Đề thi học sinh giỏi lớp 11: Khi viết truyện ngắn, bạn phải cẩn thận để không làm nó giống thơ ca

Đề thi khối 11
OLYMPIC DUYÊN HẢI LẦN THỨ XI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HOÀNG VĂN THỤ – HÒA BÌNH

 

ĐỀ THI ĐỀ XUẤT

ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN

LỚP 11

Thời gian làm bài: 180 phút

(Đề thi có: 01 trang gồm 02 câu)

 

  Câu 1. (8,0 điểm)

“Nên chăng chúng ta cần tạo ra một nguyên tắc sống mới: luôn luôn cố gắng tử tế hơn mức cần thiết một chút ?” (J. M. Barrie)

Chia sẻ suy nghĩ của anh/chị từ câu hỏi trên.

Câu 2 (12,0 điểm)

Alice Munro, bậc thầy truyện ngắn đương đại được trao giải Nobel năm 2013, từng chia sẻ: “Khi viết truyện ngắn, bạn phải cẩn thận để không làm nó giống thơ ca”.

Anh / chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ qua một tác phẩm truyện ngắn trong giai đoạn 1930-1945.

 ———- Hết ———-

NGƯỜI RA ĐỀ

Nguyễn Giáng Hương

OLYMPIC DUYÊN HẢI LẦN THỨ XI

TRƯỜNG THPT CHUYÊN HOÀNG VĂN THỤ – HÒA BÌNH

 

 

HƯỚNG DẪN CHẤM

ĐỀ THI MÔN NGỮ VĂN

LỚP 11

Thời gian làm bài: 180 phút

 

 

Câu 1 (8.0 điểm)

 

Ý Nội dung Điểm
1 Giải thích

– “tử tế”: cách cư xử tốt lành, quan tâm và có ý thức giúp đỡ, sẻ chia với người khác.

“hơn mức cần thiết”:  vượt lên trên mức độ phải làm, nên làm.

Câu hỏi của J.M.Barrie đã đặt ra một nguyên tắc sống đầy tính nhân văn: không đặt giới hạn cho những điều tốt lành trong cư xử với mọi người. Đây là quan điểm sống đúng đắn, định hướng cho con người trong hành trình vươn tới cái thiện, cái đẹp.

1,5
2 Bình luận

Ý kiến của J.M.Barrie là rất đúng đắn, sâu sắc bởi:

– Cố gắng sống tử tế trên mức cần thiết giúp chúng ta hoàn thiện bản thân và xứng đáng với hai chữ “con người” .

– Sống tử tế hơn mức cần thiết giúp ta luôn cảm thấy nhẹ nhõm, thanh thản, hạnh phúc, đạt tới ý nghĩa đích thực của sự tồn tại.

– Cố gắng tử tế trên mức cần thiết tạo nên những mối quan hệ gắn kết, bền chặt, tạo nên một xã hội nhân văn. Đó chính là nền tảng để thúc đẩy những bước tiến kì diệu của nhân loại.

3,5
3 Mở rộng, nâng cao

Cố gắng cư xử tử tế trên mức cần thiết không có nghĩa là không có giới hạn trong việc cho đi, và ép mình đến mức khắc kỉ. Đó vẫn là cách cư xử tự nhiên, chân thành.

Để có thể sống tử tế hơn mức cần thiết, ta phải có sự sáng suốt, thông tuệ và bản lĩnh. Sáng suốt để tốt đúng người, đúng cách, đúng hoàn cảnh. Bản lĩnh để không lung lay, dao động trong nguyên tắc sống.

Trong xã hội ngày nay, ngoài những người luôn toan tính trong mọi mối quan hệ, vẫn còn đó những trái tim tốt lành sẵn sàng đối xử nhân văn, không vụ lợi.

Liên hệ bản thân và rút ra bài học.

3,0

 

 

Câu 2 (12,0 điểm)

Ý Nội dung Điểm
1 Giải thích

“truyện ngắn”: thể loại tự sự cỡ nhỏ phản ánh cuộc sống qua những lát cắt với hạt nhân là tình huống truyện.

“thơ ca”: thể loại trữ tình thể hiện cuộc sống qua những cung bậc cảm xúc và trí tưởng tượng mạnh mẽ, qua ngôn ngữ giàu  âm điệu.

=> Từ kinh nghiệm viết văn, Alice Munro đã khẳng định truyện ngắn cần có đặc trưng mang tính khu biệt, dù trong sự giao thoa với thơ ca. Từ đó đặt ra yêu cầu đối với người viết truyện ngắn phải sáng tạo những tác phẩm truyện ngắn mang đặc trưng thể loại

2,0
2 Bình luận

– Truyện ngắn và thơ ca có những nét giao thoa khá rõ rệt, đến mức Lep Tonxtoi từng chia sẻ “tôi không phân biệt được thơ và truyện ngắn”. Đó là kết cấu ngắn gọn, là sự cô đọng dồn nén, ngôn ngữ hàm súc, là những chi tiết nghệ thuật giàu sức chứa, mang ý nghĩa biểu tượng sâu sắc.

– Tuy có sự giao thoa với thơ, truyện ngắn vẫn là một đại thể loại, và mang những đặc trưng riêng. Người viết cần ý thức điều đó trong quá trình sáng tạo truyện ngắn, để tạo nên những truyện ngắn đích thực với tình huống truyện độc đáo, phương thức trần thuật đặc trưng, nhân vật điển hình, ngôn ngữ đậm chất văn xuôi… Những yếu tố đó làm nên dung mạo của một truyện ngắn thực sự.

3,0
3 Chứng minh

Học sinh lựa chọn tác phẩm truyện ngắn tiêu biểu của văn học VN giai đoạn 1930-1945, phân tích để làm rõ nét đặc trưng của thể loại truyện ngắn trong tác phẩm đó.

5,0
4 Mở rộng, nâng cao

– Truyện ngắn tuy cần đảm bảo những đặc trưng riêng những điều đó không có nghĩa là nó phải biệt lập, tách rời các thể loại khác. Truyện ngắn vẫn phải có những nét gần gũi, có sự giao thoa với các thể loại khác. Đó chính là dòng chảy tất yếu của văn học.

– Định hướng đối với người sáng tạo: để có thể sáng tạo được những truyện ngắn thực sự, nhà văn cần phải nắm vững đặc trưng thể loại. Nhà văn có thể sáng tạo, song luôn phải có ý thức giữ vững các nét riêng, không sa đà biến tác phẩm truyện ngắn thành một tác phẩm có kết cấu hoàn toàn lẫn lộn, khác xa với đặc trưng truyện ngắn.

– Định hướng đối với người tiếp nhận: người đọc cần chú ý khi tiếp nhận tác phẩm, tự mình tìm ra những nét khu biệt của truyện ngắn, từ đó có thể khám phá được nét độc đáo, thú vị riêng của thể loại này.

2,0

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *