Đề tài KHKT hành vi Hành vi đổ lỗi ở học sinh trường THPT số 1 Bắc Hà- Thực trạng và giải pháp

Sáng kiến kinh nghiệm
  1. MỞ ĐẦU
  2. Lí do chọn đề tài

“Nhân vô thập toàn”- trong chúng ta, ai cũng đã từng mắc phải sai lầm nào đó. Vậy các bạn sẽ làm gì và phải làm gì trong trường hợp đó? Các bạn sẽ trân thành đối diện với sự thật và nhận lỗi hay trở thành một kẻ hèn nhát trốn tránh và đổ tội cho người khác vì không muốn mọi người chỉ trích phán xét mình? Khi không thể tìm được phương án giải quyết cho các vấn đề của bản thân mắc phải, cái trong đầu chúng ta nghĩ đến đầu tiên thường là đổ lỗi cho người khác.

“Đổ lỗi” là hành vi con người cố tình chối bỏ lỗi lầm của mình, đùn đẩy trách nhiệm hoặc viện cớ do lí do khách quan, hoặc đổ tội cho người khác. Đây là một hiện tượng đáng buồn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày. Chúng ta sẵn sàng phủi bỏ trách nhiệm và đùn đẩy cho người khác, cho những lí do khác nhau để không phải gánh vác và xử lí vấn đề xảy ra. Hành vi đổ lỗi gây ra rất nhiều hậu quả: khiến bản thân khiến bạn đánh mất đi khả năng chịu trách nhiệm trong mọi vấn đề, có cái nhìn xấu trong mắt người khác; không thể trưởng thành, học hỏi từ những vấp ngã, sai lầm trong cuộc sống. Ngoài ra, nó còn cho thấy ý thức kém về bản thân cũng như khả năng đối mặt với sự thật và mọi người xung quanh.

Hiện nay, rất nhiều người trong đó có cả các bạn trong độ tuổi học sinh đã hình thành một thói quen xấu là đổ lỗi cho người khác, dần tạo thành “văn hóa đổ lỗi” trong cả học đường và ngoài xã hội. Vậy, cái mà chúng ta cho là “văn hóa đổ lỗi” đó có thể khắc phục được không? Không phải ngẫu nhiên mà một trong những năng lực mà chương trình giáo dục phổ thông hiện nay hướng đến là hình thành năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho học sinh. Lỗi lầm là thứ không ai có thể tránh được. Vậy nên, khi mắc một lỗi lầm nào đó, cái mà chúng ta cần đó chính là dám đối diện vào vấn đề, nhìn rõ trách nhiệm của bản thân để tìm cách khắc phục và sửa chữa lỗi lầm đó.

Chính vì những lí do trên nên chúng em đã chọn đề tài: Hành vi đổ lỗi ở học sinh trường THPT số 1 Bắc Hà- Thực trạng và giải pháp để làm đề tài nghiên cứu trong dự án này.

  1. Câu hỏi nghiên cứu

– Hành vi đổ lỗi hiện nay đang diễn biến như thế nào?

– Học sinh trường THPT số 1 Bắc Hà có nhận thức như thế nào về hành vi đổ lỗi?

– Nguyên nhân dẫn đến thói quen đổ lỗi?

– Có những giải pháp nào làm giảm thiểu hành vi đổ lỗi?

  1. Giả thiết khoa học

Nếu đề tài nghiên cứu thành công, hiệu quả sẽ giúp chúng ta nắm được thực trạng, lí giải nguyên nhân, đề xuất giải pháp góp phần tác động vào nhận thức, suy nghĩa, định hướng về lời nói và hành vi của học sinh trường THPT số 1 Bắc Hà khi mắc phải lỗi lầm trong cuộc sống. Từ đó làm thay đổi và góp phần hình thành năng lực tự chịu trách nhiệm về bản thân- một trong năng lực quan trọng của con người trong học tập và cuộc sống.

  1. Tính mới và sáng tạo của đề tài nghiên cứu

Thói quan đổ lỗi là đề tài không mới vì đã có nhiều bài viết về vấn đề mang tính xã hội này, tuy nhiên, các bài viết đó chỉ mới là sự đánh giá, nhận định chung chung về khái niệm, nguyên nhân và bước đầu đề ra các giải pháp để khắc phục. Điểm mới của đề tài này là từ sự khảo sát về thực tế các đối tượng liên quan, chúng em nhận thức được thực trạng của thói quen đổ lỗi trong mọi người nói chung và học sinh nói riêng. Tìm ra nguyên nhân và hậu quả của hành vi đổ lỗi đối với việc hình thành nhân cách học sinh. Từ đó đề xuất một vài giải pháp khả thi để khắc phục thói quen xấu này, góp phần cải thiện và nâng cao nhận thức, nuôi dưỡng tính cách, tâm hồn đẹp đẽ cho một bộ phận học sinh THPT hiện nay.

  1. Đối tượng, phạm vi nghiên cứu

– Đối tượng: Hành vi đổ lỗi diễn tiến trong tình hình hiện nay và nhận thức của học sinh THPT số 1 Bắc Hà về hành vi đổ lỗi.

– Phạm vi nghiên cứu: Đề tài hướng đến sự đánh giá của đối tượng có sự tương tác chủ yếu đến đối tượng nghiên cứu là học sinh trường THPT số 1 Bắc Hà. Hai lớp tham gia thực nghiệm là lớp 11A1 và lớp 12A8 trường THPT số 1 Bắc Hà.

  1. Phương pháp nghiên cứu

6.1. Nghiên cứu lý thuyết

Thu thập, tổng hợp, phân tích những tài liệu liên quan đến đề tài.

6.2. Nghiên cứu thực tiễn

Phương pháp điều tra bằng phiếu hỏi: Khảo sát thực trạng hành vi đổ lỗi trong học sinh đối với 300 học sinh trường THPT số 1 Bắc Hà.

Phương pháp phỏng vấn: Nghiên cứu một số trường hợp bằng hình thức gặp gỡ nói chuyện, trao đổi.

Phương pháp thống kê toán học – Phân tích dữ liệu:

+ Nhập và xử lý số liệu bằng Excel để phân tích thống kê mô tả (tần số , tần suất, tính điểm trung bình, độ lệch chuẩn, giá trị nhỏ nhất, giá trị lớn nhất) và phân tích thống kê suy luận đánh giá kết quả.

+ Sử dụng phần mềm Excel và phần mềm xử lí số liệu SPSS để đưa ra kết quả phân tích.

– Phương pháp so sánh, đối chiếu: Trong quá trình phân tích chúng em đối chiếu so sánh các đánh giá của các đối tượng có ảnh hưởng trực tiếp đến hành vi đổ lỗi để tìm ra sự thống nhất về tính nghiêm trọng và tầm ảnh hưởng của vấn đề này đối với học sinh THPT, đặc biệt học sinh THPT số 1 Bắc Hà.

Nhóm nghiên cứu tiến hành các giai đoạn nghiên cứu sau:

* Giai đoạn 1

Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát lần 1 đối với 300 học sinh để đánh giá sự quan tâm của học sinh về hành vi đổ lỗi.

Nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát thông qua một bảng hỏi được thiết kế dựa trên thang đo Likert 5 mức độ gồm:

  1. Hoàn toàn không chấp nhận
  2. Không thể chấp nhận
  3. Bình thường
  4. Có thể chấp nhận
  5. Hoàn toàn chấp nhận

*Giai đoạn 2

Bảng hỏi được khảo sát 300 học sinh gồm tất cả các khối lớp 10, 11, 12 trường THPT số 1 Bắc Hà. Học sinh được chọn ngẫu nhiên để khảo sát ý kiến. Từ những thông tin phản hồi về sự đánh giá của học sinh, nhóm nghiên cứu tiến hành thống kê, tổng hợp số liệu và thể hiện trên các biểu đồ để kiểm định

– Đánh giá thực trạng hành vi đổ lỗi của học sinh trường THPT số 1 Bắc Hà.

– Chỉ ra các nguyên nhân dẫn đến thói quen đổ lỗi.

* Giai đoạn 3

Từ những nguyên nhân dẫn đến hành vi đổ lỗi, nhóm nghiên cứu đã đề xuất giải pháp hạn chế, khắc phục thói quen đổ lỗi, giúp hình thành thói quen tự chịu trách nhiệm lỗi lầm của học sinh.

  1. KẾT QUẢ NGHIÊN CỨU

CHƯƠNG I: CƠ SỞ LÍ LUẬN VÀ THỰC TIỄN

1. 1. Cơ sở lí luận

Trong bài nghiên cứu của mình, nhóm nghiên cứu đã sử dụng các khái niệm sau làm cơ sở lí luận trong nghiên cứu của mình:

Hành vi là hành động và cách cư xử được các cá nhân, sinh vật, hệ thống hoặc thực thể nhân tạo thực hiện kết hợp với chính họ hoặc môi trường của họ, bao gồm các hệ thống hoặc sinh vật khác xung quanh cũng như môi trường vật lý. Đó là phản ứng được tính toán của hệ thống hoặc sinh vật đối với các kích thích hoặc đầu vào khác nhau, cho dù bên trong hay bên ngoài, ý thức hay tiềm thức, công khai hoặc bí mật, và tự nguyện hoặc không tự nguyện.

– Đổ lỗi là hành vi con người cố tình chối bỏ lỗi lầm của mình, đùn đẩy trách nhiệm hoặc viện cớ do lí do khách quan, hoặc đổ tội cho người khác. Đây là một hiện tượng đáng buồn thường gặp trong cuộc sống hằng ngày.

Thói quen là những hành vi đã được hình thành và lặp đi lặp lại nhiều lần. Thói quen là một chuỗi phản xạ có điều kiện do rèn luyện mà có.

Nguyên nhân chủ quan là thuật ngữ để chỉ tất cả những gì cấu thành nên một chủ thể, nó phản ánh trình độ phát triển về phẩm chất và năng lực của một cá nhân. Các yếu tố về phẩm chất phải kể đó là: phẩm chất về tư duy, sự hiểu biết, tình cảm, nguyện vọng, ý chí và các yếu tố thể chất của chủ thể.

Nguyên nhân khách quan là tại độc lập, bên ngoài và không phụ thuộc vào chủ thể hành động. Nguyên nhân khách quan là sự vận động, biến đổi và phát triển của mọi sự vật, hiện tượng không phụ thuộc vào yếu tố con người.

1.2. Cơ sở thực tiễn

Trong cuộc sống, đã là con người thì ai cúng khó tránh được việc mắc lỗi. Khi bản thân mắc một sai lầm gì đó, luôn luôn có hai sự lựa chọn đối lập nhau: nhận trách nhiệm hay đẩy trách nhiệm đó đi? Có những người luôn can đảm nhận lỗi về mình nhưng cũng có rất nhiều người khi mắc lỗi, việc đầu tiên họ nghĩ tới là đẩy trách nhiệm đó cho người khác. Phương thức tư duy đó đã được hình thành, nuôi dưỡng và cắm rễ sâu trong con người họ, đến mức đã trở thành một phản xạ tự nhiên khiến nhiều người không thể tự mình ý thức ra được nữa. Trong xã hội hiện nay, đi đâu, làm gì chúng ta cũng dễ dàng nhìn thấy, nghe thấy những câu đổ lỗi như: Tại….., vì………, do………. Chính vì vậy, nói như tác giả Duy Anh trong bài viết Đổ lỗi – Vòng ‘văn hóa’ loanh quanh đăng trên trang https://sapuwa.com/do-loi-vong-%E2%80%98van-hoa%E2%80%99-loanh-quanh.html thì đổ lỗi đã trở thành một thói quen cố hữu của rất nhiều người, thậm chí, hình thành cả “Văn hóa đổ lỗi” trong giao tiếp.

Trong học đường, ở lứa tuổi học sinh nói chung và trong trường THPT số 1 Bắc Hà nói riêng, qua quan sát của nhóm nghiên cứu, hành vi đổ lỗi cũng xuất hiện ở rất nhiều học sinh: Những bạn đi học muộn thường đưa ra nhiều lí do như: Tại mẹ em quên gọi em dậy/ Tại trời mưa to quá/ Do em phải đợi bạn…/ Tại hôm qua phải đi làm mệt nên ngủ quên…..; Những bạn bị điểm yếu kém cũng có thể đưa ra các lí do để bao biện: Tại cô dạy phần này khó hiểu quá em không làm được/ Tại bài học quá dài/ Tại bạn A mượn vở của em…..; Những bạn đi học không chịu làm bài thì cũng bảo do bị mất vở, do hôm qua nghỉ học nên không biết, do hôm qua ốm nằm nhà……..

Nói chung, hiện tượng học sinh có hành vi đổ lỗi khi mắc lỗi sai là rất nhiều. Đổ lỗi cho người khác, đổ lỗi cho ngoại cảnh, đổ lỗi cho điều kiện tự nhiên, đổ lỗi cho số phận, v.v… – đó là những đối tượng bị đổ lỗi phổ biến mà chúng ta vẫn thường hay vịn vào nhằm giảm thiểu hoặc tránh né trách nhiệm của bản thân. Đây là hành vi xấu, một thói quen xấu gây ảnh hưởng không nhỏ đến sự phát triển nhân cách của lứa tuổi học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường.

CHƯƠNG 2: KẾT QUẢ VÀ THẢO LUẬN

2.1. Giai đoạn 1: Khảo sát sự quan tâm và nhận thức của học sinh với hành vi đổ lỗi

Hành vi đổ lỗi không chỉ dừng lại ở một vài sự việc hay hiện tượng mà ngày càng trở nên phổ biến, không phải chỉ dừng lại ở mức độ một trào lưu hay một thói quen mà nó từ lâu đã ăn sâu vào mỗi một con người, dường như đã dần trở thành một phong cách ứng xử – một văn hoá đối đáp của xã hội ngày nay.

Tại trường THPT số 1 Bắc Hà, nhóm nghiên cứu đã tiến hành một cuộc khảo sát trên 300 học sinh của trường trên cả 3 khối (mỗi khối khảo sát ngẫu nhiêm 100 học sinh) về mức độ nhận thức của học sinh về hành vi đổ lỗi. Kết quả:

Nhìn vào biểu đồ này cho thấy, đa phần học sinh rất quan tâm đến hành vi đổ lỗi vì thấy hành vi này hiện hữu trong cuộc sống. Rất nhiều học sinh đã nhận thức đúng về hành vi nhận lỗi và không chấp nhận hành vi này (60% số học sinh được hỏi), có 25,3% số học sinh được hỏi coi đây là hành vi bình thường và chỉ có 17,4 % học sinh chấp nhận được hành vi đổ lỗi. Vậy, xét về mặt nhận thức về hành vi đổ lỗi: Đa số học sinh trong phạm vi khảo sát đã nhận thức rõ đây là hành vi sai trái và có hại. Tuy nhiên, số học sinh cho rằng đây là hành vi bình thường và có thể chấp nhận vẫn chiếm con số khá cao (40%).

2.2. Giai đoạn 2:  Khảo sát về thực trạng hành vi đổ lỗi của học sinh trường THPT số 1 Bắc Hà

Qua khảo sát về nhận thức về hành vi đổ lỗi ở trên, đa phần các bạn học sinh đã nhận thức đúng về hành vi đổ lỗi, thấy được đây là hành vi gây hại rất lớn đến cuộc sống, học tập và sự phát triển nhân cách con người. Tuy nhiên, khi nhóm nghiên cứu tiến hành khảo sát về thực trạng hành vi đổ lỗi của học sinh trường THPT số 1 Bắc Hà thì kết quả lại rất đáng báo động.

Khi được hỏi: Khi bạn mắc một lỗi sai nào đó, bạn có thói quen đổ lỗi không? Kết quả thu được là 239/300 bạn cho rằng bản thân thường xuyên có thói quen đổ lỗi (chiếm 79,7%), 58/300 bạn ít khi đổ lỗi (19,3%) và chỉ có 3/300 bạn có câu trả lời là không bao giờ đổ lỗi (chiếm 1%).

– Khảo sát về đối tượng đổ lỗi:

Theo như kết quả điều tra dựa trên 297 bạn có hành vi đổ lỗi (cả thường xuyên và thỉnh thoảng), đối tượng đổ lỗi mỗi khi mắc lỗi thường: Đổ lỗi cho người khác (bố mẹ, thầy cô, bạn bè,….) chiếm 39,1%, đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình chiếm 34,9%, đổ lỗi cho điều kiện tự nhiên (thời tiết, khí hậu…..) chiếm 14,2 %, đổ lỗi cho số phận chiếm 8,8% và đổ lỗi cho các yếu tố khác chiếm 3 %.…..Con số này cho thấy, những người có thói quen đổ lỗi thường mang tâm lí nạn nhân. Chính vì vậy, khi họ mắc một lỗi lầm nào đó, thay vì nhận lỗi về mình thì họ thường xuyên có thói quen hay động các đối tượng để làm lí do đổ lỗi. Tất cả các đối tượng được huy động đều để những bạn này không thấy có lỗi về phía bản thân mình hoặc nếu có lỗi về mình cũng rất ít.

Kết quả này cho thấy một thực trạng đáng buồn trong nhận thức của người Việt Nam nói chung và các bạn trong lứa tuổi học sinh tại trường THPT số 1 Bắc Hà nói riêng. Hầu như tất cả mọi người khi mắc lỗi đều ít dám nhìn thẳng vào vấn đề mà thường sẽ tìm những nguyên nhân khác để biện minh cho lỗi lầm của mình. Kết quả này cũng dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh: Chúng ta đang coi việc đổ lỗi như một lối ứng xử hoàn toàn tự nhiên. Đổ lỗi chính là một thói quen rất xấu, là sản phẩm của một xã hội biến dị đang trượt dốc về đạo đức, nó được tiêm nhiễm và nuôi dưỡng trong đầu óc mỗi người dân ngay từ tấm bé một cách hết sức tự nhiên. Như một hạt giống được nảy mầm, nó đã ăn sâu bám rễ vào phương thức tư duy của mỗi người Việt Nam, để đến ngày nay, dần dần hình thành nên một tính cách chung của cả xã hội – không biết nhận lỗi.

– Khảo sát về các nguyên nhân dẫn đến thói quen đổ lỗi

Nhóm nghiên cứu tiếp tục khảo sát 297 học sinh có hành vi đổ lỗi về các nguyên nhân gây ra hành vi đổ lỗi khi mắc lỗi sai. Trong phiếu khảo sát, học sinh có thể lựa chọn nhiều phương án về các nguyên nhân gây ra hành vi đổ lỗi. Kết quả như sau:

STT Nguyên nhân dẫn đến hành vi đổ lỗi Kết quả
1 Do sự giáo dục từ gia đình từ khi còn nhỏ 198/297
2 Do môi trường: thấy thầy cô, bạn bè, mọi người xung quanh cũng đổ lỗi khi mắc lỗi 222/297
3 Do thói quen 145/297
4 Không muốn bị chỉ trích khi có lỗi 225/297
5 Do “tâm lí nạn nhân” của người mắc lỗi 123/297
6 Bảo vệ bản thân, che giấu sự yếu kém của mình 98/297
7 Muốn có cảm giác an toàn 195/297
8 Mong đợi sự công bằng từ cuộc sống 87/297
9 Đổ lỗi để tìm lí do giải thích cho vấn đề 212/297
10 Đổ lỗi vì thấy bản thân mất kiểm soát 76/297
11 Các lí do khác: tránh phiền phức, không muốn bị phạt…. 7/297

Nhìn vào kết quả khảo sát này có thể nhận ra rằng: Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hành vi đổ lỗi, có thể quy thành hai nhóm chính:

+ Nhóm nguyên nhân khách quan: Hành vi đổ lỗi được hình thành từ sự giáo dục từ gia đình ngay từ khi còn nhỏ. Khi một đứa trẻ mắc lỗi (bị ngã, đánh rơi đồ…), rất nhiều bậc cha mẹ người Việt để dỗ trẻ nín khóc thường hay có thói quen “đánh chừa con chuột”, “đánh chừa” đối tượng X, Y, Z nào đó mà không phải là đứa trẻ. Chính các giáo dục như vậy đã hình thành nên tâm lí đổ lỗi cho trẻ ngay từ khi còn nhỏ. Đây là mầm mống tạo nên thói quen không tự chịu trách nhiệm về lời nói, hành động, việc làm sau này.

Ngoài ra, theo kết quả điều tra, ngoài ảnh hưởng từ gia đình thì môi trường và các đối tượng khác như thầy cô, bạn bè, mọi người xung quanh cũng rất quan trọng. Trong môi trường giáo dục, giáo viên đổ lỗi cho học sinh lười nhác, chểnh mảng. Phụ huynh đổ lỗi cho giáo viên ở lớp giảng bài chỗ cần thì hời hợt, chỗ không quan trọng thì dông dài, chẳng giảng trúng trọng tâm. Rồi tất cả lại cùng đổ lỗi cho chương trình cải cách thay đổi liên miên nên không theo kịp. Ra đường khi có va chạm điều đầu tiên hay gặp là lời trách móc đối phương “Mắt ở đâu? Đi đứng thế à?”…v.v…Theo nghiên cứu của các nhà tâm lí học, đổ lỗi cũng có tính chất lây lan. Khi tất cả mọi người xung quanh đều có hành vi đổ lỗi thì cái sai rất dễ biến thành cái dung và cái sai cũng rất dễ được chấp nhận như một lẽ đương nhiên.

Đổ lỗi trong gia đình và thói quen đổ lỗi trong toàn xã hội

+ Nhóm nguyên nhân chủ quan: Do bản thân người mắc lỗi. Trong cuộc khảo sát này, nhóm nghiên cứu nhận ra những người có hành vi đổ lỗi họ có thể đưa ra rất nhiều lời bao biện cho hành vi đổ lỗi của mình như muốn có cảm giác an toàn, không muốn bị chỉ trích, tránh phiền phức, tâm lí “nạn nhân”….. Nguyên nhân chính của hành vi đổ lỗi là chúng ta thường mang tâm lý nạn nhân. Cốt lõi của tâm lí này là lòng tin rằng người bị hại có quyền lách luật. Hay nói cách khác, nhiều người nghĩ rằng nạn nhân có thể không chịu trách nhiệm cho hậu quả mà hành động của họ gây ra. Dù sao thì lỗi là ở người hại họ, họ không cần phải có trách nhiệm và kiểm điểm bản thân. Tất cả những lí do đưa ra đều thể hiện họ không dám nhìn thẳng vào lỗi sai của mình, không có ý thức tự chịu trách nhiệm về lời nói, hành vi, việc làm của bản thân. Đổ lỗi một vòng loanh quanh cuối cùng nếu xét theo cái lý của riêng mỗi cá nhân thì mình hoàn toàn không có lỗi. Trên thực tế thì ai ai cũng có lỗi, chỉ là không ai dám nhận lỗi về mình.

2.3. Giai đoạn 3: Đề xuất giải pháp khắc phục thói quen đổ lỗi

Từ những nguyên nhân đã tìm ra gây nên hành vi đổ lỗi, nhóm nghiên cứu đã đề xuất ra các biện pháp có thể hạn chế và dần khắc phục được thói quen đổ lỗi khi gặp lỗi sai của học sinh. Cụ thể như sau:

* Giải pháp với gia đình

Gia đình luôn là chiếc nôi ấp ủ cả về thể chất lẫn tâm hồn. Gia đình là môi trường sống, môi trường giáo dục suốt cuộc đời của sự hình thành và phát triển nhân cách của mỗi con người. Trong gia đình, cha mẹ, anh em các mỗi quan hệ này luôn chi phối, ảnh hưởng đến quả trình hình thành và phát triển nhân cách của trẻ. Cha mẹ là người thầy giáo đầu tiên của con cái họ, là người đặt nền tảng nhân cách cho con cái họ. Chính vì vậy, sự giáo dục từ phía gia đình là rất quan trọng. Do đó, cha mẹ cần có phương pháp dạy trẻ ngừng đổ lỗi và biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình. Theo các chuyên gia, phụ huynh hãy bắt đầu bằng cách coi trách nhiệm là một điều gì đó vui vẻ đối với con, thay vì một gánh nặng. Tất cả trẻ em đều muốn thấy mình là người có khả năng đáp ứng những gì cần làm. Vì vậy, phụ huynh không thực sự cần dạy trẻ trở thành người có trách nhiệm trong thế giới. Thay vào đó, hãy dạy trẻ rằng, con có khả năng đóng góp tích cực nhờ chịu trách nhiệm và ngưng đổ lỗi.

* Giải pháp với Nhà trường

Phần lớn thời gian trong ngày của các bạn trong lứa tuổi học sinh là ở trường nên nhà trường cũng có vai trò rất quan trọng trong việc thay đổi nhận thức, hành vi đổ lỗi cho học sinh. Trong các nhà trường hiện nay, ngoài nhiệm vụ học tập để kiến thức thì việc rèn luyện đạo đức cho học sinh cũng rất được quan tâm.

Để thay đổi hành vi đổ lỗi ở học sinh, nhà trường đã thực hiện song song rất nhiều giải pháp:

+ Giáo dục kĩ năng sống, ý thức tự chịu trách nhiệm lồng ghép trong các môn học. Đặc biệt là hai môn Ngữ văn, GDCD.

+ Giáo dục qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp với đa dạng các hình thức như sân khấu hóa, câu hỏi trắc nghiệm…….

+ Giáo dục qua hệ thống khẩu hiệu, apphic

+ Phát huy hoạt động của Tổ tư vấn tâm lí học sinh trong nhà trường qua các buổi nói chuyện, gặp gỡ, tư vấn, tham vấn….

Tuyên truyền qua phano, apphic Tuyên truyền qua hoạt động ngoại khóa

Hoạt động tư vấn, giáo dục học sinh của Tổ tư vấn tâm lí học sinh

* Giải pháp với những học sinh có hành vi đổ lỗi

+ Thay đổi tư duy:

Những bạn có thói quen đổ lỗi là do có tư duy nạn nhân. Những bạn này luôn cảm thấy bị động trước mọi tình huống trong cuộc sống, vì vậy muốn từ bỏ thói quen đổ lỗi bạn phải thay đổi chính lối tư duy sai lầm này. Khi xảy ra sai lầm hãy đừng trách móc và đổ lỗi, hãy có trách nhiệm với những gì mình đã làm.

Vậy nên, các bạn cần tự nhận thức được rằng cuộc đời mình là do mình làm chủ, do mình quyết định, bạn chủ động và kiểm soát trong công việc, cảm xúc… chứ không để công việc và cảm xúc điều khiển bạn.

+ Thay đổi lời nói:

Hãy đổi chủ thể lời nói từ hoàn cảnh và người khác thành “Tôi” kèm theo một giải pháp chủ động. Ví dụ bình thường bạn hay nói: “Tại trời mưa nên em đi học muộn”, “Tại cô giảng bài khó hiểu quá nên em không làm được bài tập”, “Do đi đá bóng về muộn nên em không làm bài tập”… thì hãy đổi cách nói thành: “Trời mưa nên tôi sẽ chuẩn bị sẵn ô và áo mưa để đi học”, “Tôi sẽ cố gắng tập trung nghe giảng hơn”, “Tôi sẽ sắp xếp công việc để tập thể thao và học bài”.

Khi bạn thay đổi cách nói, bạn sẽ thấy mấu chốt vấn đề ở bản thân và tìm được cách giải quyết nó.

+ Thay đổi hành động:

Nếu quen đổ lỗi, việc bạn làm sẽ là than vãn, trách móc người khác và chỉ vậy thôi, không làm gì thêm nữa, vì vậy, muốn từ bỏ thói quen này, tư duy và lời nói sẽ dẫn dắt bạn hành động, bạn sẽ dũng cảm nhận sai và tìm cách sửa sai. Hoặc tự rút ra bài học để không lại sai lầm đó nữa, điều này sẽ khiến bạn ngày càng tiến bộ, hoàn thiện hơn.

Áp dụng công thức: E + R = O của Giáo sư Robert Resnick, một nhà vật lý trị liệu sống tại Los Angeles, đưa ra một công thức đơn giản song lại vô cùng quan trọng. Công thức đó khiến ý tưởng về việc chịu trách nhiệm 100% đối với cuộc sống của chính mình trở nên rõ ràng hơn. Công thức đó là: E + R = O

(Event + Response = Outcome) (Ngoại cảnh + Phản ứng = Kết quả)

Về cơ bản, ý tưởng này có nghĩa mọi kết quả bạn đạt được (dù đó có là thành công hay thất bại, giàu sang hay nghèo đói, mạnh khỏe hay ốm đau, vui vẻ hay giận dữ) đều bắt nguồn từ cách thức bạn phản ứng với ngoại cảnh.

Nói tóm lại, để dần hạn chế và khắc phục thói quen đổ lỗi chúng ta phải kết hợp rất nhiều giải pháp. Mỗi giải pháp sẽ có tác động dần dần giúp chúng ta có thể loại bỏ hành vi đổ lỗi ra khỏi cuộc sống. Thay vào đó, mỗi khi mắc lỗi lầm, chúng ta có thể dám thẳng thắn nhận lỗi và tìm cách sửa lỗi. Đây chính là một trong những điều kiện quyết định đến sự thành công của chúng ta trong cuộc sống sau này.

2.4. Tiến hành thực nghiệm thực tế nâng cao nhận thức học sinh về hành vi đổ lỗi nạn nhân qua hoạt động của Tổ tư vấn tâm lí học sinh

  1. Khách thể thực nghiệm: Đối tượng nghiên cứu là học sinh 2 lớp thuộc khối 11,12 – trường THPT số 1 Bắc Hà (11A1, 12A8), thuộc ban cơ bản, xếp loại về học lực hạnh kiểm của 2 lớp năm học 2021-2022 như sau:
Lớp Hạnh kiểm Học lực
Tốt Khá TB Giỏi Khá TB Yếu
SL % SL % SL % SL % SL % SL % SL %
11A1(35 học sinh) 33 94,3   2 5,7 0 18 51,4 16 45,7 1 2,9 0
12A8(35 học sinh) 26 74,3 8 22,8 1 2,9 12 31,6 22 62,5 1 2,9

b. Thiết kế thực nghiệm

Hai lớp được chọn làm đối tượng nghiên cứu khảo sát tương ứng với: 11A1 là nhóm đối chứng (NĐC), 12A8 là nhóm thực nghiệm (NTN).

Từ phiếu khảo sát số 2 gồm 6 câu hỏi đo thái độ (mỗi câu hỏi gồm 5 mức độ phản hồi tương ứng từ điểm 1 đến điểm 5) để khảo sát và đánh giá thái độ của học sinh về hành vi đổ lỗi. Mục tiêu cơ bản của các câu hỏi là nghiên cứu thái độ của học sinh về hậu quả các hành vi đổ lỗi. Kết quả khảo sát được thể hiện qua số điểm của các em (xem phụ lục).

Hoạt động thực nghiệm của Tổ tư vấn tâm lí học sinh với lớp thực nghiệm (Tư vấn riêng và tư vấn nhóm)

Nhóm nghiên cứu lựa chọn thiết kế kiểm tra trước tác động và sau tác động đối với các nhóm tương đương. Sự tương đương giữa hai nhóm được thực hiện qua phép kiểm chứng T-Test độc lập.

Điểm khảo sát trước tác động TTĐ
Nhóm thực nghiệm 12A8 (a) 17,2
Nhóm đối chứng 11A1 (b) 17,22
Giá trị chênh lệch (c = |a – b|) 0,02
Giá trị p (T-Test độc lập) 0,48
Có ý nghĩa ( p ≤ 0,05 ) Chênh lệch không có ý nghĩa

Phép kiểm chứng T-Test độc lập giữa Nhóm thực nghiệm và Nhóm đối chứng trước tác động: Giá trị p = 0.48 > 0,05, chênh lệch không có ý nghĩa => hai nhóm tương đương nhau.

Bảng thiết kế thực nghiệm:

Nhóm Kiểm tra trước tác động Tác động Kiểm tra sau tác động
Thực nghiệm N1 (12A8) O1 Học sinh được tham gia buổi tư vấn của Tổ tư vấn tâm lí học sinh nhà trường O3
Đối chứng N2(11A1) O2 Học sinh không tham gia buổi tư vấn O4
|O1-O2| |O3-O4|

c. Quy trình thực nghiệm:

Chuẩn bị bài tư vấn của Tổ tư vấn học sinh về tác hại, hậu quả của hành vi đổ lỗi. Thiết kế phiếu khảo sát và tiến hành tác động:

Bước 1: Tiến hành khảo sát nhóm thực nghiệm và nhóm đối chứng vào tháng 09/2022 thông qua phiếu khảo sát (đã thiết kế).

Bước 2: Sau khi khảo sát lần đầu, tiến hành cho học sinh  nhóm thực nghiệm tham gia buổi tham vấn của Tổ tư vấn tâm lí học sinh của nhà trường. Công việc này thực hiện vào khoảng thời gian tuần thứ 4 tháng 10/2022.

Bước 3: Thực hiện phiếu khảo sát lần hai: Nhóm khảo sát ngày 05/11/2022, nhóm đối chứng khảo sát ngày 06/11/2022 (Nhóm đối chứng không được tham gia buổi tư vấn của Tổ tư vấn tâm lí học sinh).

Kiểm chứng độ tin cậy và độ giá trị của dữ liệu

Nhóm thực nghiệm (12A8) Nhóm đối chứng (11A1)
Kiểm tra trước tác động Kiểm tra sau tác động Kiểm tra trước tác động Kiểm tra sau tác động
Mode 16 26 20 13
Trung vị 17 22 18 18
ĐTB khảo sát 17,2 21,29 17,2 16,86
Độ lệch chuẩn 4,17 3,58 4,07 3,94
Hệ số tương quan chẵn lẻ (rhh) 0,8 0,7 0,6 0,6
Độ tin cậy (rSB) 0,9 0,8 0,8 0,8
rSB ≥ 0.7 Dữ liệu đáng tin cậy Dữ liệu đáng tin cậy Dữ liệu đángtin cậy Dữ liệu đáng tin cậy

– Độ tin cậy của nhóm thực nghiệm trước tác động và sau tác động lần lượt là 0,9 và 0,8 ≥ 0,7 nên dữ liệu đáng tin cậy.

– Độ tin cậy của nhóm đối chứng trước tác động và sau tác động là 0,8 ≥ 0,7 nên dữ liệu đáng tin cậy.

d. Phân tích dữ liệu và bàn luận kết quả

Sau khi cho nhóm thực nghiệm tham gia buổi tư vấn tâm lí của Tổ tư vấn tâm lí học sinh, tiến hành khảo sát 2 nhóm và thu thập dữ liệu. Trên cơ sơ kết quả đã có, chúng em tiến hành phân tích dữ liệu.

Bảng (1) so sánh ĐTB khảo sát 2 nhóm:

  KT trướctác động (a) KT sautác động (b) Giá trị chênh lệch(c = b – a) Giá trị p (phụ thuộc) Có ý nghĩaP ≤ 0,05
Nhóm thực nghiệm (NTN) 17,2 21,29 4,09 2,9.10-6 Có ý nghĩa
Nhóm đối chứng (NĐC) 17,22 16,86 – 0,36 0,229 Không có ý nghĩa
Chênh lệchĐTB giữa NTN và NĐC 0 5,04

Trước tác động, hai nhóm là tương đương nhau hoàn toàn. Sau tác động, phép kiểm chứng T-Test phụ thuộc cho kết quả :

– Đối với Nhóm thực nghiệm p = 2,9.10-6 < 0.05 cho thấy sự chênh lệch điểm trung bình có ý nghĩa, chênh lệch không xảy ra ngẫu nhiên.

– Đối với Nhóm đối chứng p = 0,229 > 0.05 cho thấy sự chênh lệch điểm trung bình không có ý nghĩa, chênh lệch xảy ra ngẫu nhiên.

Bảng (2) so sánh điểm trung bình khảo sát sau tác động:

Nhóm đối chứng Nhóm thực nghiệm
ĐTB khảo sát 16,86 21,29
Độ lệch chuẩn 3,94 3,58
Giá trị p của T-Test độc lập 2,9.10-6
Mức độ ảnh hưởng 1,12

Phép kiểm chứng T-Test độc lập giữa Nhóm thực nghiệm và Nhóm đối chứng sau tác động được giá trị p = 2,9.10-6 < 0,05, cho thấy sự chênh lệch ĐTB giữa Nhóm thực nghiệm và Nhóm đối chứng là có ý nghĩa, chênh lệch ĐTB nhóm thực nghiệm cao hơn ĐTB Nhóm đối chứng không nhẫu nhiên mà do kết quả tác động.

Kết quả của hai nhóm trước tác động là tương đương nhau (p=0,48>0,05).

Sau khi tác động, kết quả khảo sát của 2 nhóm đã có sự chênh lệch là 4,43. Nhóm đối chứng giảm 0,34, Nhóm thực nghiệm tăng 4,09. Điều này cho thấy việc cho học sinh tham gia vào các buổi tư vấn tâm lí của Tổ tư vấn tâm lí học sinh là có tác động rất tích cực đến nhận thức của học sinh.

Độ chênh lệch giá trị trung bình chuẩn SMD = 1,12. Kết quả này cho ta thấy mức độ ảnh hưởng của những buổi tư vấn tâm lí này là rất lớn.

* Nhận xét sau thực nghiệm:

Kết quả khảo sát sau tác động của Nhóm thực nghiệm có ĐTB là 21,29; Nhóm đối chứng có ĐTB là 16,86. Độ chênh lệch ĐTB giữa hai nhóm là 4,43. Như vậy có sự khác biệt, nhóm được tác động có ĐTB cao hơn nhóm đối chứng.

Chênh lệch giá trị trung bình chuẩn của hai lần khảo sát là SMD = 1,12. Điều này có nghĩa mức độ ảnh hưởng của tác động là rất lớn.

Phép kiểm chứng T-test độc lập ĐTB khảo sát sau tác động của hai nhóm cho giá trị p = 2,9.10-6 < 0.05. Kết quả này khẳng định sự chênh lệch ĐTB khảo sát của hai nhóm không phải ngẫu nhiên mà do kết quả tác động, nghiêng về nhóm thực nghiệm.

Vậy, có thể kết luận rằng: Tác động tâm lí, nhận thức của học sinh thông qua hoạt động tư vấn của Tổ Tư vấn tâm lí học sinh là có hiệu quả, tác động tích cực tới hành vi đổ lỗi của học sinh. Đây là một trong những giải pháp có thể áp dụng trong nhà trường để học sinh có nhận thức đúng về hành vi đổ lỗi, từ đó, dần hình thành năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho học sinh.

III. KẾT LUẬN

Đổ lỗi là một tư duy sai lầm mà rất nhiều người mắc phải, khi gặp chuyện không như ý. Thói quen đổ lỗi không chỉ dừng lại ở một vài sự việc hay hiện tượng mà ngày càng trở nên phổ biến, không phải chỉ dừng lại ở mức độ một trào lưu hay theo phong trào mà nó từ lâu đã ăn sâu vào mỗi một con người, dường như đã dần trở thành một phong cách ứng xử – một văn hoá đối đáp của xã hội ngày nay, trong đó có cả lứa tuổi học sinh THPT.

Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hành vi đổ lỗi (có thể do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan) nhưng nguyên nhân chính là do chúng ta không dám nhìn thẳng vào lỗi sai của mình, không có ý thức tự chịu trách nhiệm về lời nói, hành vi, việc làm của bản thân. Đổ lỗi là hành vi xấu gây hậu quả nghiêm trọng tới việc hình thành và phát triển nhân cách cũng như ảnh hưởng tới học tập và cuộc sống sau này. Để dần hạn chế và khắc phục hành vi đổ lỗi cần sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và cả xã hội. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phụ thuộc vào cá nhân người có hành vi đổ lỗi. Mỗi chúng ta hãy thay đổi từ nhận thức, suy nghĩ đến lời nói, hành động để dần thay đổi thói quen xấu này. Khi bạn mắc lỗi, hãy dũng cảm để nhận sai lầm hay thất bại do mình gây ra và tự rút ra bài học từ sai lầm đó. Hãy nhớ rằng đổ lỗi không làm chúng ta hạnh phúc hơn. Sự chính trực và cảm giác chiến thắng những cảm xúc tiêu cực của bản thân chính là phần thưởng lớn nhất cho những ai dám nhận lỗi.

Từ việc tìm hiểu qua nhận thức, đánh giá của học sinh trường THPT số 1 Bắc Hà, nhóm nghiên cứu có cái nhìn cụ thể, sâu sắc hơn về thực trạng đáng buồn đang tồn tại trong đời sống hiện đại ngày nay: văn hóa đổ lỗi. Từ những nguyên nhân khách quan và cả chủ quan đã dẫn đến hành vi đổ lỗi, xuất phát từ quá trình nghiên cứu, tham khảo ý kiến bằng thái độ cầu thị, thu thập thông tin khách quan và rút ra những nhận định khái quát, sâu rộng, nhóm nghiên cứu đã đưa ra những giải pháp, tuy không dám khẳng định là hoàn toàn giải quyết được vấn đề, nhưng cơ bản góp phần hạn chế, khắc phục hành vi đổ lỗi, từ đó hình thành những biện pháp hữu hiệu hơn từ trong ý thức và đạo đức của mỗi người để hình thành năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm về bản thân.

Tuy nhiên với phạm vi của đề tài, chúng em chỉ mới khai thác vấn đề một cách bao quát tập trung vào các biểu hiện để đi tới nguyên nhân, giải pháp chính chứ chưa thể tìm hiểu sâu các biểu hiện một cách cụ thể với cái nhìn nhiều chiều; phạm vi đề tài chỉ mới ứng dụng được ở riêng một trường học. Tuy nhiên, đây có thể là bước cơ sở ban đầu để có những đề tài hấp dẫn, mở rộng phạm vi hơn khai thác về các biểu hiện của hành vi đổ lỗi. Vì lẽ đó, chúng em thật sự mong mỏi những sự đồng thuận, những góp ý thật thẳng thắn, chân thành từ phía hội đồng ban giám khảo cũng như những bạn đọc khi tìm hiểu công trình nghiên cứu của chúng em.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Duy Anh, Đổ lỗi – Vòng ‘văn hóa’ loanh quanh  https://sapuwa.com/do-loi-vong-%E2%80%98van-hoa%E2%80%99-loanh-quanh.html

  1. 2. Lý Minh Tiên -TS. Nguyễn Thị Tứ (2012), Giáo trình tâm lý học lứa tuổi và tâm lý học sư phạm, NXB Đại học Sư phạm thành phố Hồ Chí Minh.

Sư phạm Hồ Chí Minh.

  1. https://vitreem.baodansinh.vn/cha-me-nen-lam-gi-voi-nhung-dua-tre-thich-do-loi-20220627154702.htm
  2. https://vietcetera.com/vn/ban-co-dang-la-mot-phan-cua-van-hoa-do-loi
  3. https://vi.wikipedia.org/wiki

BẢN THUYẾT TRÌNH

ĐỀ TÀI: HÀNH VI ĐỔ LỖI CỦA HỌC SINH TRƯỜNG THPT SỐ 1 BẮC HÀ- THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

 

* Khánh Chi: Xin kính chào các thầy cô trong Ban giám khảo. Sau đây, nhóm nghiên cứu chúng em xin trình bày về dự án của mình. Dự án của chúng em mang tên: HÀNH VI ĐỔ LỖI CỦA HỌC SINH TRƯỜNG THPT SỐ 1 BẮC HÀ- THỰC TRẠNG VÀ GIẢI PHÁP

Như các thầy cô đã biết: Nhân vô thập toàn, đã là con người ai cũng đã từng mắc phải sai lầm nào đó. Khi bản thân mắc lỗi, rất nhiều người trong số chúng ta thay vì nhận lỗi và tìm cách khắc phục, cái trong đầu chúng ta nghĩ đến đầu tiên thường là đổ lỗi cho người khác. Đáng buồn thay, hành vi đổ lỗi đang ngày càng phổ biến trong lứa tuổi đến trường, trong đó có cả học sinh trường THPT số 1 Bắc Hà. Chính vì vậy chúng em đã chọn hành vi đổ lỗi làm đối tượng nghiên cứu trong đề tài của mình.

* Ngọc Oanh:  Đề tài nghiên cứu của chúng em nhằm giải quyết cho 4 câu hỏi:

+ Hành vi đổ lỗi hiện nay đang diễn biến như thế nào?

+ Học sinh trường THPT số 1 Bắc Hà có nhận thức như thế nào về hành vi đổ lỗi?

+ Nguyên nhân dẫn đến thói quen đổ lỗi?

+ Có những giải pháp nào làm giảm thiểu hành vi đổ lỗi?

– Đối tượng nghiên cứu là: Hành vi đổ lỗi

– Phạm vi nghiên cứu: là học sinh trường THPT số 1 Bắc Hà. Hai lớp tham gia thực nghiệm là lớp 11A1 và lớp 12A8

* Trong phần thứ 2: Kết quả nghiên cứu, đề tài của chúng em chia làm 2 chương:

Chương 1: Cơ sở lí luận và thực tiễn

Chương 2: Kết quả và thảo luận

Sau đây, chúng em xin trình bày trọng tâm vào chương thứ 2: kết quả và thảo luận

Chúng em chia làm 3 giai đoạn nghiên cứu:

Giai đoạn 1: Khảo sát sự quan tâm và nhận thức của học sinh với hành vi đổ lỗi

Nhóm nghiên cứu đã tiến hành một cuộc khảo sát trên 300 học sinh của trường THPT số 1 Bắc Hà. Kết quả: 60% các bạn được hỏi đã nhận thức đúng về hành vi nhận lỗi và không chấp nhận hành vi này, có 25,3% các bạn được hỏi coi đây là hành vi bình thường và chỉ có 17,4 % học sinh chấp nhận được hành vi đổ lỗi.

* Khánh Chi: ở  Giai đoạn 2, chúng em tiến hành 3 khảo sát:

– Thứ nhất: Khảo sát về thực trạng hành vi đổ lỗi của học sinh trường THPT số 1 Bắc Hà: Mặc dù đa phần các bạn học sinh đã nhận thức đúng về hành vi đổ lỗi. Tuy nhiên, khi được hỏi: Khi bạn mắc một lỗi sai nào đó, bạn có thói quen đổ lỗi không? Kết quả thu được là 239/300 bạn cho rằng bản thân thường xuyên có thói quen đổ lỗi (chiếm 79,7%), 58/300 bạn ít khi đổ lỗi (19,3%) và chỉ có 3/300 bạn có câu trả lời là không bao giờ đổ lỗi (chiếm 1%).

Thứ 2: Khảo sát về đối tượng đổ lỗi: Theo như kết quả điều tra dựa trên 297 bạn có hành vi đổ lỗi (cả thường xuyên và thỉnh thoảng), đối tượng đổ lỗi mỗi khi mắc lỗi thường: + Đổ lỗi cho người khác (bố mẹ, thầy cô, bạn bè,….)

+ Đổ lỗi cho hoàn cảnh gia đình

+ Đổ lỗi cho điều kiện tự nhiên

+ Đổ lỗi cho số phận và đổ lỗi cho các yếu tố khác….

 Thứ 3: Khảo sát về các nguyên nhân dẫn đến thói quen đổ lỗi: Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hành vi đổ lỗi, có thể quy thành hai nhóm chính:

+ Nhóm nguyên nhân khách quan: do sự giáo dục từ gia đình, môi trường và xã hội

+ Nhóm nguyên nhân chủ quan: Do bản thân người mắc lỗi đưa ra nhiều lí do bao biện như muốn có cảm giác an toàn, không muốn bị chỉ trích, tránh phiền phức, tâm lí “nạn nhân”….

* Ngọc Oanh: Giai đoạn 3: Đề xuất giải pháp khắc phục thói quen đổ lỗi. Chúng em chia thành 3 nhóm giải pháp:

Giải pháp với gia đình: cha mẹ cần làm gương trong lời nói, hành động, cần có phương pháp dạy trẻ ngừng đổ lỗi và biết chịu trách nhiệm cho hành động của mình.

Giải pháp với Nhà trường

+ Giáo dục kĩ năng sống, ý thức tự chịu trách nhiệm lồng ghép trong các môn học. Đặc biệt là hai môn Ngữ văn, GDCD.

+ Giáo dục qua các hoạt động ngoài giờ lên lớp với đa dạng các hình thức như sân khấu hóa, câu hỏi trắc nghiệm…….

+ Giáo dục qua hệ thống khẩu hiệu, apphic

+ Phát huy hoạt động của Tổ tư vấn tâm lí học sinh trong nhà trường qua các buổi nói chuyện, gặp gỡ, tư vấn, tham vấn….

Giải pháp với những học sinh có hành vi đổ lỗi

+ Thay đổi tư duy: Cần bỏ tư duy nạn nhân. Cần tự nhận thức được rằng cuộc đời mình là do mình làm chủ, do mình quyết định, bạn chủ động và kiểm soát trong công việc, cảm xúc… chứ không để công việc và cảm xúc điều khiển bạn.

+ Thay đổi lời nói: Hãy đổi chủ thể lời nói từ hoàn cảnh và người khác thành “Tôi” kèm theo một giải pháp chủ động.

+ Thay đổi hành động: dũng cảm nhận sai và tìm cách sửa sai. Hoặc tự rút ra bài học để không lại sai lầm đó nữa, điều này sẽ khiến bạn ngày càng tiến bộ, hoàn thiện hơn.

Áp dụng công thức: E + R = O của Giáo sư Robert Resnick

(Event + Response = Outcome) (Ngoại cảnh + Phản ứng = Kết quả)

* Khánh Chi: Giai đoạn Tiến hành thực nghiệm thực tế nâng cao nhận thức học sinh về hành vi đổ lỗi nạn nhân qua hoạt động của Tổ tư vấn tâm lí học sinh. Chúng em 1 lớp làm nhóm đối chứng, 1 lớp làm nhóm thực nghiệm. Kết quả là:

+ Trước tác động, hai nhóm là tương đương nhau.

+ Sau tác động, kết quả của Nhóm thực nghiệm có ĐTB là 21,29; Nhóm đối chứng có ĐTB là 16,86. Độ chênh lệch ĐTB giữa hai nhóm là 4,43. Như vậy có sự khác biệt: nhóm được tác động có ĐTB cao hơn nhóm đối chứng.

+ Chênh lệch giá trị trung bình chuẩn của hai lần khảo sát là SMD = 1,12. Điều này có nghĩa mức độ ảnh hưởng của tác động là rất lớn.

Vậy, có thể kết luận rằng: Tác động tâm lí, nhận thức của học sinh thông qua hoạt động tư vấn của Tổ Tư vấn tâm lí học sinh là có hiệu quả, tác động tích cực tới hành vi đổ lỗi của học sinh. Đây là một trong những giải pháp có thể áp dụng trong nhà trường để học sinh có nhận thức đúng về hành vi đổ lỗi, từ đó, dần hình thành năng lực tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho học sinh.

* Ngọc Oanh: Sau nghiên cứu chúng em rút ra 3 kết luận:

  1. Đổ lỗi là một hành vi sai lầm mà rất nhiều người mắc phải, khi gặp chuyện không như ý. Nó dần trở thành một thói quen xấu trong xã hội hiện nay, trong đó có cả lứa tuổi học sinh THPT.
  2. Có rất nhiều nguyên nhân gây nên hành vi đổ lỗi (có thể do nguyên nhân khách quan hoặc chủ quan) nhưng nguyên nhân chính là do chúng ta không dám nhìn thẳng vào lỗi sai của mình, không có ý thức tự chịu trách nhiệm về lời nói, hành vi, việc làm của bản thân….
  3. Để dần hạn chế và khắc phục hành vi đổ lỗi cần sự phối hợp đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và cả xã hội. Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là phụ thuộc vào cá nhân người có hành vi đổ lỗi.

Chúng em xin mượn câu nói của Brian Tracy thay cho lời kết: Bạn có thể tạo ra lý lẽ ngụy biện, hoặc bạn có thể tạo ra tiến bộ. Lựa chọn là của bạn.

 

Chúng em xin kết thúc phần trình bày tại đây. Mong thầy cô góp ý thêm để đề tài thêm phần hoàn thiện ạ.

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *