chi tiết cho hoạt động này ở một yếu tố quan trọng mà độc giả cần tìm hiểu trong quá trình đọc – hiểu một tác phẩm, nhất là tác phẩm lạ chưa có trong chương trình. Đó là thao tác tìm hiểu yếu tố thể loại tác phẩm. Trước khi đọc, HS cần xem xét tác phẩm ấy thuộc thể loại nào? Đặc trưng thể loại ấy ra sao? Khi xem xét những đặc trưng về thể loại sẽ giúp cho việc đọc hiểu được thuận lợi hơn, người đọc sẽ dễ dàng lý giải được một số thành công điển hình của tác phẩm hay sẽ biết mình cần chú ý đến những vấn đề gì trong quá trình đọc hiểu, sẽ biết mình cần đọc nhấn hay lướt chố này, chỗ kia từ đó khiến quá trình đọc hiểu tiết kiệm được thời gian nhất. Vì mỗi thể loại lại có yêu cầu đọc khác nhau:

 Yêu cầu đọc thơ

–  Cần nắm rõ tác phẩm, tác giả, hoàn cảnh sáng tác, năm xuất bản (nếu có liên quan đến tư tưởng, nội dung hoặc nghệ thuật sáng tác).

– Đọc kĩ bài thơ, cảm nhận khái quát về nội dung – nghệ thuật; sau đó, đi sâu vào từng ý thơ, câu chữ, hình ảnh, nhịp điệu. Từ đó liên tưởng đến cảm xúc, suy nghĩ, tâm trạng…; dùng các thao tác như: liên tưởng, tưởng tượng, phân tích khả năng biểu hiện của từng từ ngữ chi tiết, vần điệu,…để cảm nhận ý thơ, thấu hiểu hình tượng thơ, cái tôi trữ tình, nhân vật trữ tình.

– Đánh giá, lí giải bài thơ về nội dung lẫn nghệ thuật: Bài thơ có nét gì độc đáo?

(Tứ thơ, cảm hứng,..).

Yêu cầu đọc truyện, kí

– Tìm hiểu bối cảnh xã hội, hoàn cảnh sáng tác để có cơ sở cảm nhận tầng lớp nội dung và ý nghĩa của truyện.

– Phân tích diễn biến của cốt truyện qua các phần mở đầu, vận động, kết thúc, với các tình tiết, sự kiện, biến cố cụ thể; làm rõ giá trị của các yếu tố đó trong việc phản ánh hiện thực cuộc sống và khắc họa bản chất, tính cách nhân vật; chú ý tới nghệ thuật tự sự, người kể chuyện ở ngôi thứ nhất (ngôi thứ nhất), hay ở ngôi thứ ba (người kể gián tiếp – người kể  hàm  ẩn); điển hình trần thuật; cách sắp xếp các tình tiết, sự  kiện; thủ pháp kể chuyện, miêu tả, giọng điệu lời văn.

–  Phân tích nhân vật trong vòng lưu chuyển của cốt truyện; tập hợp thành hệ thống và làm rõ ý nghĩa của các chi tiết miêu tả nhân vật về ngoại hình, nội tâm, ngôn ngữ; tìm hiểu mối quan hệ giữa các nhân vật này với nhân vật khác, giữa nhân vật với hình ảnh xung quanh; chú ý nghệ thuật xây dựng nhân vật: sử dụng chi tiết; tạo tình huống để khám phá bản chất nhân vật; cách thức miêu tả ngoại hình, hành động, biểu hiện nội tâm…

– Truyện đặt ra vấn đề gì? Mang ý nghĩa tư tưởng như thế nào? Giá trị thể hiện ở các phương diện nhận thức, giáo dục, thẩm mỹ.

 Yêu cầu đọc văn nghị luận

–  Tìm hiểu thân thế  tác giả và hoàn cảnh ra đời của tác phẩm nghị  luận. Từ  đó nhận xét vấn đề nêu lên trong tác phẩm xuất phát từ nhu cầu nào của thực tế, có tầm quan trọng như thế nào đối với cuộc sống, với lĩnh vực luận bàn.

–  Văn nghị  luận trước hết thể hiện tư tưởng, lí tưởng của con người (tư tưởng chính trị, xã hội, quan điểm, lập trường…) phải nắm bắt mạch suy nghĩ, sự vận động theo tiến trình diễn giải, trình bày vấn đề. Chú ý đến các luận điểm và xác định mối quan hệ giữa chúng.

– Cảm nhận tâm tư tình cảm như một mạch chìm trong dòng chảy của tác phẩm nghị luận. Các sắc thái cảm xúc, những cung bậc tình cảm thể hiện trong sự luận bàn làm tăng sức thuyết phục của văn bản nghị luận.

– Phân tích nghệ thuật lập luận, cách nêu chứng cứ, sử dụng ngôn ngữ, tác dụng của các biện pháp đó với từng vấn đề được trình bày trong tác phẩm.

– Nêu khái quát giá trị tư tưởng của tác phẩm về cả hai phương diện nội dung lẫn nghệ thuật. Có thể rút ra những nhận xét sâu sắc từ văn bản nghị luận được tiếp nhận và lĩnh hội.

 Yêu cầu về đọc văn bản kịch

– Đọc kỹ lời giới thiệu, tiểu dẫn để có thể biết chung về tác giả, tác phẩm, thời đại mà tác phẩm ra đời, vị trí của đoạn trích trong toàn bộ tác phẩm.

–  Tập trung chú ý vào lời thoại của nhân vật. Ngôn ngữ  kịch ngoài chức năng biểu đạt tư tưởng, tình cảm như lời nói thông thường còn mang tính hành động. Đó là lời tranh luận, biện bác nhằm thay đổi tình thế, khắc sâu mâu thuẫn, thúc đẩy sự tiến triển của xung đột. Qua lời thoại, xác định quan hệ của các nhân vật, tìm hiểu đặc tính, tính cách của từng nhân vật.

– Phân tích hành động kịch. Từ lời thoại, đặc điểm, tính cách và mối quan hệ tác động lẫn nhau của các nhân vật, tìm hiểu các tình tiết, sự  kiện, biến cố  tạo nên diễn biến của vở kịch. Xác định đâu là nội dung xung đột chủ yếu, đâu là xung đột thứ yếu, phân tích kết quả và diễn biến của xung đột đó.

– Qua diễn biến căng thẳng của xung đột và thái độ hành động, số phận của các nhân vật trong xung đột, cần nêu rõ chủ đề tư tưởng, ý nghĩa xã hội của tác phẩm.

2.2. Rèn kĩ năng trong khi đọc hiểu một tác phẩm

          Sự trải nghiệm đọc hiểu chỉ thực sự diễn ra khi bạn đọc bắt đầu tương tác với văn bản. Tất nhiên những tri thức nền vẫn tiếp tục được huy động, song đây là giai đoạn đọc thể hiện rõ nhất bản chất phức tạp, năng động, phát triển không ngừng của hành động đọc và sự sáng tạo của chủ thể đọc ở mọi phương diện. Các thao tác tư duy, các khả năng nhận thức, siêu nhận thức, các cung bậc cảm xúc …đan xen, phức hợp vào nhau để giúp người đọc phản hồi lại văn bản. Tuy vậy, chúng tôi có thể đưa ra những hành động cơ bản mà học sinh cần được trải nghiệm trong quá trình đọc như sau:

2.2.1. Giải mã, nhận biết những thông tin và đặc điểm chính về văn bản.

Giải mã ngôn từ là bước quan trọng đầu tiên giúp người đọc thâm nhập vào thế giới thông tin của văn bản. Khả năng đọc trôi chảy từng là tiêu điểm nghiên cứu để phát triển năng lực đọc hiểu văn bản văn học, đặc biệt là đối tượng học sinh tiểu học. Còn với học sinh THPT và đặc biệt học sinh chuyên văn, khả năng giải mã về cơ bản đã hoàn thiện, đối với những mã ngôn ngữ không quen thuộc, có thể dựa vào văn cảnh và chủ động tìm kiếm, vận dụng các nguồn thông tin hỗ trợ, từ đó hiểu ngôn từ của văn bản, nắm bắt được nghĩa các từ khó (Các từ Hán Việt, các từ mang nghĩa đặc biệt trong văn cảnh, các điển tích, điển cố…); Xác định cấu trúc tổng thể của văn bản như thể loại, bố cục, đề tài…; Xác định các chi tiết hình ảnh, từ ngữ, đoạn văn quan trọng tập trung thể hiện chủ đề văn bản. Người đọc cũng không được bỏ qua khâu giải nghĩa những từ khó, chưa biết, nếu trường hợp từ khó đã có đánh dấu để giải thích ở cuối sách thì đọc được dễ dàng, trường hợp từ khó đó không được cắt nghĩa ta cũng cần có những sách, công cụ giải mã như: Từ điển, google, thuật ngữ văn học…Một độc giả thành thạo họ sẽ không bỏ qua khâu quan trọng này. Họ cũng không đọc các thông tin đó thuần túy là phát lên tín hiệu âm thanh từ câu chữ. Họ biết gắn nội dung chú thích, giải nghĩa đó vào các từ ngữ, điển tích, điển cố đang hiện lên trang văn bản để xem thực sự kí hiệu chữ viết và tín hiệu âm thanh đó là gì từ đó người đọc sẽ lý giải được nghĩa văn bản, tránh trường hợp đọc xong văn bản mới quay ra tìm từ khó để giải nghĩa lúc ấy văn bản đi một nơi, chú thích, từ khó đi một nẻo sẽ không hỗ trợ cho quá trình để đọc và hiểu được văn bản.

Tuy nhiên, ở mỗi thể loại có cách giải mã, nhận biết thông tin, đặc điểm chính của văn bản không giống nhau. Ví dụ trong quá trình đọc thơ trữ tình ta cần chú ý đến thể thơ, chủ thể trữ tình, cảm xúc, âm hưởng chủ đạo; Đọc truyện cần nhận diện được tình huống truyện, nhân vật chính, nắm các sự kiện tiêu biểu…Trong khi đó, với văn bản thông tin, một trong số những yêu tố đáng quan tâm khi giải mã về đặc điểm hình thức  trình bày như: cách thức tổ chức văn bản thành từng chương, phần hay những đoạn nhỏ có liên kết với nhau theo quan hệ nhân – quả, so sánh, liệt kê, phân loại…với những tiêu đề, tiểu mục mang tính chất khái quát giúp người đọc dễ theo dõi, cũng giống như văn bản văn học, văn bản thông tin cũng có nhiều thể loại, tri thức nền về các thể loại cụ thể có định hướng quan trọng trong suốt quá trình đọc hiểu.

2.2.2. Tập trung và tích cực tư duy khi đọc

  1. Tập trung

Tập trung khi đọc là cách tốt nhất để người đọc có thể suy nghĩ cặn kẽ, tư duy tích cực và ghi nhớ nội dung văn bản. Để tập trung được, người đọc cần nỗ lực tạo cảm hứng cho bản thân trước khi đọc. Đồng thời cần chọn một không gian yên tĩnh, thoáng mát, có ánh sáng, đọc trong tư thế thoải mái nhưng không nên nằm vì theo nghiên cứu nằm đọc sẽ rất hại mắt và ảnh hưởng đến khả năng ghi nhớ nội dung văn bản trong quá trình đọc.

Tuy nhiên tập trung cần đi kèm với có kĩ thuật đọc. Kỹ thuật phải được rèn luyện thường xuyên để đạt được hiệu quả tốt nhất. trong khi đọc, có một số điểm bạn cần phải chú ý:

+ Đọc bằng mắt và óc chứ không đọc bằng miệng.

+ Tránh đọc nhảy trở lại quá nhiều.

+ Chuyển động mắt theo chiều thẳng đứng khi đọc.

+ Đọc với tốc độ biến đổi: Đoạn nào quan trọng thì đọc chậm, đọc kĩ; đoạn nào không quan trọng thì đọc nhanh, đọc lướt.

+ Cố gắng hiểu ý nghĩa của cả đoạn văn, đừng để ý đến từ, đến câu.

+ Tập đọc nhanh, nắm và thâu tóm nhanh cái chủ yếu, cái cơ bản của vấn đề.

Bạn cũng nên luyện tập để tăng dần tốc độ đọc. Tuy nhiên đọc nhanh không có nghĩa là đọc ngấu nghiến, vội vàng mà đọc nhanh là tóm thật nhanh, đủ, đúng nội dung. Bạn nên phán đoán trước khi đọc, nếu đã có mục đích đọc thì phần nào quan trọng bạn đọc kỹ, phần nào không quan trọng bạn đọc lướt qua, tránh lối đọc tràn lan tốn thời gian. Để rèn tốc độ đọc, bạn hãy lấy một quyển sách, chọn một trang đọc thật nhanh sau đó ghi ra những nội dung mà bạn tóm được. Đọc lại lần nữa để xem mình đã ghi đủ, đúng nội dung chưa. Rèn luyện như thế thường xuyên chắc chắn bạn sẽ nâng cao tốc độ đọc của mình, tiếp thu kiến thức nhanh hơn.

  1. Tích cực tư duy khi đọc

Hình dung, tưởng tượng

Đây được xem là công cụ hữu hiệu mà độc giả có kĩ năng sử dụng trong quá trình đọc hiểu một văn bản. Những kí hiệu nằm phẳng dẹt trên trang giấy nhờ có hình dung và tưởng tượng mà trở nên có hồn, sống động. Các nhà nghiên cứu đọc trên thế giới đã chỉ ra rằng ngôn ngữ có ảnh hưởng rất lớn đến việc xây dưng các hình ảnh trí não. Tiến sĩ Phạm Thị Thu Hương đã cho rằng: Văn bản văn chương là một hệ thống mở với cấu trúc đa tầng, cấu trúc ngôn từ là một hiện hữu vật chất mà độc giả tiếp xúc ở chặng đầu tiên. Phía sau hệ thống câu chữ kết dệt nên văn bản ngôn từ ấy là thế giới hình tượng được khắc họa sống động “thật hơn cả người thật” mà chìa khóa để mở cánh cửa ấy không gì khác, phải bắt đầu từ hình dung, tưởng tượng. Đọc là quá trình nhập thân, được sống cùng bầu khí quyển với nhân vật, chính hình dung tưởng tượng sẽ làm cho nhân vật đầy đặn hơn, cho chúng dáng dấp, hình hài, bước ra từ tác phẩm và giao tiếp với độc giả. Vậy làm thế nào để hình dung và tưởng tượng trong quá trình đọc hiểu văn bản? Đây là một vấn đề không dễ trả lời. Học sinh khi đọc một văn bản có thể tự tạo ra trong tâm trí mình một bức tranh, một hoàn cảnh mà ở đó nhân vật, sự kiện văn bản đang diễn ra, rồi từ đó người đọc liên tục đặt ra những câu hỏi để khuyến khích những hình ảnh trong tưởng tượng được tiếp diễn. Có như vậy quá trình đọc hiểu mới hiệu quả, nội dung văn bản được ghi nhớ sâu sắc và có ấn tượng lâu dài. Ví dụ khi đọc cảnh chị Dậu phải bán con, bán chó để lấy tiền nộp sưu tôi cứ hình dung ra cảnh tượng đau lòng của hai mẹ con khi chị đưa cái Tý sang nhà Nghị Quế. Đó là cảnh một người mẹ đang đứt từng khúc ruột, xót xa như chết đi sống lại khi phải bán đứa con gái ngoan, hiểu chuyện, một bên là đứa trẻ đáng thương vừa cúi xuống nhặt những hạt cơm chó, vừa ràn rụa nước mắt khi biết mình từ nay không được trở về nhà. Hai hình ảnh ấy cứ khiến tôi ám ảnh khi đọc tác phẩm này. Tương tự như vậy, khi đọc Vợ nhặt của Kim Lân, rất nhiều độc giả đã tưởng tượng ra cảnh buổi sáng hôm sau tại nhà Tràng, trong không khí cái đói đe dọa tang thương thì những con người khốn khổ ấy vẫn cứ hướng về niềm tin, hi vọng. Bắt đầu từ hình ảnh trong óc Tràng hình ảnh lá cờ đỏ sao vàng bay phần phật trên con đê Sộp. Cái hình ảnh ấy đã gieo vào tâm hồn của ba con người khốn khó ấy khao khát sống mãnh liệt và độc giả cũng có niềm tin hi vọng rằng gia đình họ sẽ thay đổi cuộc sống cùng với sự đổi đời kì diệu của toàn dân tộc.

Kết nối văn bản với thực tế đọc

Kết nối là quá trình tương tác giữa độc giả với văn bản. hay đó còn gọi là mối quan hệ hướng ngoại, mối quan hệ giữa văn bản với độc giả. Một độc giả tích cực như học sinh chuyên văn khi đọc cần biết kết nối văn bản mình đang đọc với những văn bản khác đã đọc có liên quan hay có cùng chủ đề. Ví dụ khi đọc Độc Tiểu Thanh Kí ta cảm nhận rất rõ tiếng lòng đồng cảm sâu sắc của đại thi hào Nguyễn Du với người con gái tài sắc nhưng bạc mệnh Tiểu Thanh thông qua mảnh giấy tàn, nhà thơ như thể nghe thấy tiếng khóc nức nở của nàng, hiểu được sự nghịch lý, trớ trêu của bao kẻ tài tử giai nhân trong xã hội phong kiến, qua đó lên tiếng đòi quyền sống quyết liệt cho cái đẹp, cái tài trong cái xã hội mà tài năng và sắc đẹp bị dập vùi, ghẻ lạnh. Từ tiếng khóc, sự tri âm của Nguyễn Du học sinh có thể kết nối với câu chuyện giữa Bá Nha với Tử Kỳ. Khi tiếng đàn của Bá Nha vang lên là Tử Kỳ có thể nghe thấu tiếng lòng của người bạn, khi thì như đăng sơn, lúc lại như lưu thủy. Để rồi, với Bá Nha chỉ có Tử Kỳ mới trở thành tri âm, đến khi Tử Kỳ mất, Bá Nha đập cây đàn không bao giờ đánh đàn nữa bởi không bao giờ có ai đó có thể tri âm với tiếng đàn của ông như người bạn đã qua đời. Cùng chủ đề đồng cảm, tri âm như thế học sinh hoàn toàn có thể kết nối với tiếng lòng đồng cảm được rung lên của Tố Hữu với bậc tiền bối Tiên Điền năm xưa:

Tiếng thơ ai động đất trời

Nghe như non nước vọng lời ngàn thu

Nghìn năm sau nhớ Nguyễn Du

Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày.

Kính gửi cụ Nguyễn Du – Tố Hữu

Một ví dụ khác, khi học sinh đọc tác phẩm Cô gà mái xổng chuồng của nhà văn HWang Sun mi, các em sẽ vô cùng ấn tượng bởi cô gà mái tự đặt cho mình cái tên là Mầm Lá có một ước mơ được đẻ và ấp những quả trứng xinh xinh. Đó là khao khát, là ước mơ mãnh liệt của cô gà. Và cuối cùng, cô đã mạnh dạn tìm cách thoát ra khỏi môi trường quen thuộc của mình để phưu lưu, tìm kiếm ước mơ, dẫu chặng đường tìm kiếm mơ ước thật gian nan và vô cùng khốc liệt nhưng cô quyết tâm không bao giờ từ bỏ. Và cuối cùng cô đã đạt được ước mơ, cô đã ấp trứng dẫu đó không phải cái trứng do cô tự sinh ra, nhưng cô đã nuôi Đầu Xanh lớn lên bằng tình yêu thương âu yếm hơn cả của một người mẹ dành cho con mình. Cuối cùng, dẫu phải chịu đựng nỗi cô đơn, dẫu phải đối diện với thực tế khó tránh khỏi cái chết nhưng Mầm Lá chưa bao giờ thấy hối hận vì chuyến phưu lưu, chưa bao giờ hối tiếc vì mình đã mơ ước và quyết tâm thực hiện nó. Từ văn bản này học sinh có thể kết nối với tác phẩm rất nổi tiếng khác là Nhà giả kim của nhà văn Paulo Cocelho. Câu chuyện kể về một cậu bé chăn cừu, không chịu bằng lòng với hiện thực bình yên, thậm chí có khả năng khá giả đó là suốt ngày lùa đàn cừu đi chăn rồi nhâm nhi những ngụm rượu vang đỏ, làm bạn với những cuốn sách và mơ về trời sao, cô gái con ông chủ của quán mà cậu thường đưa cừu đến để xén lông bán. Một ngày kia, giấc mơ đi tìm kho báu cứ thôi thúc cậu và cuối cùng cậu đã bỏ lại tất cả để lên đường thực hiện khao khát đó. Cậu đã trở thành những kẻ lang thang, thậm chí mất trắng, không còn khả năng về được quê hương nhưng cậu vẫn quyết tâm, chấp nhận làm lại sau thất bại và cuối cùng cậu đã đạt được ước mơ một cách ngoạn mục. Cả hai câu chuyện đều thôi thúc con người ta đi tìm kiếm ước mơ và nỗ lực để đạt được nó, cho dù có thất bại, cho dù có gian khổ đến mấy cũng không bao giờ bạn phải hối tiếc.

Quá trình bạn đọc tự kết nối như vậy trong khi đọc hiểu một văn bản văn học sẽ giúp bạn đọc tạo ra sự cộng hưởng cảm xúc, nối nhịp cầu giao tiếp linh diệu giữa bạn đọc học sinh với thầy cô với tác giả. Đây chính là điều quan trọng nhất để mở rộng vốn đọc cho các em, cho chất văn cho các bài viết của học sinh – điều mà đang là vấn đề thử thách, gian nan nhất với học sinh chuyên văn hiện giờ.

Dự đoán

          Muốn trở thành một độc giả năng động, sáng tạo học sinh không thể chỉ biết bị động theo dõi diễn biến trong văn bản mà phải luôn luôn đưa ra những dự đoán để có thể tiệm cận dần tới văn bản. Có rất nhiều cách sự đoán, có thể dự đoán từ tiêu đề của văn bản đến các tình tiết diễn biến trong văn bản hay là dự đoán cách kết thúc của văn bản. Chẳng hạn khi đọc tiêu đề truyện Cô gà mái xổng chuồng, một truyện dài nổi tiếng của nhà văn Hwang Su mi, độc giả có thể đoán định câu chuyện kể về một cô gà mái đầy cá tính, thích tự do, phiêu lưu và rất mạnh mẽ nhưng khi đọc dự đoán ấy có phần không chính xác vì cô gà lại là một cá thể rất tình cảm, giàu tình yêu thương và giàu ước khát  vọng, rất đáng trân trọng. Hay đọc truyện ngắn Đào tẩu, một truyện ngắn của tác giả người Anh, độc giả có thể dự đoán rằng đây có lẽ là một câu chuyện trinh thám. Chắc có một kẻ vi phạm pháp luật, bị săn đuổi ráo riết đang tìm cách trốn thoát, một câu chuyện như vậy hẳn sẽ có rất nhiều tình tiết bất ngờ, gây thót tim. Song đến với tác phẩm ta lại hoàn toàn bị bất ngờ. Vì tác phẩm lại kể về một anh chàng tên là Roger đã thực hiện một cuộc đào tẩu rất ngoạn mục trước một người phụ nữ bằng cách đeo mặt nạ ga lăng, lịch thiệp khiến cho người phụ nữ kia cuối cùng phải rẽ sang một hướng khác.

Vậy dự đoán có khi trúng, khi ấy bạn sẽ chứng tỏ mình là độc giả có trải nghiệm , hoặc điều đó cho thấy tác phẩm rất quen thuộc, chưa có gì mới mẻ, độc đáo. Còn nếu dự đoán của bạn có độ chênh hoặc hoàn toàn đối lập với câu chuyện trong văn bản thì hẳn sẽ đem lại cho bạn rất nhiều thú vị, bất ngờ. Hơn thế điều đó còn giúp bạn ngỏ ra nhiều hướng suy nghĩ trong hành trình đi đến việc hiểu thấu đáo về tác phẩm.

Muốn dự đoán trong quá trình đọc hiểu văn bản thì độc giả nên tự đặt ra cho mình những câu hỏi như:

– Nhân vật này tốt hay xấu?

– Nhân vật ấy trong tình huống này sẽ làm gì? Nói gì? Phản ứng ra sao?

– Kết thúc của câu chuyện sẽ như thế nào?

– Mình mong muốn truyện kết thúc ra sao?

Những câu hỏi như vậy sẽ đem đến cho bạn đọc những hiệu quả bất ngờ, có khi dự đoán của độc giả còn hay hơn cả, sáng tạo hơn cả nhà văn. Nhưng muốn dự đoán được như vậy, người đọc cần phải kích hoạt tư duy, trí tuệ cảm xúc của mình, nhập thân vào thế giới nghệ thuật trong tác phẩm.

2.2.3. Giám sát thúc đẩy quá trình đọc hiểu

          Trong khi đọc hiểu một tác phẩm bất kì ngoài chương trình, học sinh nói chung kể cả học sinh chuyên văn nói riêng cũng hay có xu hướng đọc những lúc rảnh rỗi, đọc cho xong, chưa nhập cuộc với văn bản thật sự, thậm chí, có học sinh chỉ xem qua loa, đại khái, có tâm lý ngại, lười…Tuy nhiên nên nhớ rằng đọc hiểu cũng không phải là một công việc phó mặc hoàn toàn cho sự may rủi, được chăng hay chớ. Do vậy một trong những yếu tố thúc đẩy quá trình đọc hiểu được hiệu quả nhất đối với bạn đọc nói chung chính là quá trình giám sát bản thân khi đọc.

Khả năng tự giám sát đọc hiểu của độc giả là người đọc biết tự đặt ra và trả lời các câu hỏi: Tôi có thật sự hiểu điều tôi đang đọc không? Điều tôi hiểu về văn bản này thực sự đúng đắn hay còn gì băn khoăn, suy nghĩ thêm? …Quá trình tự đặt những câu hỏi đó sẽ giúp bạn đọc tập trung và thúc đẩy việc đọc hiểu đã đúng hướng hay cần điều chỉnh thay đổi. Việc tự giám sát này không chỉ quan tâm tới những điều đã được hiểu đúng, hiểu sâu về văn bản mà còn cần chú ý tới cả những điều ngộ nhận, sai lầm, hời hợt của bản thân về tác phẩm. Đạt đến mức độ này, người đọc mới thực sự trở thành bạn đọc độc lập, không bị phụ thuộc vào văn bản của tác giả hay những định kiến, những cách hiểu của người đi trước. Từ đó học sinh mới thoát khỏi những dẫn dắt của người đi trước để tự mình tìm hiểu một văn bản độc lập. Điều này tránh được việc đi sao chép, dùng văn mẫu của học sinh hiện nay. Bởi các em hoàn toàn có thể tự mình đọc hiểu được bất kì một văn bản nào ngoài chương trình mà không cần giáo viên hướng dẫn. Đó chẳng phải cái đích cao nhất của việc dạy đọc hiểu hiện nay sao? Nhưng muốn làm được điều này, học sinh cần sử dụng các chiến thuật đọc hiểu.

2.2.4. Sử dụng các chiến thuật trong quá trình đọc

Vai trò của các chiến thuật đối với đọc hiểu văn bản văn học đã được các nhà nghiên cứu chứng minh rõ ràng. Bởi vậy ở đây chúng tôi không đi sâu vào giải thích khái niệm chiến thuật hay giải thích cách thực hiện từng chiến thuật trong quá trình đọc. Chúng tôi chỉ đưa ra định hướng trong quá trình đọc giáo viên nên hướng dẫn học sinh sử dụng các chiến thuật đọc hiểu cho hiệu quả nhất. Hệ thống các chiến thuật rất phong phú, tùy theo mỗi độc giả, tùy bối cảnh và văn bản mà chọn chiến thuật cho phù hợp nhất. Hệ thống chiến thuật là một ngân hàng mở rất phong phú, do vậy giáo viên thường xuyên bổ sung cho học sinh lớp chuyên của mình những chiến thuật đọc hiểu để giúp các em học sinh có khả năng áp dụng rộng rãi tùy theo văn bản cho phù hợp. Theo tác giả Phạm Thị Thu Hương trong cuốn Đọc hiểu và chiến thuật đọc hiểu văn bản trong nhà trường phổ thông đã đề ra những chiến thuật đọc hiểu văn bản cần thiết có thể trang bị cho người đọc, như là một công cụ hữu hiệu trong việc đọc và hiểu văn bản, đó là:

  1. Đánh dấu và ghi chú bên lề
  2. Tổng quan về văn bản
  3. Công tác ghi chú
  4. Cuộc giao tiếp văn học
  5. Câu hỏi kết nối, tổng hợp
  6. Mối quan hệ hỏi – đáp
  7. Mối quan hệ nhận thức và siêu nhận thức
  8. Đọc suy luận
  9. Nhân vật mong muốn, nhưng…
  10. Cuốn phim trí óc

Những chiến thuật trên có thể coi là những công cụ, “mẹo” cơ bản để người dạy, người học có thể vận dụng trong việc khai thác một văn bản văn học.

Có thể thấy, con đường đi vào văn bản văn học có rất nhiều ngả, nhiều cách tiếp cận khác nhau. Nói như Luis Borges – người khải thị những cách đọc khác với sách – đã nói: Một nền văn học khác với nền văn học khác không phải ở văn bản mà ở cách thức mà nó được đọc. Những phương pháp, những cách đọc khác nhau sẽ đem lại những cách hiểu khác nhau cho văn bản.

2.3. Rèn kĩ năng sau khi đọc hiểu một tác phẩm

Các hoạt động sau khi đọc của học sinh THPT là vô cùng quan trọng bởi qua đó chứng tỏ người đọc đã hiểu văn bản đọc ở mức độ như thế nào? Nếu hiểu sâu sắc, thấu đáo sẽ đem đến những phản hồi có giá trị, cũng như những đánh giá và vận dụng xác đáng. Sau khi đọc không chỉ là quá trình “nghiệm thu” kết quả đọc mà còn là lúc cả quá trình đọc và chiến thuật đọc được nhìn lại. Bạn đọc học sinh chuyên văn không chỉ cần hiểu văn bản đang đọc mà còn cần chú ý mục tiêu lâu dài của việc đọc là trở thành những độc giả có khả năng độc lập. Sau đây là một số định hướng của chúng tôi cho học sinh phát huy được năng lực đọc hiểu văn bản văn học sau khi đọc xong văn bản đó:

2.3.1. Sử dụng hồ sơ đọc hiểu

2.3.1.1. Giới thiệu về hồ sơ đọc – hiểu

Hồ sơ đọc chính là một loại hồ sơ học tập, là bộ sưu tập có mục đích và có tổ chức những hoạt động đọc của học sinh. Hồ sơ đọc phản ánh quá trình đọc của học sinh từ đó làm hiện diện bức chân dung và sự trưởng thành của độc giả. Sơ đồ đọc hiển thị một cách chân thực và cụ thể những thông tin về quá trình đọc do vậy sẽ là căn cứ xác thực để giáo viên đánh giá về năng lực đọc hiểu của học sinh ở những thời điểm khác nhau trong suốt quá trình học tập, từ đó có những phản hồi, điều chỉnh thích hợp cho học sinh.

Hồ Sơ đọc thể hiện tích hợp quá trình đọc và quá trình viết của học sinh, vì thế đây còn là cách thức quan trọng để học sinh phát triển cả hai năng lực này.

Hồ sơ đọc còn là một cách phản hồi của học sinh về văn bản, một cách giám sát quá trình đọc và sự hiểu của bản thân như thế nào về văn bản một cách hiệu quả. Từ đó có thể điều chỉnh hướng người đọc là học sinh chuyên văn trở thành những bạn đọc độc lập và sáng tạo nhất.

Hồ sơ đọc được thể hiện dưới nhiều hình thức sáng tạo song cần phản ánh được những thông tin cơ bản như: Tên văn bản đã đọc, hành trình đọc văn bản, sự tương tác của người đọc với các chủ thể đọc khác, những sự thay đổi, trưởng thành của người đọc sau khi tương tác với văn bản và các chủ thể đọc khác.

2.3.1.2. Các bước lập hồ sơ đọc – hiểu

* Giáo viên hướng dẫn học sinh hiểu được vai trò của hồ sơ đọc hiểu

          Học sinh cần hiểu được khái niệm, đặc biệt hiểu được giá trị sử dụng của công cụ này. Nhận thức được tầm quan trọng của vấn đề học sinh mới có ý thức ghi chép, chia sẻ một cách nghiêm túc về quá trình đọc và kết quả đọc một cách trung thực và thường xuyên, tích cực, nhờ đó mà học sinh có khả năng thiết lập và sử dụng hồ sơ một cách hiệu quả nhất.

* Giáo viên thống nhất cấu trúc, các nội dung và hình thức trình bày trong hồ sơ đọc hiểu.

          Cấu trúc, nội dung và hình thức trình bày của sơ đồ đọc hiểu đối với các tác phẩm ngoài chương trình, lần đầu tiên các em được tương tác với văn bản cũng có những điểm khác biệt so với những tác phẩm quen thuộc trong chương trình. Vậy sau đây là mẫu cấu trúc chúng tôi gợi ý. Cấu trúc này hoàn toàn có thể thay đổi theo từng giáo viên hay đối tượng độc giả khác nhau. Sau đây là khung hướng dẫn chung:

HÀNH TRÌNH ĐỌC HIỂU VĂN BẢN………………………………………

  1. Hoàn cảnh gặp gỡ của tôi và văn bản

– Tôi biết đến văn bản như thế nào? Vì sao văn bản lọt vào “mắt xanh” của tôi?

– Tôi lấy văn bản từ nguồn nào?

– Ấn tượng của tôi về văn bản là gì?

  1. Sự tương tác của tôi và văn bản

– Tôi mong muốn và dự đoán gì trước khi đọc văn bản?

– Những trải nghiệm đọc hiểu cho tôi những kinh nghiệm gì khi tìm hiểu văn bản?

– Những hình ảnh ấn tượng, đáng nhớ nhất lưu giữ trong tâm trí tôi khi đọc văn bản là hình ảnh nào? Vì sao?

– Tôi đã huy động những chiến thuật nào khi đọc văn bản?

– Kết quả đọc của tôi (Ghi lại ngắn gọn những ý chính: Nội dung văn bản là gì? Cấu trúc của văn bản ra sao? Những chi tiết/ hình tượng nào đóng vai trò quan trọng trong văn bản? Ý nghĩa, mục đích của văn bản là gì? Những điều còn băn khoăn, chưa thỏa mãn hay chưa hiểu về văn bản? Dự định giải quyết những băn khoăn đó bằng cách nào? Tìm sự hỗ trợ từ các tài liệu khác hay trao đổi với các bạn trên lớp?

  1. Văn bản và sự chiêm nghiệm của tôi

– Những kết luận tạm thời của tôi về văn bản? (Ý nghĩa về văn bản, đánh giá văn bản). Những thay đổi của tôi (kinh nghiệm, hành động, quan niệm, suy nghĩ) hay sự trưởng thành trong kĩ năng đọc của bản thân.

– Tôi quay trở lại văn bản và có những thay đổi gì sau khi nhận được những sự trao đổi của các chủ thể đọc khác?

Về hình thức trình bày, hồ sơ đọc cần được gợi ý theo hướng mở để học sinh có hứng thú sáng tạo trong cách thể hiện, cũng như có thể quay trở lại văn bản bất cứ lúc nào để bổ sung, điểu chỉnh cách hiểu của bản thân. Qua đó giúp học sinh hiểu được bản chất của quá trình đọc hiểu là quá trình tạo nghĩa và phát triển liên tục.

Khi tạo lập hồ sơ đọc học sinh cần chủ động và làm thường xuyên tạo thành một thói quen đối với bất cứ văn bản nào được trải nghiệm và nên được chia sẻ với cô và các bạn cùng lớp để nhận được những phản hồi, đóng góp “làm đầy” hơn cho việc cắt nghĩa, đọc hiểu mỗi văn bản. Như vậy sơ đồ đọc không chỉ là một tài liệu học tập quan trọng giúp phát triển năng lực đọc hiểu mà còn là một công cụ giúp học sinh rèn kĩ năng phản hồi và tự phản hồi.

2.3.2. Sử dụng nhật kí đọc

2.3.2.1. Khái niệm về nhật kí đọc

Nhật ký đọc hiểu theo nghĩa thông thường là những ghi chép hàng ngày về những điều mà người đọc tiếp nhận được từ sách. Học sinh có thể ghi lại những suy nghĩ của mình vào những tờ giấy rời, giấy gắn vào sách, vào một cuốn vở hoặc những hình thức khác có thể lưu giữ, đọc lại và chỉnh sửa sau thời gian đọc lần đầu tiên. Ngoài ra, trong thời đại công nghệ thông tin đem đến nhiều tiện ích cho con người, nhật kí đọc của học sinh còn có thể được đánh máy lại, lưu trên các trang thông tin điện tử,… Nhật kí đọc khác nhật kí đời tư ở chỗ: người viết nhật kí về cuốn sách đã đọc hoàn toàn có thể chia sẻ và thảo luận với mọi người. Đó là nơi học sinh ghi chép lại ý tưởng, cảm xúc, suy nghĩ, đánh giá, kinh nghiệm sống, tưởng tượng,… để  trao đổi và thảo luận cùng các bạn khi đến lớp.

Nhật kí đọc là một mẫu gồm 10 bài tập hướng dẫn học sinh đọc văn bản văn học và ghi lại những gì đã đọc. Nhật kí đọc là hình thức học tập mà Taffy E.Raphael và Elfrieda H.Hiebert (1996) đã giới thiệu trong cuốn Creating an Integrated Approach to Literacy Instruction. Nhật kí đọc sách có nhiều dạng khác nhau, nhưng tất cả đều có chung đặc điểm là HS thường xuyên viết những cảm xúc, những suy nghĩ, nghi vấn, phản ánh và đánh giá những gì đọc được, dù đó là những tác phẩm hư cấu hay không hư cấu (Phương pháp dạy đọc hiểu văn bản, 2007, tr. 319). Đây là dạng ghi chép mà tác giả đã giới thiệu trong các lớp học Deborah Woodman và Laura Pardo của bang Michigan (Mĩ)  để hướng dẫn học sinh đọc văn bản tự sự ở nhà trước khi đến lớp. Nhật kí đọc, sau đó, sẽ được học sinh mang đến lớp để trao đổi, thảo luận. Giáo viên dựa vào đó để hướng dẫn học sinh giải mã và tạo nghĩa cho văn bản, kết hợp đọc và viết trong quá trình đọc, hình thành và phát triển năng lực đọc và tự học. Theo Taffy E.Raphael, Nhật kí đọc là nơi học sinh tham gia vào hoạt động “suy nghĩ và viết ra suy nghĩ”. Nhật kí đọc cung cấp cơ hội cho học sinh đọc và viết sáng tạo, tạo cho học sinh cơ sở để thể hiện ý tưởng, ghi lại những sự kiện quan trọng, giúp học sinh tham gia phản hồi những gì đã đọc được, nêu cảm nhận riêng, kiểm tra kiến thức của chính mình và khả năng giải thích một quan điểm. Nó giúp học sinh học tập hứng thú, biết giao tiếp và tôn trọng suy nghĩ người khác. Nhật kí đọc có thể được sử dụng để tăng cường các hoạt động phát triển năng lực của người đọc, người viết. Nhật kí đọc là hoạt động luôn khuyến khích học sinh tương tác với văn bản để giải mã và kiến tạo nghĩa cho văn bản. Taffy E.Raphael đã đề xuất các hướng dẫn ghi nhật kí đọc trong hình sau (trang bên):

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Những việc tôi cần thực hiện với nhật kí đọc sách

 

 

 

 

 

          HÌNH ẢNH

Mỗi khi đọc, tôi  phải lưu giữ  một hình ảnh trong đầu tôi về câu chuyện. Tôi có thể vẽ nó ra trong nhật ký đọc sách và chia sẻ với các bạn trong nhóm. Khi vẽ hình, tôi cần chú thích để ghi nhớ hình ảnh đó từ đâu  đến,  điều gì làm tôi nghĩ ra nó, và tại sao tôi lại muốn vẽ hình ảnh đó.

TỪ HAY

Tìm ra những từ  thực hay/ các từ  mới,  ngộ nghĩnh  có khả  năng miêu tả  cao mà tôi muốn sử  dụng khi viết; các từ dễ  nhầm lẫn,… Viết ra và chia sẻ trong nhóm. Tôi cũng ghi chú lý do chọn những từ  này và số  trang chúng xuất hiện  để dễ  tìm lại

    QUAN ĐIỂM

Đôi khi  đọc về  một nhân  vật, tôi nghĩ tác giả đã  không  xem xét các quan  điểm hay ý kiến nào đó. Trong nhật ký, tôi có thể viết ra quan điểm của nhân vật mà tác giả đã không đề cập tới.

 

 

 

 

 

 

NGHỆ THUẬT VÀ THỦ PHÁP  ĐẶC BIỆT CỦA TÁC GIẢ.

Đôi khi tác giả sử dụng từ ngữ đặc biệt, khắc họa rõ nét chúng trong đầu người đọc, làm tôi ước viết được như  vậy. Tác giả  dùng ngôn ngữ vui nhộn, viết những cuộc đối thoại thực hay… Trong nhật ký đọc sách, tôi sẽ  ghi lại các ví dụ về những điều đặc biệt như  thế  mà tác giả  đã viết.

 

 ĐIỂM SÁCH / PHÊ BÌNH

Khi đọc, đôi lúc  tô tự nghĩ: “Hoàn toàn TUYỆT  VỜI!!!”  Có lúc  tôi  nghĩ:“Nếu là tác giả, tôi sẽ  viết khác hơn”. Tôi sẽ ghi ra những  điểm hay của tác giả và những nhược điểm cần khắc phục.

    HỒ SƠ NHÂN VẬT

Nghĩ về một nhân vật yêu thích/lý thú hoặc không thích. Vẽ sơ đồ thể  hiện cách thức tôi nghĩ: về hình dáng, hành động,  cách cư xử, điểm thú vị hay nổi bật của nhân vật đó.

 

 

 

 

 

 

GIẢI THÍCH

Khi  đọc,  tôi  suy  nghĩ xem  tác giả  muốn nói với tôi  điều gì, muốn tôi ghi nhớ điều gì qua câu chuyện.  Tôi có thể viết ra cách giải thích của mình trong nhật ký và chia sẻ  với các bạn những suy nghĩ đó. Tôi cần lắng nghe cách giải thích của các bạn  khác để  so sánh các điểm giống nhau, tương tự, và khác nhau.

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

2.3.2.2. Đặc điểm của Nhật ký đọc

Mỗi bài tập trong nhật kí đọc được người đọc luân phiên thực hiện để rèn luyện các kỹ năng khác nhau trong suốt quá trình đọc. Đặc điểm của 10 bài tập trong nhật kí đọc được thể hiện cụ thể như sau:

Hình ảnh: “Mỗi khi đọc, tôi phải lưu giữ  một hình  ảnh trong đầu tôi về  câu chuyện. Tôi có thể vẽ nó ra trong nhật ký đọc sách và chia sẻ với các bạn trong nhóm. Khi vẽ hình, tôi cần chú thích để ghi nhớ hình ảnh đó từ đâu đến, điều gì làm tôi nghĩ ra nó, và tại sao tôi lại muốn vẽ hình ảnh đó”. Bài tập này giúp học sinh thể hiện liên tưởng, tưởng tượng của mình bằng hình ảnh về một vấn đề trong câu chuyện mà mình tâm đắc và ấn tượng sau khi đọc.  Học sinh vẽ hình ảnh đó trong một bức tranh cụ thể. Học sinh thuyết minh ngắn gọn tại sao mình lại liên tưởng, tưởng tượng ra hình ảnh đó khi đọc sách. Phần giải thích này có thể ghi chú trực tiếp trên hình ảnh hoặc phía sau tranh. Học sinh mang tranh vào lớp để trao đổi, chia sẻ và thảo luận cùng với các bạn trong nhóm và giữa các nhóm trong lớp.

Từ hay: “Tìm ra những từ thực hay/ các từ mới, ngộ nghĩnh có khả năng miêu tả cao mà tôi muốn sử  dụng khi viết; các từ dễ nhầm lẫn,…Viết ra và chia sẻ trong nhóm.Tôi cũng ghi chú lý do chọn những từ này và số trang chúng xuất hiện để dễ tìm lại chúng”. Sau khi đọc, học sinh tự do tìm ra những từ ngữ mà mình cảm thấy thú vị, những từ ngữ mà bản thân còn cảm thấy khó hiểu. Đối với từ hay, học sinh giải thích bằng cách ghi chú lý do mình thích. Đối với từ mới,  ngộ nghĩnh, học sinh không tự giải thích được thì có thể tra cứu hoặc nêu cảm nhận riêng của mình về nó. Đối với từ khó, học sinh sẽ ghi lại vị trí dòng, số trang để dễ tìm và chia sẻ với nhóm khi đến lớp.

Hồ sơ nhân vật: “Nghĩ về một nhân vật yêu thích/lý thú hoặc không thích. Vẽ sơ đồ thể hiện cách thức tôi nghĩ về hình dáng, hành động, cách cư xử, điểm thú vị hay nổi bật của nhân vật đó”. Học sinh chọn một nhân vật mà mình yêu thích và vẽ sơ đồ về nhân vật đó. Sơ đồ có thể được thể hiện bằng nhiều cách  thức khác nhau, từ đơn giản đến chi tiết. Đó có thể là sơ đồ cây thư mục, hình dung về nhân vật bằng hình ảnh cụ thể trong bức tranh kèm chú thích hoặc sơ đồ tư duy. Tùy năng lực, học sinh có thể chọn cách thức thể hiện sự yêu thích của mình về nhân vật bằng nhiều cách. Đối với nhân vật mình không thích, học sinh có thể vẽ hình ảnh, sơ đồ và ghi chú đặc điểm về nhân vật mà mình không thích. Nhân vật không thích qua suy nghĩ của học sinh có thể là một hình dáng không cân đối, xấu xí; cách cư xử thô lỗ,…Đối với học sinh không có năng lực tưởng tượng, năng khiếu vẽ hoặc sơ đồ hóa kiến thức, học sinh có thể sử dụng ngôn ngữ để thuyết minh và chia sẻ trên lớp về nhân vật.

Trình tự sự kiện: “Đôi khi trật tự các sự kiện trong truyện tỏ ra đáng ghi nhớ. Tôi có thể  vẽ  một vẽ một sơ đồ chuỗi các hành động và giải thích vì sao trật tự đó đáng nhớ”. Bài tập này giúp học sinh hệ  thống các thông tin, sự  kiện mà mình đọc được thành một sơ đồ dễ nhớ. Học sinh cần phải tóm tắt các thông tin, sự kiện chính và thể hiện bằng các hình thức như sơ đồ cây thư mục, sơ đồ tư duy,…Việc giải thích trình tự sự kiện trong truyện đòi hỏi học sinh phải đọc kĩ, tìm chính xác các sự  kiện quan trọng, sắp xếp chúng đúng diễn tiến của câu chuyện, mạch cảm xúc, nội dung sách đã đọc.

Nghệ thuật và thủ pháp đặc biệt của tác giả: “Đôi khi tác giả sử dụng từ ngữ đặc biệt, khắc họa rõ nét chúng trong đầu người đọc, làm tôi ước viết được như vậy. Tác giả dùng ngôn ngữ vui nhộn, viết những cuộc đối thoại thực hay… Trong nhật ký đọc sách, tôi sẽ ghi lại các ví dụ về những điều đặc biệt như thế mà tác giả đã dùng trong truyện”. Học sinh tìm ra những từ ngữ, hình thức nghệ thuật đặc biệt về cách xây dựng nhân vật, các biện pháp tu từ, giọng điệu,…độc đáo và ghi lại trong nhật ký của mình. Học sinh có thể chú thích và giải thích theo cách hiểu của mình về tác dụng của việc tác giả đã sử dụng các nghệ thuật đó. Các ví dụ ghi lại có thể là một cụm từ, câu văn hay, đoạn văn ấn tượng mà học sinh cần ghi nhớ để dễ dàng chia sẻ với các bạn trong nhóm nhằm nâng cao vốn từ và rèn cách diễn đạt của bản thân. Bài tập này có thể kết hợp với bài tập về từ hay, đặc sắc truyện.

Điểm sách/ phê bình: “Khi đọc, đôi lúc tôi tự nghĩ “Hoàn toàn tuyệt vời!” Có lúc tôi nghĩ:“Nếu là tác giả, tôi sẽ viết khác hơn”. Tôi sẽ ghi ra những điểm hay của tác giả và những nhược điểm cần khắc phục”. Học sinh nêu đánh giá của mình về ưu và nhược điểm của sách. Đó có thể là đánh giá, nhận xét về cái hay của nội dung, tư tưởng, ý nghĩa; cái đẹp về hình thức nghệ thuật; tài năng của tác giả. Đó có thể là phê bình về những hạn chế của sách. Học sinh cần nêu rõ lý do tại sao mình thấy sách hay, chuyện hay và nêu những phương hướng cụ thể cần khắc phục nhược điểm.

Phần đặc sắc của truyện: “Tôi sẽ ghi lại số trang để nhớ đâu là đoạn đặc sắc của câu chuyện. Ghi các từ mở đầu, và các từ  kết thúc của đoạn này để gợi nhớ và chia sẻ trong nhóm. Sau đó, giải thích tại sao tôi cho rằng câu đó thú vị và đặc biệt”. Học sinh chọn một câu văn, đoạn văn mình yêu thích và ghi chú vị trí dòng, số trang để ghi nhớ và dễ tìm. Các ghi chú này kèm phần giải thích tại sao đoạn đó lại đặc sắc và ấn tượng với mình. Bài tập này có thể kết hợp với bài tập điểm sách, phê bình; nghệ thuật và thủ pháp đặc biệt.

Bản thân và truyện: “Đôi lúc những gì đọc được về nhân vật hay sự kiện nào đó khiến tôi nghĩ về cuộc sống cá nhân mình. Tôi sẽ viết trong nhật ký và kể lại cho các bạn về việc nhân vật, sự kiện, hay ý tưởng nào đó đã làm cho tôi suy nghĩ về cuộc đời của mình”. Học sinh sử dụng kinh nghiệm bản thân về con người, cuộc sống, cách ứng xử, …để làm bài tập này. Những kinh nghiệm học sinh đã trải qua trước đó giúp học sinh hiểu sâu về câu chuyện. Học sinh cũng có thể liên hệ ngược lại, tức là từ câu chuyện, sách mình đọc để hiểu thêm về con người, cuộc sống xung quanh mình. Bài tập này là sự kết nối giữa kinh nghiệm đã có và sách, giữa sách và kinh nghiệm sẽ có. Bài tập này học sinh cũng cần ghi chú lại để chia sẻ, kể lại cho các bạn trên lớp học.

Giải thích: “Khi đọc, tôi suy nghĩ xem tác giả muốn nói với tôi điều gì, muốn tôi ghi nhớ điều gì qua câu chuyện. Tôi có thể viết ra cách giải thích của mình trong nhật kí và chia sẻ với các bạn những suy nghĩ đó. Tôi cần lắng nghe cách giải thích của các bạn khác để so sánh các điểm giống nhau, tương tự, và khác nhau”. Học sinh làm bài tập này để giải thích ý nghĩa văn bản theo cách nhìn của bản thân. Bài tập giúp học sinh có thể tự kiến tạo nghĩa cho văn bản một cách độc lập và sáng tạo. Mỗi học sinh sẽ rút ra ý nghĩa khác nhau sau khi đọc văn bản và việc chia sẻ trên lớp sẽ giúp học sinh học tập và bổ sung những cách hiểu mới.

Quan điểm: “Đôi khi đọc về một nhân vật, tôi nghĩ tác giả đã không xem xét các quan điểm hay ý kiến nào đó. Trong nhật ký, tôi có thể viết ra quan điểm của nhân vật mà tác giả đã không đề cập tới”. Học sinh tưởng tượng, tự đặt mình vào vị trí của một nhân vật mà tác giả ít miêu tả trong văn bản để thể hiện quan điểm của mình về nhân vật.

2.3.2.2. Ý nghĩa của việc sử dụng Nhật ký đọc

Nhật kí đọc tạo cho học sinh có thói quen ghi chép và lưu giữ kiến thức khi đọc sách. Việc đọc sách đồng thời với ghi chép giúp rèn luyện kĩ năng viết, hình thành và phát triển tốt năng lực đọc viết. Bởi vì, học sinh biết cách đọc tốt sẽ viết tốt và ngược lại. nhật kí đọc giúp học sinh hứng thú, khám phá thế giới sách một cách tự giác, độc lập, tự tin. Nhật kí đọc còn giúp cho học sinh tự đọc bất kỳ văn bản văn học nào. Tất nhiên để làm được điều đó thì giáo viên phải hướng dẫn học sinh sử dụng nhật kí đọc để đọc các thể loại văn bản khác nhau. Từ đó, học sinh có thể tự mình đọc các văn bản cùng loại.

2.3.3. Thảo luận, tương tác giữa các chủ thể đọc

          2.3.3.1. Khái niệm thảo luận

Thảo luận có thể hiểu rộng là tất cả các hình thức trao đổi bằng lời giữa các chủ thể trong giờ dạy học đọc hiểu xoay quanh nội dung bài học. Song ở đây chủ yếu đề cập tới các nội dung thảo luận giữa các nhóm học sinh có hoạt động cấu trúc cụ thể. Một cuộc thảo luận chất lượng cần có năm tiêu chí: Cần bắt đầu từ những câu hỏi có giá trị; cả học sinh và giáo viên đều có quyền định hướng và tham gia; Thời gian để tương tác là sẵn sàng; Các mục tiêu thảo luận được thiết lập rõ ràng; Tất cả các thành viên đều nắm được quy tắc đóng góp ý kiến thích hợp. Riêng nhiệm vụ của giáo viên trong quá trình thảo luận bao gồm: Một, giúp tất cả các thành viên tham gia thảo luận lắng nghe. Hai, phát triển những hiểu biết của học sinh về văn bản một cách sâu sắc, rõ ràng hơn. Ba, hướng dẫn đối thoại để đi đến kết quả thảo luận sâu sắc hơn trên cơ sở chọn lọc, phối hợp nhiều ý kiến cá nhân.

2.3.3.2. Cách thức tổ chức thảo luận

Tương tác giữa các chủ thể đọc bằng cách thảo luận là một trong những công cụ rất hữu hiệu của quá trình đọc hiểu. Nhờ vào thảo luận mà học sinh buộc quay lại văn bản, tìm những căn cứ xác thực cho phát biểu của mình, thực hành các chiến thuật đọc hiểu. Thao tác này thực chất không chỉ được áp dụng sau khi đọc hiểu mà có thể áp dụng cho cả hai khâu: Thảo luận trước khi đọc hay thảo luận trong khi đọc. Tuy nhiên, với giới hạn của chuyên đề, chúng tôi định hướng phương pháp này nên được sử dụng phổ biến vào quá trình sau khi đọc hiểu văn bản.

Bước 1: Xây dựng kế hoạch thảo luận      

Đầu tiên giáo viên cần lên kế hoạch thảo luận cho học sinh về văn bản sau khi đọc. Đây là khâu rất quan trọng, giáo viên lên kế hoạch chu đáo bao nhiêu độ thành công, sự hiệu quả của buổi thảo luận có chất lượng bấy nhiêu. Vậy công việc này đòi hỏi giáo viên xác định được mấy vấn đề chính như sau:

Xác định vấn đề cần thảo luận: Cần có sự cân nhắc, lựa chọn chủ đề thảo luận sao cho phù hợp với tầm đón nhận và năng lực đọc hiểu văn bản của học sinh. Muốn thế chủ đề thảo luận phải là những câu hỏi/ những vấn đề có độ phức tạp đáng kể, thực sự cần thiết phải giải quyết, “khiêu khích”, gây tranh cãi không dễ dàng trả lời bằng một kết luận đúng sai hay một phương án duy nhất mà có đáp án mở, cần đưa ra được những bằng chứng thuyết phục, sự lý giải, biện luận một cách tường tận, rõ ràng. Từ việc thảo luận này, học sinh một lần nữa được nhận thức trọn vẹn văn bản như một chỉnh thể nghệ thuật trọn vẹn trong sự liên văn bản với những văn bản đã học, đã đọc.  

Xác định hình thức thảo luận: Gồm có xác định: nhóm thảo luận, thời gian thảo luận và cách thức trình bày thảo luận. Trước hết về nhóm thảo luận, giáo viên cần lưu ý, số lượng thành viên thảo luận là một trong những yếu tố tạo nên hiệu quả buổi thảo luận. Không nên lập nhóm lớn dẫn đến số lượng thành viên ỷ lại, không tích cực nhiều, do đó ta nên lập nhóm nhỏ, có thể dưới 5. Đồng thời giáo viên cần cụ thể hóa công việc cho từng thành viên. Cuối cùng giáo viên cũng cần thống nhất thời gian thảo luận và cách thức trình bày khi thảo luận.

Bước 2: Cho học sinh thảo luận, giáo viên hỗ trợ, điều chỉnh khi cần thiết

Sau khi phân công rõ ràng, giáo viên để học sinh tự làm chủ buổi thảo luận. Lúc này giáo viên đóng vai trò quan sát, phản hồi là chính. Giáo viên vừa đóng vai trò là một chủ thể đọc độc lập, bình đằng trong cộng đồng lớp học vừa đóng vai trò là độc giả có kinh nghiệm hơn về nhiều mặt.

Bước 3: Phản hồi, tổng kết và gợi mở

Đây là khâu quan trọng nhất để các nhóm đứng lên trình bày, đặt câu hỏi và nói lên quan điểm của nhóm về văn bản, từ đó đối thoại với các nhóm khác trong lớp. Giáo viên là người kết nối, dẫn dắt và gợi mở thêm cho học sinh những vấn đề sâu hơn cần khai thác mà học sinh chưa chạm tới. Cuối cùng là tổng kết lại những nội dung chính đã thảo luận và thống nhất.

Tóm lại, thảo luận là một quá trình tương tác cần thiết, quan trọng sau khi học sinh đọc văn bản. Nếu học sinh chỉ đọc ghi nhớ nội dung, không có quá trình phản hồi tương tác trong quá trình thảo luận thì sẽ xảy ra tình trạng đọc mà chưa hiểu. Do đó khâu thảo luận là không thể thiếu, thảo luận vừa giúp cho học sinh phát triển hoàn thiện các năng lực đọc hiểu vừa giúp các em ghi nhớ sâu sắc, có hiệu quả về văn bản, từ đó giúp cho quá trình vận dụng văn bản khi viết bài, so sánh, lấy dẫn chứng tốt hơn.

       

 

 

 

 

 

 

                

Chương 3

THỰC HÀNH ĐỌC HIỂU MỘT SỐ TÁC PHẨM NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH

          Dựa trên những định hướng lý thuyết mà chúng tôi đưa ra ở chương 2, chương 3 chúng tôi đi định hướng thực hành. Chúng tôi lựa chọn bốn văn bản theo bốn định hướng mà chúng tôi đã gợi ý ở phần thứ nhất – chương 2. Cụ thể như sau:

– Chọn tác phẩm của tác giả nổi tiếng trên thế giới: Tác giả Lois Lowry qua tác phẩm  Người truyền kí ức.

– Chọn tác phẩm đạt giải thưởng lớn trên thế giới, chúng tôi tiến hành khảo sát tác phẩm đạt giải Nobel năm 2015: Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ của Svelana Alexievich.

– Chọn tác phẩm cùng đề tài trong chương trình học: Tổ quốc gọi tên –Nguyễn Phan Quế Mai

– Chọn tác phẩm của tác giả lớn trong chương trình, chúng tôi chọn: Vua Lia của Sếcxpia.

Dưới đây là những định hướng đọc hiểu cho học sinh dựa trên những cơ sở lý thuyết đã gợi dẫn ở phần 2 – chương 2:

  1. Hướng dẫn đọc hiểu tác phẩm “Người truyền kí ức” của Lois Lowry

1.1. Định hướng trước khi đọc văn bản

1.1.1. Xác định mục tiêu đọc hiểu văn bản

– Kiến thức:

+ Mở rộng cho học sinh biết tới một tác phẩm từng được đưa vào chương trình học của nước Mỹ.

+ Nắm được nội dung, tư tưởng và các hình thức nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm.

+ Biết vận dụng tác phẩm vào quá trình làm rõ cho một vấn đề lý luận văn học

– Kĩ năng

+ Đọc hiểu một tác phẩm tự sự hiện đại nước ngoài, phân tích được nhân vật trong truyện

+ Tổ chức làm việc nhóm, thuyết trình vấn đề, bồi dưỡng kĩ năng sống.

– Thái độ

+ Hiểu và trân trọng những giá trị cuộc sống

+ Tự tìm cho mình một lựa chọn thích hợp trong cuộc đời

1.1.2. Huy động tích cực tri thức, trải nghiệm đọc hiểu

Học sinh hoàn thành nội dung phiếu học tập sau trước khi đọc

Câu hỏi Câu trả lời
Nhan đề của câu chuyện giúp em hình dung ra nội dung câu chuyện như thế nào?  
Hình ảnh quả táo đỏ và bàn tay cầm nắm quả táo ấy gợi cho em điều gì?  
Dư luận đánh giá như thế nào về cuốn sách  
Hoàn cảnh tác giả viết cuốn sách ấy ra sao?  

Tùy theo nhận thức của từng em mà có những câu trả lời khác nhau, giáo viên cần tôn trọng đọc giả học sinh, không nên áp đặt theo ý mình.

Sau đây là một trong những định hướng trả lời

Câu hỏi Câu trả lời
Nhan đề của câu chuyện “Người truyền kí ức”giúp em hình dung ra nội dung câu chuyện như thế nào? Nhan đề giúp hình dung diễn biến tác phẩm là câu chuyện xoay quanh một nhân vật đảm nhiệm một nhiệm vụ truyền lại kí ức của một ai đó hay một cộng đồng nào đó.
Hình ảnh quả táo đỏ và hai bàn tay cầm nắm quả táo ấy gợi cho em điều gì? Hình ảnh quả táo là một biểu tượng cho kí ức, còn hai bàn tay có lẽ biểu tượng cho người truyền kí ức và người nhận kí ức được truyền.
Dư luận đánh giá như thế nào về cuốn sách Đây là cuốn sách viết cho trẻ em được đánh giá cao, được đưa vào giảng dạy trong các trường học tại Mỹ, song cũng là cuốn sách gây nhiều tranh cãi.
Tác giả cuốn sách là ai?

Hoàn cảnh tác giả viết cuốn sách ấy ra sao?

– Tác giả là một nữ nhà văn sinh năm 1937 tại Hawaii – Mỹ. Bà là tác giả rất nổi tiếng và được trẻ em hâm mộ qua những tác phẩm viết cho trẻ em.

– Tác phẩm được viết năm 1993

1.1. Định hướng trong khi đọc văn bản

– Đây là một văn bản rất khó đọc, không có những tình tiết ly kì nên học sinh phải xác định tâm lý đọc theo đúng như định hướng:

+ Tập trung cao độ

+ Tích cực tư duy khi đọc bằng cách hình dung, tưởng tượng, phán đoán các diễn biến diễn ra với nhân vật chính – cậu bé Jonas sau khi cậu nhận nhiệm vụ lưu giữ kí ức của cộng đồng.

+ Sử dụng các chiến thuật đọc hiểu như: Ghi chú bên lề, kết nối tổng hợp, cuốn phim trí óc…

– Học sinh có thể vừa đọc vừa ghi lại một số tình tiết chính diễn biến câu chuyện

+ Cuộc sống, tâm trạng của Jonas trước khi buổi Lễ Mười hai: vui vẻ, háo hức xen lo lắng

+ Diễn biến của buổi lễ Mười hai

+ Jonas nhận nhiệm vụ là người được lưu giữ kí ức cho cộng đồng và đến nhận nhiệm vụ từ người tiền nhiệm.

+ Sự thay đổi của Jonas sau khi tiếp nhận kí ức của cộng đồng

+ Sự lựa chọn đầy khắc nghiệt nhưng cũng vô cùng dứt khoát của Jonas khi quyết định rời bỏ cộng đồng để chọn cho mình một thế giới khác.

1.3. Định hướng sau khi đọc văn bản

1.3.1. Hướng dẫn học sinh lập hồ sơ tác phẩm

Sau khi đọc văn bản, giáo viên định hướng học sinh làm hồ sơ đọc hoặc nhật kí đọc. Với bài này chúng tôi hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đọc theo hệ thống câu hỏi như đã đưa ra ở phần lý thuyết. Sau đây là chi tiết cụ thể:

HÀNH TRÌNH ĐỌC HIỂU NGƯỜI TRUYỀN KÍ ỨC

  1. Hoàn cảnh gặp gỡ của tôi và tác phẩm

* Tôi biết đến văn bản như thế nào? Vì sao văn bản lọt vào “mắt xanh” của tôi?

–  Nhờ cô giáo giới thiệu trên lớp, tôi thấy tò mò có hứng thú với tác phẩm nên đã tìm cuốn sách để đọc.

– Tôi cũng từng được giới thiệu tác phẩm Người truyền kí ức rất nổi tiếng, từng được dựng thành phim và rất thành công. Do đó tôi quyết định chọn tác phẩm này đọc và tìm hiểu.

* Tôi lấy văn bản từ nguồn nào?

Tôi lấy văn bản từ thư viện sách của trường.

*  Ấn tượng của tôi về văn bản là gì?  Ấn tượng của tôi về văn bản là cách nhà văn tổ chức kết cấu câu chuyện của nhà văn. Nửa đầu câu chuyện là cuộc sống của Jonas khi chưa được hội đồng các bô lão giao nhiệm vụ. Và nửa sau câu chuyện là cuộc sống hoàn toàn thay đổi của Jonas khi đã hiểu về kí ức của cộng đồng. Kết cấu ấy đem đến cảm giác phần đầu rất bình yên và phần sau đầy bão tố, sóng gió xảy đến với Jonas.

  1. Sự tương tác của tôi và văn bản

*  Tôi mong muốn và dự đoán gì trước khi đọc văn bản?

–  Tôi dự đoán câu chuyện sẽ tiết lộ cho độc giả biết những kí ức bí mật của loài người và người giữ nhiệm vụ truyền kí ức ấy hẳn phải có một vị trí quan trọng trong cộng đồng nên nhân vật có thể tác động làm thay đổi kí ức đó.

–  Trước khi đọc văn bản, tôi mong muốn sẽ có một kết thúc có hậu: Nhân vật nào mà mình yêu thích sẽ có một kết thúc có hậu.

*  Những trải nghiệm đọc hiểu cho tôi những kinh nghiệm gì khi tìm hiểu văn bản?

– Tôi tìm đọc những đánh giá về văn bản trước để biết được đây là một tác phẩm rất nổi tiếng, từng được giảng trong các trường học nước Mỹ. Điều này cho tôi hứng thú hơn khi tìm hiểu văn bản.

– Tôi không đọc tác phẩm ngay khi có văn bản trong tay, tôi đọc nhan đề và suy nghĩ về nó, tôi nhìn hình ảnh trên trang bìa và tưởng tượng hình dung. Tôi cũng lật qua để đọc vài dòng giới thiệu về tác giả. Tất cả những trải nghiệm ấy giúp tôi có niềm tin rằng mình đã chọn đúng tác phẩm và kiên trì đọc tới cùng cho dù đoạn đầu tác phẩm rất nhạt, không hấp dẫn.

* Những hình ảnh ấn tượng, đáng nhớ nhất lưu giữ trong tâm trí tôi khi đọc văn bản là hình ảnh nào? Vì sao?

Hình ảnh đáng nhớ nhất lưu giữ trong tôi khi đọc văn bản là cuộc sống tưởng chừng quá hoàn hảo của Jonas và cộng đồng. Cả cộng đồng sống trong bình yên, phẳng lặng không còn đói nghèo, không còn chiến tranh, không còn bị lăng mạ, bị cái xấu đe dọa, con người được trao công việc phù hợp mà không mất công tìm kiếm nhưng lại vô cảm, dửng dưng trước tất cả. Họ không cảm nhận được sắc màu, được cái đẹp, được tình yêu thương. Cuộc sống ấy chỉ là sự hoàn hảo bề ngoài mà sự trống rỗng bên trong, nó đã triệt tiêu hết cảm xúc và lòng nhân ái của con người. Vậy bạn có băn khoăn đây liệu có là cuộc sống hoàn hảo theo đúng nghĩa?

*  Tôi đã huy động những chiến thuật nào khi đọc văn bản?

          Tôi sử dụng chiến thuật ghi chú bên lề, cuốn phim trí óc, hình dung

tưởng tượng, kết nối, tổng hợp.

* Kết quả đọc của tôi về tác phẩm

–  Nội dung văn bản gồm hai phần. Phần đầu tác giả giúp người đọc sống trong một thế giới hoàn hảo, đẹp diệu kì của chốn thiên đàng mà cậu bé Jonas và cộng đồng mình đang sống. Tuy nhiên ấn tượng chung đem tới độc giả là cảm giác nhạt nhẽo và mệt mỏi khi mọi nếp sống hàng ngày đều được lập trình và có quy định chặt chẽ, mất tự do, ai cũng như ai, không có gì khác. Phần sau câu chuyện bắt đầu từ buổi Lễ Mười hai, Jonas được phân công nhiệm vụ là người tiếp nhận kí ức cộng đồng. Sau đó cậu đã được sống trong cảm giác của con người bình thường, biết màu sắc, nghe âm thanh của nhạc, nhớ được những kí ức đau thương của nhân loại, đói rét, chiến tranh nhưng cũng đồng thời biết đến những khoảnh khắc hạnh phúc của yêu thương. Điều này đã làm cuộc sống của Jonas thay đổi, anh nhận ra sự tàn ác của cộng đồng, nhận ra sự vô cảm đáng sợ của gia đình và bạn bè và cuối cùng anh đã quyết định cùng với em gái Gapriel đến một thế giới khác, nơi ấy có thể bị đói, bị đánh, bị lăng mạ nhưng có âm nhạc, có ánh sáng và quan trọng có tình yêu thương.

–  Cấu trúc văn bản chia làm 3 phần

+ Phần 1: Cuộc sống của cậu bé Jonas ở xứ sở hoàn hảo

+ Phần 2: Sự thay đổi trong suy nghĩ, tâm trạng của Jonas sau khi biết được kí ức của cộng đồng.

+ Phần 3: Quyết định của Jonas rời bỏ thế giới của mình để tìm đến một thế giới mới.

– Hình tượng có vai trò quan trọng nhất trong văn bản là cậu bé Jonas – người được cộng đồng chọn là người giữ kí ức, những suy nghĩ, tâm trạng và hành động của cậu quyết định đến diễn biến câu chuyện.

–  Ý nghĩa của câu chuyện:

Cuộc sống có muôn vạn lần bắt bạn phải đứng trước ngã rẽ. Cũng như muôn vạn lần đặt bạn vào, không chỉ hạnh phúc, mà còn có cả nỗi đau. Nhưng cứ lựa chọn đi, dẫu có sai lầm, có phải trả giá, cứ nghe con tim mình và chọn lựa. Vì bạn là người tự quyết định số phận của mình ,đừng trao chúng cho ai khác. Hãy cứ sống đi, tận hưởng niềm vui và nếm trải đớn đau. Cuộc sống này là của bạn. Bạn đang sống ! Hãy cứ sống đi !.

Vì thế giới này là của bạn đây. Với đầy đủ sắc màu, những điều mới mẻ và những người thân quen hay xa lạ đang chờ bạn yêu và yêu lấy bạn. Vì nó chưa phải chỉ còn tồn tại trong kí ức, nên bạn sẽ chẳng phải tiếc nuối đi tìm. Hoặc giả bạn sẽ đặt nó vào trong kí ức, nhưng chưa phải hôm nay.

  1. Văn bản và sự chiêm nghiệm của tôi

* Truyện Người truyền kí ức của tác giả Lowry đã đem đến cho người đọc một thông điệp ý nghĩa: Cuộc sống không chỉ có hạnh phúc, yêu thương, ngọt ngào mà còn có những cay đắng, khổ đau, tai ương, cạm bẫy. Bạn là cá thể trong thế giới đối lập ấy, nhưng bạn đừng chùn bước hãy cứ lựa chọn đi, mạnh dạn tìm cho mình một lối đi, có thể bạn phải trả giá, bạn phải khó khăn song chắc chắn bạn sẽ có được những xúc cảm tự nhiên, những sự yêu thương ấm áp từ mọi người.

* Thông điệp của câu chuyện đã tác động không nhỏ tới học sinh chúng tôi – những người đang đứng trước những ngưỡng cửa cuộc đời. Hãy chọn nơi bình yên hay nơi sóng gió? Chọn cuộc sống nhạt nhẽo hay lắm sắc màu? Chọn cuộc sống vô cảm, dửng dưng hay tràn đầy yêu thương ấm áp? Tất cả nằm trong tay bạn, chỉ riêng bạn mới quyết định được. Vậy đừng trao sự lựa chọn ấy vào tay người khác hãy là người chủ cho chính cuộc đời của mình để không bao giờ bạn phải ân hận hay hối tiếc vì đã sống vì ai khác ngoài mình.

1.3.2. Hướng dẫn học sinh thảo luận về tác phẩm

Bước 1: Xây dựng kế hoạch thảo luận      

– Xác định nội dung thảo luận:

+ Kết cấu của tác phẩm như thế nào? Tại sao tác giả lại xây dựng kết cấu như thế?

+ Câu chuyện diễn ra ở đâu?

+ Tác phẩm có bao nhiêu nhân vật? Em nghĩ những nhân vật ấy biểu tượng cho những điều gì trong cuộc sống?

+ Nhân vật Jonas là cậu bé như thế nào? Lựa chọn của cậu đúng hay sai? Em có đồng tình với lựa chọn đó không? Nếu em là Jonas em sẽ làm như thế nào?

+ Em thích phần nào trong câu chuyện?

+ Em muốn câu chuyện kết thúc như thế nào? Vì sao?

+ Em hãy tìm một nhan đề khác cho truyện? Em muốn hỏi tác giả cuốn truyện điều gì nếu bạn được gặp nhà văn?

+ Em thấy tác phẩm có những hạn chế gì?

– Xác định hình thức thảo luận

+ Thời gian 45 phút

+ Thảo luận theo nhóm, mỗi nhóm 5 thành viên

+ Cấu trúc mỗi nhóm bao gồm: Trưởng nhóm điều hành thảo luận, thư kí nhóm ghi chép nội dung thảo luận, các thành viên khác mỗi thành viên nhận một phần nội dung thảo luận.

Bước 2: Cho học sinh thảo luận, giáo viên hỗ trợ, điều chỉnh khi cần thiết

+ Đại diện nhóm thuyết trình về vấn đề nhóm đã thảo luận

+ Đặt ra những băn khoăn muốn nhờ sự gợi mở của các nhóm khác và thầy cô giáo.

Bước 3: Phản hồi, tổng kết và gợi mở

– Các nhóm khác phản hồi, đưa nhận xét, góp ý

– Giáo viên tổng kết và gợi mở vấn đề cho buổi sau.

  1. Hướng dẫn đọc hiểu tác phẩm Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ của Svelana Alexievich

2.1. Định hướng trước khi đọc văn bản

2.1.1. Xác định mục tiêu đọc hiểu văn bản

– Kiến thức:

+ Trang bị thêm cho học sinh kiến thức văn học về một đề tài quen thuộc trong chương trình: đề tài chiến tranh.

+ Nắm được một cách cơ bản nội dung, tư tưởng và các hình thức nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm.

+ Biết vận dụng tác phẩm vào quá trình làm rõ một vấn đề lý luận văn học

– Kĩ năng

+ Đọc hiểu một tác phẩm văn xuôi phi hư cấu

+ Tổ chức làm việc nhóm, thuyết trình vấn đề, bồi dưỡng kĩ năng sống.

– Thái độ

+ Lên án sự phi nhân của chiến tranh

+ Trân trọng những tiếng nói dù là bé nhỏ của con người trong cuộc sống

+ Có cái nhìn đúng đắn về vị trí của những tác phẩm văn xuôi phi hư cấu trong bức tranh đời sống văn học hiện nay.

2.1.2. Huy động tích cực tri thức, trải nghiệm đọc hiểu

Học sinh huy động những tri thức, trải nghiệm đọc hiểu để hoàn thành nội dung phiếu học tập sau trước khi đọc:

Câu hỏi Câu trả lời
Nhan đề của tác phẩm Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ đã gợi lên trong em những suy nghĩ gì?  
Dư luận đánh giá như thế nào về cuốn sách.  
Theo em tác phẩm này có hướng khai thác gì mới với một đề tài đã trở nên quen thuộc: Chiến tranh?  
Hoàn cảnh tác giả viết tác phẩm như thế nào?  

Tùy theo cảm nhận của từng học sinh mà các em có những câu trả lời khác nhau, giáo viên chỉ đưa ra định hướng, không nên áp đặt câu trả lời theo ý mình.

Sau đây là một trong những định hướng trả lời

Câu hỏi Câu trả lời
Nhan đề của tác phẩm Chiến tranh không có một khuôn mặt phụ nữ đã gợi lên trong em những suy nghĩ gì? Suy nghĩ về vai trò của người phụ nữ trong chiến tranh: Phải chăng họ đã không được nhìn nhận một cách đúng đắn trong tư cách là một người phụ nữ?
Tác phẩm được đánh giá như thế nào? Tác phẩm được trao giải Nobel văn học năm 2015.
Theo em tác phẩm này có hướng khai thác gì mới với một đề tài đã trở nên quen thuộc: Chiến tranh? – Nhìn chiến tranh từ điểm nhìn của người phụ nữ.
Theo em, bối cảnh mà tác giả đề cập tới là cuộc chiến tranh nào? Cuộc chiến vệ quốc của Hồng quân Liên Xô chống lại phát xít Đức.

2.2. Định hướng trong khi đọc văn bản

– Cũng giống như tác phẩm Người truyền kí ức, tác phẩm này cũng là một văn bản rất khó đọc, tác phẩm không có những tình tiết ly kì nên khi đọc học sinh phải xác định tâm lý đọc theo đúng như định hướng:

+ Kiên trì và tập trung cao độ

+ Sử dụng các chiến thuật đọc hiểu như: Ghi chú bên lề, kết nối tổng hợp, cuốn phim trí óc…

– Trong khi đọc, học sinh cần lưu ý tới một số yếu tố sau:

+ Người kể chuyện – những nữ cựu chiến binh Xô Viết, chú ý tới nghề nghiệp, vai trò của người kể và nội dung họ kể.

+ Học sinh cũng nên chú ý tới cách thu thập thông tin của tác giả ở mỗi câu chuyện lại khác nhau. Có câu chuyện tác giả phải đến nhà nhân chứng, tạo ra một không gian thân mật, có khi lấy tin qua các cuộc điện thoại, có khi tác giả viết thư cho nhân chứng, hoặc có lần tác giả đến tham dự vào cuộc họp của các cựu chiến binh…Qua đó để thấy, để ghi lại được những câu chuyện về cuộc chiến, sự thật lâu nay bị lãng quên là một quá trình lâu dài, đầy gian nan vất vả.

2.3. Định hướng sau khi đọc 

2.3.1. Hướng dẫn học sinh làm hồ sơ tác phẩm

Có thể xây dựng hồ sơ tác phẩm theo định hướng sau:

HÀNH TRÌNH ĐỌC HIỂU TÁC PHẨM:

CHIẾN TRANH KHÔNG CÓ MỘT KHUÔN MẶT PHỤ NỮ CỦA NỮ NHÀ VĂN SVELANA ALEXIEVICH

  1. Hoàn cảnh gặp gỡ của tôi và tác phẩm

* Tôi biết đến văn bản như thế nào? Vì sao văn bản lọt vào “mắt xanh” của tôi?

Tiếng vang của tác phẩm, vị trí mà tác phẩm đạt được đã đưa tôi đến với văn bản này.

– Mong muốn đi tìm những tác phẩm viết về chiến tranh trên thế giới để có cái nhìn toàn diện, nhiều chiều về một đề tài phổ biến trong văn học cũng là một trong những lý do đưa tôi đến với văn bản. 

* Tôi lấy văn bản từ nguồn nào?

          Để có được văn bản tác phẩm, tôi đã sử dụng cuốn sách mà mình mua bằng tiền tiết kiệm của bản thân.

* Ấn tượng của tôi về văn bản là gì? 

–  Ấn tượng về cách thu thập thông tin của tác giả, cho thấy tác giả là người rất tâm huyết và quyết tâm tìm mọi cách để những người trong cuộc được lên tiếng, nhằm đem đến cho người đọc một cách nhìn thực tế nhất về cuộc chiến tranh.

– Ấn tượng về những hình ảnh đau thương, ám ảnh mà những nữ quân nhân phải chịu đối mặt trong chiến tranh: Hình ảnh những lọn tóc bị cắt, hình ảnh những cái chết thương tâm, hình ảnh những thau nước giặt nhuốm máu đỏ…

– Ấn tượng về nội dung phản ánh của tác phẩm: Từ những câu chuyện của người phụ nữ kể lại khiến người đọc nhận thức được sự phi nhân của chiến tranh, đồng thời việc để cho những người phụ nữ được lên tiếng giúp người đọc nhìn thấy những sự thật khác về cuộc chiến. Từ đó đặt ra những đối thoại về sự bình đẳng, về dân chủ…

  1. Sự tương tác của tôi và văn bản

* Tôi mong muốn và dự đoán gì trước khi đọc văn bản?

Dự đoán nội dung tác phẩm sẽ ít nhiều điều gây tranh cãi, bởi người ta đã quen với những sự thật được lịch sử ghi lại nhưng hiện thực trong tác phẩm này lại có tính chất thách thức, khơi gợi trong người đọc những chất vấn, đối thoại, buộc họ phải nhìn lại những gì từ trước đến nay họ vẫn tin là đúng.

*  Những trải nghiệm đọc hiểu cho tôi những kinh nghiệm gì khi tìm hiểu văn bản?

* Tôi đã huy động những chiến thuật nào khi đọc văn bản?

          Tôi sử dụng chiến thuật ghi chú bên lề, cuốn phim trí óc, hình dung

tưởng tượng, kết nối, tổng hợp.

*  Kết quả đọc của tôi về tác phẩm

–  Nội dung văn bản gồm hai phần: Phản ánh lịch sử, tâm hồn, sự thật của cảm xúc của những người phụ nữ trong chiến tranh. Qua sự thật ấy ta lại thấy chiến tranh dù ở góc nhìn nào cũng là tội ác với con người, làm rõ gương mặt của người phụ nữ trong chiến tranh, nhờ đó độc giả hiểu đầy đủ hơn về chiến tranh. 

–  Cấu trúc văn bản tái hiện cuộc đời người phụ nữ ở ba chặng

+ Chặng 1: Là lời kể về cuộc đời người phụ nữ khi họ còn là những cô gái 16, 17 tuổi, tâm thế của họ đầy hăng hái bước vào cuộc chiến.

+ Chặng 2: Là chia sẻ về cuộc đời của người phụ nữ khi họ trực tiếp tham gia vào cuộc chiến.

+ Phần 3: Là những chia sẻ về cuộc đời của người phụ nữ bước ra khỏi cuộc chiến, trở về với cuộc sống đời thường.

–  Ý nghĩa của tác phẩm

+ Phản ánh chân thực cuộc chiến tranh dưới góc nhìn của người phụ nữ

+ Tố cáo sự phi nhân của chiến tranh.

+ Giúp cho độc giả có cái nhìn toàn diện, nhiều chiều, thậm chí mới mẻ về một vấn đề quen thuộc.

–  Những đặc sắc nghệ thuật của tác phẩm:

+ Phương pháp thu thập tài liệu của tác giả rất phong phú, đa dạng

+ Đa thanh về giọng trần thuật: Mỗi câu chuyện được kể bởi một nhân chứng khác nhau.

+ Đặt điểm nhìn của người phụ nữ trong sự đối thoại với điểm nhìn của đàn ông.

+ Phá vỡ tình hoàn kết của kết thúc

Ở phần đầu tác phẩm tất cả các người phụ nữ ra trận trong tâm trạng hồ hởi, háo hức giống nhau, dù đôi khi có điểm xuyết bè trầm nhưng nhìn chung gần như chỉ có một bè chủ đạo: quyết tâm chiến đấu, cống hiến cho Tổ quốc. Nhưng đến cuối tác phẩm, khi chiến tranh kết thúc, những nữ cựu binh trở về, rất nhiều bè đã vang lên. Có người thì sung sướng vì chiến tranh kết thúc, có người lại lo sợ, thất vọng, có người lại đau đớn ám ảnh…Tác phẩm đã khép lại nhưng ý nghĩa của nó không hoàn kết. Nó gây cho người đọc sự chất vấn: vì sao chiến tranh kết thúc mà những nữ cựu chiến binh lại không vui mừng? Vì sao họ vẫn day dứt, trăn trở.

  1. Văn bản và sự chiêm nghiệm của tôi

Tác phẩm đem đến cho người đọc những thông điệp ý nghĩa và sâu sắc.                                                                           

– Chiêm nghiệm của tôi về văn bản:

+ Ta không nên dễ dãi trong việc đánh giá, nhìn nhận một vấn đề, không nên nhìn nhận một chiều.

+ Cần biết trân trọng tiếng nói của cá nhân, dù là vô danh, bé nhỏ trong đời sống.

 

2.3.2. Thảo luận sau khi đọc văn bản

Bước 1: Xây dựng kế hoạch thảo luận      

* Xác định nội dung thảo luận

– Thảo luận về những câu hỏi đã làm trong quá trình lập hồ sơ tác phẩm?

– Giáo viên có thể định hướng thêm một số câu hỏi mở rộng

+ Có thể đặt một nhan đề khác cho tác phẩm?

+ Từ tác phẩm này, em có thể kết nối, hình dung tới tác phẩm nào trong và ngoài chương trình mà em đã học? (Giáo viên có thể đưa ra một vài tác phẩm khác cùng đề tài để học sinh tham khảo: Học sinh có thể xem thêm bộ phim Chiến tranh Việt Nam trênTruyền hình Việt Nam).

–  Bài tập về nhà: Viết cảm nhận của mình về tác phẩm

* Xác định hình thức thảo luận

– Thời gian 45 phút

– Thảo luận theo nhóm, mỗi nhóm 5 thành viên

– Cấu trúc mỗi nhóm bao gồm: Trưởng nhóm điều hành thảo luận, thư kí nhóm ghi chép nội dung thảo luận, các thành viên khác mỗi thành viên nhận một phần nội dung thảo luận.

Bước 2: Cho học sinh thảo luận, giáo viên hỗ trợ, điều chỉnh khi cần thiết

+ Đại diện nhóm thuyết trình về vấn đề nhóm đã thảo luận

+ Đặt ra những băn khoăn muốn nhờ sự gợi mở của các nhóm khác và thầy cô giáo.

Bước 3: Phản hồi, tổng kết và gợi mở

– Các nhóm khác phản hồi, đưa nhận xét, góp ý

– Giáo viên tổng kết và gợi mở vấn đề cho buổi sau.

 

  1. Hướng dẫn đọc hiểu tác phẩm Tổ quốc gọi tên của Nguyễn Phan Quế Mai

Đêm qua tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình

                   Bằng tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào ghềnh đá

                   Tiếng Tổ quốc vọng về từ biển cả

                   Nơi bão tố dập dồn, chăng lưới, bủa vây

                   Tổ quốc của tôi! Tổ quốc của tôi!

                   Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ

                   Thắp lên ngọn đuốc Hòa bình, bao người đã ngã

                   Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông

                   Ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình

                   Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc

                   Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước

                   Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau

Sóng chẳng bình yên dẫn lối những con tàu

Sóng quặn đỏ máu những người đã mất

Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc

Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam”

Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng

Để giấc ngủ trẻ thơ bình yên trong bão tố

Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa

Tôi lắng nghe

Tổ quốc

Gọi tên mình!

(Tổ quốc gọi tên – Nguyễn Phan Quế Mai)

 

3.1. Định hướng trước khi đọc văn bản

3.1.1. Xác định mục tiêu đọc hiểu văn bản

– Kiến thức:

+ Nắm được nội dung, tư tưởng và các hình thức nghệ thuật đặc sắc của tác phẩm.

+ Biết vận dụng tác phẩm vào quá trình làm rõ cho một vấn đề lý luận văn học

– Kĩ năng

+ Đọc hiểu một tác phẩm trữ tình hiện đại, phân tích được giá trị nội dung, tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm.

+ Tổ chức làm việc nhóm, thuyết trình vấn đề, bồi dưỡng kĩ năng sống.

– Thái độ

+ Hiểu và trân trọng những giá trị của bài thơ, của cuộc sống

+ Tự tìm cho mình một cách bày tỏ tình yêu nước và thể hiện vai trò, ý thức, trách nhiệm đối với dân tộc.

3.1.2. Huy động tích cực tri thức, trải nghiệm đọc hiểu

Học sinh hoàn thành nội dung phiếu học tập sau trước khi đọc

Câu hỏi Câu trả lời
Nhan đề của bài thơ giúp em hình dung ra nội dung bài thơ như thế nào?  
Hình ảnh “Sóng” được lặp đi lặp lại trong bài thơ gợi cho em điều gì?  
Dư luận đánh giá như thế nào về bài thơ?  
–         Tác giả của bài thơ là ai?

–         Bài thơ ra đời trong hoàn cảnh như thế nào ?

 

Tùy theo nhận thức của từng em mà có những câu trả lời khác nhau, giáo viên cần tôn trọng đọc giả học sinh, không nên áp đặt theo ý mình.

Sau đây là một trong những định hướng trả lời

Câu hỏi Câu trả lời
Nhan đề của bài thơ giúp em hình dung ra nội dung bài thơ như thế nào? Nhan đề của bài thơ “Tổ quốc gọi tên”: giúp mỗi công dân Việt Nam thấy mình cần phải có vai trò, trách nhiệm với đất nước, dân tộc. Hay chính mỗi người con Việt Nam đang gọi tên thiêng liêng Tổ quốc mình.
Hình ảnh “Sóng” được lặp đi lặp lại trong bài thơ gợi cho em điều gì? Hình ảnh “Sóng” được lặp đi lặp lại: sóng dội, sóng chẳng bình yên, sóng quặn, sóng cuồn cuộn: vừa là những con sóng dữ dội ở biển khơi vừa là những con sóng lòng: đó là nỗi đau, lòng căm hận của biển. Đồng thời cũng là nỗi xót xa cho Tổ quốc, sự phẫn nộ của những người con Việt Nam trước những hành vi chia cắt, dẫm đạp lên dáng hình đất nước của kẻ thù 
Dư luận đánh giá như thế nào về bài thơ? Bài thơ ra đời là sự kết nối giao cảm cộng đồng, kết nối tinh thần đoàn kết, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước của chín mươi triệu trái tim người con Việt Nam. Vì vậy không chỉ khi mới ra đời mà ngay trong những ngày này – những ngày mà biển đảo quê hương vẫn bị xâm lấn, dẫm đạp thì ở đâu: trên xe bíp, đài phát thanh, truyền hình Trung ương, địa phương, trên các trang mạng, báo điện tử… đều xuất hiện bài thơ và bài hát Tổ quốc gọi tên mình của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn phổ nhạc từ bài thơ.
–         Tác giả của bài thơ là ai?

–         Hoàn cảnh ra đời của bài thơ?

– Tác giả của bài thơ là Nguyễn Phan Quế Mai, một nhà thơ nữ trẻ sinh 12/08/1973 tại Ninh Bình, lớn lên ở Bạc Liêu. Chị tốt nghiệp cao học chương trình viết văn tại Đại học Lancaster, Anh quốc. Chị đang học và làm việc tại Đại học Lancaster. Ngoài bài thơ chị còn nhiều bài thơ viết về quê hương: Đồng Lộc, Thời gian trắng, Những ngôi sao hình quang gánh…Ngoài ra chị còn một số tác phẩm văn xuôi. Thơ chị nổi tiếng không chỉ ở Việt Nam mà còn ở Anh, Đức, Bỉ, chị có nhiều tác phẩm đã dịch qua Anh ngữ.

– Năm 2015, trên báo chí và mạng xã hội có một số bài tranh cãi về tác giả của bài thơ là của ông Ngô Xuân Phúc. Ngay lập tức, tác giả đưa được những bằng chứng và chứng minh rõ ràng bài thơ là của mình.

– Hoàn cảnh ra đời bài thơ: Bài thơ được sáng tác trên máy bay trong một chuyến đi công tác từ Hà Nội đến Châu Âu. Tác giả viết bài thơ sau khi nhận được câu hỏi phỏng vấn của nhà văn, nhà báo Nguyễn Hòa Bình xoay quanh vấn đề “văn nghệ sĩ và chủ quyền biển đảo”. Khi máy bay cất cánh, nhà thơ nhìn qua cửa sổ thấy Tổ quốc mình là những ngôi nhà nhỏ xinh lấp lánh nắng, những thửa ruộng ngời lên ngư ngọc, những lùm cây xanh thẳm bình yên …. Trong đầu nhà thơ hàng loạt câu hỏi xuất hiện: Điều gì sẽ xảy ra nếu sự bình yên ấy bị một thế lực nào giày xéo? Điều gì sẽ xảy ra nếu ai đó cắt rời những tấc biển khỏi tấc đất Việt Nam? Ôi Tổ quốc, Tổ quốc! Nhà thơ gọi thầm và chợt tiếng động cơ máy bay như tiếng sóng vọng về. Bài thơ được viết rất nhanh, viết một mạch với cảm xúc tuôn trào. Khi máy bay đưa nhà thơ lên những tầng mây trắng, khi nhà thơ không còn nhìn thấy hình hài Tổ quốc, lúc đó bài thơ đã được hoàn thành. Bài thơ được tác giả gửi cho nhà báo Hải Giang – báo Hà Nội Mới qua gmail vào lúc 23:21:22 ngày 20/6/2011 và được báo Hà Nội Mới đăng ngày 26/6/2011. Tháng 7/2015 nhà thơ ra mắt tập thơ Tổ quốc gọi tên mình trong đó có bài thơ Tổ quốc gọi tên.

 

3.2. Định hướng trong khi đọc văn bản

– Đây là một văn bản mới, được viết theo cấu tứ mới lạ, viết về chủ đề biển đảo, tình yêu Tổ quốc, đất nước, nên học sinh phải xác định tâm lý đọc theo đúng như định hướng:

+ Tập trung cao độ

+ Tích cực tư duy khi đọc bằng cách hình dung, tưởng tượng, liên kết các từ ngữ, hình ảnh, biện pháp tu từ…

+ Sử dụng các chiến thuật đọc hiểu như: Ghi chú bên lề, kết nối tổng hợp, cuốn phim trí óc…

– Học sinh có thể vừa đọc vừa ghi lại một số câu thơ, từ ngữ, hình ảnh, những trạng thái cảm xúc của chủ thể trữ tình trong bài thơ.

+ Những từ ngữ khắc họa kẻ thù ngang ngược: kẻ lạ mặt, ngang nhiên, rình rập, dẫm đạp -> Gợi kẻ thù hung tàn, gian ác đồng thời gợi sự phẫn nộ, bất bình trong lòng người đọc.

+ Những câu thơ, từ ngữ, hình ảnh diễn tả sự hi sinh lớn lao của thế hệ cha anh đi trước để bảo vệ chủ quyền biển đảo: bao người đã ngã, Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông, Sóng quặn đỏ máu những người đã mất…

+ Những câu thơ, hình ảnh, từ ngữ nói lên nỗi đau xót của con người Việt Nam trước hình ảnh đất nước bị xâm lấn, chia cắt: Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau, Chín mươi triệu môi người thao thức tiếng “Việt Nam”…-> Đó là nỗi đau tột cùng khi tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc bị xâm phạm.

+ Những biện pháp tu từ: so sánh, nhân hóa, tương phản… giúp người đọc hình dung rõ hơn về tình yêu Tổ quốc, quê hương của nhà thơ.

+ Hai chữ Hòa bình được nhà thơ sử dụng kiểu viết hoa tu từ thể hiện khao khát lẽ sống cao cả của dân tộc.

3.3. Định hướng sau khi đọc văn bản

3.3.1. Hướng dẫn học sinh lập hồ sơ tác phẩm

Sau khi đọc văn bản, giáo viên định hướng học sinh làm hồ sơ đọc hoặc nhật kí đọc. Với bài này chúng tôi hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đọc theo hệ thống câu hỏi như đã đưa ra ở phần lý thuyết. Sau đây là một số định hướng.

 

HÀNH TRÌNH ĐỌC HIỂU TỔ QUỐC GỌI TÊN CỦA NGUYỄN PHAN QUẾ MAI

  1. Hoàn cảnh gặp gỡ của tôi và tác phẩm

*Tôi biết đến tác phẩm như thế nào? Vì sao bài thơ lọt vào “mắt xanh” của tôi?

– Tình cờ tôi nghe được ca khúc trên chiếc rađiô cầm tay vào buổi tối thứ 7. Ca khúc Tổ quốc gọi tên mình qua giọng ca hào hùng của nghệ sĩ nhân dân Quang Thọ. Nghe xong, ngay lập tức tôi vào internet tìm hiểu bài hát và biết được bài hát đó của nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn, lời bài hát được phổ từ bài thơ Tổ quốc gọi tên của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai.

– Tôi cũng từng đọc nhiều bài thơ viết về chủ đề biển đảo (Tổ quốc nhìn từ biển của Nguyễn Việt Chiến) trong những ngày lãnh hải của chúng ta bị tranh chấp. Bài thơ không chỉ dậy sóng ở Việt Nam mà còn dậy sóng ở một số nước như Mĩ về lòng yêu nước, ý thức trách nhiệm với Tổ quốc ngay sau khi nó ra đời. Bài thơ được nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn chuyển thể thành bài hát Tổ quốc gọi tên mình rất thành công và bài hát nhận được nhiều giải thưởng. Do đó tôi quyết định chọn tác phẩm này đọc và tìm hiểu.

* Tôi lấy văn bản thơ từ nguồn nào?

Tôi lấy tác phẩm từ tập thơ Tổ quốc gọi tên mình của nhà thơ Nguyễn Phan Quế Mai, NXB Phụ nữ, có trong thư viện sách của nhà trường.

* Ấn tượng của tôi về bài thơ là gì?

Ấn tượng của tôi về tác phẩm là cách nhà thơ bộc lộ tình yêu biển đảo, tình yêu nước của mình rất chân thực và xúc động. Chính tác giả tâm sự: “Bài thơ bắt đầu bằng nhịp điệu dồn dập, về những hiểm họa mà Tổ quốc đang phải đương đầu, về sự hi sinh, mất mát để rồi thắp lên niềm tin về hòa bình. Trong sâu thẳm lòng mình, tôi ao ước rằng tất cả những xung đột tranh chấp về biển đảo sẽ được hòa giải qua đối thoại và sẽ không có chiến tranh”.

  1. Sự tương tác của tôi và bài thơ:

* Tôi dự đoán và mong muốn điều gì trước khi đọc bài thơ:

– Tôi dự đoán: bài thơ diễn tả được sự phẫn nộ của tác giả cũng như của nhân dân Việt Nam trước những hành vi ngang ngược của Trung Quốc trong việc tranh chấp hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa nhằm từng bước tiến tới độc chiếm biển Đông. Và nếu kẻ thù không chịu dừng bước mà tiếp tục lấn tới gây đau thương, dẫm đạp lên dân tộc Việt Nam thì mọi người dân Việt Nam sẽ sẵn sàng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc thiêng liêng của mình.

– Trước khi đọc bài thơ tôi mong muốn: đất nước sẽ luôn hòa bình, không có chiến tranh, những tranh chấp, xung đột về biển đảo sẽ được hòa giải qua đối thoại.

* Những trải nghiệm đọc hiểu cho tôi những kinh nghiệm gì khi tìm hiểu bài thơ?

– Tôi tìm đọc những đánh giá về văn bản trước, kể cả đọc những bài tranh cái về tác giả của bài thơ. Tôi nghe đi nghe lại bài hát Tổ quốc gọi tên được phổ nhạc từ bài thơ để biết được đây là một bài thơ rất nổi tiếng, có tính thời sự cao không chỉ trong những ngày tháng nó ra đời và tính thời sự của bài thơ không hề nguội ngay trong hiện tại bởi Trung Quốc vẫn có nhiều hành động ngang ngược trên hai quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa của chúng ta. Chính bài thơ đã khơi nguồn mạnh mẽ cho mạch ngầm tình yêu Tổ quốc vẫn âm thầm chảy trong huyết quản của mỗi người con Việt Nam.

– Tôi không đọc bài thơ ngay khi có văn bản trong tay, tôi đọc nhan đề và suy nghĩ về nó, sau đó đọc tiếp hai dòng thơ đầu và âm hưởng tôi nghe Tổ quốc gọi tên mình cứ ngân vang trong khối óc, trái tim mình. Tôi đọc nhanh một mạch hết bài thơ, đọc những dòng giới thiệu về tác giả và hoàn cảnh sáng tác bài thơ. Tôi đọc lại, đọc đến thuộc lòng bài thơ từ lúc nào không hay. Tôi bắt đầu hình dung ,tưởng tượng những hình ảnh Tổ quốc bị chia cắt, nhân dân Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam phải đổ biết bao xương máu để bảo vệ Tổ quốc. Tầng tầng lớp lớp những con sóng quặn đỏ máu chính là nỗi dâu đớn, xót xa trước những  mất mát, hi sinh lớn lao của các thế hệ ch anh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc.

* Những hình ảnh ấn tượng, đáng nhớ nhất lưu giữ trong tâm trí tôi khi đọc văn bản là hình ảnh nào? Vì sao?

Hình ảnh đáng nhớ nhất lưu giữ trong tôi là những câu thơ: Tổ quốc của tôi! Tổ quốc của tôi!/Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ/ Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng….Càng xót xa cho Tổ quốc vì trong suốt bốn ngàn năm lịch sử dân tộc Việt Nam luôn phải đương đầu với giặc ngoại xâm. Đau đớn biết bao, ngày hôm nay kẻ lạ mặt rập rình đất nước không ai khác chính là “người bạn lớn láng giềng” của chúng ta. Nhân dân Việt Nam ở thời nào cũng vậy, sẵn sàng quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh. Để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình, vì ngọn đuốc hòa bình, dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu, tuổi trẻ Việt Nam sẽ không tiếc máu xương của mình, sẵn sàng bảo vệ biển đảo thiêng liêng của dân tộc.

* Tôi đã huy động những chiến thuật nào khi đọc văn bản?

Tôi sử dụng chiến thuật ghi chú bên lề, cuốn phim trí óc, hình dung tưởng tượng, kết nối, tổng hợp

* Kết quả đọc của tôi về tác phẩm

–  Bài  thơ là nỗi niềm thao thiết của một người con xa Tổ quốc(tác giả đang học tập và công tác ở nước ngoài) trước tin dữ: kẻ lạ mặt lại có những hành vi xâm lấn chủ quyền lãnh hải của ta trên biển Đông, ở hai quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa.

– Đó là nỗi xót xa cho Tổ quốc Bốn nghìn năm chưa bao giờ ngơi nghỉ, xót xa trước những hy sinh mất mát lớn lao của các thế hệ cha anh để bảo vệ chủ quyền lãnh hải thiêng liêng Máu của người nhuộm mặn sóng biển Đông/ Sóng quặn đỏ máu những người đã mất.

– Sự phẫn nộ trước những hành vi ngang ngược của kẻ thù Chúng ngang nhiên chia cắt tôi và Tổ quốc/ Chúng dẫm đạp lên dáng hình đất nước và nỗi đau quặn thắt Một tấc biển cắt rời, vạn tấc đất đớn đau.

– Bài thơ còn là sự kết nối tình đoàn kết cộng đồng  từ Nam chí Bắc của công dân Việt Nam quyết tâm bảo vệ Tổ quốc linh thiêng Sóng cuồn cuộn từ Nam chí Bắc/ Chín mươi triệu người lấy thân mình chở che Tổ quốc linh thiêng và  Ngọn đuốc Hòa bình trên tay rực lửa như muốn đánh thức lương tri của nhân loại. Như nhắn gửi một thông điệp toàn cầu về tình yêu Tổ quốc.

– Khép lại bài thơ  bằng những câu thơ ngắn lại nhưng nhịp độ ngân vang lại càng da diết, thao thức

Tôi lắng nghe

Tổ quốc

Gọi tên mình!

          Tổ quốc gọi tên mình và chính chúng ta đang gọi tên thiêng liêng Tổ quốc . Vì vậy bài thơ được viết 6/2011, nhưng tính thời sự của nó không những không “nguội đi”, trái lại càng “nóng lên” trước những hành động ngang ngược của Trung Quốc ở biển Đông. Bài thơ có sức lay động mạnh mẽ trái tim yêu nước của triệu triệu người Việt Nam trên khắp mọi miền Tổ quốc và kiều bào ta ở nước ngoài..

– Ý nghĩa của bài thơ:

    + Trước những tranh chấp về chủ quyền lãnh hải trên biển Đông trong thời gian gần đây, đặc biệt là hành vi ngang ngược của Trung Quốc khi chúng hạ đặt trái phép giàn khoan HD 981 trong vùng thềm lục địa, vùng đặc quyền kinh tế của ta…Bài thơ đã khơi dậy mạnh mẽ, thổi bùng lên ngọn lửa yêu nước, làm sôi sục 90 triệu trái tim của những người con Việt Nam, cho dù họ đang cư trú ở đâu, trên dải đất hình chữ S hay bất kì quốc gia châu lục nào.

+ Qua bài thơ, tác giả muốn gửi gắm ước nguyện: niềm khao khát hòa bình, khao khát sự bình yên cho quê hương đất nước. Cao hơn cả là tình yêu, lòng tự hào, lòng căm hận kẻ thù và tinh thần trách nhiệm đối với với đất nước, dân tộc.

    + Thách thức trước vận mệnh của Tổ quốc chính là cơ hội để tuổi trẻ Việt Nam bày tỏ tình yêu nước, ý thức công dân của mình.

 

  1. Bài thơ và sự chiêm nghiệm của tôi

– Cần khẳng định tình yêu Tổ quốc là một truyền thống quý báu của dân tộc ta đã được hun đúc trong suốt  thời kỳ bốn ngàn năm lich sử. Truyền thống ấy như một mạch ngầm vẫn âm thầm chảy trong huyết quản của mỗi con người Việt Nam.

– Bài thơ giúp mỗi công dân Việt Nam bày tỏ quan điểm của mình trước hành vi và âm mưu xâm lược, từng bước tiến tới độc chiếm biển Đông của Trung Quốc: Việt Nam cực lực phản đối hành vi xâm lược của Trung Quốc.

– Để bảo vệ chủ quyền lãnh hải của mình, vì ngọn đuốc hòa bình, dân tộc Việt Nam sẵn sàng chiến đấu, trước mắt bằng biện pháp hòa bình, thông qua đối thoại và kêu gọi sự ủng hộ của bạn bè và các tổ chức quốc tế. Nếu kẻ thù không chịu dừng bước mà tiếp tục lấn tới thì dân tộc Việt Nam, tuổi trẻ Việt Nam sẽ không tiếc máu xương của mình, sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

        – Qua bài thơ chúng ta rút ra được bài học yêu nước phải tỉnh táo, phải bằng những hành động thiết thực chứ không chỉ là những lời hô hào cổ động. Đồng thời phê phán mọi thái độ thờ ơ với tình hình chính trị nóng bỏng của đất nước.                                                                              

3.2. Hướng dẫn học sinh thảo luận về tác phẩm

* Bước 1: Xây dựng kế hoạch thảo luận      

– Xác định nội dung thảo luận:

+ Bài thơ viết về đề tài gì?

+ Chia bố cục bài thơ và tìm nội dung của từng phần?

+ Nhà thơ đã thể hiện tình yêu nước của mình như thế nào trong bài thơ?

+ Nhà thơ đã mượn nhịp dồn dập của những con sóng để diễn tả những trạng thái cảm xúc như thế nào về biển đảo quê hương?

+ Bạn thích câu thơ nào nhất trong bài thơ? Vì sao?

+ Những từ ngữ, hình ảnh nào trong bài thơ để lại ấn tượng sâu sắc trong bạn?

+ Nhận xét đặc điểm ngôn ngữ, cấu tứ, bút pháp sử dụng trong bài thơ?

+ Nêu ngắn gọn ý nghĩa tư tưởng của bài thơ?

+ So sánh tình yêu nước được thể hiện trong bài thơ với tình yêu nước trong đoạn trích Đất nước (trích Trường ca Mặt đường khát vọng của Nguyễn Khoa Điềm).

+ Bạn hãy tìm một nhan đề khác cho bài thơ? Bạn muốn hỏi tác giả bài thơ điều gì nếu bạn được gặp nhà thơ?

+ Có bao giờ tiếng sóng Trường Sa, Hoàng Sa dội vào trái tim của bạn?

– Xác định hình thức thảo luận

+ Thời gian 45 phút

+ Thảo luận theo nhóm, mỗi nhóm 5 thành viên

+ Cấu trúc mỗi nhóm bao gồm: Trưởng nhóm điều hành thảo luận, thư kí nhóm ghi chép nội dung thảo luận, các thành viên khác mỗi thành viên nhận một phần nội dung thảo luận.

* Bước 2: Cho học sinh thảo luận, giáo viên hỗ trợ, điều chỉnh khi cần thiết

+ Đại diện nhóm thuyết trình về vấn đề nhóm đã thảo luận

+ Đặt ra những băn khoăn muốn nhờ sự gợi mở của các nhóm khác và thầy cô giáo.

* Bước 3: Phản hồi, tổng kết và gợi mở

– Các nhóm khác phản hồi, đưa nhận xét, góp ý

– Giáo viên tổng kết và gợi mở vấn đề cho buổi sau.

  1. Hướng dẫn đọc hiểu tác phẩm Vua Lia của Sếcxpia

4.1. Định hướng trước khi đọc văn bản

4.1.1. Xác định mục tiêu đọc hiểu văn bản

– Kiến thức:

+ Nắm được nội dung, tư tưởng đề tài, thể loại và các mâu thuẫn kịch, nhân vật kịch, các lớp kịch.

+ Biết vận dụng tác phẩm vào quá trình làm rõ cho một vấn đề lý luận văn học

– Kĩ năng

+ Đọc hiểu một tác phẩm kịch, phân tích được đặc trưng của thể loại kịch.

+ Tổ chức làm việc nhóm, thuyết trình vấn đề, bồi dưỡng kĩ năng sống.

– Thái độ

+ Hiểu và trân trọng những giá trị của vở kịch, của cuộc sống

+ Tự tìm cho mình một cách sống đúng nghĩa của cuộc sống một CON NGƯỜI với tất cả ý nghĩa cao quí của từ này.

4.1.2. Huy động tích cực tri thức, trải nghiệm đọc hiểu

Học sinh hoàn thành nội dung phiếu học tập sau trước khi đọc

 

Câu hỏi Câu trả lời
Nhan đề của tác phẩm giúp em hình dung ra nội dung vở kịch  như thế nào?  
Câu nói của cô con gái út Corđêlia với cha:“Con yêu cha theo đúng đạo nghĩa của kẻ làm con” gợi cho em điều gì?  
Dư luận đánh giá như thế nào về vở kịch?  
–         Tác giả của vở kịch là ai?

–         Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh như thế nào ?

 

Tùy theo nhận thức của từng em mà có những câu trả lời khác nhau, giáo viên cần tôn trọng đọc giả học sinh, không nên áp đặt theo ý mình.

Sau đây là một trong những định hướng trả lời

Câu hỏi Câu trả lời
Nhan đề của tác phẩm giúp em hình dung ra nội dung vở kịch như thế nào? Nhan đề của tác phẩm Vua Lia: giúp chúng ta hình dung về một ông vua quyền thế, độc đoán, sống xa hoa hưởng lạc và cuối cùng phải trả giá bằng cái chết.
Câu nói của cô con gái út Corđêlia với cha: “Con yêu cha theo đúng đạo nghĩa của kẻ làm con” gợi cho em điều gì? Khi quyết định phân chia đất nước, vua Lia đã hỏi 3 cô con gái xem ai là người yêu ông nhất. Hai cô chị lần lượt bày tỏ tình cảm của mình bằng lời lẽ văn hoa bùi tai nhờ thế mà họ đã nhận được hồi môn xứng đáng. Cô con gái út dù cha có cho nói lại nhưng nàng chỉ nói câu: Con yêu cha theo đúng đạo nghĩa của kẻ làm con. Đó là một câu nói không hoa mĩ nhưng đã thể hiện được một cách chân thật tình cảm, đạo lí, nghĩa vụ của một người con đối với cha. Đó mới là thứ tình cảm quí báu, chân thành không hề giả dối.
Dư luận đánh giá như thế nào về vở kịch? Vở bi kịch ra đời từ những năm 1605 nhưng có thể nói không một người có học trên trái đất này lại không biết đến Vua Lia.
–         Tác giả của vở kịch là ai?

–         Tác phẩm ra đời trong hoàn cảnh như thế nào ?

– Tác giả của tác phẩm là Uyliam Sêcxpia sinh ngày 23/4/1564 tại nước Anh. Ông là một nhà văn vĩ đại nhất của nền văn học Phục Hưng Tây Âu (XV-XVI). Sáng tạo nghệ thuật của ông đã vượt ra khỏi phạm vi nước Anh mà trở thành tài sản chung của nhân dân thế giới.

– Vở bi kịch Vua Lia được Sêcxpia sáng tác dựa vào cốt truyện cổ dân gian Anh có tên Vua Lia và những người con gái.

4.2. Định hướng trong khi đọc văn bản

– Đây là một vở bi kịch phản ánh sự tan vỡ của hệ tư tưởng và đạo đức phong kiến gia trưởng. Sự tan rã ấy đã phơi bày tất cả tính chất khủng khiếp của các mối quan hệ giữa người với người nên vở kịch chứa đựng nhiều tình tiết li kì, khủng khiếp…vì vậy học sinh phải xác định tâm lý đọc theo đúng như định hướng:

+ Tập trung cao độ

+ Tích cực tư duy khi đọc bằng cách hình dung, tưởng tượng, liên kết các xung đột kịch, mâu thuẫn kịch, hành động kịch và ngôn ngữ kịch.

+ Sử dụng các chiến thuật đọc hiểu như: Ghi chú bên lề, kết nối tổng hợp, cuốn phim trí óc…

– Học sinh có thể vừa đọc vừa ghi lại một số nhân vật kịch, xung đột kịch, một số lời thoại kịch, tình tiết, các hồi, cảnh ấn tượng….

+ Các nhân vật chính: Vua Lia (vua nước Anh), vua nước Pháp, công tước Cornđuôn, bá tước: Anbani, Kent, Glôxtơ, ba cô con gái của vua Lia: Gônơrin, Reegan, Corđêlia, Etga: con trai Glôxtơ. Etmơn: con ngoại tình của Glôxtơ

+ Vua Lia tuổi già sức yếu muốn từ bỏ việc triều đình, chia vương quốc cho con gái làm của hồi môn. Nghe những lời lẽ văn hoa rất bùi tai của hai cô chị về tình cảm của mình dành cho cha nên đã chia cho hai cô chị mỗi người một nửa đất nước, còn cô con gái út nói những lời chân thật không hoa mĩ thì nhà vua không hài lòng, nổi giận và đuổi ra khỏi đất nước. Rất may cô gái út đã được vua nước Pháp đón về làm hoàng hậu -> vua Lia là một người cha mù quáng đã tin vào những lời ngợi ca nịnh hót và ông chính là nạn nhân của sai lầm này.

+ Đọc đến cảnh: sau khi nắm được quyền hành trong tay, hai cô chị trở mặt với bố, từ lạnh nhạt đến hách dịch cuối cùng chúng ruồng bỏ cha, coi vua Lia như đồ thừa vô dụng trong gia đình chúng. Vua Lia phẫn uất hóa điên dại, bỏ lâu đài cung điện ra đi trong một đêm giông bão -> Đọc đến cảnh này chúng ta thấy chính quyền lợi cá nhân ích kỉ đã làm vỡ vụn các mối quan hệ tốt đẹp. Tình người đã bị quyền lực, đồng tiền che lấp.

+ Có thể dùng lời của nhân vật Glôxtơ để khái quát trạng thái nhân thế làm nền cho câu chuyện: Ân ái phai nồng, bằng hữu tuyệt giao, anh em chia rẽ. Thành thị thì phản bạn, nông dân thì khích bác, cung đình thì bội nghịch giữa cha con thì tan nát cương thường. Đọc vở kịch chúng ta thấy rùng mình trước sự tan vỡ của các mối quan hệ trong xã hội.

+ Cuối cùng khi quân Anh và quân Pháp giao chiến. Quân Pháp bại trận, vua Lia và công chúa Corđêlia bị bắt. Etmơn bị công tước Anbani ra lệnh bắt giam vì tội phản bội. Vì muốn chiếm đoạt Etmơn Gonơrin đã đầu độc giết chết Reegan. Etga xuất hiện giao đấu với Etmơn và chiến thắng. Công tước Anbani dùng thư của chính Gônơrin để vạch mặt phản bội của vợ . Gônơrin, Etmơn hấp hối, y đắc ý báo cho mọi người thấy rằng vua Lia, công chúa Corđêlia đang bị giam giữ trong một lâu đài và y đã ra lệnh buộc Corđêlia phải chết! Mọi người đến thì đã quá muộn. Một tên lính theo lệnh Etmơn đã buộc công chúa thắt cổ chết. Vua Lia đau đớn bội phần cũng từ giã cõi đời. Bá tước Gloorrtơ khi biết kẻ dẫn đường cho mình chính là Etga ông đau xót mà chết. Công tước Anbani lên ngôi vua và khôi phục lại chức tước cho bá tước Kent và Etga.

4.3. Định hướng sau khi đọc văn bản

4.3.1. Hướng dẫn học sinh lập hồ sơ tác phẩm

Sau khi đọc văn bản, giáo viên định hướng học sinh làm hồ sơ đọc hoặc nhật kí đọc. Với bài này chúng tôi hướng dẫn học sinh làm hồ sơ đọc theo hệ thống câu hỏi như đã đưa ra ở phần lý thuyết:

 

HÀNH TRÌNH ĐỌC HIỂU VUA LIA

  1. Hoàn cảnh gặp gỡ của tôi và tác phẩm

* Tôi biết đến tác phẩm như thế nào? Vì sao vở kịch lọt vào “mắt xanh” của tôi?

– Trong quá trình đi tìm tư liệu cho đề nghị luận xã hội: Suy nghĩ về ý kiến của Cantauzene: Chúng ta hãy cố gắng để chỉ chết một lần thôi. Trên trang mạng hiện lên Sống hay sống sống – đó là vấn đề (Hămlét – Sêcxpia), ấn con trỏ máy tính vào đó thấy có cả bài giới thiệu về vở bi kịch Vua Lia. Tò mò đọc và ấn tượng với nhận xét: khi không có quyền thế, địa vị, của cải, con người dù có lúc làm vua đi chăng nữa chỉ là con vật hai chân trần trường thảm hại. Và khi trở thành con vật hai chân trần truồng thảm hại chính lúc đó vua Lia mới thực sự trở thành người với ý nghĩa biết phân biệt đúng sai, thật giả, tốt xấu, biết cảm thông với nỗi đau khổ của những người khác.

– Tôi nhận thấy, vở bi kịch ra đời từ thế kỉ XVII nhưng những tư tưởng và thông điệp mà tác giả gửi gắm trong đó về các mối quan hệ: tình cha con, tình anh em, tình vợ chồng, chủ tớ, vua tôi… nó vẫn còn nguyên giá trị trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Vở bi kịch gieo vào lòng người đọc, người xem một câu hỏi khó giải đáp: ý nghĩa của cuộc đời CON NGƯỜI là ở đâu? Do đó tôi quyết định chọn tác phẩm này đọc và tìm hiểu.

* Tôi lấy văn bản từ nguồn nào?

Tôi lấy tác phẩm từ thư viện sách của nhà trường.

* Ấn tượng của tôi về vở kịch là gì?

Ấn tượng của tôi về vở kịch là cách tác giả xây dựng nhiều tấn bi kịch khác bên cạnh tấn bi kịch của vua Lia. Đó là bi kịch của bá tước Glôxtơ, bi kịch của công chúa út Corđêlia. Vua Lia đến lúc mất trí điên loạn mới hiểu ra sự thật. Glôxtơ phải đến lúc mù mắt cũng mới nhìn ra sự thật. Quan trọng là những sự thật đó đâu đến mức khó hiểu, khó nhìn. Nó ở quanh ta, bình thường giản dị, phục trang của nó không hề lòe loẹt để che mắt ta.

  1. Sự tương tác của tôi và vở kịch:

* Tôi dự đoán và mong muốn điều gì trước khi đọc vở kịch:

– Tôi dự đoán vở kịch sẽ tiết lộ cho độc giả biết những ích kỉ nhỏ nhen của lòng người và tất cả những nhân vật xấu xa sẽ phải trả giá. Cái Thiện, cái Chân, cái Mĩ sẽ không bị hủy diệt.

– Trước khi đọc văn bản, vẫn biết kết thúc của bi kịch là như thế nào nhưng tôi vẫn mong muốn kết thúc của vở kịch giống những câu chuyện cổ tích: kết thúc có hậu. Nhân vật tốt, thiện sẽ được đền đáp xứng đáng.

* Những trải nghiệm đọc hiểu cho tôi những kinh nghiệm gì khi tìm hiểu vở bi kịch?

– Tôi tìm đọc những nhận xét, đánh giá về văn bản trước để biết được đây là một trong những vở bi kịch nổi tiếng của Sêcxpia. Vở bi kịch chính là gia tài quý báu nhất mà nghệ thuật kịch của quá khứ để lại cho thế hệ hôm nay tiếp thu, tìm hiểu.

– Tôi không đọc tác phẩm ngay khi có văn bản trong tay, tôi đọc nhan đề và suy nghĩ về nó, tôi nhìn hình ảnh trên trang bìa và tưởng tượng hình dung. Tôi lật lời giới thiệu đầu trang sách để đọc và nắm được những nét cơ bản nhất về tác giả cũng như nội dung vở kịch và những thông điệp tác giả muốn gửi gắm trong đó. Tất cả những trải nghiệm đó giúp tôi có niềm tin mình đã chọn đúng tác phẩm và kiên trì đọc tới cùng cho dù tên của nhiều nhân vật rất khó nhớ, đoạn đầu tác phẩm chưa thực sự hấp dẫn.

* Những hình ảnh ấn tượng, đáng nhớ nhất lưu giữ trong tâm trí tôi khi đọc vở bi kịch là hình ảnh nào? Vì sao?

Hình ảnh đáng nhớ nhất lưu giữ trong tôi khi đọc văn bản là vua Lia trong những năm trị vì ngai vàng ông nghĩ nhờ phẩm chất người mà ông được mọi người đều tôn thờ ông như tôn thờ một con người. Nhưng khi không có quyền thế, địa vị, của cải ông mới nhận ra rằng điều đó là do ngai vàng đem lại. Và con người dù có lúc làm vua đi chăng nữa thì cũng chỉ là con vật hai chân trần truồng thảm hại. Chính lúc này ông mới thực sự trở lại danh hiệu CON NGƯỜI với đúng ý nghĩa của nó. Vậy bạn có băn khoăn và đi tìm lời giải cho câu hỏi: ý nghĩa của cuộc đời CON NGƯỜI là ở đâu?

* Tôi đã huy động những chiến thuật nào khi đọc văn bản?

Tôi sử dụng chiến thuật ghi chú bên lề, cuốn phim trí óc, hình dung tưởng tượng, kết nối, tổng hợp

* Kết quả đọc của tôi về tác phẩm

    – Vua Lia phản ánh sự tan vỡ của hệ tư tưởng và đạo đức phong kiến gia trưởng. Đành rằng đó là hệ tư tưởng và đạo đức đã lỗi thời nhưng không phải vì thế sự tan rã của nó là tất yếu không mang tính bi kịch. Sự tan rã ấy đã phơi bày tất cả sự khủng khiếp, mục ruỗng của các mối quan hệ giữa người với người: cha con, anh em, bằng hữu, vua tôi…

    + Một ông vua  mù quáng nghe theo những lời đường mật của những đứa con xấu xa mà không tin dùng cô con gái út thật thà, tốt bụng.

    + Con khi được cha trao cho của hồi môn, có quyền hành, của cải trong tay đã trở mặt với cha, ruồng bỏ cha.

    + Etmơn một đứa con hoang vì ghen tức với người anh Etga hợp pháp đã lập mưu bằng cách: viết một bức thư giả mạo là của Etga dựng chuyện chàng có mưu đồ giết cha và rủ Etmơn cùng hành động để cướp tài sản, danh vị… Cả tin, người cha đã ra lệnh cho đứa con hoang kia lùng bắt con Etga về trị tội… và cuối cùng Etmơn nham hiểm độc ác đã trở thành đứa con hợp pháp có quyền thừa kế duy nhất.

    + Gônơrin không ưa công tước Anbani chỉ vì công tước thường không tán thành những việc làm trái đạo của hai chị em Gônơrin và Rêgan. Vì thế Rêgan quay ra hằm hè với em định giành Cornđuôn về mình. Cornđuôn cũng biết thế, y toan bắt cá hai tay để dễ bề thâu tóm toàn bộ quyền lực.

    + Nhận được thư Cornđuôn cho bắt bá tước Gloorrtơ truy xét. Cuối cùng chính tay Cornđuôn móc mắt bá tước và dùng chân dày nát. Bất bình, một gia nhân đã dùng gươm đâm chết Cornđuôn. Bá tước bị tống ra khỏi vương quốc.

    + Kết thúc vở bi kịch là cái chết của Ôxoan, Rêgan, Etmơn, Corđêlia, Glôxtơ, vua Lia..

    -> Sự tan vỡ các mối quan hệ ấy phơi bày ra tất cả dưới ánh sáng toàn bộ tính chất khủng khiếp của nó. Mọi mối quan hệ giữa người với người trong vở kịch đều bị nhúng xuống tận đấy bùn nhơ bẩn. Đủ âm mưu ám muội, đủ hành động đê hèn ti tiện, đủ việc làm độc ác man rợ tàn bạo…Đỉnh điểm của cái xấu là hành động của  Cornđuôn – một gã đàn ông và Gônơrin – một mụ đàn bà, chúng hiện ra như loài quái vật trong truyện cổ vậy: móc mắt người, dày cho nát bét dưới chân. Hành động xấu xa tàn bạo ấy chỉ vì thói ích kỉ, quyền lợi cá nhân.

    – Ý nghĩa của vở bi kịch:

    Chính thái độ đầy tính chất gia trưởng, chủ quan khiêu ngạo, tự đánh giá mình quá cao của vua Lia là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến rối ren đảo lộn. Sau này, khi mất tất cả địa vị, của cải ông mới nhận ra chân lý. Tất nhiên chân lý không bao giờ thuộc về những kẻ chủ quan kiêu ngạo. Vì vậy qua vở kịch, tác giả muốn gửi tới bạn đọc thông điệp: Đừng bao giờ chủ quan, kiêu ngạo và tự đánh giá mình quá cao. Mỗi người cần biết trân trọng sự sống hiện tại của mình, cố gắng tạo dựng cuộc đời có ích, có ý nghĩa, không ngừng tu dưỡng rèn luyện, lánh xa cái xấu, cái ác, thói ích kỉ của bản thân. Hãy mở rộng trái tim để trao yêu thương và sống chân thành.

 

  1. Vở bi kịch và sự chiêm nghiệm của tôi

– Con đường đi tới chân lý của vua Lia thật đau khổ. Số phận của vua Lia bi đát nhưng không phải hoàn toàn bế tắc tuyệt vọng. Ông không phải là kẻ mất, nếu có mất chính là mất đi ảo tưởng điên rồ, mất đi cái nhìn chủ quan mà mất đi thói kiêu ngạo. Ông vẫn là kẻ được cho dù cái giá phải trả là quá đắt, quá khủng khiếp:

+ Cái được thứ nhất: ông nhận thấy rằng người ta chỉ sợ vua Lia chứ không sợ Lia.

+ Cái được thứ hai: ông biết rằng mình chẳng có gì đặc biệt hơn người mà cũng như mọi người mà thôi.

+ Cái được thứ ba: khi không còn địa vị quyền thế, chỉ là con vật hai chân trần truồng thảm hại, chính lúc đó Lia mới thực sự trở thành CON NGƯỜI với tất cả ý nghĩa của từ này.

– Thông điệp của vở kịch đã tác động không nhỏ tới học sinh chúng tôi – những người đang đứng trước nhiều sự lựa chọn, nhiều cám dỗ… của cuộc đời. Hãy sống một cuộc đời có ý nghĩa, một cuộc sống đích thực, mở rộng trái tim yêu thương mọi người, hãy trân trọng và yêu thương, chia sẻ với những người xung quanh mình, với cuộc sống hiện tại của mình. Đừng bao giờ để phần CON lấn át phần NGƯỜI.

4.3.2. Hướng dẫn học sinh thảo luận về tác phẩm

* Bước 1: Xây dựng kế hoạch thảo luận      

–  Xác định nội dung thảo luận:

+ Vở kịch viết về đề tài gì? Thuộc thể loại nào?

+ Kể tên những nhân vật chính và nêu mối quan hệ giữa các nhân vật trong vở kịch?

+ Mâu thuẫn của vở kịch là gì? Mâu thuẫn đó bắt nguồn từ đâu?

+ Trung tâm của xung đột kịch là ở nhân vật nào?

+ Nhân vật vua Lia có cuộc đời số phận như thế nào?

+ Tính cách, tâm lí của vua Lia được bộc lộ qua những hành động kịch và ngôn ngữ kịch như thế nào?

+ Bạn thích nhân vật nào nhất trong vở kịch? Vì sao?

+ Những lời thoại, cảnh nào để lại ấn tượng sâu sắc trong bạn?

+ Nêu ngắn gọn ý nghĩa tư tưởng của vở bi kịch?

+ Bạn có sẵn sàng mở lòng tha thứ cho những việc làm và hành động của vua Lia với cô con gái út không?

+  Nếu bạn là vua Lia, khi chọn người nối nghiệp bạn sẽ chọn ai trong ba cô gái: Gônơrin, Reegan, Corđêlia?

– Xác định hình thức thảo luận

+ Thời gian 45 phút

+ Thảo luận theo nhóm, mỗi nhóm 5 thành viên

+ Cấu trúc mỗi nhóm bao gồm: Trưởng nhóm điều hành thảo luận, thư kí nhóm ghi chép nội dung thảo luận, các thành viên khác mỗi thành viên nhận một phần nội dung thảo luận.

* Bước 2: Cho học sinh thảo luận, giáo viên hỗ trợ, điều chỉnh khi cần thiết

+ Đại diện nhóm thuyết trình về vấn đề nhóm đã thảo luận

+ Đặt ra những băn khoăn muốn nhờ sự gợi mở của các nhóm khác và thầy cô giáo.

* Bước 3: Phản hồi, tổng kết và gợi mở

– Các nhóm khác phản hồi, đưa nhận xét, góp ý

– Giáo viên tổng kết và gợi mở vấn đề cho buổi sau.

PHẦN THỨ BA

 KẾT LUẬN

Bản chất của đọc hiểu văn bản văn học là “kiến tạo ý nghĩa của tác phẩm”, là “quá trình tiệm cận đến chân lí”. Hiểu được điều đó, chúng ta sẽ có những giờ đọc hiểu văn bản có ý nghĩa đích thực, cho dù là văn bản trong chương trình hay văn bản ngoài nhà trường. Với một vài định hướng nho nhỏ mà chúng tôi trình bày trên đây hi vọng sẽ là một gợi ý để các em học sinh lớp chuyên văn có những hứng thú, phương pháp để tiếp cận một tác phẩm văn học bất kì, đặc biệt là tác phẩm văn học ngoài nhà trường. Quy trình tiếp cận mà chúng tôi đưa ra là một hành trình liên tục mà bạn đọc học sinh phải nối kết, đó là từ trước khi đọc văn bản đến trong khi đọc và sau khi đọc. Các bước rất đơn giản, rõ ràng, chỉ cần bạn đọc học sinh tiếp cận tác phẩm với tâm thế nhập cuộc và đồng sáng tạo, chắc chắn những định hướng trên sẽ phát huy tác dụng.

Lessing đã từng giả dụ: “Nếu như Chúa cầm trong bàn tay phải của Người toàn bộ chân lý, còn trong bàn tay trái, chỉ có cuộc kiếm tìm chân lí, luôn luôn hoạt động – dù cho cuộc kiếm tìm này chỉ đem lại sai lầm, lần nào cũng vậy và mãi mãi như vậy – và nếu như Chúa phán bảo tôi: “con hãy chọn đi!”, tôi sẽ kính cẩn lao mình vào bàn tay trái của Người và thưa rằng: “Xin cha ban cho con!” vì, dù sao, chân lí thuần khiết chỉ riêng thuộc về cha mà thôi”. Đời sống văn học không ngừng tiếp diễn và ý nghĩa của văn bản văn học vẫn luôn mời gọi người đọc các thế hệ chiếm lĩnh và cảm nhận. Những định hướng chúng tôi sử dụng để tiếp cận và đọc hiểu văn bản văn học ngoài chương trình ở đây chưa phải là chân lí. Văn bản văn học là một kết cấu vô cùng. Mỗi người đọc, với tư cách là một nhà sản xuất ý nghĩa của văn bản như Roland Barthes đã nói, đều có thể tìm thấy những cách đọc riêng, những chân lí riêng. Chúng tôi hy vọng rằng, trong những năm  tiếp theo, vấn đề dạy và học văn sẽ có nhiều đổi mới theo hướng tích cực, học sinh nói chung và học sinh chuyên văn nói riêng sẽ có những phương pháp đọc hiểu chuyên nghiệp để có thể tiếp cận văn bản văn học bất kì, để những giờ học văn không phải là giáo viên rao giảng những lời hay ý đẹp mà là quá trình để học sinh được trình bày quan điểm, lên tiếng về một vấn đề văn học mà các em đang ấp ủ, tư duy!

TÀI LIỆU THAM KHẢO

  1. Lê A (Chủ biên), Thực hành làm văn lớp 12, NXB Giáo dục, H.2009.
  2. Bộ giáo dục và Đào tạo, Tài liệu tập huấn dạy học và kiểm tra đánh giá kết quả học tập theo định hướng phát triển năng lực học sinh môn Ngữ văn cấp THPT, Hà Nội 2014
  3. Nguyễn Thị Dung, Dạy học chủ đề truyện ngắn Việt Nam 1945-1975 ở THPT theo hướng phát triển năng lực đọc hiểu cho học sinh, Luận văn thạc sĩ, 2017.
  4. Phan Huy Dũng, Tác phẩm văn học trong nhà trường phổ thông một góc nhìn, một cách đọc, NXB Giáo dục Việt Nam, H. 2009.
  5. Nguyễn Thái Hà (chủ biên), Ôn luyện thi THPT quốc gia môn Ngữ văn, NXB ĐHQG Hà Nội tháng 4/2015
  6. Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi, Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội, 2000.
  7. Hoàng Thị Minh Hải, Trần Văn Mạnh, Tuyển tập 39 đề thi thử Đại học môn Ngữ Văn, NXB Hà Nội, 2014.
  8. Nguỷễn Mạnh Hùng, Đọc hiểu tác phẩm văn chương trong nhà trường, NXB Giáo dục 2008
  9. Phạm Thị Thu Hương, Đọc hiểu và chiến thuật đọc hiểu văn bản trong nhà trường phổ thông, NXB ĐHSP Hà Nội 2012
  10. Lã Minh Luận, Cẩm nang ôn luyện thi Đại học, Cao đẳng môn Ngữ Văn, NXB Đại học Sư Phạm, H.2013.
  11. Phan Trọng Luận (chủ biên), Ngữ văn 11 cơ bản, NXB Giáo dục, H. 2007.
  12. Nguyễn Đăng Mạnh (Chủ biên), Phân tích – bình giảng tác phẩm văn học lớp 11 Nâng cao, NXB Giáo dục, H. 2007.
  13. Nguyễn Đăng Mạnh (Chủ biên), Phân tích – bình giảng tác phẩm văn học lớp 12 Nâng cao, NXB giáo dục, H. 2010.
  14. Hoàng Phê (Chủ biên), Từ điển Tiếng Việt, NXB Đà Nẵng, 1998.
  15. Trần Đình Sử (Tổng chủ biên), Ngữ văn 10 Nâng cao, NXB Giáo dục, H. 2007.
  16. Thân Phương Thu tuyển chọn, Tuyển tập đề bài và bài làm văn theo hướng mở, Tập I, NXB Giáo dục Việt Nam, H. 2012.
  17. Chu Minh Thoại, Phát triển năng lực đọc hiểu cho học sinh lớp 12 qua dạy học văn bản truyện ngắn Việt Nam sau 1975 theo chủ đề, Luận văn thạc sĩ, 2017.
  18. Đỗ Ngọc Thống Ôn tập Ngữ văn (2 tập), NXB GD Việt Nam tháng 2/2015
  19. Thân Phương Thu tuyển chọn, Tuyển tập đề bài và bài làm văn theo hướng mở, Tập II, NXB Giáo dục Việt Nam, H. 2013.

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *