Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự

Tài liệu Văn

CHUYÊN ĐỀ HỘI THẢO MÔN NGỮ VĂN:

CHI TIẾT NGHỆ THUẬT TRONG TÁC PHẨM VĂN CHƯƠNG TỰ SỰ

  1. Mở đầu

Chi tiết nghệ thuật là một yếu tố vô cùng quan trọng tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm văn chương tự sự. Người đọc có thể yêu thích say mê tác phẩm nhờ một vài chi tiết rất nhỏ. Có khi chỉ qua vài chi tiết nghệ thuật người đọc đã thấy được tầm cỡ của nhà văn và tầm vóc tư tưởng nghệ thuật của tác phẩm. Đây thực sự là một vấn đề quan trọng của lí luận văn học cả trong quá trình sáng tác và tiếp nhận. Đối với quá trình bồi dưỡng và rèn luyện học sinh giỏi ở THPT đây cũng là một vấn đề rất cần được quan tâm. Muốn hiểu hết được cái hay cái đẹp của một tác phẩm tự sự người đọc không chỉ cần quan tâm đến cốt truyện, nhân vật, kết cấu, tình huống…mà còn cần giải mã các chi tiết nghệ thuật. Vấn đề này ngày càng được đặt ra phổ biến hơn trong các dạng đề thi học sinh giỏi. Đây là dạng đề hay nhưng khó đối với học sinh trung học phổ thông. Dạng đề này đòi hỏi học sinh bên cạnh khả năng tư duy tổng hợp phải có cảm nhận sâu sắc tinh tế. Để giải quyết tốt yêu cầu của các đề văn này, học sinh cần được trang bị những hiểu biết về chi tiết, các dạng đề bài liên quan đến chi tiết, phương pháp làm bài cũng như thường xuyên được thực hành, rèn luyện kỹ năng. Chính vì tầm quan trọng và tính cần thiết đó mà chúng tôi đã lựa chọn viết chuyên đề: “Chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự” với hi vọng góp một vài kinh nghiệm nhỏ có tính ứng dụng cụ thể đối với giáo viên và học sinh trong quá trình bồi dưỡng học sinh giỏi.

  1. Nội dung
  2. Khái lược một số vấn đề lí thuyết:
  3. Khái niệm:

Chi tiết là một từ ngữ quen thuộc trong giao tiếp hàng ngày. Theo Từ điển Tiếng Việt (NXB Khoa học xã hội Hà Nội 1988) thì Chi tiết là: Phần rất nhỏ, điểm nhỏ trong nội dung sự việc hoặc hiện tượng (Ví dụ: Kể rành rọt từng Chi tiết). Là thành phần riêng rẻ hoặc tổ hợp đơn giản nhất của chúng có thể tháo lắp được (Ví dụ: Chi tiết máy).

Như vậy trong đời sống hàng ngày từ “Chi tiết” được hiểu và dùng như là một thành tố, một bộ phận nhỏ của một sự việc, tổng thể. Chi tiết được hiểu như là một thành phần thuộc về cấu tạo.

Trong văn học, chi tiết theo định nghĩa của nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi (Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, 1997) là: Các tiểu tiết của tác phẩm mang sức chứa lớn về cảm xúc và tư tưởng và họ gọi chung là chi tiết nghệ thuật. Cũng theo nhóm tác giả này thì: Tuỳ theo sự thể hiện cụ thể, chi tiết nghệ thuật có khả năng thể hiện, giải thích, làm minh xác cấu tứ nghệ thuật của nhà văn, trở thành tiêu điểm, điểm hội tụ của tư tưởng tác giả trong tác phẩm. Chi tiết nghệ thuật gắn với “quan niệm nghệ thuật” về thế giới con người, với truyền thống văn hoá nghệ thuật nhất định.

Chi tiết là những tiểu tiết trong tác phẩm góp phần cấu thành nên tác phẩm. Chi tiết trong tác phẩm tự sự rất phong phú và đa dạng. Dựa vào nội dung của chi tiết có thể chia thành:

–  Chi tiết tình huống truyện

Ví dụ: Chi tiết tình huống truyện trong Vợ nhặt của nhà văn Kim Lân

  • Chi tiết nhân vật:

Ví dụ: Chi tiết Mị cắt dây trói cho A Phủ trong Vợ chồng A Phủ của nhà văn Tô Hoài

  • Chi tiết đồ vật:

Ví dụ: Hình ảnh ngọn đèn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam được coi là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc

  • Chi tiết không gian:

Ví dụ: Ánh sáng/bóng tối trong truyện ngắn Hai đứa trẻ

  • Chi tiết thời gian
  • Chi tiết âm thanh

Ví dụ: chi tiết tiếng sáo của Mị trong Vợ chồng A Phủ

  • Chi tiết màu sắc

Nhìn chung chi tiết trong tác phẩm tự sự rất phong phú và đa dạng vì nó có thể là một lời trần thuật, miêu tả của nhà văn; một cử chỉ, một hành động của nhân vật…Có nhiều cách phân  loại chi tiết khác nhau: nội dung, vị trí (mở đầu/kết thúc/…)…Sự phân chia ở trên cũng chỉ là cơ bản và có tính chất tương đối.

Chi tiết gồm một vài đoạn văn, một đoạn văn(chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao, chi tiết kết thúc truyện ngắn Chiếc thuyền ngoài xa của Nguyễn Minh Châu), một câu văn (chi tiết miêu tả về sự thay đổi của Tràng sau khi có vợ trong truyện ngắn Vợ nhặt của Kim Lân: “Hắn xăm xăm chạy ra giữa sân, hắn cũng muốn làm một việc gì để dự phần tu sửa lại căn nhà”. Chi tiết thậm chí chỉ gồm một vài từ ngữ (chi tiết “dòng nước mắt” của bà cụ Tứ trong Vợ nhặt khi Tràng có vợ).

Trong tác phẩm tự sự thường có nhiều chi tiết ở các cấp độ vai trò khác nhau. Có những chi tiết lặp đi lặp lại nhiều lần xuyên suốt trong tác phẩm, cũng có những chi tiết chỉ được nhắc tới một lần. Người viết phải chọn lọc được những chi tiết đắt giá và tiêu biểu. Những chi tiết nghệ thuật đắt giá thường gắn liền với quan niệm về thế giới và con người, gắn với lí tưởng thẩm mĩ của nhà văn và nó thường xuất hiện ở những tình huống gay cấn, ở những bước ngoặt trong diễn biến cốt truyện và thể hiện rõ bản chất của nhân vật. Chúng thường được nhà văn nhấn mạnh, tô đậm, lặp lại bằng những biện pháp khác nhau.

  1. Vai trò của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm văn chương tự sự:

        Chi tiết nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng trong tác phẩm tự sự như “nhãn tự” trong thơ tứ tuyệt. Chi tiết nhỏ nhưng mang sức chứa lớn về cảm xúc, tư tưởng giúp tác phẩm văn chương tự sự phản ánh được cuộc sống cả ở bề rộng và bề sâu, khám phá được những triết lí nhân sinh sâu sắc.

Chi tiết góp phần thể hiện phẩm chất tích cách nhân vật. Chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo khiến người đọc ngỡ ngàng khi phát hiện ra một thế giới đầy tình người đằng sau vỏ bọc xấu xí của Thị Nở, người đọc cũng xúc động vô cùng trước giọt nước mắt thể hiện nhân tính của Chí Phèo – người bị coi là con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Hay chi tiết Huấn Cao khuyên quản ngục ở cuối tác phẩm Chữ người tử tù giúp người đọc hiểu thêm về thiên lương trong sáng của Huấn Cao. Trong tiểu thuyết Ông già và biển cả của nhà văn Hêminguây, ông lão Santiago đã có cuộc vật lộn vô cùng gian khổ để bắt được con cá kiếm nhưng cuối cùng chỉ mang về được bộ xương vì trên đường trở về con cá kiếm bị cá mập tấn công. Ông lão trở về nghỉ ngơi và trong giấc ngủ ông mơ về những con sư tử. Đây không phải là một chi tiết ngẫu nhiên mà chứa đầy dụng ý nghệ thuật của tác giả khi xây dựng nhân vật. Chi tiết đó cho thấy ông lão không hề nản lòng, ông có thể bị thất bại nhưng ý chí của ông không hề bị tiêu diệt mà vẫn hướng tới một hành trình đầy hứa hẹn phía trước.

Với tác phẩm tự sự, chi tiết cũng đóng vai trò quan trọng trong việc khẳng định chủ đề, tư tưởng của tác phẩm. Chi tiết nói về việc chờ tàu của hai chị em Liên trong Hai đứa trẻ  không đơn thuần kể về một sự việc lặp đi lặp lại hàng đêm của hai đứa trẻ. Hành động đó cũng không đơn giản là đón chờ chuyến tàu mang lại một thế giới đầy ánh sáng rực rỡ sắc màu đối lập hẳn với thế giới tăm tối tù túng ở phố huyện mà là một khát khao đầy nhân bản. Nó góp phần không nhỏ trong việc thể hiện tư tưởng, bức thông điệp mà Thạch Lam muốn gửi tới người đọc. Khát khao của chị em Liên chính là sự thức tỉnh mọi người cố gắng thoát khỏi cái ao đời bằng phẳng để sống một cuộc sống có ý nghĩa hơn, để không còn là những con người vô danh sống cuộc đời vô nghĩa. Đó là tư tưởng được thể hiện xuyên suốt trong tác phẩm.

Thật đúng đắn khi Macxim Gorki cho rằng: “Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn”. Đây là một nhận định tiêu biểu, chính xác khẳng định vai trò to lớn của chi tiết nghệ thuật trong việc thể hiện tầm cỡ của nhà văn. Nếu như tác phẩm trữ tình thiên về hiện thực chủ quan, bộc lộ thế giới tình cảm mãnh liệt đa cung bậc của người nghệ sĩ thì tác phẩm tự sự lại thiên về hiện thực khách quan. Nó phản ánh hiện thực khách quan không chỉ ở bề rộng mà còn ở bề sâu. Bề rộng và sâu ấy đôi khi lại nằm ở những chi tiết rất nhỏ. Nhà văn tài năng chính là những nhà văn xây dựng được chi tiết nghệ thuật như thế. Không phải nhà văn nào cũng đủ tài năng để xây dựng được chi tiết chiếc lá như nhà văn O. Henry trong truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng. Mỗi nghệ sĩ đều khát khao làm nên một kiệt tác để đời. Trong khi nhiều người muốn làm nên tên tuổi của mình qua những đề tài to tát, những hình ảnh cao siêu thì O. Henry lại quan tâm đến những chi tiết đời thường nhỏ nhặt. Một chi tiết chiếc lá nhỏ nhoi trên tường mà làm nên giá trị vĩnh cửu của thiên truyện ngắn Chiếc lá cuối cùng. Cuối truyện chiếc lá giả đã thay thế chiếc lá thật để kéo dài sự sống của Johnsy. Chiếc lá vẽ tượng trưng cho nghệ thuật, nó đặt ra nhiều vấn đề triết lý về mối quan hệ giữa nghệ thuật và cuộc sống. Chiếc lá được vẽ là để phục vụ Johnsy, nghĩa là nghệ thuật vị nhân sinh. Để giúp ích cho đời, nghệ thuật phải phản ánh chân thực cuộc sống. Chiếc là nhỏ nhoi yếu ơt nhưng lại có thể làm hồi sinh một con người. Phải chăng đó là một cách để nhà văn nói với chúng ta: những chi tiết nhỏ vẫn có thể làm nên những tác phẩm lớn. Đặc biệt, để vẽ chiếc lá cứu Johnsy ông họa sĩ đã hi sinh cả mạng sống của mình trong đêm mưa gió. Qua đó, tác giả muốn nói lên rằng, những tác phẩm nghệ thuật đặc sắc thường ra đời trong những cơn giông tố cuộc đời, khi tình yêu thương con người trong trái tim nghệ sĩ đã đạt đến độ chín mùi nhất. Hình tượng lão họa sĩ Behrma đã thể hiện những phẩm chất cần có của người nghệ sĩ chân chính là: tài năng, bản lĩnh, sự từng trải, chịu khó và tình yêu thương con người vô hạn… Trong đó, chữ “tâm” là quan trọng nhất, nó là hạt nhân thúc đẩy sự thành công của nghệ sĩ. Nếu không có tình yêu thương đồng nghiệp sâu sắc thì họa sĩ Beman sẽ chẳng bao giờ làm nên kiệt tác nghệ thuật. Như vậy chỉ qua một chi tiết nhỏ nhưng nhà văn đã gửi gắm được biết bao nhiêu thông điệp. Điều đó chứng tỏ tài năng, tầm cỡ của nhà văn mà không phải ai cũng đạt đến được.

Như vậy chi tiết nghệ thuật có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc tạo nên sức hấp dẫn của tác phẩm tự sự. Đặc biệt đối với truyện ngắn, chi tiết là một trong các yếu tố có vai trò quan trọng bậc nhất. Truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ kể về những nhân vật, sự vật, sự việc…trong đời sống xã hội để hướng đến một mục đích nào đó. Đặc trưng của truyện ngắn là kể, là một chuỗi những sự kiện, hình ảnh, lời văn liên kết với nhau. Hay nói cách khác truyện ngắn là sự kết hợp và tạo thành của những chi tiết. Hơn thế truyện ngắn là thể loại văn xuôi có dung lượng nhỏ được coi như là lát cắt của đời sống. Nếu tiểu thuyết, truyện dài là một dòng đời thì truyện ngắn là khoảnh khắc trong dòng đời ấy. Truyện ngắn cô đúc, ngắn gọn nhưng vẫn chứa đựng đầy đủ những xung đột, mâu thuẫn, tính cách…của nhân vật. Muốn đạt được điều đó chi tiết phải được xây dựng đầy đủ, toàn diện. Các chi tiết cần có sự liên kết chặt chẽ với nhau: lời văn thể hiện hình ảnh, cử chỉ đi liền với hành động, ngôn ngữ đi liền với trần thuật. Các chi tiết đặc trưng là nhỏ rất phù hợp và làm nên sự đặc sắc cho truyện ngắn. Nếu truyện dài hay tiểu thuyết có thể tản mạn, chi tiết không trọng tâm thì trong truyện ngắn, chi tiết cần sự cô đọng, tập trung vào nhân vật, sự việc để biểu hiên nội dung, chủ đề tác phẩm.

Chi tiết nghệ thuật có vai trò quan trọng như vậy nên người nghệ sĩ khi sáng tác cần xây dựng được những chi tiết đặc sắc, đắt giá; người đọc khi khám phá tác phẩm không thể bỏ qua các chi tiết nghệ thuật nếu không sẽ không hiểu hết được những tầng ý nghĩa sâu xa của tác phẩm, không thấy được sự tài hoa của người nghệ sĩ.

  1. Các dạng đề của đề bài về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự:

Các dạng đề văn về chi tiết nghệ thuật rất phong phú và có thể biến hoá đa dạng tuỳ theo ý tưởng khác nhau của người ra đề. Dưới đây là một số dạng đề cơ bản:

  • Phân tích chi tiết nghệ thuật cụ thể trong tác phẩm cụ thể:

Đây là dạng đề phân tích một chi tiết cụ thể trong một tác phẩm nào đó, nghĩa là người viết phân tích một chi tiết đã được đề bài định hướng trước.

Ví dụ 1: Phân tích chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn Chí phèo của nhà văn Nam Cao.

Ví dụ 2: Phân tích chi tiết tiếng sáo trong tác phẩm Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

Đặc biệt cần lưu ý, có những đề văn trong yêu cầu của đề bài không hề nhắc tới từ “chi tiết” nhưng xét đến cùng lại là bài văn trao đổi về một chi tiết nghệ thuật nào đó. Cần hiểu rõ điều này để vận dụng một cách tốt nhất, hiệu quả nhất những kiến thức về lí luận và kĩ năng làm kiểu bài về chi tiết nghệ thuật vào đề văn đó:

Ví dụ 1: Hình ảnh đôi bàn tay của nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn trung Thành

Ví dụ 2: Hình ảnh ngọn đèn trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Ví dụ 3: Ánh sáng/bóng tối trong truyện ngắn Hai đứa trẻ của Thạch Lam

Ví dụ 4: Mảnh trăng trong tác phẩm Mảnh trăng cuối rừng của Nguyễn Minh Châu

Ví dụ 5: Hành động Mị cắt dây trói cho A Phủ và bỏ trốn theo A Phủ trong Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài

  • Phân tích một chi tiết nghệ thuật mà bản thân cảm thấy tâm đắc

Đây là dạng đề mở. Học sinh có quyền lựa chọn một chi tiết nghệ thuật mà mình cảm thấy tâm đắc trong tác phẩm bất kì.

Dạng đề bài này ít cho hơn so với dạng đề thứ nhất.

  • Cho một nhận định có liên quan đến chi tiết nghệ thuật sau đó yêu cầu dùng các dẫn chứng cụ thể để chứng minh

Dạng đề này được sử dụng phổ biến nhất trong các kì thi chọn học sinh giỏi vì nó đánh giá được học sinh ở nhiều phương diện: kĩ năng phân tích đề tìm hiểu đề, kĩ năng lựa chọn và phân tích chi tiết nghệ thuật, khả năng tư duy tổng hợp để có cái nhìn bao quát, khả năng cảm nhận sâu để có những khám phá độc đáo mới mẻ…

Ví dụ 1: “Ở truyện ngắn, mỗi chi tiết đều có vị trí quan trọng như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt. Trong đó những chi tiết đóng vai trò đặc biệt như những nhãn tự trong thơ vậy” (Nguyễn Đăng Mạnh)

Anh (chị) hãy giải thích ý kiến trên. Chọn phân tích một truyện ngắn để làm sáng tỏ ý kiến trên.

Ví dụ 2: Bàn về truyện ngắn, có người viết: “Yếu tố quan trọng bậc nhất của truyện ngắn, là những chi tiết cô đúc, có dung lượng lớn và lối hành văn mang nhiều ẩn ý, tạo cho tác phẩm những chiều sâu chưa nói hết” (Từ điển thuật ngữ văn học, NXB Giáo dục, 1992, tr.253).

Anh (chị) có đồng ý với ý kiến trên? Phân tích một truyện ngắn để làm sáng tỏ.

  1. Những điều cần lưu ý về phương pháp làm kiểu bài liên quan đến chi tiết nghệ thuật:
  2. Đối với dạng đề phân tích chi tiết nghệ thuật cụ thể trong tác phẩm cụ thể:

Với dạng đề này cần lưu ý các bước sau:

– Giới thiệu hoàn cảnh xuất hiện của chi tiết: (xuất hiện khi nào, xuất hiện nhiều lần hay một lần). Sở dĩ như vậy vì chi tiết là tiểu tiết của tác phẩm, là đơn vị nhỏ cấu thành nên tác phẩm, cho nên muốn hiểu được chi tiết cần đặt nó trong to cốt diễn biến cốt truyện. Từ cái nhìn bao quát người đọc mới có thể hiểu được ý nghĩa sâu xa của chi tiết nghệ thuật đó.

Ví dụ: Để hiểu hết ý nghĩa của chi tiết “tiếng sáo” trong Vợ chồng A Phủ người đọc không thể không quan tâm đến những chi tiết trước đó kể về thân phận nô lệ, bị giam hãm bóc lột về thể xác, chà đạp về tinh thần của Mị. Có như vậy người đọc mới hiểu được tiếng sáo ấy là biểu tượng của một sức sống tiềm tàng đang trỗi dậy trong con người Mị.

– Chi tiết nghệ thuật đó thể hiện điều gì trong số phận, tính cách nhân vật

Ví dụ: chi tiết ngọn đèn con của chị Tý trong truyện ngắn Hai đứa trẻ là biểu tượng cho cuộc đời tăm tối, tù túng nơi phố huyện nghèo của hai mẹ con chị nói riêng, của những người dân phố huyện nói chung.

– Chi tiết nghệ thuật đó thể hiện điều gì trong giá trị nhân đạo, giá trị hiện thực của tác phẩm; về quan niệm nhân sinh của người cầm bút; về chủ đề tư tưởng của tác phẩm

Ví dụ: chi tiết kết thúc tác phẩm Chí Phèo: Chí Phèo giết Bá Kiến rồi tự sát là chi tiết nghệ thuật đặc sắc góp phần thể hiện giá trị hiện thực và nhân đạo của tác phẩm: nó phản ánh rõ nét số phận bi kịch của người nông dân trước Cách mạng tháng Tám bị đẩy vào con đường bần cùng hóa lưu manh hóa dẫn đến bế tắc không có lối thoát; là bản án tố cáo quyết liệt những thế lực chà đạp vùi dập quyền sống của con người; thể hiện niềm tin của nhà văn vào tâm hồn lương thiện của con người vì Chí Phèo chết trên ngưỡng cửa trở về làm người lương thiện, anh chết để bảo vệ cho phần nhân tính còn sót lại; gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh xã hội và con người cần phải nhân đạo hơn để những con người như Chí Phèo có cơ hội hòa nhập với cuộc đời.

– Chi tiết thể hiện qua một giọng điệu, ngôn ngữ như thế nào; nó thể hiện điều gì về nghệ thuật của tác phẩm, về tài năng của tác giả.

– Việc sử dụng chi tiết như vậy có phản ánh điều gì trong phong cách nghệ thuật của nhà văn không

Ví dụ: chi tiết “giọt nước mắt” là chi tiết quen thuộc, là đặc trưng trong sáng tác của Nam Cao, nó là dấu hiệu thể hiện sự hồi sinh của nhân tính. Ông khẳng định nước mắt là hạt châu của loài người, là miếng kính biến hình vũ trụ. Nước mắt còn chứng tỏ nhân tính vẫn còn tồn tại. Nuớc mắt giúp thanh lọc phần con để phần người hiện ra: Chí Phèo trong truyện ngắn cùng tên Chí Phèo, Hộ trong truyện ngắn Đời thừa

  1. Đối với dạng đề phân tích một chi tiết mà bản thân cảm thấy tâm đắc:

Ở dạng đề này kĩ năng phân tích chi tiết vẫn giống như dạng thứ nhất. Tuy nhiên trước khi đi vào phân tích có một khâu vô cùng quan trọng là chọn lựa chi tiết. Dạng đề bài này không chỉ đánh giá học sinh ở năng lực cảm thụ văn học sâu sắc và tinh tế mà còn đánh giá kĩ năng lựa chọn chi tiết nghệ thuật chính xác, tiêu biểu, độc đáo, có những phát hiện mới mẻ về ý nghĩa của một chi tiết quen thuộc hay tìm ra một chi tiết đặc sắc mà lâu nay bị bỏ quên.

Không phải mọi chi tiết trong tác phẩm đều có vai trò, vị trí và giá trị như nhau. Có chi tiết chỉ đóng vai trò vật liệu xây dựng, làm tiền đề cho cốt truyện phát triển thuận lợi và hợp lý, nhưng cũng có không ít chi tiết thể hiện tập trung cho cấu tứ của tác giả. Vì vậy, khi chọn lọc chi tiết để phân tích chúng ta không thể không chú ý đến các chi tiết đó.

Với dạng đề này học sinh cần hết sức sáng suốt trong việc lựa chọn chi tiết để bài viết vừa chính xác vừa hay, độc đáo, hấp dẫn.

  1. Đối với dạng đề cho một nhận định rồi yêu cầu phân tích chi tiết để chứng minh

Với dạng đề này học sinh cần nắm vững các kĩ năng của kiểu bài sử dụng thao tác giải thích, bình luận, chứng minh; kĩ năng lựa chọn chi tiết phù hợp, độc đáo và phân tích bám sát yêu cầu của đề. Cần lưu ý các bước sau:

– Giải thích:

+ Giải thích ý nghĩa của nhận định (trả lời câu hỏi nhận định đó có nghĩa là gì): giải thích những từ ngữ cần thiết trong nhận định rồi khái quát lên ý nghĩa của nhận định.

+ Giải thích lí do đưa ra nhận định/ ý kiến đó (trả lời câu hỏi tại sao lại có nhận định/ ý kiến như vậy): dựa vào những kiến thức lí luận văn học liên quan đến chi tiết và một số nguyên nhân liên quan đến bản thân người đưa ra nhận định/ ý kiến (nếu có) (thường là những kinh nghiệm được đúc rút trong quá trình viết văn của nhà văn).

– Bình luận và chứng minh: khẳng định nhận định đúng hay sai rồi tìm dẫn chứng chứng minh để thuyết phục người đọc.

Ở phần này học sinh cần lưu ý:

+ Lựa chọn dẫn chứng chính xác, tiêu biểu, độc đáo. Cả hai yếu tố chính xác, độc đáo đều đánh giá trình độ của học sinh. Không phải chi tiết nào trong tác phẩm cũng được lựa chọn phân tích để làm dẫn chứng

Điều này ở trong nhà trường từ trung học đến đại học, các sách giáo khoa, sách giáo viên về làm văn, các giáo trình… đều đã chỉ rõ. Có thể dẫn chứng từ sách Làm văn 12 (chương trình cải cách): Nội dung khái quát của tác phẩm được gửi gắm qua các chi tiết (lời nói của nhân vật, bộ điệu, cử chỉ, nét mặt, đồ vật, cảnh tượng…). Chi tiết bao giờ cũng có khả năng thuyết minh, biểu hiện cái toàn thể (phạm vi ý nghĩa mà nó thuộc vào). Nhưng không cần và không thể phân tích mọi chi tiết, chỉ cần chọn các chi tiết tiêu biểu nhất, nói lên tư tưởng quan trọng của nhà văn và phù hợp với chủ đề phân tích của đề bài. Biết lựa chọn thì bài làm tập trung, không dàn trải, lan man” (Làm văn 12, SHS tr 57).

+ Phân tích chi tiết được lựa chọn làm dẫn chứng: không phân tích dàn trải như ở dạng 1 mà phân tích trọng tâm bám sát theo yêu cầu của đề bài.

  • Đánh giá, mở rộng:

+ Khẳng định lại nhận định: đúng/sai

+ Bài học: ví dụ nếu đề bàn về tầm quan trọng của chi tiết thì đặt ra bài học cho người sáng tác và tiếp nhận cần phải chú ý đến chi tiết.

  • Hướng dẫn luyện tập một số đề văn:

Ở phần này, chúng tôi hướng dẫn học sinh giải quyết một số đề văn cụ thể. Trong phạm vi một chuyên đề nhỏ, chúng tôi chỉ đề cập đến một vài đề cơ bản.

          Đề 1: Phân tích ý nghĩa chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao

  1. Giới thuyết về chi tiết và vai trò của chi tiết trong truyện ngắn:

– Chi tiết là đơn vị thuộc loại nhỏ trong tác phẩm văn học

– Với truyện ngắn, chi tiết có vai trò đặc biệt quan trọng. Truyện ngắn khác với tiểu thuyết không chỉ vì số lượng trang, chữ, dài ngắn mà còn về nội dung, kết cấu cốt truyện. Tiểu thuyết (truyện dài) vừa dài và dày về số trang, số chữ mà còn miêu tả cuộc sống đầy đủ về không gian và thời gian (dung lượng). Tiểu thuyết phản ánh hiện thực cuộc sống theo một thời gian dài, xẩy ra ở nhiều nơi khác nhau với nhiều nhân vật, thể hiện nhiều vấn đề. Ngược lại truyện ngắn là tác phẩm tự sự cỡ nhỏ, diễn tả một cái khoảnh khắc, chốc lát của cuộc sống nhưng lại đòi hỏi bao khái quát cuộc sống ở bề rộng và bề sâu. Đề giải quyết mâu thuẫn đó các nhà văn sáng tác truyện ngắn thường cố gắng xây dựng các chi tiết đặc sắc, cô đúc, ngôn ngữ mang nhiều ẩn ý, tạo ra cho tác phẩm những chiều sâu về nội dung và nghệ thuật cần phải tìm hiểu. Chi tiết góp phần quan trọng làm nên sức hấp dẫn của truyện ngắn, thể hiện tính cách nhân vật, chủ đề tư tưởng tác phẩm và sự tài hoa của người nghệ sĩ.

– Chi tiết nhỏ làm nên nhà văn lớn. Điều này rất đúng với Nam Cao. Ông được coi là nhà văn xuất sắc nhất của văn học hiện thực phê phán Việt Nam. Góp phần không nhỏ làm nên vị trí đó của Nam Cao là những chi tiết độc đáo đặc sắc. Riêng trong truyện ngắn Chí Phèo, làm nên chiều sâu hiện thực và nhân đạo của tác phẩm là chi tiết bát cháo hành.

  1. Phân tích ý nghĩa của chi tiết:
  2. Khái quát sự xuất hiện của chi tiết:

Xuất hiện trong cuộc đời Chí Phèo khi hắn đã bị xã hội, nhà tù thực dân nhào nặn xô đẩy thành con quỷ dữ của làng Vũ Đại. Hình hài và tâm tính của Chí Phèo có sự thay đổi bất ngờ. Hắn xuất hiện như một nỗi ám ảnh ở làng Vũ Đại. Hắn sống triền miên trong những cơn say. Hắn giao tiếp với cuộc đời bằng tiếng chửi và những hành động lưu manh. Cuộc đời Chí Phèo sẽ trượt dài như thế nếu không có sự xuất hiện của Thị Nở. Sau cái đêm Chí gặp Thị Nở bên bờ sông, ý thức con người trong Chí đã được thức tỉnh. Hắn cứ suy nghĩ vu vơ mãi như vậy nếu như không có sự xuất hiện của Thị Nở với bát cháo hành thơm nức trên tay. Hắn đưa lên miệng và cảm thấy “Trời ơi cháo mới thơm làm sao! Chỉ khói xông vào mũi cũng đủ làm người nhẹ nhõm”. Lần đầu tiên được nếm thử hương vị cháo hành, hắn chợt nhận ra rằng “những người suốt đời không ăn cháo hành không biết rằng cháo hành ăn rất ngon”. Và cái lần hai là khi Chí bị Thị Nở “từ hôn”. Sau khi Thị trút hết những lời bà cô nói vào mặt Chí Phèo và lúc hiểu ra, hắn cứ “ngẩn mặt”, “thoáng một cái, hắn lại như hít thấy hơi cháo hành”. Và đến lúc Thị Nở về rồi, hắn lại lấy rượu ra uống nhưng rượu hôm nay lại mất đi hết cái ma lực của nó, càng uống Chí lại càng tỉnh ra, “hắn cứ thoang thoảng thấy hơi cháo hành”.

  1. Ý nghĩa:

– Bát cháo hành có tác dụng giải cảm

– Sự xuất hiện của Thị Nở trong cuộc đời Chí Phèo cùng bát cháo hành đã khiến hắn có những thay đổi bất ngờ, âm thầm, tinh tế, chân thực:

+ Bát cháo hành do Thị Nở nấu không phải cao lương mĩ vị mà rất xoàng xĩnh. Nó lại được nấu bằng tay Thị Nở – một người đàn bà xấu ma chê quỷ hờn, tính cách dở hơi, dòng giống con nhà mả hủi – nhưng với Chí Phèo nó ngang giá như một món cao lương mĩ vị vì đây là lần đầu tiên Chí Phèo được người khác mang cho chứ không phải đi cướp hay rạch mặt ăn vạ mà có. Với Chí Phèo nó có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Ý thức được sự chăm sóc của Thị Nở, Chí Phèo rất cảm động, mắt hắn hình như ươn ướt. Chí Phèo khóc. Giọt nước mắt ấy là một trong những dấu hiệu đầu tiên cho thấy Chí Phèo chưa bị tha hóa hoàn toàn, lương tri chưa hẳn đã chết trong con người Chí Phèo, ngọn lửa lương thiện chưa bị vùi dập, tiêu diệt. Những giọt nước mắt là khám phá của nhà văn về vẻ đẹp của con người lương thiện trong Chí Phèo.

+ Bát cháo hành là biểu tượng của tình người. Tình người của Thị Nở đã làm hồi sinh tính người trong Chí Phèo. Vừa chạm tới tình người, lốt quỷ dữ của Chí Phèo đã bị trút bỏ, con người lương thiện ngày nào hiện nguyên bản tướng. Lần đầu tiên sau khi ở tù ra, Chí Phèo lắng nghe được những âm thanh thiết tha mời gọi của cuộc sống với tâm trạng say sưa ngỡ ngàng để rồi cháy lên một khát khao làm người lương thiện. Lần đầu tiên sau bao nhiêu ngày tháng chìm trong những cơn say triền miên, Chí Phèo nhận thức được tuổi già và sự cô độc. Tất cả sự đổi thay kì diệu đó chính là nhờ bát cháo hành – biểu tượng của tình người cao đẹp, biểu tượng của hương vị hạnh phúc tình yêu muộn màng.

– Chi tiết này tỏ rõ tầm cỡ của một nhà nhân đạo lớn bởi qua bát cháo hành của Thị Nở ông đã gửi gắm niềm tin bền vững tuyệt đối vào lòng tốt của con người, vào vẻ đẹp lương thiện của con người. Đó không chỉ là vẻ đẹp của Chí Phèo mà còn là của Thị Nở. Thị có ngoại hình xấu, tính cách dở hơi nhưng Thị là người duy nhất trong làng Vũ Đại có một lòng tốt bình thường để yêu thương, làm hồi sinh Chí Phèo. Nam Cao đã tìm thấy cái đẹp ở những cái bất ngờ nhất. Nhà văn cũng ca ngợi sức mạnh của tình yêu thương. Làm được điều đó chứng tỏ ông có một tấm lòng yêu thương con người sâu sắc, phát hiện được ở con người những vẻ đẹp tiềm ẩn không dễ nhận ra.

– Bát cháo hành còn có một biến thể: hơi cháo hành. Bát cháo hành xuất hiện vào lúc Chí Phèo về với cuộc đời. Hơi cháo hành xuất hiện khi Chí Phèo rơi vào tình trạng tuyệt vọng. Nó không giúp bi kịch của Chí Phèo được giải tỏa mà càng đẩy Chí Phèo dấn sâu vào tình trạng cùng đường tuyệt lộ. Từ khi gặp Thị Nở, Chí Phèo tưởng như mình đã có hạnh phúc riêng nhưng ngay cả hương vị cháo hành xoàng xĩnh cũng bị cuộc đời lấy mất. Hơi cháo hành là sự níu giữ Chí Phèo với cuộc đời, Thị Nở là cầu nối đưa Chí về với thế giới của những con người lương thiện. Mất Thị Nở, mất hơi cháo hành, Chí Phèo mất cơ hội cuối cùng để làm hòa với cuộc đời. Với Chí Phèo đây là thời điểm tột cùng của bi kịch. Chí thấy lòng mình tan hoang vì ước mơ đã sụp đổ. Từ tận cùng tuyệt vọng đến tận cùng căm uất, Chí xạch dao đi tiêu diệt kẻ thù của đời mình và cũng thủ tiêu chính sinh mệnh của mình.

Qua biến thể hơi cháo hành, Nam Cao một lần nữa khắc sâu bi kịch đau đớn, quằn quại vật vã của một con người sinh ra làm một con người mà không được làm người. Từ đó trang văn của Nam Cao đã cất lên tiếng nói kết tội gay gắt, phẫn nộ trước những thế lực đen tối đã tước đoạt một cách tàn nhẫn mọi hi vọng sống của con người. Phải là một nhà nhân đạo từ trong cốt tủy Nam Cao mới có được khám phá sâu sắc như vậy.

  1. Đánh giá, mở rộng:

– Chi tiết bát cháo hành là một chi tiết có ý nghĩa sâu sắc, thể hiện rõ phẩm chất tính cách nhân vật; làm sáng rõ chủ đề tư tưởng của tác phẩm; thể hiện tấm lòng nhân đạo cao cả và tài năng của nhà văn.

– Bài học với người sáng tác và người tiếp nhận.

 

          Đề 2: Hình ảnh đôi bàn tay của nhân vật Tnú trong tác phẩm Rừng xà nu của Nguyễn Trung Thành.

Ở kiểu bài này cần xem: chi tiết đó xuất hiện bao nhiêu lần, đánh giá vị trí của nó; phân tích ý nghĩa của nó.

Gợi ý:

  1. Đặt vấn đề: có thể đi từ vai trò của chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm
  2. Giải quyết vấn đề:

* Vị trí:

Hình ảnh đôi bàn tay có một vị trí quan trọng trong tác phẩm “Rừng xà nu” nhất là với nhân vật Tnú. Nó là một chi tiết nghệ thuật đặc sắc, một biểu tượng nhiều ý nghĩa. (khái quát ngắn gọn về vai trò của chi tiết trong truyện ngắn).

Hình ảnh ấy trở đi trở lại nhiều lần trở thành hình ảnh gắn liền với Tnú suốt từ thời thơ ấu đến khi trưởng thành:

– Ấu thơ: ta bắt gặp hình ảnh này khi Tnú:

+ Cầm bút viết chữ

+ Cầm đá đập đầu mình

+ Bàn tay nắm lấy tay cô bé Mai, chăm chỉ chặt củi, xách nước, lên rẫy trồng tỉa, xách xà lét giấu gạo đi nuôi cán bộ Quyết

+ Bàn tay dũng cảm mang công văn đi làm liên lạc vì căm thù thằng giặc vô ngần. Tnú bị bắt, bị tra tấn dã man, kẻ thù vừa đánh đập vừa tra khảo cộng sản ở đâu, Tnú đặt tay lên bụng và nói: cộng sản ở đây

– Tuổi trưởng thành:

+ Khi trốn tù về gặp Mai ở cây vả gần con nước lớn, đôi bàn tay Tnú nắm trọn bàn tay của Mai và giàn giụa nước mắt của Mai

+ Khi kẻ thù tra tấn dã man mẹ con Mai trước mặt Tnú, Tnú vặt hàng chục trái vả mà không hay. Cũng trong lần ấy ta bắt gặp đôi bàn tay Tnú gạt bọn lính và ôm chặt mẹ con Mai vào ngực

+ Khi bị Dục cẩm giẻ tẩm nhựa xà nu quấn vào mười đầu ngón tay và đốt

+ Khi lành vết thương, mỗi ngón tay thiếu một đốt

+ Khi Tnú xông xuống hầm dùng đôi bàn tay siết chặt cổ tên giặc khiến hắn tắt thở

  • Hình ảnh này xuất hiện nhiều lần, trong suốt chặng đường phát triển của cuộc đời Tnú như hình với bóng. Lúc nào Tnú xuất hiện là tác giả miêu tả đôi bàn tay của anh

* Ý nghĩa: (tả thực và biểu tượng):

– Trong quan niệm dân gian bàn tay là một bộ phận quan trọng của con người, gắn với hành động, thành quả của con người. Bàn tay Tnú cũng có ý nghĩa như vậy. Đó là bàn tay lao động, bàn tay chiến đấu.

– Tuy nhiên đôi bàn tay Tnú còn có ý nghĩa biểu tượng: biểu tượng cho cuộc đời anh. Qua đôi bàn tay ta thấu hiểu hiểu một cách đầy đủ, sâu sắc toàn bộ cuộc đời, những phẩm chất, vẻ đẹp của anh

+ Đôi bàn tay nắn nót học chữ, cầm đá đập đầu khi quên chữ biểu tượng cho ý thức, cho sự gan lì gan góc

+ Đôi bàn tay nắm trọn bàn tay Mai, bàn tay bứt trái vả và ôm trọn mẹ con Mai là bàn tay của tình yêu thương với vợ con và có cả sự đau đớn căm thù với giặc

+ Bàn tay đặt lên bụng và nói cộng sản ở đây, bàn tay bị lửa thiêu đốt thành mười ngọn đuốc là biểu tượng cho sự gan góc, kiên cường, tấm lòng thủy chung son sắt với cách mạng, với dân làng của Tnú. Ngọn lửa của âm mưu thâm độc, của tội ác dã man đã không đốt cháy được chất vàng mười trung thành, bất khuất của người chiến sĩ trẻ tuổi Tây Nguyên. Hai bàn tay đuốc lửa của Tnú đã châm ngòi cho phong trào Đồng khởi của dân làng Xô Man vùng lên tiêu diệt bọn giặc tàn ác và trở thành biểu tượng của khí phách Việt Nam trong công cuộc kháng chiến chống ngoại xâm

+ Bàn tay bị đốt đến tàn tật gợi nhắc tội ác của giặc với Tnú, với gia đình anh, với dân làng

+ Đôi bàn tay với ngón tay chỉ còn lại hai đốt vẫn có thể cầm giáo, cầm súng để lên đường chiến đấu thể hiện sức sống bất diệt của con người. “Chúng nó đã cầm súng, mình phải cầm giáo!”, chân lý này giúp dân làng ý thức được tầm quan trọng của vũ khí, không thể không cầm vũ khí, nhưng cũng không nên ỷ lại vào vũ khí, cái quyết định cuối cùng vẫn là đôi bàn tay con người. Chính vì thế, Nguyễn Trung Thành đã cẩn thận kể thêm chi tiết Tnú dùng hai bàn tay không, cụt đốt, đôi bàn tay xiết cổ tất cả những thằng Dục tàn ác hơn cả dã thú. Có thể nói, bàn tay Tnú biểu tượng cho sức mạnh của khối đoàn kết cộng đồng, sự gắn bó mạch sống của mảnh đất, rừng cây và sức sống con người. Đó là đôi bàn tay huyền thoại, vô địch trước sức mạnh của mọi kẻ thù.

  • Bàn tay có ý nghĩa biểu tượng, ý nghĩa kết tinh cuộc đời, phẩm chất Tnú

* Đánh giá:

– Khẳng định lại ý nghĩa sâu sắc của chi tiết nghệ thuật: Biểu tượng cho cuộc đời, phẩm chất Tnú đồng thời thể hiện chủ đề tư tưởng của tác phẩm và tài hoa của tác giả

– Khi phân tích tác phẩm, phân tích nhân vật không thể bỏ qua chi tiết này

– Bài học cho người sáng tác và người tiếp nhận

  1. Kết thúc vấn đề:

 

Đề 3: “Ở truyện ngắn, mỗi chi tiết đều có vị trí quan trọng như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt. Trong đó những chi tiết đóng vai trò đăc biệt như những nhãn tự trong thơ vậy”

(Nguyễn Đăng Mạnh – Trong cuộc tọa đàm về cuốn sách Chân dung và đối thoại của Trần Đăng Khoa báo Văn nghệ số 14, 4/1999)

Anh (chị) hãy giải thích ý kiến trên. Chọn phân tích một truyện ngắn để làm sáng tỏ ý kiến trên.

  1. Giải thích:

– Là gì:

+ Chi tiết là những tiểu tiết nhỏ nhặt nhưng lại là yếu tố nghệ thuật quan trọng của tác phẩm tự sự, là thành phần cấu tạo nên cốt truyện nhằm phục vụ dụng ý nghệ thuật của nhà văn.

+ Chi tiết trong truyện ngắn có vai trò đặc biệt quan trọng như mỗi chữ trong bài thơ tứ tuyệt, như “nhãn tự” (điểm sáng trong bài thơ phát lộ tài năng của nhà thơ).

-> nhận định bàn về vai trò quan trọng của chi tiết trong truyện ngắn

– Tại sao:

+ Thơ nhất là thơ tứ tuyệt là những bài thơ có hình thức nghệ thuật ngắn gọn nhưng hàm chứa nhiều ý nghĩa sâu xa. Để đạt được điều đó nhà thơ xây dựng các nhãn tự – những từ ngữ có sức bao chứa lớn về cảm xúc, tư tưởng. Cũng như vậy, trong truyện ngắn, chi tiết có vai trò vô cùng quan trọng

+ Truyện ngắn cô đọng hàm súc về dung lượng nên mọi chi tiết đều phải có sự lựa chọn kĩ lưỡng của nhà văn (so sánh với tiểu thuyết) (xem lại đề văn về chi tiết bát cháo hành trong truyện ngắn Chí Phèo)

  • Ý kiến của giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh hoàn toàn đúng đắn, khẳng định tầm quan trọng của chi tiết với thể loại truyện ngắn, đặt ra yêu cầu sáng tạo các chi tiết độc đáo
  1. Phân tích, chứng minh: học sinh có thể chọn phân tích một trong số các truyện ngắn tiêu biểu đã được học trong chương trình để làm sáng tỏ các vấn đề song cần đảm bảo các yêu cầu sau:
  • Giới thiệu vị trí tác giả, tác phẩm trong nền văn học
  • Lựa chọn và phân tích các chi tiết độc đáo làm nên giá trị của tác phẩm
  • Khẳng định tài năng của nhà văn
  1. Đánh giá, mở rộng:

* Chúng tôi chọn phân tích truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài để làm ví dụ. Chúng tôi phân tích một số chi tiết cơ bản có ý nghĩa, học sinh cần vận dụng một cách linh hoạt tùy vào thời gian của bài viết.

– Truyện ngắn Vợ chồng A Phủ của Tô Hoài là một minh chứng tiêu biểu thể hiện vai trò quan trọng của chi tiết trong truyện ngắn. Tô Hoài là một nhà văn lớn của văn học Việt Nam hiện đại. Ông có vốn hiểu biết phong phú, sâu sắc về phong tục tập quán của nhiều vùng khác nhau của đất nước. Vợ chồng A Phủ là một trong những tác phẩm thành công xuất sắc của ông. Năm 1952 Tô Hoài đi cùng với bộ đội vào giải phóng Tây Bắc. Trong chuyến đi này nhà văn đã có dịp sống gắn bó với đồng bào các dân tộc thiểu số (Thái, Mường, Mông, Dao…) nên đã để lại nhiều kỉ niệm, hiểu biết về cuộc sống, con người miền núi. Những điều đó thôi thúc Tô Hoài viết Truyện Tây Bắc trong đó có Vợ chồng A Phủ. Tác phẩm in trong tập Truyện Tây Bắc.

Chủ đề của truyện có hai ý: phản ánh thân phận đau khổ của người nông dân miền núi dưới ách thống trị áp bức của các thế lực phong kiến và thực dân, đồng thời là một bài ca về sức sống và khát vọng tự do của con người miền núi, là hình ảnh con đường giải phóng và cuộc đời cách mạng của họ. Vì vậy, khi chọn tác phẩm này để làm nổi bật vai trò của chi tiết trong truyện ngắn, chúng tôi tập trung khai thác các chi tiết xoay quanh nhân vật Mỵ để vừa thấy được ý nghĩa của chi tiết trong việc thể hiện số phận tính cách nhân vật vừa thấy được ý nghĩa của nó trong việc bộc lộ chủ đề tư tưởng của tác phẩm.

– Những chi tiết đầu truyện miêu tả về nhân vật Mị đã gây ấn tượng sâu sắc với người đọc về thân phận một con người: “Ai ở xa về có việc vào nhà thống Lý Pá Tra thường trông thấy có một cô con gái ngồi quay sợi bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa. Lúc nào cũng vậy, dù quay sợi, thái cỏ ngựa, dệt vả, chẻ củi hai đi cõng nước dưới khe suối lên, cô ấy cũng cuối mặt, mặt buồn rười rượi … Cô ấy là vợ A Sử, con trai của Thống Lý Pá Tra”. Ở đoạn giới thiệu này học sinh nên tập trung vào chi tiết: Lúc nào … cũng cúi mặt, mặt buồn rười rượi.  Mị không được lấy người mình yêu mà phải ăn đời ở kiếp với một người mà mình sợ hãi. Hơn nữa uy quyền, thần quyền, đồng tiền của nhà thống lý Pá Tra đã biến Mị thành một đứa con dâu gạt nợ, là nô lệ. Điều đó làm Mị đau khổ, Mị khóc ròng rã mấy tháng trời và từng có ý định ăn nắm lá ngón kết thúc cuộc đời mình. Thế nhưng “sống lâu trong cái khổ, Mị quen khổ rồi”. Chính vì thế Mị đã buông xuôi trước số phận đen tối của mình, trái tim của Mị dần chai sạn. Đặc biệt chi tiết Mỵ ngồi “bên tảng đá trước cửa, cạnh tàu ngựa”. Tác giả đã rất tinh tế và sâu sắc khi đặt nhân vật trong sự đối lập với khung cảnh xung quanh: giữa cảnh giàu sang của nhà Thống Lý Pá Tra “nhiều nương, nhiều bạc, nhiều thuốc phiện nhất làng” thì Mỵ đặt ngang với vật vô tri vô giác, vị trí thấp kém: tảng đá, tàu ngựa. Ẩn dụ này chính là thân phận thấp hèn, với địa vị nô lệ mặc dù Mỵ là con dâu của Thống Lý Pá Tra. Ngoài các chi tiết trên, còn có rất nhiều chi tiết khác nữa như chi tiết “Mỗi ngày Mị càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”, chi tiết “Ở cái buồng Mị nằm, kín mít, có một chiếc cửa sổ một lỗ vuông bằng bàn tay. Lúc nào trông ra cũng chỉ thấy trăng trắng, không biết là sương hay là nắng”. Chi tiết này góp thêm ý nghĩa vào việc miêu tả thân phận của Mỵ ở Hồng Ngài. Mỵ không chỉ là kẻ nô lệ thấp kém trong gia đình Pá Tra mà còn như là một người tù đang ở chính ngay trong nhà chồng. Đặc biệt qua chi tiết căn buồng, nhà văn đã tạo dựng lên một thứ ngục thất tinh thần, nó không chỉ giam hãm thân xác, mà còn giam hãm cả tuổi xuân và tình yêu của Mị.

– Tiếp theo, đi sâu vào các chi tiết làm nổi bật: nỗi đau thể xác, nỗi đau tinh thần và sức sống kỳ diệu của nhân vật Mị (đây là nhân vật trung tâm thể hiện chủ đề tác phẩm nên chọn các chi tiết xoay quanh nhân vật này).

+ Những chi tiết làm nổi bật nỗi đau thể xác của Mị: “Bao giờ cũng thế, suốt năm suốt đời như thế. Con ngựa, con trâu làm còn có lúc, đêm nó còn được đứng gãi chân, đứng nhai cỏ, đàn bà con gái nhà này thì vùi vào việc làm cả đêm cả ngày” đã nói lên sự hành hạ, bóc lột thậm tệ sức lao động của con người. Nội dung này càng được khẳng định qua chi tiết người chị dâu tuổi chưa cao nhưng lưng đã còng sát đất. Rồi chi tiết Mỵ bị trói đứng vào cột nhà trong suốt đêm, chi tiết A Sử đạp chân vào mặt Mỵ khi cô đang bóp chân cho hắn, chi tiết A Sử đi chơi đêm về thấy Mỵ ngồi sưởi đã đánh Mỵ ngã ngay suống bếp… Các chi tiết ấy đều có ý nghĩa hết sức sâu sắc. Chỉ đơn cử chi tiết hằng đêm Mỵ thức dậy sưởi lửa, bị A Sử đánh gục xuống bếp nhưng đêm mai Mỵ vẫn thức dậy như không có chuyện gì xảy ra đã mang rất nhiều lớp nghĩa: đó là sự tố cáo tội ác của A Sử nói riêng, bọn quan lại nói chung; là việc thể hiện Mỵ chỉ còn là cái xác không hồn, Mỵ giống như một chiếc máy đã được lập trình. Tuy nhiên nhìn sâu hơn chi tiết này lại mang ý nghĩa Mỵ đang vô cùng lạnh lẽo, cô đơn và cái cô lạnh ấy bắt Mỵ phải tìm đến bếp lửa, sự thèm khát hơi ấm đã giúp Mỵ chiến thắng mọi sợ hãi. Như vậy bên trong sự băng giá vẫn đang tồn tại một cô Mỵ với một niềm khát sống mãnh liệt.

+ Ở khía cạnh nỗi đau tinh thần, học sinh cần khai thác các chi tiết có ý nghĩa quan trọng nhất như chi tiết con dâu gạt nợ (chi tiết này không chỉ nói lên nỗi đau của Mỵ mà còn tố cáo sự độc ác thâm hiểm của chế độ lang đạo miền núi trước Cách mạng tháng Tám.), chi tiết “Cô Mỵ về làm dâu nhà Pá Tra đã mấy năm. Từ năm nào, cô không nhớ”, chi tiết “Bây giờ thì Mỵ tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa, là con ngựa phải đổi ở cái tàu ngựa nhà này đến ở cái tàu ngựa nhà khác, ngựa chỉ biết việc ăn cỏ, việc đi làm mà thôi”. Đây là những chi tiết thể hiện rõ nhất nỗi đau tinh thần của Mị, người con gái cực khổ ấy đã hoàn toàn đánh mất cảm giác về thời gian và không gian, không nhớ ngày tháng, không nhớ nơi mình đang ở mà chỉ “nhớ đi nhớ lại những việc giống nhau, tiếp nhau vẽ ra trước mặt, mỗi năm mỗi mùa, mỗi tháng lại làm đi làm lại”.

+ Nhà văn đã rất thành công trong việc miêu tả tâm lý nhân vật Mỵ để nói lên sự trỗi dậy mãnh liệt của lòng ham sống và khát khao hạnh phúc ở nhân vật này. Chi tiết Mỵ cởi trói cho A Phủ là đỉnh cao của sự trỗi dậy ở Mỵ, là hành động tất yếu không thể khác hơn. Có điều nhà văn đã khéo léo trong việc dẫn dắt, miêu tả diễn biến phức tạp tâm trạng của nhân vật và chi tiết “tiếng sáo gọi bạn tình” chính là bước dẫn dắt đó.

+ Chi tiết “tiếng sáo gọi bạn mùa xuân”: trước đó sống trong cảnh nô lệ ở nhà Thống Lý Pá Tra, Mỵ đã định tự tử bằng lá ngón, nhưng vì thuơng cha nên Mỵ không thực hiện. Dần dần Mỵ bị tê liệt sức phản kháng: “Ở lâu trong cái khổ, Mỵ quen khổ rồi. Bây giờ thì Mỵ tưởng mình cũng là con trâu, mình cũng là con ngựa… Mỗi ngày Mỵ càng không nói, lùi lũi như con rùa nuôi trong xó cửa”. Tuy nhiên đó chỉ là cái bên ngoài, ngòi bút của nhà văn đã đi sâu vào ngõ ngách tâm hồn của nhân vật để khám phá và khơi dậy sức sống mãnh liệt ở Mỵ. Chi tiết “tiếng sáo gọi bạn mùa xuân” chính là biểu tượng của sự trỗi dậy đó. Trong truyện tiếng sáo gọi bạn đã theo sát diễn biến tâm trạng của Mỵ. Lúc đầu, khi mùa xuân đến có tiếng ai thổi sáo gọi bạn đi chơi,  nghe tiếng sáo Mỵ đã thiết tha, bồi hồi, nhẩm thầm lời bài hát, Mỵ uống rượu say và Mỵ quyết định đi chơi Tết như mọi thanh niên khác. Tiếng sáo gọi bạn yêu vẫn lơ lửng ngoài đường. Khi bị A Sử ngăn cản trói tàn bạo vào cột nhà thì Mỵ vẫn nghe tiếng sáo đưa Mỵ đi theo những cuộc chơi, những đám cưới mà ngày nào Mỵ từng được diện kiến. Tô Hoài đã miêu tả âm thanh của tiếng sáo như một thứ thuốc gọi hồn. Từng âm thanh của tiếng sáo có những cường độ và cao độ khác nhau khi trầm bổng, khi xa, khi gần là tiếng đời, khi là tiếng lòng cứ không thôi thổn thức trong lòng Mị. Quả thực, tiếng sáo đã làm Mị quên đi hiện tại mà nhớ về quá khứ, để thấy “trong lòng đột nhiên vui sướng như những đêm tết ngày trước. Mị trẻ lắm. Mị vẫn còn trẻ. Mị muốn đi chơi”. Tiếng sáo là âm hưởng của một thời xa vắng đã bị Mị lãng quên trong mùa đông dài giông tố của cuộc đời. Từng tiếng sáo như rót tâm sự vào lòng Mị thoát khỏi cay đắng về ngày xưa. Lúc này Mị giống như Hụê Chi trong Cửa biển (Nguyên Hồng) cứ vùng bước theo tiếng gọi huyễn hoặc thân quen. Có thể nói tiếng sáo đã trở thành cầu nối giữa hiện tại đau khổ với quá khứ tươi đẹp, là con thuyền đưa Mị tới bến xưa dẫu là trong tâm tưởng. Tiếng sáo đã thức tỉnh ý niệm về sự sống về sự tồn tại trong Mị. Nghe tiếng sáo, Mị sống thật với mình sau bao ngày tháng câm lặng. Nhà văn đã rất tài tình khi dùng các cao độ, trường độ, độ cao thấp của tiếng sáo để diễn tả các cung bậc tâm trang, sự xáo trộn trong tâm tư Mị và giúp người đọc khám phá chiều sâu trong tâm tư Mị.

+ Chi tiết Mị cắt dây trói cho A Phủ cũng thể hiện một sự thay đổi, sức sống tiềm tàng trong tâm hồn Mị: A Phủ là một người nông dân hiền lành, vì tội đánh con quan nên bị làng phạt vạ một trăm bạc trắng. A Phủ trở thành người ở nợ cho Pá Tra. Do để mất bò mà A Phủ bị trói đêm này sang đêm khác, ngày này sang ngày kia. A Phủ bị trói gần ngay bếp lửa Mị hay ngồi. Ban đầu Mị thản nhiên, dẫu A Phủ có chết cũng đến thế thôi. Nhưng chính nhờ ngọn lửa, đêm ấy, Mị trông sang A Phủ và nhìn thấy một dòng nước mắt lấp lánh bò xuống má đã xám đen lại. Dòng nước mắt ấy khiến Mị chợt nhớ lại đêm năm trước A Sử trói Mị, Mị cũng phải đứng trói thế kia. Nhiều lần khóc, nước mắt chảy xuống miệng, xuống cổ, không lau đi được. Rồi Mị phảng phất nghĩ gần nghĩ xa: Cơ chừng này thì chỉ đêm mai là người kia chết, chết đau, chết đói, chết rét, phải chết. Ta là thân đàn bà, nó đã bắt ta về trình ma nhà nó rồi thì còn biết đợi ngày rũ xương ở đây mà thôi… Người kia việc gì phải chết thế? Mị thương mình rồi thương cho A Phủ. Sau đó tình thương người lớn hơn cả thương mình. Cô cũng sợ nếu mình cởi trói cho chàng trai ấy, bố con Pá Tra biết được sẽ trói thay vào đấy và lại phải chết trên cái cọc ấy…Nhưng tình thương ở Mị đã lớn hơn cả nỗi sợ cái chết. Tình thương ấy khiến cô đi đến hành động cởi trói cho A Phủ. Khi cởi trói cho A Phủ xong, Mị đứng lặng trong bóng tối. Chính ngay lúc ấy, trong lòng người đàn bà khốn khổ kia mọi chuyện diễn ra rất nhanh. Mị cũng vụt chạy ra. Đây không phải là hành động mang tính bản năng. Cùng với sự trỗi dậy của ký ức là sự trỗi dậy của khát vọng sống tự do đã khiến Mị chạy theo A Phủ. Mị giải thoát cho A Phủ Phủ và giải thoát cho cả bản thân mình. Hành động táo bạo và bất ngờ ấy là kết quả tất yếu của sức sống tiềm tàng khi người con gái yếu ớt dám chống lại cả cường quyền và thần quyền.

Qua chi tiết Mị cắt dây trói cho A Phủ, chúng ta thấy được cả sức sống tiềm tàng ở một người phụ nữ bị đoạ đày vả về thể xác lẫn tinh thần, tưởng chừng như mất đi hết đời sống tâm hồn. Tô Hoài đã miêu tả diễn biến tâm trạng của nhân vật Mị rất tự nhiên, hợp lý và chân thực. Hành động Mị – cởi trói cho A Phủ – có vẻ bất ngờ nhưng lại hợp với quy luật tâm lý con người, quy luật của cuộc sống. Tô Hoài đã rất thành công khi xây dựng một nhân vật có sức sống bên trong mãnh liệt đằng sau khuôn mặt vô hồn, vô cảm. Bởi vậy, có người đã xem Mị là “một nhân vật thành công bậc nhất trong văn xuôi cách mạng đương đại Việt Nam”

 

  1. Kết luận

Chi tiết nghệ thuật là một vấn đề lí luận văn học quan trọng. Kĩ năng phân tích chi tiết nghệ thuật cũng là một kĩ năng đặc biệt quan trọng bởi hầu như với kiểu bài nào cũng cần phân tích dẫn chứng để chứng minh. Dẫn chứng đó thường là những chi tiết đặc sắc, độc đáo. Người viết cần chọn lựa chính xác và phân tích một cách tinh tế bám sát theo yêu cầu của đề. Chính vì thế việc nắm vững những kiến thức về chi tiết nghệ thuật cũng như phuơng pháp kĩ năng làm kiểu bài liên quan đến chi tiết nghệ thuật là vô cùng quan trọng. Trong phạm vi một chuyên đề hội thảo, chúng tôi đã cố gắng trình bày những vấn đề cơ bản về lí thuyết và thực hành liên quan tới chi tiết nghệ thuật. Trên tất cả là sự sáng tạo của học sinh để linh hoạt với từng đề bài khác nhau. Chuyên đề của chúng tôi chỉ là một vài kinh nghiệm nhỏ của bản thân nhằm giúp học sinh biết cách làm bài về chi tiết nghệ thuật trong tác phẩm tự sự. Chuyên đề chắc chắn không tránh khỏi những khiếm khuyết. Rất mong nhận được sự đóng góp ý kiến của các đồng nghiệp!

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *