Đọc hiểu Bình tĩnh sống một thái độ khác giữa cuộc đời vội vã

Đề thi khối 11

 

KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KÌ II

NĂM HỌC 2023 – 2024

Bài thi: Ngữ văn 11

ĐỀ CHÍNH THỨC

(Đề thi gồm 02 trang)

Thời gian làm bài 90 phút

PHẦN ĐỌC HIỂU (4.0 điểm)

Đọc văn bản sau:

Mỗi chúng ta, dù là người lạc quan nhất – cũng hẳn đã từng ít nhất một lần cảm thấy bi quan và nhận ra rằng: Cuộc sống này, thật ra đầy rẫy những bất trắc và không may. Mỗi ngày, chỉ riêng việc mở Ti-vi lên và xem hàng tá những mẩu tin về thế giới đầy biến động, có lẽ cũng đủ làm cho chúng ta mất đi đôi chút sự lạc quan. Bước chân ra khỏi nhà, chúng ta lại buộc mình lao vào một cuộc chiến khốc liệt, với những xung đột, những vất vả, những đua tranh vô hình với xã hội, những gánh nặng của chính bản thân.

Bạn chẳng thể làm được gì đâu, những điều bất trắc và vất vả không như ý này vốn đã là một phần chẳng thể gạt bỏ của cuộc sống. Bạn sẽ luôn gặp phải chúng trên con đường của mình mà chẳng thể nào bẻ ngoặt lái đi để trốn tránh. Con người trở thành những tờ giấy thấm, dễ dàng hút về mình những tiêu cực và xấu xí của đời sống hiện đại xung quanh, từng chút từng chút, chúng thấm vào và khiến bạn cảm thấy chỉ thở thôi cũng nặng nề, cuộc sống qua đôi mắt thật xám xịt và chẳng có gì hay ho.

Chúng tôi cảm thấy rằng, chính giữa những guồng quay hối hả, khắc nghiệt của đời sống hiện đại, giữa việc chúng ta luôn phải lao về phía trước với một nỗi sợ bị thất bại, sợ bị thụt lùi, sợ gặp những điều bất trắc. Chúng ta kiệt sức, hụt hơi và luôn phải gồng gánh. Khi nghĩ đến đấy, chúng tôi nhận ra: “Bình tĩnh sống” chính là cái thái độ sống mà chúng ta đang thiếu, một thông điệp cần thiết để xoa dịu những tâm hồn đang mệt nhoài.

(Theo http://kenh14.vn/wechoice-awards-2017, Bình tĩnh sống một thái độ khác giữa cuộc đời vội vã, ngày 27/11/2017)

Thực hiện các yêu cầu từ câu 1 đến câu 5:

Câu 1. Chỉ ra phương thức biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích trên.

Câu 2. Theo tác giả, “chúng ta luôn phải lao về phía trước” với tâm lý như thế nào?

Câu 3. Nêu hiệu quả của biện pháp tu từ liệt kê trong câu: “Bước chân ra khỏi nhà, chúng ta lại buộc mình lao vào một cuộc chiến khốc liệt, với những xung đột, những vất vả, những đua tranh vô hình với xã hội, những gánh nặng của chính bản thân”.

Câu 4. Theo anh/ chị, cần phải làm gì để “xoa dịu những tâm hồn đang mệt nhoài” được nêu trong đoạn trích trên?

Câu 5. Anh/chị có đồng tình với ý kiến: “Con người trở thành những tờ giấy thấm, dễ dàng hút về mình những tiêu cực và xấu xí của đời sống hiện đại xung quanh” không? Vì sao?

PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1 (2.0 điểm)

Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về lối sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội.

Câu 2 (4.0 điểm)

Viết bài văn nghị luận (khoảng 500 – 600 chữ) thuyết minh về một tác phẩm văn học (thơ / truyện) mà anh/chị yêu thích.

—- Hết —–

 

 

TRƯỜNG THPT ………. HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ KHẢO SÁT CHẤT LƯỢNG GIỮA HỌC KÌ II

MÔN: NGỮ VĂN 11

NĂM HỌC 2023 – 2024

 (Gồm 03 trang)

 

HƯỚNG DẪN CHUNG

– Giám khảo cần nắm yêu cầu của hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của thí sinh, tránh đếm ý cho điểm.

– Cần chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng hướng dẫn chấm và biểu điểm; khuyến khích những bài viết có cảm xúc, sáng tạo. Những bài viết chưa thật đủ ý, toàn diện nhưng trình bày được một số nội dung sâu sắc, có những kiến giải hợp lý cho những quan điểm riêng vẫn được đánh giá cao.

– Điểm toàn bài lấy đến số thập phân thứ nhất.

HƯỚNG DẪN CỤ THỂ VÀ BIỂU ĐIỂM

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 4,0
  1 Phương thức biểu đạt chính của văn bản: Nghị luận 0,75
2 Theo tác giả, “chúng ta luôn phải lao về phía trước” với tâm lý sợ bị thất bại, sợ bị thụt lùi, sợ gặp những điều bất trắc. 0,75
3 – Biện pháp tu từ: liệt kê (cuộc chiến khốc liệt, với những xung đột, vất vả, đua tranh vô hình với xã hội, gánh nặng của chính bản thân…)

– Tác dụng: tạo giọng điệu mang tính suy tư, chiêm nghiệm; chỉ ra những khó khăn, thử thách mà con người phải đối đầu hàng ngày.

1,0
4 Để xoa dịu những tâm hồn đang mệt nhoài, chúng ta cần:

– Tập sống lạc quan, yêu đời; rèn bản lĩnh, sức chịu đựng để đón nhận mọi thử thách.

– Cần có sự quan tâm, san sẻ gánh nặng; có tình yêu thương để xoa dịu những nỗi nhọc nhằn.

1,0
5 Học sinh trình bày quan điểm riêng và cần có những lí giải thuyết phục. Học sinh có thể đưa ra ý kiến riêng của mình là đồng tình hay không đồng tình, đồng thời đưa ra luận điểm chứng minh cho ý kiến của mình

Ví dụ:

– Đồng tình: Cuộc sống hiện đại luôn đầy những khó khăn thử thách và khi sống trong nó, con người buộc phải chấp nhận những mặt tiêu cực và xấu xí mà cuộc sống ấy mang lại.

– Không đồng tình: Quan niệm trên còn thiên về cái nhìn bi quan, phiến diện vì cho rằng con người chỉ thụ động hút về mình những tiêu cực, xấu xí trong khi hàng ngày vẫn có những điều tốt đẹp đến với mỗi người.

– Đồng tình một phần: Dung hòa hai ý trên.

0,5
II   LÀM VĂN 6,0
  1 Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) bày tỏ ý kiến của anh/chị về lối sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội. 2,0
a. Xác định được yêu cầu về hình thức, dung lượng của đoạn văn

Xác định đúng yêu cầu về hình thức và dung lượng của đoạn văn (khoảng 200 chữ). Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo cách diễn dịch, quy nạp, tổng – phân – hợp, móc xích hoặc song hành.

0,25
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: lối sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội. 0,25
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận

– Xác định được các ý phù hợp để làm rõ vấn đề nghị luận. Sau đây là một số gợi ý:

* Giới thiệu vấn đề nghị luận và nêu khái quát quan điểm của cá nhân về vấn đề.

* Triển khai vấn đề nghị luận:

– Giải thích vấn đề cần nghị luận

– Thể hiện quan điểm của người viết, có thể theo một số gợi ý sau:

+ Sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội là biểu hiện tích cực của tâm lý, thể hiện những giá trị tinh thần cao đẹp, thúc đẩy con người nỗ lực phấn đấu, sống lạc quan yêu đời, suy nghĩ tích cực, loại bỏ lối cá nhân nhỏ nhen, ích kỷ, tầm thường, luôn hướng đến những điều tốt đẹp, biết sống vì người khác

+ Sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội,  cuộc sống của mỗi người mới thực sự ý nghĩa.

+ Sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng xã hội giúp không khí luôn vui vẻ, hạnh phúc; quan hệ giữa các thành viên ngày càng gắn bó, bền chặt; tạo nền tảng vững chắc cho gia đình và cộng đồng xã hội;

* Khẳng định lại quan điểm cá nhân đã trình bày và rút ra bài học cho bản thân

0,5
d. Viết đoạn văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: vẻ đẹp bức tranh thiên nhiên trong văn bản “Trại đầu xuân độ”.

– Trình bày rõ quan điểm và hệ thống các ý.

– Lập luận chặt, thuyết phục: Lí lẽ xác đáng, bằng chứng tiêu biểu, phù hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa lí lẽ và bằng chứng.

0,5
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết câu trong đoạn văn. 0,25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0,25
2 Viết bài văn nghị luận (khoảng 500 – 600 chữ) thuyết minh về một tác phẩm văn học (thơ / truyện) mà anh/chị yêu thích. 4,0
  a. Xác định được yêu cầu của kiểu bài: Nghị luận văn học 0.25
b. Xác định đúng vấn đề nghị luận: thuyết minh về một tác phẩm văn học (thơ / truyện) mà anh/chị yêu thích. 0.5
c. Đề xuất được hệ thống ý phù hợp để làm rõ vấn đề cuả bài viết:

– Học sinh có thể lựa chọn một tác phẩm thơ hoặc truyện mà mình yêu thích để thuyết minh.

– Xác định được yêu cầu của kiểu bài và các ý chính của bài viết. Chú ý sự kết hợp của các yếu tố tự sự, miêu tả.

– Sắp xếp được các ý hợp lý theo bố cục ba phần của bài văn nghị luận:

* Mở bài: Giới thiệu được tác phẩm cần thuyết minh.

* Thân bài:

– Giới thiệu khái quát về tác giả (quê quán, gia đình, con người và sự nghiệp văn chương)

– Nêu được hoàn cảnh sáng tác; đặc điểm thể loại.

– Tóm tắt nội dung chính TP (nếu là tác phẩm truyện), nêu đề tài, cảm hứng chủ đạo, bố cục (nếu là tác phẩm thơ).

– Trình bày giá trị tư tưởng và nghệ thuật của tác phẩm.

+ Với tác phẩm thơ, cần chú ý nghệ thuật trữ tình, ngôn ngữ và giọng điệu.

+ Với tác phẩm truyện, chú ý cách tạo dựng tình huống, tổ chức cốt truyện, NT xây dựng nhân vật, NT trần thuật…

(Có thể sử dụng một số yếu tố miêu tả, tự sự, biểu cảm, nghị luận ở nội dung này)

* Kết bài: Khẳng định vị trí, đóng góp của tác phẩm vị trí của tác phẩm với đ/s văn học

1.0
d. Viết bài văn đảm bảo các yêu cầu sau:

– Lựa chọn được các thao tác lập luận, phương thức biểu đạt phù hợp để triển khai vấn đề nghị luận: thuyết minh về một tác phẩm văn học.

– Trình bày rõ hệ thống các ý.

– Viết đúng yêu cầu kiểu bài văn thuyết minh về một tác phẩm VH.

Lưu ý: Học sinh có thể bày tỏ suy nghĩ, quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

1.5
đ. Diễn đạt: Đảm bảo chuẩn chính tả, dùng từ, ngữ pháp tiếng Việt, liên kết văn bản 0.25
e. Sáng tạo: Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận; có cách diễn đạt mới mẻ. 0.5
Tổng điểm 10,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *