Đề đọc hiểu và nghị luận xã hội 200 chữ :Thái độ quyết định thành công

Đề thi THPT Quốc Gia

ĐỌC HIỂU (3 điểm):

Đọc đoạn trích sau:

Thái độ là yếu tố quyết định tất cả. Mỗi người đều có quyền nắm giữ và kiểm soát một thái độ sống cho riêng bản thân. Nó là yếu tố còn quan trọng hơn cả học thức, ngoại hình và tiền bạc. Chính thái độ sẽ quyết định bạn được mọi người yêu quý hay ghen ghét, xem thường. Nó là yếu tố kéo mọi người lại gần bạn hay đẩy họ ra xa bạn.

Bên cạnh đó, thái độ còn quan trọng hơn cả những kĩ năng cần thiết để đạt được thành công. John D. Rockefeller từng nói: “Tôi đánh giá cao người vừa có năng lực vừa có thái độ hợp tác tốt với mọi người hơn bất kỳ khả năng vượt trội nào khác mà họ sở hữu”. Giữ cho mình một thái độ đúng đắn cũng có nghĩa bạn đang phát huy một cách cao nhất tài sản quý báu của mình.

Điều quan trọng không phải là gia đình bạn đang lâm vào tình trạng khó khăn như thế nào, ông chủ của bạn đối xử với bạn ra sao hay bạn kiếm được bao nhiêu tiền. Cái quan trọng hơn nhiều chính là thái độ của bạn với gia đình, với những vấn đề của bản thân, với quyền lực và tiền bạc. Thái độ tạo nên mọi sự khác biệt trên thế giới này.

(Wayne Cordeiro, Thái độ quyết định thành công,

– NXB Tổng hợp TP. HCM, 2016, tr.15)

Thực hiện những yêu cầu:

Câu 1. Theo tác giả, điều gì còn quan trọng hơn cả học thức, ngoại hình và tiền bạc?

Câu 2. Trong ý kiến của mình, John D. Rockefeller đánh giá cao những người như thế nào?

Câu 3. Theo anh/chị, tại sao: Thái độ tạo nên mọi sự khác biệt trên thế giới này?

Câu 4. Hãy đề xuất một thái độ mà anh/chị cho là đúng đắn nhất trong trường hợp anh/chị dễ dàng giành được thành công.

LÀM VĂN (7 điểm):

Câu 1 (2 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, hãy viết 01 đoạn văn (khoảng 200 chữ) trả lời câu hỏi: Thế nào là thái độ hợp tác tốt với mọi người của mỗi cá nhân?

GỢI Ý GIẢI ĐỀ:

ĐỌC HIỂU (3,0 điểm):

Câu 1. Theo tác giả, thái độ sống là điều còn quan trọng hơn cả học thức, ngoại hình và tiền bạc.

Câu 2. Trong ý kiến của mình, John D. Rockefeller đánh giá cao những người vừa có năng lực vừa có thái độ hợp tác tốt với mọi người.

Câu 3. Thái độ tạo nên mọi sự khác biệt trên thế giới vì chính thái độ khiến con người dễ dàng đạt được thành công vượt trội so với người khác hay thất bại, thái độ khiến con người trở nên lạc quan, tự tin hay bi quan, chán nản…

Câu 4. Có thể đề xuất những thái độ khác nhau, miễn sao là thái độ đúng đắn nhất trong trường hợp dễ dàng giành được thành công, chẳng hạn: không kiêu căng, tự mãn trước thành công luôn biết ơn những người giúp mình đạt được thành công…

LÀM VĂN (7 điểm):

Câu 1 (2 điểm)

Yêu cầu: Đảm bảo dung lượng (khoảng 200 chữ); hình thức, nội dung của đoạn văn; HS có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng phân hợp, song hành, móc xích; có thể lựa chọn các thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề cần nghị luận: Thế nào là thái độ hợp tác tốt với mọi người của mỗi cá nhân?

Sau đây là một gợi ý:

– Thái độ hợp tác tốt với mọi người của mỗi cá nhân được hiểu là. thái độ sống tích cực, cùng liên kết, giúp đỡ lẫn nhau trong công việc nhằm đạt hiệu quả cao trong công việc chung, vì lợi ích chung;

– Thái độ hợp tác tốt với mọi người của mỗi cá nhân được thể hiện trong việc lắng nghe ý kiến của mọi người, chia sẻ những thuận lợi, khó khăn vướng mắc trong công việc, đặt niềm tin vào người khác; sẵn sàng góp ý trên tinh thần thân ái và xây dựng…

*Đoạn văn tham khảo:

Thế nào là một thái độ hợp tác tốt với mọi người? Thái độ là cách nghĩ, cách nhìn và cách hành động theo một hướng nào đó theo một vấn đề hay một tình hình cụ thể. Thái độ hợp tác tốt được hiểu là khi đứng trước một tình huống, một vấn đề, người ta có cách nghĩ, cách nhìn và hành động theo hướng tích cực để cùng người khác giải quyết vấn đề cũng như luôn tìm kiếm giải pháp tối ưu thay vì than vãn, phàn nàn, ỷ lại vào người khác. Khi cần phải làm việc nhóm, người có thái độ hợp tác tốt sẽ biết lắng nghe ý kiến, cùng thảo luận, đề xuất ý kiến để thực hiện và hoàn thành công việc chung. Một người hợp tác tốt sẽ cố gắng tiếp cận vấn đề theo nhiều góc nhìn khác nhau, từ đó biết tiếp thị, cũng như biết đưa ra những tranh luận có tính đóng góp, xây dựng. Chính vì vậy, không thể nhầm lẫn thái độ hợp tác tốt với sự a dua, gió chiều nào theo chiều ấy. Có người còn cho rằng, có thái độ hợp tác chính là sẵn sàng nhận việc về phần mình cho dù bản thân không có điều kiện thực hiện. Mục đích của hợp tác là để công việc được giải quyết hiệu quả, nhưng khi cả nể, ôm đồm quá nhiều lại có thể dẫn tới thất bại không đáng có.

================= HẾT =================

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *