Rèn kĩ năng đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn-bài 1

Tài liệu Văn

HỘI THẢO CHUYÊN ĐỀ BỒI DƯỠNG HỌC SINH GIỎI

CÁC TRƯỜNG THPT CHUYÊN KHU VỰC DUYÊN HẢI

VÀ ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ NĂM 2018

  KỸ NĂNG ĐỌC HIỂU TÁC PHẨM

NGOÀI CHƯƠNG TRÌNH CHO HỌC SINH CHUYÊN VĂN

                                                                          

PHẦN MỞ ĐẦU

 

1. Lý do chọn đề tài

Bồi dưỡng học sinh chuyên văn, học sinh giỏi luôn là một công việc rất khó khăn, gian khổ, miệt mài, công phu, phức tạp, đòi hỏi rất nhiều thời gian, công sức, tâm huyết, trí tuệ. Bởi vì, để có kết quả cuối cùng, cả giáo viên và học sinh cần phải giải quyết đến nơi đến chốn rất nhiều vấn đề từ kiến thức lẫn kĩ năng. Riêng ở góc độ kiến thức, học sinh chuyên Văn luôn luôn đòi hỏi phải được trang bị vốn hiểu biết vừa chắc chắn, chính xác vừa phong phú, đa chiều vừa mới mẻ, độc đáo vừa sâu sắc, rộng lớn, uyên bác. Vốn kiến thức đó sẽ giúp các em luôn chủ động, tự tin, bản lĩnh để xử lý được yêu cầu của đề thi. Có như vậy, bài viết thi học sinh giỏi mới có thể tạo được sự thuyết phục, tạo điểm nhấn nổi bật, ấn tượng, tạo sự hấp dẫn, cuốn hút với người đọc, người chấm. Muốn vậy, các em không thể chỉ bằng lòng và yên tâm với việc nắm được các tác phẩm trong chương trình nhà trường mà còn phải chịu khó đọc hiểu những tác phẩm ngoài nhà trường. Bởi sách giáo khoa dù đã được biên soạn cẩn thận và đầy đủ đến mấy cũng không thể nào đưa được tất cả những sáng tác có giá trị của văn học dân tộc và thế giới từ cổ chí kim. Việc học trong chương trình chỉ giúp các em có cái nhìn khái quát, tổng thể hoặc điểm xuyết những đỉnh cao, những “đứa con tinh thần” tiêu biểu nhất của từng tác giả, từng thời đại, từng trào lưu, trường phái,… Cứ như thế, bài viết sẽ dễ trở nên đơn điệu, nhàm chán, cũ mòn, khó có thể mang đến những mới mẻ hay sâu sắc cho người đọc. Do đó, việc đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài trương trình là một yêu cầu nâng cao không chỉ có tính chất tham khảo hay tự nguyện mà là một yêu cầu gần như bắt buộc, sống còn, thậm chí nhiều khi còn đóng vai trò quyết định trong sự thành bại của một bài viết. Bởi thế, chúng tôi đã tìm hiểu chuyên đề “Kỹ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên văn” để góp phần tìm giải pháp nâng cao hiệu quả của công tác bồi dưỡng học sinh giỏi.

 

  1. Mục đích của đề tài

Mục đích của chúng tôi khi nghiên cứu đề tài này trước hết là để tìm hiểu được ý nghĩa, vai trò, tầm quan trọng của việc đọc hiểu tác phẩm người chương trình cho học sinh chuyên văn. Sau đó, chuyên đề hướng tới việc xác định, phân loại, thực hành các kỹ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho đối tượng chủ yếu là học sinh trong đội tuyển học sinh giỏi môn Văn. Từ đó, đề tài này sẽ góp phần tìm ra những giải pháp mới nhằm từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả của công tác bồi dưỡng đội tuyển. Không những vậy, thông qua nghiên cứu này, chúng tôi còn mong muốn giúp các em học sinh được bồi đắp thêm tình yêu với văn học, với những tinh hoa nghệ thuật dân tộc và nhân loại từ xưa đến nay. Đặc biệt, các em sẽ dần được trang bị kĩ năng tự học, tự nghiên cứu để thoat ly sự phụ thuộc vào thầy cô, phụ thuộc vào chương trình sách giáo khoa có sẵn. Học sinh sẽ có khả năng cũng như tâm thế chủ động trên hành trình chinh phục tri thức cả khi còn trong thời gian ngồi trên ghế nhà trường cũng như khi bước ra đời sau này. Đồng thời, chính giáo viên cũng có thêm động lực và kỹ năng để tiếp tục nâng cao công tác tự bồi dưỡng chuyên môn nhằm rèn luyện và hoàn thiện bản thân. Từ hẹp đến rộng, từ quen đến lạ, từ trong sách giáo khoa đến ngoài chương trình, từ trang văn đến cuộc đời, hay thậm chí là từ lý thuyết đến thực tiễn, đó là những mục tiêu mà chúng ta cần hướng tới trên con đường học vấn.

 

 

PHẦN NỘI DUNG

 

I. CƠ SỞ LÝ LUẬN VÀ CƠ SỞ THỰC TIỂN

1. Cơ sở lý luận

1.1. Đối tượng học sinh chuyên Văn

Theo Quy chế trường chuyên do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành, trường chuyên có trách nhiệm hàng năm tổ chức các kỳ thi, cuộc thi, diễn đàn trong trường hoặc với các cơ sở giáo dục khác để phát hiện học sinh có năng khiếu nổi bật. Học sinh có năng khiếu nổi bật được quan tâm đào tạo, theo dõi sự phát triển và đánh giá thường xuyên để có phương thức đào tạo thích hợp nhằm phát triển cao nhất năng khiếu của học sinh. Bộ khuyến khích các địa phương sử dụng các phương pháp, công cụ đánh giá chỉ số thông minh (IQ), chỉ số xúc cảm (EQ), chỉ số vượt khó (AQ) phục vụ việc phát hiện, bồi dưỡng, đánh giá sự phát triển năng khiếu của học sinh và tuyển sinh vào trường chuyên.

Trường chuyên tổ chức các hoạt động giáo dục theo quy định tại Điều lệ trường trung học và tăng cường tổ chức các hoạt động hướng dẫn học sinh làm quen với nghiên cứu khoa học, sáng tạo kỹ thuật, giáo dục giá trị sống, kỹ năng sống, kỹ năng hoạt động xã hội.

Vì thế, vinh dự được học tập dưới mái trường THPT Chuyên nói chung và khối chuyên Văn nói riêng, ngoài các nhiệm vụ như tất cả các học sinh đại trà, học sinh chuyên còn phải tích cực tham gia các kỳ thi, hội thi, hoạt động văn hóa, xã hội và làm quen với nghiên cứu khoa học, sáng chế kỹ thuật theo yêu cầu của nhà trường.

Đặc biệt, sứ mệnh của học sinh chuyên Văn không phải chỉ là giành giải cao trong các kì thi học sinh giỏi mà là bồi đắp tâm hồn, tình yêu và kĩ năng đọc văn, viết văn, phụ vụ đời sống. Vì thế, rõ ràng việc học trong chương trình không bao giờ là đủ, là điểm cuối cùng trên hành trình học vấn. Người đi theo chuyên Văn phải biết vượt qua giới hạn của sách giáo khoa để tiếp tục tìm hiểu, khám phá những tri thức văn chương muôn màu, muôn vẻ ngoài học đường.

1.2. Kỹ năng đọc hiểu

Đọc hiểu là một thao tác gắn với cảm thụ, bình giảng, thẩm định, bàn luận. Đọc hiểu là một trong những kỹ năng quan trọng bậc nhất trong việc học Văn. Bởi tác phẩm văn học là một văn bản nghệ thuật với chất liệu là ngôn từ. Để tiếp nhận, lĩnh hội, khám phá đối tượng đó thì người dạy và người học đều phải được trang bị và rèn luyện kỹ năng đọc hiểu một cách bài bản, chắc chắn, nhuần nhuyễn, thành thục trong một quá trình lâu dài. Nắm được kỹ năng đọc hiểu là có được chiếc chìa khóa để mở ra cánh cửa đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn. Đọc hiểu tốt thì người giáo viên mới có kiến thức để truyển đạt tới người học. Đến lượt mình, học sinh phải biết đọc hiểu thì mới có kiến thức thực sự để thể hiện, bộc lộ trong bài thi. Thậm chí đọc hiểu không chỉ được áp dụng với quá trình tiếp nhận tác phẩm văn học mà còn có ý nghĩa quyết định trong việc giúp học sinh tiếp thu bài giảng của thầy cô giáo. Có thể nói, không có kỹ năng đọc hiểu thì người dạy Văn và học Văn chỉ suốt đời làm một việc duy nhất là nhắc lại, nói theo người khác mà không bao giờ có được ý kiến, nhận định, đánh giá của chính mình. Không biết đọc hiểu thì không thể chiếm lĩnh được kiến thức văn chương.

Đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình giúp chúng ta tích lũy kiến thức. Bên cạnh quá trình quan sát trải nghiệm thực tế, đọc hiểu là quá trình giúp ta có thêm kiến thức gián tiếp do không có điều kiện quan sát thể nghiệm. Chúng ta thấy rõ điều này qua tấm gương của các nhà văn lớn như V. Huygô viết “Những người khốn khổ” phải đi thực địa cống ngầm Pari, chiến trường Oatéclô, Auxteclic. Mặt khác, nó giúp hiểu văn, kích thích suy nghĩ, liên hệ thực tế, bổ sung, trau dồi kinh nghiệm, kĩ thuật viết văn. Hơn nữa, trong hoạt động làm văn, đọc và viết vốn có quan hệ mật thiết với nhau, không nắm được năng lực đọc hiểu thì ta cũng không thể làm tốt được năng lực viết bài hay còn gọi là tạo lập văn bản.

Phương pháp đọc hiểu để tích luỹ kiến thức bao gồm các lưu ý quan trọng như: Không nên đọc tràn lan mà cần chọn lọc tài liệu thuộc phạm vi mình quan tâm, do thầy cô hướng dẫn. Đọc nắm bắt tư tưởng chủ chốt, phát hiện ra vấn đề và biết suy nghĩ liên tưởng, tưởng tượng. Đầu tiên là đọc lướt qua các đề mục, mục lục để bao quát nội dung. Chọn lọc chỗ cần đọc kĩ, đọc sâu, đọc đi đọc lại nhiều lần để nắm bắt lấy tư tưởng. Ngoài ra còn có cách đọc trắc nghiệm, thử dự đoán phần kết thúc. Cuối cùng phải ghi vào sổ tay những trích đoạn, chi tiết, từ ngữ quan trọng, những câu danh ngôn, châm ngôn. Từ những tri thức ấy mà nẩy ra những suy nghĩ mới.

Khi đọc hiểu tác phẩm văn học dù là trong hay ngoài chương trình thì chúng ta luôn luôn phải quan tâm tới đặc trưng của giai đoạn, trào lưu, phong cách thời đại, tác giả. Ví như, khi đọc hiểu văn bản văn học trung đại, ta cần lưu ý đến các vấn đề như: Văn học trung đại viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Vì thế, chúng ta phải hết sức lưu ý đến bản dịch thơ, dịch nghĩa, bản phiên âm. Văn bản Hán Nôm thường dùng nhiều điển tích, điển cố và từ cổ. Khi đọc, cần phải lĩnh hội ý tứ sâu xa của điển tích và sắc thái biểu đạt cổ kính của các từ ngữ. Văn học trung đại thiên về biểu hiện tâm, chí mà ít tả thực các hiện tượng đời sống. Do đó, các hình tượng, chi tiết phần lớn là ước lệ, tượng trưng. Vì vậy, khi đọc văn bản văn học trung đại, một mặt cần tìm hiểu ý nghĩa của các hình ảnh ước lệ, mặt khác cần khai thác tâm sự, chí hướng, lí tưởng, nhân cách mà tác giả gửi gắm trong văn bản. Văn học trung đại thiên về xây dựng cấu trúc ngôn từ vững chãi, đối xứng, hài hoà, hàm súc. Chú ý khám phá điều này để thấy được sự công phu tỉ mỉ của người xưa khi làm thơ văn và hiểu được vẻ đẹp kiến trúc độc đáo của áng thơ văn ấy.

1.3. Tác phẩm ngoài chương trình

Tác phẩm là yếu tố không thể thiếu trong quá trình học văn. Đó là đối tượng mà người đọc cần tiếp nhận, chiếm lĩnh và chinh phục. Thế giới văn chương vô cùng phong phú, muôn màu muôn vẻ như một tấm kinh vạn hoa. Điều đó được tạo nên bởi biết bao sự kiện trong hiện thực cuộc sống, cùng biết bao tư tưởng, cảm xúc của người nghệ sĩ trước thế giới khách quan ấy. Bởi vậy, từ cổ chí kim, từ đông sang tây, văn học có vô vàn tác phẩm thuộc đủ các thể loại, các trào lưu, trường phái, thời đại, giai đoạn, phong cách sáng tác,… Thế nên, sách giáo khoa dù được biên soạn đầy đủ, công phu đến đâu cũng không thể nào đưa được hết các tác phẩm vào nhà trường. Việc đọc tác phẩm ngoài chương trình trở thành một cách duy nhất để bổ sung chỗ còn thiếu đó. Những tác phẩm ấy sẽ mở ra rất nhiều điều mới lạ, thú vị mà sách giáo khoa không bao giờ có được.

 

  1. Cơ sở thực tiễn

Từ nhiều năm trước đây, các kì thi học sinh giỏi các cấp luôn đòi hỏi học sinh phải có kiến thức vừa vững chắc, chuẩn xác, bài bản vừa mới mẻ, phong phú, sâu rộng. Thực tế, những bài thi được điểm cao đều chứa đựng những điều độc đáo ngoài chương trình mà ít thí sinh khác có được. Các thầy cô và học sinh đã sớm nhận ra điều đó và có ý thức chú trọng đúng mức vào việc đọc hiểu tác phẩm trong được giảng dạy trong sách giáo khoa.

Tuy nhiên, ý thức là một chuyện, thực hiện được hiệu quả hay không lại là một vấn đề. Đó là khoảng cách muôn thưở giữa lý thuyết và thực hành, giữa mong muốn và kết quả, giữa mục tiêu và giải pháp. Chúng tôi nhận thấy, mặc dù các giáo viên và học sinh đã thực hiện việc đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình trong thời gian dài nhưng chưa có một nghiên cứu nào tổng kết một cách nghiêm túc, công phu, đầy đủ, bài bản, lớp lang về những kỹ năng cần thiết của vấn đề này. Thậm chí, nhiều khi chúng ta còn chưa phân biệt được nét khác nhau giữa đọc hiểu tác phẩm trong và ngoài sách giáo khoa về mục đích, mức độ, biện pháp, cách thức,…Vì vậy, điều cần thiết bây giờ là chúng ta cần phải nghiên cứu, tìm hiểu một cách nghiêm túc, đầy đủ về kỹ năng đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình cho học sinh chuyên Văn.

 

  1. Kỹ năng đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cho học sinh chuyên Văn
  2. Xác định mục đích và lựa chọn tác phẩm

Việc xác định mục đích sẽ quyết định đến việc triển khai nội dung và lựa chọn cách thức cho phù hợp. Giống như trước khi đặt bút viết, Hồ Chủ tịch thường đặt bốn câu hỏi: Viết cho ai ? Viết để làm gì ? Viết cái gì ? và Viết như thế nào ? Ở đây, ta không cần đặt câu hỏi đầu tiên nữa vì đối tượng mà chuyên đề này hướng tới chính là học sinh chuyên Văn. Nhưng ba câu hỏi sau cần phải làm rõ. Việc xác định đúng mục đích đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình sẽ giúp cả người dạy và người học hướng tới nội dung và cách thức phù hợp.

Nếu mục đích là để củng cố, làm rõ, khắc sâu hơn cho kiến thức trong chương trình thì ta phải chọn những tác phẩm có nét tương đồng ở ngoài chương trình, đặc biệt là hệ thống tác phẩm của chính tác giả mà ta đang tìm hiểu. Ví như muốn giúp học sinh thấy được rõ hơn cách nhìn người nông dân của Nam Cao trong tác phẩm “Chí Phèo” thì ta cần đọc hiểu thêm những truyện ngắn cùng đề tài khác của ông trong giai đoạn này như “Một bữa no”, “Tư cách mõ”, “Trẻ con không được ăn thịt chó”,… Hoặc để hiểu về hồn thơ luôn hướng về mùa xuân, tuổi trẻ, tình yêu một cách đầy vồ vập, bồng bột của Xuân Diệu trong phong trào Thơ mới thì ngoài bài “Vội vàng” trong chương trình, ta cần đọc thêm những thi phẩm khác như “Giục giã”, “Thanh niên”, “Hy Mã Lạp Sơn”, “Xuân không mùa”, “Tương tư chiều”,…

Nếu mục đích là để mở rộng, nâng cao kiến thức để người học có cái nhìn sâu sắc, đa chiều, có tư duy so sánh, phản biện thì ta nên chọn những tác phẩm có nét khác biệt với văn bản trong sách giáo khoa, đặc biệt là của những tác giả khác, thuộc những trào lưu, trường phái khác. Vẫn là trong đề tài người nông dân trước 1945, nhưng để làm sáng tỏ những khám phá độc đáo, mới mẻ của Nam Cao thì ta cần phải liên hệ với những tác phẩm viết về cùng đề tài như phóng sự “Việc làng” của Ngô Tất Tố, truyện ngắn “Thịt người chết” hay “Đồng hào có ma” của Nguyễn Công Hoan,…

Đặc biệt, riêng với học sinh chuyên Văn, việc đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình không chỉ có mục đích thiết thực là để phục vụ các kì thi mà nhiều khi còn phải hướng tới những mục đích lớn lao, cao xa hơn thế. Tôi muốn nói tới việc đọc sách để khơi gợi niềm đam mê, tình yêu văn chương nghệ thuật, để giải trí, tìm những điều thú vị hấp dẫn giá trị thẩm mĩ, nghệ thuật và để bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách. Giống như M. Gorki đã nói:Như những con chim kì diệu trong truyện cổ tích, sách ca hát về việc cuộc sống đa dạng và phong phú như thế nào, con người táo bạo như thế nào trong khát vọng đạt tới cái thiện và cái đẹp. Và càng đọc, trong lòng tôi càng tràn đầy tinh thần lành mạnh và hăng hái. Tôi trở nên điềm tĩnh hơn, tin ở mình hơn, làm việc hợp lý hơn và ngày càng ít để ý đến vô số những chuyện bực bội trong cuộc sống” “Mỗi cuốn sách đều là một bậc thang nhỏ mà khi bước lên, tôi tách khỏi con thú để lên tới gần con người, tới gần quan niệm về cuộc sống tốt đẹp nhất và về sự thèm khát cuộc sống ấy…” Với mục đích như vậy, giáo viên có thể hướng dẫn, giới thiệu, gợi ý các em những tác phẩm kinh điển, đặc sắc, tốt đẹp để đọc thưởng thức, để thấy thế giới văn chương rộng lớn, phong phú và kì diệu đến mức nào. Cách đọc như thế giúp các em hoàn toàn giải phóng đầu óc, không còn áp lực về thi cử hay thành tích. Người học được toàn quyền chọn tác phẩm theo ý thích của mình để nghiền ngẫm rồi cùng giáo viên và bạn học trao đổi, bàn luận, đánh giá. Việc làm này không chỉ bồi dưỡng tình cảm văn chương mà còn kích thích, phát huy tối đa năng lực sáng tạo, tính tích cực, chủ động của người học. Đấy mới là một trong những điều sẽ đi theo các em suốt đời, là một trong những cái được nhất mà môn Ngữ văn nói riêng hay giáo dục nói chung mang đến cho chúng ta, giống như nhà thơ Bằng Việt từng viết :

“Những trang sách đi suốt đời vẫn nhớ

Như đám mây ngũ sắc ngủ trong đầu”

(Nghĩ lại về Paustovsky)

 

  1. Nguyên tắc đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình: quy luật đồng sáng tạo

Trong kiến thức lí luận mà học sinh chuyên Văn được giảng dạy, ta thấy có chuyên đề liên quan mật thiết đến kỹ năng đọc hiểu tác phẩm dù là trong hay ngoài chương trình, đó là bài tiếp nhận văn học. Giáo viên phải sử dụng chính mảng kiến thức lí luận trong đó để truyền đạt, rèn luyện, nâng cao kỹ năng đọc hiểu cho học sinh chuyên Văn. Trước hết, ta phải giúp các em nhận thức được rằng: “Tác phẩm văn học là một sáng tạo thuần túy tinh thần. Chất liệu tạo hình của nó, chỗ dựa vật chất duy nhất của nó là ngôn từ thì lại có tính phi vật thể. Tất cả phụ thuộc vào người đọc có biết đánh thức dậy hay không những hình tượng sống động từ những dòng chữ đơn điệu và lặng câm trên mặt giấy”. (Nguyễn Đăng Mạnh). Bởi thế, tiếp nhận văn học cần sự chủ động của người đọc trong việc lựa chọn thông tin, sáng tạo ý nghĩa của tác phẩm. Nhờ người đọc mà ý nghĩa tác phẩm không ngừng biến động, phong phú thêm trong tiến trình lịch sử. Chế Lan Viên đã từng khẳng định trong sự hoài thai của một tác phẩm nghệ thuật đích thực người nghệ sĩ chỉ quyết định được một nửa, nửa còn lại phụ thuộc vào cuộc sống. Một mình nghệ sĩ không thể làm nên tác phẩm cũng giống như một bàn tay không thể tạo nên tiếng vỗ:

“Bài thơ anh, anh làm một nửa mà thôi,
Còn một nửa cho mùa thu làm lấy.
Cái xào xạc, hồn anh chính là xào xạc lá

Nó không là anh, nhưng nó là mùa…”
(Sổ tay thơ – Đối thoại mới)

Đến khi tác phẩm đã hoàn thành, thì người nghệ sĩ cũng không thể quyết định toàn bộ số phận của nó bởi: “Người sáng tác là nhà văn và người tạo nên số phận cho tác phẩm là độc giả”.(M. Gorki) Mỗi giáo viên, mỗi học sinh chuyên Văn chính mà một người độc giả tiềm năng mà Chế Lan Viên nói tới. Nói cách khác, dù là đọc hiểu tác phẩm trong hay ngoài chương trình thì vai trò chủ động tích cực của người đọc luôn là một trong những yếu tố đặt lên hàng đầu: tiếp nhận không chỉ là tìm về ý tưởng ban đầu của tác phẩm mà là đồng sáng tạo với tác giả. Viên Mai trong “Tuỳ viên thi thoại” cũng đã nhắc người đọc sách với tinh thần tương tự như thế: “Tằm ăn lá dâu nhưng nhả ra tơ chứ không phải nhả ra lá dâu. Ong hút nhụy hoa mà gây thành mật chứ không phải gây thành nhụy hoa. Đọc sách như ăn cơm vậy, kẻ “khéo ăn”, tinh thần sẽ lớn lên, kẻ không khéo ăn “sinh ra đởm, bướu”.

Học văn mà không đọc sách, ít đọc sách, đọc sách mà thiếu phương pháp, hoặc thiếu ý thức học tập tinh hoa của người thì khó mà đến hai chữ văn chương. Lỗ Tấn từng nhắc nhở các nhà văn trẻ: “Không nên đọc riêng tác phẩm của một người, để đề phòng họ bị trói chặt chân tay mình, mà phải học tập rộng ở nhiều người, tiếp thu những cái hay ở họ, chỉ có như vậy thì về sau mói đứng độc lập được”.

Liên quan đến điều này là tính chủ quan và khách quan trong việc tiếp nhận tác phẩm. Về tính chủ quan của người đọc: có bao nhiêu người đọc thì có bấy nhiêu “dị bản” tác phẩm, tuỳ thuộc vào tâm trạng, trình độ văn hoá, hiểu biết, thái độ, tính tình, hoàn cảnh, tính đa nghĩa của văn bản. Nhiều khi tiếp nhận mang tính chủ quan, cảm tính, chuyện về Dostoiepski là môt ví dụ điển hình. Dẫu ông là một đại thi hào của văn học Nga và thế giới nhưng không phải ai cũng chịu được văn của Đốt. Ngay cả những cây đa, cây đề trong văn học Nga cũng không mấy thiện cảm với ông. L.Tônxtôi cho rằng không thể coi “Anh em nhà Kazamazop”  – một tiểu thuyết tiêu biểu của Đốt là một tác phẩm văn học nghệ thuật. Tuốcghênhep thì không nề hà gọi ông là cái mụn trứng cá xấu xí trồi lên giữa bộ mặt văn chương nước Nga. Nabôkôp còn riết róng hơn khi viết hết thảy những tác phẩm của Đốt đều lê thê, vô bổ, nhạt nhẽo, chỉ mang đến cho độc giả những ấn tượng rẻ tiền. Bên cạnh đó, ta không được phép quên tính khách quan của tác phẩm: do tính liên kết, mạch lạc, đặc điểm thể loại, tính quy định của truyền thống văn hoá và thời đại. Người đọc không thể tuỳ tiện, áp đặt. Đọc tác phẩm trong sách giáo khoa, như đi thuyền trong ao, trò dưới nước còn thầy cô đứng xung quanh trên bờ để chỉ dẫn, kèm cặp. Còn đọc tác phẩm ngoài chương trình như một mình giương buồm ra biển lớn, đầy điều bí ẩn, thú vị để khám phá nhưng chắc chắn cũng có vô vàn thách thức rình rập. Vì thế, những nguyên tắc trên đây chính là những điều quan trọng nhất, là cẩm nang vàng mà giáo viên phải lưu ý nhấn mạnh cho học sinh chuyên Văn khi tiếp nhận tác phẩm ngoài chương trình.

 

  1. Các bước đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình

Các bước đọc hiểu tác phẩm ngoài chương trình cũng được tiến hành giống như đọc hiểu tác phẩm chính khóa trong chương trình sách giáo khoa bao gồm: Dựa vào ngữ cảnh để xác định ý nghĩa văn bản. Lấy tư tưởng chính của tác phẩm để soi sáng mọi chi tiết trong văn bản. Thể nghiệm ý nghĩa của văn bản văn học. Giáo viên cần hướng dẫn học sinh các bước cụ thể như: Đọc văn bản, thuộc, ghi nhớ những chỗ hay, tâm đắc. Phát hiện, kiến tạo ý nghĩa của tác phẩm, thưởng thức bằng cách: Hiểu ý nghĩa từng từ, từng hình ảnh, từng chi tiết đơn lẻ và phát hiện mối liên hệ giữa phần đơn lẻ ấy. Đặc biệt, hiểu chỗ bỏ trống: ngoài việc đọc hiểu văn bản ngôn từ còn phải hiểu cả những khoảng trắng, những không gian rỗng, ý tại ngôn ngoại của tác phẩm, nhất là lí giải được chỗ vô lí, mâu thuẫn trong văn bản. BởiChỉ những người điên mới coi thường sách, nhưng có những kẻ ba lần điên hơn nếu chỉ cần đọc trong quyển sách mà thôi” (M.Lênêru) và “Ai đọc sách mà không biết được nhiều hơn những điều viết trong sách, người đó mới sử dụng sách có một nửa. Sách làm trí tuệ của con người sâu sắc hơn và sáng sủa hơn” (G.Letxinh). Cuối cùng, người đọc phải quay về nhận thức chính bản thân mình để xác định tư tưởng và hành động phù hợp. Người đọc được sống với tác phẩm và tác phẩm vừa là của nhà văn vừa là của người đọc.

Trong cuốn “Bông hồng vàng”, Pauxtôpxki kể rằng khi đọc xong cuốn “Những người khốn khổ”, ông đánh dấu trên tấm bản đồ Pari những nơi xảy ra sự kiện trong tiểu thuyết: “Tôi gần như đã trở thành một người tham gia cuốn truyện và đến ngày nay, trong thâm tâm tôi vẫn coi Giăng Van Giăng, Cô dét và Gavơrốt là những người bạn thời thơ ấu của mình. Từ thuở ấy Pari không chỉ còn là quê hương của những nhân vật của Victo Huygô nữa mà đã trở thành quê hương tôi. Chưa nhìn thấy Pari bao giờ nhưng tôi đã yêu mến Pari. Càng về sau tình cảm ấy càng thêm vững chắc.”

Sau đây là một đoạn văn của học sinh chuyên liên hệ tác phẩm ngoài chương trình để bàn về ý kiến “Viết truyện ngắn đều phải kiêng kị hai điều: hết chuyện là hết văn, hết văn là hết chuyện”:

W.Izer đã từng khẳng định: “Xem một tác phẩm không nên xem nó nói ra những gì, mà phải xem nó không nói ra những gì. Chính ở chỗ im lặng có ý nghĩa thâm trầm, trong chỗ để trống về nghĩa đã ẩn giấu cái hiệu năng hiệu quả của tác phẩm. Nếu một tác phẩm mà tính chưa xác định, tính để trống quá ít hoặc là không có thì không thể xem là tác phẩm văn học hay, thậm chí không thể coi là tác phẩm nghệ thuật”. Đó là lí do tại sao viết truyện ngắn đều phải kiêng kị hai điều: hết chuyện là hết văn, hết văn là hết chuyện. Truyện ngắn tuyệt nhiên không bao giờ tách rời việc thể hiện tư tưởng sâu sắc đặc biệt là tính cô đọng, dồn nén và tinh tế.

Truyện ngắn là một “lát cắt của cuộc sống”. Nhà văn đã chọn lọc, chắt chiu “cưa lấy một khúc” để mang đến cho tác phẩm của mình nét tinh hoa, độc đáo và chân thật. Chính vì thế, họ kiêng kị, tuyệt đối tránh xa tình cảnh: hết chuyện là hết văn, hết văn là hết chuyện. Chuyện là những sự kiện, tình huống diễn ra trong tác phẩm. Văn là ngôn ngữ, lời văn được dùng làm phương tiện, hình thức diễn tả sự kiện đó. “Hết chuyện là hết văn” giống như khi sự kiện đi đến hồi kết thì ngôn từ cũng chết. Từ ngữ tồn tại chỉ đóng vai trò kể chuyện một cách giản đơn, nhạt nhòa, hời hợt. Nhà văn chưa chú trọng vào hình thức nghệ thuật hay thể hiện sự sáng tạo, thái độ kì công, đam mê săn sóc cho những hình ảnh, từ ngữ và chi tiết của mình. “Hết văn là hết chuyện” lại giống như khi lời văn dừng thì câu chuyện cũng chẳng được tiếp diễn. Tác giả không mở ra cho người đọc những khoảng trống khoảng vắng,không chứa đựng “chiều sâu chưa nói hết” thì tác phẩm cũng chết. Nội dung quá đơn điệu, nhàm chán, hời hợt. Nó không đủ sức mạnh lay động người đọc, không đủ sức âm vang hay gây ấn tượng mạnh mẽ. Nó không thể khiến chúng ta “suy tưởng không biết chán” để dành thời gian và trí tuệ cho sự suy ngẫm, chiêm nghiệm. Quả thật, tác giả phải mang trong mình khả năng sáng tạo hình thức nghệ thuật độc đáo, tinh tế và cái tài xử lí, kiến tạo nội dung,hay tư tưởng sâu sắcgiúp cho tác phẩm sống mãi với thời gian.

Viết truyện ngắn tức là lao động nghệ thuật. Các nhà văn luôn hết mình cống hiến những tác phẩm có giá trị cả nội dung và nghệ thuật tránh cái chết văn chương, tránh điều kiêng kị của nghệ thuật. Đó là lí do tại sao có những “cái tên” muôn đời vẫn được ghi nhớ, ca tụng. Ô Henri bằng con mắt đầy tình yêu thương, sự đồng cảm và tình huống truyện lôi cuốn, bất ngờ đặc trưng đã khắc họa nên khoảnh khắc đáng nhớ cuối tác phẩm. Chiếc lá “không bao giờ rụng” đã tiếp thêm sức mạnh, niềm hi vọng cho Giôn-xi vượt qua cái chết của sự bi quan, thất vọngvà giúpcụ Bơ men có một cuộc sống mới nơi thiên đường xa xôi. Mỗi nhà văn đều sáng tạo, đều đào sâu đều lao tâm khổ tứ về tác phẩm của mình. Họ khao khát truyền tải hiện thực cuộc sống một cách đầy chân thực, nhân văn và thú vị. Nếu nhà văn kiêng kị, không mắc sai lầm khiến hết chuyện là hết văn, hết văn là hết chuyện thì đó là một tác giả thành công.

 

 

 

  1. Vận dụng kiến thức tác phẩm ngoài chương trình trong bài thi học sinh giỏi
  2. Vận dụng trong phần điểm bình

Việc học tác phẩm ngoài chương trình được vận dụng rõ nhất và nhiều nhất là trong phần điểm bình ở bài nghị luận văn học. Đây chính là chỗ mà người viết có cơ hội để “khoe” kiến thức một cách đắc địa nhất. Điểm bình cho phép học sinh huy động kiến văn cổ kim đông tây một cách tương đối chủ động, tự do. Tác dụng mà nó mang lại cũng rất đáng kể trong việc nâng cao chất lượng của bài viết và tạo ấn tượng tốt với người đọc. Tuy nhiên, nó cũng đòi hỏi người viết phải xác định thật đúng, thật trúng vấn đề để chọn những tác phẩm thực sự phù hợp, thích ứng. Không những vậy, thí sinh còn phải có bản lĩnh thực sự để điều tiết và gia giảm sao cho vừa đủ. Một mặt, kiến thức điểm bình ngoài chương trình không được dài dòng, lan man, ôm đồm, “kềnh càng” bởi như thế người viết tự làm khó mình trong sự sa lầy vào mê cung tác phẩm. Mặt khác, người viết cũng phải tránh việc mở rộng sơ sài, hời hợt, sáo rỗng, cũ mòn, đơn điệu, viết như liệt kê đơn thuần vài ba cái tên tác phẩm nổi tiếng để đánh bóng bài văn mà không có tác dụng thiết thực nào trong việc làm sáng tỏ vấn đề đang bàn.

  1. Vận dụng trong phần chứng minh, bình luận qua thao tác so sánh, liên hệ, mở rộng

Tác phẩm ngoài chương trình còn có tác dụng lớn trong việc giúp học sinh làm tốt phần chứng minh thông qua thao tác so sánh, liên hệ. Nhờ đó, việc phân tích tác phẩm sẽ trở nên mới mẻ, sâu sắc chứ không đơn điệu, cũ mòn như trước. Ví dụ, khi phân tích đoạn thơ trong bài “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mặc Tử, học sinh có thể liên hệ như sau:

Hàn Mạc Tử với giọng thơ đầy uẩn khúc, bí ẩn, đôi khi rất phức tạp nhưng thấp thoáng đâu đó, vẫn xuất hiện lối đi vào vườn thơ thi sĩ vì cánh cửa trái tim luôn rộng mở. Mỗi bài thơ đều ẩn chứa tình yêu đời, lòng ham sống mãnh liệt với cuộc đời nơi trần thế. Liệu có ai hiểu được lòng ông?

Gió theo lối gió, mây đường mây,

Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…

Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,

Có chở trăng về kịp tối nay?

                                       (Đây thôn Vĩ Dạ – Hàn Mạc Tử)

Thơ ca chính là điểm tựa của người nghệ sĩ. Hàn Mạc Tử như muốn bộc lộ, giãi bày nỗi cô đơn, hiu quạnh, sợ hãi của mình. Gió, mây giờ chẳng còn chung đường như định nghĩa của vũ trụ, và cũng chẳng khác gìsự chia lìa ngang trái giữa ông và con người thôn Vĩ nhất là cuộc sống nơi trần thế ông hằng yêu quý. Ngày qua ngày, vẫn cảnh sông nước đìu hiu, miên man, lặng thầm vẫn bủa vây lấy cõi lòng đơn côi ấy. Chính sự mơ hồ, trống trải ấy khiến thi sĩ họ Hàn bỗng đặt ra câu hỏi đầy ám ảnh: “Thuyền ai đậu bến sông trăng đó/ Có chở trăng về kịp tối nay?” Giờ đây, cánh cửa trái tim thật sự trống vắng bởi đã rất lâu rồi không ai đến thăm, không ai khiến nó đập mạnh và thao thức từng nhịp. Tác giả khao khát sự đồng cảm, sẻ chia. Ước gì con thuyền chở trăng nơi phương xa kiasẽ đi đến chỗ mình. Thứ ánh sáng huyền diệu, thanh cao ấy sẽ sưởi ấm con tim băng giá, cô quạnh. Thi sĩ chỉ biết tin tưởng, đặt toàn bộ hi vọng vào trăng và con thuyền ấy. Chúng giải thoát tác giả khỏi sự chia li, trống rỗng mở tới tình yêu tươi đẹp ngày nào. Nơi ấy có con người, có thiên nhiên, có niềm vui, có sự gắn bó, chan hòa. Liệu ai sẽ đèo lái con thuyền đó? Hay con thuyền có về “kịp tối nay” khi chưa hề khởi hành? Thậm chí con thuyền ấy có đi về phía ông? Mọi khát khao, mọi hi vọng lại chìm vào hư không.Trời đất này thực của riêng Hàn Mặc Tử. Ta không hiểu được và chắc cũng không bao giờ ai hiểu được. Nghĩ thế ta bỗng thương con người cô độc. Đã cô độc ở kiếp này và còn cô độc đến muôn kiếp (Hoài Thanh).Tuy chúng ta không hiểu cạn kẽ cuộc đời uẩn khúc hay bí ẩn, cô đơn như thế nào nhưng chắc hẳn mỗi người vẫn có sự đồng cảm sâu sắc. Một thi sĩ luôn mở cửa trái tim để chờ đợi tình yêu. Tình yêu hân hoan say mê đến từ nắng sớm chan hòa nơi hàng cau quen thuộc, từ cảnh vườn xanh mướt, long lanh như ngọc sáng. Từ con thuyền chở muôn vàn trái tim khác ghé thăm ông. Những lời tâm sự của một kiếp người cô đơn, đau khổ đến cùng cực khiến bao người xúc động nghẹn ngào. Nếu Xuân Diệu đại diện cho tuổi trẻ và tình yêu được tận hưởng một cách mạnh bạo, vội vàng, hết mình thì Hàn Mạc Tử lại là sự rối ren, rằng buộc nhiều hoàn cảnh, số phận và bi kịch. Vì thế, để cảm nhận sâu sắc tấm lòng thi sĩ, người đọc cần phải có khả năng nhập thân cùng trái tim ấm nóng, sẵn sàng thấu hiểu, cảm thông. Đôi khi, chúng ta cũng rơi vào tình cảnh như Hàn Mạc Tử, muốn yêu nhưng không thể, muốn gần gũi nhưng bỗng càng xa rời. Quả thật, tác giả cần sự đồng vọng, sẻ chia. Sáng tác thơ là một cách để tìm mối liên kết con người với con người,và với cả thế giới, là một cách tìm thấy “tâm hồn đồng điệu” vậy.

Không chỉ là thơ ca mà mọi thể loại văn học khác cũng cần có tình cảm, có linh hồn hay nói đúng hơn là bày tỏ được tư tưởng, xúc cảm của người nghệ sĩ. Tuy nhiên, văn chương cũng là một quá trình kép. Người sáng tác là nhà văn nhưng người tạo nên số phẩm cho tác phẩm là độc giả (M.Gorki). Nhưng nếu người đọc không có năng lực thụ cảm thì quá trình sáng tác cũng trở nên công cốc hay sao? Những tác phẩm lớn cần những độc giả lớn. Không thể chê tác phẩm khô khan nếu như lòng không đong đầy tình cảm. Không thể chê tác phẩm vô nghĩa nếu như chính mình chưa thực sự hiểu đời và chưa có đóng góp gì đáng kể cho cuộc đời này. Chính vì thế, mỗi chúng ta hãy trở thành những độc giả văn minh và thông thái. Hãy nghiền ngẫm tác phẩm thật kĩ càng, đôi khi bạn sẽ khám phá ra được điều gì đó có giá trị mà trước đây bạn chưa từng biết đến. Nếu tác giả tìm đến thơ ca để giãi bày, chia sẻ tình cảm thì độc giả lại khao khát kiếm tìm sự an ủi, động viên. Đôi khi nó là viên thuốc diệu kì giúp thanh lọc tâm hồn, sống nhân văn, cao thượng hơn để “tách khỏi con thú để lên tới gần con người”. Những điều ấy thật giống như khẳng định của Raxun Gamzatop: “Thơ vừa là chốn nghỉ ngơi vừa là việc đầy lao lực. Thơ vừa là chốn dừng chân, vừa là cuộc hành trình”

PHẦN KẾT LUẬN

 

Việc rèn luyện kỹ năng đọc hiểu tác phẩm văn học ngoài chương trình đã và đang là một trong những điều quan trọng góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và học tập ở các lớp chuyên Văn. Nhưng đi từ sách giáo khoa đến những tác phẩm ngoài chương trình cũng chẳng khác gì con đường đưa ta từ sông suối nhỏ bé ra đại dương bao la, chắc chắn người học sẽ không tránh khỏi cảm giác hoang mang, choáng ngợp, mất phương hướng nhất thời. Nếu không khắc phục được tình trạng đó thì việc mở rộng kiến thức sẽ trở nên lợi bất cập hại, thậm chí phản tác dụng, giống như thuyền nhỏ bị lật chìm trước sóng lớn. Bởi vậy, việc trang bị kỹ năng đọc hiểu, tiếp nhận, vận dụng tác phẩm văn học ngoài chương trình cho học sinh chuyên Văn là điều không thể thiếu, không được phép chủ quan. Đó là kỹ năng cần phải được trau dồi liên tục, cẩn trọng và có định hướng từ thầy cô giáo. Có lẽ văn chương là một trong những lĩnh vực mà hành trình theo đuổi nó đồng hành với cuộc sống một cách bền bỉ và mật thiết nhất. Câu nói học văn là học cách làm người có lẽ không bao giờ lỗi thời. Thế nên, đến với các tác phẩm của sách giáo khoa trong nhà trường chỉ là những bước chân nhỏ bé đầu tiên giúp con người chập chững làm quen với ngưỡng cửa cuộc đời. Còn biết bao điều mới lạ, kì thú và phức tạp, đa đoan đang chờ ta phía trước con đường. Rèn luyện kỹ năng đọc hiểu văn bản nói chung và tác phẩm văn học ngoài chương trình nói riêng chính là một hành trang không thể thiếu để mỗi học sinh chuyên Văn tự tin, vững vàng, hăng hái bước tiếp. Hy vọng, chuyên đề mà chúng tôi cùng các đồng nghiệp ở nhiều trường chuyên khác đang triển khai sẽ góp phần giúp chúng ta làm sáng tỏ ra nhiều vấn đề mấu chốt, phức tạp để nâng cao hiệu quả và chất lượng. Điều ấy sẽ giúp công tác bồi dưỡng đội tuyển học sinh giỏi môn Ngữ văn của chúng ta có thêm những bước tiến đáng kể.

 

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

 

  1. Lê A (Chủ biên) (2009), Thực hành Làm văn lớp 12, NXB Giáo dục Việt Nam.
  2. Lại Nguyên Ân (1999), 150 Thuật ngữ văn học, NXB Đại học Quốc gia Hà Nội.
  3. Nguyễn Duy Kha, Hoàng Văn Quyết (2016), Tuyển chọn những bài văn đoạt giải quốc gia học sinh giỏi trung học phổ thông 2004 – 2014, NXB Giáo dục Việt Nam.
  4. Nguyễn Đăng Mạnh (2002), Con đường đi vào thế giới nghệ thuật của nhà văn, NXB Giáo dục.
  5. Nguyễn Đăng Mạnh (Chủ biên) (2001), Muốn viết được bài văn hay, NXB Giáo dục.
  6. Nhiều tác giả (2009), Lí luận văn học tập 1: Văn học, nhà văn, bạn đọc, NXB Đại học Sư phạm.
  7. Nhiều tác giả (2012), Lí luận văn học tập 2: Tác phẩm và thể loại văn học, NXB Đại học Sư phạm.
  8. Nhiều tác giả (2013), Lí luận văn học tập 3: Tiến trình văn học, NXB Đại học Sư phạm.
  9. Nhiều tác giả (2007), Từ điển thuật ngữ Văn học , NXB Giáo dục Việt Nam.
  10. Trần Đình Sử (2008), Lý luận và phê bình văn học, NXB Giáo dục.
  11. Đỗ Ngọc Thống (2016), Luyện thi trung học phổ thông quốc gia năm 2017 môn Văn, NXB Giáo dục Việt Nam.
  12. Đỗ Ngọc Thống (2016), Tài liệu chuyên Văn tập một, hai, ba, NXB Giáo dục Việt Nam.

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *