Đề đọc hiểu bài phát biểu của GS Nguyễn Văn Minh

Đề thi khối 10
Đọc đoạn trích sau:

” Có những lúc chúng ta đã quá quen với những vỗ về của cuộc sống, của mẹ của cha, không tự lo nổi cho mình những việc giản đơn; rồi thành thói quen và thành ỷ lại. Từ hôm nay, hãy biết nghĩ về nhà, về phố, về đồng làng một nắng hai sương, về người nông dân chờ mùa nước lũ, về những người thân ngày đêm tần tảo và nghĩ lớn hơn là Tổ quốc Việt Nam.

            Quá khứ là hành trang mang theo trong tâm tưởng của mỗi đời người, quá khứ sẽ thôi thúc để vươn lên nhưng chớ sống chỉ bằng quá khứ. Hãy nghĩ về tương lai và hành động để có tương lai tốt đẹp.

Hãy biết nghĩ đến miếng cơm manh áo, nhưng thanh niên, sinh viên mà suốt ngày lẫm lũi để hết tâm trí dồn vào cái ăn, cái mặc cho riêng mình thì thật nhỏ nhoi và bạc nhược. Hãy vượt thoát lên hoàn cảnh để làm những điều cao cả, xây những chí lớn cho đời.

Công cha, nghĩa mẹ là nặng sâu, nhưng hãy nghĩ điều thiêng liêng hơn, đó là đất nước. Không xa đâu, đó là mảnh đất đời người nuôi mình khôn lớn, đó là dòng sông nối giữa đôi bờ, đó là cánh rừng hẹp dần vì mưu sinh của đồng bào nghèo khó, đó là bờ biển dài ôm trọn mảnh đất thiêng và ngoài kia là biển cả sóng vỗ về để có những vần thơ.

Đến tuổi này, các em đừng mơ những giấc mơ đơn độc. Thành công của những ước mơ riêng tư cùng lắm thì thay đổi một phận đời, nhưng đất nước này cần biết bao những ước mơ cao cả để mai ngày hiện thân một dân tộc tự cường.

            Hãy mở toang cái đầu ra để đón những luồng suy nghĩ mới của thời đại. Sự vụn vặt, tiểu tiết trong tư duy cần loại bỏ ngay. Các em là công dân của thời đại hiện đại. Điều đau đáu là chúng ta vẫn để đất nước còn nghèo. Có khi nào trong khoảng nghĩ suy của các em vọng lên những điều trăn trở để dốc lòng cho một tương lai?”

-Trích bài phát biểu  của GS Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng Đại học Sư phạm Hà Nội

Câu 1. Điều lớn lao nhất mà GS Nguyễn Văn Minh định hướng cho các bạn trẻ nên nghĩ tới là gì?

Câu 2. Qua bài phát biểu của Giáo sư, anh/chị có suy nghĩ gì về những hạn chế của giới trẻ ngày nay ?

Câu 3. Anh/chị hiểu như thế nào về câu nói: “Hãy biết nghĩ đến miếng cơm manh áo, nhưng thanh niên, sinh viên mà suốt ngày lẫm lũi để hết tâm trí dồn vào cái ăn, cái mặc cho riêng mình thì thật nhỏ nhoi và bạc nhược” của tác giả?

Câu 4. GS Nguyễn Văn Minh cho rằng: “ Hãy vượt thoát lên hoàn cảnh để làm những điều cao cả, xây những chí lớn cho đời”, còn Thụy Thảo lại tâm niệm: “ Ta mong với trời cao và biển rộng mà quên rằng hoa từ đất mà ra” ( “ Với tuổi” ). Chỉ ra điểm giống và khác nhau trong hai quan niệm trên.

GỢI Ý

Câu 1. Điều lớn lao nhất mà GS Nguyễn Văn Minh định hướng cho các bạn trẻ nên nghĩ tới là: đất nước, tổ quốc Việt Nam

Câu 2.

Nêu được những hạn chế của giới trẻ ngày nay: Dựa dẫm, ỷ lại vào cha mẹ, không tự lo nổi cho mình những việc giản đơn. Để tâm trí vào cái ăn, cái mặc cho riêng mình. Mơ những giấc mơ đơn độc cho bản thân mình. Không chịu tiếp nhận những luồng suy nghĩ mới của thời đại. Tư duy còn vụn vặt, tiểu tiết…

– Suy nghĩ về những hạn chế của giới trẻ ngày nay: Giới trẻ ngày nay phần lớn vẫn quen với sự bao bọc của cha mẹ, vẫn chỉ hướng tới nhu cầu hưởng thụ cá nhân, chưa biết hướng tới những điều lớn lao, chưa biết đón nhận những tư tưởng mới để thay đổi bản thân, thay đổi tư duy. Đó là thực tế đáng lo ngại. Mỗi bạn trẻ cần phải nhìn lại bản thân mình để thay đổi…

Câu 3. Câu nói: “Hãy biết nghĩ đến miếng cơm manh áo, nhưng thanh niên, sinh viên mà suốt ngày lẫm lũi để hết tâm trí dồn vào cái ăn, cái mặc cho riêng mình thì thật nhỏ nhoi và bạc nhược” có nghĩa là: Nghĩ đến những nhu cầu thiết yếu của cuộc sống là điều cần thiết, nhưng chỉ tập trung đảm bảo nhu cầu vật chất cho bản thân sẽ khiến con người trở nên nhỏ bé, yếu đuối về tinh thần, không có ý chí, khát vọng.

Câu 4. “ Hãy vượt thoát lên hoàn cảnh để làm những điều cao cả, xây những chí lớn cho đời”, còn Thụy Thảo lại tâm niệm: “ Ta mong với trời cao và biển rộng mà quên rằng hoa từ đất mà ra” ( “ Với tuổi” ). Điểm giống và khác nhau trong hai quan niệm trên.

– Điểm giống:

+ Cùng đưa ra quan niệm sống tích cực cho con người.

+ Cùng hướng con người tới những điều lớn lao

– Điểm khác:

+ Quan niệm của GS Nguyễn Văn Minh: Con người phải vượt lên trên hoàn cảnh để hướng tới và làm nên những điều lớn lao, cao cả cho đời

+ Quan niệm của Thụy Thảo: Trước khi hướng tới những điều lớn lao, cao cả, con người cần biết trân trọng những điều bình dị, gần gũi trong cuộc sống của mình.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *