Đọc hiểu kịch Không một tiếng vang của Vũ Trọng Phụng

Đề thi khối 11
ĐÁNH GIÁ ĐỊNH KÌ GIỮA KÌ II

NĂM HỌC 2023 – 2024

Môn NGỮ VĂN 11

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian giao phát đề)

PHẦN ĐỌC (6.0 ĐIỂM)

Tóm tắt vở kịch:

Vở kịch Không một tiếng vang của Vũ Trọng Phụng tái hiện bối cảnh cuộc sống khốn cùng của người dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám, dưới thời Pháp thuộc. Nhà ông lão mù trước kia vốn thuộc bậc trung lưu, nhưng một trận hỏa hoạn xảy ra, khiến người vợ bị chết cháy, người chồng bị bỏng nặng, mù hai mắt, gia đình rơi vào cảnh tán gia bại sản. Ông lão mù và vợ chồng người con trai phải mướn nhà của lão Thông Xạ để ở, kiếm ăn qua ngày. Do thiếu tiền thuê nhà nên lão Thông Xạ nhiều lần đến đòi nợ và dọa sẽ đuổi cả nhà ra đường nếu không trả đủ tiền. Hôm ấy, lão Thông Xạ lại đến. Ông lão mù hẹn khi con dâu và con trai đi làm về sẽ gắng trả. Nhưng cô con dâu đi bán bánh trên tàu thì bị nhân viên soát vé đổ mất hàng, người con trai đi làm thì bị cai ăn chặn tiền lương. Nhà hết gạo, thuốc bệnh cho ông bố mù lòa cũng hết, ngày mai giỗ bà mẹ mà chưa biết lấy gì để cúng đơm nhưng lão Thông Xạ nhất quyết sẽ quay lại và không cho khất nợ thêm nữa. Cả gia đình rơi vào tình cảnh tuyệt vọng. Anh con trai phẫn uất làm càn, đi ăn trộm bị cảnh sát bắt. Ông lão mù tủi cực, nhân lúc cô con dâu đi ra ngoài, đã thắt cổ tự vẫn để không trở thành gánh nặng cho hai con. Cô con dâu trở về thấy cảnh tượng đó, ngã vật xuống đất, thái dương đập vào hòn đá mà ông bố dùng để chặn cửa, chết theo.

Đoạn trích dưới đây là một phần thuộc cảnh I, hồi thứ Hai của vở kịch.

HỒI 2, CẢNH 1

Ông lão lòa, chị Cả Thuận, anh cả Thuận.

[…]

ÔNG LÃO: – Thế chốc nữa lão Thông Xạ nó quay xe lại thì biết nói thế nào với nó đây?… Thôi hai con nghe thầy, nên lánh mặt nó đi, cứ để thầy ở nhà một mình, thầy tìm cách khất khứa với nó, họa may nó thấy mù lòa, ốm yếu, nó có động lòng thương chăng…

CHỊ CẢ: – Lão ấy nó còn thương ai… Nếu nó có lòng thương người, nó đã chẳng xử với mình đến thế.

ÔNG LÃO: – Chả hơn cả ba bố con ngồi trơ ra đây mà tiền không có trả nó, để điên tiết lên nó thẳng tay quăng đồ đạc ra đường hoặc gọi đội xếp thưa bắt hai chúng mày về bóp thì có phải khổ cả không…

CHỊ CẢ: – Nào, thế cậu định ra sao đây?

ANH CẢ: – Định à?… Chỉ còn một sống một chết, muốn đằng nào thì muốn, chứ sống ngắc ngoải thì không nên sống. Bàn đến kế tránh mặt nó đi thì không xong rồi. Liệu có tránh được mãi không?… Dẫu nó không thưa để mình phải vào bóp mà chỉ vứt đồ ra đường, thì tôi cũng không còn bụng dạ nào làm ăn gì nữa… Ruột gan tôi có phải sắt đá đâu? Giời ơi, nghĩ đến vợ đang dắt bố già lang thang đầu đường xó chợ mà vẫn thản nhiên đi làm cho thằng khác ăn… có là con vật không thương yêu ai, dại như chó thì mới thế được. Mà đi làm về thì ăn vào đâu? Không được ăn mà vẫn đi làm à? Đây này: tôi bây giờ chán cả mọi sự rồi, đi làm tôi cũng không thiết nữa. Phải biết thời buổi này mới được. Tôi mà vô gia cư, tất không thoát tù tội. Vợ tôi mà vô gia cư, tất không thoát được lục sì[1]. Ông mà vô gia cư, rồi người ta sẽ nhét ông vào bọn ăn mày ngoại ô… Sống ngắc ngoải thế này mà vẫn còn tưởng sống.

CHỊ CẢ: – Nông nỗi đã thế này, chẳng nhẽ cứ để mặc nó muốn nghiêng thì nghiêng, muốn ngửa thì ngửa, đành bó tay chịu chết?

ANH CẢ: – Nếu có gan mà cả ba bố con cùng thắt cổ chết quách đi thì may lắm, thoát được nợ đời thì sung sướng lắm. Khốn nỗi nói đến cái chết thì nói suông được chứ ai mà không sợ chết? Sống ngắc ngoải không sống được, chết cũng không chết được, sao lúc cầm dao đi tìm cách sống mà lại ngăn? Đã đến lúc thế này mà không biết xoay lại còn sợ phạm vào luật pháp với nhân đạo nữa à? Nhân đạo là cái gì? Mà cái gì là luật pháp?

ÔNG LÃO: – Thôi, con đừng nói nữa mà thầy đau lòng, con nên nghĩ lại một chút, nhà ta tuy xưa nay không được dòng dõi quan sang nhưng cũng là nề nếp, lễ nghĩa. Con nghĩ đến ông bà, con nghĩ đến thầy đẻ, con nghĩ đến họ hàng quen thuộc thì con có cam tâm nhúng tay vào những việc ấy không? Đừng nói quẩn, nghĩ quẩn, làm quẩn thế mà có phen hổ thẹn với lương tâm, nếu không tránh khỏi luật pháp, rồi lại hối…

ANH CẢ: – Đến thế này mà còn kể lương tâm với luật pháp. Luật pháp không đáng trọng mà đáng khinh vì xưa nay luật pháp chỉ biết trừng trị kẻ làm càn chứ chẳng biết đến những nguyên do nó buộc người ta phải làm càn… Lương tâm, không nên giữ mà nên bỏ vì sống vào giữa cái xã hội không có lương tâm, nếu mình khư khư giữ lấy lương tâm thì không sống được. (…) Lâm cảnh như mình đây thì phải xoay. Non gan thì ăn cắp vặt, già gan thì ăn cướp, giết người…

[…]

ÔNG LÃO: – Thôi, chẳng qua là mày uất ức nên nói quẫn thế, chứ bố con mình xưa nay ăn ở hiền hậu mà còn cứ vận hạn mãi thế này, nếu lại làm những việc trái đạo thì còn giời nào chứng cho nữa.

ANH CẢ: – (…) Ăn ở hiền hậu mà cứ vận hạn mãi… Đến thế mà còn tin được Giời, Phật nữa à? (thất vọng). (…) Giời Phật, có để làm gì, hở? Có phải chỉ để làm bù nhìn mặc cho loài người chúng nó ăn thịt nhau, thằng nào xỏ lá, bất nhân, lắm ngón xoay tiền thì được vợ đẹp, con khôn, lên xe xuống ngựa; còn người hiền lành thật thà thì bị lợi dụng, bị đè nén, bị hắt hủi, kiếm chẳng đủ áo mặc cơm ăn có phải không? Có Giời, có Phật mà đến thế à? Không có Giời, Phật nào cả. Hoặc có Giời, có Phật nhưng Giời, Phật không đủ quyền phép thiêng liêng, không công minh, không đáng cho ai kính thờ!… Bây giờ ấy à? Chỉ có đồng tiền là Giời, là Phật, chỉ có đồng tiền là đáng kính thờ vì nó sai khiến được mọi người, ai ai cũng phải kính thờ nó mới sống được. Lương tâm à? Còn thua đồng tiền! Luật pháp à? Chưa bằng đồng tiền! Giời Phật à? Còn kém đồng tiền!…

Ông lão đang bị bệnh, lại đói, nghe con nói thế bỗng lả người đi như muốn ngã, nước dãi ở miệng chảy ra ròng ròng. Cả Thuận đỡ bố, nhăn nhó.

ÔNG LÃO: (không nói được nữa, chỉ kêu): Ôi giời ơi! Để tôi chết đi cho rảnh! Cho tôi chết đi!…

CHỊ CẢ: (tất tả vào bếp, xách ra một chiếc chậu thau) – Cậu cứ ở nhà với thầy, tôi đi đằng này một lát.

ANH CẢ: – Định xách chậu đi đâu thế?

CHỊ CẢ: – Để lại cho bác phó. Hôm nọ sang chơi, bác ta có ý muốn mua lại, bây giờ tôi đem sang lấy vài hào về mua bát cháo với lọ dầu cho thầy. Thầy bảo cồn ruột chắc chỉ vì đói quá (tất tả ra đi).

ANH CẢ: – Này, gượm!… Người ta bảo đã mà lại. Lúc nãy tôi tạt chơi bên ấy rồi. Hiện bây giờ thằng bé con đang lên sởi, hai vợ chồng chạy thuốc đã méo mặt cả, mua bán gì? Chính tôi cũng còn nợ người ta năm hào mà chưa trả được, lúc nãy vào khất đấy…

CHỊ CẢ: (thất vọng đờ đẫn cả người, ra ngồi đắp chiếu cho bố).

ÔNG LÃO: (nằm trong chiếu, vẫn quằn quại kêu rên) – Ôi giời đất ơi, ôi giời đất ơi!

ANH CẢ: (ứa nước mắt, vùng đứng lên rảo bước ra đến cửa, dừng chân ngẫm nghĩ một lát, quay lại nhìn ông bố, rồi đẩy tung cửa ra đi).

CHỊ CẢ: (đang gục mặt, ngẩng lên nhìn rồi hốt hoảng, vùng dậy chạy theo) – Giời ơi!… Cậu lại định đi đâu…Cậu! Cậu…Giời ơi, thầy ơi thầy, rõ khổ chưa!…

ÔNG LÃO: (tung đống chiếu ra, lật đật ngồi lên gọi) – Ới cả!… Ới Thuận!!! (vùng lên chạy ba bước, rồi lả người đi) con mau chạy theo gọi nó lại cho thầy (ngã gục xuống đất).

CHỊ CẢ: (nửa muốn chạy đi gọi chồng, nửa muốn lại nâng bố lên, luống cuống, sau cùng thì quay lại đỡ bố) – Thầy ơi, thầy ngã có đau không? Rõ khổ!

ÔNG LÃO: (khặc khừ, lắc đầu, lả đi)

CHỊ CẢ: (tay run lẩy bẩy, hết sức dìu bố, dẫn lại chỗ chõng tre, để cho ông lão ngồi được yên rồi lả xuống cạnh đấy bất tỉnh nhân sự).

(Trích vở bi kịch nhân sinh Không một tiếng vang, Vũ Trọng Phụng,

in trong Tổng tập văn học Việt Nam, tập 24, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội, 2000, Tr.358-364)

Thực hiện các yêu cầu:

Câu 1 (1.0 điểm). Anh/ chị hãy xác định đề tài của tác phẩm, các nhân vật xuất hiện trong đoạn trích.

Câu 2 (1.0 điểm). Anh/ chị hãy xác định và cho biết vai trò của hai lời chỉ dẫn sân khấu xuất hiện trong đoạn trích trên.

Câu 3 (1.0 điểm). Theo anh/ chị, đoạn trích thể hiện mối xung đột giữa những nhân vật nào? Xung đột về vấn đề gì?

Câu 4 (1.0 điểm). Theo anh/ chị, bi kịch của nhân vật ông lão là do đâu?

Câu 5 (1.0 điểm). Qua đoạn trích, tác giả bày tỏ thái độ gì đối với xã hội đương thời?

Câu 6 (1.0 điểm).  Anh/ chị có đồng tình với quan điểm của nhân vật Cả Thuận: “Lương tâm, không nên giữ mà nên bỏ vì sống vào giữa cái xã hội không có lương tâm, nếu mình khư khư giữ lấy lương tâm thì không sống được”không? Lí giải vì sao?

PHẦN VIẾT (4.0 ĐIỂM)

   Viết bài văn nghị luận ngắn (khoảng 600 chữ) trình bày những bàn luận của anh/ chị về sức mạnh của tình yêu thương trong cuộc sống

GỢI Ý ĐÁP ÁN VÀ HƯỚNG DẪN CHẤM

MÔN VĂN 11 – GIỮA HKII – 2023-2024

 

Phần Câu Nội dung cần đạt Điểm
ĐỌC 1 – Đề tài: Cuộc sống người dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám, dưới thời Pháp thuộc

– Nhân vật: Ông lão (người cha), anh Cả (con trai), chị Cả (con dâu)

1.0
2 Chỉ ra hai lời chỉ dẫn sân khấu trong đoạn trích.

Tác dụng: hướng dẫn/ thể hiện/ miêu tả về cử chỉ, hành động, thái độ, tâm trạng của nhân vật; sự xuất hiện của nhân vật; các chỉ báo sân khấu,…

1.0
3 –  Đoạn trích thể hiện mối xung đột giữa nhân vật ông lão và anh Cả (con trai của ông).

–  Xung đột xoay quanh vấn đề về quan điểm sống:

(+ Ông lão quan niệm sống phải giữ đạo đức (nề nếp, lễ nghĩa, đạo làm người), không hổ thẹn với lương tâm, tuân thủ pháp luật.

+ Anh con trai thì cho rằng trong xã hội hiện tại luật pháp đáng khinh, giữ đạo đức và lương tâm thì không thể sống được.)

1.0
4  Bi kịch của nhân vật ông lão là do mâu thuẫn/ xung đột giữa nhân cách sống cao đẹp (có đạo đức, lương tâm, tuân thủ pháp luật) với tình trạng không thể thực hiện trong thực tế (gia cảnh khốn cùng: nghèo, nợ nần, bệnh tật, không thể giúp con lại còn là gánh nặng cho con)  

1.0

5  Thái độ của tác giả

+ Lên án cái xã hội chạy theo đồng tiền, bất chấp luân lý, đạo đức

+ Cảm thông, thương xót, trân trọng những người lương thiện, nghèo khổ trong xã hội

 

1.0

6  Hs có thể đồng tình hoặc không đồng tình, miễn có cách lí giải hợp lí, thuyết phục. “Lương tâm, không nên giữ mà nên bỏ vì sống vào giữa cái xã hội không có lương tâm, nếu mình khư khư giữ lấy lương tâm thì không sống được” 1.0

 

II

 

 

PHẦN VIẾT

(4.0 ĐIỂM)

Viết bài văn nghị luận trình bày suy nghĩ của anh/chị về sức mạnh của tình yêu thương trong cuộc sống 4.0
a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: nghị luận xã hội 0.25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: sức mạnh của tình yêu thương trong cuộc sống 0.5
c.  Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề của bài viết

–  Xác định được các ý chính của bài viết

–  Sắp xếp được các ý hợp lí theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

v Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

v Triển khai vấn đề nghị luận

Ø Giải thích vấn đề nghị luận: tình yêu thương và biểu hiện của tình yêu thương trong cuộc sống ( Đó là tình cảm thương yêu, chia sẻ, đùm bọc lẫn nhau giữa người với người. Còn được hiểu là sự yêu thương, chia sẻ, cảm thông, gắn bó lẫn nhau để cùng sống và tồn tại. Đó là thứ tình cảm rất đỗi thiêng liêng, xuất phát từ thành tâm, thành ý)

Ø Bàn luận về sức mạnh của tình yêu thương à Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

·         Với bản thân mỗi người:

+ Giúp mỗi người vượt qua những khó khăn, thăng trầm  trong cuộc sống

+ Giúp cuộc sống con người trở nên có ý nghĩa

+ Giúp con người vươn lên khẳng định bản thân

+ Khi yêu thương người khác, bản thân mỗi người cảm thấy nhẹ nhàng, thanh thản

·         Với xã hội:

+ Giúp con người trở nên gần gũi và gắn bó với nhau; biết cảm thông, chia sẻ với nhau trong mọi hoàn cảnh

+ Xây dựng xã hội tốt đẹp, văn minh.

Ø Mở rộng, trao đổi với quan điểm trái chiều hoặc ý kiến khác để có cái nhìn toàn diện:

+ Phê phán người không có tình yêu thương, luôn thực dụng, coi vật chất là trên hết; chỉ biết đến bản thân mình

+ Tình yêu thương cần thể hiện đúng lúc, đúng người, đúng hoàn cảnh

v Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân.

1.0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

–   Triển khai được ít nhất hai luận điểm để làm rõ quan điểm của cá nhân.

–   Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận.

–   Lập luận chặt chẽ, thuyết phục: lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và bằng chứng.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1.5
e.  Diễn đạt

Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản.

0.25
f.   Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ.

0.5

 

[1] Lục sì: ý nói làm gái điếm

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *