Đề nguồn thi HSG duyên hải Bắc Bộ Ngữ văn 10 năm 2019 – Chuyên Nguyễn Tất Thành Yên Bái

Đề thi khối 10
TRƯỜNG THPT CHUYÊN

NGUYỄN TẤT THÀNH

YÊN BÁI

KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

LẦN THỨ XII, NĂM HỌC 2018 – 2019

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

(Đề thi gồm 01 trang)

 

ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN –  LỚP 10

Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

Câu 1 (8,0 điểm)

Trong bức thư viết cho học trò khối 12 nhân ngày ra trường, cô Nguyễn Minh Ngọc, giáo viên trường THPT Đinh Thiện Lí, thành phố Hồ Chí Minh dặn dò:

Hãy nhớ, con là một người bình thường nhưng con là một người bình thường tử tế.

(Theo dantri.com.vn, 24/5/2018)

Suy nghĩ của anh (chị) về việc “là một người bình thường tử tế”?

Câu 2 ( 12,0 điểm)

Những người dân làng Chùa – Ứng Hòa, Hà Tây, ngôi làng mà hầu hết những người nông dân đều coi làm thơ như công việc gieo trồng của họ kể từ khi làng được thành lập mấy trăm năm về trước, có câu nói nổi tiếng:

“Người làng Chùa tặng kẻ ăn mày cơm áo, tặng kẻ khổ đau thơ ca.”

(Trích bài phát biểu của Nguyễn Quang Thiều tại lễ trao giải thưởng thơ mang tên Changwon, năm 2018 của Hàn Quốc, Báo điện tử Đại biểu nhân dân 19/6/2018)

Anh (chị) hãy bình luận và làm sáng tỏ câu nói trên bằng các tác phẩm thơ được học trong chương trình Ngữ văn lớp 10.

 

… …………………HẾT…………………

 

TRƯỜNG THPT CHUYÊN

NGUYỄN TẤT THÀNH

YÊN BÁI

KỲ THI HỌC SINH GIỎI CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN

KHU VỰC DUYÊN HẢI VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ

LẦN THỨ XII, NĂM HỌC 2018 – 2019

  ĐỀ THI MÔN: NGỮ VĂN –  LỚP 10

Thời gian: 180 phút (Không kể thời gian giao đề)

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

(Bản hướng dẫn chấm gồm 04 trang)

  1. PHẦN HƯỚNG DẪN CHUNG

Giáo viên cần nắm vững yêu cầu hướng dẫn chấm để đánh giá tổng quát bài làm của học sinh, tránh đếm ý cho điểm một cách đơn thuần. Do đặc trưng của môn Ngữ văn và tính chất của kì thi học sinh giỏi, giáo viên cần chủ động linh hoạt trong vận dụng tiêu chuẩn cho điểm. Bản hướng dẫn chỉ xác định yêu cầu cơ bản, trên cơ sở đó, người chấm cân nhắc từng trường hợp cụ thể để cho điểm. Việc chi tiết hoá thang điểm (nếu có) so với thang điểm trong hướng dẫn chấm phải đảm bảo không sai lệch với hướng dẫn chấm và được thống nhất thực hiện trong hội đồng chấm thi.

Cần trân trọng và khuyến khích những bài viết sáng tạo. Chấp nhận cách tổ chức bài viết không giống đáp án, có những ý ngoài đáp án, nhưng có căn cứ xác đáng và lí lẽ thuyết phục. Nếu học sinh làm bài theo cách riêng nhưng đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của đáp án thì vẫn cho đủ điểm như hướng dẫn chấm (đối với từng phần).

Chỉ cho điểm tối đa theo thang điểm với những bài viết có đủ ý cần thiết, triển khai luận điểm chặt chẽ, diễn đạt lưu loát, có cảm xúc. Cần trừ điểm đối với những lỗi về hành văn, ngữ pháp và chính tả.

  1. YÊU CẦU CỤ THỂ

Câu 1. (8.0 điểm)

  1. Yêu cầu về kĩ năng

Xác định đúng vấn đề nghị luận. Bài viết có bố cục hoàn chỉnh, cân đối; hệ thống ‎ý rõ ràng; lập luật chặt chẽ, diễn đạt lưu loát; không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp…

  1. Yêu cầu về kiến thức

– Bài viết thể hiện quan điểm đúng đắn, tích cực, nhận thức sâu sắc về vấn đề nghị luận; có tính thuyết phục cao.

– Thí sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau, nhưng cần đáp ứng được các ý cơ bản sau:

2.1.Giải thích (1.0 điểm)

Người bình thường: là người không có gì đặc biệt, nổi trội hơn người khác về trí tuệ, năng lực, hình thức, học vấn…

Tử tế: nghĩa đen là cẩn thận từ những việc nhỏ bé. Người tử tế là người sống chuẩn mực, biết tự trọng, giữ gìn phẩm giá, nhân cách, có suy nghĩ và hành động đúng đắn. Đây là những giá trị căn cốt của con người mà thời nào cũng cần.

Như vậy, lời dặn của cô giáo Nguyễn Minh Ngọc đã bày tỏ một tâm niệm sống: Mỗi người cần khiêm tốn, có nhận thức đúng về bản thân. Dẫu chỉ là một người bình thường cũng phải là một CON NGƯỜI cao quý, sống có ý nghĩa.

2.2. Phân tích, chứng minh (4.0 điểm)

– Trừ một số ít người sinh ra có những phẩm chất thiên bẩm cộng với sự nỗ lực phi thường, theo những con đường riêng, trở thành vĩ nhân, có thể gánh vác sứ mệnh lớn lao. Còn đa số chúng ta là những người bình thường.

– Ý thức mình là người bình thường giúp ta thanh thản, không bị áp lực bởi ảo tưởng, kì tích …; Khi có nhận thức đúng về bản thân, con người sẽ sống khiêm tốn, hòa hợp, gắn kết với cộng đồng; trân qu‎ý những điều tốt đẹp, giản dị trong đời thường ngày để sống hạnh phúc.

– Khi là người bình thường tử tế, sống chuẩn mực, tự trọng, giữ gìn phẩm giá của một con người… chính là ta đã sống đẹp, sống có ích cho đời. Cuộc đời trở nên tốt đẹp trước hết nhờ những người bình thường tử tế.

2.3. Bàn luận mở rộng (3.0 điểm)

– Nhận thức và chấp nhận mình chỉ là người bình thường không dễ. Vì ai cũng có nhu cầu khẳng định và tôn cao giá trị bản thân, nhất là người trẻ tuổi, nên dễ ảo tưởng, kì vọng, nóng vội, tự tạo áp lực cho bản thân.

– Là một người tử tế không quá khó, nhưng trong cuộc sống hiện đại hôm nay,  cũng không dễ. Nó đòi hỏi một bản lĩnh, nhân cách, sự tự trọng cao …

– Là người bình thường tử tế nhưng không tầm thường: mỗi người vẫn cần có ước mơ, khát vọng; biết nỗ lực vươn lên hoàn thiện và khẳng định bản thân bằng những việc có ích, đóng góp cho cộng đồng.

– Có rất nhiều người bình thường tử tế vẫn thầm lặng đóng góp cho đời, có thể không được xã hội tôn vinh nhưng họ đã tự khẳng định và tôn vinh bản thân bằng chính sự tử tế bình thường trong đời thường.

– Trân trọng người sống bình thường, tử tế, không có nghĩa là phủ nhận thiên tài, vĩ nhân. Tài năng cần được trân trọng nhưng phải đi cùng sự tử tế.

Câu 2 (12.0 điểm)     

1.Yêu cầu về kĩ năng

– Xác định và hiểu đúng vấn đề nghị luận.

– Vận dụng hợp lý, nhuần nhuyễn các loại kiến thức lí luận, tác phẩm văn học để giải quyết vấn đề. Biết lựa chọn và phân tích dẫn chứng làm sáng tỏ vấn đề, không viết tràn lan, chung chung.

  1. Yêu cầu về kiến thức

Học sinh có thể diễn đạt, trình bày theo những cách khác nhau, song cần thể hiện được những nội dung chính sau.

2.1. Giải thích: (2.0 điểm)

          – Kẻ ăn mày: người thiếu thốn vật chất

          – Kẻ khổ đau: người bất hạnh, bị tổn thương, thiếu thốn về tinh thần

“Thơ là hình thức sáng tác văn học phản ánh cuộc sống, thể hiện những tâm trạng, những cảm xúc mạnh mẽ bằng ngôn ngữ hàm súc, giàu hình ảnh và nhất là có nhịp điệu”. Đó là hình thái nghệ thuật tinh vi và cao quý.

Câu nói trên không chỉ cho thấy vẻ đẹp nhân ái, nghĩa tình của những người nông dân làng Chùa, mà còn khẳng định sứ mệnh lớn lao của thơ ca. Giống như cơm áo dành cho người ăn mày, thơ ca là món quà quý giá dành cho kẻ khổ đau. Nó chữa lành vết thương, nâng đỡ tâm hồn, giúp con người vượt lên đau khổ, mất mát…

2.2. Phân tích, chứng minh (8.0 điểm)

– Thơ là tiếng nói của tình cảm con người, những rung động của trái tim trước cuộc đời,  nên thơ trước hết phải mang tính chất tình cảm. Tình cảm trong thơ gắn trực tiếp với chủ thể sáng tạo nhưng không phải là một yếu tố đơn độc, tự nó nảy sinh và phát triển mà là quá trình tích tụ những cảm xúc, những suy nghĩ của nhà thơ do cuộc sống tác động và tạo nên: nỗi buồn, niềm vui, khổ đau hay hạnh phúc, hoài nghi hay tin tưởng…

– Tuy biểu hiện những cảm xúc, tâm sự riêng tư, nhưng những tác phẩm thơ chân chính bao giờ cũng mang ý nghĩa khái quát về con người, về cuộc đời, về nhân loại. Đó là cầu nối dẫn đến sự đồng cảm giữa người với người trên khắp thế gian này. Chính vì vậy, con người khi vui hay buồn đều đến với thơ, qua thơ để tìm sự đồng điệu tâm hồn, để được thấu hiểu và sẻ chia nỗi niềm… “Thơ ca nếu không có người tôi đã mồ côi”.

Thơ ca mang chứa trong nó vẻ đẹp, tình yêu thương, sự cảm thông, giấc mơ, khát vọng sống cùng ý chí hành động cho khát vọng ấy. Nó chẳng những là món ăn tinh thần quý giá, mà còn là phương thuốc hữu hiệu chữa lành vết thương trong tâm hồn con người. Những điều này trong hình thức nghệ thuật tinh vi của tác phẩm thơ sẽ bước đến những số phận khổ đau để chia sẻ, an ủi, khích lệ động viên con người đứng lên.

          ( Học sinh được tùy chọn tác phẩm thơ trong chương trình Ngữ văn lớp 10 để làm sáng tỏ vấn đề. Song cần đảm bảo yêu cầu: dẫn chứng phù hợp, tiêu biểu, toàn diện. Việc phân tích dẫn chứng phải hướng về làm sáng tỏ những biểu hiện của vấn đề, tránh viết chung chung, tràn nan, không bám sát luận đề.)

2.3. Bàn luận (2.0 điểm)

Câu nói của những người nông dân làng Chùa đã khẳng định sứ mệnh lớn lao của thi ca, cắt nghĩa thuyết phục ý nghĩa tồn tại của thơ trong đời sống tinh thần nhân loại. Thi ca là mạch nguồn cảm xúc, bồi đắp giá trị tinh thần nhân văn cao quý cho tâm hồn con người. Đồng thời, xác lập giá trị cốt yếu của thi ca nói riêng, văn học nói chung: tác phẩm văn học chân chính luôn hướng về con người, vì con người.

– Sứ mệnh lớn lao của thi ca đòi hỏi người cầm bút phải hội tụ đủ hai yếu tố tài, tâm. Đó là trái tim lớn giàu yêu thương, nhạy cảm với những nỗi niềm, thân phận con người; Ý thức sâu sắc sứ mệnh của người cầm bút, kẻ nâng giấc cho những người cùng đường, tuyệt lộ, bị cái ác và số phận đen đủi đồn đến chân tường… bênh vực cho những con người không có ai để bênh vực ” (Nguyễn Minh Châu); Lại phải có tài năng sáng tạo để phương thuốc tinh thần của mình thêm hấp dẫn, bổ dưỡng trong một hình thức nghệ thuật đẹp, độc đáo.

– Với bạn đọc, thơ trở thành nhịp cầu nối, gắn kết con người mọi thời bằng những nỗi niềm muôn thuở của cõi nhân sinh. Nhưng sự đồng điệu, tri âm đó chỉ có được khi độc giả có đủ nền tảng văn hóa và năng lực tiếp nhận. Bởi tiếng nói tri âm của nghệ sĩ sẽ cô đơn, lạc điệu khi không tìm được sự đồng vọng từ bạn đọc.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *