Phân tích 2 khổ thơ đầu bài thơ vội vàng của Xuân Diệu – Bài 2

Văn mẫu lớp 11

Vũ Ngọc Phan từng nói: “Với những nguồn cảm hứng mới: yêu đương và tuổi xuân, dù lúc vui hay lúc buồn, Xuân Diệu cũng ru thanh niên bằng giọng yêu đời thấm thía” sinh ra như mang trong mình số mệnh của một ông hoàng thơ tình, phong trào thơ mới ra đời, là bước ngoặt quan trọng trong sự nghiệp của cái tôi Xuân Diệu. Yêu Xuân Diệu, ta không thể không biết đến hồn thơ ông và những bài thơ mang đậm phong vị của Xuân Diệu. Và trong đó, làm sao có thể không nhắc tới bài thơ Vội vàng, được coi là tuyên ngôn nghệ thuật của ông.

Xuân Diệu đến với ta từ buổi, mà như Hoài Thanh đã nói: “người đến với ta với bộ y phục tối tân và chúng ta đã rụt rè không muốn làm thân với con người phương xa ấy” thật vậy, Xuân Diệu là người có phong cách nghệ thuật hết sức độc đáo, cả về nội dung lẫn hình thức, cái cách Xuân Diệu thể hiện đều khác người. Hãy lắng nghe điều đó qua những câu thơ đầu bài thơ Vội vàng:
Tôi muốn tắt nắng đi
Cho màu đừng nhạt mất
Tôi muốn buộc gió lại
Cho hương đừng bay đi
Ôi! Ta mới thấy đây là những ước vọng khác thường, “khác người” đến lạ lùng làm sao? Đọc những dòng thơ lên, ta chợt nhận ra cái chất ngông cuồng lạ lẫm, ta mới không hiểu vì sao? Nhưng hóa ra, khi đọc hết khổ thơ, ta mới gật gù hiểu, à, đúng Xuân Diệu là đây. Mang ước ao được sống trọn với đời, nếm đủ hương vị của đời, chàng trai Xuân Diệu không muốn cuộc đời trôi chảy, để chính bản thân mình cũng không còn nhiều thời gian để thưởng thức hết. Vậy nên xin một điều ước, Xuân Diệu khao khát được “tắt nắng” được “buộc gió” để mọi thứ ngưng đọng lại, để “hương đừng bay đi”.
Của ong bướm này đây tuần tháng mật
Này đây hoa của đồng nội xanh rì
Này đây lá của cành tơ phơ phất
Của yến anh này đây khúc tình si;

Bốn câu tiếp theo, Xuân Diệu sử dụng biện pháp điệp cấu trúc “này đây” và biện pháp liệt kệ, nhằm nhấn mạnh vẻ đẹp của thiên nhiên vạn vật. Tất cả đều đang ngập tràn yêu thương và hạnh phúc của lứa đôi trong tiết xuân xanh. Cuộc sống căng tràn nhựa sống, mơn mởn đến ngỡ ngàng và say đắm, nơi ong bướm đang “tuần tháng mật” nơi hoa cỏ tươi tốt, cành cây với những búp non mơn mởn, và những chú chim đang cất lên những tiếng ca chào mừng cuộc sống bằng những bản tình ca, mà chính cái hồn tình yêu của Xuân Diệu cũng đang mở ra để cảm nhận căng tràn đầy lồng ngực mình.
Và này đây ánh sáng chớp hàng mi
Mỗi buổi sớm, thần vui hằng gõ cửa;
Tháng giêng ngon như một cặp môi gần
Nếu để tìm khổ thơ thể hiện rõ nét phong cách nghệ thuật độc đáo của Xuân Diệu, cái mà Hoài Thanh gọi là “hình thức phương xa” thì chính là đây. Nhờ học được phép tương giao, sự giải phóng mạnh mẽ của các giác quan từ thơ của Boderle. Xuân Diệu đã cảm nhận cuộc sống trên nhiều khía cạnh thẩm mĩ, mà quan trọng nhất là luôn lấy con người làm chuẩn mực của cái đẹp. Xuân Diệu đã thu gọn vẻ đẹp cuộc sống lại là con người. Ánh nắng của mỗi sớm mai, Xuân Diệu nhìn nó đẹp như một “hàng mi” của một thiếu nữ, đẹp đẽ, e ấp, ấm áp. Ánh sáng tới là niềm vui tới, tháng giêng đến, mùa xuân đến đẹp đẽ và diệu kì, ngọt ngào và đắm say như một “cặp môi” mềm mại, gợi cảm. Đọc thơ Xuân Diệu thấy rất hấp dẫn, vì cách diễn tả của ông cực kì thu hút và thú vị, bất kì hình ảnh nào Xuân Diệu cũng đều gợi đến con người, và phải chăng vì cái lẽ yêu tha thiết cuộc đời, nên ông càng tha thiết với con người?
Tôi sung sướng nhưng vội vàng một nửa
Tôi không chờ nắng hạ mới hoài xuân.

Đối giữa “sung sướng” và “vội vàng” thể hiện trạng thái của nhà thơ, tâm trạng háo hức, chờ mong, tận hưởng vẻ đẹp căng tràn của xuân thì. Và Xuân Diệu luôn gấp gáp như vậy, cố gắng tận hưởng từng chút dư vị của mùa xuân, trong dòng chảy của thời gian, Xuân Diệu như ngấm ngầm nhận ra sự ra đi vĩnh viễn của từng khoảnh khắc, và luôn gấp rút, chạy đua với chính mình, dù mùa xuân vẫn đang hiện hữu.

Hai khổ thơ đầu, đặc tả niềm vui sướng, ngỡ ngàng của Xuân Diệu trước vẻ đẹp của thiên đàng trên mặt đất. Cũng là nguyên nhân Xuân Diệu muốn khao khát tắt nắng buộc gió, được sống vĩnh viễn với nhân gian. Một cái tôi rạo rực yêu, nóng bỏng yêu được thể hiện rất rõ. Và qua đó ta thấy được một tư duy nghệ thuật khác thường của Xuân Diệu, một cái tôi luôn ấm ủ tình yêu với cuộc đời, với con người.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *