Đề thi HSG : Âm điệu là cỗ xe chuyên chở điệu hồn thi phẩm, chứng minh qua bài Tràng giang và Tỏ lòng

Đề thi khối 10

 

TRƯỜNG THPT HẬU LỘC I

Tổ Ngữ Văn

 

        ĐỀ LUYỆN VIẾT – ĐT HSG

NĂM HỌC 2018-2019

 MÔN: NGỮ VĂN 11

Thời gian làm bài: 180 phút, không kể thời gian giao đề.

PHẦN I: ĐỌC HIỂU (6 điểm) Đọc bài thơ sau và trả lời các câu hỏi:

Chỗ đứng

         Chim én đi suốt mùa đông

         Để thấy mùa xuân trong chồi lá

         Con thuyền vượt qua biển cả

         đến bến bờ xa vời…

 

         Con người-suốt cả cuộc đời

         Tìm chỗ đứng cho mình,để sống

         Để thấy mình không lạc lõng

         Một chỗ nhỏ trong biển đời bao la rộng lớn

         Có là bao-nhỏ xíu

         Nhưng biển đời bề bộn ồn ào

         Tìm đúng chỗ của mình thật khó

 

         Chỉ một chỗ đứng chân nho nhỏ

         Nhưng phải đúng của mình

         Như bến của thuyền,như én với mùa xuân

         Bởi vì sống chẳng đơn thuần là tồn tại

                                        (Nguyễn Quảng Hà)

Câu 1. Xác định các phương thức biểu đạt của văn bản.(1.0 điểm)

Câu 2. Anh/chị hiểu như thế nào về  “ chỗ đứng” được nói đến trong bài thơ? (1.5 điểm)

Câu 3. Chỉ ra và phân tích hiệu quả biểu đạt của biện pháp tu từ nổi bật trong văn bản. (1.5 điểm)

Câu 4.  Tác giả cho rằng: “  sống chẳng đơn thuần là tồn tại”.  Anh/chị có đồng tình với ý kiến trên không? Vì sao? (2.0 điểm)

PHẦN II: LÀM VĂN (14 điểm)

Câu 1 (4 điểm):

Có hai xưởng sản xuất giày cùng phái người đến khảo sát thị trường ở châu Phi. Nhân viên của công ti thứ nhất sau khi đến nơi nhanh chóng bảo về: “Người dân ở đây không có thói quen mang giày. Ngày mai, tôi sẽ đáp máy bay về nướcTrong khi đó, nhân viên của công ti thứ hai lại báo về một nội dung hoàn toàn khác: “Nơi đây đầy triển vọng vì chưa có ai mang giày cả. Chúng ta sẽ khai thác thị trường”

Suy nghĩ của anh/chị về cách nhìn cuộc sống được đặt ra từ câu chuyện trên.

Câu 2 (12,0 điểm)

Nghĩ về thơ, thi sĩ Hoàng Cầm từng khẳng định: “Âm điệu là cỗ xe chuyên chở điệu hồn thi phẩm.

          Hãy lắng nghe âm điệu ấy trong bài thơ “Tràng giang” ( Huy Cận) và “Tỏ lòng” (Phạm Ngũ Lão).

 

HƯỚNG DẪN CHẤM BÀI

PHẦN 1: ĐỌC HIỂU

Câu 1: Các phương thức biểu đạt trong văn bản là: Biểu cảm, miêu tả, nghị luận.

Câu 2: Chỗ đứng là vị trí đặt chân. Trong bài thơ “chỗ đứng” được dùng với ý nghĩa ẩn dụ:

– Chỗ đứng là vị trí xã hội, vai trò, giá trị của con người. Vị trí đó được tạo nên bởi nghề nghiệp, năng lực làm việc,  sự cống hiến của mỗi người.

-Chỗ đứng còn là vị trí, ý nghĩa của mỗi người trong trái tim của những người khác. Điều đó được tạo nên từ thái độ, tình cảm, cách đối xử … mà con người dành cho nhau.

Câu 3:

– Biện pháp tu từ nổi bật trong văn bản là so sánh : chỗ đứng…phải đúng của mình như bến của thuyền, như én với mùa xuân

– Tác dụng: làm nổi bật chỗ đứng của mỗi người trong cuộc đời như một sự tất yếu, không thể thiếu, không thể khác. Mặt khác biện pháp so sánh còn giúp chỗ đứng của con người hiện lên thật  cụ thể, sinh động và tăng sức gợi hình, gợi cảm cho lời thơ.

Câu 4: Trong bài thơ “Chỗ đứng”, tác giả cho rằng: “  sống chẳng đơn thuần là tồn tại” là một quan niệm đúng đắn. Bởi lẽ, con người được sinh là hội tụ vẻ đẹp toàn năng của tạo hóa. Nếu chỉ sống để tồn tại thì thật đáng tiếc. Mỗi con  người sinh ra đều mang trong mình những sứ mệnh riêng, sống có khát vọng, hoài bão, ước mơ, mong muốn để lại dấu ấn trong cuộc đời và lưu lại trong trái  tim người khác là điều ai cũng mong đạt được. Mặt khác sống chẳng đơn thuần tồn tại như một cỗ máy sinh học mà phải khẳng định giá trị, vị trí, ý nghĩa, chỗ đứng của mình trong xã hội, trong trái tim của những người xung quanh mới là thực sự là sống, mới không sống hòai, sống phí.

PHẦN 2: LÀM VĂN

Câu 1 (4 điểm)

Phân tích sơ lược và rút ra nội dung ý nghĩa:

– Câu chuyện kể về cách nhìn của hai xưởng sản xuất giày, cùng phái người đến khảo sát thị trường ở Châu Phi:

+ Cách nhìn của nhân viên công ty thứ nhất là cách nhìn phiến diện, bi quan chỉ thấy toàn bất lợi, bất trắc khi gặp vấn đề khó khăn.

+ Nhân viên của công ty thứ hai lại thấy cái lợi, thấy cơ hội trong khó khăn đó. Anh ta đã biết khai thác cơ hội đó trong từng khó khăn, vì tin tưởng rằng nếu không có ai mang giày thì dự án phát triển sẽ được người dân tiêu thụ nhiều. Đó là con người lạc quan sáng tạo luôn tìm cách khắc phục khó khăn.

=>Như vậy câu chuyện gửi gắm thông điệp về “cách nhìn” của con người trước khó khăn trong cuộc sống.

Bàn luận:

– Tại sao cần có cái nhìn lạc quan trước khó khăn?

+ Cuộc sống vốn phức tạp, khó khăn, thách thức là không tranh khỏi

+ Lạc quan sẽ giúp chúng ta có cái nhìn sáng suốt, đúng đắn, có những sáng tạo những phát hiện mới mẻ. Từ đó phát hiện được mấu chốt của vấn đề thì có thể vượt qua nó một cách dễ dàng.

+ Có cái nhìn tích cực con người  có thể tìm thấy những cơ hội để khẳng định mình,  phát triển mình cao hơn. khó khăn không cản trở bước đi  mà nó giúp ta đến bậc thang cao hơn.

– Nếu nhìn cuộc sống với con mắt bi quan thì sao?

+ Nhìn đời bằng con mắt tiêu cực phiến diện thì khó khăn càng chồng chất khó khăn không bao giờ có thể vượt qua nó.

+ Khiến đầu óc thêm ngu muội, không tìm thấy lối ra đúng đắn. Khó khăn chỉ càng chồng chất và kéo dài mà thôi, sẽ làm cho con người ngày càng hèn nhát, yếu đuối thụ động và lúc nào cũng chỉ biết lẩn trốn khó khăn.

+ Sống quá bi quan còn làm ta mất đi nhiều cơ hội may mắn trong cuộc đời, mất đi những trải nghiệm đáng nhớ khi đối mặt với khó khăn.

Mở rộng

– Phê phán một số người trong xã hội sống quá bi quan, yếu đuối, thụ động không chịu suy xét vấn đề cho kỹ lưỡng mà đã buông xuôi, chấp nhận thua cuộc. -Tuy nhiên cũng không nên khi gặp thách thức khó khăn mà quá lạc quan xem nhẹ nó  thì con người sinh ra chủ quan, sẽ tự cao tự đại dẫn đến thất bại

Bài học:

– Khi đối mặt với gian nan thì cần phải bình tĩnh lạc quan để suy xét nhìn nhận vấn đề. Từ đó tìm ra cho mình hướng đi thích hợp nhất. Hãy luôn thông minh và suy nghĩ kỹ càng nhìn nhận mọi việc, mọi vấn đề từ đó biết nắm bắt lấy những cái tốt, cái có ích để tạo nên thành công cho bản thân trong cuộc sống.

-Rèn luyện cho mình tính lạc quan, kiên nhẫn, không vội vàng không bi quan khi nhìn nhận vào sự việc.

-Mỗi người cần chuẩn bị cho mình một hành trang để  bước vào đời, trang bị trong mình đầy đủ kiến thức bản lĩnh và sự kiên cường để đối mặt với gian nan, không sợ sệt dừng bước.

Câu 2:

 

a.Làm sáng tỏ ý kiến:

*Giải thích
– Âm điệu: là sự hòa điệu giữa cảm xúc thơ và tiết điệu ngôn ngữ, là dạng thức hết sức vi diệu của điệu hồn trong thơ. Đó là một yếu tố cần thiết và quan trọng trong thơ, được tạo nên bởi sự kết hợp của nhiều yếu tố: thể thơ, nhịp điệu, thanh điệu, vần điệu, từ ngữ, hình ảnh…
– Điệu hồn: chiều sâu xúc cảm, tinh thần của bài thơ.
– Cỗ xe chuyên chở có nghĩa là phương tiện quan trọng đắc lực, không thể thiếu.

=>Hoàng Cầm đã nhấn mạnh vai trò quan trọng của của âm điệu trong thơ: Đó là phương tiện đắc lực trong việc thể hiện cảm xúc và linh hồn của bài thơ. Hay nói khác đi là cảm xúc hóa thân trong âm điệu thơ.
* Lí giải
– Đặc trưng của thơ là trữ tình, nghiêng về biểu hiện thế giới chủ quan của con người với trạng thái tình cảm, rung động (thơ là tiếng lòng, là rung cảm mãnh liệt của nhà thơ trước cuộc sống)
– Nội dung cảm xúc trong thơ được thể hiện qua cách tổ chức ngôn từ đặc biệt, hàm súc, giàu nhạc tính, cụ thể các yếu tố: thể thơ, nhịp điệu, vần điệu, thanh điệu, giọng điệu… Đọc thơ, cảm được âm điệu coi như đã nhập được vào hồn thơ, chạm vào được “cõi thơ” thực sự.
– Trong thực tế, có rất nhiều bài thơ mà sức hấp dẫn, sức sống của nó trong lòng người đọc bắt đầu từ âm điệu. Đó là âm điệu nồng nàn, sôi nổi, si mê trong “Vội vàng” của Xuân Diệu; âm điệu day dứt, băn khoăn, khắc khoải trong “Đây thôn Vĩ Dạ”  của Hàn Mặc Tử.

Lắng nghe âm điệu trong Tràng giang của Huy Cận

b1. Giới thiệu bài thơ (hoàn cảnh sáng tác, xuất xứ, nội dung)

b2. Phân tích âm điệu trong bài thơ

*Âm điệu chung của bài thơ là âm điệu buồn, cô đơn, trống vắng. Âm điệu đó được tạo nên bởi nhiều yếu tố như nhịp điệu, thanh điệu, hệ thống từ ngữ, hình ảnh trong bài thơ…

* Phân tích:

– Nhịp điệu: Nếu như ta bắt gặp ở bài thơ Vội vàng một nhịp điệu vội vã gấp gáp, nhanh mạnh như một cơn lũ cảm xúc thì đến với Tràng giang lại xuất hiện một nhịp điệu khác hẳn. bài thơ được viết theo thể thơ thất ngôn nên khuôn nhịp cơ bản là 2/2/3 nhưng lại luôn có thiên hướng trải dài thành nhịp 4/3 như:

Thuyền về nước lại/ sầu trăm ngả

Củi một cành khô/lạc mấy dòng

……

Nhịp thơ trải dài, chậm buồn có tác dụng gợi mênh mang, không gian xa rộng, gợi nỗi buồn trong lòng người.

-Thanh điệu:

+Bài thơ sử dụng nhiều từ láy nguyên: điệp điệp, song song, lớp lớp, dợn dợn… và tổ chức ngon từ theo nguyên tắc song song, trùng điệp như: thuyền về nước lại, nắng xuống trời lên, sông dài trời rộng…
+ Các yếu tố ấy góp phần tạo nên âm điệu đều đặn, miên man, bám đuổi; gợi ra âm hưởng chảy trôi xuôi chiều, hòa hợp với nhịp điệu tạo nên âm điệu thơ mênh mang  tựa như nhịp trôi chậm chạm, miêm man vô hình của dòng nước, dòng thời gian tạo vật.

-Từ ngữ, hình ảnh: Trong bài thơ ta thấy xuất hiện nhiều hình ảnh, từ ngữ gợi buồn: buồn điệp điệp, sầu trăm ngả, đìu hiu, bến cô liêu, củi một cành khô, lơ thơ cồn nhỏ, bèo dạt về đâu…tất cả đều góp phần tạo nên âm điệu buồn của bài thơ.

*Vai trò, giá trị: Âm điệu của bài thơ chính là cỗ xe chuyên chở điệu hồn thi phẩm:

– Âm điệu buồn của bài thơ chính là biểu hiện của nỗi buồn trong lòng người,; là sự cảm thông sâu sắc giữa hồn người với thiên nhiên; là sự đồng điệu giữa hồn thi nhân với hồn tạo vật.

– Tạo nên sự hấp dẫn cho bài thơ về mặt nghệ thuật, đặc biệt là âm vang của lời thơ.
-Dẫn dắt, hòa điệu tâm hồn người đọc vào thế giới cảm xúc lắng sâu cùng điệu hồn thi phẩm.
->Đây là nét riêng, nét độc đáo của bài thơ góp phần làm nên phong cách thơ Huy Cận.

Liên hệ với bài thơ “Thuật hoài” của Phạm Ngũ Lão

– Giới thiệu bài thơ “Thuật hoài” và tác giả Phạm Ngũ Lão

– Âm điệu  của bài thơ vừa hào hùng, hào sảng, khí thế vừa trầm lắng, suy tư.  .

+ Hai câu thơ mang âm hưởng hào hùng, hào sảng. Âm điệu đó được thể hiện qua thể thơ thất ngôn tứ tuyệt  Đường luật với niêm luật chặt chẽ, ý tứ hàm súc, nhịp thơ 4/3 chắc khỏe so sánh, phóng đại độc đáo. Qua đó, người đọc thấy được niềm  tự hào trước vẻ đẹp oai hùng, lẫm liệt, tràn đầy sức sống của những trang nam nhi – chiến binh quả cảm đang xả thân vì nước; vẻ đẹp của đội quân nhà Trần với hào khí Đông A ngút trời.

+ Hai câu cuối  giọng điệu trầm lắng, suy tư được thể hiện qua nhịp thơ chậm rãi, sử dụng điển tích điển cố. Qua đó bộc lộ nỗi niềm băn khoăn trăn trở, tâm tư và khát vọng lập công của Phạm Ngũ Lão cùng quan điểm về chí làm trai rất tiến bộ của ông

– Nhận xét:  Mỗi bài thơ có một âm điệu riêng độc đáo. Tuy nhiên, âm điệu của cả hai bài thơ đều là phương tiện đắc lực trong việc chuyên chở điệu hồn của thi phẩm.. Khi xưa, Phạm Ngũ Lão tự hào trước hào khí Đông A của thời Trần thì nay Huy Cận buồn trước cảnh nước mất nhà tan. Dù âm điệu buồn hay hào hùng, hào sảng cũng đều bộc lộ tấm lòng yêu nước đáng quý của hai nhà thơ.

Bình luận ý kiến
– Ý kiến của thi sĩ Hoàng Cầm giúp ta nhận thức sâu sắc vai trò của âm điệu trong thơ. Chỉ khi bài thơ là kết quả của sự rung động mãnh liệt và sự sáng tạo độc đáo trong cách tổ chức ngôn từ thì âm điệu thơ mới trở nên ngân vang. Như thế, âm điệu đã trở thành tín hiệu thẩm mĩ quan trọng của bài thơ.
– Ý kiến ấy không chỉ có ý nghĩa với người sáng tác mà còn là sự định hướng, gợi mở cho người tiếp nhận, đọc thơ, cần “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”, cần nắm bắt âm điệu thơ để đến được điệu hồn thi phẩm.
– Từ phương diện âm điệu, có thể thấy được thực tài, thực tâm của người nghệ sĩ, đó cũng là một yêu cầu để thi phẩm có sức sống lâu bền trong lòng người đọc.

 

TỔ: NGỮ VĂN

 

Đề chính thức

 

NĂM HỌC: 2018 – 2019

MÔN THI: NGỮ VĂN 10

Thời gian: 150 phút (không kể thời gian giao đề)

(Đề thi gồm 2 phần-6 câu, 1 trang)

 

ĐỌC HIỂU (6.0 điểm)

Đọc văn bản sau và thực hiện các yêu cầu:

Khổ có thể giúp một người trưởng thành.

Trứng gà bị vỡ do tác động từ bên ngoài là đồ ăn, bị vỡ do tác động từ bên trong thì chính là sinh mệnh. Cuộc sống cũng vậy, làm vỡ từ bên ngoài là áp lực, làm vỡ từ bên trong chính là trưởng thành.

Nếu bạn chờ người khác làm vỡ bạn từ bên ngoài, thì nhất định bạn sẽ là món ăn của người khác; nếu bạn có thể đánh vỡ chính mình từ bên trong, như vậy bạn sẽ thấy rằng mình đã thực sự trưởng thành, cũng giống như là được tái sinh. Nhìn thấy một con bướm đang giãy giụa muốn thoát ra khỏi cái kén, có người hảo tâm giúp nó thoát ra. Nhưng không ngờ rằng, sau khi con bướm thoát ra ngoài, nó lại không thể duỗi đôi cánh ra được, và cuối cùng thiệt mạng.

Giãy giụa chính là điều con bướm cần làm để trưởng thành, lúc đó bạn giúp nó thoải mái, nhưng sau này nó sẽ không có đủ sức mạnh để đối mặt với những thử thách sẽ phải gặp trong cuộc đời…

(http://khoinghiepintemet.blogspot.com/2016. 05. hoc-cach- truong-thanh-chua-bao-gio-la-muon.html-St)

Câu 1(1.0 điểm)  Hình ảnh trứng gàcon bướm và cái kén xuất hiện trong văn bản có tác dụng gì?

Câu 2(1.0 điểm)  Nếu anh/chị muốn hóa thân thành con bướm thì anh/chị phải làm gì để con bướm không bị thiệt mạng?

Câu 3(2.0 điểm)  Nêu suy nghĩ của anh/chị về quan điểm: Giãy giụa chính là điều con bướm cần làm để trưởng thành.

Câu 4(2.0 điểm)  Thông điệp cuộc sống được rút ra từ văn bản trên.

Làm văn:

Câu 1(4.0 điểm)  

Người cậy ở tâm, cây nương ở rễ.” ( Ngạn ngữ Trung Hoa)

     Trình bày suy nghĩ của anh/ chị về quan niệm trên bằng bài văn khoảng 400 chữ .

Câu 2 (10 điểm)

Bàn về thơ, Chế Lan Viên cho rằng: “Thơ cần có hình cho người ta thấy, có ý cho người ta nghĩ  và cần có tình để rung động trái tim.”

Anh/ chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua bài thơ  Đọc Tiểu Thanh kí (Độc Tiểu Thanh kí) của Nguyễn Du.

                                                             

                                                                  …………..Hết ……………

– Thí sinh không sử dụng tài liệu. Giám thị coi thi không giải thích gì thêm.

SỞ GD&ĐT THANH HÓA

TRƯỜNG THPT HẬU LỘC I

   HƯỚNG DẪN CHẤM THI HSG TRƯỜNG

NĂM HỌC 2018 – 2019

                               MÔN THI: NGỮ VĂN 10

Thời gian: 150 phút, không kể thời gian giao đề

( HDC gồm 4 trang)

ĐỌC – HIỂU (6.0 điểm)

Câu 1(1.0 điểm)  Hình ảnh trứng gàcon bướm và cái kén xuất hiện trong văn bản có tác dụng: giúp người đọc hiểu được quá trình trưởng thành của con người phải xuất phát từ sự khổ luyện của chính bản thân

Câu 2 (1.0 điểm ) Nếu muốn hóa thân thành con bướm, thì phải chịu đựng được nỗi khổ của quá trình giãy giụa ở trong kén, vậy thì mới có thể dang cánh bay cao được.

Câu 3 ( 2.0 điểm)

Giãy giụa chính là điều con bướm cần làm để trưởng thành. Ý kiến hợp lí vì:

– Giãy giụa là cách con bướm tự thân vận động để trưởng thành. Con người thông qua rèn luyện một cách tích cực mới thu nhận thành quả của bản thân.

– Không ai có thể giúp chúng ta cả đời. Mọi tác động bên ngoài chỉ là hỗ trợ, bản thân tự vươn lên, tự đối diện và vượt qua thử thách mới có thể tự lực thành công.

– Trưởng thành cần có quá trình, chẳng thể vội vàng, chẳng thể chỉ ngồi chờ đợi.

Câu 4( 2.0 điểm) Thông điệp cuộc sống:

– Đừng than vãn nếu bạn đang gặp thử thách khổ đau. Hãy biến gian khổ thành thử thách để thêm trưởng thành.

– Hãy chấp nhận đối diện với gian nan. Sau nỗi buồn là niềm vui, sau vấp ngã là kinh nghiệm, sau khổ đau là trưởng thành.

LÀM VĂN:

Câu 1( 4.0 điểm)

 * Yêu cầu về kỹ năng:

Học sinh biết vận dụng kết hợp các thao tác nghị luận để làm bài văn nghị luận xã hội.

– Tổ chức bài viết rõ ràng, lập luận bài viết chặt chẽ, diễn đạt sáng rõ, lưu loát.

 * Yêu cầu về kiến thức

Hướng dẫn chấm chỉ nêu những định hướng chính. Học sinh có thể có nhiều cách

sắp xếp và tổ chức bài làm theo nhiều hướng khác nhau nhưng cần đáp ứng những

kiến thức cơ bản sau:

Giải thích quan niệmNgười cậy ở tâm, cây nương ở rễ.

– Câu ngạn ngữ có cách diễn đạt ngắn gọn, súc tích, cân xứng, giàu hình ảnh. Một ý thể hiện “người”, ý còn lại thể hiện “cây”, cây và người có mối liên quan. Làm người thì nhờ ở tấm lòng (hiểu rộng là đạo đức, nhân cách), loài cây thì dựa vào gốc rễ. Câu ngạn ngữ đã khẳng định phẩm chất cần thiết phải có để làm nền tảng tạo nên giá trị của con người – đó là tấm lòng, đạo đức, nhân cách cao đẹp. Ở cây cối, phần quý nhất chính là phần gốc rễ của nó. Cây chỉ có thể sống được, toả bóng mát, cho đời hương hoa quả ngọt khi có bộ rễ vững chắc; con người chỉ đẹp, chỉ thể hiện được giá trị của mình khi giữ được cái nền tảng tâm hồn cao quý.

Suy nghĩ về quan niệm:

–  Câu ngạn ngữ là lời nhận xét đúng đắn về giá trị con người thông qua đối chiếu giá trị một thực thể trong thiên nhiên. Từ đó mà mở ra một quan niệm sống tích cực – làm người là phải biết nâng niu, giữ gìn tấm lòng, đạo đức nhân cách tốt đẹp. Trong cuộc sống không có con người nào được đồng loại của mình ngợi ca mà lại thiếu đi cái tâm cao quý, không ai đi gửi gắm niềm tin vào một con người có nhân cách không ra gì.

– Đạo đức, nhân cách cao đẹp là những phẩm chất không thể thiếu để làm nên giá trị của một con người nhưng nói như vậy không có nghĩa là phủ nhận những yếu tố khác như tài năng chẳng hạn. Nhưng nếu cho rằng tài năng sẽ làm nên giá trị quyết định của một con người e chưa thỏa đáng, bởi tài năng chỉ là lá cành, quả ngọt còn tấm lòng, đạo đức mới là nền tảng vững bền để lá quả kia nương theo, nhờ vào mà đâm chồi nẩy lộc.

– Học sinh biết đưa ra những ví dụ cụ thể để chứng minh được sự đúng đắn của vấn đề.

Bài học nhận thức và hành động:

– Từ việc nhận thức về tính đúng đắn của lời khuyên trên, học sinh biết rút ra bài học thiết thực cho bản thân – bên cạnh việc học tập tiếp thu kiến thức khoa học, phải không ngừng rèn luyện đạo đức, nhân cách sống để trở thành người hữu ích.

Câu 2:

* Yêu cầu về kĩ năng: Biết cách làm bài văn nghị luận văn học, bố cục rõ ràng, vận dụng tốt các thao tác lập luận. Biết cách chọn và phân tích dẫn chứng để làm sáng tỏ vấn đề nghị luận. Bài viết mạch lạc, trong sáng, có cảm xúc, không mắc lỗi chính tả, dùng từ, ngữ pháp.

* Yêu cầu về kiến thức: Học sinh có thể trình bày theo nhiều cách khác nhau nhưng cần đảm bảo được các ý cơ bản sau:

Giới thiệu vấn đề cần nghị luận (0,5)

Giải thích (1.0)

Thơ cần có hình: Thơ cần có hình ảnh (thiên nhiên, cuộc sống, con người...) để biểu hiện cảm xúc, tư tưởng của nhà thơ. Đây là phương diện hình thức thơ.

Thơ cần có ý: (ý nghĩa nội dung, tư tưởng của thi phẩm); có tình (tình cảm, cảm xúc). Đây là phương diện nội dung thơ.

Ý nghĩa câu nói: tác phẩm thơ cần có sự kết hợp hài hòa giữa hình, ý, tình (hình ảnh, tư tưởng, tình cảm, cảm xúc…). Hay nói cách khác, bài thơ cần kết hợp cả hai phương diện nội dung và hình thức.

Lí giải: (1,5)

Tại sao thơ cần phải có hình, có ý, có tình?

– Đặc trưng của văn chương nói chung và thơ ca nói riêng là phản ánh, biểu đạt thông qua hình tượng nghệ thuật. Không có các hình tượng, thế giới tinh thần không thể biểu hiện cụ thể, nhà thơ không thể truyền dẫn thông điệp nội dung, tư tưởng, tình cảm một cách trọn vẹn, ấn tượng đến người đọc. Thơ ca thuộc phương thức trữ tình, thiên về biểu hiện thế giới chủ quan của con người bằng nhiều cách thức khác nhau nhằm biểu đạt những trạng thái tư tưởng, tình cảm và ý nghĩa phức tạp, đa dạng. Mỗi tác phẩm đều mang một ý nghĩa tư tưởng, thông điệp nhất định đòi hỏi người đọc phải căn cứ vào hình, ý, tình mới cảm nhận được.

–  Biểu hiện, yêu cầu về hình, ý, tình trong thơ: Hình ảnh (có thể là hình ảnh thiên nhiên, cuộc sống, con người…) những hình ảnh đó phải chọn lọc, đặc sắc, có sức khái quát, chân thực, đa nghĩa, nhằm để lại ấn tượng, dấu ấn sâu sắc. Ý, tình (tư tưởng, cảm xúc, tình cảm..) phải trong sáng, tiến bộ, có tính nhân văn, hướng con người tới các giá trị Chân – Thiện – Mĩ… Cảm xúc trong thơ phải mãnh liệt, chân thành, nhà thơ phải lựa chọn được những hình ảnh phù hợp để biểu đạt nội dung tư tưởng, cảm xúc một cách tự nhiên, sâu sắc có sức lay động lớn lao.

=> Tác phẩm văn học nói chung, thơ ca nói riêng chỉ hay khi có sự kết hợp hài hòa giữa hình, ý, tình (nội dung và hình thức).

Phân tích bài thơ Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du để chứng minh.

Hình ảnh giàu sức khái quát: ( 1.5 điểm )

“Hoa uyển”- vườn hoa nơi Tây Hồ xưa đẹp đẽ nay trở thành bãi hoang, gò hoang, theo thời gian và sự bể dâu của cuộc đời, cái đẹp đã biến đổi dữ dội đến tàn tạ. “Son phấn”, “văn chương”: hình ảnh ẩn dụ chỉ sắc đẹp, tài năng của nàng Tiểu Thanh – người con gái có vẻ đẹp hoàn thiện, xứng đáng được hưởng một cuộc sống hạnh phúc nhưng lại bị thực tế phũ phàng vùi dập, phải chịu số phận bất hạnh, đau thương (mảnh giấy tàn, chôn vẫn hận, đốt còn vương).

Ý và tình của nhà thơ: ( 4.0 điểm )

– Tác giả thể hiện sự đồng cảm, xót thương cho cuộc đời, số phận của Tiểu Thanh – một con người tài sắc, bạc mệnh (Thổn thức bên song mảnh giấy tàn). Khóc thương cho Tiểu Thanh là khóc thương cho vẻ đẹp nhân sinh bị vùi dập. Bày tỏ sự bất bình trước những bất công, ngang trái ở đời, tố cáo những thế lực tàn ác đã chà đạp lên quyền sống con người, đặc biệt là người phụ nữ.

– Kí thác những nỗi niềm tâm sự qua việc tự nhận mình là người cùng hội cùng thuyền với Tiểu Thanh với những người tài hoa bất hạnh. Luôn trăn trở với “nỗi hồn kim cổ” tự vận vào mình mà không sao lí giải được (Nỗi hờn kim cổ trời khôn hỏi/Cái án phong lưu khách tự mang)      – Gắn lòng thương người bao la với nỗi thương mình và mong muốn nhận được sự đồng cảm, tri âm của người đời. (Chẳng biết ba trăm năm lẻ nữa/ Người đời ai khóc Tố Như chăng).

=> Thể hiện tình cảm chân thành, mãnh liệt, mối đồng cảm giữa một hồn thơ với một tình thơ.

=> Ý nghĩa tư tưởng của tác phẩm: Thể hiện tư tưởng nhân đạo, nhân văn cao cả, sâu sắc: Tình cảm nhân đạo không dừng lại ở phạm vi quốc gia mà lan tỏa ra ngoài biên giới. Phía sau lòng thương cảm con người là sự tự thương mình của một trái tim âm ỉ và trăn trở với nỗi đau thời thế. Mong muốn về một xã hội tự do, công bằng, nhân ái, con người được đối xử bình đẳng (đặc biệt là người phụ nữ).

Đánh giá, nâng cao (1,5)

Chính hình, ý, tình làm nên sức sống cho các tác phẩm trên. Mỗi tác phẩm thành công là sự kết hợp hài hòa của nội dung và hình thức. Quan niệm thơ của Chế Lan Viên rất đúng đắn, sâu sắc, có ý nghĩa không chỉ với người sáng tác mà với cả người tiếp nhận. Từ thấy đến nghĩ đến rung động là hành trình hình thành của tác phẩm thơ và cũng là hành trình đánh thức người đọc của thi phẩm. Bởi vậy, trong sáng tạo nghệ thuật mỗi nhà thơ phải có thực tài, thực tâm mới làm nên sự sống cho tác phẩm. Độc giả cũng phải mở lòng mình để cảm nhận sâu cái hay, cái đẹp của thi phẩm trên cả hai phương diện nội dung và hình thức nghệ thuật. Nhận định là bài học cho bản thân khi tiếp nhận văn chương và sự trân trọng với những tác phẩm văn học, tài năng sáng tạo và tình cảm mà người nghệ sĩ gửi gắm.

Giám khảo  chấm cần lưu ý những điểm sau đây:

Đáp án và thang điểm chỉ là những gợi ý định hướng cho việc đánh giá, cho điểm bài làm của học sinh. Khi chấm cần có sự linh họat.

Chấm kỹ lưỡng và chính xác. Khuyến khích cho điểm cao những bài viết có cách tư duy độc đáo, sáng tạo; cảm thụ tinh tế; văn viết giản dị, trong sáng, giàu cảm xúc; kết cấu chặt chẽ, bố cục rõ ràng, ý tứ mạch lạc; làm bật được yêu cầu của đề.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *