Đề tham khảo kì thi THPT quốc gia môn văn- Tây Tiến

Đề thi THPT Quốc Gia

TÊN: ĐỀ TRẮC NGHIỆM BÀI “TÂY TIẾN” – QUANG DŨNG

– Họ và tên người soạn: Tổ Ngữ văn- GDCD

– Trường: THPT Chu Văn An

Câu 1 (NB): Nhận xét nào sau đây đúng nhất với Quang Dũng?

  1. Một phong cách thơ hiện đại
  2. Một ngòi bút đậm chất sử thi
  3. Một nhà thơ đa tài
  4. D. Một hồn thơ phóng khoáng, hồn hậu, lãng mạn và tài hoa

Câu 2 (NB): Bài thơ “Tây Tiến” in trong tập thơ nào?

  1. Nhớ Tây Tiến
  2. B. Mây đầu ô
  3. Hoa dọc chiến hào
  4. Việt Bắc

Câu 3 (TH): Xác định biện pháp nghệ thuật được sử dụng trong hai câu thơ: “Sài Khao sương lấp đoàn quân mỏi/ Mường Lát hoa về trong đêm hơi”?

  1. Bút pháp tả thực
  2. B. Bút pháp tả thực và lãng mạn
  3. Bút pháp tượng trưng
  4. Bút pháp tượng trưng và lãng mạn

Câu 4 (TH): Bút pháp lãng mạn của Tây Tiến thể hiện ở:

  1. Sự mơ mộng về những “dáng kiều thơm” của người lính Tây Tiến
  2. B. Hình tượng thơ kì vĩ, nên thơ
  3. Cảnh núi rừng hùng vĩ, nên thơ
  4. Cảnh sinh hoạt của người lính Tây Tiến đày màu sắc và âm nhạc

Câu 5 (VD): Qua bài “Tây Tiến”, Quang Dũng đã khắc hoạ thành công:

  1. Cảnh núi rừng miền Tây hùng vĩ, hiểm trở
  2. Người lính Tây Tiến gian khổ nhưng hào hùng
  3. C. Hình tượng người lính mang vẻ đẹp lãng mạn, đậm chất bi tráng

D.Hình tượng người lính mang vẻ đẹp hào hoa

Câu 6 (VDC): So sánh bút pháp của hai bài thơ “Đồng chí” (Chính Hữu) và “Tây Tiến” (Quang Dũng)

  1. Cả hai bài thơ đều được viết bởi bút pháp lãng mạn
  2. Cả hai bài thơ đều được viết bởi bút pháp hiện thực
  3. Bài thơ Tây Tiến được viết bởi bút pháp hiện thực, bài Đồng chí được viết bởi bút pháp lãng mạn
  4. Bài thơ Tây Tiến được viết bởi bút pháp lãng mạn, bài Đồng chí được viết bởi bút pháp hiện thực

 

ĐỀ TỰ LUẬN – TÂY TIẾN

– Họ và tên người soạn: Tổ Ngữ văn- GDCD

– Trường: THPT Chu Văn An

PHẦN ĐỌC HIỂU: 3.0 điểm.

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu nêu bên dưới:

Tôi được tặng một chiếc xe đạp leo núi rất đẹp nhân dịp sinh nhật của mình. Trong một lần tôi đạp xe ra công viên chơi, một cậu bé cứ quẩn quanh ngắm nhìn chiếc xe với vẻ thích thú và ngưỡng mộ thực sự.

– Chiếc xe này của bạn đấy à? . Cậu bé hỏi.

– Anh mình đã tặng nhân dịp sinh nhật của mình đấy. Tôi trả lời, không giấu vẻ  tự hào và mãn nguyện.

– Ồ, ước gì tôi… Cậu bé ngập ngừng.

Dĩ nhiên là tôi biết cậu bé đang nghĩ gì rồi. Chắc chắn cậu ấy ước ao có được một người anh như thế. Nhưng câu nói tiếp theo của cậu bé hoàn toàn nằm ngoài dự đoán của tôi.

  Ước gì tôi có thể trở thành một người anh như thế! . Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm. Sau đó, cậu đi về phía chiếc ghế đá sau lưng tôi, nơi một đứa em trai nhỏ tật nguyền đang ngồi và nói:

– Đến sinh nhật nào đó của em, anh sẽ mua tặng em chiếc xe lăn lắc tay nhé.

(“Hạt giống tâm hồn”, tập 4, nhiều tác giả. NXB tổng hợp TP Hồ Chí Minh, 2006)

Câu 1 (NB): (0.5 điểm). Xác định phương thức biểu đạt của văn bản trên?

Trả lời: Phương thức biểu đạt : Tự sự, biểu cảm

Câu 2 (TH): (0.5 điểm). Theo anh (chị), cậu bé ước trở thành người anh thế nào?

Trả lời:

HS có thể trả lời một trong các cách sau:

  •  Cậu bé ước trở thành người anh mang lại niềm vui, niềm tự hào cho người em.
  •  Cậu bé ước trở thành người anh có tình thương em, mang lại niềm hạnh phúc cho em.
  •  Các câu trả lời khác nhưng có nội dung phù hợp vẫn cho điểm tối đa….

Câu 3 (TH): (1.0 điểm). Theo anh (chị), câu “Cậu ấy nói chậm rãi và gương mặt lộ rõ vẻ quyết tâm”có ý nghĩa gì ?

Trả lời:

HS có thể trả lời một trong các cách sau:

  • Câu văn cho ta biết rõ hơn về sự trăn trở và lòng quyết tâm thực hiện ước mơ của cậu bé: trở thành người anh đáng tự hào.
  • Câu văn cho thấy lòng quyết tâm cao độ của cậu bé muốn biến ước mơ của mình thành hiện thực.
  •  Các câu trả lời khác nhưng có nội dung phù hợp vẫn cho điểm tối đa….

Câu 4 (VD): (1.0 điểm). Từ văn bản trên, anh (chị) rút ra thông điệp gì? (Viết khoảng 5- 7 dòng)

Trả lời:

Đây là câu hỏi mở. Học sinh có thể rút ra một bài học nào đó miễn là hợp lí, có sức thuyết phục. Chẳng hạn như: Sống phải biết cảm thông, quan tâm, yêu thương, chia sẻ, giúp đỡ lẫn nhau, nhất là với những người có số phận bất hạnh, người tật nguyền,… để họ có được sự bình đẳng như mọi người…

  II- PHẦN LÀM VĂN (7,0 điểm)

       Câu 1: (2 điểm)Anh/chị hãy viết đoạn văn (không quá 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản thân về ý kiến: “Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn.”

Hướng dẫn chấm

  1. Đảm bảo hình thức đoạn văn. (0.25 điểm)
  2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: Đừng trông đợi một phép màu hay một ai đó sẽ mang hạnh phúc đến cho bạn . (0.25 điểm)
  3. Thí sinh vận dụng hợp lý các thao tác lập luận để triển khai vấn đề: (1.0 điểm)
  • Hạnh phúc là niềm vui của con người khi đạt được mục đích lí tưởng của cuộc sống và thỏa mãn về nhu cầu vật chất hoặc tinh thần ở thời điểm nhất định trong cuộc sống, không nên trông chờ, ỷ lại người khác…
  • Ý nghĩa của câu nói: Hạnh phúc phải do chính ta tạo ra ở mọi thời điểm và hoàn cảnh trong cuộc sống.
  •  Cuộc sống luôn có những niềm vui và nỗi buồn, thành công và thất bại. Đó là sự tồn tại hai mặt của cuộc đời thường. Do đó, con người cần phải đối mặt với những điều ấy trong quá trình tạo ra hạnh phúc cho đời mình.
  •  Con người ta ai cũng phải có lí tưởng và mục đích khát vọng của cuộc đời. Khi đạt được những điều ấy chúng ta sẽ cảm thấy thỏa mãn và có động lực để tiếp tục cống hiến cho xã hội. Đó là hạnh phúc.
  •  Lấy một số dẫn chứng về những tấm gương biết tạo ra hạnh phúc cho mình vượt lên nghịch cảnh để trở thành người hạnh phúc, ví dụ Nick Vujiccic; thầy Nguyễn Ngọc Kí…
  • Cá nhân đóng vai trò quan trọng trong việc tạo ra hạnh phúc của cuộc đời mình. Không nên lệ thuộc và ỷ lại trông chờ vào hoàn cảnh hay người khác.
  • Liên hệ bản thân
  1. Sáng tạo: Thí sinh có những cái nhìn mới mẻ, có bài học sâu sắc … (0.25 điểm)
  2. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo yêu cầu về chính tả, dùng từ, đặt câu. (0.25 điểm).

Câu 2: (5.0 điểm). Cảm nhận của anh/chị về vẻ đẹp độc đáo, mới lạ của hình tượng người lính Tây Tiến (Quang Dũng).HẾT.

          Hướng dẫn chấm:

  1. Đảm bảo hình thức bài văn nghị luận văn học. (0.25 điểm).
  2. Xác định đúng vấn đề nghị luận: (0.5 điểm).
  3. Thí sinh vận dụng hợp lý các thao tác lập luận để triển khai vấn đề: (3.5 điểm)

* Giới thiệu vài nét về tác giả, tác phẩm và nêu vấn đề nghị luận. (0.5 điểm).

* Cảm nhận về vẻ đẹp độc đáo, mới lạ của hình tượng người lính trong bài thơ Tây Tiến – Quang Dũng (2.5 điểm):

Giới thiệu chung: Vẻ đẹp độc đáo mới lạ của hình tượng người lính Tây Tiến thể hiển ở cảm hứng lãng mạn và tinh thần bi tráng. Nó thể hiện tập trung khi tác giả khắc hoạ trực tiếp hình tượng người lính.

Một số biểu hiện cụ thể như:

+ Biểu hiện vẻ đẹp lãng mạn của hình tượng người lính Tây Tiến:

– Đó là cách nhìn người lính có vẻ tiều tụy trong hình hài nhưng lại chói ngời vẻ đẹp lí tưởng, mang dáng dấp của những tráng sĩ thời xưa. Thực tế gian khổ thiếu thốn đã làm cho người lính da dẻ xanh xao, sốt rét làm họ trụi cả tóc. Quang Dũng không hề che giấu những sự thực tàn khốc đó. Song, cái nhìn lãng mạn của ông đã thấy họ ốm mà không yếu và ngòi bút lãng mạn của ông đã biến họ thành những bức chân dung lẫm liệt, oai hùng. Cái vẻ xanh xao vì đói khát, vì sốt rét của những người lính, qua cái nhìn của ông, vẫn toát lên cái oai phong của những con hổ nơi rừng thiêng.

– Cái nhìn nhiều chiều của Quang Dũng đã giúp ông nhìn thấy xuyên qua cái vẻ oai hùng, dữ dằn bề ngoài của những người lính Tây Tiến là những tâm hồn còn rất trẻ, những trái tim rạo rực, khao khát yêu đương (Đêm mơ Hà Nội dáng kiều thơm).

+ Biểu hiện tinh thần bi tráng của hình tượng người lính Tây Tiến:

– Nhà thơ không hề che dấu sự gian khổ, khó khăn, những căn bệnh hiểm nghèo và cả những hi sinh, mất mát của người lính.

– Người lính Tây Tiến không chỉ tự nguyện chấp nhận mà còn vượt lên cái chết, sẵn sàng hiến dâng cả tuổi thanh xuân cho tổ quốc. Đó là dũng khí, tinh thần và hành đọng cao đẹp. Tư thế ra trận, lí tưởng lên đường hào hùng mà bi tráng.

– Khi miêu tả những người lính Tây Tiến, ngòi bút của Quang Dũng không hề nhấn chìm người đọc vào cái bi thương, bi lụy. Bài thơ viết về sự hi sinh của người lính một cách thấm thía bằng cảm hứng bi tráng. Cái chết của người lính gợi lên sự bi thương nhưng họ đã ”quyết tử cho tổ quốc quyết sinh”, đó là cái chết thiêng liêng, bất tử.

* Đánh giá chung vấn đề nghị luận (0.5 điểm).

– Với cảm hứng lãng mạn, trên cơ sở hiện thực, bằng cái nhìn nhiều chiều, Quang Dũng đã nhìn thấy qua dáng vẻ bề ngoài oai hùng, dữ dằn là tâm hồn, trái tim khao khát yêu thương. Chính điều đó đã tạo nên ở người lính một sức mạnh phi thường, chói ngời vẻ đẹp lí tưởng.

Qua bài thơ Tây Tiến, nhà thơ Quang Dũng đã dựng được tượng đài bi tráng và bất tử về người lính.

  1. Sáng tạo: (0.5 điểm).
  2. Chính tả, dùng từ, đặt câu (0.25 điểm)

 

 

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *