Phân tích hai khổ đầu bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Văn mẫu lớp 11

Phân tích hai khổ đầu  bài thơ Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử

Thơ là cây đàn muôn điệu của tâm hồn của tình cảm, của con tim. Thơ diễn tả rất thành công mọi cung bậc tình cảm, cảm xúc của con người, niềm vui nỗi buồn, sự cô đơn tuyệt vọng. Có những tâm trạng của con người chỉ diễn tả được bằng thơ, vì vậy thơ không chỉ nói hộ lòng mình, mà thơ còn là nỗi khát khao về tình yêu da diết, thấy được sự mong muốn được trở về nơi xa xôi dù đó chỉ là trong tâm thức vô vọng. Mang trong mình những nỗi lòng ấy Hàn Mặc Tử đã sáng tác bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ, và có lẽ hai khổ thơ đầu của tác phẩm đã được nhà thơ gửi gắm trọn vẹn với tất cả nỗi niềm cảm xúc ấy.

“Sao anh không về chơi thôn Vĩ

nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

vườn ai mướt quá xanh như ngọc

lá trúc che ngang mặt chữ điền

 

Gió theo lối gió mây đường mây

dòng nước buồn thiu hoa bắp lay

Thuyền ai đâu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?”

Quả không sai khi nói rằng: với người làm thơ bài thơ là phương tiện để biểu đạt cảm xúc, chỉ có cảm xúc chân thật mới là cơ sở để xây dựng nên một tác phẩm nghệ thuật chân chính, cảm xúc càng mãnh liệt thăng hoa, bài thơ càng có sức ám ảnh lớn đối với bạn đọc. Mang trong mình những bi kịch đau đớn, nhưng cũng bi kịch ấy đã làm nên một hồn thơ rỉ máu mang tên Hàn Mặc Tử. Nhắc đến ông ta không thể nhắc đến bài thơ Đây Thôn Vĩ Dạ, bài thơ được sáng tác năm 1938 lúc đầu có tên là “Ở Đây Thôn Vĩ Dạ”. Theo một số tài liệu bài thơ được gợi cảm hứng từ mối tình vô vọng của Hàn Mặc Tử với cô gái Huế tên là Hoàng Thị Kim Cúc, con gái của ông chủ sở đặc nhiệm Bình Định, khi ông vào Sài Gòn làm báo và một thời gian sau trở về thì Hoàng Cúc đã cùng cha trở về thôn Vĩ Dạ. Lúc ấy ông biết mình bị bệnh phong  phải điều trị tại trại Phong Quy Hòa, ông nhận được bức ảnh từ thôn Vĩ Dạ kèm theo gửi lời hỏi thăm của Hoàng Cúc, những kỉ niệm xưa đã  ùa về….Và Ông đã sáng tác bài thơ này. Đây là bài thơ rất hay viết về cảnh sắc và con người xứ Huế, nỗi niềm khát khao hạnh phúc của thi sĩ đa tình có nhiều duyên nợ giữa người và cảnh thôn Vĩ Dạ.

Mở đầu bài thơ là  sự nuối tiếc vô vọng về những ngày hiện tại và người thôn Vĩ trong bức tranh ấy đẹp tuyệt bích, còn người thì thiết tha, nhớ mong “sao anh không về chơi thôn Vĩ”, câu hỏi tu từ chính là sự phân thân của nhà thơ, nhà thơ đã hóa thân vào người con gái Huế để hỏi, trách móc nhẹ nhàng nhưng ẩn giấu đằng sau ấy là một lời mời mọc rất chân thành. Nhà thơ sử dụng từ “chơi” mà không sử dụng từ “thăm”. Nếu sử dụng từ thăm cấu trúc câu không thay đổi nhưng nó lại trở nên khách sáo, còn từ “chơi” gợi lên sự thân thiết, gần gũi. Mặt khác câu hỏi tu từ này cũng là lời của nhà thơ tự hỏi mình Huế đẹp vậy sao chẳng về chơi. Đó là một câu hỏi đếnkhắc khoải, bởi giờ đây trở về xứ Huế đã trở thành một niềm ao ước của nhà thơ, có lẽ khi làm bài thơ này nhà thơ đang ở giai đoạn cuối của bệnh phong. Nhưng ông chỉ có thể trở về xứ Huế  trong tâm tưởng, dù chỉ là  trong tâm tưởng thì cảnh thiên nhiên ở đây vẫn đẹp lung linh. “nhìn nắng hàng cau nắng mới lên

vườn ai mướt quá xanh như ngọc

lá trúc che ngang mặt chữ điền”

Bức tranh hiện lên thật lộng lẫy, tinh khôi. Khoảnh khắc ấy được chiêm ngưỡng từ xa đến gần, từ xa nhà thơ đã nhìn thấy “nắng hàng cau nắng mới lên”. Câu thơ với điệp từ “nắng” đã gợi lên trong mắt người đọc một không gian tràn đầy ánh sáng, cảnh vật thật rõ nét. Không chỉ là trong tâm trí nhà thơ nhớ đến những hàng cau, đây là một loại cây mang vẻ đẹp đặc trưng của thôn Vĩ Dạ với những thân hình thẳng, lá xanh tươi. Việt Nam có nhiều nhà thơ cũng đã nhắc tới hình ảnh này, hàng cau thường được đặt trong mối tình bình dị của các chàng trai cô gái bám với phong cảnh làng quê Việt Nam, trong “Tương Tư” của Nguyễn Bính đã viết:

“ nhà em có một giàn giầu

nhà anh có một hàng cau liên phòng”

Trong ánh nắng ấm áp với giọt sương long lanh, vườn cây tốt tươi đến mức khách ở xa về phải trầm trồ: “ vườn ai mướt quá xanh như ngọc”

Vườn ai không xác định nhưng người ta cũng có thể hình dung đó là vườn của cô gái Huế. “mướt” là hình ảnh của cây lá sau một đêm dài, đó là màu xanh mỡ màngm non tơ  như màu ngọc bích, gợi lên sự tươi mới của cảnh vật. Tại sao tác giả không dùng xanh thẳm để diễn tả màu xanh của cây lá mà lại dùng đến xanh ngọc. Có lẽ bởi đó là màu xanh tinh khiết, quyến rũ đồng thời nó còn cho ta thấy thiên nhiên nơi đây có chút trẻ trung. Và vẻ đẹp trở nên hoàn hảo hơn hết bức tranh ấy trở nên hoàn hảo hơn khi có sự xuất hiện của con người “lá trúc che ngang mặt chữ điền”   Vĩ Dạ nổi tiếng với màu xanh của trúc là loại cây thường được trồng trước cửa bất chợt trong tâm tưởng của thiên nhiên xuất hiện khuôn mặt chữ điền lấp ló sau hàng trúc, tất cả tạo nên sự hài hòa giữa con người và cảnh vật. Đồng thời qua đó người và cảnh làm cho người đọc không chỉ cảm nhận về vẻ đẹp phúc hậu của cô gái Huế mà đó là vẻ đẹp kín đáo rất thiếu nữ, rất Huế.

Cảnh vật thôn Vĩ hiện lên thật rõ nét, sống động điều đó chứng tỏ khoảng cách về không gian và thời gian không thể làm phai mờ đi những kỉ niệm trong tiềm thức của tác giả, nếu ở khổ thơ thứ nhất nhà thơ nhìn cảnh vật bằng sự lạc quan yêu đời. Thì sang khổ thơ thứ hai đã có sự đổi khác, đó chính là sự mặc cảm về sự chia lìa với một nỗi niềm hoài vọng, bâng khuâng

“gió theo lối gió mây đường mây

dòng nước buồn thiu hoa bắp Lay”

Hai câu thơ đã nói lên vẻ đẹp đặc trưng của xứ Huế. Đó là hình ảnh dòng sông Hương chảy lững lờ trôi mà Hoàng Phủ Ngọc Tường gọi đó là điệu slow tình cảm dành cho Xứ Huế. Hai bên bờ sông bông hoa bắp lay nhẹ nhàng, lay động  nhưng thật trớ trêu khi ở trên cao gió đi theo lối gió, mây đi theo đường mây. Trong thực tế Gió Và Mây là hai sự vật chẳng thể nào tách rời, vậy mà hai chữ chia lìa vẫn đến với những thứ tưởng như không thể. Động thái lay không vui, không buồn nhưng dường như đã mang một nỗi buồn từ vạn cổ. Phải chăng nỗi buồn của nhà thơ đã nhuốm vào màu sắc cảnh vật, như Nguyễn Du đã nói:

“Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ?”

Trong ca dao xưa cũng đã từng sử dụng chữ lay rất tài tình

“ai về dòng giồng dứa qua truông

gió lay bông Sậy bỏ buồn cho em”

Dường như câu ca dao ấy đã xuôi theo thời gian mà bay vào thơ Hàn Mặc Tử, trên xu thế đang trôi đi của thời gian thi sĩ  ước ao để trở về ánh trăng của cõi mộng, cả không gian ngập trong ánh trăng con thuyền trở thành Thuyền trăng, Bến trở thành bến trăng

“Thuyền ai đâu bến sông trăng đó

Có chở trăng về kịp tối nay?

Đọc câu thơ ta có cảm giác như đang trôi vào cõi mộng, giờ như nhà thơ đang sống trong khắc khoải chờ mong, đây không phải là lần đầu tiên ông viết về trăng. Trong thế giới thơ ca của ông trăng như một người tình, người bạn

“Trăng nằm  sõng soài trên cành liễu

đợi gió đông về để lả lơi”

Nhưng trong hai câu thơ của Đây Thôn Vĩ Dạ, trăng lại ít nhiều mang màu sắc của trường phái siêu thực tượng trưng, vì thế hình ảnh rất khó nắm bắt “thuyền ai” phải chăng là thuyền của cô gái Huế, con thuyền của nhà thơ đang mơ ước, chờ mong. Còn “tối nay” phải chăng là giới hạn cuối cùng của cuộc đời nhà thơ, khi ông đang chạy đua với thời gian. Đó là ranh giới giữa sự sống và cái chết, khổ thơ thứ nhất câu hỏi tu từ xuất hiện ngay ở đầu câu, còn đến khổ thơ thứ hai lại xuất hiện ở câu cuối. Câu thơ có sự gói ghém nhiều lớp cảm xúc “Có chở trăng về” là sự mong ngóng hi vọng, “kịp tối nay” là sự khắc khoải, lo âu, là sự hoài nghi khẩn thiết, yêu cầu… Nhưng dường như Hàn Mặc Tử đã dự cảm được rằng, nếu trăng không về kịp thì ông mãi mãi rơi vào tuyệt vọng, đau đớn. Có lẽ đó chính là giá trị trong thơ Hàn Mặc Tử, dù ở bất cứ hoàn cảnh nào ông vẫn luôn níu kéo cuộc sống tha thiết, đắm vào tình đời, làm chỗ dựa cho bản thân. Với một số biện pháp tu từ, nhân hóa so sánh, câu hỏi tu từ, thư pháp liên tưởng, nhà thơ đã phác họa ra trước mắt một khung cảnh nên thơ đầy sức sống và ẩn sâu trong đó là nỗi lòng của chính nhà thơ. Trải qua bao năm cái tình của ông vẫn còn tươi nguyên và day dứt trong lòng người đọc.

Thơ là đi từ cái thực tới cái ảo, từ ảo ảnh đến cái huyền diệu, từ huyền diệu đi đến chiêm bao. Đó là lời của Hàn Mặc Tử về thơ với hình ảnh độc đáo, giàu sức gợi, giàu giá trị thẩm mỹ, ngôn ngữ xúc tích, bài thơ đã thể hiện được tình yêu thắm thiết của Hàn Mặc Tử với xứ Huế mộng mơ. Đồng thời thể hiện khát khao được sống, được giao hòa giao cảm với cuộc đời với con người của ông.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *