Đề văn 11 Sống mãi với cây xanh Nguyễn Minh Châu

Đề thi khối 11
 

 

 

(Đề có 02 trang, gồm 09 câu)

 

KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II, NĂM HỌC 2023–2024

             Môn: NGỮ VĂN 11 – CƠ BẢN

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian giao đề)

Ngày kiểm tra: 23/3/2024

 

ĐỌC HIỂU (5,0 điểm)

Đọc đoạn trích:  

[…] Ngày hôm sau, vào khoảng năm giờ chiều, cái cây cổ thụ đã ngã xuống.

[…] Suốt đời chưa bao giờ ông lão trồng cây thấy trong mình đau đớn và trống trải như vậy. Trong đêm khuya, ông lão Thông tự thấy mình như cây cột điện ngoài ngã tư lần đầu tiên phải đứng lẻ loi, ông bước ra thềm. Rồi lại lững thững đi ra ngõ. Ông lão đi tìm cây sấu. Cây sấu đang như một cái thi thể bị hành quyết ngã xuống nằm vắt ngang con đường rải đá của phố chợ, để lại trên cái chỗ đứng cũ của nó, trong tròn một thế kỷ một khoảng trống. Đối với ông lão, dù có xây cả một dãy phố hàng chục tầng, cũng không lấp nổi cái khoảng trống ấy. Bởi bấy lâu, mọi kỷ niệm mang niềm kiêu hãnh cũng như mọi niềm vui buồn tủn mủn đến mức vô nghĩa của cả đời ông lão đều giấu sau vòm xanh của cái cây, bây giờ phút chốc chỉ còn một khoảng trống. Từ cái khoảng trống như một góc phố vừa bị thủng, gió cứ nhè ông mà thổi tới hun hút. Ông lão khép hai vạt áo vải xanh lao động đã sờn cũ, giẫm lên bóng mình đổ dài nguềnh ngoàng xuống các khoảng đất mấp mô rải đầy những tùm lá sấu xanh và những mảnh gỗ vụn do nhát rìu chặt, lảo đảo đi trở về nhà.

Gian nhà ông lúc nào cũng đã chất đầy những khúc gỗ của phần dưới thân cây sấu đầy mấu mắt mà tay tổ phó đã trịnh trọng khuân vào lúc chiều. Ông lão, cho đến lúc này, thực tình, đến nỗi không còn đủ can đảm nhìn cái phần thịt xương đẽo ra từ cơ thể sống của một người thân yêu.

(Trích Sống mãi với cây xanh – Tuyển tập truyện ngắn Nguyễn Minh Châu – Nguyễn Minh Châu, NXB Văn học, 2009, tr. 453 – 454)

Chú thích

Nhà văn Nguyễn Minh Châu (1930 – 1989) là cây bút tiêu biểu của văn xuôi Việt Nam hiện đại ở cả hai giai đoạn sáng tác, trước và sau năm 1975. Ông được xem là một trong những “nhà văn mở đường tinh anh và tài năng” bậc nhất của văn học Việt Nam thời kì đổi mới. Phong cách sáng tác của ông sau năm 1975 đậm cảm hứng đời tư thế sự. Nhà văn đặc biệt ưu ái thiên nhiên, xem nó như bầu khí quyển văn hóa của con người thời hiện đại.

“Sống mãi với cây xanh” là truyện ngắn mang nét viễn tưởng của Nguyễn Minh Châu. Nhà văn giả định đây là “thiên hồi ký đầy cảm động của cây sấu và cây cột điện”. Nhân vật chính của truyện ngắn là bác Thông − ông già trồng cây “biết nói chuyện với cây cối”. Với hình thức viễn tưởng, tác phẩm thể hiện sáng tạo vấn đề ý thức về môi trường, văn hóa, lịch sử.

Thực hiện các yêu cầu sau:

Câu 1. Xác định ngôi kể của người kể chuyện.

Câu 2. Theo đoạn trích, cây sấu cổ thụ bị đốn ngã khiến ông lão Thông liên tưởng đến hình ảnh nào?

Câu 3. Liệt kê một số từ ngữ, hình ảnh thể hiện tâm trạng “đau đớn và trống trải” của ông lão Thông khi chứng kiến cây sấu cổ thụ đã ngã xuống.

Câu 4. Nêu chủ đề của đoạn trích.

Câu 5. Từ nội dung đoạn trích, xác định ý nghĩa nhan đề truyện ngắn “Sống mãi với cây xanh”.

Câu 6. Nhận xét vai trò của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong đoạn trích.

Câu 7. Từ nội dung đoạn trích, theo anh/chị, ngoài tình cảm gắn bó, con người cần làm gì đối với cây xanh?

Câu 8. So sánh ngắn gọn cảm xúc của ông Thông khi chứng kiến cây sấu cổ thụ bị đốn (trong đoạn trích) với cảm xúc của ông Diểu khi đối diện vết thương của con khỉ đực (trong truyện ngắn Muối của rừng – Nguyễn Huy Thiệp, Ngữ văn, tập Hai, Chân trời sáng tạo, NXB Giáo dục Việt Nam, 2023, tr. 16 – 20).

  1. PHẦN VIẾT (5,0 điểm)

Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận về ý nghĩa của cây xanh đối với cuộc sống con người.

 

 

 

 

KIỂM TRA GIỮA HỌC KÌ II, NĂM HỌC 2023–2024

             Môn: NGỮ VĂN 11CƠ BẢN

Thời gian làm bài: 90 phút

(không kể thời gian giao đề)

Ngày kiểm tra: 23/3/2024

 

Phần Câu Nội dung Điểm
I   ĐỌC HIỂU 5,0
  1 Xác định ngôi kể: người kể chuyện ngôi thứ 3. 0,5
  2 Cây sấu cổ thụ bị đốn ngã được ông lão Thông liên tưởng đến hình ảnh “một cái thi thể bị hành quyết ngã xuống nằm vắt ngang con đường rải đá của phố chợ”. 0,5
  3  Liệt kê một số từ ngữ, hình ảnh thể hiện tâm trạng “đau đớn và trống trải” của ông lão Thông khi chứng kiến cây sấu cổ thụ đã ngã xuống: lẻ loi, lững thững, khoảng trống, một góc phố vừa bị thủng,… 0,5
  4 Chủ đề của đoạn trích: tình cảm yêu quý, trân trọng, gắn bó sâu nặng của con người đối với cây xanh. 0,75
  5 Ý nghĩa nhan đề truyện ngắn “Sống mãi với cây xanh”: mong ước được gắn bó bền chặt với thiên nhiên. 0,5
  6 Nhận xét vai trò của yếu tố miêu tả và biểu cảm trong đoạn trích:

– Hỗ trợ cho yếu tố tự sự (kể lại sự việc ông lão Thông phải chứng kiến cây sấu cổ thụ bị đốn ngã); (0,25 điểm)

– Góp phần thể hiện sâu sắc, tinh tế, thấm thía nỗi đau đớn của nhân vật trước cái chết của cây sấu; từ đó tô đậm tình cảm sâu nặng của ông Thông dành cho cây xanh. (0,5 điểm)

0,75
  7 Ngoài tình cảm gắn bó, con người cần:

– Ra sức bảo vệ, chăm sóc cây xanh; (0,5 điểm)

– Tích cực trồng cây gây rừng. (0,5 điểm)

1,0
  8 So sánh cảm xúc của ông Thông khi chứng kiến cây sấu cổ thụ bị đốn với cảm xúc của ông Diểu khi đối diện vết thương của con khỉ đực

– Giống nhau: đều vô cùng đau đớn. (0,25 điểm)

– Khác nhau: (0,25 điểm)

+ Ông Thông: cảm giác mất mát, trống trải như mất đi người thân;

+ Ông Diểu: cảm giác hối hận, ăn năn của người gây ra tội lỗi.

0,5
II   VIẾT 5,0
    Từ nội dung đoạn trích ở phần Đọc hiểu, anh/chị hãy viết một bài văn nghị luận về ý nghĩa của cây xanh đối với cuộc sống con người.  
    a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận

Mở bài nêu được vấn đề; Thân bài triển khai được vấn đề, Kết bài khẳng định được vấn đề.

0,5
    b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: ý nghĩa của cây xanh đối với cuộc sống của con người.

Hướng dẫn chấm

– Học sinh xác định đúng kiểu bài: 0,5 điểm.

– Học sinh xác định chưa rõ kiểu bài: 0,25 điểm

– Học sinh không xác định được kiểu bài: 00,0 điểm.

0,5
    c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm

Học sinh có thể lựa chọn triển khai theo nhiều cách, nhưng cần sắp xếp các luận điểm hợp lí; diễn đạt rõ ràng, mạch lạc; lập luận chặt chẽ, thuyết phục; tạo sự gắn kết giữa lí lẽ và bằng chứng để làm rõ vấn đề nghị luận. Có thể theo hướng sau:

– Giới thiệu vấn đề nghị luận (tác giả, tác phẩm, vấn đề được gợi lên từ tác phẩm).

– Giải thích vấn đề cần bàn luận (ý nghĩa của cây xanh đối với cuộc sống của con người).

– Trình bày được hệ thống luận điểm thể hiện được quan niệm của người viết (biểu hiện, vai trò…):

+ Tạo môi trường sống trong lành, tươi mát;

+ Ngăn chặn xói mòn đất, giúp hạn chế ngập lụt;

+ Là người bạn tinh thần của con người: con người cảm thấy thư thả, bình yên, nhẹ nhàng khi ở bên cây xanh.

– Nêu được bằng chứng đầy đủ, xác đáng để làm sáng tỏ lí lẽ.

– Mở rộng, phản biện.

– Khẳng định lại quan điểm của bản thân, nêu bài học và đề xuất giải pháp phù hợp.

Hướng dẫn chấm

– Triển khai vấn đề hợp lí, đầy đủ, thuyết phục: 3.0 điểm.

– Triển khai vấn đề hợp lí, khá đầy đủ, thuyết phục: 2.52.75 điểm.

– Triển khai vấn đề khá đầy đủ, thuyết phục: 1.75 – 2.25 điểm.

– Phân tích, đánh giá chưa đầy đủ: 1.25 – 1.5 điểm.

– Phân tích chung chung, sơ sài: 0.25 – 1.0 điểm.

* Lưu ý: Học sinh có thể trình bày quan điểm riêng nhưng phải phù hợp với chuẩn mực đạo đức và pháp luật.

3,0
    d. Chính tả, ngữ pháp: Đảm bảo chuẩn chính tả, ngữ pháp tiếng Việt, chữ viết cẩn thận, trình bày sạch đẹp.

Lưu ý: Không cho điểm nếu bài làm có quá nhiều lỗi chính tả, ngữ pháp.

0,5
    e. Sáng tạo

Thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận, có cách diễn đạt mới mẻ.

Hướng dẫn chấm: huy động được kiến thức và trải nghiệm của bản thân khi bàn luận; có cái nhìn riêng, mới mẻ về vấn đề; có sáng tạo trong diễn đạt, lập luận, làm cho lời văn có giọng điệu, hình ảnh, đoạn văn giàu sức thuyết phục.

– Đáp ứng được 2 yêu cầu trở lên: 0,5 điểm.

– Đáp ứng được 1 yêu cầu: 0,25 điểm.

– Học sinh không đáp ứng được yêu cầu nào: 00,0 điểm.

0,5

———————————- HẾT ———————————-

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *