Đề thi học sinh giỏi :Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại

Đề thi khối 10

TRƯỜNG THPT CHUYÊN                                        ĐỀ ÔN LUYỆN

     HUỲNH MẪN ĐẠT                                      DÀNH CHO HỌC SINH GIỎI  

                                                                                  MÔN NGỮ VĂN, KHỐI 10

 

Câu 1:

Dân gian Việt Nam có câu:

Không có mợ thì chợ vẫn đông,

Mợ đi lấy chồng thì chợ vẫn vui.

Nhà thơ Nga Evtushenkô lại viết:

Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời

Mỗi số phận chứa một phần lịch sử

Mỗi số phận riêng, dù rất nhỏ

Chẳng hành tinh nào sánh nổi được đâu.

(Chẳng có ai tẻ nhạt mãi trên đời– Bằng Việt dịch).

Trình bày suy nghĩ của anh (chị) về vấn đề đặt ra trong hai trích dẫn trên.

 

Câu 2:

“Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại. Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ.’’

(Nguyễn Đình Thi, Tiếng nói  văn nghệ)

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Bằng những hiểu biết của mình về những tác phẩm đã học trong chương trình lớp 10, hãy làm sáng tỏ ý kiến.

HƯỚNG DẪN CHẤM

Câu 1:

  1. Giải thích:

Không có mợ… vẫn vui: mỗi cá nhân chỉ là một phần tử bé nhỏ của tập thể, của cộng đồng, xã hội, không có cá nhân ấy thì xã hội vẫn tồn tại, hoạt động bình thường.

Chẳng có ai tẻ nhạt… sánh nổi đâu: mỗi cá nhân là duy nhất, mang trong nó một phần đặc tính, lịch sử phát triển của cả cộng đồng. Mỗi cá nhân dù nhỏ bé nhưng  là một giá trị riêng góp phần làm nên sự đa dạng, thúc đẩy xã hội phát triển.

à Tác giả dân gian Việt Nam và nhà thơ Nga Evtushenkô đã đặt ra vấn đề mang ý nghĩa triết học về sự tồn tại của mỗi cá nhân con người, mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội.

  1. Bàn luận:

– Hai quan niệm tưởng mâu thuẫn nhưng thực ra lại phản ánh hai mặt của một vấn đề: mỗi cá nhân con người là vô cùng nhỏ bé, thiếu một cá nhân thì xã hội vẫn tồn tại và phát triển bình thường nhưng chính mỗi con người bé nhỏ lại góp phần tạo nên sự phong phú đa dạng, thúc đẩy sự phát triển của xã hội. Bởi vì:

+ Xã hội hợp thành từ hàng triệu triệu con người, thiếu đi một cá thể thì sẽ có người khác điền vào vị trí thiếu hụt đó, xã hội vẫn hoạt động, phát triển bình thường; sự tác động của mỗi cá nhân đến đời sống xã hội là rất nhỏ.

+ Mỗi con người là một cá thể độc đáo, không lặp lại, mỗi cá nhân có nhân cách độc lập duy nhất không thể thay thế, là một thế giới bí ẩn chứa đựng những giá trị người to lớn với hiểu biết, trí tuệ, tài năng, tâm hồn… Cá nhân gia nhập vào tập thể xã hội như là bộ phận của cái toàn thể, thể hiện bản sắc của mình thông qua hoạt động tập thể, trong các mối quan hệ xã hội nhưng không “hoà tan” vào tập thể.

– Mối quan hệ giữa cá nhân và xã hội là mối quan hệ biện chứng, tác động lẫn nhau:

+ Xã hội là điều kiện, là môi trường, là phương thức để lợi ích cá nhân được thực hiện. Cá nhân chỉ được hình thành, phát triển, giá trị được khẳng định trong các mối quan hệ xã hội, trong tập thể (gia đình, giai cấp, dân tộc, nhân loại…).

+ Cá nhân không chỉ là sản phẩm của xã hội mà còn là chủ thể của sự phát triển xã hội. Mỗi cá nhân là vô cùng nhỏ bé nhưng đều góp sức vào sự phát triển chung của xã hội, không có cá nhân thì không thể có xã hội, không có lịch sử phát triển của xã hội.

(Thí sinh đưa dẫn chứng cụ thể để minh hoạ)

  1. Bài học:

– Cộng đồng xã hội, việc quốc gia đại sự rất quan trọng nhưng số phận cá nhân cũng không phải không quan trọng.

– Quan tâm đến số phận cá nhân, tôn trọng giá trị, bản sắc, cá tính của mỗi con người, tăng cường tinh thần đoàn kết, hoà nhập gắn bó với cộng đồng, nỗ lực đóng góp vào sự phát triển chung của xã hội.

– Tránh lối sống cá nhân ích kỉ, thiếu hoà nhập cộng đồng, bệnh “ngôi sao”…

 

Biểu điểm

Điểm 7-8: Bài viết đáp ứng tốt các yêu cầu trên. Hành văn có cảm xúc, lập luận thuyết phục.

Điểm 5-6: Bài viết đáp ứng được những ý cơ bản, hầu như không mắc lỗi về kĩ năng và diễn đạt. (chấp nhận suy nghĩ khác nhưng phải hợp lí, sáng tạo và không đi ngược với chuẩn mực, đạo đức xã hội)

Điểm 3-4: Bài viết chỉ trình bày được khoảng một nửa yêu cầu về kiến thức, mắc ít lỗi  về kĩ năng và diễn đạt.

Điểm 1-2: Bài viết chưa hiểu rõ về vấn đề hoặc không biết cách lập luận, mắc lỗi nhiều về kĩ năng và diễn đạt.

Điểm 0: Bài viết lạc đề hoàn toàn hoặc học sinh không viết bài

 Câu 2:

  1. Giải thích ý kiến của Nguyễn Đình Thi trong Tiếng nói của văn nghệ:

– Giải thích từ ngữ:

+ Tác phẩm nghệ thuật nào cũng xây dựng bằng những vật liệu mượn ở thực tại: đặc trưng riêng của tác phẩm nghệ thuật trong phương thức phản ánh đời sống. Người nghệ sĩ nào khi sáng tác cũng cũng lấy vật liệu mượn ở thực tại – hiện thực khách quan về cuộc sống, con người, xã hội, để xây dựng nên tác phẩm của mình. Có như vậy, tác phẩm của họ mới được công chúng đón nhận, mới đi vào cuộc sống.

+ Nhưng nghệ sĩ không những ghi lại cái đã có rồi mà còn muốn nói một điều gì mới mẻ: tác phẩm không chỉ phản ánh cuộc sống thực tại khách quan (ghi lại cái đã có rồi) mà còn là nơi thể hiện những suy nghĩ chủ quan, hay nói cách khác là tâm tư tình cảm, là tư tưởng của người nghệ sĩ. Đây chính là một điều gì mới mẻ luôn xuất hiện trong sáng tác của họ.

– Rút ra nội dung nhận định: ý kiến của Nguyễn Đình Thi đề cập đến nội dung phản ánh, thể hiện của văn nghệ: tác phẩm nghệ thuật bao giờ cũng phản ánh thực tại và là nơi nhà văn nhắn gửi, thể hiện thế giới tình cảm cũng như tư tưởng, quan điểm nhân sinh của mình. Đây cũng là đặc trưng của các tác phẩm văn chương, tạo nên sức cuốn hút, sự lay động tâm hồn, là Tiếng nói của văn nghệ.

  1. b. Chứng minh qua một số tác phẩm văn học trong chương trình Ngữ văn 10

Học sinh có thể chọn một số tác phẩm tiêu biểu như : Truyện Kiều ( Nguyễn Du); Độc Tiểu Thanh kí ( Nguyễn Du ); Cảnh ngày hè ( Nguyễn Trãi ); Đoạn trích

“ Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” ( Đặng Trần Côn- Đoàn Thị Điểm); Đoạn trích “ Nỗi sầu oán của người cung nữ” ( Nguyễn Gia Thiều )  để qua đó chứng minh hai vấn đề chính:

– Tác phẩm văn học phản ánh thực tại đời sống (ghi lại cái đã có rồi): hiện thực cuộc sống luôn được thể hiện rõ nét

+  Xã hội phong kiến Việt Nam thế kỷ XVIII – nửa đầu thế kỷ XIX hiện lên với những mặt trái của nó – xã hội vô nhân đạo với những thế lực tàn ác chà đạp con người, số phận bi thảm của người phụ nữ như Thúy Kiều  trong Truyện Kiều của Nguyễn Du, nàng Tiểu Thanh trong Độc Tiểu Thanh kí ( Nguyễn Du ); nỗi đau khổ mất mát của con người đặc biệt là người phụ nữ, người vợ của người lính trong chiến tranh như người chinh phụ trong“ Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ”

( Đặng Trần Côn- Đoàn Thị Điểm); đời sống bi thảm của các cung nữ trong cung cấm trong “ Nỗi sầu oán của người cung nữ” ( Nguyễn Gia Thiều ) .

+ Ghi lại chân thực vẻ đẹp rực rỡ của bức tranh thiên nhiên và vẻ đẹp bình bị của bức tranh đời sống con người trong Cảnh ngày hè ( Nguyễn Trãi ).

–  Tác phẩm văn học là nơi nhà văn nhắn gửi, thể hiện tình cảm cũng như tư tưởng, quan điểm nhân sinh của mình (muốn nói một điều gì mới mẻ):

+ Truyện Kiều; Độc Tiểu Thanh kí của Nguyễn Du thể hiện rõ nét sự bất bình, căm ghét đối với xã hội phong kiến, thái độ xót thương vô hạn của nhà văn

đối với những người phụ nữ tài sắc mà bạc mệnh.

+ Đoạn trích “ Tình cảnh lẻ loi của người chinh phụ” ( Đặng Trần Côn- Đoàn Thị Điểm); Đoạn trích “ Nỗi sầu oán của người cung nữ” ( Nguyễn Gia Thiều ) đều nhằm tố cáo xã hội, đấu tranh đòi quyền sống, quyền hạnh phúc của con người, khát khao tình yêu hạnh phúc.

+ Cảnh ngày hè ( Nguyễn Trãi ) Niềm khát khao cao đẹp. Đắm mình trong cảnh ngày hè, nhà thơ ước có cây đàn của vua Thuấn, gảy khúc Nam phong cầu mưa thuận gió hòa để “ Dân giàu đủ khắp đòi phương”. Lấy Nghiêu,Thuấn làm “gương báu răn mình”, Nguyễn Trãi bộc lộ chí hướng cao cả: khao khát đem tài trí để thực hành tư tưởng nhân nghĩa yêu nước thương dân.

(Lưu ý: học sinh cần chú ý đến tính toàn diện, tiêu biểu của dẫn chứng).

  1. Đánh giá chung:

– Ý kiến của Nguyễn Đình Thi đề cập đến nội dung có tính chất đặc trưng của tác phẩm văn nghệ nói chung, tác phẩm văn học nói riêng, gợi cho người đọc có phương pháp tiếp cận tác phẩm đúng đắn và sâu sắc.

– Để có một nội dung sâu sắc, hấp dẫn, nhà văn chẳng những phải có vốn sống phong phú mà còn phải có tài năng nghệ thuật, và quan trọng nhất là tình cảm chân thành, tư tưởng đúng đắn.

 

 

Biểu điểm

– Điểm 11 – 12: Đáp ứng đầy đủ các yêu cầu trên, bài viết sâu sắc, độc đáo; diễn đạt lưu loát, câu văn giàu hình ảnh, cảm xúc; có thể mắc một vài lỗi nhỏ về chính tả và dùng từ.

            – Điểm 9 – 10: Bài viết có nội dung tương đối đầy đủ (có thể còn thiếu một vài ý nhỏ); bố cục rõ ràng; diễn đạt trôi chảy, câu văn có hình ảnh, cảm xúc. Mắc một số lỗi nhỏ về chính tả, dùng từ, viết câu.

            – Điểm 7 – 8: Bài viết đáp ứng khoảng 2/3 nội dung cơ bản của đáp án. Văn có thể chưa hay nhưng rõ ý. Mắc một số lỗi chính tả, dùng từ, viết câu.

            – Điểm 5 – 6: Bài viết đáp ứng khoảng 1/2 nội dung cơ bản của đáp án. Mắc nhiều lỗi hành văn, chính tả.

            – Điểm 3 – 4: Hiểu và trình bày vấn đề còn sơ sài, kết cấu không rõ ràng, còn mắc nhiều lỗi diễn đạt.

                – Điểm 1- 2: Không hiểu đề, không có kĩ năng nghị luận, mắc quá nhiều lỗi diễn đạt.

– Điểm 0: Lạc đề hoàn toàn hoặc không viết gì.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *